Kêu gọi từng cá nhân, cộng đồng, xã hội tham gia công tác phòng, chống thiên tai
TĐKT - Ngày 23/3, tại Trạm Khí tượng Phù Liễn (TP Hải Phòng), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì Lễ phát động. Tại buổi lễ, PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã trình bày toàn văn thông điệp về Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 của Ngài Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới 2019 Với chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”, thông điệp nhấn mạnh: “Mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất. Mặt trời điều khiển các chu trình thủy văn, các dòng hải lưu và Thời tiết. Bởi vậy, hiểu được cách thức mặt trời ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu như thế nào là nhiệm vụ cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới trong sứ mệnh xây dựng các cộng đồng có sức chống chịu với khí hậu.” Từ năm 1950, ngày 23/3 hàng năm đã được Tổ chức khí tượng thế giới công nhận là Ngày Khí tượng thế giới. Sự kiện này nhằm mục đích kêu gọi và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Cơ quan khí tượng thủy văn các quốc gia thành viên trong công cuộc phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây cũng là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong việc kêu gọi và kết nối từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia trong việc tham gia công tác phòng, tránh thiên tai. Chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”, phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hàng ngày, cũng như cung cấp các thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu quan trọng cho chính quyền các cấp, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng. Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng trong từng công việc mình đang thực hiện. Mỗi số liệu quan trắc, mỗi thông tin cảnh báo thiên tai của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đang từng bước góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành khí tượng thủy văn trong công tác dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong khuôn khổ Lễ phát động, đã diễn ra Tọa đàm: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết - Hành động của chúng ta”. Chương trình Tọa đàm đã khẳng định vai trò, sự quan trọng của hoạt động khí tượng thủy văn trong phát triển kinh tế - xã hội; những thách thức đặt ra và những định hướng mục tiêu hành động để ngành khí tượng thủy văn tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, có tác động lan tỏa tích cực tới công tác chỉ đạo, thực hiện vai trò quản lý nhà nước và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ góp phần tích cực cho việc hoạch định chính sách, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghi thức gắn biển công trình trên 100 tuổi cho Trạm Khí tượng Phù Liễn Ngay sau phần tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và các vị quan khách thực hiện nghi thức gắn biển công trình trên 100 tuổi cho Trạm Khí tượng Phù Liễn. Trạm Khí tượng Phù Liễn được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 16/9/1902. Ngày nay còn có trạm rađa thời tiết Phù Liễn đang tiếp tục cùng hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và giám sát khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và điều tra cơ bản góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực Đông Bắc. Ngày 28/6/2018, Hội đồng Điều hành Tổ chức Khí tượng thế giới đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng công nhận Trạm Khí tượng Phù Liễn là Trạm Khí tượng 100 năm tuổi trên thế giới. Việc tổ chức Lễ gắn biển công trình Trạm Khí tượng 100 năm lịch sử là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh Trạm Khí tượng có nhiều đóng góp cho nền khí tượng thủy văn của nhân loại. Bình NguyênChính trị - Xã hội
Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Khai mạc Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019
TĐKT - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các quốc tế tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Khai mạc Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Lễ mít tinh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ Chủ đề Ngày Nước thế giới 2019 - “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau” nhấn mạnh rằng quyền sử dụng nước sạch của tất cả mọi người không phân biệt công việc, địa vị, giới tính và màu da. Chủ đề năm nay cũng là để hướng tới đạt được mục tiêu tiên quyết của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững: "Tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển bền vững". Thông điệp cũng mong muốn đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người còn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận nguồn nước. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 đã chỉ ra rất rõ: "Tất cả mọi người đều được sử dụng nước vào năm 2030, điều này đồng nghĩa là không có ai không được sử dụng nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn; gần 80% người dân không được sử dụng nước sạch hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, chưa kể mỗi ngày có 700 các cháu nhỏ ở độ tuổi dưới 5 năm bị chết do dịch tả liên quan đến nước không àn toàn và vệ sinh bẩn. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo, nhạy cảm, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người thiểu số, người khuyết tật…". Vì vậy, các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 bao gồm: Nước cho phụ nữ, Nước cho nơi làm việc, sản xuất, Nước cho nông thôn, Nước cho người tị nạn, Nước cho các bà mẹ, Nước cho trẻ em, Nước cho học sinh, sinh viên, Nước cho những người bản địa, thiểu số, Nước cho người khuyết tật... Cùng với việc được tiếp cận đủ nước, thì tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng; điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn. Hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cộng đồng và toàn thể người dân hãy cùng nhau nỗ lực vì những người yếu thế nhất trong xã hội; cùng nhau xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên nước để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn. Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới và khai mạc Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam 2019 Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, các chương trình, kế hoạch hành động đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thông qua quản lý thông minh, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Bộ trưởng kêu gọi các đối tác, các tổ chức quốc tế hãy cùng chung tay hành động với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành và địa phương trong việc bảo vệ, chia sẻ nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả cho tất cả mọi người dân, qua đó góp phần vào sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại. Đặc biệt, tại Lễ mít tinh này đã diễn ra lễ công bố Danh hiệu Đại sứ Ngày Nước Thế giới tại Việt Nam năm 2019. Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Đại sứ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động vì quyền tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn cho tất cả người dân Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khoảng 30 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I; kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển. Bình NguyênBảo hiểm y tế học sinh, sinh viên cần được đặc biệt quan tâm
TĐKT - Sau hơn 20 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng hoàn thiện, khẳng định xu thế phát triển tất yếu, là hướng đi đúng, cơ bản và lâu dài để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được định hướng bao phủ BHYT vì mục tiêu BHYT toàn dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhìn lại bối cảnh đất nước giai đoạn đầu đổi mới, từ năm 1986, công cuộc đổi mới cơ chế kinh tế đã tạo những tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặc dù đầu tư của Nhà nước cho y tế tăng nhanh, song trước nhu cầu sử dụng thuốc và các dịch vụ y tế của người dân không ngừng gia tăng, số chi từ ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Thực tế đó đòi hỏi cơ chế tài chính y tế phải có những thay đổi nhằm tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động y tế. Sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển BHYT trong tình hình mới, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/07/2009). Luật BHYT gồm 10 Chương, 52 điều, điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHYT, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này. Luật BHYT đã xác định rõ 5 nguyên tắc của BHYT: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính theo quy định của Chính phủ. Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu chi và được Nhà nước bảo hộ. Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Theo đó, từ 1/10/2010, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT theo lộ trình; sử dụng kết dư Quỹ BHYT để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, học sinh, sinh viên với tỷ lệ khá ổn định chiếm khoảng 20% dân số cả nước, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (6 tháng đầu năm đã đạt 78,2%, khoảng 72 triệu người); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Riêng đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên”. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước nói riêng. Hệ thống quy định pháp luật đầy đủ, chủ trương, định hướng của Đảng về BHYT là nhất quán, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng hết sức rốt ráo và quyết liệt. Tuy nhiên còn nhiều thách thức đặt ra đối với việc hoàn thành bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên vào năm 2017 này, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ sở, các ngành chức năng, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH và Y tế, cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, sinh viên nhận thức đúng ý nghĩa của BHYT vẫn là giải pháp quan trọng nhất, trong đó phải đặc biệt gắn quyền lợi và trách nhiệm thực hiện pháp luật của công dân đối với mỗi học sinh, sinh viên. Thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên là những người có trình độ, nhận thức nhanh nhạy, cầu thị, tiến bộ. Nhà trường và cơ quan BHXH, cơ quan y tế cần tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp với các em để lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời tuyên truyền, vận động để các em nhận thức đầy đủ rằng, tham gia BHYT trước hết là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với chính bản thân của mỗi người và sau đó là trách nhiệm chia sẽ với cộng đồng, xã hội. Lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên càng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bởi có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình. Tham gia BHYT chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán tới trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Cũng theo các báo cáo từ BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí trích lại từ BHYT cho y tế học đường lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đang là nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động của y tế nhà trường, góp phần quan trọng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Như vậy, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, tích cực thực hiện trách nhiệm tham gia BHYT, học sinh, sinh viên sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe xung quanh chúng ta và có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta, từ đó góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước - một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. La GiangKhoa Răng Hàm Mặt (HUBT) phát động chăm sóc răng miệng cộng đồng
TĐKT - Sáng 20/3, Khoa Răng Hàm Mặt – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức Lễ phát động chăm sóc răng miệng cộng đồng hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới với khẩu hiệu “Hãy hành động cho sức khỏe răng miệng”. Lễ phát động Chăm sóc răng miệng cộng đồng hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới tại Khoa Răng Hàm Mặt – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Đây là năm thứ hai liên tiếp Khoa Răng Hàm Mặt phối hợp với Nhãn hàng Kem đánh răng Dược liệu Ngọc Châu đồng hành cùng Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam (RHMVN) trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới. Năm nay, Khoa Răng Hàm Mặt tổ chức Tuần lễ khám, tư vấn răng miệng và hàn răng miễn phí cho trẻ em (2-15 tuổi) cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Chương trình diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/3/2019. Phát biểu tại Lễ phát động, PGS.TS Phạm Dương Châu – Phó Chủ tịch Hội RHMVN, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên đã tham dự và hưởng ứng ngày hội. PGS.TS Phạm Dương Châu phát biểu tại buổi lễ Phó Hiệu trưởng cho biết: “Đây là dịp để tất cả mọi người hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng. Hiện nay có tới 90% dân số thế giới mắc các bệnh răng miệng và tỷ lệ này có thể giảm nếu có sự giúp đỡ của nhà nước, các tổ chức, với các chương trình phòng ngừa, phát hiện và điều trị. Ngoài ra, Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới cũng cung cấp cho cộng đồng thêm thông tin về sức khỏe răng miệng để giảm bớt gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới”. Đồng thời, PGS.TS. Phạm Dương Châu cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, các em học sinh, sinh viên hãy quan tâm, chăm sóc răng miệng cho bản thân và người thân. Đồng thời tin tưởng rằng, sự kiện hôm nay sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng, mỗi người sẽ quan tâm hơn nữa chăm sóc răng miệng cho bản thân và cho người thân, vì sức khỏe của mỗi cá nhân, và vì sức khỏe của cộng đồng. Răng tốt cho cơ thể khỏe mạnh. Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới là sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 20/3 hàng năm do Liên đoàn Nha khoa Thế giới FDI phát động với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trên toàn cầu về vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng và tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng. Với khẩu hiệu “Hãy nói A: Hành động cho sức khỏe răng miệng/Say Ahh: Action on Mouth Health”, sự kiện khám, tư vấn răng miệng và hàn răng miễn phí của Khoa Răng Hàm Mặt là một hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền các hoạt động chăm sóc răng miệng trẻ em cũng như cộng đồng trong cả nước. Khám, tư vấn răng miệng và hàn răng miễn phí cho trẻ em (2-15 tuổi) Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến cơ hội khám chữa răng hoàn toàn miễn phí cùng các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ có chuyên môn cao, với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất cho trẻ em cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong trường. Tuần lễ khám, tư vấn răng miệng và hàn răng miễn phí cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường và trẻ em từ 2-15 tuổi của Khoa Răng Hàm Mặt vẫn tiếp tục diễn ra đến thứ Bảy (23/3/2019). Thời gian từ 9h00 – 17h00 tại Trung tâm lâm sàng Răng Hàm Mặt (tầng 1, sảnh nhà C). Thu Hương – Vân AnhTĐKT – Hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới, ngày 20/3, tại Hà Nội, Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam, Liên đoàn Nha khoa thế giới FDI, Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động chăm sóc răng miệng cộng đồng với chủ đề “Hãy hành động cho sức khỏe răng miệng”.
Lễ phát động chăm sóc răng miệng cộng đồng
Ngày sức khỏe răng miệng thế giới năm nay với chủ đề “Hãy hành động cho sức khỏe răng miệng” được tổ chức với nhiều hoạt động cụ thể: Tuyên truyền cho trẻ em và cộng đồng tăng cường chải răng và quan tâm chăm sóc răng miệng cho bản thân; khám và điều trị sâu răng cho trẻ em ở các trường tiểu học; mổ nhân đạo cho trẻ em khuyết tật khe hở môi và khe hở vòm miệng...
Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội cho biết: Răng miệng là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe toàn diện của con người. Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân và là điều cốt yếu để có được một sức khỏe toàn diện và cuộc sống lạnh mạnh cho tất cả mọi người. Một người sẽ không được xem là khỏe mạnh nếu sức khỏe răng miệng của người đó có vấn đề.
Hiện nay, có đến 90% dân số Việt Nam bị viêm răng, 30% bị viêm chân răng, 90% có rối loạn mọc răng khớp cắn và nhiều người bị mất răng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, trẻ em gặp rất nhiều vấn đề về răng miệng. Có 85% trẻ em bị sâu răng sữa, hàng nghìn trẻ em sinh ra bị khuyết tật môi - hàm ếch.
Việc giáo dục và trang bị kiến thức chăm sóc răng miệng cho trẻ em, nhất là các em học sinh ở bậc tiểu học là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, góp phần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, tập thói quen giữ răng miệng luôn sạch, khỏe, giảm thiểu tối đa những bệnh lý về răng miệng.
Phương Thanh
TĐKT - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra các thông tin khuyến cáo về bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh, thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.
Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ.
Thịt bị nhiễm ấu trùng sán lợn
Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: Đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm.
Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong một vài ngày qua, có nhiều cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn.
Các bác sĩ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.
Việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Hồng Thiết
TĐKT - Sau hơn 3 tháng thực hiện, BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc thực hiện tốt BHXH bắt buộc cho đối tượng này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, thực hiện BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam - Đó là những chia sẻ của ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam.
Phóng viên: Xin ông cho biết, kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực, tổng số tiền doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT cho lao động nước ngoài cho đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu? So với giai đoạn trước khi chính sách này có hiệu lực, tình hình thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho các đối tượng này có thay đổi không?
Ông Đinh Duy Hùng: Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/12/2018 người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần, cụ thể như sau:
Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/12/2021, hàng tháng người sử dụng lao động đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN);
Từ ngày 01/01/2022 trở đi, đóng bằng 25,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, quỹ hưu trí và tử tuất; trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 17,5%, NLĐ đóng bằng 8%.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2019, tổng số tiền đóng BHXH của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên cả nước là 100,792 tỷ đồng.
Phóng viên: Theo thống kê của cơ quan BHXH, tính đến thời điểm hiện tại, có bao nhiêu doanh nghiệp nằm trong diện phải đóng BHXH cho lao động nước ngoài? Và số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam theo diện phải tham gia BHXH là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Đinh Duy Hùng: Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2019 (sau 3 tháng kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), tổng số đơn vị tham gia BHXH cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị với số lao động là 51.524 người.
Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên cả nước có khoảng trên 80.000 NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động).
Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc, đó là một kết quả khá khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới.
Thời gian tới, thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP; Công văn số 5300/LĐTBXH-BHXH ngày 17/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nắm bắt số lượng đối tượng NLĐ nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện.
Phóng viên: Theo ông, chính sách đóng BHXH cho NLĐ nước ngoài có tác động gì đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như việc thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam? Việc thu nộp BHXH cho lao động nước ngoài hiện có gặp khó khăn gì cần tháo gỡ?
Ông Đinh Duy Hùng: Chính sách BHXH đối với lao động di cư đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, góp phần tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong nước với lao động nước ngoài, tạo tâm lý yên tâm làm việc cho NLĐ. Đây là một yếu tố tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam.
Vì là chính sách mới triển khai nên việc thu nộp BHXH cho lao động nước ngoài cũng còn một số vướng mắc, khó khăn như sau:
Thứ nhất, về xác định đối tượng. Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018, là một chính sách mới lại không có Thông tư hướng dẫn. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ghi nhận một số vướng mắc của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài và đang chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nắm bắt số lượng NLĐ nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện.
Thứ hai, rào cản về ngôn ngữ. NLĐ là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài dẫn đến khó khăn trong giao dịch BHXH.
Thứ ba, về khả năng đóng trùng. Lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại và ngược lại. Về vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH để tránh tình trạng đóng trùng BHXH.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thiết (thực hiện)
Nêu cao trách nhiệm của nhà trường trong thực hiện pháp luật bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
TĐKT - Hiện nay, bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên đã được đưa ra trong Luật BHYT, tại đó đã nêu rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT học sinh, sinh viên. Đây cũng chính là việc làm thiết yếu hiện nay. Trong hoàn cảnh và giai đoạn nào đi chăng nữa thì vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội; là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách BHYT được thực hiện với học sinh, sinh viên trên hai thập kỷ qua đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết khách quan, là giải pháp hữu hiệu giúp cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện, là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành giáo dục, đào tạo, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt. Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, theo đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Từ những chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật nói trên, có thể thấy việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc. Được biết, Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm/ lần nộp vào Quỹ BHYT. Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác). Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT học sinh, sinh viên, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định. Cùng với việc tích cực tham gia BHYT của học sinh, công tác y tế trường học cũng từng bước phát triển. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm; nếu như năm 2010, số kinh phí trích lại là hơn 200 tỷ đồng; đến các năm gần đây, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt khoảng 600 tỷ đồng. Quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng khi tham gia BHYT cũng được mở rộng, đặc biệt từ ngày 1/1/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo; phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thực tế cho thấy, trước thềm năm học mới hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn quán triệt, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp triển khai nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện y tế học đường. Song song với đó là yêu cầu tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên. Phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT và các quy định về quản lý tài chính hiện hành. Tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT. Trong nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường. Phương thức thu chia thành nhiều đợt cũng được nhiều BHXH tỉnh, thành phố linh hoạt triển khai, thực hiện thu theo năm tài chính, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh, sinh viên của những tháng còn lại trong năm tài chính, như vậy sẽ giảm sức ép các khoản phải đóng góp vào đầu năm học cho phụ huynh, học sinh, sinh viên. Để làm tốt vài trò BHYT đối với học sinh, sinh viên và thực hiện đúng bản chất, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục; quán triệt thực hiện nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu, y tế học đường theo đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh học sinh, sinh viên về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được luật hóa. Nhằm phát triển BHYT học sinh, sinh viên nói riêng cũng như BHYT nói chung một cách bền vững, công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, đi sâu nắm bắt đặc thù và có hình thức truyền thông phù hợp, chất lượng, hiệu quả với từng nhóm đối tượng. Có hình thức tác động trực tiếp tới phụ huynh học sinh, sinh viên qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tạo sự thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BHYT học sinh, sinh viên. Bảo HânPhát động Cuộc thi báo chí viết về chủ đề "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019
TĐKT - Sáng 19/3, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức gặp mặt báo chí phát động Cuộc thi viết về chủ đề "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/2019). Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo QĐND, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chủ trì buổi gặp mặt. Gặp mặt báo chí phát động cuộc thi Cuộc thi được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí và bạn đọc trong cả nước tuyên truyền sâu rộng truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng, những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới; những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội 5 năm (2014 - 2019); những việc làm thiết thực, sáng tạo, hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc thi hướng vào các nội dung: Ca ngợi, làm nổi bật những giá trị về truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam; phát huy truyền thống và sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD vững mạnh và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Phản ánh phong phú, sinh động và có chiều sâu kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; kết quả xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc... Phê phán những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch nhằm "phi chính trị hóa Quân đội", bôi nhọ, xuyên tạc truyền thống Quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phủ nhận thành tựu xây dựng nền QPTD... Yêu cầu tác phẩm dự thi bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục. Các vấn đề nêu trong bài viết phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng; các tấm gương, điển hình, thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân tính từ thời điểm 22/12/2014 đến nay. Các tác phẩm chuyên luận nếu có trích dẫn cần rõ nguồn, bảo đảm trung thực. Thể loại báo chí dự thi: Phản ánh, ghi chép, phòng sự, chuyên luận. Tác phẩm dự thi có thể là 1 bài hoặc một loạt bài (không quá 5 bài) có chung đề tài, thể loại báo chí. Mỗi bài dài không quá 2000 từ. Các tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, ghi chép, phản ánh, chân dung điển hình, người tốt - việc tốt phải có ảnh minh họa. Thời gian cuộc thi tính từ ngày phát động đến ngày 22/12/2019. Thời gian tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội QPTD và 75 năm Ngày thành lập QĐBD Việt Nam. Cơ cấu giải thưởng: 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 15 giải khuyến khích. Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ: Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội (Trên tác phẩm dự thi và ngoài bì thư ghi rõ "Tác phẩm báo chí dự thi viết về chủ đề "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019); hoặc gửi về hộp thư điện tử (email): vanhoaqdnd@gmail.com. Thể lệ cuộc thi được đăng tải trên Báo QĐND điện tử: qdnd.vn Phương ThanhTĐKT – Vừa qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Lễ trao thưởng Kawai lần thứ 34 cho 41 sinh viên tiêu biểu.
Lễ trao giải thưởng Kawai lần thứ 34
Giải thưởng Kawai là giải thưởng do Tập đoàn Kawai và Công ty Kỹ thuật tổng hợp GE của Nhật Bản dành tặng cho những sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Số tiền được tài trợ để trao thưởng mỗi năm là 1.000.000 yên, tương đương 220.000.000 đồng.
Giải thưởng Kawai lần thứ 34 đã được trao cho 41 sinh viên tiêu biểu của trường. Đây là những sinh viên có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có ý chí lập nghiệp hướng tới kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào sinh viên, xây dựng trường lớp và có tinh thần vượt khó khăn để hoàn thành trách nhiệm xã hội.
TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Hội đồng giải thưởng đã xem xét và cân nhắc rất kỹ, lựa chọn các sinh viên xứng đáng nhất để trao giải, trên tinh thần các sinh viên phải đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn theo Quy chế đã quy định. Tuy đây chỉ là số tiền nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn đối với các em và là nguồn động viên để các em phấn đấu, vươn lên trong học tập...
Tại buổi lễ, Ngài Masakazu Sekimoto đại diện lãnh đạo Công ty Kỹ thuật tổng hợp GE của Nhật Bản đã chúc mừng các em sinh viên được nhận giải thưởng Kawai lần thứ 34. Ngài Masakazu Sekimoto hy vọng việc được nhận giải thưởng này sẽ là cơ hội đối với các bạn sinh viên, mong các bạn có thể nuôi dưỡng được tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, tinh thần nỗ lực trong việc học tập để cố gắng nhiều hơn cho đất nước và sự hợp tác hữu nghị phát triển giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Trần Hạnh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 216
- 217
- 218
- 219
- 220
- …
- sau ›
- cuối cùng »