Chính trị - Xã hội

Hành trình Đỏ lần V/2017 dự kiến tiếp nhận 45.000 đơn vị máu

TĐKT - Sáng 10/7, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí giới thiệu Hành trình Đỏ - lần V/2017 với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt". Chương trình được tổ chức từ ngày 1/7 - 31/7 tại 28 tỉnh, thành phố, dự kiến tiếp nhận được khoảng 45.000 đơn vị máu. Đây là chương trình trọng tâm trong Chiến dịch "Những giọt máu hồng hè" do Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động.   Hành trình Đỏ lần V/2017 nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của 28 tỉnh, thành phố. Trong đó, có nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hành trình Đỏ 3 - 4 năm liên tiếp: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa... và cũng có những địa phương lần đầu tổ chức như Long An, Đồng Nai. Ngoài các hoạt động truyền thông, chương trình khai mạc, thăm hỏi bệnh nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, nhiều địa phương đã triển khai ngày hội hiến máu tại các huyện, thị nhằm kích thích phong trào hiến máu phát triển đồng đều. Đây cũng là cơ hội để nhiều người dân ở những vùng xa trung tâm tỉnh, thành phố được hiến máu, chia sẻ với người bệnh. GS, TS. Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ lần V/2017 phát biểu khai mạc buổi gặp mặt. Năm 2017, hai đoàn hành trình với 140 tình nguyện viên được chia thành 2 cánh: Hành trình Đỏ cánh phía Nam xuất phát từ Đất Mũi (Cà Mau), đi qua 18 tỉnh, thành phố; Hành trình Đỏ cánh phía Bắc xuất phát từ Phú Thọ, đi qua 9 tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc. Hai đoàn Hành trình Đỏ sẽ hội quân tại Hà Nội vào ngày 27/7 và tổ chức một chuỗi các sự kiện, trong đó có ngày hội hiến máu "Giọt hồng tri ân" tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (ngày 29/7). Ngày 1/7 vừa qua, Lễ xuất quân Hành trình Đỏ cánh phía Nam và ngày hội hiến máu Giọt hồng Đất Mũi đã được tổ chức tại Cà Mau. Đoàn đã di chuyển qua Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến thời điểm hiện tại, Hành trình Đỏ đã tiếp nhận được hơn 5.600 đơn vị máu. Ngày 10/7, đoàn Hành trình Đỏ cánh phía Bắc sẽ chính thức lên đường và tổ chức chuỗi hoạt động tại tỉnh Phú Thọ: Lễ xuất quân; thăm hỏi, tặng quà, tổ chức giao lưu với thương binh tại Khu điều dưỡng thương binh nặng; khai mạc chương trình Giọt hồng Đất Tổ; ngày hội hiến máu Giọt hồng Đất Tổ; dâng hương các Vua Hùng và tham quan Khu di tích Đền Hùng.  GS, TS. Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ lần V/2017 cho biết: "Tình trạng thiếu máu còn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Những chương trình như Hành trình Đỏ sẽ góp phần đáng kể trong việc đáp ứng ngay lượng máu lớn cho cấp cứu, điều trị, đồng thời vẫn tạo được hiệu ứng truyền thông lâu dài và mạnh mẽ về hiến máu để nâng cao nhận thức của người dân. Ở nước ta, Hành trình Đỏ đã góp phần thay đổi diện mạo phong trào hiến máu tình nguyện từ quy mô tổ chức, hoạt động truyền thông đến các hoạt động chuyên môn. Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện, các trung tâm truyền máu, bệnh viện trên cả nước đã thuần thục việc vận động và tiếp nhận hàng ngàn đơn vị máu trong một ngày, thuần thục các quy trình xử lý máu, đảm bảo an toàn truyền máu tại địa phương, điều tiết máu giữa các tỉnh, thành phố...” Phương Thanh

Ngày hội Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017

TĐKT - Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ngày hội Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ phối hợp cùng Tổng Cục dạy nghề, Trường Đại học Bác Khoa Hà Nội tổ chức, đã thu hút được hàng nghìn học sinh, phụ huynh đến tham dự. Đây là chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp mang tính chất phi lợi nhuận, xuất phát từ trách nhiệm xã hội của những người làm báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm qua, nhằm hỗ trợ ngành giáo dục vào mỗi mùa thi và giúp các thí sinh giải tỏa băn khoăn, lựa chọn và quyết định con đường tương lai của mình. Ngày hội tư vấn xét tuyển năm nay được bố trí thành các khu vực tư vấn xét tuyển chuyên sâu các nhóm ngành: khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật, y dược, nông lâm, khoa học xã hội, kinh tế, quản lý kinh doanh, ngoại ngữ, sư phạm, báo chí - truyền thông, công an, quân đội. Gần 80 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong cả nước tập trung tại Ngày hội. Bên cạnh đó, gần 80 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong cả nước tập trung giới thiệu chi tiết về trường mình tới thí sinh và tư vấn trực tiếp về mức điểm, ngành học phù hợp… Đặc biệt, ngay tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã công bố mức học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017 của Báo Tuổi Trẻ. Theo đó, dự kiến học bổng “Tiếp sức đến trường” năm nay sẽ dành hơn 12 tỷ đồng để trao cho các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ không được đến trường. Để ghi nhận những đóng góp của chương trình, tại Ngày hội, Bộ Giáo dục và Đào  tạo đã trao Bằng khen cho Báo Tuổi Trẻ - đơn vị chủ trì chuỗi chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, Tập đoàn Vingroup (đơn vị đồng hành cùng chương trình). Chương trình được tổ chức theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 15 chương trình tư vấn và 3 ngày hội đã diễn ra liên tục từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2017. Giai đoạn 2 diễn ra vào tháng 7, ngay sau khi có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Năm nay, Ngày hội Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng lần lượt diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8/7; TP Hồ Chí Minh ngày 9/7 và TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 15/7. Thục Anh

Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

TĐKT- Chiều 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh. Cùng dự có Thứ trưởng LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại họp báo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 70 năm qua (1947-2017), công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, đại bộ phận người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Qua các thời kỳ, pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng được với thực tiễn cuộc sống. Đa số người có công được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng. Các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh để hỗ trợ đời sống cho gia đình người có công.  Từ năm 2007 - 2017, tổng kinh phí trợ cấp cho người có công là 133.306 tỷ đồng. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương thông qua việc xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phong trào đăng ký và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến năm 2016, Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 41,36 tỷ đồng; Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 4.124 tỷ đồng. Cuộc sống của gia đình người có công được cải thiện. Năm 2002, 17% gia đình người có công với cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đến cuối năm 2016 đã có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú... Công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ; việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt kết quả tích cực. Về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất các công việc cơ bản cho hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức đa dạng ở cả Trung ương và địa phương: tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; cầu truyền hình tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trên toàn quốc; phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa; phát động cuộc vận động sáng tác các thể loại truyện ngắn, truyện thơ, bút ký, hồi ký…; tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học tôn vinh người có công với cách mạng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng… Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng thông tin về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hồng Thiết  

Trao tặng Huân chương của Chủ tịch nước cho lãnh đạo 15 tỉnh nước bạn Lào

TĐKT - Chiều 5/7, tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La) đã diễn ra Lễ trao Huân chương của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng lãnh đạo 15 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là sự kiện trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017). Dự buổi lễ, về phía nước ta, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 10 tỉnh của nước ta có chung đường biên giới với Lào; lãnh đạo Tỉnh ủy, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh Sơn La. Về phía nước bạn Lào có: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou; các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang thăm Việt Nam, dự các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào; Chủ tịch Hội đồng nhân dân 15 tỉnh của Lào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho các cá nhân Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao 11 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 74 Huân chương Độc lập hạng Ba, 3 Huân chương Lao động hạng Nhất tặng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh của nước bạn Lào vì đã có thành tích xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời gian qua. Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam- Lào đã sớm được gây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc.   Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào, hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt là mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, phát triển nông nghiệp, giao thông, giáo dục, dịch vụ…. Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới và quan hệ hữu nghị với các tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên đặc biệt trong việc củng cố, vun đắp và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với các tỉnh bạn Lào trên tất cả các lĩnh vực. Thay mặt cho các đồng chí được trao tặng Huân chương, đồng chí Phết Tha Von Phi La Văn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Tỉnh Luông Nặm Thà bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã luôn quan tâm, giúp đỡ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nói chung và 15 tỉnh của nước Lào nói riêng trong suốt thời gian qua; thể hiện mối quan hệ truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đồng chí tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào mãi mãi bền vững; Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017 sẽ thành công tốt đẹp. Ngọc Long

Hà Nội: phổ cập bơi miễn phí và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

TĐKT – Sáng 6/7, tại bể bơi Bốn mùa, Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, Hội đồng Đội TP Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai giảng Lớp học bơi miễn phí và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2017. Dưới sự chỉ đạo của Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Hà Nội, từ hè năm 2012 đến nay, Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Thể thao và Giải trí Bằng Linh thường xuyên tổ chức các lớp bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 4 năm, đã tổ chức cho hơn 1.100 em biết bơi. Năm 2017, ban tổ chức lựa chọn và khai giảng lớp bơi miễn phí, tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho 230 em học sinh, độ tuổi từ 7 – 17 tuổi, tập trung chủ yếu tại các phường thuộc quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm. Năm nay, ban tổ chức chú trọng đào tạo thêm cho học sinh những kỹ năng cơ bản nhất về phòng, chống đuối nước, giúp các em có được những kiến thức cơ bản nhất để có thể tự phòng vệ cho mình trong trường hợp bị đuối nước. Những năm qua, dự án phổ cập bơi cho trẻ em TP Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Dự án đã phối hợp với gần 100 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên để tuyên truyền về công tác phòng, chống đuối nước đến hơn 100 ngàn lượt học sinh và phụ huynh học sinh, tạo bước chuyển biến về nhận thức rõ rệt trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ngoài việc mở các lớp bơi miễn phí, dự án đã phối hợp với các trường tiểu học Trưng Vương, tiểu học Trần Nhật Duật, tiểu học Chương Dương… mở nhiều đợt dạy bơi miễn phí cho khoảng 400 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức giải thi bơi cấp trường cho học sinh, góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn, tăng cường sức khỏe, cải thiện chiều cao cho trẻ em; phối hợp dạy bơi cho khoảng hơn 10.000 học sinh với mức giá ưu đãi, được đông đảo phụ huynh và học sinh đánh giá cao. Minh Phương

Hội Cựu chiến binh Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương tổ chức Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2017-2022

TĐKT- Chiều ngày 6/7, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh (CCB) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  đã tổ chức Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2017-2022. Đến dự, có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Chủ tịch Hội CCB Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Văn Vượng trình bày Dự thảo Báo cáo công tác Hội nhiệm kỳ 2014 - 2017, phương hướng nhiệm kỳ 2017 - 2022: dưới sự lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng uỷ, lãnh đạo Ban và Ban Chấp hành Hội CCB Bộ Nội vụ, Ban Chấp hành và toàn thể Hội viên Hội CCB Ban đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác. Kết quả, Ban Chấp hành Hội CCB luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống theo truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, cũng như bản lĩnh, phẩm chất của đảng viên, hội viên góp phần hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao... nên các hội viên luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “CCB gương mẫu”, sự trong sáng về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ và lãnh đạo Ban, nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền luôn được Ban Chấp hành Hội quan tâm: 100% hội viên được tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết đại hội Đảng, Đại hội Hội CCB các cấp; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Toàn cảnh Đại hội Nhiệm kỳ qua, Hội CCB đã phối hợp cùng tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên tham gia cùng với chính quyền đảm bảo chế độ chính sách đối với Hội viên CCB. Đến nay, 100% các đồng chí hội viên đều được nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn và % phụ cấp thâm niên vượt khung. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua  - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu  chỉ đạo Đại hội Mặc dù các thành viên trong Hội đều kiêm nhiệm nhưng BCH Hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong hành động, giữ gìn phẩm chất đạo đức. BCH Hội đã tiến hành triển khai đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ủy khối, Đảng ủy Bộ Nội vụ, Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ban. Tham gia cùng lãnh đạo Ban thực hiện tốt các Chỉ thị của Đảng ủy các cấp về công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, bình xét thi đua, khen thưởng... 100% các đồng chí trong BCH, các đồng chí hội viên thực hiện nghiêm túc Điều lệ của Hội, vận động hội viên nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật; tham gia tích cực vào phong trào thi đua của Bộ, của Ban. Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chúc mừng BCH Hội CCB khóa mới Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã biểu dương kết quả mà Hội CCB đã đạt được. Trưởng ban đề nghị Hội CCB tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết của Ban chấp hành Hội CCB cấp trên và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đặc biệt, cần thực hiện có hiệu quả các phong trào do hội CCB Việt Nam, hội CCB Bộ Nội vụ phát động; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trưởng ban nhấn mạnh, 11 đồng chí đoàn kết, động viên CCB rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan và ở địa phương nơi cư trú. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Vượng và Nguyễn Anh Đức vào Ban Chấp hành Hội CCB Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2017 - 2022. Hồng Thiết

Khai mạc kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XV

TĐKT - Sáng 3/7, Hà Nội chính thức khai mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố khóa XV, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày từ 3/7 - 5/7, với những nội dung chủ yếu: đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2017 của thành phố. Bên cạnh đó, HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 1 nghị quyết thường kỳ, 3 báo cáo và 12 nghị quyết chuyên đề và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Ngoài ra, HĐND thành phố tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với UBND thành phố và các cơ quan liên quan. HĐND thành phố sẽ tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND; tiếp tục chất vấn đối với UBND thành phố và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm, đã giám sát nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày từ 3/7 - 5/7 Các báo cáo và nghị quyết được xem xét tại kỳ họp lần này đều là những nội dung lớn và khó, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đời sống dân sinh: Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, tầm nhìn đến 2030; quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 - 2018; việc điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 và Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND thành phố; định mức, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội... Cũng tại kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố sẽ trình HĐND thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố; Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND thành phố năm 2018 theo quy định của Luật. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Lễ khai mạc Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Thủ đô. Mai Thảo

Tọa đàm khoa học “Nguyễn Chí Thanh trong lịch sử cách mạng dân tộc”

TĐKT - Sáng 2/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Nguyễn Chí Thanh trong lịch sử cách mạng dân tộc” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng (6/7/1967 – 6/7/2017). Dự tọa đàm có: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; đại diện gia đình Đại tướng và đồng đội cùng chiến đấu, công tác với Đại tướng lúc sinh thời và hơn 100 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Khoa học Quân sự. Đại tá, PGS. TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Đại tá, PGS. TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: ngày 6/7/1967, đất nước Việt Nam “Đau xót như lòng mẹ/ Mất một người con Nguyễn Chí Thanh”. Đại tướng ra đi giữa lúc cách mạng miền Nam đang ở giai đoạn quyết liệt, đầy khó khăn, thử thách, đó không chỉ là mất mát lớn của gia đình mà của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. 50 đã trôi qua, nhưng hình ảnh một nhà lãnh đạo xuất sắc, một con người với lối sống và nhân cách thực sự “sáng trong như ngọc” vẫn vẹn nguyên trong các thế hệ người Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là chủ đề nghiên cứu chưa bao giờ vơi cạn cho các nhà khoa học trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, tư tưởng, kinh tế… Ở mỗi khía cạnh trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta lại tìm thấy những nét mới, độc đáo, giá trị, có ý nghĩa thời sự, khoa học và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, bất trắc và khó lường như hiện nay. 53 tham luận của các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, những người có dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi về hội thảo đã đề cập toàn diện, từ truyền thống gia đình, quê hương, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đến những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong đó, tập trung luận giải, phân tích làm làm sáng tỏ những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tư cách là nhà lý luận xuất sắc, nhà chỉ đạo thực tiễn tài năng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; phong cách của Đại tướng - tấm gương mẫu mực về phong cách, đạo đức cách mạng; những giá trị tinh thần từ cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật là Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh là do Bác Hồ đặt cho nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Vịnh khi lần đầu được gặp Bác tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 8/1945), sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từ một người nông dân yêu nước trở thành một vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng là cả quá trình phấn đấu bền bỉ không ngừng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những năm tháng hoạt động trên quê hương Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo phong trào cách mạng Trung kỳ; chịu đựng sự đày ải trong lao tù của đế quốc đã chứng tỏ phẩm chất cách mạng, năng lực lãnh đạo, rèn luyện đồng chí trở thành người tiên phong trên các mặt trận của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã lãnh đạo quân, dân Bình Trị Thiên khôi phục lại thế trận chiến tranh nhân dân, mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến của quân dân Nam Khu 4. Giữa năm 1950, trước yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được phân công vào công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo quân đội thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của các LLVT nhân dân. Đặc biệt, đồng chí đã có công rất lớn trong xây dựng hệ thống cơ quan chính trị, đưa công tác chính trị trở thành “linh hồn”, “mạch sống” của quân đội ta và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, quyết liệt làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng và quân đội, năm 1959, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều sang phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã “bám đội, lội đồng”, góp phần lãnh đạo đưa nông nghiệp, nông thôn miền Bắc phát triển, đóng góp quan trọng vào thành công của sự nghiệp xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho cuộc đấu tranh ở miền Nam, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí được nhân dân suy tôn với tên gọi trìu mến “Đại tướng của nông dân”. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, khả năng nắm bắt, tổng kết thực tiễn xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đề xuất nhiều chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, làm cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Tư tưởng “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh ” của đồng chí đã trở thành phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, cổ vũ hàng triệu quần chúng vừa tham gia chiến đấu, vừa sáng tạo ra muôn hình muôn vẻ cách đánh độc đáo, đặc sắc khác để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Nguyệt Hà

Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng

TĐKT - Tối 30/6, nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Chương trình “BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng". Đến dự Chương trình có các đồng chí:  Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương... Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế và ngành BHXH cũng như sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo nên những kết quả quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, tỷ lệ người tham gia BHYT đã tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% vào năm 2011 và đến nay là trên 82%; phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; hệ thống thông tin giám định đã liên thông với trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc... Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT tại nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt; việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và chưa được xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân" Cũng tại Chương trình, Thủ tướng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau bệnh tật, với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. “Giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc” - Thủ tướng nhấn mạnh. Chia sẻ những giải pháp của BHXH Việt Nam về thực hiện BHYT toàn dân, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam luôn chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT; đồng thời với việc mở rộng mạng lưới đại lý thu. Hiện nay, cơ quan BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức, gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách này cũng  như về quyền lợi của mỗi người khi tham gia BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, với mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế và ngành BHXH, còn cần tới sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức để giúp đỡ các gia đình còn khó khăn tham gia BHYT. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tham gia BHYT vì quyền lợi của chính mình và người thân. La Giang

Thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh dự và phát biểu khai mạc.   Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhấn mạnh: việc xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý phát triển vật liệu xây dựng, lập quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng luôn được Chính phủ, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm do việc sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống. Sự phát triển của kinh tế - xã hội, tăng trưởng của thị trường bất động sản dẫn đến nhu cầu vật liệu xây ở nước ta tăng nhanh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây Việt Nam đến năm 2020 thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây là 30 - 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu m3 đất sét, tương đương 2.200 - 2.500 ha đất nông nghiệp; ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn than, thải ra khoảng 15 triệu tấn khí CO2, tác động xấu đến môi trường sống. Do vậy, việc phát triển một loại vật liệu xây mới thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung được đặt ra cấp thiết đối với ngành Xây dựng. Hội thảo Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010. Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch triển khai, hỗ trợ phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia sản xuất vật liệu xây không nung. Đến nay, sau 6 năm thực hiện Chương trình, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính (gạch Block xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đến năm 2015 đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 5,8 tỷ viên, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2015, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục và cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành và các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, người sử dụng vật liệu xây không nung. Hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng vật liệu xây không nung cần được tiếp tục hoàn thiện... Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tham luận về một số nội dung: tiếp tục thực hiện Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam" một cách hiệu quả nhất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về vật liệu xây không nung; tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ kỹ thuật xây dựng, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo quy định; đóng góp các ý kiến thiết thực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung... Phương Thanh

Trang