Văn hóa - Thể thao

Trao giải thi vẽ tranh “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”

TĐKT – Ngày 14/12, Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” đã diễn ra tại trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) với sự tham gia của hơn 1000 học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Các bạn học sinh đều phải thuyết trình về bản vẽ của mình. Cuộc thi và lễ trao giải do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục phòng chống thiên tai tổ chức. Đây là một hoạt động của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Trước khi tiến hành trao giải hơn 100 bạn học sinh đã cùng tham gia diễu hành. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của học sinh các trường trung học phổ thông về tầm quan trọng của rừng ngập mặn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, từ đó lan tỏa tới cộng đồng và kêu gọi sự tham gia của mọi người vào việc trồng và tái sinh rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Hướng tới các em học sinh THPT tại các tỉnh thành ven biển của cả nước, cuộc thi đã nhận được hơn 500 bài thi từ 18 trường THPT ở nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên và Cà Mau. Lễ trao giải có sự tham gia của hơn 1000 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Cuộc thi đã thể hiện sự hiểu biết của các em về tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ cuộc sống của con người, động thực vật cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua các nét vẽ và bài thuyết trình. Nhóm tác giả Lâm Nhật Hải - Cao Vũ Thủy (THPT Tắc Vân - Cà Mau) đạt giải nhất Giải nhất được trao cho nhóm tác giả Lâm Nhật Hải – Cao Vũ Thủy (THPT Tắc Vân – Cà Mau) với tác phẩm “Bình minh ở rừng ngập mặn”. Giải nhì thuộc về các tác giả: Cao Cẩm Nhi (THPT Tắc Vân – Cà Mau) với tác phẩm “Vai trò của rừng ngập mặn với ứng phó biến đổi và bảo vệ môi trường’, Võ Phương Thảo (THPT Phú Hưng – Cà Mau) với tác phẩm “Vai trò của rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”. Ngoài ra còn có 3 giải ba, 6 giải khuyến khích, 2 giải tập thể dành cho đơn vị có nhiều bài dự thi nhất và 1 giải dành cho tác phẩm được yêu thích nhất thông qua bình chọn trực tuyến. Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thực tiễn ở Việt Nam và quốc tế đã chứng minh hiệu quả của rừng ngập mặn trong bảo vệ con người, tài sản, cơ sở hạ tầng và giảm thiệt hại do thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ngoài ra, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người dân, thanh lọc và làm sạch môi trường, tạo cảnh quan du lịch sinh thái, và hấp thụ khí nhà kính giúp giảm biến đổi khí hậu. Do vậy, cuộc thi này cũng nhằm kêu gọi các hành động thực tế từ các em học sinh, cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ngập mặn cho một tương lai ít bị rủi ro hơn với tác động của biến đổi khí hậu”. Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi phải bám sát vào 5 tiêu chí để xem xét và chấm các bài. Rất nhiều bài rất hay cả về nội dung, hình thức và cả về thông điệp gửi gắm vào bức tranh đó. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nhiệt tình tham gia của các trường cũng như các em học sinh tham gia cuộc thi này.” Cũng trong buổi lễ trao giải, hơn 100 em học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã thực hiện buổi diễu hành với thông điệp “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Phương Thanh

Triển lãm hình ảnh các thành tựu, kết quả 12 năm phòng, chống hàng giả, hàng nhái

TĐKT - Sáng 29/11, tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm ảnh "Trưng bày, giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 12 năm triển khai Chương trình Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 - 29/11/2019)". Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Tuần lễ Phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019 do Tổng cục phát động. Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng cao, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Triển lãm được tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào chống hàng giả, hàng nhái cũng như phục vụ công tác trao đổi, kịp thời nắm bắt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện tốt công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.  Triển lãm thu hút sự chú ý của khách tham quan Triển lãm trưng bày hơn 100 tấm ảnh về các vụ việc xử lý vi phạm: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả - hàng nhái, giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì... trên quy mô cả nước; các tấm ảnh phân biệt hàng thật - hàng giả với mục đích tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, mua bán, sử dụng hàng hóa. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất cùng tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Phương Thanh  

Festival Hoa Đà Lạt 2019: Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

TĐKT - Sáng 22/11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Lâm Đồng họp báo giới thiệu Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019 với chủ đề "Đà Lạt và Hoa". Festival sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24/12 tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng. Đây là lễ hội văn hóa du lịch đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là thương hiệu lễ hội riêng của TP Đà Lạt. Ban tổ chức thông tin về các hoạt động của Festival Hoa Đà Lạt Festival có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị của hoa và ngành hoa, thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Trong khuôn khổ Festival lần này có 12 chương trình lớn và đặc sắc, trong đó, có 9 chương trình diễn ra trên địa bàn TP Đà Lạt. Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019 được tổ chức tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20 giờ 10 phút ngày 20/12 với chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, hoành tráng. Ngoài ra, có các hoạt động: Hội thảo thúc đẩy liên kết sản xuất rau, hoa Đà Lạt, công nghệ cao Đà Lạt - Lâm Đồng; trưng bày triển lãm hoa, cây cảnh quốc tế năm 2019 gắn với hội thi "Hội tụ sắc màu lan"; Hội chợ triển lãm thương mại quốc gia Festival Hoa Đà Lạt năm 2019 tại công viên văn hóa đô thị Đà Lạt; chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc với chủ đề "Bốn mùa hoa"; chương trình tôn vinh di sản kiến trúc Đà Lạt được thể hiện qua Tọa đàm "Hướng đến xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản" và chương trình nghệ thuật kết hợp hội họa "Phố bên đồi hoa 2019 - Vào miền nghệ thuật"; chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bế mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019... Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019, tỉnh Lâm Đồng sẽ đồng thời tổ chức Tuần Văn hóa Trà - Tơ lụa Lâm Đồng tại TP Bảo Lộc. Đây là một sự kiện văn hóa ngành nghề truyền thống của tỉnh. Qua đó, nhằm thúc đẩy việc quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa trên địa bàn TP Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung; tạo cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh trà, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa... được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về vùng đất và con người xứ trà B'Lao và thủ phủ tơ lụa Bảo Lộc. Điểm mới tại Festival Hoa lần này là tiểu cảnh giới thiệu các loại hoa đặc trưng, thế mạnh của Đà Lạt theo chủ đề từng ngày trên mặt hồ Xuân Hương và ở khu vực xung quanh hồ Xuân Hương với mô hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của TP Đà Lạt. Nhiều loại hoa tươi và cây lá trang trí mới, lạ có tính thương mại cao, có tiềm năng phát triển của Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ được Hiệp hội Hoa Đà Lạt kết hợp trưng bày trong không gian hoa nghệ thuật quanh hồ Xuân Hương. Không gian hoa còn được mở rộng đến các công viên, tiểu cảnh, tuyến phố, khu dân cư, điểm du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận với sự tham gia, đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức và từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, vườn hoa TP Đà Lạt sẽ tiếp tục được đầu tư, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trở thành một công viên hoa độc đáo, hấp dẫn nhân dịp lễ hội. Tham gia vào các hoạt động của lễ hội, du khách sẽ được thưởng lãm những không gian hoa mang tính nghệ thuật cao, thưởng thức hương vị đặc sản địa phương tại phố trà - cà phê - rượu vang, phiên chợ rau - hoa, Đêm hội Rượu vang Đà Lạt..., tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Phương Thanh

Khai mạc Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam

TĐKT – Sáng 20/11, tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam đã chính thức khai mạc. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, do Trung Tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý Hồ Văn, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tạp chí Vietnam Heritage, Tạp chí Thế giới Di sản, Trung tâm bảo tồn và Phát triển văn hóa Việt Nam, Công ty cổ phần phát triển Rồng Châu Á phối hợp tổ chức. Nghi thức cắt băng khai mạc Tuần lễ Phát biểu khai mạc Tuần lễ, PGS. TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức với mong muốn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; đồng thời, qua đó, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Trải nghiệm không gian làng nghề truyền thống dân tộc Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn: Triển lãm ảnh Di sản văn hóa Việt Nam; trình diễn trang phục áo dài Việt Nam; triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tơ lụa Vạn Phúc - Hà Đông, lụa Nha Xá - Hà Nam, tơ lụa con tằm tự dệt, tơ Sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận, áo dài Trạch Xá, thổ cẩm người Thái ở bản Nà Phày, Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An, thổ cẩm và lanh đay của người Mông, người Tày, người Dao ở Quản Bạ, Hà Giang…; trình diễn quay tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm; trưng bày các tác phẩm được tạo tác từ tre. Trình diễn trang phục áo dài Việt Nam Ngay tại Lễ khai mạc, khách tham quan đã được hòa mình vào các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc: Biểu diễn nghệ thuật pha và mời trà; biểu diễn dân ca, múa hát và cồng chiêng; nghệ thuật gói bánh chưng; thư pháp võ đạo. Biểu diễn thư pháp võ đạo Tham dự Tuần lễ, nhân dân và khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước còn có cơ hội được thưởng thức những đặc sản đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam như: Bánh chưng Bờ Đậu, thưởng trà làng nghề truyền thống Trại Cau, tỉnh Thái Nguyên… Chương trình diễn ra từ 8h sáng đến 22h tối hàng ngày, từ ngày 20 - 26/11/2019, tại Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, mở cửa miễn phí đón tiếp nhân dân và du khách tham quan. Phương Thanh

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

TĐKT - Nhân kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), tối 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu. Cùng dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở trung ương, TP Hà Nội, đồng bào 54 dân tộc đang sinh sống tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đoàn kết là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn đoàn kết một lòng theo Ðảng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối tin cậy giữa nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” trong những năm qua, nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và bảo tồn những di sản văn hóa quý báu của các dân tộc anh em trên đất nước ta. Hoạt động này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi diễn ra trong đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Thủ tướng chỉ ra rằng: Nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đại đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thủ tướng mong rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9 đã đề ra. Tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược phát triển đồng đều, không ai bị bỏ lại phía sau. Cùng chung tay đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn xã hội hướng tới lập thành tích thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020; 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020); chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước cũng như bà con Việt kiều ở nước ngoài. Tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai... Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng xúi giục, lôi kéo, kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019 diễn ra từ 18 - 23/11/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong khuôn khổ tuần lễ, sẽ có các hoạt động chính: Đêm hội khai mạc Tuần "Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019; Hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức truyền thông, báo chí trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam; hành trình về với xứ dừa Bến Tre; hoạt động của cộng đồng các dân tộc tại Làng, trong đó giới thiệu một số lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, sự kiện còn có triển lãm ảnh với các chủ đề: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc; bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế… Mai Thảo  

Chương trình nghệ thuật “Kết đoàn toàn dân”

TĐKT - Hướng tới kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), tối 16/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Kết đoàn toàn dân” năm 2019. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội. Tới dự có các đồng chí: Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương; Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương cùng đông đảo khán giả Thủ đô. Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc Chương trình được dàn dựng với những tiết mục nghệ thuật có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, biểu dương, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Chương trình hội tụ các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Lan Anh cùng các ca sĩ và nhóm múa nổi tiếng khác; được xây dựng gồm 17 tác phẩm âm nhạc đặc sắc, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Phần 1 của đêm nhạc với chủ đề “Việt Nam tươi đẹp” mang khán giả đến với những miền Tổ quốc tươi đẹp: Từ Tây Bắc với núi rừng hùng vĩ, có suối róc rách, chim hót tưng bừng, những cô gái Tây Bắc dịu dàng, chân chất; đến dải đất miền Trung đầy nắng và gió nhưng anh hùng và ghi tạc trong lịch sử về những chiến công oanh liệt của dân tộc; vùng đất phương Nam tươi đẹp “Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang”, “Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh” qua các ca khúc: Tình ca Tây Bắc, Miền Trung yêu dấu, Bình Trị thiên khói lửa, Bài ca đất phương Nam, Hà Nội – Huế - Sài Gòn… Đến với phần 2 của chương trình có chủ đề “ Tự hào Việt Nam”, khán giả sẽ đến với các ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam, về tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết để bảo vệ và dựng xây đất nước, như: Người Hà Nội, Con kênh ta đào, Non sông ngàn năm gấm vóc, Bay qua Biển Đông… Ban tổ chức hi vọng đây là dịp để toàn khối Mặt trận Tổ quốc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại những chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam; để từ đó nhận thức sâu sắc về giá trị cuộc sống mà mình đang có, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên trì đấu tranh vượt qua mọi chông gai để hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Tổ quốc. Phương Thanh

Hoa khôi Sinh viên Việt Nam không chỉ là cuộc thi sắc đẹp

TĐKT - Hoa khôi Sinh viên Việt Nam được chính thức được tổ chức từ năm 2013 với tên gọi là Nữ Sinh viên Việt Nam duyên dáng, đã thật sự là một sân chơi, một sự trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa của các nữ sinh viên Việt Nam trên toàn quốc. Cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp các bạn nữ sinh viên Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp trí tuệ, tài năng với sự tự tin, năng động. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về “Đức - Trí - Thể - Mỹ” của nữ sinh viên nói riêng và tuổi trẻ trong xã hội nói chung; cổ vũ, động viên sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, có tấm lòng nhân ái, bao dung, biết yêu quê hương đất nước, giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nguyễn Thị Quỳnh Nga Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Á khôi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2017 nhận thấy cuộc thi này là bệ đỡ giúp bạn có nhiều cơ hội học hỏi và cả cơ hội nghề nghiệp. Hiện tại, Quỳnh Nga đang phấn đấu cho công việc là một MC truyền hình, đồng thời là biên tập viên thời sự. Cô cũng từng được đi Israel với vai trò người trẻ khởi nghiệp, lọt vào top 10 Miss World Việt Nam... Không chỉ riêng đối với Quỳnh Ngân mà những thí sinh mùa trước cũng đồng ý rằng tham gia cuộc thi Hoa khôi là trải nghiệm quý báu giúp các bạn tự tin hơn trong cuộc sống cho dù có đạt giải hay không đạt giải. Anh Hoàng Tuấn Việt, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh mùa trước Sau 6 năm tổ chức, đã có gần 8.000 nữ sinh viên đến từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, học viện đăng ký tham gia dự thi. Điều đó đã chứng tỏ sự lan tỏa của Cuộc thi trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện, trở thành một sự kiện văn hóa không chỉ được cộng đồng sinh viên chào đón mà được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Cùng quan điểm như bao thí sinh khác, Nguyễn Thị Phương Lan, Hoa khôi 2018 cho rằng, bằng trải nghiệm của bản thân Phương Lan trong một năm qua, việc đạt danh hiệu Hoa khôi là một bước đà tốt để cô có thêm nhiều cơ hội. Hiện tại, Phương Lan đã tốt nghiệp ra trường và cũng tham gia một số sân chơi sắc đẹp lớn hơn. Tuy nhiên, Phương Lan cho rằng không phải cứ là Hoa khôi thì sẽ thành công mà cần phải cố gắng nhiều hơn. Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ với báo chí Phương Lan chia sẻ một niềm vui khác của cô là đã được kết nạp Đảng, trở thành một trong những Đảng viên trẻ ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cô có ý thức rõ ràng về việc xây dựng hình ảnh bản thân một cách tốt nhất trước công chúng. Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2020 được chính thức phát động vào ngày 8/11/2019 tại Hà Nội với Nhà tài trợ kim cương Nhãn hàng Toocha và Chuỗi cửa hàng tiện lợi Mumuso; nhà tài trợ vàng Mạng xã hội Gapo và đơn vị đồng hành Tập đoàn TTC dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020 trên quy mô toàn quốc. Vòng Sơ khảo được tổ chức vào tháng 12/2019 tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; vòng bán kết được tổ chức vào tháng 1/2020 tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và vòng Chung kết của cuộc thi tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 2/2020. Đêm Chung kết xếp hạng và trao giải Cuộc thi dự kiến được tổ chức vào tối 23/2/2020 tại TP Hồ Chí Minh. Hoàng Long

Giới thiệu văn hóa nước Ý đến Việt Nam

TĐKT - Ngày 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tiệc Thử các loại rượu vang truyền thống đặc biệt và giới thiệu về văn hóa vùng đất Abruzzo nước Ý. Ông Antonio Alessandro - Đại sứ cấp cao Ý tại Hà Nội cho biết: Ý là một trong những “cái nôi” sản xuất rượu vang lâu đời nhất trên thế giới. Đối với người Ý, rượu vang không chỉ là sản phẩm cao cấp hay là sản phẩm dành cho sự kiện đặc biệt mà nó còn là một phần văn hóa của con người nơi đây. Để cảm nhận được loại rượu vang ngon chúng ta không chỉ cảm nhận bằng vị mà còn cần biết về vùng sản xuất ra loại rượu đó, cũng như những người sản xuất ra nó. Do đó, tiệc thử rượu vang lần này không chỉ là sự kiện mang tính quảng bá mà còn là dịp quan trọng để giới thiệu văn hóa của mảnh đất và con người nước Ý tới Việt Nam. Ông Antonio Alessandro - Đại sứ cấp cao Ý tại Hà Nội phát biểu tại chương trình Lâu nay, đối với người Việt Nam thì vùng phía Bắc nước Ý được biết tới nhiều hơn. Còn vùng trung tâm ở giữa của nước Ý - vùng Abruzzo còn chưa được biết đến nhiều. Abruzzo là mảnh đất ở miền Trung nước Ý, với 65% diện tích đồi núi, toàn bộ diện tích bề mặt trông ra biển Adriatic tạo ra khí hậu thay đổi mạnh mẽ giữa ngày và đêm. Nhờ đó, nơi đây đã trồng ra được loại nho Montepulciano khiến loại rượu vang ở đây trở nên khác biệt so với các loại rượu vang ở nơi khác. Ông Antonio Alessandro - Đại sứ cấp cao Ý tại Hà Nội cùng một số đại diện doanh nghiệp Ý và Việt Nam thử rượu vang và hy vọng về sự hợp tác giao thương trong tương lai Ở Ý, người dân sẽ thu hoạch nho vào tháng 10, muộn hơn so với các nơi khác. Khi rượu lên men sẽ được ủ trong những cái thùng rất lớn, bằng thép. Sau đó tùy vào từng nhà làm rượu, có một số nhà sẽ chuyển vào những thùng đựng rượu bằng gỗ sồi to hoặc nhỏ. Qua quá trình lên men, ủ trong những thùng gỗ sồi thì hương vị rượu sẽ có mùi hương của cây sồi, đó cũng là những điểm đặc trưng không lẫn vào đâu được. Hiện vùng Abruzzo có hơn 15 ngàn hộ gia đình trồng nho. Tuy nhiên, số lượng các công ty sản xuất, buôn bán rượu vang lại là 250 ngàn nên có thể xuất khẩu đi khắp thế giới. “Việt Nam là một trong những nước đang phát triển rất tốt và con người nơi đây có sự hiểu biết khá sâu về rượu vang. Do đó, đây sẽ là một trong những quốc gia có điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương với vùng Abruzzo, nước Ý trong tương lai. Buổi tiệc thử rượu vang này rất quan trọng, là tiền đề cho sự kiện ẩm thực nước Ý mang tầm vóc quốc tế chuẩn bị diễn ra sắp tới, mở ra cơ hội giao thương giữa hai nước Việt - Ý”  - Ông Antonio Alessandro - Đại sứ cấp cao Ý tại Hà Nội nhấn mạnh. Mai Thảo  

Trao giải Cuộc thi AOF’S Got Talent 2019

TĐKT - Tối ngày 11/11 tại Hội trường 700, Học viện Tài chính đã diễn ra Đêm chung kết xếp hạng Cuộc thi AOF’S Got Talent 2019 do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Học viện Tài chính tổ chức. Top 12 thí sinh xuất sắc nhất đã cùng nhau tranh tài lần cuối cùng để giành chiếc cúp quán quân. Sau 4 vòng thi đấu cẳng thẳng, ban tổ chức đã trao ngôi vị quán quân Cuộc thi AOF’S Got Talent 2019 cho sinh viên năm thứ nhất khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính Đặng Bảo Trân, số báo danh (SBD) 07, với tài năng ảo thuật hấp dẫn. Các tiết mục đặc sắc được các thí sính đem đến đêm chung kết đã làm bùng nổ cả khán phòng, đưa ban giám khảo và khán giả tới những cảm xúc thăng hoa của nghệ thuật. Đào Xuân Bắc, Đinh Thanh Huyền, Tạ Thị Hoàng Yến, Đinh Việt Mỹ, Phạm Thu Hà với giọng hát nội lực, 2 ảo thuật gia xinh đẹp Hoàng Thẩm Quyên và Đặng Bảo Trân, ACYD với vũ đạo bốc lửa, The Flames, Nguyễn Thị Trà My, Nguyễn Anh Tài và AK’S M với những điệu múa uyển chuyển, tất cả đều xứng đáng là người chiến thắng. Một tiết mục đặc sắc tại chương trình Ban tổ chức đã trao giải nhì cho hai thí sinh Hoàng Thẩm Quyên và nhóm AK’S M. Thí sinh Đào Xuân Bắc, Đinh Thanh Huyền nhận giải ba; Đinh Việt Mỹ, The Flames, ACYD, Phạm Thu Hà, Tạ Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Trà My và Nguyễn Anh Tài nhận giải khuyến khích. Có thể nói, đây là dấu mốc đáng nhớ trong 4 năm đại học và là sự ghi nhận cho tài năng của các thí sinh. Giải nhất được trao cho thí sinh Đặng Bảo Trân Giải nhì dành cho nhóm AK’S M  Thí sinh Hoàng Thẩm Quyên cũng được tặng giải nhì Hai thí sinh đồng giải ba: Đinh Thanh Huyền và Đào Xuân Bắc                   Các thí sinh đồng giải khuyến khích AOF’S Got Talent 2019 khép lại đánh dấu thêm một mùa giải thành công và cho thấy sự trưởng thành, chuyên nghiệp của chương trình qua từng năm, hứa hẹn mùa giải mới sẽ hoành tráng và hấp dẫn hơn nữa. Mai Thảo

Dự án âm nhạc kêu gọi bảo vệ môi trường

TĐKT - Chương trình diễn độc tấu mang tên “Tỉnh” do nghệ sĩ tài năng Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên thể hiện sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 24/11 tới đây. “Tỉnh” là dự án âm nhạc tiếp nối chặng đường “độc thoại” của nghệ sĩ dương cầm Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Đó là chặng đường đi tìm chính mình, hướng về nguồn cội và mỗi một bước đi như để tự hào và gìn giữ những nét tinh hoa, độc đáo bản sắc Việt. Ban tổ chức chia sẻ với báo chí về dự án âm nhạc “Tỉnh” Dựa trên 5 yếu tố căn bản cấu thành hành tinh trái đất và vũ trụ gồm: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tương ứng với 5 thang âm trong quan niệm cổ nhạc Việt Nam và phương Đông gồm: Hò, xừ, xang, xê, cống. Bằng bút pháp sáng tác khí nhạc phương Tây nhưng chứa đựng hơi thở của ca trù, “Tỉnh” phác họa lên hình ảnh “Mẹ thiên nhiên” đẹp kỳ diệu, lộng lẫy, hùng vĩ, hào phóng và bao dung. Tuy nhiên, dưới sự tác động của con người, cả ở mặt nhận thức, hành động và tư tưởng, đã làm môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm. Những thảm họa biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính và thời tiết cực đoan khiến khí hậu nóng lên, nước biển dâng cao… Bên cạnh đó là những thảm họa nhân tạo ô nhiễm hạt vi nhựa trong nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn… ngày càng trầm trọng, đã khiến thiên nhiên phải thịnh nộ. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần thức tỉnh để thoát khỏi sự vô minh, u mê, tăm tối. Lần này, Phó An My muốn một mình bộc lộ những khát khao, trăn trở của mình cùng cây đàn piano vốn đã gắn bó với nghệ sĩ từ thuở ấu thơ. Còn nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên cũng phải trăn trở tư duy âm nhạc để đáp ứng được những khát khao đó khi tìm nguồn cảm xúc từ âm nhạc của nghệ thuật dân gian bác học - ca trù. Toàn bộ tác phẩm gồm nhiều trường đoạn, mỗi trường đoạn thể hiện một nội dung mang tính thực tiễn sâu sắc về thiên nhiên, về cây cỏ, về môi trường sống, như đất, nước, không khí, núi rừng, đại dương cùng những thảm họa ô nhiễm môi trường sống do con người gây ra. Thông qua chương trình “Tỉnh”, hai nghệ sĩ mong muốn góp phần thức tỉnh mọi người trước thiên nhiên và môi trường đang bị hủy hoại hiện nay. Mai Thảo  

Trang