Chính trị - Xã hội

Phát triển BHXH tự nguyện: Đột phá từ mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” ở Đồng Tháp

TĐKT - Tính đến nay, Đồng Tháp có 1.443.793 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 18.679 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10.494 người so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này là nhờ có sự nỗ lực, chủ động của toàn thể công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) ngành BHXH tỉnh và cũng là minh chứng cho hiệu quả của việc áp dụng mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” tại Đồng Tháp trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Sa Đéc: Dấu ấn tiên phong Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Nguyễn Phương Oanh cho biết, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đa dạng nhiều giải pháp, trong đó hình thức “ra quân” tuyên truyền được tổ chức thường xuyên hơn với mục tiêu tối thiểu một quý phải triển khai 2 lần và được thay đổi phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đặc biệt, BHXH tỉnh còn phát huy tối ưu giải pháp mô hình truyền thông trực tiếp theo nhóm nhỏ. Đây là nhóm vận động gồm 3 - 4 người, đều đặn duy trì vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Từ sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu, đi sâu, tư vấn sát” của những nhóm vận động này mà nhiều người dân đã hiểu và tự giác tham gia BHXH tự nguyện. Cán bộ BHXH đến nhà vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện tại xã Tân Quy Đông – TP Sa Đéc Để mô hình này phát huy hiệu quả, trước hết phải có sự rà soát kỹ về người tham gia là những người có tiềm năng về kinh tế, từ đó đưa ra hình thức tư vấn phù hợp về phương thức và thời gian đóng BHXH tự nguyện cho người dân. Nếu như ở các khu vực thành thị, bà con được tư vấn có thể tích cóp hằng ngày để tham gia theo tháng thì ở vùng nông thôn, bà con có thể tham gia theo hình thức mùa vụ, cứ xong vụ lúa thì đóng một lần. Giám đốc BHXH TP Sa Đéc Tăng Phước Long cho biết, là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình này, đến nay, BHXH TP Sa Đéc đã thu được những kết quả đột phá trong công tác phát triển BHXH tự nguyện. Năm 2020, sau nhiều lần trăn trở, bàn tính tìm mô hình tối ưu để tuyên truyền, vận động hiệu quả trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, BHXH thành phố đã mạnh dạn đề xuất thành lập mô hình “truyền thông nhóm nhỏ”, đồng thời đã chủ động phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức, thực hiện, giao nhân viên Bưu điện làm trưởng nhóm trực tiếp đến từng nhà để tư vấn, vận động người dân. Năm 2021, mỗi nhóm được giao chỉ tiêu phát triển mỗi tháng ít nhất từ 10 người trở lên. Để thực hiện hiệu quả công tác này, hằng tuần, trưởng nhóm sẽ thông tin cho các thành viên ngày, giờ, địa điểm vận động. Nhân viên đại lý thu BHXH sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và thông báo số người tham gia trong tuần cho nhóm. Bên cạnh đó, lãnh đạo BHXH và bưu điện còn trực tiếp tham gia giám sát hoặc đi cùng nhóm để nắm tình hình, qua đó vừa rút kinh nghiệm, vừa động viên khen thưởng kịp thời những nhóm vận động được nhiều người tham gia. Kết quả, 5 tháng đầu năm 2021, toàn TP Sa Đéc đã vận động được 280 tham gia BHXH tự nguyện (bình quân phát triển mới được 56 người/tháng). Trong đó, có những đợt cao điểm của tháng 5/2021, chỉ trong một ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật các nhóm đã trực tiếp đi vận động được 41 người tham gia BHXH tự nguyện. Chị Huỳnh Thị Thảo, ở Khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cũng như nhiều người dân Sa Đéc rất phấn khởi khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp tại nhà. Ngay sau khi được tư vấn, chị đã chủ động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và sau đăng ký thêm cho cả con gái. Hằng tháng, chị chỉ cần dành dụm một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH tự nguyện, sau này khi hết tuổi lao động chị cũng có lương hưu, không phải lo vướng bận tới con cháu, lại có thêm tấm thẻ BHYT khi nghỉ hưu để yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe lúc già. Hiểu được lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, chị Thảo còn tích cực tuyên truyền với người thân, bà con hàng xóm để ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi về già. Đi từng nhà, gặp từng người… Từ những bước tiên phong mang về hiệu quả của BHXH TP Sa Đéc, mô hình truyền thông nhóm nhỏ hiện đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Trong đó, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cũng là một trong những địa phương nổi bật trong áp dụng mô hình này. Giám đốc BHXH huyện Cao Lãnh Đoàn Văn Đông cho biết, ở huyện Cao Lãnh, nói về lợi thế trong công tác phát triển người tham gia thì không thể không nhắc đến sự nhiệt huyết của những người làm công tác tuyên truyền. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong việc đem chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Thực tế cho thấy năm 2020, huyện Cao Lãnh nói chung và xã Gáo Giồng nói riêng đã phát huy rất tốt vai trò của người làm công tác tuyên truyền. Bằng chứng là đến ngày 03/6/2021 huyện Cao Lãnh đã có 2.921 tham gia BHXH tự nguyện, đạt 87,59% kế hoạch giao (chỉ tiêu 3.335 người). Chị Lê Thị Như Trúc, nhân viên đại lý thu BHXH, là người hăng say nhất với phong trào tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của xã Gáo Giồng. Là người nắm vững chính sách BHXH tự nguyện, chị Trúc đã nỗ lực đi từng nhà, gặp từng người để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với bà con, giúp bà con thêm hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Với sự hăng say, quyết tâm đó, từ năm 2020 đến nay, chị Trúc đã vận động được 146 người trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện. Dưới cái nắng chói chang của miệt đồng, chị Trúc vẫn không quản ngại lặn lội vào những khu dân cư xa trung tâm xã để đưa chính sách BHXH tự nguyện tới bà con. Lau nhanh những giọt mồ hôi, chị Trúc trải lòng: “Có khi để vận động 1 người tham gia, tôi phải đi hàng chục lần, ngồi mấy tiếng đồng hồ để nói cho bà con hiểu hết được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Dù vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc có thể giúp bà con đảm bảo an sinh xã hội về sau thì mình lại có thêm động lực bước tiếp”. Với chị, dù hơi cực nhưng việc đến từng hộ gia đình tiềm năng để tư vấn, tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thật sự mang lại hiệu quả. “Bởi khi xác định được hộ gia đình tiềm năng thì rất dễ vận động vợ hoặc chồng tham gia. Mà khi đã có một người tham gia thì việc vận động thêm những người trong gia đình là không khó. Thực tế, tôi đã vận động được rất nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020”, chị Trúc chia sẻ. Với cách làm hay, hiệu quả từ mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” và phát huy nhiều mạng lưới nhân viên đại lý thu tâm huyết như chị Trúc, thời gian tới, BHXH tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy tối ưu mô hình này nhằm đảm bảo quyền được an sinh cho mọi người dân, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện. Hồng Thiết      

Kết thúc thời gian cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

TĐKT - Ngày 14/6, tạicơ sở Tân Triều, Bệnh viện K tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kết thúc thời gian cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K. Đến dự, có PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục của Bộ Y tế; công an, CDC, Trung tâm y tế Huyện Thanh Trì; Đảng ủy, Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc bệnh viện; đại diện lãnh đạo cáckhoa, phòng, đơn vị thuộc Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.   Bệnh viện K có quyết định chính thức kết thúc áp dụng biện pháp cách ly y tế Bộ Y tế ra quyết định kết thúc áp dụng biện pháp cách ly y tếđể phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Kcơ sở Tân Triều từ thứ hai ngày 14/6/2021 để bệnh viện khôi phục lại hoạt động khám chữa bệnh theo kế hoạch. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.S Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tếđánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt nhiều cặp vợ chồng, bố con, nhiều cán bộ y tế có con nhỏ đã kiên trì bám bệnh viện, với mệnh lệnh từ trái tim đã căng mình chống dịch. Quan trọng hơn,những chiến sĩ áo trắng dũng cảmcòn là điểm tựa tinh thần, là nguồn động viên lớn lao đối với hàng ngàn người bệnh cùng người nhàcách ly tại bệnh viện. PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị bệnh viện sau khi dỡ bỏ phong tỏa sớm từng bước tổ chức triển khai hoạt động đảm bảo 2 mục tiêu: Đảm bảo công tác phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đang cấp thiết của hàng ngàn người bệnh và nhân dân.   Bệnh viện K được dỡ bỏ phong tỏa Theo đó, tất cả người bệnh đến khám, điều trị đều được đăng ký qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người bệnh 1900886684, hướng dẫn khai báo y tế và xác nhận lịch hẹn với bác sĩ trước khi tới bệnh viện. Người bệnh sẽ được hướng dẫn đi theo một chiều đến khu lấy mẫu xét nghiệm nhanhCOVID-19 và ra chờ xét nghiệm tại khu nhà bạt (vùng đệm) trước khi vào khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Để đảm bảo giãn cách và phục vụ công tác phòng, chống dịch,bệnh viện sẽ tiếp nhận hạn chế người bệnh đến khám và điều trị. Trong tuần đầu tiên, Bệnh viện chưa tiến hành phẫu thuật, trừ trường hợp cấp cứu, với trường hợp tối cấp cứu sẽ được mổ ở phòng mổ áp lực âm riêng biệt đã được thiết lập từ trước. Với hoạt động nội khoa và xạ trị, bệnh viện tiếp tục chuyển tối đa bệnh nhân về tuyến dưới có đủ khả năng điều trị, người bệnh sẽ được tăng cường sử dụng phác đồ dùng đường uống, cấp phát thuốc 2 tháng/lần, xạ trị theo khung giờ, ca kíp của từng khoa riêng biệt.Những bệnh nhân điều trị ngoại trú đều được xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên. Người bệnh điều trị nội trú sẽ được xét nghiệm mẫu gộp PCR theo từng khoa trước khi nhập viện.   Bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều trở lại hoạt động Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo các ban, ngành, các cơ quan báo chí của TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, chung tay của các tổ chức, các nhà hảo tâm và đồng bào cả nước đã giúp đỡ bệnh viện. Đây sẽ là động lực to lớn để cán bộ y tế, người lao động bệnh viện tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ trong thời gian tới. Hiện tại, chất lượng vệ sinh môi trường bệnh viện đã đảm bảo cho công tác hoạt động trở lại sau khi gỡ phong tỏa. Tuy nhiên, trước khi bệnh viện hoạt động trở lại vào ngày 16/6, toàn bộ các khoa phòng sẽ được vệ sinh thêm một lần nữa theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn tối đa, giúp người bệnh an tâm điều trị, khám chữa bệnh tại bệnh viện. Hồng Thiết

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021), đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gửi Thư chúc mừng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông của Bộ Nội vụ. Sau đây là toàn văn Thư chúc mừng của Bộ trưởng: Theo tcnn.vn

Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức hành chính, văn thư

Ngày 11/6/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Đối tượng áp dụng Thông tư áp dụng đối với công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Chức danh, mã số ngạch công chức  1. Các ngạch công chức chuyên ngành hành chính: a) Chuyên viên cao cấp mã số: 01.001 b) Chuyên viên chính mã số: 01.002 c) Chuyên viên mã số: 01.003 d) Cán sự mã số: 01.004 đ) Nhân viên mã số: 01.005 2. Các ngạch công chức chuyên ngành văn thư: a) Văn thư viên chính Mã số: 02.006 b) Văn thư viên Mã số: 02.007 c) Văn thư viên trung cấp Mã số: 02.008 Xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành hành chính 1. Các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), như sau: a) Ngạch Chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; b) Ngạch Chuyên viên chính (mã số 01.002) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; c) Ngạch Chuyên viên (mã số 01.003) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; d) Ngạch Cán sự (mã số 01.004) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89; đ) Ngạch Nhân viên (mã số 01.005) áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Trường hợp công chức ngạch nhân viên thực hiện nhiệm vụ lái xe cơ quan không có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm thì áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. 2. Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2007/TT-BNV). Trường hợp công chức chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào ngạch cán sự, ngạch nhân viên theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức thì tiếp tục được xếp lương theo ngạch công chức hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn 05 năm này, công chức phải hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch cán sự, ngạch nhân viên (mới). Khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch cán sự, ngạch nhân viên (mới) thì cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch. Trường hợp công chức không hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch công chức thì thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật. Xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành văn thư 1. Công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, như sau: a) Ngạch Văn thư viên chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; b) Ngạch Văn thư viên (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại Al, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; c) Ngạch Văn thư viên trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Trường hợp công chức có trình độ cao đẳng trở lên được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư viên trung cấp thì được xếp vào bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp; nếu có thời gian tập sự thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp. 2. Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV. Trường hợp công chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương công chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, khi chuyển xếp vào ngạch văn thư viên trung cấp (mã số 02.008) thì việc xếp bậc lương trong ngạch mới được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (sau khi trừ thời gian tập sự theo quy định của ngạch) như sau: Tính từ bậc 2 của ngạch văn thư viên trung cấp, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định. Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch văn thư viên trung cấp, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch văn thư viên trung cấp cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian công chức xếp lương ở ngạch văn thư viên trung cấp. Sau đó, nếu công chức được nâng ngạch thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi nâng ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới. Xem toàn văn Thông tư số 02/2021/TT-BNV. Tại đây./. Theo tcnn.vn

Tiếp tục biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch

TĐKT – Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", chăm lo đời sống nhân dân, Bộ Chính trị nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Một trong số đó là tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Phiên họp Bộ Chính trị ngày 11/6 (ảnh TTXVN) Ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận Số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tại phiên họp ngày 11/6/2021, sau khi nghe đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị kết luận: Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt "chống dịch như chống giặc", kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã huy động được sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đến nay, dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp song cơ bản được kiểm soát, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phòng, chống dịch hiệu quả trên thế giới. Kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh; các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra an toàn, thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị đánh giá cao nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chung tay góp sức trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế; biểu dương sự chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch,… đã có nhiều việc làm sáng tạo, hiệu quả để kiềm chế, đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh; duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội; chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng có dịch; đã bước đầu tháo gỡ một số cơ chế về nghiên cứu, sản xuất, mua và tiêm vắc-xin, thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Đáng chú ý còn có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân trong công tác phòng, chống dịch; một số cơ quan, đơn vị thể hiện sự bị động, lúng túng, thiếu bản lĩnh, ứng phó chưa kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh . . . Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", chăm lo đời sống nhân dân, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm sau: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc-xin cho trẻ em. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc-xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc-xin. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, đưa người về nước, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch. Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vắc-xin, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách. Phương Thanh

Bắc Ninh tập huấn trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 cho doanh nghiệp

TĐKT- Ngày 11/6, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức tập huấn trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Bắc Ninh. Gần 1.000 điểm cầu là các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tỉnh Bắc Ninh đã tham dự. Có mặt tại buổi tập huấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung với trên 331.000 công nhân trong KCN, sản lượng công nghiệp của tỉnh đóng góp khoảng 1 triệu 300 nghìn tỷ đồng hàng năm, đứng thứ nhất toàn quốc. Tập huấn trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 cho doanh nghiệp tại KCN và CCN của tỉnh Bắc Ninh. Dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch, chịu hậu quả lớn do tác động của COVID-19. Buổi tập huấn này có ý nghĩa quan trọng giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp trong KCN. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo phòng dịch. PGS. TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã hướng dẫn các vấn đề cần lưu ý tại các KCN. Bà cho biết, thông qua kiểm tra 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCN tỉnh Bắc Ninh cho thấy nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, chưa có phương án đáp ứng khi có nhiều người lao động mắc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN và tổ chức diễn tập… dẫn đến địa phương còn lúng túng khi có ca bệnh. Theo bà Lương Mai Anh, những tồn tại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh như chưa thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, hoặc thiếu thành phần y tế, công đoàn; chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, phương án xử lý khi có trường hợp mắc tại cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc xây dựng chưa đúng quy định; thông khí nhà xưởng chưa đảm bảo; chưa giám sát được lịch trình di chuyển của người lao động ở trọ… Bà Lương Mai Anh cho rằng cần quản lý chặt chẽ hơn người lao động tại các khu ký túc xá, nhà trọ, chủ nhà trọ. Các chủ nhà trọ, ký túc xá và người lao động ở trọ cần biết rõ các quy định phòng, chống dịch, cần thực hiện khai báo y tế; không để xảy ra hiện tượng tụ tập đông người, không đeo khẩu trang… Bà Lương Mai Anh cho biết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN, bao gồm phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 và tổ chức diễn tập; tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phối hợp giữa các địa phương có người lao động ở và làm việc để quản lý. Ông Đỗ Lê Thành Đạt, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, CDC Bắc Ninh đã đưa ra hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá như kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trong khu; đồng thời thiết lập kênh liên lạc về phòng, chống dịch COVID-19 trong khu như kết nối với CDC tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế; các nội dung xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn để trình trạng “kế hoạch trên giấy”, trên thực tế khi có ca COVID-19 vẫn lúng túng, chưa biết cách xử lý kịp thời, chưa bố trí khu cách ly tập trung tạm thời. Cá biệt vẫn còn tình trạng khi công nhân có biểu hiện, sốt, ho…không đưa người lao động vào khu cách ly tạm thời để điều tra dịch tễ, mà cho công nhân về khu nhà trọ dẫn đến công tác truy vết gặp nhiều khó khăn… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, theo dõi sát sao, sau buổi tập huấn triển khai thực hiện tốt trong các doanh nghiệp của mình. La Giang    

Tặng sổ tiết kiệm cho 2 gương thanh niên dũng cảm cứu bạn thoát khỏi đuối nước

TĐKT - Sáng ngày 11/6, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tỉnh đoàn/Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An đã thay mặt các cá nhân ủng hộ đến thăm hỏi, động viên gia đình và trao 2 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng/sổ và 1 phần quà cho gia đình 2 gương thanh niên dũng cảm Nguyễn Văn Nhã và Lương Mạnh Tuấn để hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn cùng gia đình của các em. Kinh phí trao tặng do cộng đồng người sử dụng Ví điện tử MoMo ủng hộ chiến dịch “Chung tay quyên góp cho gia đình 2 tấm gương Tuổi trẻ dũng cảm cứu bạn đuối nước” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Ví điện tử MoMo triển khai trước đó. Sau gần một tuần phát động, chiến dịch đã gây quỹ được hơn 200 triệu đồng với hơn 50.000 lượt quyên góp. Đại diện các đơn vị tặng sổ tiết kiệm cho gia đình gương thanh niên Lương Mạnh Tuấn Em Nguyễn Văn Nhã (sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) và em Lương Mạnh Tuấn (học sinh lớp 7A3, trường THCS Hạnh Thiết, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là những thanh niên dũng cảm, không màng tính mạng để cứu bạn khỏi đuối nước. Hai em đã ra đi mãi mãi, để lại những khoảng trống không thể lấp đầy cho gia đình, người thân của các em. Đại diện các đơn vị tặng sổ tiết kiệm cho gia đình thanh niên Nguyễn Văn Nhã Cả em Nguyễn Văn Nhã và Lương Mạnh Tuấn đều sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha em Nhã bị tai biến, một người anh bị câm, mẹ đau ốm thường xuyên, 10 năm trước, anh trai của Nhã cũng ra đi vì đuối nước. Nhà em Lương Mạnh Tuấn ở bản Kẻ Nính, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố bị bệnh nặng không có khả năng lao động. Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ làm nông, đi rẫy. Tuy vậy, em Nguyễn Văn Nhã và Lương Mạnh Tuấn đều là những tấm gương nghị lực vươn lên, là những sinh viên, học sinh xuất sắc trong mắt thầy cô, người bạn tuyệt vời trong mắt bè bạn. Ghi nhận hành động dũng cảm cứu người đuối nước của 2 em, được sự ủy quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Nghệ An, ngày 28/4, đã tới thăm hỏi, động viên và trao "Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm" của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới người thân của gia đình em Lương Mạnh Tuấn; ngày3/5/2021, cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình em Nguyễn Văn Nhã, đồng thời, trao Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" của Trung ương Đoàn truy tặng đến gia đình. Mai Thảo  

Ngành Đường sắt hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển hàng nông sản

TĐKT - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên đề nghị hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển nông sản đi các tỉnh miền Trung, miền Nam bằng tàu hỏa. Đây là các tỉnh nằm trong vùng dịch mà bà con đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông các mặt hàng nông sản. Theo đó, để chung tay trong việc giúp bà con tiêu thụ hàng nông sản được thuận lợi và kịp thời, chiều ngày 10/6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Công thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên chỉ đạo, kết nối các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân có nhu cầu vận chuyển hàng nông sản với các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Trong đợt hỗ trợ này(từ 11/6 đến hết ngày 31/7/2021), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện giảm giá cước vận chuyển tối đa là 50%; đồng thời, sử dụngcác toa xe chuyên dụng và container lạnh bảo ôn vận chuyển hàng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Mặc dù là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song với tinh thần “tương thân tương ái”,ngành Đường sắt vẫn sẵn sàng chung tay cùng cả nước hướng về bà con vùng dịchvới cam kết “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cam kết với nguồn  lực hiện có, các doanh nghiệp vận tải đường sắt có thể hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân vùng dịch thực hiện việc vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh miền Trung hoặc phía Nam.”, công văn nêu rõ. Thục Anh

Ban TĐKT Trung ương điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý cấp vụ

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, sáng 11/6, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ. Dự Hội nghị có: Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Đức Toàn; lãnh đạo các vụ, đơn vị, trưởng các đoàn thể thuộc Ban. Lãnh đạo Ban TĐKT Trung ương trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo cấp vụ vừa được điều động, bổ nhiệm Tại Hội nghị, Ban TĐKT Trung ương đã công bố và trao quyết định về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp vụ thuộc Ban. Theo đó, điều động, bổ nhiệm bà Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp (Vụ I) giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; ông Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Vụ III) giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp (Vụ I); ông Thái Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ TĐKT các bộ, ngành, đoàn thể trung ương (Vụ II); ông Đỗ Ngọc Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra. Ban TĐKT Trung ương cũng thông báo phân công bà Đỗ Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ III điều hành Vụ III từ ngày 11/6/2021 tới khi có Vụ trưởng mới; phân công ông Đỗ Ngọc Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra điều hành Vụ Pháp chế - Thanh tra từ ngày 11/6/2021 tới khi có Vụ trưởng mới. Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo cấp vụ đã góp phần làm nên thành tích chung của Ban trong thời gian qua. Đồng thời tin tưởng, hy vọng rằng với trách nhiệm trong công việc, với kinh nghiệm tích lũy được thời gian qua, các đồng chí sẽ sớm bắt nhịp với lĩnh vực công việc mới, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, thực sự là trung tâm đoàn kết của vụ, đơn vị. Trưởng Ban TĐKT Trung ương mong muốn các vụ, đơn vị phối hợp giúp đỡ các đồng chí lãnh đạo mới trong công việc để tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ được giao. Bà Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ phát biểu nhận nhiệm vụ mới Phát biểu nhận nhiệm vụ, bà Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào khi được phân công nhiệm vụ mới; khẳng định quyết tâm sẽ cố gắng tiếp cận nhanh công việc, nghiên cứu, tìm hiểu lĩnh vực mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng của Vụ, đơn vị và các nhiệm vụ do lãnh đạo Ban giao, góp phần đưa công tác TĐKT ngày càng phát triển. Nguyệt Hà

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ủng hộ 500 triệu đồng cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19

TĐKT – Ngày 10/6, tại trụ sở Bộ Tài chính, đại diện Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đây là một hoạt động thiết thực và kịp thời của Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường trong công tác phòng, chống đại dịch. Đại diện Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu ngừng gia tăng số lượng ca nhiễm những ngày gần đây, vắc-xin trở thành giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới sớm đẩy lùi đại dịch. Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt vào ngày 5/6/2021 tại Hà Nội, với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp. Hưởng ứng lời kêu gọi nhân dân đồng lòng cùng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 tổng số tiền 500 triệu đồng. Trong đó, 290 triệu đồng là số tiền quyên góp được từ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường, mỗi người ủng hộ tối thiểu một ngày lương; 210 triệu đồng được trích từ Quỹ của trường. Trước đó, nhằm góp phần hỗ trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho người dân, đảm bảo sức khỏe nhân dân và cộng đồng, ngày 27/5, Công đoàn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã gửi tặng Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh 1.000 thùng nước khoáng và 50.000 khẩu trang y tế. PGS. TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường hy vọng thông qua những việc làm này, nhà trường sẽ góp một phần trách nhiệm đối với việc phòng, chống đại dịch Covid-19, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng về tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng cả nước sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Nguyễn Công Giáp

Trang