Phong trào thi đua

Tuổi trẻ sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị

TĐKT -  Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đoàn và tuổi trẻ cả nước; lan tỏa đến từng chi đoàn, chi hội, chi đội, từng đoàn viên, thanh, thiếu nhi ở các khu vực. Những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng của tuổi trẻ. Thông qua đó, đoàn viên, thanh niên ngày càng nhận thức rõ giá trị to lớn và tự giác học tập, làm theo, tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách thường xuyên, nghiêm túc. Việc thực hiện Chỉ thị cũng được cụ thể hóa và trở thành nội dung để các cấp bộ đoàn đăng ký và thực hiện. 5 năm qua, cả nước đã có  2.273 công trình thanh niên cấp tỉnh, 19.065 công trình thanh niên cấp huyện, 226.941 phần việc thanh niên làm theo lời Bác; hàng trăm chương trình, dự án xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên, chòi tránh lũ, nhà nhân ái, trường học cho học sinh vùng cao, trang trại trẻ, hợp tác xã thanh niên…, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc của cộng đồng. Các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được cụ thể hóa trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, thầy thuốc trẻ, nhà khoa học trẻ, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các chương trình tiêu biểu: “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Tiếp sức đến trường”, “Tiếp sức lao động trẻ”, “Tiếp sức người bệnh”, “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, hiến máu tình nguyện, tình nguyện đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn... Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Ánh sáng soi đường năm 2015 đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi về “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt học sinh, sinh viên tham gia. Nhiều đơn vị đã xây dựng ứng dụng thi trực tuyến tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: TP.Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Định, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Tiền Giang…Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bắc Giang có mô hình sinh hoạt chi đoàn trên facebook, TP. Hồ Chí Minh xây dựng các phim ngắn tuyên truyền về lối sống văn minh cho thế hệ trẻ phát trên xe buýt, trong siêu thị Hà Nội tổ chức Liên hoan nghệ thuật đường phố, tổ chức sân chơi miễn phí tại các điểm vui chơi công cộng trên địa bàn... Tiêu biểu gần đây nhất “Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Ánh sáng soi đường năm 2015” đã tiếp cận đến đông đảo sinh viên, thanh niên và tạo sức lan tỏa nhanh, mạnh. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” hàng năm được xét trao trên cơ sở thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 03, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ với những kết quả xuất sắc trong học tập, sáng tạo, với nhiều sáng chế, phát minh, thành tựu làm rạng danh đất nước. Nhiều tấm gương dũng cảm quên mình vì chủ quyền lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc; những ngư dân trẻ đang kiên cường ngày đêm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều bạn trẻ khuyết tật với ý chí, quyết tâm, nghị lực tuyệt vời, vượt lên hoàn cảnh sống khó khăn... Từ năm 2011 đến nay, Trung ương Đoàn tổ chức xét và trao “Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” cho 50 thanh, thiếu niên tiêu biểu nhất cả nước trên các lĩnh vực và 60 gương mặt trẻ triển vọng; “Giải thưởng 26 - 3”  cho 313 Đoàn cơ sở và Bí thư Đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc; “Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi” cho 243 thanh niên công nhân; Giải thưởng “Lương Định Của” cho 1.350 thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh; các giải thưởng Trần Văn Ơn, Lý Tự Trọng, Sao Tháng Giêng, Kim Đồng, Sao Vàng đất Việt, Sao Đỏ, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc… được xét trao trên cơ sở thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tin rằng, với tinh thần xung kích đi đầu, xung phong trên mọi mặt trận, tuổi trẻ sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thục Anh

Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống

TĐKT - Sáng 5/7, tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội (5/7/1947 - 5/7/2017). Tới dự, có: Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu; Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương;  Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Chánh án Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội. Ngày 5/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 59/SL thành lập Tòa án binh khu Trung ương - tiền thân của Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội ngày nay. Cùng với sự ra đời của các Tòa án quân sự nói chung, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã góp phần thiết lập một trật tự, kỷ cương xã hội mới, tích cực trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm khắc bọn phản cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.  Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Chánh án Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đọc diễn văn ôn lại truyền thống và thành tích 70 năm xây dựng và trưởng thành của Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội 70 năm qua, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nhiệm vụ chính trị trọng tâm là công tác xét xử được ưu tiên đặt lên hàng đầu, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan sai người vô tội hay bỏ lọt tội phạm. Tòa đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác giám đốc kiểm tra án đối với cấp mình và đối với Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt chức năng tham mưu cho thường vụ Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng về công tác tòa án và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các mặt công tác khác. Công tác thi hành án hình sự bảo đảm 100% số các bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành kịp thời. Việc xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù trong các ngày lễ lớn của đất nước đều đảm bảo khách quan, thận trọng, đúng pháp luật. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội về cơ bản đã được rèn luyện qua thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn. Trong đó, 100% cán bộ làm công tác chuyên môn đều có trình độ đại học, gần 70% có trình độ sau đại học và trình độ lý luận chính trị cao cấp, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và lâu dài. Trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương.  Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu ghi nhận và chúc mừng những thành tích Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm qua. Thiếu tướng Hồ Thanh Tự nhấn mạnh thời gian tới, Tòa cần tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Kế hoạch số 332/KH-CCTP của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong quân đội đến năm 2020; bám sát chủ đề thi đua trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020 "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và chủ đề xuyên suốt của phong trào thi đua trong hệ thống Tòa án nhân dân "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai chủ đề phong trào thi đua năm 2017: "Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý". Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án; phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thi đua, thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng ở cơ sở; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên... Nguyệt Hà

Đà Nẵng phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

TĐKT – TP Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ TP Đà Nẵng. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các khối, cụm thi đua, các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện và đề nghị các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố (sau đây gọi tắt là các đơn vị, địa phương) cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người đứng đầu trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.  Các đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực. Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, hàng năm, kết hợp phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề. Hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn vướng mắc, những mặt còn tồn tại, yếu kém để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương.  Khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thi đua yêu nước TP Đà Nẵng  lần thứ IV Đặc biệt, việc tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới từ phong trào thi đua cần được đẩy mạnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm, cả giai đoạn, được thực hiện từ cơ sở và thực hiện, đồng bộ khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục về các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tích cực đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương, quan tâm khen thưởng các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác. Rà soát, giải quyết dứt điểm việc khen thưởng và thực hiện chính sách với các đối tượng có công lao, thành tích trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính về hồ sơ, thủ tục khen thưởng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng.. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật về thi  đua, khen thưởng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện, phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ thành phố đến cơ sở. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, nhất là trong tham mưu tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Thành lập mới, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khối, cụm thi đua trên cơ sở các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thi đua sát với tình hình thực tế. Trần Danh Nam

Nông thôn mới Ninh Hòa đổi thay từng ngày

TĐKT - Vượt lên những khó khăn của một địa phương nghèo, xã Ninh Hòa (Hoa Lư, Ninh Bình) ngày nay đã có những đổi thay mạnh mẽ do “ý Đảng, lòng dân” luôn gắn kết, thống nhất… Những năm qua, nhân dân trong xã đã đoàn kết, thống nhất, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhân dân địa phương nhận thức rõ đây là thời cơ và điều kiện thuận lợi để đem lại sự đổi thay cho quê hương.     Diện mạo nông thôn mới của Ninh Hòa Mặc dù là xã miền núi, thuộc vùng chiêm trũng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung phát triển kinh tế, có nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.  Những năm gần đây, trên địa bàn xã đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá theo hướng lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược: sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Phát huy thế mạnh của địa phương trong vùng du lịch của tỉnh, nhiều hộ làm cây cảnh, đá cảnh, nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Trong sản xuất nông nghiệp, xã triển khai nuôi trồng thủy sản với diện tích 72 ha, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha/năm, trên địa bàn xã có 1 trang trại và 21 gia trại có thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 200 triệu đồng/hộ/năm.  Đến nay, xã thuần nông đã có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế khi thương mại, dịch vụ, ngành nghề phi nông nghiệp đã có bước phát triển. Toàn xã hiện có 354 hộ sản xuất, kinh doanh, có 5 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 300 lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng.  Tổng giá trị sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp ước đạt 65,2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29,1 triệu/người, tỷ lệ hộ nghèo đến  hết năm 2015 còn 2,84%, giảm so với năm 2010 là 15,68%... Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm là xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy quy chế dân chủ và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động được nhiều nguồn lực để hoàn thiện 13 tiêu chí còn lại.  Từ năm 2011 đến nay, tổng giá trị nguồn lực đã huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 240 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho nhân dân tham gia đóng góp chiếm trên 42% để đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà ở, làm đường giao thông nông thôn, đổi thửa dồn điền, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm…  Hơn 5 năm tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của nông thôn Ninh Hòa đã thay đổi toàn diện. Tổng số đường giao thông trên địa bàn xã là 30,59 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa. Các trường mầm non, tiểu học và THCS đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. 8/8 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Xã đã có trạm cung cấp nước sinh hoạt nông thôn từ năm 2006, xây dựng được 3 bãi tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước máy/số hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%...  Đến tháng 6/2016, Ninh Hòa đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với những chuyển biến về cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ được quan tâm, từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa. Tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn đạt 95,45%.  Đảng bộ, chính quyền hàng năm đều đạt trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến. 100% thôn xóm được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự…  Nhìn lại chặng đường đã qua, với kết quả đạt được từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, người dân Ninh Hòa có quyền tự hào về thành quả mà mình đã đồng lòng, góp sức làm nên, góp phần quan trọng đem lại cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng diện mạo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Bùi Diệu

Tuổi trẻ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TĐKT- Ngày 30/6, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi giai đoạn 2016 – 2021. Đây là hoạt động trọng tâm nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đoàn và thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nhất là của người đứng đầu các cấp của Đoàn, Hội, Đội. Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định những giải pháp thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức học tập, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp. Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội, Đội các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường, động lực để đoàn viên, thanh thiếu niên phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội xác định nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là xây dựng lề lối, tác phong cán bộ Đoàn, thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; chọn xây dựng hình ảnh người cán bộ đoàn trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sâu sát cơ sở làm nội dung đột phá, tạo chuyển biến rõ rệt lề lối, tác phong cán bộ Đoàn. Như vậy, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Trung ương Đoàn là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức, quán triệt và ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII. Tin rằng, với tinh thần xung kích đi đầu, xung phong trên mọi mặt trận, tuổi trẻ sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hưng Vũ

Công đoàn Than - Khoáng sản tuyên dương thợ mỏ xuất sắc tiêu biểu năm 2016

TĐKT- Ngày 30/6, tại Hà Nội, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1/7/1996-1/7/2016); tuyên dương thợ mỏ xuất sắc tiêu biểu năm 2016 và đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường tới dự. 20 năm qua, Công đoàn TKV đã luôn phát huy vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức tốt các phong trào thi đua, tham gia quản lý và coi đây là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng để tuyên truyền giáo dục, vận động và tập hợp công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và đoàn viên nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác trong lao động, sản xuất và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hằng năm. Hiện nay, thu nhập bình quân người lao động ngành than đạt 9 triệu đồng/tháng; điều kiện làm việc, các chế độ ăn, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho người lao động thường xuyên được quan tâm và không ngừng được cải thiện; quan hệ lao động  luôn có sự dân chủ, hài hòa, ổn định vì người lao động và vì sự phát triển của Tập đoàn. 81 công đoàn cơ sở trực thuộc, 1.461 công đoàn bộ phận, 6.988 tổ công đoàn và trên 121.000 đoàn viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và đại diện lãnh đạo TKV tặng hoa và chứng nhận cho thợ mỏ tiêu biểu Công đoàn TKV đã khởi xướng và phối hợp cùng chuyên môn phát động những phong trào thi đua, thu hút đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng nhiệt tình, góp phần đưa Tập đoàn TKV phát triển không ngừng. Các phong trào thi đua mang bản sắc riêng của ngành TKV: “Giành năng suất kỷ lục”; “Làm than chất lượng”; “Đào lò nhanh”; “Tiết kiệm chi phí - Đảm bảo an toàn”; “Lao động giỏi, thu nhập cao”; “Khu tập thể văn minh”... đến các phong trào thi đua chung của tổ chức Công đoàn: “Tháng công nhân”; “ Tháng Công đoàn”; “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”... đã được triển khai hiệu quả, rộng khắp trong toàn hệ thống Công đoàn TKV.   15 gia đình thợ lò tiêu biểu được khen thưởng tại buổi lễ Từ các phong trào thi đua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những người thợ lò, thợ mỏ tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất. Tại buổi lễ, 323 thợ mỏ xuất sắc và 61 gia đình là thợ lò tiêu biểu, đại diện cho trên 121 ngàn cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đã được tuyên dương, khen thưởng. Tại buổi lễ, Công đoàn TKV đã được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015. Mai Thảo

Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong quân đội

TĐKT - Sáng 30/6, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Bộ Quốc phòng họp phiên 6 tháng đầu năm 2016. Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng chủ trì phiên họp. 6 tháng đầu năm 2016, công tác TĐKT và hoạt động thi đua trong toàn quân được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai toàn diện, đồng bộ. Phong trào Thi đua Quyết thắng được triển khai tổ chức gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước ở các cơ quan, địa phương; gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Các phong trào thi đua diễn ra liên tục, xuyên suốt trong hoạt động và đời sống của bộ đội; từ đó xuất hiện nhiều nhân tố mới, có sức lan tỏa sâu rộng toàn quân, toàn quốc. Công tác TĐKT và hoạt động thi đua trực tiếp góp phần xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh, xuất sắc; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phiên họp 6 tháng đầu năm 2016 của Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng Trên cơ sở nhiệm vụ năm 2016, Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng thống nhất xác định 7 nội dung trọng tâm trong công tác TĐKT. Trước hết là tập trung thi đua học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác TĐKT. Cùng với đó, hoạt động thi đua 6 tháng cuối năm 2016 tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, đẩy mạnh thi đua thực hiện tốt “Một tập trung, ba khâu đột phá”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh, xuất sắc. Đồng thời, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, tích cực luyện tập, nâng cao trình độ ứng phó thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cứu hộ, cứu nạn...; nâng cao cảnh giác, nắm chắc tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc; góp phần đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến; đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020... Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng thống nhất xác định: Thời gian tới, công tác khen thưởng phải tiếp tục được thực hiện đúng quy tình, đảm bảo thực chất, dân chủ, công khai, chính xác, kịp thời. Thực hiện triệt để chủ trương khen thưởng hướng về cơ sở, khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc đột xuất; khắc phục triệt để những hạn chế trong khen thưởng. Trang Lê

Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả các hoạt động

TĐKT- Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016. Đến dự, có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà và đại biểu các bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, nâng tổng số TTHC được đơn giản hóa theo quy định của Chính phủ lên 4.527/4.723 TTHC (đạt 95,85%). Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Bộ và ngành Nội vụ đã làm tốt việc thẩm định trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức và thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Theo phân cấp quản lý, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc thi nâng ngạch công chức và áp dụng phương thức thi trên máy tính trong kỳ thi nâng ngạch: Hà Nội, Kiên Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm thi trực tuyến trong công tác thi tuyển công chức được nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  Toàn cảnh Hội nghị Vấn đề kỷ luật, kỷ cương, trong hoạt động công vụ tiếp tục được tăng cường, củng cố. Riêng các Vụ Tổ chức cán bộ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp các cấp lãnh đạo thực hiện việc quản lý chặt chẽ cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ, ngành theo hướng tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ tốt cải cách hành chính. Các Sở Nội vụ đã giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lại các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế. Đặc biệt, lĩnh vực quản lý nhà nước về thi đua – khen thưởng đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2006 phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung giải quyết khen thưởng thành tích kháng chiến, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã biểu dương kết quả mà các đơn vị đã đạt được. Bộ trưởng đề nghị 6 tháng cuối năm, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và định hướng phát triển đất nước trong tương lai. Đồng thời, tập trung triển khai công tác cải cách hành chính theo hướng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển. Tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng… Hồng Thiết

Điểm sáng trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” ở Thái Nguyên

TĐKT- Với khẩu hiệu “Hôm nay tôi tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về tôi", hơn 40 năm qua, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) luôn coi đây là phương châm hành động xuyên suốt của mình. Trường đã có những bước phát triển đầy tự hào và trở thành điểm sáng của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Trường THPT Chu Văn An là trường THPT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dạt chuẩn Quốc gia (năm 2003). Hiện tại, trường có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tốt với 24 phòng học đầy đủ thiết bị hiện đại; khuôn viên đẹp thoáng mát. Trường được đánh giá là đơn vị đi đầu các trường THPT ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý và giảng dạy. Đặc biệt, việc sử dụng sổ điểm và sổ liên lạc điện tử trên mạng internet giúp cho học sinh và phụ huynh có thể theo dõi được quả trình dạy và học của trường công khai, minh bạch và hiện đại. Để có những bước thành công trong hoạt động giáo dục, ngay từ ngày đầu thành lập, Ban giám hiệu trường đã xác định điều kiện tiên quyết dẫn tới thành công đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, luôn đoàn kết và hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Phương châm đề ra cho giáo viên, nhân viên nhà trường về tình cảm phải coi học sinh như con em mình nhưng về công việc phải coi học sinh và gia đình học sinh là những khách hàng mà mình là người cung cấp dịch vụ giáo dục để có thái độ, ý thức trách nhiệm tận tụy và luôn tích cực học tập được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi vậy, từ năm 2000 trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ. Trường cũng đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ năm 2003, cử giáo viên đi học cao học từ những năm 1999, cử giáo viên Toán và Sinh học đi học tiếng Anh để hướng tới dạy môn khoa học bằng tiếng Anh, cử giáo viên ngoại ngữ đi thi chứng chỉ C1 theo tiêu chuẩn của Đề án 2020... Trường còn giao cho giáo viên làm chủ nhiệm 11 câu lạc bộ ngoài giờ chính khoá luân phiên. Hình thức này đã góp phần giúp cho giáo viên được thể hiện năng lực đa dạng hơn và có động lực, nhiệm vụ để hoàn thiện mình hơn. Cũng theo bà Hòa, định hướng duy trì các câu lạc bộ suốt 20 năm qua đã giúp công tác giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh trong trường. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa vào chương trình mới những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, những bộ môn tích hợp cho học sinh. Đến nay, trường có 70% giáo viên giỏi cấp tỉnh, 38,5% giáo viên trình độ thạc sĩ, 100% giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhiều thầy cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, 4/6 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn C1… Giảng dạy bằng phương pháp mới tại trường THPT Chu Văn An Thái Nguyên Bên cạnh đó phong trào “Học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được trường triển khai từ nhiều năm và tạo được không khí thi đua sôi nổi, là sân chơi lành mạnh, thân thiện cho học sinh. Với việc làm tốt phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, trường đã đạt những thành tích thực chất và bền vững. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi hàng năm đạt 88%. Tỷ lệ đạo đức khá, tốt đạt 99%. Nhiều học sinh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhiều năm, trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100% và là trường THPT không chuyên duy nhất của tỉnh nằm trong top 200 trường có điểm thi đại học tốt nhất toàn quốc… Từ phong trào thi đua xuất hiện nhiều điển hình: Tổ Toán – Tin học đã 2 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen với 70 giải học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm và giảng dạy cho học sinh thi tốt nghiệp với điểm trung bình là 8 điểm; Em Mai Linh Chi, lớp 11A4 vừa là Lớp trưởng gương mẫu, vừa là cán bộ Đoàn sôi nổi, đạt Huy chương vàng Hội thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc, đạt danh hiệu Đại sứ Chu Van An năm 2015 và có thành tích xuất sắc khi đạt giải Ba môn Ngữ văn cấp Quốc gia năm học 2014-2015... Các thầy, cô giáo và các em học sinh có thành tích đều được nhà trường và các cơ quan, doanh nghiệp trao thưởng kịp thời với tổng giá trị phần thưởng hàng năm lên tới 200 triệu đồng. Với những thành tích đạt được, Trường THPT Chu Văn An đã được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc Lập hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ... Hiện nay, trường đang tích cực chuẩn bị lộ trình xây dựng trường THPT chất lượng cao và phấn đấu đạt danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bảo Linh

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong giữ gìn an ninh trật tự

TĐKT - Chiều 26/6, tại Hà Nội, Đoàn thanh niên Bộ Công an và Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, thực hiện chương trình phối hợp về hướng dẫn chỉ đạo tổ chức hoạt động thanh niên tham gia đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân dự và phát biểu.     Toàn cảnh Hội nghị 6 tháng qua, Đoàn thanh niên các đơn vị đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Việc tuyên truyền, vận động, cảm hóa thanh niên được tổ chức thông qua các buổi gặp mặt, giao lưu, chia sẻ với những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào " Toàn dân bảo vệ ANQP", các mô hình câu lạc bộ hiệu quả " Bạn giúp bạn", "Thắp sáng niềm tin", "Thanh niên phòng chống ma túy"... Đồng thời, Đoàn thanh niên các đơn vị chủ động tổ chức phát động các phong trào thi đua, nhằm kêu gọi, tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, nhất là các đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo. Tiêu biểu là các phong trào thành lập Câu lạc bộ thanh niên phòng chống tội phạm, mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Điểm cắt giao thông đường sắt an toàn". Đặc biệt, các hoạt động "hòm thư tố giác", "truy tìm địa chỉ đen" được chú trọng triển khai hiệu quả. Các hoạt động, phong trào thi đua đó đã góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh quốc gia, ANTT trên địa bàn. Ngoài ra, thanh niên công an và thanh niên các tỉnh tích cực phối hợp xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười đề nghị, thời gian tới, Đoàn thanh niên các đơn vị tiếp tục định hướng tốt cho thanh niên, tránh các mưu đồ xúi giục, lôi kéo của kẻ gian; phát huy vai trò của tuổi trẻ trong các vấn đề xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm... góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn; tiếp tục phát triển hiệu quả các mô hình hay, cách làm tốt trong giữ gìn ANTT và phong trào Thanh niên công an làm theo 6 điều Bác Hồ dạy. Mai Thảo  

Trang