Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tháng 8
06/09/2019 - 14:05

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, trong tháng 8 toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Kết quả, trong tháng 8 toàn ngành thu 30.912 tỷ đồng, trong đó: Thu BHXH 155.583 tỷ đồng, thu bảo hiểm TNLĐ-BNN (tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp) 3.082 tỷ đồng, thu BH thất nghiệp (BHTN) 11.560 tỷ đồng, thu BHYT 60.974 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 9.547 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 81.400 người hưởng trợ cấp một lần; 935.788 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 8 tháng đầu năm, đã giải quyết 75.018 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 580.278 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.851.331 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/data/news/2019/09/x6ab5118e6528247ba6aa2d7646da0633.jpg.pagespeed.ic.YAAHj5ZI_b.jpg

Cùng với đó, cả nước có khoảng 14,75 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú; lũy kế 8 tháng đầu năm có khoảng 118,083 triệu lượt người KCB BHYT

Để có được kết quả toàn diện ấy, toàn ngành phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 60.500 người hưởng chế độ BHTN (trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề). Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải quyết cho 544.062 người hưởng chế độ BHTN. Chi BHXH, BHYT, BHTN 25.879 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, số chi BHXH, BHYT, BHTN là 207.664 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch cả năm; trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 28.856 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 106.476 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 4.688 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 67.644 tỷ đồng.

Qua phân tích dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT (tính đến hết tháng 7/2019) và báo cáo của BHXH một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều tỉnh có số chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Thủ tướng giao tại Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5/4/2019, trong đó một số nhóm chi phí KCB bình quân/1 lượt KCB tăng mạnh so với năm 2018 như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền ngày giường… Cụ thể như sau: Chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Chính phủ giao: Vĩnh Long 88,24%; Ninh Thuận 71,84%; Đắc Nông 71,04%; Nghệ An 69,99%....

Đặc biệt, một số tỉnh phía Bắc trong 7 tháng đầu năm 2019 có tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao: Phú Thọ 17,70%, Sơn La 17,61%; Vĩnh Phúc 15,95%...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, để đảm bảo việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi từ tiền túi người bệnh, đảm bảo thực hiện dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 22/QĐ-CP, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh tập trung giải quyết những tồn tại nêu trên, đồng thời lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, phân tích đánh giá để xác định rõ các nguyên nhân cụ thể gây gia tăng chi phí bất thường, tổ chức làm việc với các cơ sở KCB có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, đề nghị cơ sở KCB điều chỉnh về chỉ tiêu hợp lý, đồng thời theo dõi, giám sát đảm bảo chuyển biến thực chất của cơ sở KCB.

Thứ hai, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (khi có diễn biến bất thường) có văn bản báo cáo và xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thông báo với Sở Y tế về tình hình sử dụng nguồn dự toán Chính phủ giao tại Quyết định số 22/QĐ-CP, trong đó có đánh giá, chỉ rõ các các cơ sở KCB có tình trạng gia tăng chi phí bất thường; tăng chỉ định vào điều trị nội trú (so sánh với tỷ lệ vào viện bình quân chung trên địa bàn tỉnh hoặc các bệnh viện tương đương cùng mô hình, cùng hạng trên phạm vi toàn quốc); có ngày điều trị nội trú kéo dài không hợp lý; có tình trạng thu gom người bệnh, lập khống hồ sơ thanh toán; giá thuốc, vật tư y tế đấu thầu quá cao so với địa phương khác cùng thời điểm… Đề xuất tham mưu giải pháp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời.

Thứ ba, tăng cường công tác giám định BHYT, thực hiện giám định theo đúng Quy trình giám định BHYT. Bố trí, sắp xếp cán bộ giám định để tập trung giám định dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; phân tích, đánh giá, phát hiện các sai sót, các chi phí KCB BHYT bất thường cần lưu ý tại tất cả cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trước khi tổ chức giám định tập trung tại cơ sở KCB.

Tăng cường công tác giám định theo chuyên đề đã được cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để từ chối thanh toán các trường hợp đề nghị không đúng quy định: Dịch vụ kỹ thuật (DVKT) chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, DVKT thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật, tách DVKT để thanh toán, chênh lệch giá thuốc, vật tư y tế so với giá trúng thầu trung bình đã được BHXH Việt Nam đăng tải ...

Đối với các trường hợp tách đợt KCB hàng tháng đối với các bệnh mãn tính, điều trị dài ngày như tiểu đường, tăng huyết áp…, BHXH các tỉnh đề nghị cơ sở KCB thực hiện việc khám bệnh, kê đơn thuốc tối đa 30 ngày/1 đợt theo đúng quy định tại Điều 4 Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho người bệnh không phải đi KCB nhiều lần.

Đồng thời thực hiện việc ghép hồ sơ thanh toán hàng tháng. Các cơ sở KCB BHYT có hiện tượng gia tăng chi phí bất thường, nhiều người bệnh có cùng địa chỉ (xã, huyện) đến KCB cùng ngày, BHXH tỉnh bố trí giám định viên thường trực để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng thu gom người bệnh BHYT không đúng quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Hồng Thiết