Kinh tế

Tổng cục Thuế thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thuế quý I/2022

TĐKT - Quý I/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ. Kết quả đạt được So với dự toán có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 25%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 27,5%; doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 30%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 34%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước đạt 43,3%; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ước đạt 25,9%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 30,3%; thu phí, lệ phí ước đạt 27,3%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 38%...   Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu So với cùng kỳ, có 11/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng đó là: Thuế TNCN ước tăng 20,6%; thuế BVMT ước tăng 7,1%; lệ phí trước bạ ước tăng 5,1%; phí - lệ phí ước tăng 4,2%; thu tiền cho thuê đất ước tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất ước tăng 21%. Thu ngân sách quý I/2022 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, các DN đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước (bình quân một tháng có 20 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động); tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%. Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%. Bên cạnh việc các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách thì có được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý. Tính đến ngày 14/3/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 4.890 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT) và kiểm tra được 90.503 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 113,32% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 4.255 tỷ đồng  trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.050,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 237,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.967,1 tỷ đồng.  Trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã thu được 7.250 tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 150 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; tiếp tục duy trì, triển khai khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; triển khai hóa đơn điện tử... Triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT ngày 27/09/2021 về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ và công bố triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và c6 Cục Thuế nêu trên. Hệ thống 7 Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế đã và đang vận hành, hoạt động thông suốt, được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính để đảm bảo trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến hết ngày 20/03/2022, đã có 437.453 DN đăng ký và sử dụng HĐĐT theo quy định. Triển khai tiếp HĐĐT giai đoạn 2, Bộ trưởng Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 26/02/2022 và có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực trực thuộc trung ương về việc triển khai phối hợp áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT ngày 14/03/2022 về kế hoạch chi tiết triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố. Đồng thời, gấp rút triển khai các công việc cụ thể như: Triển khai hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai mở rộng trên toàn quốc; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và chỉ đạo 57 Cục Thuế địa phương thành lập Ban chỉ đạo, Tổ triển khai, Trung tâm điều hành HĐĐT tại địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ HĐĐT; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho NTT và cơ quan thuế; giám sát thực hiện và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị để có thể triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh thu ngân sách quý I đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, các đơn vị cần tiếp tục rà soát kỹ nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế phương án điều hành ngân sách cho phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng. Đối với công tác quản lý nợ, cơ quan thuế các cấp cần chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để Tổng cục có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả. Bên cạnh đó, Vụ Quản lý nợ cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có, đẩy nhanh tiến độ xử nợ chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu, các Cục Thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề hoàn thuế GTGT đối với các DN rủi ro cao về thuế. Về triển khai đề án HĐĐT giai đoạn 2 trên phạm vi cả nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành trong quý II năm 2022. Để chuẩn bị triển khai chính thức Lễ công bố triển khai áp dụng HĐĐT trên cả nước dự kiến vào giữa tháng 4/2022 đề nghị các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế (57 cục còn lại thuộc giai đoạn 2) theo đúng tiến độ, thời gian quy định; đồng thời, các vụ, đơn vị cần gấp rút, khẩn trương chuẩn bị các nội dung công việc để tổ chức buổi Lễ sơ kết HĐĐT giai đoạn 1 và công bố triển khai giai đoạn 2 đảm bảo chu đáo, thành công. Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án máy tính tiền và đề án phát hành xổ số kiến thiết theo mã hóa đơn để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua bán hàng hóa. Qua đó góp phần giúp ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồng Thiết

Khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 6

TĐKT - Ngày 8/4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) đã phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 6 với chủ đề “Tự động hoá trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia: Thông minh và sáng tạo”. Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 6 Trong 2 ngày 8 và 9/4, hội nghị khoa học và triển lãm sẽ diễn ra với 3 hoạt động chính nhằm kết nối và khai thác có hiệu quả sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đó là, Hội nghị khoa học, Triển lãm quốc tế và Diễn đàn doanh nghiệp. TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 6 vẫn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 138 báo cáo khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Theo đó, diễn đàn khoa học thu hút các doanh nghiệp tham gia với 5 phiên: TP thông minh chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là các gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp, đơn vị sáng tạo, ứng dụng thành công. Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, qua 10 năm triển khai, Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế về Điều khiển và Tự động hóa đã định hình rõ nét là một diễn đàn khoa học uy tín thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa. Nêu bật vai trò của lĩnh vực điều khiển và tự động hóa đối với ngành khoa học công nghệ, đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển với khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa. Trong các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia. Trong đó, có chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030; chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030; các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về cơ khí và tự động hóa, vật liệu, năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0… Phương Thanh

Trường Sinh group giới thiệu các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

TĐKT - Ngày 1/4, tại Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh gặp gỡ báo chí giới thiệu các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do công ty sản xuất. Trường Sinh group gặp gỡ báo chí giới thiệu các sản phẩm Dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, Trường Sinh Group đã tích cực triển khai nghiên cứu và sau khi được Cục An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế cấp phép, Trường Sinh Group đã sản xuất và cấp hàng trăm ngàn sản phẩm đến các tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Các sản phẩm của Trường Sinh như TS Anco và Trường Sinh Thảo là các sản phẩm được sản xuất theo bài thuốc từ y dược cổ truyền do Tập đoàn Trường Sinh nghiên cứu điều chế từ các loại dược liệu an toàn, lành tính như: Xuyên tâm liên, hoa đu đủ đực, mật nhân, nghệ đen, tam thất, trần bì, cam thảo, hoa ngũ sắc, cây mật gấu, hoàng đắng... đều là những loại dược liệu có dược tính cao, chứa các hoạt chất như: Coumestans, Berberib, Palmatint, Lignan, Terpene, Steroid, vitamin, alkaloid, quassinoid, glucoginsenosid, saponin, alcoloid... Chính những hoạt chất này giúp F0 loại bỏ ho, ho đờm, khản tiếng, đau họng, nâng cao thể trạng. Trường Sinh group ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm với các đối tác Tất cả các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Trường Sinh group đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Y tế, trước khi lưu hành ra thị trường đều trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và cấp phép theo quy định. PV

Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số

TĐKT - Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thử thách trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%. Với phát triển xã hội số, Chiến lược nêu rõ, phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam. Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%... Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra 17 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện. Nguyệt Hà  

Triển khai Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 4 từ 15/4/2022

TĐKT - Chiến dịch con rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018. Đến nay, chiến dịch đã triển khai qua 3 giai đoạn chính và 1 giai đoạn mở rộng với sự tham gia của 20 cơ quan Hải quan và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 1.203 vụ việc vi phạm vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã (trong đó có 1.069 vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy) đã được thành viên báo cáo và nhập số liệu vào cơ sở hệ thống Mạng luới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm). Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Giai đoạn 1 của chiến dịch có 6 thành viên thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. 9 thành viên tham gia ở giai đoạn 2 gồm: Úc, Bangladesh, Brunei, Hồng Kông, Ấn Độ, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Singapore. Cũng theo thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu, giai đoạn 1 (kết thúc tháng 2/2019) các thành viên đã bắt giữ 164 vụ việc và gần 2.230 kg ma túy. Giai đoạn 2 (kết thúc trong năm 2020), phát hiện, bắt giữ tổng số 284 vụ buôn bán ma túy và động thực vật hoang dã; tang vật thu giữ lên đến gần 2.000 kg và gần 2 triệu viên ma túy các loại; gần 2.000 kg và hơn 1.500 sản phẩm động vật hoang dã, cùng gần 150 tấn và 1.000 m3 gỗ quý hiếm. Để chủ động kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép ma túy, động thực vật hoang dã, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, Hải quan Việt Nam tiếp tục triển khai Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 4 từ ngày từ ngày 15/4 - 15/9/2022. Hội nghị trực tuyến Mê Kông giai đoạn 3 Giai đoạn 3 của chiến dịch: Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) - đơn vị đầu mối triển khai chiến dịch của Hải quan Việt Nam cho biết, để chủ động kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép ma túy, động thực vật hoang dã, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, đầu năm 2021, Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước điều phối tiếp tục triển khai Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 3. Chia sẻ về về kết quả thực hiện Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 3, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu  - ông Nguyễn Hùng Anh cho hay, chiến dịch có sự tham gia của 23 cơ quan thực thi pháp luật từ 20 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn hành động của chiến dịch giai đoạn 3 đã ghi nhận bắt giữ 868 vụ việc, trong đó có 756 vụ bắt giữ ma túy và tiền chất bất hợp pháp; 112 vụ bắt giữ động vật hoang dã, buôn bán gỗ vi phạm Công ước CITES. Nhờ kết quả đó, ngày 30/11/2021, Hải quan Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Kiểm soát môi trường châu Á, với hạng mục Hợp tác cùng với Hải quan Trung Quốc và Hải quan Thái Lan trong cơ chế hoạt động của Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 3. Trên cơ sở những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được trong Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 3, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương triển khai Chiến dịch con rồng Mê Kông giai đoạn 4 (từ ngày 15/4 - 15/9/2022). Theo đó, để thể hiện vai trò chủ động nước nêu sáng kiến của Hải quan Việt Nam cũng như triển khai thực hiện thành công chiến dịch trong giai đoạn 4, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai có hiệu quả. Cụ thể, các đơn vị tăng cường thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, nhằm xác định trọng điểm, cảnh bảo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Hồng Thiết

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng từ “Tích cực”

TĐKT - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”. Cơ sở tổ chức Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan tỏa của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu. Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của VIệt Nam Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vắc xin nhanh chóng. Fitch đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022. Theo dự báo của Fitch, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI. Fitch ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới. Việc tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động và thách thức là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như thành quả kiểm soát đại dịch để ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch Ratings, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực nhằm đưa ra quan điểm sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam. Hồng Thiết      

Thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

TĐKT - Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 04/CĐ-TCT về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung Công điện cho biết, ngày 23/03/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 quy định về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, tại Điều 1 Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nêu trên quy định: từ ngày 01 tháng 04 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa. Mức thuế cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này. Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Hồng Thiết  

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng

TĐKT - Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ngành và địa phương, sự đồng tình, ủng hộ nhân dân, năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai rộng rãi từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã đề ra và chỉ đạo nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người dân; thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao; các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chủ động tận dụng thời điểm khó khăn của thị trường để chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch và bắt kịp cuộc Cách mạng 4.0; nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã thể hiện được uy tín và chiếm lĩnh thị phần nội địa và xuất khẩu đi nước ngoài. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD. Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 92.984 cuộc tuyên truyền với 4.097.471 lượt người tham dự, tổ chức được 598 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 7.995 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 812 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”; “Điểm bán hàng Việt”; “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”… Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp…. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã có nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, chương trình tuyên truyền phong phú, nội dung đổi mới, chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay như: “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Bình Thuận); “Nông sản Hải Phòng hướng tới người tiêu dùng Việt”; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Cuộc vận động (Bình Dương); Ngày hội “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”, mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” (Hậu Giang, Hòa Bình); mô hình “Doanh nhân đồng hành cùng hàng Việt”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang; mô hình “Mỗi tuần giới thiệu một sản phẩm Việt Nam chất lượng cao” (Bến Tre); mô hình “Nhận diện hàng giả, hàng thật” (Hà Nội). “Những kết quả, nỗ lực trong triển khai Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020” - Ủy viên Trung ương Đảng Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chỉ rõ. Điểm bán hàng Việt tại BK Mart, Bắc Kạn Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu, bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần khắc phục, như: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động không thể triển khai theo Kế hoạch; tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ… Trong năm 2022, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ triển khai một số nội dung trọng tâm: Tăng cường đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế… công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù, phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về biên giới; giới thiệu các mặt hàng OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh tới việc vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Theo đánh giá của Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng 2,68%. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chỉ đạo của Bộ Chính tri, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đều nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid -19. Chính bởi vậy, việc triển khai hiệu quả cuộc vận động sẽ mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với việc rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban chỉ đạo cần quan tâm tới việc ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hàng Việt. Đồng thời, tăng cường các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường và nâng cao vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo trong kiểm tra triển khai cuộc vận động của từng địa phương. Để tạo sức lan tỏa của cuộc vận động, ông cho rằng cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tuyên dương, biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn các sản phẩm chất lượng tại mỗi địa phương. Đây chính là động lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tham mưu hoạt động kết nối cung cầu để không còn hiện tượng nông sản Việt ùn tắc như hiện nay. Thục Anh  

Từ 1/4/2022 ngành Hải quan sử dụng đồng phục mới

TĐKT - Thực hiện Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2021 của Chính phủ về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát Hải quan; Quyết định số 188 ngày 02/02/2017 của Tổng cục Hải quan về việc Ban hành Quy chế hoạt động công vụ của Hải quan Việt Nam; Quyết định số 1062 ngày 19/04/2021 của Tổng cục Hải quan về ban hành quy chế quản lý, sử dụng trang phục trong ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 933/TCHQ-VP ngày 21/3/2022 về việc chính thức sử dụng trang phục mới kể từ ngày 1/4/2022. Trang phục xuân hè mới Trước đó, ngày 07/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan thay thế Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31/01/2005 của Chính phủ. Nghị định số 02/2021/NĐ-CP gồm 03 chương 16 điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2021 với nhiều điểm mới khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị định số 10/2005/NĐ-CP nhằm xây dựng vị trí hình ảnh của lực lượng hải quan theo hướng chính quy, hiện đại cũng như tính uy nghiêm của trang phục hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp và nâng cao vị thế của lực lượng hải quan trong quá thực hiện nhiệm vụ “gác cổng nền kinh tế” mà Đảng, Chính phủ giao cơ quan hải quan thực hiện, cụ thể: Trang phục của lực lượng chống buôn lậu Thứ nhất,thay đổi màu sắc, kiểu dáng trang phục hải quan xuân hè và quy định trang phục dành riêng cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu. Trang phục của cơ quan hải quan tại Nghị định số 02/2021/NĐ-CP có nhiều điều chỉnh về kiểu dáng, màu sắc, đặc biệt là màu sắc của trang phục xuân - hè đã có sự thay đổi từ màu xanh da trời (Nghị định số 10/2005/NĐ-CP) thành màu xanh đen cùng màu của quần; trên vai của cánh tay áo có gắn biểu tượng hải quan và có sự điều chỉnh về kiểu dáng để thuận tiện cho việc sơ vin tạo sự thanh lịch, gọn gàng trong quá trình sử dụng. Tàu tuần tra cũng có diện mạo mới với những dấu hiệu đặc trưng Trang phục dành riêng cho lực lượng chống buôn lậu: Được thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo trang phục thể hiện tính uy nghiêm, tính quyền lực trấn áp tội phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa (Nghị định số 10/2005/NĐ-CP chưa quy định). Trang phục chống buôn lậu của lực lượng Hải quan được lấy ý tưởng từ trang phục dã chiến của các lực lượng quân đội, công an với thiết kế chất liệu phù hợp với quá trình thực thi nhiệm vụ; màu sắc rằn ri phối trên cơ sở của 4 màu (màu đen Pantone Black 7C, xanh bộ đội Pantone 560C, cỏ úa Warm Gray11C, Pantone 4665C) dễ ẩn nấp nhưng đặc trưng riêng của Hải quan, không bị trùng với các lực lượng khác; kiểu dáng được tư vấn thiết kế theo hướng năng động, hiện đại, nhiều túi, đai để đựng công cụ hỗ trợ, máy móc thiết bị chuyên dùng cầm tay… Lễ phục mới của ngành Hải quan Thứ hai, quy định cụ thể về dấu hiệu đặc trưng của phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan (tàu thuyền, ô tô) và vị trí gắn cờ hiệu, biểu tượng hải quan, đèn hiệu, loa, còi  trên phương tiện. Nội dung bổ sung trong Nghị định nhằm luật hóa những dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan của cơ quan hải quan, đưa các quy định của Luật Hải quan về việc lắp đặt, sử dụng đèn hiệu, cờ hiệu hải quan, biểu tượng hải quan, loa, còi trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan triển khai trên thực tế. Đối với tàu thuyền, ca nô tuần tra, kiểm soát hải quan: Xuất phát từ đặc thù hoạt động tàu thuyền của cơ quan hải quan là tàu công vụ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, giữ gìn trật tự, an ninh kinh tế, an toàn và chủ quyền kinh tế quốc gia; đồng thời phối hợp với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, trong công tác phối hợp tác chiến khi có nhu cầu cần thiết góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước. Đối với ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan: Nghị định số 02/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu đặc trưng của ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan. Theo đó, xe ô tô kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan hai bên cửa xe có in dòng chữ “CUSTOMS” có phản quang theo quy cách như sau: Chữ in hoa, in đứng, cỡ chữ tùy thuộc vào từng loại xe; trước xe (nắp capo) và trước dòng chữ “CUSTOMS” có gắn biểu tượng hải quan. Nóc xe có gắn loa, đèn hiệu màu vàng; cờ hiệu hải quan cắm ở đầu xe phía bên trái người lái. Ngoài ra, một số trang phục khác như mũ, giày, tất, biển tên; chứng minh thư hải quan... cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu công tác và thực tiễn. Việc cải tiến, sản xuất trang phục mới sẽ khắc phục được những hạn chế mà bộ trang phục cũ còn tồn tại, làm thay đổi diện mạo trang phục lực lượng hải quan, đẹp và tốt hơn; đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng hải quan trong tình hình mới. Với quyết tâm xây dựng hình ảnh lực lượng hải quan chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, xuất phát từ các yêu cầu hội nhập quốc tế, chuẩn hóa đội ngũ hải quan Việt Nam “Chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả”, tạo cơ sở pháp lý cho một nền hải quan hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao khả năng nhận diện,bảo đảm sự uy nghiêm nhưng vẫn thể hiện sự hài hòa, trẻ trung, năng động, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với màu sắc với trang phục của một số lực lượng khác. Hồng Thiết    

Tổng cục Thuế thông tin về công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm trong hoàn thuế GTGT

TĐKT - Trong những ngày gần đây, một số cơ quan báo chí đã thông tin về kiến nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam đến Thủ tướng Chính phủ do gặp vướng mắc liên quan đến hoàn thuế GTGT, trong đó kiến nghị dừng thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế. Để làm rõ vấn đề trên, Tổng cục Thuế thông tin đến các cơ quan báo chí như sau: Chính sách thuế hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, quy định đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản… chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường. Để khuyến khích các thương nhân, cư dân biên giới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương, giảm thiểu thủ tục hành chính, Chính phủ đã có Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ, theo đó các đơn vị có thể xác lập hợp đồng bằng văn bản, trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì lập bảng kê hàng hóa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương biên giới. Tuy nhiên, để được hoàn thuế GTGT, Nghị định 14 cũng quy định phải thực hiện theo pháp luật thuế GTGT. Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu  thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hoàn thuế gồm: Hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng… Thực hiện quy định của Nhà nước, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN) và thực hiện hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Một số vụ việc điển hình đã được cơ quan Công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức… Cơ quan thuế các cấp thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận việc hoàn thuế GTGT. Nhiều giải pháp để quản lý đã được chỉ đạo và thực hiện kịp thời. Đồng thời, đã phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan xác minh, đấu tranh với các hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế GTGT. Vừa qua, trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế GTGT: Một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế,… Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế đã phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn mất tích từ lâu. Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo nội bộ cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Trong đó yêu cầu các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua Công an điều tra, khởi tố. Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...) thì Cục Thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển Cơ quan Công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của Cơ quan Công an và các cơ quan có liên quan thì Cục Thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định. Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (Hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài,...) hoặc qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì Cục Thuế cung cấp thông tin vi phạm của Người nộp thuế cho Cơ quan Hải quan kiểm tra và giám sát hải quan theo quy định, đồng thời đề nghị Cơ quan Hải quan phối hợp với Cơ quan Hải quan nước ngoài xác minh, điều tra làm rõ (thực tế có xuất khẩu hay không,...). Trước đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ NSNN theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể khẳng định nội dung chỉ đạo tại Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Đây cũng là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trong nội ngành Thuế nhằm tăng cường công tác quản lý chống gian lận hoàn thuế, là biện pháp nghiệp vụ phòng, chống hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát NSNN và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành Thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định. Qua xác minh thông tin các trường hợp vi phạm, cơ quan thuế đã chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Hồng Thiết

Trang