Văn hóa - Thể thao

112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019

TĐKT - Chiều 6/5, tại Tam Chúc, Hà Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo thông tin về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề: "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cũng chia sẻ vì xã hội bền vững". Họp báo Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, so với 15 lần tổ chức trước đây, Đại lễ Vesak 2019 có quy mô lớn nhất, sẽ thu hút số lượng khách quốc tế tham dự nhiều nhất và có nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự. Đến ngày 6/5, Ban tổ chức đã nhận được xác nhận tham dự Đại lễ từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân, 1650 đại biểu quốc tế là các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức, học giả Phật giáo. Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc..., các quan chức, Bộ trưởng của các nước, 20 vị Đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ tham dự Đại lễ. Ngài Phó Tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ. Dự Đại lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hơn 20.000 người đại biểu là tăng ni, Phật tử trong nước, đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn... Tới thời điểm này, đã có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước gửi về tham dự các diễn đàn của Đại lễ. Ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Hà Nam đang tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ cho Đại lễ Vesak 2019. Bộ Công an và các cục chức năng, Công an các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình đã có các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ... cho Đại lễ. Hàng nghìn Phật tử và tình nguyện viên từ khắp các địa phương sẽ tham gia phục vụ Đại lễ. Các đại biểu chính thức tham dự Đại lễ được sắp xếp ăn nghỉ tại các khách sạn ở Hà Nam, Hà Nội và Ninh Bình. Ban tổ chức đã bố trí một khu nhà ăn rộng 3200 m2 phục vụ tiệc buffet cho các đại biểu chính thức trong suốt 3 ngày diễn ra Đại lễ. Các Phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được Ban tổ chức phát cơm hộp miễn phí tại khu vực chùa Tam Chúc. Bộ Y tế giúp đỡ Ban tổ chức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm cho Đại lễ. Từ ngày 10/5, Ban tổ chức bắt đầu khai mạc chuỗi sự kiện văn hóa Phật giáo gồm: Triển lãm văn hóa Phật giáo, hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo, hội hoa đăng trên hồ Tam Chúc, công bố bộ tem chào mừng Đại lễ Vesak 2019, giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, bắn pháo hoa, thả chim hòa bình... Đại lễ Vesak 2019 sẽ chính thức khai mạc vào 8h30 ngày 12/5, bế mạc vào 8h30 ngày 14/5. Lễ khai mạc và bế mạc Đại lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình VTV1. Phương Thanh

44 tác phẩm đạt giải thi viết “Hào khí Trường Sơn”

TĐKT - Chiều 4/5, tại Hà Nội, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Báo Cựu chiến binh Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019). Ban Tổ chức trao thưởng cho 5 đơn vị đạt giải tập thể Được phát động từ ngày 22/3/2018, cuộc thi nhằm tôn vinh tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong 16 năm (1959 - 1975) trên tuyến đường Trường Sơn và đơn vị kế thừa truyền thống bộ đội Trường Sơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những gương sáng Trường Sơn trong cuộc sống đời thường. Nội dung cuộc thi được thể hiện qua hai chủ đề: Chủ đề 1: “Trường Sơn những năm tháng hào hùng” - viết về những gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của quân và dân ta trên tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ; tình cảm của quân dân cả nước dành cho đường Trường Sơn; tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là đoàn kết Việt Nam – Lào - Campuchia, một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức sống của đường Trường Sơn huyền thoại. Chủ đề 2: “Tỏa sáng Trường Sơn” – viết về những đóng góp của những tập thể, cá nhân là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn, những đơn vị thuộc Binh đoàn 12 - đơn vị kế thừa truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ tháng 5 - 1975 đến nay; những tấm gương bình dị mà cao quý của cựu chiến binh, thanh niên xung phong Trường Sơn trong cuộc sống đời thường. Kể từ khi phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.168 tác phẩm dự thi. Qua 3 vòng loại, Ban giám khảo đã lựa chọn 44 tác phẩm để trao 2 giải nhất (“Người anh hùng chưa được vinh danh” của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, “Người chiến sĩ ấy” của tác giả Phạm Thùy Nhung), 4 giải nhì, 8 giải ba, 30 giải tư và 5 giải tập thể. Ban tổ chức đã biên tập 44 tác phẩm được trao giải để in sách “Hào khí Trường Sơn”; chọn đăng 120 bài dự thi trên trang Thông tin điện tử Trường Sơn. Phương Thanh

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tháng 5 Ơn Người”

TĐKT - Nhân dịp Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, vào lúc 20h ngày 10/5/2019, trên Kênh VTC1, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC sẽ tường thuật trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tháng 5 Ơn Người”. Thông qua Chương trình, nhiều món quà ý nghĩa đã được trao tặng tới nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên cả nước Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài tiếng nói Việt Nam giao Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Công ty Truyền thông Thủ Đô phối hợp tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội dưới sự chỉ đạo nội dung của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Chỉ đạo nghệ thuật của NSND Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch cùng sự cố vấn cấp cao của Ông Đặng Văn Chiến - Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIII. Chương trình “Tháng 5 Ơn Người” được tổ chức nhằm bày tỏ tri ân và tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Khắc ghi công lao trời biển của Người, nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; đồng thời, cũng là thực hiện di chúc của người về việc chăm lo cho thế hệ thanh niên và nhi đồng. Ngày này cách đây 54 năm, lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc. Bốn ngày tiếp sau đó, Người đã dành mỗi ngày một hai tiếng để viết. Sau này, vào mỗi dịp sinh nhật hàng năm Bác lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Lần cuối cùng Bác viết và chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969. Trải qua 50 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với lòng kính yêu vị lãnh tụ – Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chương trình mang đến những thanh âm ngọt ngào qua lối dẫn truyện độc đáo với tiết mục mở màn qua phần trình diễn bộ sưu tập áo dài mang chủ đề Hương sen dâng Bác do Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế; tác phẩm Quê chung – Thơ Nguyễn Thế Kỷ - Nhạc: Hồ Trọng Tuấn do Ca sĩ Phạm Phương Thảo biểu diễn. Chương trình nghệ thuật là câu chuyện kể bằng thơ – nhạc, tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc về cõi vĩnh hằng, qua các ca khúc: Dấu chân phía trước, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Miền Trung nhớ Bác, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Người là niềm tin tất thắng, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Tháng 5 nhớ Bác, Bài ca Hồ Chí Minh, Hát về Người, qua sự thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn, Bùi Lê Mận, Vũ Thắng Lợi, Phạm Phương Thảo. Thiếu nhi Trung tâm Văn hóa Ba Đình biểu diễn hai tiết mục: “Em mơ gặp Bác Hồ” và “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Bên cạnh đó, chương trình là hoạt động an sinh xã hội được tổ chức thường niên nhằm vận động nguồn lực xã hội, trao tặng sổ tiết kiệm, tặng học bổng, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua chương trình, Ban tổ chức đã trao sổ tiết kiệm cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đến thăm và tặng quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An – Ba Vì; Trung tâm cứu trợ Trẻ em Huyện Thuận Thành, trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Qua 11 năm tổ chức, thông qua các chương trình chuyên đề: Những trái tim đồng cảm, Vầng trăng cổ tích, Tết cho trẻ em nghèo, Tháng 5 Ơn Người... Ban tổ chức đã hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho gần 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây dựng hơn 20 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng gần 1000 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng gần 1000 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng gần 9000 suất quà cho trẻ em nghèo khắp mọi miền tổ quốc với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng. Phương Thanh

Ra mắt sách chiến dịch Điện Biên Phủ của tác giả người Pháp

TĐKT - Chiều 3/5, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức Lễ ra mắt sách “Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954” và giao lưu với tác giả Ivan Cadeau (Pháp). Nhiều tài liệu quý về chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn của người Pháp lần đầu tiên được công bố tới công chúng dịp này. Sách sử dụng tài liệu lưu trữ của Pháp chưa từng được công bố tại Việt Nam và các thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử. Phần Phụ lục của cuốn sách còn thống kê quân số Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953. Tác giả Ivan Cadeau (phải) trong buổi giới thiệu sách Cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954” dài 270 trang do Nhà Xuất bản Thông tin và truyền thông xuất bản, sử dụng tài liệu lưu trữ của Pháp chưa từng được công bố tại Việt Nam. Trong đó, có cả những thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử của Pháp. Cuốn sách được chia làm 7 chương gồm: Một lối thoát danh dự; Chiến dịch mùa thu 1953; Anne Marie (Bản Kéo), Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và một số cứ điểm khác; Đó là cho ngày mai; Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến năm ngọn đồi; Tạm biệt bạn già. Hình ảnh được sử dụng trong cuốn sách Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, cuốn sách là nguồn tư liệu có giá trị, góp phần bổ sung thông tin về sự kiện Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh tại Đông Dương dưới góc nhìn của 1 sĩ quan, nhà sử học Pháp để các nhà sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam có tư liệu tham khảo. Được biết, năm 2018, cơ quan này đã tổ chức đoàn đi sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và được tiếp cận cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 – 7/5/1954” của tác giả Ivan Cadeau. Ông từng là sĩ quan và nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương Nhận thấy giá trị lịch sử và ý nghĩa của tư liệu này, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành biên dịch và mua bản quyền xuất bản cuốn sách để giới thiệu tới đông đảo công chúng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019). Sau Lễ ra mắt, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tặng cuốn sách cho các thư viện các viện nghiên cứu, các trường học để phục vụ việc tham khảo, nghiên cứu. Tại Lễ ra mắt sách, TS. Ivan Cadeau, tác giả cuốn “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954” cho biết, ông bắt đầu quan tâm, nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương từ 7 - 8 năm nay và đã thực hiện một luận án Tiến sĩ về đề tài này. Theo tác giả, trước đây ông viết nhiều sách về chiến tranh Đông Dương nhưng chưa viết cuốn nào về Điện Biên Phủ. Hai tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đã có sách viết về vấn đề này. Tuy nhiên ông cho rằng, cho đến nay, nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ chỉ là dưới dạng văn học hoặc theo lời kể của phóng viên chiến trường. “Tôi viết cuốn sách này dựa trên những tài liệu được quốc gia lưu trữ để người đọc tìm được sự thật”, TS. Ivan Cadeau nói. Cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 – 7/5/1954” được xuất bản theo hợp đồng giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước với Nhà Xuất bản Tallandier của Pháp. Hồng Thiết  

Tái hiện ký ức Trường Sơn qua hàng trăm tài liệu, hiện vật lịch sử

TĐKT - Sáng 3/5, tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm “Ký ức Trường Sơn” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019). Tới dự Lễ khai mạc, có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ CHí Minh; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12; Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12. Lễ khai mạc Triển lãm Triển lãm giới thiệu tới đông đảo công chúng về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và những mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển lãm diễn ra từ ngày 3/5 - 31/5/2019, trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh qua 2 phần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và “Phát huy truyền thống”. Trong đó, phần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình mở đường, vận chuyển hàng trên Trường Sơn giai đoạn đầu, quá trình tiến lên cơ giới hóa, thể hiện sự phát triển của mạng lưới giao thông chiến lược bảo đảm chi viện cho các chiến trường; các trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn với những mục tiêu, thủ đoạn đánh phá trong chiến dịch ngăn chặn của Mỹ với các phương tiện, vũ khí hiện đại. Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng Phần “Phát huy truyền thống” trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về hoạt động của bộ đội Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới; bộ đội Trường Sơn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội xây dựng công trình giao thông cầu đường, thủy lợi, thủy điện, công trình công nghiệp, dân dụng… củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng đất nước giàu đẹp. Triển lãm lần này cũng giới thiệu về hoạt động Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, về những cựu chiến binh Trường Sơn tiếp tục phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới. Mô hình căng tin Trường Sơn được tái hiện tại Triển lãm Triển lãm được tổ chức nhằm tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong Binh đoàn 12 và khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về chủ trương đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam, cũng như quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của bộ đội Trường Sơn trong 60 năm qua. Qua đó, động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội Trường Sơn anh hùng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là huyết mạch giao thông quan trọng, góp phần quyết định sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, được thế giới biết đến như một “Con đường huyền thoại”, một “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Để làm nên huyền thoại đó, hàng vạn người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc… đã cùng hòa chung một nhịp đập trái tim, mỗi binh chủng, mỗi chiến sĩ trở thành một mạch máu nhỏ tạo nên sức sống mãnh liệt, kỳ diệu cho con đường, giữ cho những trọng điểm luôn được thông suốt, phát triển, vươn xa, đảm bảo chi viện tới các hướng chiến trường, bất chấp sự hủy diệt của bom đạn, những khó khăn, trở ngại của địa hình, thời tiết núi rừng Trường Sơn… Cũng chính ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc ấy, tình cảm đồng chí, đồng đội lại có một sự gắn kết vô cùng thiêng liêng. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là trang sử hào hùng ghi lại câu chuyện huyền thoại về một con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở đó, mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, máu xương của các anh hùng, liệt sĩ, những con người đã hiến trọn tuổi thanh xuân, kiên cường bám trụ, chiến thắng mọi âm mưu đánh phá, ngăn chặn của đế quốc Mỹ, cùng nhân dân cả nước hát vang khúc ca khải hoàn đất nước trọn niềm vui trong Đại thắng mùa xuân năm 1975. Phương Thanh

Khai hội du lịch biển Hải Tiến 2019

TĐKT - Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2019 với chủ đề “Hải Tiến - Tình biển - Tình người” đã chính thức khai mạc tối ngày 28/4, tại Khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, thu hút hàng nghìn người dân cùng du khách tham dự. Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến nằm trên bờ biển thuộc địa phận 4 xã: Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cách Thủ đô Hà Nội 155 km, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 17 km, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến như một nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình trên dọc bờ biển dài 12 km của huyện Hoằng Hóa, mang đến sự khác biệt và mới lạ so với các điểm du lịch biển khác của xứ Thanh. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây tham dự Lễ khai hội biển Hải Tiến 2019 Biển Hải Tiến có bãi biển hoang sơ, cảnh quan tự nhiên, hấp dẫn. Nơi đây không chỉ có biển xanh, cát trắng cùng với những rặng dừa xanh, rừng phi lao bát ngát mà dưới bàn tay tài hoa và trí tuệ của con người, nhiều cơ sở hạ tầng du lịch sang trọng và hiện đại được xây dựng đã biến vùng đất cát hoang sơ trở nên đẹp mộng mơ và nên thơ, lãng mạn, để du khách khám phá và tận hưởng những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi, thoải mái. Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2019 Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa khen thưởng những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển du lịch huyện Hoằng Hóa Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Sỹ Nghiêm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa chỉ rõ: Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, từ một vùng biển hoang sơ, cát trắng, được sự quan tâm, giúp đỡ của trung ương, tỉnh; cùng với quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của huyện; tâm huyết của các nhà đầu tư và tấm lòng quý mến của du khách, Hải Tiến ngày nay đã khoác trên mình một màu áo mới: khang trang, đa dạng, tiện ích và thân thiện hơn; hạ tầng cơ sở vật chất phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Hải Tiến có gần 6.000 phòng nghỉ sang trọng, với nhiều khu vui chơi giải trí, khu tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hàng năm đã đón được hơn một triệu lượt khách về với Hải Tiến. Sự phát triển không ngừng của Hải Tiến đã góp phần tích cực, quan trọng, làm thay đổi cả về kinh tế và xã hội của vùng biển Hoằng Hóa. Cùng với xu thế phát triển chung của du lịch cả nước cũng như du lịch Thanh Hóa, du lịch biển Hải Tiến được xác định là mũi nhọn, là trụ cột đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hoằng Hóa. Trong thời gian tới, khu đô thị Hải Tiến sẽ được điều chỉnh quy hoạch lên 2.300 ha (gấp hơn 4 lần hiện nay), dự kiến hàng năm sẽ đón được trên hai triệu lượt du khách. Hoằng Hóa cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư vào Hải Tiến và sẽ luôn mở rộng vòng tay đón chào du khách về du lịch biển Hải Tiến với tấm lòng chân thành, mến khách. Dịp này, huyện Hoằng Hóa kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại biển Hải Tiến để cùng huyện Hoằng Hóa xây dựng Khu du lịch biển Hải Tiến ngày càng văn minh, hiện đại và là điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách, trở thành trọng điểm du lịch xứ Thanh và cả nước trong tương lai. Thục Anh

Phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập"

TĐKT - Sáng  26/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 – 7/5/2019). Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cho biết, hơn nửa thế kỷ qua, nông nghiệp – nông dân – nông thôn là một trong hai mảng đề tài làm nên thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam, bên cạnh mảng đề tài viết về chiến tranh. Văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm viết về đề tài nông thôn như: Chí Phèo; Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân)... Nông thôn là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động. Nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi rất mạnh mẽ. Nhưng đáng tiếc là mảnh đất màu mỡ ấy dường như đang bị bỏ quên, khi văn học Việt thời gian gần đây đang dần thiếu vắng các sáng tác về nông thôn, các nhà văn dường như ngày càng ít quan tâm đến đề tài này. Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" Việc thiếu vắng các tác phẩm văn học viết về nông thôn khiến nhiều nông dân không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, thiếu đi một nguồn động viên to lớn để bà con nông dân cũng như toàn xã hội tham gia xây dựng đời sống nông thôn mới, bạn đọc cũng mất đi một món ăn tinh thần bổ ích. Đây cũng là lý do chính thôi thúc Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông thôn Việt Nam mang tên “Làng Việt thời hội nhập”. Cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021, với sự chủ trì, tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng các nhà văn nổi tiếng, có uy tín và có tiếng nói, sức ảnh hưởng xã hội lớn. Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc, trao giải vào tháng 5/2021 - đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên với giải thưởng thuộc hàng cao nhất trong số các cuộc thi viết truyện ngắn từ trước đến nay, gồm: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải. Ngoài ra, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. Ban tổ chức cũng sẽ trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao. Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Trần Đăng Khoa đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi viết của Báo Nông thôn Ngày nay và Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi nghĩ rằng, thông qua cuộc thi này, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm đặc sắc về nông thôn.” Mai Thảo  

Khai mạc triển lãm về dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

TĐKT - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Phú Thọ tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Tới dự, có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham quan triển lãm Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu và giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Tây Bắc, lực lượng dân công hỏa tuyến đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, “xẻ núi, bạt đồi, đào hầm”, tận dụng triệt để các phương tiện vận chuyển như bè mảng, xe đạp thồ, trâu, bò... để đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời đến với bộ đội ở tiền tuyến. Đã có gần 21.000 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, bò kéo... được huy động để vận chuyển hơn 24.000 tấn gạo, 1.800 tấn thực phẩm, 1.450 tấn đạn, 10.139 thương binh... Những phương tiện vận chuyển của dân công hoả tuyến làm kẻ địch bất ngờ, không thể dự tính. Triển lãm gồm 3 nội dung: Dốc sức cho Điện Biên; Điện Biên – điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng; âm vang còn mãi. Ngoài 3 nội dung trên, điểm nhấn của triển lãm là phần mở đầu giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật về chủ trương của quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, dân công vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trưng bày tại triển lãm gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa đường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tháng 12/1953; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954. Trưng bày giới thiệu nhiều phương tiện vận tải của lực lượng dân công được sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Bên cạnh các hình ảnh về dân công hỏa tuyến và bộ đội công binh làm đường chuẩn bị cho chiến dịch, phần trưng bày “Dốc sức cho Điện Biên” còn giới thiệu các hình ảnh, tài liệu tiêu biểu như: Sơ đồ đổ bộ đường không của tướng Gilles tại Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953; Tài liệu Phòng thủ Điện Biên Phủ của Đại tá Lăngle chỉ huy khu sân bay gửi đơn vị quân Pháp phòng thủ các hướng quân Việt Minh có thể tiến đánh, ngày 6/1/1954… Cờ thưởng tặng cho các lực lượng tham gia chiến dịch Một số hiện vật của các chiến sĩ dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại triển lãm: Giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ của ông Vũ Kế Khôi, ông Thái Văn Phúc và ông Hoàng Thanh Bằng; đoàn dân công xe đạp tỉnh Thanh Hóa tham gia vận chuyển lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; áo sơ mi của ông Trịnh Mạnh Hàm, dân công xe đạp thồ tỉnh Phú Thọ đã sử dụng khi tham gia phục vụ chiến dịch. Phần trưng bày “Điện Biên - Điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng” phản ánh quá trình chiến đấu anh dũng của quân và dân ta với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên. Phần trưng bày “Âm vang còn mãi” giới thiệu một số hình ảnh về Điện Biên Phủ ngày nay; chiến trường Điện Biên Phủ nay là di tích lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” góp phần tưởng nhớ và tri ân nhưng chiến công, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng dân công hỏa tuyến đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Phương Thanh

Ra mắt chuỗi sự kiện khám phá địa danh - văn hóa dân tộc: "Check in Việt Nam - Tự hào Việt Nam"

TĐKT - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt, giới thiệu chuỗi cuộc thi - sự kiện "Check in Việt Nam - Tự hào Việt Nam" và ứng dụng di động (App) Mạng xã hội Du lịch CIVIE. Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Lễ ra mắt Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho biết: Triển khai từ năm 2019 - 2024, chuỗi cuộc thi - sự kiện truyền đi thông điệp "Trải nghiệm là vô giá", nhằm tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ nhận thức rõ về ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong việc giữ gìn, quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như ý thức bảo vệ môi trường; giúp các bạn trẻ tham gia nhiều hơn vào những hành trình trải nghiệm lý thú qua các miền di sản, các địa danh, các khu di tích lịch sử trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của Tổ quốc. Qua đó, thúc đẩy phong trào du lịch khám phá văn hóa Việt Nam trong giới trẻ và toàn thể nhân dân. Góp phần quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử, nét văn hóa, phong tục, tập quán của các địa phương trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam tới người dân trong nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.  Khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước của mỗi người dân Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sau Lễ ra mắt, Lễ phát động phong trào du lịch khám phá văn hóa "Check in Việt Nam - Tự hào Việt Nam" sẽ được tổ chức vào tháng 5/2019 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô - thị xã Sơn Tây - Hà Nội. Cuộc thi dành cho cá nhân với chủ đề "Check in Việt Nam - Nơi tôi đã đi qua" diễn ra từ 5/2019 - 12/2019 dành cho các cá nhân và tập thể, đặc biệt là các bạn trẻ thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc thông qua ý tưởng là bài viết, hình ảnh chụp tại các địa danh nổi tiếng, xây dựng các MV, video clip ghi hình tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên mọi miền Tổ quốc. Chuỗi sự kiện "Check in Việt Nam - Hành trình qua miền di sản" được triển khai từ tháng 5 - 12/2018 sẽ thực hiện hành trình trải nghiệm, du lịch khám phá về các di sản nổi tiếng kết hợp với các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường tại các địa phương với sự tham gia của các hoa hậu, người đẹp, các nghệ sĩ nổi tiếng; xây dựng các video clip, các phóng sự về hành trình trải nghiệm cùng người nổi tiếng để truyền thông trên các đài truyền hình, kênh Youtube, mạng xã hội CIVIE, mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, Ban tổ chức xây dựng ứng dụng di động Mạng xã hội du lịch "Check in Việt Nam" (CIVIE), cuốn bách khoa toàn thư điện tử về du lịch Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành đất nước du lịch thông minh nhờ công nghệ 4.0. Mạng xã hội CIVIE dành cho tất cả mọi công dân Việt Nam đang sinh sống trong và ngoài nước, người nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Người dùng có thể đăng tải hình ảnh, bài viết, video clip chia sẻ hành trình trải nghiệm du lịch của mình ở các địa danh; tham dự các cuộc thi nằm trong chuỗi cuộc thi của Chương trình "Check in Việt Nam - Tự hào Việt Nam". Những bài viết chất lượng, hình ảnh đẹp, video clip đặc sắc sẽ trở thành tư liệu giá trị để quảng bá cho hàng nghìn điểm đến tại Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Phương Thanh

Đợt chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn

TĐKT - Đợt phim Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5 và 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) sẽ diễn ra trong phạm vi cả nước từ ngày 24/4 đến 20/5. Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn Có 5 phim được chọn chiếu dịp này: Phim truyện "Sống cùng lịch sử" (đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân - Hãng Phim truyện Việt Nam), phim tài liệu "Chuyện những người lính già" (đạo diễn Dương Ngọc Hòa - Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), phim tài liệu "Sông Gianh thương nhớ" (đạo diễn Đào Đức Thanh - Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), phim tài liệu "Sống giữa yêu thương" (đạo diễn Phan Huỳnh Trang - Công ty cổ phần Phim Giải phóng), phim hoạt hình "Truyền thuyết chiếc khăn Piêu" (Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam). Lễ khai mạc đợt chiếu phim diễn ra lúc 19h30 ngày 24/4, tại Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) với hai bộ phim được trình chiếu: Phim truyện "Sống cùng lịch sử" và phim tài liệu "Chuyện những người lính già". Phim truyện "Sống cùng lịch sử" nói về chuyến du lịch tới Điện Biên của nhóm ba bạn trẻ Lâm - Nga – Tùng. Tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được chứng kiến và hòa mình vào sức trẻ yêu nước của thế hệ đi trước, những tấm gương biết hy sinh thân mình vì lý tưởng cao đẹp, ba bạn trẻ đã rút ra được những bài học sâu sắc cho riêng mình. Phim tài liệu "Chuyện những người lính già" kể về hồi ức không thể nào quên của những cựu chiến binh - những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước. Nhân dịp này, Cục Điện ảnh tổ chức đoàn cán bộ, nghệ sĩ của phim truyện "Thạch Thảo" và phim tài liệu "Chuyện những người lính già" tham gia giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 82, Quân khu II (vào ngày 25/4) và cán bộ, giáo viên và học sinh Trường PTDT nội trú tỉnh Điện Biên (ngày 26/4). La Giang

Trang