Chính trị - Xã hội

Hướng đến Ngày gia đình Việt Nam 28/6

TĐKT - Sáng ngày 28/6 tới, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp”. Hội thảo diễn ra bằng hình thức trực tuyến gồm điểm cầu tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên phạm vi toàn quốc. Dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới; Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố; các cơ quan thông tấn, báo chí.  Hội thảo sẽ cung cấp, thảo luận các kết quả khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ các nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nhằm xác định những giá trị gia đình quan trọng, cốt lõi phản ánh được những đặc điểm của gia đình Việt Nam đương đại cần lưu giữ, phát huy trong bối cảnh chuyển đổi xã hội hiện nay; tác động của các giá trị đó đối với gia đình và phụ nữ; đồng thời, đề xuất, gợi ý các phong trào, cuộc vận động về duy trì, vun đắp giá trị gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam và yêu cầu của xã hội. Từ gần 50 bài tóm tắt được gửi đến Hội thảo, Ban tổ chức chọn ra 18 bài tiêu biểu để đăng trong kỷ yếu Hội thảo, bao gồm 8 bài xuất sắc trình bày tại Hội thảo và xuất bản trong số chuyên đề đặc biệt của Tạp chí Gia đình và Giới quý II/2021. Kết quả của Hội thảo sẽ được tổng hợp, phục vụ quá trình xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh đó, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi trực tuyến “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu” cũng sẽ được tổ chức vào 9h00 sáng 30/6/2021 tại điểm cầu Hà Nội, bằng hình thức online kết nối giao lưu với các tác giả đạt giải tại các địa phương.   Trước đó, Cuộc thi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ ngày 4/3 - 31/5/2021 trên phạm vi toàn quốc, với mong muốn lan tỏa đến cộng đồng, gia đình và từng cá nhân ý thức hành động vì môi trường, tìm kiếm và thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp có thể áp dụng nhân rộng, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em. Sau gần 2 tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân trên toàn quốc (gồm có cán bộ, công chức, giáo viên, trẻ em và người dân tại cộng đồng), với gần 1000 sáng kiến/giải pháp gửi về cho Ban tổ chức, trong đó có nhiều sáng kiến đã và đang được triển khai tại địa phương nhằm góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường tại địa phương/đơn vị nơi tác giả sinh sống, làm việc.        Mai Thảo

Ban hành kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Nội vụ

Ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành Quyết định số 3057/KH-BNV về triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ Nội vụ theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ cần xác định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của Bộ; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các thủ tục hành chính trên tinh thần tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc quy định các thủ tục hành chính mới. Mục tiêu Đề án Năm 2021: Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ. Thực hiện kết nối Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Bộ với các hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp, phục vụ xác thực, định danh. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Bộ. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ đảm bảo đạt tối thiểu 40% để thực hiện việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Năm 2022: Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và bảo hiểm xã hội (nếu cần thiết) để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa. Hợp nhất Cổng Dịch vụ công của Bộ với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa Bộ và địa phương. Giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, công dân tại Bộ phận Một cửa của Bộ xuống trung bình còn tối đa 30 phút/01 lần đến giao dịch. Năm 2023 - 2025: Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ phục vụ cho việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa. Tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được Bộ giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% cho đến khi đạt 100%. 80% tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được xác thực trên hệ thống khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa Bộ Nội vụ với các Bộ, cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Tăng năng suất trung bình của 01 nhân sự trực tại Bộ phận Một cửa của Bộ trong 01 năm lên mức tối thiểu là 2.000 hồ sơ. Giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, công dân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025. Điện tử hóa việc giám sát, đánh giá kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức công khai, minh bạch, hiệu quả. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025. Xem toàn văn Quyết định số 3057/KH-BNV./.

Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì công bố Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index

Chiều 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index đã trở thành công cụ quản lý hiệu quả kết quả CCHC. Ảnh: VGP/Lê Sơn Nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo  Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) , Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và đặc biệt là Bộ Nội vụ trong việc triển khai xác định Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index năm 2020. “Các chỉ số này đã trở thành công cụ quản lý hiệu quả kết quả CCHC, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC hàng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng”, Phó Thủ tướng khẳng định. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, không chỉ trong năm 2020, mà cả trong suốt thời gian qua đối với 2 chỉ số này. Các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển KT-XH của đất nước, đặc biệt, với một năm 2020 có nhiều biến động trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực tại nhiều bộ, ngành và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh phải chống chọi với dịch bệnh như hiện nay. Công tác hiện đại hóa hành chính với việc vận hành hiệu quả Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia như đã nói trên đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa cơ các cơ quan hành chính Nhà nước và giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, tạo hiệu ứng tích cực trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Cũng trong năm vừa qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách… Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để bảo đảm tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động quản lý Nhà nước, là đòn bẩy cho phát triển KT-XH. vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tại một số nội dung cải cách thể chế chưa được xử lý, tháo gỡ. Các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn những hạn chế nhất định; giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn tồn tại. Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm. Triển khai xây dựng và duy trì cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích kết quả, hiệu quả chưa cao. Tại địa phương, kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt tỷ lệ 34,2%. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 chỉ đạt bình quân 23,03% so với tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận (trực tiếp và trực tuyến) của các TTHC thuộc phạm vi đánh giá. Ảnh: VGP/Lê Sơn CCHC phải toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động Đề cập đến phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC cả nước, mà các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Một là, căn cứ kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020 và Chỉ số PAR Index năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả CCHC thuộc phạm vi quản lý. Nghiên cứu các giải pháp, triển khai thực hiện kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Báo cáo số 334/BC-MTTW-BTT ngày 17/5/2021 về kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020. Tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 468/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương. Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Ảnh: VGP/Lê Sơn Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; việc họp trực tuyến và xử lý công việc trên môi trường điện tử; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương tích hợp với tích hợp với Hệ thống báo cáo Chính phủ; tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Sáu là, Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phương pháp, nội dung, có cách làm mới trong đánh giá Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index cho phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh. Theo Lê Sơn baochinhphu.vn  

Thủ tướng bổ nhiệm đồng chí Trương Hải Long làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 955/QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long Đồng chí Trương Hải Long sinh năm 1976, có nhiều năm công tác tại Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ từ vị trí chuyên viên, rồi Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức. Ngày 17/10/2017, đồng chí được Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức.  Như vậy, Hiện Bộ Nội vụ có 05 Thứ trưởng gồm các đồng chí: Nguyễn Trọng Thừa, Vũ Chiến Thắng, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường và Trương Hải Long./. Theo Nhật Nam tcnn.vn

Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

TĐKT - Sáng 24/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí, giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 -10/8/2021). Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thông tin tới các cơ quan báo chí về hoạt động của Hội Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội sẽ chủ trì tổ chức 3 sự kiện chính tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội điển hình tiên tiến "Vì nạn nhân chất độc da cam" lần thứ IV được tổ chức nhằm tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2021, đề ra phương hướng phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2026, tôn vinh, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam". Hội thảo khoa học quốc tế "Bệnh, tật liên quan với chất độc da cam - Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dự phòng và điều trị" do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và Học viện Quân y, dự kiến diễn ra vào ngày 7/8/2021 tại khách sạn La Thành. Hội thảo nhằm đánh giá về thực trạng bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất dộc da cam/dioxin do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người. Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 10/8/2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Qua đó, khẳng định tính chất nguy hại, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Quân đội Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1961 - 1971; nỗ lực của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường, sinh thái. Kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin về vật chất, tinh thần; ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đoàn kết, tập hợp lực lượng, cùng với phong trào quốc tế đấu tranh chống việc sản xuất, tàng trữ, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hóa học. Tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các sự kiện sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoặc thu gọn quy mô trong phạm vi cho phép. Ngoài các sự kiện chính nêu trên, Trung ương Hội sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương... tổ chức nhiều hoạt động phong phú: Triển lãm với chủ đề "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại", tổng kết, trao giải cuộc thi viết do Trung ương Hội phát động với đề tài "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam" lần thứ nhất, năm 2020 - 2021; phối hợp với Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia phát động chương trình nhắn tin từ thiện "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - 2021". Thực hiện "Năm hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam", Trung ương Hội đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thăm và tặng quà nạn nhân chất độc da cam trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam. Tổ chức đợt vận động cao điểm nguồn lực trong nước và quốc tế ủng hộ vật chất, kinh phí giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, nhất là những nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân và nạn nhân đặc biệt, được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương quan tâm tuyên truyền các hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Phương Thanh

Phẫu thuật nội soi cứu bệnh nhi thoát vị hoành bẩm sinh

TĐKT - Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhi B.V.D bị thoát vị hoành bẩm sinh. Qua khai thác bệnh sử được biết, khi siêu âm trước sinh thai nhi tuần thứ 37 phát hiện ruột chui lên ngực nên thai phụ được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương để mổ đẻ. Sau sinh, cháu được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi cứu bệnh nhi thoát vị hoành bẩm sinh TS. BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trực tiếp phẫu thuật cho biết: Sau đẻ, các trẻ có thoát vị hoành thường biểu hiện suy hô hấp sớm. Chính vì vậy, trẻ cần được theo dõi, hồi sức tại khoa sơ sinh để có biện pháp hỗ trợ hô hấp ngay. Đây là giai đoạn dễ gây tử vong nhất nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc quản lý thai phụ và siêu âm phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng để lập kế hoạch điều trị sau sinh. Phẫu thuật thoát vị hoành đòi hỏi phải được thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa về phẫu thuật sơ sinh cũng như gây mê, hồi sức. Trường hợp cháu D nặng 2500 gam, 1 ngày tuổi đã được phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi ngực với dụng cụ nội soi 3mm đưa ruột, lách xuống ổ bụng, khâu lại cơ hoành, sau phẫu thuật trẻ được hồi sức thở máy. Hiện tại, sau mổ ngày thứ 3, tình trạng bé ổn định, tự thở và bú sữa mẹ. TS. BS Nguyễn Việt Hoa thông tin thêm: Thoát vị hoành bẩm sinh là sự khiếm khuyết của cơ hoành dẫn đến các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng, dạ dày, lách, gan chui lên lồng ngực từ khi thai nhi trong bụng mẹ gây thiểu sản phổi. Tỷ lệ gặp bệnh khoảng 1/2500 – 1/5000 trẻ. Thường gặp là thoát vị hoành bên trái (90%) và chủ yếu là thoát vị qua lỗ sau bên của cơ hoành trái (Thoát vị Bochdalek). Nguyên nhân tử vong chính của thoát vị hoành là do sự thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, kết hợp các dị tật khác phối hợp. Trước đây, tỷ lệ tử vong của thoát vị hoành là trên 60%. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ trong chẩn đoán sớm trước sinh, hồi sức sơ sinh,  phương pháp phẫu thuật mà tỷ lệ tử vong đã giảm hẳn, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân thoát vị hoành bẩm sinh từ 80 - 90%. Tại Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ  khám và tư vấn nhằm phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục như hẹp bao quy đầu, vùi lấp dương vật, lỗ đái thấp, cong vẹo dương vật, thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh…, các dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu như: thận ứ nước, giãn thận, giãn niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản, các bệnh lý tiêu hóa và các khối u bẩm sinh; các dị tật tay chân, lồng ngực (thừa ngón, biến dạng chi, lõm xương ức…). Hiện nay, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch Covid-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh khi đến viện để phẫu thuật.  Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh đã thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh để gia đình hoàn toàn yên tâm khi đưa trẻ đến viện điều trị. Mục tiêu của bệnh viện là giữ an toàn cho tất cả người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện trong khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe. La Giang

Tiêm chủng quốc gia phòng Covid-19 tiến tới miễn dịch cộng đồng

TĐKT - Để tiến tới miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã đặt vấn đề tiêm chủng quốc gia lên hàng dầu để đảm bảo an toàn cho người dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long PV: Xin Bộ trưởng cho biết những điểm cơ bản của chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có năm đặc điểm chính. Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường. Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện tại các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách thuận lợi nhất và dễ dàng nhất. Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này. Thứ tư cũng là điểm rất quan trọng của chiến dịch này, đó là sự triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này. Thứ năm, chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua tin nhắn sms. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm. Đồng thời, cán bộ tiêm chủng cũng sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý người được tiêm chủng thông qua hệ thống phần mềm do Bộ Y tế phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng triển khai nội dung này. Sổ sức khỏe điện tử này đồng bộ hóa cả kết quả tiêm chủng và thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vắc xin. Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để cơ quan y tế quản lý và xử trí kịp thời. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, tại sao lại đặt mục tiêu chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là tiêm cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam?   Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Mà muốn có miễn dịch cộng đồng, việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vắc xin. Phóng viên: Bộ Y tế đã chuẩn bị như thế nào để luôn đảm bảo an toàn tiêm chủng? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác), Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe thì họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Thực hiện: La Giang

Nestlé Việt Nam ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19

TĐKT - Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Công ty Nestlé Việt Nam và công ty La Vie (thuộc tập đoàn Nestlé) ủng hộ 4 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 tại các tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai và Long An, nhằm chung tay đóng góp cùng cả nước chống dịch. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam trao tặng tài trợ của Nestlé Việt Nam cho tuyến đầu chống dịch. Từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 cho đến nay, công ty Nestlé tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch đại dịch của Chính phủ, bao gồm hỗ trợ tuyến đầu, cộng đồng, các đối tác kinh doanh nhỏ lẻ bị ảnh hưởng các sản phẩm dinh dưỡng, tiền mặt và khẩu trang y tế, với tổng trị giá 47 tỷ đồng. Ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, hoan nghênh sự hỗ trợ của công ty: Nestlé Việt Nam là một trong những nhà đầu tư tiêu biểu tại Hưng Yên. Không chỉ liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, đóng góp ngân sách và tuân thủ tốt các chính sách pháp luật, Công ty còn tích cực chung tay thực hiện các hoạt động xã hội và hỗ trợ cộng đồng của tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn toàn xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sự đóng góp đầy ý nghĩa của công ty cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 một lần nữa khẳng định điều này. Chúng tôi đánh giá cao về những đóng góp và nỗ lực không ngừng của Nestlé Việt Nam cho sự phát triển bền vững và sự thịnh vượng chung của cộng đồng. Đại diện Nestlé Việt Nam trao tặng 1 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin Covid-19 tỉnh Hưng Yên. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, chia sẻ: Thông qua việc ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, chúng tôi muốn tiếp tục thể hiện lòng tin tưởng và cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng các địa phương nơi chúng tôi đang hoạt động hành động đẩy lùi đại dịch, tiếp tục với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, Nestlé Việt Nam cũng đã đồng hành cùng đối tác hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang phòng, chống đại dịch với tổng số tiền gần 860 triệu đồng. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, công ty đã ủng hộ gần 182.000 sản phẩm thực phẩm và thức uống dinh dưỡng với tổng giá trị 3,82 tỷ đồng. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Nestlé Việt Nam đã đặt ra 5 ưu tiên giúp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 gồm: Đảm bảo an toàn và phúc lợi cho nhân viên; tối ưu hóa nguồn cung; tối ưu hóa kênh phân phối; linh hoạt trong cách tiếp cận với với tiêu dùng, và chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng. Công ty Nestlé Việt Nam trao tặng 62.000 sản phẩm dinh dưỡng trị giá 860 triệu đồng chung tay cùng Bắc Ninh chống dịch Công ty cũng luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, phổ biến các quy định về phòng, chống dịch cho toàn thể công nhân, lao động của công ty để cùng thực hiện như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại công ty, giữ khoảng cách, ưu tiên các cuộc họp online, tăng cường giãn cách ở khu vực sản xuất, lắp đặt các vách phân vùng, tấm chắn phòng dịch. Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Nestlé (Thụy Sỹ) đã đóng góp 2 triệu franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương gần 49 tỷ đồng ủng hộ tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Số tiền đóng góp được chuyển cho Quỹ ứng phó với Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mai Thảo        

Đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại

TĐKT - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Công an chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC), dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) và Lễ công bố vận hành chính thức Hệ thống từ ngày 1/7/2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (ảnh: BCA) Báo cáo tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CSDLQGDC vào tháng 3/2020 và dự án CCCD vào tháng 9/2020, chỉ trong thời gian hơn 1 năm, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án. Bộ Công an xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là chiến dịch của toàn lực lượng trong năm 2020 và năm 2021; đồng thời đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vượt lên chính mình để hoàn thành 2 dự án vào ngày 1/7/2021. Tổng kết hai dự án trọng điểm này có thể thấy những kết quả nổi bật như: Đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD; hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc; hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ CCCD mới có gắn chíp điện tử; đồng thời trong thời gian ngắn hoàn thành triển khai chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước cho công dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp; đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công CSDLQGDC với các bộ, ngành, địa phương. Trong điều kiện khó khăn về biên chế, Bộ Công an đã cố gắng bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện 2 dự án từ trung ương tới cơ sở, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp công an, đặc biệt là đã bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 đồng chí), đây là nguồn nhân lực quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày. Với những kết quả đã đạt được, Bộ Công an chính thức công bố đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu dự án CSDLQGDC và dự án CCCD. Hai hệ thống này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. (ảnh: BCA) Việc hoàn thành xây dựng CSDLQGDC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách. Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc công bố vận hành chính thức hai hệ thống CSDLQGDC và CCCD là điểm nhấn quan trọng, là bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng CSDLQGDC” cho các cá nhân. (ảnh: BCA) Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên của nhân dân. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục hoàn thiện CSDLQGDC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD; bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu; tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu, triển khai ứng dụng để khai thác, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp… Tại Hội nghị, 28 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 8 cá nhân bên ngoài lực lượng Công an nhân dân được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 15 công an địa phương nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; nhiều cá nhân được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng CSDLQGDC”. Nguyệt Hà

Trang