Chính trị - Xã hội

Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông

TĐKT - Ngày 12/6, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Honda Việt Nam tổ chức Lễ Công bố thực hiện hương trình Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp Một năm học 2019 - 2020 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thể,  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan; ông Keisuke Tsuruzono - Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam... Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hoà Bình khẳng định: Bảo đảm trật tự ATGT được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn và an sinh xã hội. Từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết do tai nạn giao thông vào năm 2010, đến năm 2018, con số này đã giảm xuống còn trên 8.000 người. Đây là kết quả được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, trong đó có sự đóng góp rất lớn của việc thực thi quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe máy. Đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy đã trở thành nét đẹp văn hoá giao thông tại Việt Nam. Hiện bình quân có khoảng 90% người lớn đội MBH khi đi mô tô, xe máy. Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á, 10 năm thực hiện quy định pháp luật về MBH (2007 - 2017) đã giúp giảm trên 15.300 người chết và trên 500.000 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tiết kiệm trên 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế. Từ năm học 2018 - 2019, Công ty Honda Việt Nam đã đồng hành cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình trao tặng MBH cho toàn bộ học sinh lớp 1 trên cả nước với khẩu hiệu “Giữ trọn ước mơ” góp phần thúc đẩy tỷ lệ đội MBH nói chung, đặc biệt là tăng đáng kể số trẻ em được bảo vệ an toàn hơn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần nghiêm túc đánh giá vì sao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em hiện nay còn thấp. Theo kết quả khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đầu năm 2019 cho thấy, tỷ lệ học sinh cấp I và cấp II đội MBH chỉ đạt khoảng 52%, tăng 22% so với năm 2017, nhưng vẫn còn thấp với mục tiêu 80% trẻ em đội MBH khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện vào năm 2020 đặt ra trong Chỉ thị số 04/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu phải xây dựng kế hoạch tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2019. Trong đó, lấy trọng tâm là tuyên truyền vận động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm về đội MBH đối với học sinh và người chở học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Các đại biểu trao tặng mũ bảo hiểm tượng trưng cho đại diện các em học sinh Tại buổi lễ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam đã ký kết biên bản phối hợp trong việc cam kết thực hiện hiệu quả chương trình trao tặng MBH. Nội dung ký kết nhằm thực hiện thành công những mục tiêu chính của chương trình: Nâng cao ý thức của người dân về việc chấp hành quy định bắt buộc đội MBH đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, qua đó giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với trẻ em; thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ đội MBH đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với trẻ em là 80% vào năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; 100% học sinh là đối tượng nhận mũ của Chương trình “Giữ trọn ước mơ” đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2019 sẽ trao tặng 1.933.960 MBH phù hợp quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho học sinh bước vào lớp Một năm học 2019 - 2020 trên cả nước. Đồng thời, các hoạt động đồng hành nhằm tuyên truyền kiến thức ATGT và nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh về việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con, em mình cũng sẽ được triển khai. Số lượng mũ sẽ được trao tới các em bắt đầu từ Lễ khai giảng chào đón năm học mới từ ngày 5/9/2019. Công ty Honda Việt Nam cam kết cung cấp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Việt Nam. Sau phần ký kết, các đại biểu đã trao tặng mũ bảo hiểm tượng trưng cho đại diện các em học sinh. Minh Phương

Cấp cứu kịp thời bệnh nhân thủng ruột non do nuốt phải xương sườn

TĐKT - Ngày 11/6, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy dị vật là mảnh xương sườn cho bệnh nhân nữ 55 tuổi. Bệnh nhân M, 55 tuổi, ở Long Biên nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, buồn nôn. Theo lời kể của bệnh nhân, sáng ngày 10/6, bệnh nhân ăn bún sườn nhanh nên đã nuốt phải mảnh xương. Đến tối ngày 10/6, bệnh nhân thấy đau bụng ngày càng tăng lên. Sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ Bệnh viện 108 đang thăm hỏi bệnh nhân Qua chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán có dị vật trong lòng ruột non, nghi do mảnh xương. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lấy dị vật là mảnh xương sườn với kích thước chiều dài 5 cm, chiều rộng 1 cm và khâu kín lại lỗ thủng ruột non. Mảnh xương có kích thước chiều dài 5cm, rộng 1cm Sau phẫu thuật, bệnh nhân M tỉnh táo, không còn đau bụng, không sốt. Bác sĩ Phạm Văn Hiệp – Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Dự kiến sau 2 - 3 ngày, bệnh nhân ăn uống bình thường. Bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người cẩn trọng khi ăn những thức ăn có nguy cơ mắc xương. Nếu không may bị hóc xương hoặc dị vật, đau bụng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu để kiểm tra. Lan Hương

Làm rõ những thông tin phát ngôn gây xôn xao dư luận của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

TĐKT - Chiều 10/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã gặp gỡ chia sẻ với báo chí về các thông tin liên quan đến những phản ứng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN) gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Theo Tổng LĐLĐVN, những ngày qua, Ban giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những phát ngôn trên các cơ quan truyền thông không đúng bản chất, không đúng sự thật về Tổng LĐLĐVN, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cụ thể, về vấn đề Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “buộc”, “đòi”  trường nộp 30% chênh lệch thu chi, đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng: Năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “Tổng LĐLĐVN hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ VN theo quy định”. Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ VN thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”. Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN thông tin với các cơ quan báo chí Ngoài ra, trong văn bản góp ý của các ban Tổng LĐLĐVN đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này, tuy nhiên căn cứ Quyết định 158 ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐVN đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của Đoàn kiểm tra và ý kiến của Ban chuyên môn Tổng LĐLĐVN không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Hằng năm Tổng LĐLĐVN cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.  Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐVN yêu cầu Trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là thông tin hoàn toàn sai sự thật.  Thiết chế công đoàn được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức công đoàn từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam.  Thứ hai, về việc hỗ trợ tiền, tài sản của Tổng LĐLĐVN đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TP Hồ Chí Minh sáng lập, được thành lập theo Quyết định 787/TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 18/2003/QĐ-TTg ngày 28/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, trường này được chuyển thành trường Đại học công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trường Đại học Tôn Đức Thắng được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn (CĐ) và của TP Hồ Chí Minh trong những năm đầu đổi mới. Dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức CĐ. Theo điều 28 Luật CĐ, về tài sản thì khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng chuyển giao về cho Tổng LĐLĐVN năm 2008, tại biên bản bàn giao của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 23/9/2008 xác định đất và tài sản trên đất thuộc sở hữu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, gồm: Cơ sở 1 tại địa chỉ 98 Ngô Tất Tố (phường 9, quận Bình Thạnh) có diện tích 2.800 m2; cơ sở 2 có diện tích 90.725 m2 tại phường Tân Phong (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Về tài sản trên đất nguyên giá theo biên bản bàn giao là hơn 80 tỷ đồng và giá trị còn lại là hơn 51 tỷ đồng. Sau đó Tổng LĐLĐ Việt Nam giao lại cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Tổng LĐLĐVN tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay… Cụ thể: Giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá mấy trăm tỷ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Về hỗ trợ tài chính, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cấp hơn 8,3 tỷ đồng; được Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho vay không tính lãi hơn 187 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009 - 2015. Số tiền, tài sản mà Tổng LĐLĐVN đã hỗ trợ Trường Đại học Tôn Đức Thắng hàng nghìn tỷ đồng bao gồm nhiều hình thức: Cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã gia tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Thứ ba, Lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam như: Hiệu trưởng nhà trường không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐLĐVN; không đồng ý cho Đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐVN kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật; sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra thì nhà trường tiếp tục phản ứng; Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát nhà trường, khi có báo cáo kết quả thì trường phản ứng gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội với những lời lẽ không đúng mực về Báo cáo của Đoàn. Cùng với đó, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã 5 lần mời Ban Giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, đến 31/5/2019, Ban Giám hiệu mới cử 2 hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự. Thứ 4, về dấu hiệu lạm quyền của hiệu trưởng. Hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường - là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường Đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ tọa cuộc họp Hội đồng trường. Thứ năm, trong khi Tổng LĐLĐVN luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… nhưng đáng tiếc lãnh đạo nhà trường đã sử dụng diễn đàn truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐVN. Thực tế đã khẳng định, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay chắc chắn có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, hiệu quả và tôn trọng quyền tự chủ của cơ quan cấp trên là Tổng LĐLĐVN. Về Công văn số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học: Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, Tổng LĐLĐVN không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ. Về Công văn 831/TLĐ ngày 5/6/2019 gửi Bộ Giáo dục và Đạo tạo về việc xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học: Tổng LĐLĐ Việt Nam có đề nghị xem xét học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem xét tính hợp pháp của trường đại học đã công nhận học hàm này. Tổng LĐLĐVN sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp. Hưng Vũ

Bệnh viện phổi Trung ương cứu sống cô gái bị suy hô hấp

TĐKT - Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, những di chứng để lại do lao vô cùng nặng nề, có những lúc tưởng chừng hy vọng sống chỉ còn 1/1000, thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, bằng sự tài năng, tấm lòng tâm huyết và sự phối hợp chặt chẽ của các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức, cô gái Lò Thị Chài, 25 tuổi, người dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An đã được cứu sống sau nhiều lần phẫu thuật phức tạp. Đặc biệt, toàn bộ chi phí phẫu thuật cho cô gái này cũng được Qũy Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đồng chi trả toàn bộ cùng với Bảo hiểm Y tế. Cô gái Lò Thị Chài được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phổi Trung ương 2 lần đại phẫu thuật, 6 lần can thiệp ngoại khoa Lò Thị Chài có tiền sử mắc lao phổi cách đây 2 năm, mặc dù đã được điều trị đúng công thức, đúng phác đồ và đã khỏi bệnh tại tuyến cơ sở nhưng những di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng nề, điều này một lần nữa đe dọa tính mạng của cô gái trẻ khi toàn bộ lá phổi phải mất hoàn toàn chức năng, khí quản, phế quản bị chít hẹp, biến dạng, cong gập dẫn đến chức năng thông khí kém gây ra tình trạng suy hô hấp, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng cùng với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Ngày 21/5, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện E đã quyết định phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay để tạo hình lại phế quản gốc bên phải với mong muốn lá phổi bên phải được thông khí trở lại, trở về đúng vị trí giải phẫu. Tuy nhiên, do thời gian tổn thương quá lâu, các hệ thống khó có thể phục hồi nên phương án tối ưu nhất được lựa chọn đó là cắt phổi phải, lá phổi đã mất hoàn toàn chức năng và còn có thể có những mầm bệnh có nguy cơ bùng phát khi cơ thể giảm miễn dịch. Sự phức tạp trong quá trình cứu sống Chài được đẩy lên mức cao hơn khi yêu cầu đặt ra là phải làm sao để giải quyết được mục đích thông khí, sự biến dạng của khí, phế quản, vấn đề mà việc cắt phổi phải chưa giải quyết được. Một giải pháp được các bác sĩ đưa ra đó là đặt stent vào sâu trong phế quản gốc, giúp định hình và nong đường khí, phế quản rộng hơn cho bệnh nhân. Con đường đã có nhưng đi thực tế mới thấy nó không hề dễ dàng. Ống stent thông thường bằng silicon được sử dụng phổ biến trong việc điều trị hẹp khí quản và phế quản gốc lại không phù hợp với trường hợp của Chài, do khi đẩy xuống phế quản, stent bằng chất liệu này bị gập và gây ra chít hẹp ngay tại đó. Phương pháp này chỉ mang tính tạm thời và chưa thực sự triệt để. Bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Khoa Gây mê Hồi sức chia sẻ: “Có những thời điểm, cô gái ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” do lượng oxy nhận vào chỉ ở mức 50 ml, trong khi người bình thường là 500 ml trong một lần hít thở. Tuy nhiên, nỗ lực giành sự sống cho cô gái không dừng lại, trong lúc khó khăn nhất, cho dù chỉ còn 1/1000 hy vọng cũng không được phép bỏ cuộc, chúng tôi đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức để tìm giải pháp một giải pháp đột phá, chưa từng được áp dụng, đó là sử dụng hệ thống stent kim loại dạng lưới sắt với giá đỡ tốt hơn.” Nhờ cách làm sáng tạo và sự khéo léo trong quá trình thực hiện của các bác sĩ gây mê, đường dẫn từ khí quản trung đến phế quản gốc đã được thông với nhau hoàn toàn qua hệ thống stent này, đem lại những kết quả hết sức tích cực và giải quyết triệt để vấn đề thông khí của bệnh nhân. Hiện nay, sau 2 lần phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, 6 lần can thiệp đặt ống stent, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Chài đã ổn định, có thể thở tốt hơn, đi lại và ăn uống được. Sự phối hợp toàn diện của mọi mắt xích bằng trái tim và trách nhiệm Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, người trực tiếp chỉ đạo và điều hành sát sao ca bệnh này cho biết: “Niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc đó là cứu sống được bệnh nhân của mình, trước đây, 100% ca bệnh như thế này không thể cứu được nhưng hiện nay, với việc áp dụng phương pháp hiện đại, nhiều ca bệnh khó đã được cứu sống và ca bệnh của Chài là một trường hợp điển hình. Hiện tại bệnh nhân Chài đã ổn định, có thể đi lại, ăn uống được và sẽ hồi phục dần trong thời gian tới. Đó là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ trong từng mắt xích, hợp tác để tạo ra một tổng lực mạnh mẽ của tất cả các chuyên ngành từ phẫu thuật, nội soi, nội khoa, dinh dưỡng cho đến phục hồi chức năng. Rộng hơn đó là sự hợp tác giữa các Bệnh viện, khi chúng ta phối hợp với nhau chúng ta sẽ tạo ra một sức mạnh tổng lực. Đồng thời, từ ca bệnh này, một lần nữa cho thấy việc thanh toán bệnh lao là hết sức cần thiết, không chỉ thể hiện ở việc phát hiện sớm, điều trị khỏi vi khuẩn mà còn phải quan tâm đến việc giải quyết những rối loạn sau quá trình bị lao đã khỏi." Ngoài ra, đây cũng chính là tiền đề, là bước đệm quan trọng để Bệnh viện chuẩn bị cho chương trình ghép phổi sẽ diễn ra trong năm nay. Ca bệnh của Lò Thị Chài cũng là một trong những minh chứng cho thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao trong việc giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật với số tiền hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu cho những kỹ thuật hiện đại bậc nhất, thuốc kháng sinh, kháng thể tiên tiến nhất hiện nay. Bảo Hân

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố quyết định triển khai xây dựng đội ngũ cố vấn học tập

TĐKT - Vừa qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức công bố quyết định về triển khai xây dựng đội ngũ cố vấn học tập. Hội nghị công bố quyết định và triển khai xây dựng đội ngũ cố vấn học tập Ảnh: Huy Thuyết Tham gia hội nghị có Đại diện Ban Giám hiệu, GS. TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo, Văn phòng, phòng Công tác sinh viên, Trung tâm Truyền thông và các thầy cô, giáo viên chủ nhiệm, trợ lý các Khoa trong toàn trường. Cố vấn học tập là chức danh kiêm nhiệm, nằm trong cơ cấu tổ chức của các Khoa chuyên ngành, phòng Quản lý Đào tạo và phòng Công tác sinh viên; là đầu mối giúp Hiệu trưởng quản lý chung và công tác cố vấn học tập, hỗ trợ các Khoa về nghiệp vụ chuyên môn. Quy định về chế độ cố vấn học tập gồm 3 chương, 10 điều. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Hiệu trưởng, GS.TS Vũ Văn Hóa đề nghị các Khoa, phòng, ban, đặc biệt Khối tiếng Anh và Công nghệ thông tin có định hướng rõ ràng để các sinh viên có điều kiện học tập tốt lên; nhà trường nâng cao uy tín về xã hội, sinh viên xuất sắc; giảng viên có nhiều bài báo khoa học. TS. Lê Anh Sắc, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo cho biết: Cố vấn là trụ cột, là người có thâm niên trong môi trường đào tạo. Ngoài ra, cố vấn cũng là người có chuyên môn sâu sắc, am hiểu về đào tạo và giảng dạy ít nhất một môn học, khoa, chịu trách nhiệm đến cùng đối với sinh viên, giúp sinh viên trau dồi kiến thức nghề nghiệp, chủ yếu định hướng và tư vấn. Trường sẽ tổ chức tập huấn các giảng viên đủ điều kiện làm cố vấn học tập, đào tạo tín chỉ, các nhiệm vụ chung; các Khoa tập huấn chương trình, hiệu chỉnh cấu trúc chương trình đào tạo. Việc quản lý chế độ làm việc của các cố vấn học tập theo hệ thống tín chỉ trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các Khoa. Nguyễn Văn Long  

Bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

TĐKT - Sáng 8/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tới dự và phát biểu. Hội thảo có sự tham dự của hơn 280 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT); 27 Sở GD&ĐT trên cả nước; các chuyên gia, thành viên Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông; các giảng viên, chuyên gia giáo dục tiểu học. Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung làm rõ những yêu cầu của công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học để giúp cán bộ quản lý và giáo viên các Sở GD&ĐT thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, thảo luận, thống nhất về các giải pháp, cách thức thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, Hội thảo cũng nhằm đi đến thống nhất các vấn đề bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; công tác bồi dưỡng thường xuyên tại địa phương vào các thời điểm phù hợp… Hội thảo thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại Hội thảo, những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học hiện nay từ thực tiễn công tác quản lý, tổ chức dạy và học ở các địa phương được các đại biểu tập trung thảo luận. Cùng với đó là những trao đổi về sự cần thiết phải tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, xuyên suốt trong cả thời gian thực hiện nhiệm vụ năm học (chứ không phải chỉ tập huấn vào dịp hè); nhu cầu của giáo viên đặt ra đối với các chuyên gia tập huấn, bồi dưỡng (phải đặt hàng cụ thể chuyên đề, chủ đề, mô đun…); nhu cầu cung cấp tài liệu chính thống đảm bảo mỗi giáo viên đều có để sử dụng lâu dài cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Theo ông Thái Văn Tài -  Quyền Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng, là tiền đề cơ sở cho các cấp học tiếp theo. Đây là một cấp học có vị trí quan trọng, là nền móng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Chính vì thế, bồi dưỡng năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng mang tính định hướng phát triển năng lực cho các cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học trên toàn quốc để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ cần phải được tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả. Tại Hội thảo, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã giới thiệu bộ sách “Hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới” và “Hướng dẫn tổ chức dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới”. Hưng Vũ

Phát hiện, bắt giữ 40.000 viên ma túy tổng hợp tại Cửa khẩu quốc tế Cầu treo

TĐKT - Vào hồi 18 giờ 30 phút, ngày 5/6/2019, tại luồng nhập cảnh khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng có hành vi vận chuyển các chất ma túy từ Lào về Việt Nam. Bắt giữ đối tượng vận chuyển các chất ma túy từ Lào về Việt Nam Đối tượng bị bắt giữ là Phan Tất Hưởng, sinh ngày 14/7/1986, quốc tịch Việt Nam, số Hộ chiếu: C7152067, trú tại Xóm 5A – Nghi Văn – Nghi Lộc – Nghệ An. Đối tượng Phan Tất Hưởng lái xe mang BKS 29C-415.30, nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, trên cabin xe có để 2 bình gỗ (loại lộc bình dùng để trang trí). Qua công tác kiểm tra, kiểm soát hành lý của hành khách xuất nhập cảnh bằng máy soi chiếu, phát hiện trong 2 bình có chứa các gói ni - lông màu hồng và màu xanh, chứa tổng cộng khoảng 40.000 viên ma túy tổng hợp (hồng phiến). Hiện nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang phối hợp với các lực lượng chức năng mở rộng điều tra vụ việc. La Giang

Đừng để trẻ làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ nuôi dưỡng ước mơ

TĐKT - Ngày 7/6, tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức diễn đàn vận động chính sách với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”. Đến dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, -Thương binh và Xã hội; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của  200 thiếu nhi đến từ 11 huyện, xã thuộc địa bàn dự án ENHANCE (Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam) và các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại liên đội trên địa bàn TP Hà Nội. Các đại biểu trẻ em trình bày tâm tư, nguyện vọng và suy nghĩ chung quanh vấn nạn lao động trẻ em hiện nay. Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy: Hơn 1,7 triệu trẻ đang tham gia lao động, tương đương với 1/10 số trẻ em ở Việt Nam. 7 trong số 10 trẻ này làm nông nghiệp và số còn lại chủ yếu tham gia hoạt động sản xuất, xây dựng và dịch vụ. Cuộc điều tra cho thấy 42% trẻ em lao động không đi học và 34% đang làm việc trên 42 giờ một tuần. Hơn nữa, nhiều trẻ em lao động ở Việt nam phải làm việc ngoài trời và ở những nơi phi chính thức, có nguy cơ bị tai nạn… Nhận thức được những thách thức này, Việt Nam đã cam kết đạt được chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) số 8.7, bao gồm kết quả đầy tham vọng là chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. Việt Nam cũng được chọn là quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 – liên minh toàn cầu được lập ra để đảm bảo sẽ đạt được chỉ tiêu SDG.  Tại diễn đàn, các em thiếu nhi cùng tham gia vào hoạt động giao lưu, vẽ tranh nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề lao động trẻ em; thực hiện Cây ước mơ để thể hiện nguyện vọng, mong ước của mình về vấn đề này. Đại biểu tham dự diễn đàn là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể cùng lắng nghe, trao đổi về những tâm tư, nguyện vọng của các em; thể hiện sự quyết tâm, cam kết thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, hướng tới chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; trong đó có Mục tiêu 8.7 kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025. Hồng Thiết

Họp báo Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2019

TĐKT - Chiều 4/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2019 với chủ đề “Tử tế với đại dương”. Họp báo giới thiệu Chiến dịch Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Tin tức VTV24 khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 tại 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Chiến dịch thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng và xã hội. Các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa bàn cụ thể hóa các nội dung triển khai chiến dịch phù hợp với địa phương. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2019. Với chủ đề “Tử tế với đại dương”, chiến dịch được triển khai từ ngày 2/6 đến 31/8, tập trung nâng cao nhận thức và hành động cho người dân, khách du lịch và cộng đồng về vai trò quan trọng của biển đối với đời sống con người. Kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực; đồng thời tổ chức các hoạt động an sinh xã hội nhằm động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh có đường bờ biển tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chiến dịch đặt ra một số chỉ tiêu: Xây dựng 400 điểm thường xuyên duy trì hoạt động làm sạch bờ biển tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Phấn đấu có 100.000 người (bao gồm: Đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang, người dân) tham gia các hoạt động trong chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Huy động 50 câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tổ chức ít nhất 1 hoạt động “Hãy làm sạch biển” tại 28 tỉnh, thành ven biển.  Lễ ra quân cấp trung ương chiến dịch “Hãy làm sạch biển” sẽ được tổ chức tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 8/6/2019 với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực. Đồng thời, tại 28 tỉnh, thành có đường bờ biển cũng đồng loạt cùng tổ chức các hoạt động thu gom rác thải. Mai Thảo  

Người mẹ ung thư quyết sinh con đang tiến triển từng ngày, hi vọng ước nguyện gặp con một lần sẽ thành hiện thực

TĐKT- Những ngày vừa qua, câu chuyện cảm động về sản phụ Nguyễn Thị Liên mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con đã chạm đến trái tim nhiều người. Đến nay (ngày 31/05) đã 12 ngày sau khi cậu bé Đỗ Bình An (con trai sản phụ Liên) chào đời, hiện sức khỏe của mẹ và bé đã dần ổn định và luôn được các bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản TW theo dõi và điều trị tích cực. Bỏ qua sinh mệnh của mình, quyết tâm đợi con trai chào đời Mặc dù cuộc sống sau khi kết hôn còn nhiều vất vả, công việc của anh Đỗ Văn Hùng (chồng chị Liên) không ổn định, bữa được bữa không vì anh đi làm sơn thuê ở thành phố nhưng căn nhà nhỏ lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ bên cô con gái hơn 2 tuổi, đó có lẽ là những ký ức đẹp với gia đình sản phụ Liên trước biến cố lớn mà người mẹ này đã và đang trải qua. Biết mình mang thai bé thứ 2, hạnh phúc như vỡ òa mặc dù chị biết vô vàn khó khăn trước mắt. Không lâu sau đó, chị phát hiện thấy u cục ở vú khi mang thai con được 8 tuần, lúc đầu chị Liên tưởng bị viêm tuyến sữa thông thường như những người phụ nữ mang bầu khác. Chỉ đến khi ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức ngực, nhiều hạch xuất hiện ở hai vai, hai chân bị phù, đau nhức chị mới tới bệnh viện K để thăm khám. Kết quả ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn như sét đánh ngang tai,làm sụp đổ niềm hy vọng của người mẹ đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ mới ở tháng thứ tư của thai kỳ. Bé Bình An đang tiến triển tốt từng ngày BS Đồng Chí Kiên chia sẻ “Điều tôi ấn tượng nhất với sản phụ Liên không chỉ ở nghị lực, quyết tâm giữ con mà là ánh mắt của bệnh nhân khi tôi hỏi “Em đã có quyết định chưa”, không suy nghĩ, không đắn đo, ánh mắt ấy đong đầy cảm xúc, như một sự cầu cứu hãy cho em bé được có cơ hội chào đời “Em muốn giữ con” là những từ người mẹ ung thư giai đoạn cuối bỏ qua lo lắng về tính mạng của mình vì con.” Giọng nói yếu ớt, nhưng ánh mắt quyết tâm quyết định giữ lại đứa bé với mong muốn sẽ cầm cự  được nhiều nhất có thể đủ để đứa bé có thể chào đời đã khiến các bác sĩ Bệnh viện K quyết định vừa điều trị ung thư cho mẹ, vừa kéo dài tuổi thai kỳ. Từ thời điểm thai 18 tuần, các bác sĩ bệnh viện K đã hội chẩn liên viện với các chuyên gia của bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện 103, thống nhất nỗ lực theo dõi, chăm sóc sức khỏe hai mẹ con, cố gắng giữ em bé ở lâu trong bụng mẹ được ngày nào hay ngày ấy. .. Tuy nhiên đến thời điểm thai 31 tuần, khi sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con,  các bác sĩ bệnh viện K Trung ương và bệnh viện phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho sản phụ Nguyễn Thị Liên. Ca sinh mổ đặc biệt tại bệnh viện K Đó là một buổi chiều đặc biệt tạibệnh viện K cơ sở Tân Triều – chiều ngày 22/05, không phải là ca mổ điều trị ung thư như thường lệ. Ngày hôm ấy, một sinh linh bé bỏng mang tên Đỗ Bình An, 1500gram đã cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện đầu ngành về ung thư sau sự nỗ lực của ekip 20 bác sĩ hai bệnh viện K, bệnh viện Phụ Sản và đặc biệt là nghị lực phi thường của mẹ Liên. Bình An ra đời với tiếng khóc đầu tiên của con và những giọt nước mắt xúc động của tất cả y bác sĩ, những người được chứng kiến câu chuyện xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng của hai mẹ con, giọt nước mắt của người cha khi con được đưa về chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ. “Sáng ngày 28/05, sau 6 ngày kể từ khi được các bác sĩ Bệnh viện K cùng bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp mổ bắt con, diễn biến sức khỏe của sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối vẫn quyết giữ thai nhi đến cùng – chưa diễn biến khả quan. Đặc biệt ngày 28/05, sức khỏe chị Liên diễn biến xấu, suy hô hấp, kết quả chụp X-Q Phổi không khả quan. Ngay lập tức các bác sĩ bệnh viện K đã tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Bạch Mai dưới sự chủ trì của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K đề nghị điều trị, chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, sử dụng những thuốc điều trị đích, hỗ trợ thở tốt nhất cho sản phụ Liên. TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, rất may mắn và cũng là nghị lực của người mẹ khát khao cháy bỏng được gặp con trai, sau đó 01 ngày, sáng 29/05 bệnh nhân đã ổn định hơn. Đến hiện tại, các chỉ số xét nghiệm tạm thời trong giới hạn ổn định, phổi đã có dấu hiệu tích cực và vẫn được các bác sĩ theo dõi 24/7. Thông tin từ bệnh viện Phụ Sản TƯ cho biết bé Bình An sau khi được đưa đến Trung tâm sơ sinh, BV Phụ sản TƯ không tự thở được, phải hỗ trợ hô hấp thông qua nội khí quản, có tình trạng phù. Sau khi thở máy và dùng bơm hỗ trợ giãn nở phổi và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, phối hợp ăn xông qua dạ dày thì sau 09 ngày chào đời, tình trạng phù đã hết, đã được rút ống nội khí quản và thở ô-xy, tình hình tạm thời đang ổn định. Đến nay mỗi bữa Bình An được ăn xông qua dạ dày khoảng 20ml/lần, ngày 8 bữa, mỗi bữa cách nhau 180 phút. Bệnh nhân Nguyễn Thị Liên Cứ hàng ngày chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện để gắng được nhìn vợ, nhìn con thêm một chút, anh Hùng cầu nguyện “Có phép màu để vợ anh sớm bình phục, Liên được gặp con và gia đình đoàn tụ”, ánh mắt người cha vẫn hiện rõ sự lo lắng, xót thương cho  con trai bé bỏng thiếu tháng sinh, người vợ đang hàng ngày giành giật sự sống và đứa con gái hơn hai tuổi đang phải nhờ người trông tại quê nhà. Nhưng  anh tin nhất định hai đứa con sẽ là động lực để anh đứng vững và bước tiếp. GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ “Chúng tôi đang nỗ lực hết tâm sức để hai mẹ con sớm được gặp nhau, đó sẽ là khoảnh khắc đẹp nhất mà tất cả mọi người đang cầu nguyện, chờ đợi thành hiện thực.”“Bàn tay nhỏ xíu nắm chặt tay người đang chăm sóc. Phải níu giữ thật chặt cuộc sống này bé nhé, như sự kiên cường của mẹ và sự nỗ lực của các bác sĩ, bởi em đã làm được điều mà không phải đứa trẻ nào cũng làm được, đồng hành với nhọc nhằn của mẹ, đồng hành với  nỗi đau và  cả niềm mong mỏi đến khắc khoải của người mẹ …và em còn là niềm lạc quan và hy vọng kéo dài sự sống cho người sinh thành”. Đỗ Bình An đã được sinh ra đúng như hy vọng lớn nhất của người mẹ và  giấc mơ của người mẹ ấy sẽ còn được viết tiếp khi có sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm để em bé được lớn lên khỏe mạnh, ấm áp trong tình yêu thương của mọi người. La Giang    

Trang