Văn hóa - Thể thao

Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  (27/7/1947-27/7/2022), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước tổ chức Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình” tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, từ ngày 25/7 – 31/7/2022. Từ hơn 150 bức ảnh, tư liệu, hiện vật được chọn lọc kỹ lưỡng, Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình” trưng bày chia thành 3 phần. Phần trưng bày với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh - liệt sĩ” giới thiệu những hình ảnh tư liệu, văn bản lưu trữ thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng (Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; các Sắc lệnh về công tác thương binh - liệt sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành…). Phần trưng bày có tên gọi “75 năm trọn nghĩa vẹn tình” giới thiệu những hình ảnh thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước đối với công tác thương binh – liệt sĩ cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước (Xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công; chăm sóc thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; xây, sửa nhà tình nghĩa; ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà gia đình, đối tượng chính sách…) Các bạn thanh niên, sinh viên tham quan và tìm hiểu về các hoạt động giới thiệu tại Triển lãm Đặc biệt, triển lãm đã dành một phần không gian ý nghĩa, giới thiệu với công chúng về hoạt động tri ân người có công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong những năm qua. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công. Ngoài ra, tại triển lãm còn có không gian trưng bày hiện vật, kỷ vật, sách, tác phẩm văn hóa nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công (Một số kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ của Hà Nội như: Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc…). Triển lãm là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục nêu cao và phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong thời kỳ mới. Mai Thảo

Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 -  27/7/2022), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” từ ngày 24 - 27/7/2022 tại số 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạn đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác đền ơn, đáp nghĩa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ Triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa” bao gồm các không gian trưng bày chuyên đề, với điểm nhấn là khu triển lãm chung nêu bật sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khu trưng bày với gần 100 tư liệu, hình ảnh thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng như: Sự quan tâm, thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các pháp lệnh, nghị định, chỉ thị... của Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đồng thời, trưng bày về một số hoạt động trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng những năm vừa qua như phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng đã phát triển sâu rộng từ trung ương đến các địa phương, đạt được hiệu quả thiết thực thể hiện tình cảm trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực. Các cháu thiếu nhi tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ Triển lãm cũng trưng bày sách, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công; nổi bật với 22 bức tranh về mẹ Việt Nam anh hùng của nữ hoạ sĩ Đặng Ái Việt và 75 tác phẩm tranh cổ động của các tác giả tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, để giới thiệu đến công chúng về các hoạt động quan tâm, chăm lo các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công bằng nhiều việc làm thiết thực của cộng đồng xã hội, triển lãm đã dành không gian giới thiệu đến khách tham quan những hình ảnh, ấn phẩm, băng hình về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chương trình xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chương trình chăm sóc, bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ, chương trình chăm sóc người có công với cách mạng. Ngoài ra, để ghi dấu những hy sinh anh dũng và thầm lặng, những chiến công xuất sắc của lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an cũng góp phần vào không gian triển lãm “Công an nhân dân - 75 năm đền ơn đáp nghĩa”. Triển lãm trưng bày gần 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày với ba chủ đề: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đối với thương binh, liệt sĩ, người có công trong lực lượng CAND; những tấm gương chiến đấu và sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân; tri ân, tôn vinh thương binh, liệt sĩ và người có công đối với cách mạng của lực lượng CAND. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc Dịp này, Bảo tàng Hậu cần Quân đội cũng tham gia triển lãm với ba chủ đề ý nghĩa: Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội với công tác thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng; sự đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện công tác chính sách “Hậu phương quân đội” trong Tổng cục Hậu cần. Bên cạnh đó, trong không gian triển lãm lần này, còn dành không gian lớn để khái quát một số thành quả nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện công tác chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng trong suốt ¾ thế kỷ qua, thông qua phần triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình”, với gần 100 bức ảnh tư liệu, làm nổi bật lên hai nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ và Thủ đô Hà Nội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong những ngày diễn ra triển lãm, các chương trình giao lưu nghệ thuật “Đất nước”, “Nhớ về đồng đội’, “Uống nước nhớ nguồn”, “75 năm đền ơn đáp nghĩa”… sẽ góp phần tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam... Đây là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt nhất các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, làm cho đạo lý nhân văn tốt đẹp sáng mãi. Mai Thảo

Lan tỏa vẻ đẹp của tình yêu thời chiến

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 22/7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” Phát biểu trước giờ cắt băng khai mạc Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. “Nhiều năm qua trên cung đường sưu tầm, từng câu chuyện họ kể, những hiện vật lưu giữ và dừng chân tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mang đến rất nhiều cảm hứng và thôi thúc chúng tôi giới thiệu đến công chúng những xúc cảm rất đỗi đặc biệt, đã hiện hữu song hành cùng lịch sử.” – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ. Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, cả những thế hệ trẻ Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” chính thức được giới thiệu tới công chúng từ ngày 22/7/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm bao gồm 12 câu chuyện thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - đây chính là kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly. Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn; câu chuyện nghĩa vợ tình chồng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam hay câu chuyện tình yêu của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sĩ Nguyễn Văn Đạo với lá thư đến muộn sau 31 năm vẫn còn nhiều day dứt… Đây chỉ là một số trong hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện tình yêu thời chiến mà khi nhắc đến trái tim ta vẫn nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn niềm tự hào, khâm phục và cả những tiếc nuối khôn nguôi. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Trao tặng cho bảo tàng những lá thư và 1 cuốn số tay của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, hy sinh tại mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới Hà Giang ngày 31/5/1985, anh Nguyễn Hữu Thành (em trai của liệt sĩ Thịnh, đến từ Thái Nguyên) xúc động: “Những tình cảm, lời căn dặn của anh trai năm xưa đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của gia đình. Từng dòng chữ trong thư anh Thịnh gửi về, tôi và gia đình luôn ghi nhớ và cảm thấy ấm áp, trở thành những lời căn dặn thôi thúc chúng tôi – những người em còn may mắn ở lại phải có nghĩa vụ học tập và không ngừng phấn đấu.” “Tôi mong rằng, thông qua Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giá trị của những kỷ vật chiến tranh ấy sẽ được lưu giữ và lan tỏa nhiều hơn nữa đến với công chúng. Đó không chỉ là kỷ vật của riêng gia đình mà trở thành kỷ vật của nhiều thế hệ mai sau” – Anh Thành chia sẻ. Tại sự kiện, một số nhân vật trong triển lãm và đại diện đến từ Đội Nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của CLB “Trái tim Người lính” đã cùng nhau chia sẻ, giao lưu. Công chúng đã có dịp gặp gỡ những nhân chứng sống, được lắng nghe những câu chuyện của một thời “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Mai Thảo

Khai mạc triển lãm “Tri ân đồng đội”

TĐKT - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), chiều 21/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức khai mạc triển lãm “Tri ân đồng đội”. Các đại biểu tham quan triển lãm Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình cảm, trách nhiệm với đất nước của thế hệ hôm nay. Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng; những hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; những tấm gương thương binh tiêu biểu trong cuộc sống, giúp đỡ đồng đội. Triển lãm gồm 4 phần, trong đó phần mở đầu giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phần 1 với chủ đề “Hy sinh vì Tổ quốc” trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự hy sinh, xả thân quên mình và những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến. Phần 2 với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, trưng bày và giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Phần 3 có chủ đề “Sáng mãi niềm tin”, trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về những tấm gương thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế”, vượt qua thương tật, khó khăn, mất mát, vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ đồng chí, đồng đội, góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình. Triển lãm trưng bày một số hiện vật tiêu biểu như: “Sổ công tác” của đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325 ghi chép; “Quyết tâm thư” của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 ký tên bằng máu gửi đơn vị trước lúc lên đường chiến đấu ở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1970; “Cối giã thuốc” của quân y sử dụng trong bào chế thuốc phục vụ thương binh, bệnh binh, bộ đội tại chiến trường trong kháng chiến chống Pháp năm 1952 – 1954 Nhiều hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng như nhóm hiện vật của các liệt sĩ tham gia Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020 gồm: Bộ quân phục dã chiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Liệt sĩ), Phó Tư lệnh Quân khu 4 mặc khi vào cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tháng 10/2020; Sổ ghi chép của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng (Liệt sĩ), Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4 ghi chép, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020; đồng hồ của Thượng tá Lê Tất Thắng (Liệt sĩ), Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 sử dụng, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020… Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ nay đến ngày 10/8. Nguyệt Hà

Lễ rót đồng đúc kim thân tôn tượng Đức Phật Di Lặc tại chùa Hổ Sơn

TĐKT - Sáng 17/7, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Nam Định, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa tổ chức lễ rót đồng đúc kim thân tôn tượng Đức Phật Di lặc tại chùa Hổ Sơn - Đền Huyền Trân công chúa (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).  Lễ chú nguyện rót đồng tôn tượng Đức Phật Di Lặc Tham dự có Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN, Trưởng ban trị sự GHPG tỉnh Nam Định; Thượng toạ Thích Tâm Thuần – Phó Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm -  Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc và lãnh đạo Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa: PGS.TS Nguyễn Công Khanh – Viện trưởng; TS Bùi Hữu Dược - Phó Viện trưởng thường trực; ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Viện trưởng cùng chư tôn đức trong ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, huyện Vụ Bản và trụ trì các chùa lân cận. Đại diện chính quyền có đồng chí Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định và đại biểu đại diện lãnh đạo Huyện uỷ, UBND, UBMTTQ huyện Vụ Bản, xã Liên Minh và nhà tài trợ - ông Trần Quang Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong. Sư thầy chú nguyện quanh tôn tượng để chuẩn bị rót đồng Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Đây là nơi công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tông về lập am thờ phật. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân để giữ mối hòa hiếu giữa hai nước. Đáp lại tấm thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, vua nước chiêm Thành đã dâng hiến hai Châu Ô và Châu Lý cho nước Đại Việt. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài có hơn 1 năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Trân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về. Trải qua 10 tháng lênh đênh trên biển, tháng 8 năm 1308, công chúa Huyền Trân cùng với đoàn sứ giả mới về đến kinh thành Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin thượng hoàng là cha Trần Nhân Tông – lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Đến năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ lập am thờ Phật cho đến khi qua đời vào ngày 9/4 năm Canh Thìn 1340. Thời điểm đó, ở làng Tiền, xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có công chúa Thụy Bảo là cô ruột của công chúa Huyền Trân đang tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành ở đây. Hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức. Ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, sau khi bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn đã tôn bà là Thánh Mẫu và lập đền thờ bà tại nơi bà tu hành. Các triều đại vua phong 09 đạo sắc phong, tôn vinh công hạnh, nâng bậc tăng tài (Trai tính trung đẳng thần), tôn vinh thần mẫu, tôn tượng được thờ tại chùa Nộn Sơn, thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Căn cứ vào lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh. Chùa Hổ Sơn khi xưa Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước, chùa Hổ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng.Thể theo nguyện vọng được trùng tu, tôn tạo để lưu giữ di tích lịch sử của nhân dân, các tín đồ phật tử và nhà chùa đang trông coi tại chùa, ngày 22/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định cho phép chùa Hổ Sơn được tu bổ tôn tạo. Được biết, sau lễ khởi công động thổ xây dựng ngôi Tam Bảo chùa Hổ Sơn ngày 05/12/2020, do một số điều kiện khách quan chưa tìm được nguồn kinh phí để xây dựng. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá do ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Phó Viện trưởng cùng cán bộ của Viện về chùa làm việc với Đại đức Thích Nhẫn Trực, trụ trì chùa Hổ Sơn sau đó cầm hồ sơ thiết kế của chùa về để tìm nguồn tài chính xây dựng cho chùa. Đầu năm 2021, chùa Hổ Sơn chính thức được khởi công xây dựng trên nền đất chùa cũ và được qui hoạch ban đầu chưa đến 1ha đã được mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó, khu thờ thự gồm có tòa Tam Bảo, đền thờ Mẫu, đền thờ Huyền Chân công chúa, nhà thờ tổ, lầu Cô, lầu Cậu, cùng tượng thập bát vị la Hán, nhà bia, quần thể lăng tam tháp tổ… với sự tài trợ của Tập đoàn BB Group và một số nhà đầu tư khác.  Chùa Hổ Sơn mới Hiện nay, các hạng mục công trình chính nằm trong tổng thể Chùa Hổ Sơn đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến cuối năm 2022, công trình tôn tạo chùa Hổ Sơn sẽ hoàn thành, tạo nên một khu di tích lưu lại cho muôn đời sau. Phương Thanh

ITE HCMC 2022 sẽ có nhiều hoạt động thu hút khách quốc tế

TĐKT - Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin, Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 (ITE HCMC 2022) diễn ra vào tháng 9 sẽ có nhiều hoạt động nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 (ITE HCMC 2022) sẽ do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Du lịch tổ chức, Trung tâm Xúc tiến du lịch cùng Công ty CIS Việt Nam và Công ty Le Bros phối hợp thực hiện. Được biết, sự kiện sẽ diễn ra ngày từ 8 đến 10/9 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP Hồ Chí Minh. Hội chợ ITE HCMC 2022 có chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên” (Growing Forward Together). Sự kiện dự kiến thu hút hàng chục ngàn khách tham quan, người mua quốc tế và các đơn vị triển lãm tham gia để giao lưu và khám phá những cơ hội phát triển đột phá trong ngành thương mại du lịch hậu đại dịch. Gian hàng tại Hội chợ Quốc tế TP Hồ Chí Minh diễn ra năm 2019 Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, “trong bối cảnh mở cửa du lịch hậu Covid-19, Hội chợ ITE HCMC 2022 là một trong những hoạt động quan trọng để đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra nước ngoài. Chúng tôi đang tích cực mời các đối tác, tập đoàn, người mua quốc tế chất lượng, cũng như các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế tham dự và giao thương, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn khách quốc tế dồi dào từ các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới đến Việt Nam trong thời gian tới. Với sự đổi mới trong phương thức tổ chức, hội chợ sẽ duy trì sức hút của một điểm hẹn về thương mại du lịch quốc tế thường niên lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê Kông”. HT  

Khởi động Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022

TĐKT - Sáng 9/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Truyền thông Đa Phong Cách phối hợp với Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – VTVcab đã tổ chức họp báo công bố Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022. Với chủ đề "Lan tỏa hương sắc Việt", Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực chào mừng 62 năm ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2022) đồng thời là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2022. Đại diện Ban Tổ chức cuộc thi trả lời những câu hỏi báo chí và khách mời quan tâm Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm gương mặt tiêu biểu, thực sự xuất sắc để đại diện cho phụ nữ Việt Nam tham dự các sự kiện du lịch quốc tế, đảm nhận vai trò đại sứ du lịch, để tiếp tục trọng trách quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Đây là sân chơi để các nữ công dân có quốc tịch Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và nước ngoài thể hiện tài năng và tình yêu quê hương đất nước. Đây đồng thời là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch. Đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Đa Phong Cách phát biểu tại buổi họp báo Thông qua cuộc thi sẽ triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch bằng nguồn xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với sự hợp lực có trách nhiệm của các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông; tạo đột phá, kết hợp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch đem lại; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh góp phần cùng các địa phương có tiềm năng du lịch từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Chương trình ký kết hợp tác tài trợ giai đoạn 1 Hoa Hậu Du lịch Việt Nam năm 2022 giữa các đơn vị Người đẹp đăng quang ngôi vị Hoa hậu sẽ nhận số tiền thưởng 300 triệu đồng cùng vương miện giá trị được chế tác bởi Ngọc Hiền Pearl và hiện vật khác của các nhà tài trợ. Á hậu 1 sẽ được trao thưởng với số tiền 200 triệu đồng kèm theo hiện vật giá trị của nhà tài trợ. Á hậu 2 sẽ được nhận tiền thưởng 100 triệu đồng kèm theo hiện vật giá trị của nhà tài trợ. Ban tổ chức còn trao nhiều giải phụ như: Người đẹp biển, người đẹp có gương mặt khả ái, người đẹp tài năng, người đẹp nhân ái, người đẹp thời trang, người đẹp truyền thông, người đẹp mặc trang phục dạ hội đẹp nhất, người đẹp áo dài Việt Nam... mỗi giải 50 triệu đồng và quà tặng từ Ban tổ chức. Dàn người đẹp tham gia chương trình Họp báo Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 sáng 9/7 Các sự kiện của Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 sẽ diễn ra tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 30/6 đến ngày 27/11. Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra từ 30/6 đến hết ngày 15/9 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vòng chung khảo sẽ tổ chức vào ngày 29/10; vòng chung kết sẽ được tổ chức ngày 27/11 tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đối tượng dự thi là nữ công dân có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam hoặc nước ngoài; có độ tuổi đủ 18 đến 28 tuối (theo Chứng minh thư, căn cước, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân còn thời hạn); có đạo đức tốt, chưa từng qua chuyển đổi giới tính, có chiều cao từ 163 cm trở lên; không có tiền án, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thí sinh dự thi chưa lập gia đình, chưa sinh con, được hiểu là chưa làm đám cưới theo phong tục tập quán, chưa đăng ký kết hôn lần nào, tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Thí sinh đăng ký dự thi theo mẫu chung của ban tổ chức được đăng tải trên website https://hoahaudulichvietnam.com và tại Fanpage duy nhất của cuộc thi: https://www.facebook.com/hoahaudulichvietnam/ . Hotline tuyển sinh: 0395 695 695. Mai Thảo

170 vận động viên tham dự Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40 năm 2022

TĐKT - Chiều 5/7, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Thể dục - Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai họp báo Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40 năm 2022 tranh Cúp PetroVietnam - PVCFC. Giải đấu sẽ diễn ra từ ngày 11/7 - 17/7/2022 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai, TP Pleiku (Gia Lai). Đây là giải đấu đỉnh cao quốc gia hằng năm, có uy tín và truyền thống 40 năm qua, được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1983 đến nay. Ban Tổ chức họp báo thông tin về giải đấu Giải năm nay được tổ chức với sự tham dự thi đấu của gần 170 vận động viên đến từ 16 đoàn bóng bàn của các tỉnh, thành phố, ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có các trung tâm bóng bàn mạnh như: Hà Nội, Hà Nội T&T, Quân đội, TP Hồ Chí Minh, Công an... Kỳ giải năm nay hứa hẹn chất lượng chuyên môn và sự cạnh tranh rất cao bởi có sự góp mặt đầy đủ của các tuyển thủ quốc gia vừa thi đấu tại SEA Games 31 và Giải vô địch Đông Nam Á. Đặc biệt, tất cả đoàn bóng bàn dự giải lần này đều mang tới đội hình thi đấu mạnh nhất của mình để "thử lửa" trên đấu trường vô địch quốc gia nhằm chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vào tháng 11 tới. Bên cạnh những cây vợt kỳ cựu, mùa giải 2022 tiếp tục có sự tham gia của nhiều cây vợt trẻ đầy tiềm năng, hứa hẹn những cuộc đấu hấp dẫn và kịch tính với khả năng gây bất ngờ, soán ngôi các cây vợt mạnh của mùa giải năm trước. Các vận động viên tham gia tranh tài ở bảy nội dung: Đồng đội nam - đồng đội nữ, đơn nam - đơn nữ, đôi nam - đôi nữ và đôi nam nữ. Bên cạnh 7 bộ Huy chương (mỗi bộ có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba) tổng cộng là 28 giải được trao theo quy định của Tổng cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Báo Nhân Dân và đơn vị đồng hành chính là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng trao tặng: 2 giải triển vọng dành cho 2 vận động viên trẻ nam, nữ xuất sắc nhất, cùng 2 tặng thưởng dành cho địa phương đăng cai tổ chức giải và địa phương tích cực xây dựng phong trào thi đấu bóng bàn. Mặc dù có những khó khăn do tình hình kinh tế - xã hội mới bước đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, Ban Tổ chức giải vẫn duy trì mức thưởng cao cho 32 giải thưởng. Riêng 2 giải thưởng vô địch đồng đội nam, đồng đội nữ là 50 triệu đồng/giải và vô địch đơn nam, đơn nữ là 30 triệu đồng/giải. Tổng giá trị toàn bộ các giải thưởng lên tới 350 triệu đồng. Theo thông lệ các kỳ giải hằng năm, để động viên các nữ vận động viên trẻ tham gia giải, Ban Tổ chức sẽ tổ chức bầu chọn Hoa khôi Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40 năm 2022 với sự tham gia bình chọn của các thành viên Ban Tổ chức, đại diện các đoàn, các trọng tài và báo chí dự theo dõi giải đấu. Các nhà tài trợ cũng có những giải thưởng riêng với nhiều quyền lợi dành tặng Hoa khôi bóng bàn mùa giải năm 2022. Ban Tổ chức cũng tổ chức giải thi sáng tác ảnh nhanh "Khoảnh khắc Giải vô địch bóng bàn quốc gia lần thứ 40", dành cho các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên, với những giải thưởng giá trị. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các đơn vị đồng hành, tài trợ, Ban Tổ chức giải cũng sẽ thực hiện một số hoạt động xã hội, tặng quà đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Giải đấu được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Nhân Dân của Báo Nhân Dân và tiếp sóng trên Đài PT-TH tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ban Tổ chức cũng sẽ triển khai cập nhật thông tin, hình ảnh, clip, lịch thi đấu và diễn biến, kết quả các trận đấu trên fanpage "Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40". Phương Thanh

Giải chạy “Sói Biển – Run For Health” trao 60 triệu đồng hỗ trợ trẻ em vùng cao

TĐKT - Với mục đích gắn kết và sẻ chia, thông qua giải chạy “Sói Biển – Run For Health”, toàn bộ số tiền vé 60 triệu đồng đã được Ban tổ chức chuyển cho Dự án Nuôi Em - Nuôi cơm trưa có thịt cho trẻ em bản cao - điều hành bởi Hoàng Hoa Trung - Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2020. Các vận động viên tham gia thi đấu hết mình Sói Biển – Run For Health là giải chạy được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Sói Biển Trung Thực (Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển) với mong muốn lan tỏa tình yêu và sự gắn kết trong gia đình đồng thời tạo nên phong trào “Ăn Sạch – Sống Xanh –Tập luyện lành mạnh” nhân ngày Gia Đình Việt Nam. Giải chạy được tổ chức vào ngày 26/6/2022 tại Công Viên Yên Sở, Hà Nội. Khi đăng ký tham gia vào giải chạy, mỗi đội chơi sẽ giúp nuôi cơm trưa cho 2 em nhỏ bản cao trong 1 tháng đến trường. Một hành động nhỏ nhưng đầy nhân ái và ý nghĩa với cộng đồng, với các em nhỏ trên hành trình đến gần hơn với con chữ. Đây không phải là giải chạy chỉ dành cho các vận động viên chuyên nghiệp, Sói Biển - Run For Health không đề cao thành tích mà tạo nên không gian để các thành viên thử sức bản thân, trải nghiệm đường chạy ngắn, vượt qua các thử thách trên đường chạy để về đích cùng nhau với ba nội dung chạy theo nhóm gồm Family Ekiden 2 người; Family Ekiden 3 người và Couple Run. Xuyên suốt sự kiện, các đội chơi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi cùng nhau vượt qua những chướng ngại vật, tham gia trò chơi thử thách trên cung đường chạy. Các đội thắng cuộc ở nội dung Family Ekiden 2 người Kết thúc giải chạy, ở nội dung Family Ekiden 2 người, đội Nukapachi (245) đã xuất sắc về vị trí đầu tiên. Các đội cán đích tiếp theo lần lượt là IronFamily (216) và Ecopark (222). Với nội dung Family Ekiden 3 người, đội chiến thắng là Cho Con (343). Đội về nhì tại hạng mục này là Ben Ben Family (336) và ở vị trí thứ ba là đội Kosmo Tây Hồ C2106. Tại nội dung Couple Run, đội Lion Team (650) đã xuất sắc về thứ nhất. Xếp thứ hai là đội Huế - Quân (614); đội Heo Rùa (631) cán đích ở vị trí thứ 3. Ban Tổ chức trao toàn bộ tiền bán vé cho Dự án Nuôi Em – Nuôi cơm trưa có thịt cho trẻ em bản cao Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã trao toàn bộ số tiền bán vé thu được từ giải chạy là 60 triệu đồng (số tiền sau khi trừ thuế phí) cho đại diện của Dự án Nuôi Em - Nuôi cơm trưa có thịt cho trẻ em bản cao. Số tiền này sẽ giúp nuôi cơm trưa được cho 41 em nhỏ bản cao trong suốt năm học 2022 - 2023, giúp các em vững tâm trên hành trình đến gần hơn với con chữ. Giải chạy được tổ chức với sự đồng hành của các nhà tài trợ VNPay, Mytour.vn, Teko, K’s Closet, Vua Nệm, Homefarm, Family Medical Practice Vietnam, California Fitness & Yoga, ANTA… Phương Thanh

Bế mạc Liên hoan Thể dục thể thao Phụ nữ Quân đội năm 2022

TĐKT - Chiều 24/6, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ (VSTBCPN) Bộ Quốc phòng tổ chức bế mạc Liên hoan Thể dục thể thao Phụ nữ Quân đội và trao giải Cuộc thi clip tuyên truyền về “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2022. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng dự và chủ trì Lễ bế mạc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu trao Cờ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc tham gia Liên hoan. Báo cáo tại buổi lễ, Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, Ủy viên Thường trực Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cho biết: Sau hơn hai tháng triển khai thực hiện Kế hoạch, đặc biệt là sau ba ngày tranh tài sôi động, lôi cuốn, hấp dẫn trên tinh thần đoàn kết, trung thực, cao thượng, giao lưu, học hỏi, Liên hoan Thể dục thể thao và Cuộc thi clip tuyên truyền đã thành công tốt đẹp. Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội báo cáo tại Lễ bế mạc Ở nội dung thi đấu môn bóng chuyền hơi, qua hai ngày tranh tài đối kháng gián tiếp, kết quả chung cuộc đã gọi tên 6 đội đạt giải Nhất, 6 đội đạt giải Nhì, 12 đội đạt giải Ba trên tổng số 6 bảng đấu. Tiêu biểu là các đơn vị: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân khu 1, Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Thủ trưởng Ban VSTBCPN đã quyết định khen thưởng đối với 12 cá nhân có kỹ thuật cá nhân tốt, tích cực trong thi đấu để ghi nhận và cổ vũ phụ nữ quân đội đẩy mạnh tập luyện môn bóng chuyền hơi, tăng cường tinh thần đoàn kết và nâng cao sức khỏe cho chị em ở cơ quan, đơn vị. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu trao Bằng khen và cúp tặng các đội tuyển bóng chuyền hơi đoạt giải Nhất. Môn thi nhảy dân vũ ghi đậm dấu ấn của 37 đội với sự tham gia của gần 800 vận động viên. Điểm nhấn trong Liên hoan là Ban Tổ chức đã triển khai việc thi đấu hết sức linh hoạt bằng hai hình thức: thi trực tiếp đối với 28 đơn vị thuộc khu vực phía Bắc; thi gián tiếp qua video clip đối với 9 đơn vị từ Quân khu 4 trở vào phía Nam. Đa số các tiết mục đều lựa chọn nội dung âm nhạc về tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; niềm tự hào về truyền thống, phẩm chất tốt đẹp người Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quân đội. Nội dung dàn dựng của các bài thi trực tiếp và video clip đều thể hiện sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, sáng tạo, hài hòa giữa âm nhạc và điệu nhảy. Tiết mục dân vũ "Phụ nữ Bộ Tổng Tham mưu làm theo lời Bác" công diễn tại Lễ bế mạc Liên hoan. Tại Liên hoan, ghi nhận sự xuất hiện của một số sáng tác mới về phụ nữ Quân đội; nhiều bài thi gợi mở khả năng nhân rộng đối với tổ chức Hội, hội viên phụ nữ trong toàn quân bởi âm nhạc vui tươi, động tác dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với trình diễn tập thể và tập luyện hàng ngày để nâng cao sức khỏe. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu trao Bằng khen tặng các tập thể đoạt giải Nhất Cuộc thi clip tuyên truyền về “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình”. Đối với Cuộc thi clip tuyên truyền về “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình”, Ban Tổ chức đã nhận được 167 clip dự thi của 49/60 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham gia, bao gồm: 76 phóng sự, 29 clip tiểu phẩm, 58 clip tuyên truyền kèm theo hình ảnh minh hoạ, 3 clip phim ngắn và 1 clip hoạt hình. Với tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, khách quan, công tâm, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi clip tuyên truyền đã tiến hành thẩm định, đánh giá, chấm điểm và đã lựa chọn 64 tác phẩm đề nghị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị khen thưởng, gồm: 3 Giải Nhất, 5 Giải Nhì, 10 Giải Ba, 25 giải khuyến khích và 21 Giấy Chứng nhận cho các clip tiêu biểu. Trên cơ sở kết quả thi đấu, chấm điểm của Tổ Trọng tài, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Liên hoan đã đề xuất và báo cáo thủ trưởng Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng tặng: “Cờ đơn vị đạt thành tích xuất sắc” cho 10 tập thể, “Cờ đơn vị đạt thành tích tốt” cho 9 tập thể; tặng Bằng khen cho 6 tập thể đạt giải Nhất, 6 tập thể đạt giải Nhì, 12 tập thể đạt giải Ba trong thi đấu môn bóng chuyền hơi nữ; 22 tập thể đạt thành tích xuất sắc, 15 tập thể đạt thành tích tốt trong thi nhảy dân vũ; 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi đấu; 7 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phục vụ, bảo đảm Liên hoan. Phương Thanh

Trang