Điển hình tiên tiến

Kỹ sư ngành in với nhiều sáng kiến

TĐKT - Cầu tiến, ham học hỏi, luôn tự phấn đấu vươn lên, ham mê sáng tạo, hết lòng giúp đỡ những đồng nghiệp, kỹ sư Huỳnh Ngọc Thạch, Tổ phó Tổ in (Công ty cổ phần In nhãn hàng An Lạc) đã tự hoàn thiện mình bằng chính niềm đam mê công việc. Kỹ sư Thạch (đeo kính) luôn tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để mang lại nhiều lợi ích cho công ty Tốt nghiệp ngành công nghệ in Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, năm  2010, anh về làm việc tại Công ty CP In nhãn hàng An Lạc. Là một kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, được làm việc trong môi trường luôn kích thích sự sáng tạo, được lãnh đạo công ty tin tưởng giao việc, kỹ sư Thạch luôn tìm tòi học hỏi cái mới. Có nhiều sáng kiến của anh được áp dụng tại đơn vị và mang lại hiệu quả kin tế cao: Sáng kiến “Chế tạo máy sấy keo bán thành phẩm”, “Chế tạo máy dập và khuôn dập cung cấp bán thành phẩm, “Cải tiến máy dán ép bề mặt decal”, “Cải tiến máy dập lõi Desk”…cùng nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật khác với tổng giá trị làm lợi trên 4 tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu là sáng kiến “Xử lý code in nhãn”.  Anh cho biết: Năm 2016 có một nhãn hàng lớn yêu cầu in 900.000 thẻ cào trúng thưởng nhưng lại muốn in nhãn trúng và nhãn không trúng trên cùng file (tập tin). Rất nhiều lần công ty in thử và đều bị lỗi. Tổ in của tôi đã được giao trọng trách xử lý triệt để vấn đề này. Ý thức được nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo giao phó, kỹ sư Thạch cùng anh em đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu thử nghiệm dù gặp không ít khó khăn. Nỗ lực của anh và đồng nghiệp đã được đền bù tương xứng khi những lỗi trên file lẫn máy phun được xử lý triệt để. Nhờ đó 900.000 nhãn hàng đã thực hiện sớm hơn yêu cầu của khách. Sáng kiến của Thạch làm lợi, tiết kiệm cho doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng/năm. Một sáng kiến khác cũng khá ấn tượng của kỹ sư Thạch là sáng kiến “Gia công lô cao su trong nước”. Nói về ý tưởng sáng kiến này, anh Thạch chia sẻ: Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy nhiều khối cao su lấy mực, chà mực ở các máy in của đơn vị sau thời gian dài sử dụng đều bị mòn khiến việc chà mực không đều. Điều này dẫn đến sản phẩm bị lỗi in. Hơn nữa, các máy in này có công suất lớn, đều nhập nguyên kiện từ nước ngoài nên việc bảo trì gặp nhiều khó khăn, giá thành lại cao. Bởi vậy tôi đã suy nghĩ làm cách nào đó để khắc phục tình trạng này. Nghĩ là làm, anh bắt đầu nghiên cứu để tìm giải pháp. Sau hơn 3 tháng thiết kế, thử nghiệm bằng nhiều thiết bị khác nhau. Cuối cùng anh ứng dụng thành công sáng kiến “Gia công lô cao su trong nước”. Cải tiến này không chỉ khắc phục được hư hỏng của thiết bị, giúp công ty làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm do không phải mua thiết bị mới từ nhà sản xuất, mà còn đảm bảo quy trình sản xuất không bị gián đoạn, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm với khách hàng. Với 8 năm theo đuổi công việc, anh Thạch đề xuất rất nhiều sáng kiến có giá trị kinh tế cho công ty, nhưng điều anh tâm đắc nhất là đã góp phần đào tạo những công nhân kỹ thuật trẻ thành thợ giỏi. Với vai trò là Tổ phó Tổ in, anh Thạch đã trực tiếp đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề cho gần 600 lượt công nhân. Trong đó có 40 công nhân trở thành thợ giỏi, nắm bắt công việc để cùng nhau thực hiện công tác. Anh cũng tích cực hỗ trợhướng dẫn đồng nghiệp trong các giải pháp tăng năng suất lao động tại đơn vị. Nhờ có sự giúp đỡ của anh, 10 công nhân đã hoàn thành tốt kỳ thi nâng bậc, được bổ nhiệm làm trưởng máy in. Chia sẻ về những thành công trong công việc của mình, anh Thạch khiêm tốn: Tôi luôn quan niệm rằng đã đi làm thì phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Nếu mỗi nỗ lực, mỗi đóng góp của mình góp phần giảm bớt sức lao động cho con người, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty thì nên cố gắng hết sức bởi nếu công ty phát triển, mình sẽ là người đầu tiên được hưởng lợi nhờ có việc làm, thu nhập ổn định. Với nhiều thành tích đạt được cùng nhiều sáng kiến thiết thực, nhiều năm liền kỹ sư Huỳnh Ngọc Thạch đạt danh hiệu“Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Năm 2018, anh vinh dự được UBND thành phố trao tặng giải thưởng Tôn Đức Thắng. Tùng Chi    

Giữ lửa truyền thống 68 năm ngành quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng

TĐKT - Sáng 3/11, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) – Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống của ngành (7/11/1950 – 7/11/2018). Tới dự có: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (nay là C10); các thế hệ lãnh đạo, cán bộ lực lượng Cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng qua các thời kỳ. Là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được xây dựng và trưởng thành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và truyền thống vẻ vang của lực lượng công an nhân dân. Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng C10 tặng hoa cho đội văn nghệ biểu diễn tại buổi gặp mặt Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành (7/11/1950 - 7/11/2018), dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, phức tạp của điều kiện công tác, chiến đấu để bảo vệ an toàn các đơn vị, kiên trì giáo dục, cảm hóa người phạm tội, lầm lỗi trở thành người lương thiện có ích cho xã hội. Đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên thực hiện các quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện - đây là cơ chế mới được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, đã có hơn 2.000 phạm nhân đủ điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn tặng quà các cán bộ cao tuổi của lực lượng Cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Cục C10 được tách từ Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, có chức năng giúp Bộ trưởng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và trực tiếp quản lý các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định. Tổ chức bộ máy của C10 hiện nay gồm 20 phòng, thanh tra, trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ; 54 trại giam, 3 cơ sở giáo dục bắt buộc, 3 trường giáo dưỡng với tổng số gần 25 nghìn cán bộ, chiến sĩ; quản lý, giam gữ gần 130.000 phạm nhân và trên 1.000 trại viên học sinh.  Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phạm Đức Chấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII; Đại tá Nguyễn Duy Vực, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám thị Trại giam Phú Sơn 4; Đại tá Bùi Văn Chiểu, nguyên Giám thị Trại giam Tân Lập đã cùng với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ ôn lại những chiến công, sự gian nan, vất vả mà họ đã trải qua, chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng, đơn vị, trong cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao công tác tổ chức buổi gặp mặt của C10. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, ấm cúng, tạo mối quan hệ thường xuyên, mật thiết giữa thế hệ đang công tác hôm nay với thế hệ đi trước; để tiếp nối truyền thống vẻ vang, anh hùng của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Dù đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhưng lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng  luôn phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, với tấm lòng bao dung, độ lượng, đã cảm hóa, hàng chục vạn người lầm lỗi hoàn lương trở về đời thường. Thế hệ cán bộ chiến sĩ hôm nay cần trân trọng, phát huy những thành quả của cha anh để lại; các thế hệ đi trước tiếp tục quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, giúp anh em đang công tác hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hưng Vũ

Gặp mặt học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017 - 2018

TĐKT - Chiều 3/11, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt, trò chuyện thân mật và động viên Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017 - 2018. Cùng dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước; các thầy cô giáo cùng hơn 55 học sinh, sinh viên đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế; có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với các học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc. Trong năm học 2017 - 2018, tất cả học sinh các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng (5 Huy chương Vàng châu Á, 8 Huy chương Vàng quốc tế), tiếp tục giữ vững và có những môn đạt thành tích cao hơn so với các năm trước. Tiêu biểu là đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế đạt thành tích vượt trội trong số 5 đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế năm 2018 và đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay với 4 học sinh dự thi đoạt 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Những năm gần đây, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học được duy trì và đẩy mạnh ở các cơ sở giáo dục đại học. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm bình quân 10 - 15%; ở một số trường đại học lớn là gần 25%. Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” qua 25 năm triển khai đã thực sự trở thành một sân chơi khoa học lớn và có uy tín đối với sinh viên các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Hầu hết các công trình dự thi đoạt giải được đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng chào đón và hoan nghênh các cháu học sinh, sinh viên đã nỗ lực cố gắng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, thật thà, nhân ái, biết yêu thương giúp đỡ bạn bè, cùng nhau vượt khó học giỏi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động trước tinh thần nỗ lực cố gắng rất cao trong học tập rèn luyện, tinh thần ham học, vượt khó học giỏi, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của các cháu học sinh, sinh viên. Nhiều cháu mặc dù nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhặt được của rơi đem trả lại người mất; có cháu kiên trì vượt khó cõng bạn đi học, kết thành đôi bạn cùng tiến… Ghi nhận thành quả học tập, trân quý các tài năng trẻ trong học sinh, sinh viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phải làm sao trong mỗi con người phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc của nhân cách. Do đó, ngành giáo dục và đào tạo phải hết sức quan tâm giáo dục toàn diện cho các cháu, cả đức, trí, thể mỹ. Đức bao gồm nếp ăn ở, sinh hoạt hàng ngày, trước hết là với gia đình, anh em, bạn bè, rộng ra là với quốc gia dân tộc; phải học ăn nói, học gói, học mở, học để làm người, rồi mới làm cán bộ, làm việc. Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu… Nguyệt Hà

Nghị lực vượt khó của chàng kiến trúc sư tương lai Dương Hữu Phúc

TĐKT - Bị mất đôi bàn tay sau vụ nổ bình oxy nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng thanh niên Dương Hữu Phúc đã kiên cường vượt lên số phận, tiếp tục theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ trở thành kiến trúc sư của mình. Hiện Phúc đang là sinh viên năm thứ 3 của Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cách đây 4 năm, khi Phúc 19 tuổi, trong lúc làm việc tại một xưởng cơ khí ở Lạng Sơn, bất ngờ bình oxy phát nổ. Khi tỉnh dậy, Phúc mới biết rằng mình đã vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay. Với em khi đó, đó là một nỗi đau tưởng như không thể gượng dậy được. Những cơn đau đớn về mặt tinh thần và thể xác vẫn còn kéo dài khi hai bàn tay của em bị nhiễm trùng rồi hoại tử, phải cắt xương lần thứ hai. Bảy tháng sau, vết thương sâu mới lành trở lại. Thời gian đầu, cũng giống như những người khuyết tật khác, em cảm thấy vô cùng đau đớn, tuyệt vọng, mất hết niềm tin. Em không thể làm được gì vì mất đôi bàn tay là mất hết cả tương lai, mất tất cả mọi thứ, mọi dự định…Mơ ước trở thành một kiến trúc sư cũng tan thành mây khói. Phúc kể: “Lúc bấy giờ, kinh tế gia đình lại gặp khó khăn. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ cũng đau ốm liên miên. Khi em bị tai nạn như vậy, nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, quả thực lúc đó em thương mẹ vô cùng và hai mẹ con cứ thế ôm nhau mà khóc.” Không muốn cả đời phải dựa vào mẹ trong mọi sinh hoạt, Phúc cố gắng dùng thử tay giả nhưng em nhận ra rằng các khớp mỏi nhừ, cử động khó khăn và hầu như không có cảm giác gì nên quyết định dùng phần tay cụt để tập luyện. Em bắt đầu học cách cầm nắm, di chuyển đồ vật. Lúc đầu còn phải nhờ sự trợ giúp của cằm hay chân, nhưng dần dần, chỉ cần dùng tay em có thể bê cả nồi cơm hay chiếc ghế vừa tầm. Khó nhất phải kể đến việc ăn uống. Không còn ngón tay để cầm đũa thìa nên em nhờ mẹ chế ra dụng cụ hỗ trợ là một nửa chai nước, ở đầu gắn cái dĩa - tay đúc vào chai, xúc như tay giả. Những ngày đầu cơm canh, thức ăn vương vãi khắp nhà, phần tay cắm vào hộp nhựa sưng tấy, nhưng em không bỏ cuộc. Chỉ vài ngày sau, em có thể tự xúc ngon lành. Sau khoảng một năm ở nhà, tình cờ em cầm bút để thử xem có viết được tên em không. Vô cùng vui sướng khi em vẫn viết được, chỉ có điều là chậm hơn trước đây. Nên em quyết định là xin phép mẹ cho em được học tiếp lớp 12 tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên gần nhà. Những năm tháng Phúc tiếp tục theo đuổi bậc THPT là những năm mẹ em rong ruổi đưa đón em khắp các nẻo đường, bất kể ngày mưa cũng như ngày nắng. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2016, em đăng ký vào Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và trúng tuyển. Nhớ lại những ngày tháng đấy, Phúc nghẹn ngào: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con em vừa mừng vừa lo. Mừng vì em được đi học đại học, lo vì không biết lấy đâu ra tiền để học. Nhưng vì thương em nên mẹ quyết định rời quê nhà, khăn gói lên Hà Nội để em nhập học với tất cả sự nỗ lực. Mẹ em phải làm từ sáng đến tối để có đủ tiền sinh hoạt. Thương mẹ vất vả nên cả năm đi học em không dám nghỉ một ngày nào. Em không muốn những đồng tiền mẹ khó khăn kiếm được trở nên uổng phí.” Hiện tại, hai mẹ con em đang thuê một căn phòng trọ nhỏ dưới chân đê ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để thuận tiện cho việc học tập của em tại trường. Tuy còn khó khăn nhưng em vui vì mẹ luôn ở bên cạnh động viên em hoàn thành việc học thật tốt. Hữu Phúc trong một giờ học trên lớp Người bình thường học những chuyên ngành thiết kế đã khó. Đối với người bị mất đi đôi bàn tay, việc ấy còn khó khăn hơn gấp bội phần. Nhưng theo các thầy cô giáo của Khoa Kiến trúc cho biết, Phúc luôn hoàn thành bài tập sớm nhất và tốt nhất so với các bạn khác, đặc biệt là không để nợ một môn nào. Phúc tiết lộ: “Có thể khi nhìn em, mọi người sẽ nghĩ rằng một việc đơn giản hay khó, em không thể làm được nhưng thực ra em vẫn có thể làm được, chỉ có điều là phải làm nó một cách chậm rãi hơn. Thời gian đầu mới vào học, do chưa quen sử dụng máy tính trong việc thiết kế, đồ họa, em gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là em được các thầy cô giáo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, động viên em trong suốt quá trình học tập. Cộng với sự chăm sóc, lo lắng quan tâm của mẹ, sự chia sẻ của bạn bè và nỗ lực của bản thân, đến bây giờ những khó khăn đó đã vơi bớt phần nào. Cũng may mà làm bản vẽ trên máy tính, chứ nếu vẽ bằng tay thì em chạy dài cũng không theo kịp các bạn.” “Em luôn tự ý thức rằng, bản thân mình đã thua thiệt thì phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần người khác mới đạt được thành công, trở thành một Kiến trúc sư giỏi và cũng là để không phụ lòng mong mỏi của những người yêu quý em.” – Phúc nói. Không chỉ học tập tốt trên lớp, ngoài giờ học, Phúc còn đi làm thêm, phụ giúp cho mẹ. Em tự nhập đồ về để làm những chiếc vòng đội đầu xinh xắn, bán trên phố đi bộ Hồ Gươm từ thứ 6 tới chủ nhật. Cứ có thời gian rảnh là hai mẹ con lại tự kết vòng để cuối tuần em mang đi bán. Có ngày đi rạc cả chân cũng chỉ bán được vài cái, ngày may mắn hơn kiếm được vài trăm nghìn. Được bao nhiêu em mang về đưa cho mẹ, dặn mẹ mua thuốc, hay mua thêm đồ ăn ngon. Gần đây, căn bệnh hở van tim, suy thận của mẹ tái phát nặng, phải đi bệnh viện nhiều, kinh tế khó khăn nên em đi bán từ chiều tới gần 11 giờ đêm mới về đến nhà. Tuy nhiên, em cố gắng phân bổ thời gian hợp lý, không để việc làm thêm ảnh hưởng tới việc học. Khi có bài tập hay thi hết môn, em đều sắp xếp và cố gắng hoàn thành, tập trung ôn tập sớm để giành kết quả cao. Thời gian còn lại, em phụ giúp mẹ việc nhà và kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Mơ ước của em là sau khi tốt nghiệp ra trường, em xin được việc làm ngay, có tiền và thuê được một căn nhà trọ rộng rãi hơn, mát mẻ hơn để mẹ có chỗ nghỉ thoải mái khi đi làm về. Xa hơn, em cũng mong ước xây được một ngôi nhà 2 tầng để hai mẹ con ổn định hơn. Thu Hương

Bí thư đoàn xã giàu nhiệt huyết

TĐKT - Là cán bộ đoàn năng nổ, sôi nổi, nhiệt tình và gương mẫu, anh Nguyễn Thành Nhân, Bí thư xã đoàn Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã được nhiều đoàn viên mến mộ. Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của người thủ lĩnh đoàn thanh niên, anh Nhân luôn chủ động phối hợp với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã kịp thời tham mưu Đảng ủy xã Tây Thuận triển khai các nhiệm vụ liên quan tới công tác đoàn và phong trào thanh niên: Tổ chức các lớp học tập trung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên (ĐVTN); tổ chức các hoạt động vền nguồn; tổ chức thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về Đảng, Đoàn, Bác Hồ, quê hương, đất nước… Anh Nhân đến thăm và trao quà hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tây Thuận Đồng thời, anh cũng tích cực vận động ĐVTN tham gia thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên thiết thực: Tham gia ngày công xây dựng công trình thanh niên 200 m đường bê tông nông thôn; xây dựng và chăm sóc vườn hoa thanh niên tại UBND; tham gia nạo vét, dọn vệ sinh hơn 400 m kênh mương nội đồng tại thôn Tiên Thuận; phối hợp với Liên Chi đoàn Khoa Lịch sử trường Đại học Quy Nhơn dọn vệ sinh và đào 4 hố rác tại các trường tiểu học và trung học cơ sở… Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, anh Nhân đã tham gia hiến máu và vận động ĐVTN tham gia với 69 đơn vị máu thu được. Anh còn chủ động liên hệ Trung tâm Dạy nghề và Tư vấn, giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh tổ chức giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh niên, qua đó có 2 thanh niên xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, anh Nhân còn tích cực huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu nhi và nhân dân. Từ năm 2016 – 2018, anh đã vận động trao tặng 11 xe đạp (1.200.000 đồng/chiếc) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 24 suất học bổng (300.000 đồng/suất) và hơn 110 suất quà (tổng trị giá hơn 30 triệu đồng) trao tặng cho các em học sinh vượt khó học giỏi; mở 1 lớp dạy võ cổ truyền cho hơn 60 em thanh thiếu nhi trên địa bàn.   Anh Nhân (thứ 4 từ trái qua) cùng các ĐVTN bên “Căn nhà từ thiện, gian hàng miễn phí cho người nghèo” Đặc biệt, sáng kiến “Căn nhà từ thiện, gian hàng miễn phí cho người nghèo” của anh Nhân được các ĐVTN cũng như người dân nhiệt tình ủng hộ. Từ ngôi nhà đã bỏ hoang, anh Nhân cùng Ban Chấp hành Đoàn xã đã tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương để sửa sang thành nơi quyên góp quần áo và các vật dụng còn giá trị sử dụng hỗ trợ người nghèo. Ngôi nhà rộng khoảng 15 m2. Trong nhà, quần áo được treo gọn gàng và phân thành khu vực đồ nam, nữ riêng. Các vật dụng gia đình cũng được phân khu và sắp xếp ngăn nắp để phục vụ những bà con có nhu cầu đến cho và nhận. Những bộ quần áo hay vật dụng gia đình tuy đã cũ với người này nhưng sẽ là món quà với những người khác. Với sự thiết thực, phù hợp đó, công trình được duy trì hiệu quả hơn 1 năm nay. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi hoạt động của người thủ lĩnh Đoàn, cùng với sự đoàn kết của các ĐVTN trên địa bàn xã, công tác Đoàn và phong trào của Đoàn thanh niên xã Tây Thuận ngày càng phát triển vững mạnh. Riêng đối với thủ lĩnh đoàn Nguyễn Thành Nhân, điều mà anh mong muốn nhất là tiếp tục cống hiến năng lực, sức trẻ để xây dựng hình ảnh đẹp của người đoàn viên, tô đẹp thêm truyền thống đáng tự hào của tuổi trẻ xã Tây Thuận, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Tuệ Minh

Lữ đoàn Thông tin 205 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT - Sáng 23/10, Lữ đoàn Thông tin 205 tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dự và phát biểu ý kiến. Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Lữ đoàn 205 Cách đây tròn 60 năm, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 23/10/1958, tại Bãi Bằng, Phú Thọ đã diễn ra Lễ công bố Nghị định thành lập Trung đoàn 205 - Trung đoàn Thông tin đầu tiên của Quân đội ta. Tại buổi lễ, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã trao cho đơn vị lá Quân kỳ Quyết thắng. Từ đó đến nay, ngày 23/10 hằng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn Thông tin 205 Anh hùng. Ngay sau khi thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang bị, khí tài, nhưng với tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao, Trung đoàn đã tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) cho Bộ Chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị củng cố, xây dựng lực lượng chiến đấu chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn tập trung giữ vững TTLL cho Bộ Chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị giáng trả mọi hành động xâm lược của kẻ thù, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, Campuchia. Đồng thời xây dựng, phát triển và nâng cấp chất lượng mạng lưới TTLL quân sự. Trước yêu cầu phát triển của nhiệm vụ, ngày 2/1/1985, Bộ Quốc phòng ra Quyết định phát triển Trung đoàn thông tin 205 thành Lữ đoàn thông tin 205, trực thuộc Binh chủng TTLL. Với chức năng là Tổng trạm thông tin Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, trung tâm kết nối, khai thác mạng thông tin quân sự toàn quân, những năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên, SSCĐ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, nhiệm vụ A2, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác. Đặc biệt, Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL, truyền hình phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội, các cuộc diễn tập của Bộ và các đơn vị toàn quân... Cùng với hiện đại hóa các trang thiết bị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực, tập trung huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo tình huống tác chiến, sát thực tế nhiệm vụ, với mục tiêu "giỏi về thông tin truyền thống, tinh nhuệ về thông tin cơ động, làm chủ khí tài thông tin công nghệ cao". Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có sự trưởng thành nhanh chóng, làm chủ được các loại trang bị, khí tài trong biên chế, nhiều đồng chí là nhân viên kỹ thuật đầu ngành, "mũi nhọn" của Binh chủng. Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, Lữ đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năn 1976; trao tặng 230 Huân, Huy chương các loại; 5 lần được Bác Hồ, Bác Tôn tặng lẵng hoa cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều năm liền Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Binh chủng TTLL tặng cờ, bằng khen, giấy khen, danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, Lữ đoàn vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Duyệt đội ngũ trong buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Lữ đoàn Thông tin 205 Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 205 đã đạt được trong 60 năm qua. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, Thiếu tướng Ngô Minh Tiến đề nghị Lữ đoàn 205 thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng về quân sự - quốc phòng, đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự - quốc phòng 2011 – 2020, góp phần xây dựng Binh chủng TTLL tiến thẳng lên hiện đại, coi trọng xây dựng Lữ đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực tổng hợp, khả năng SSCĐ, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt chức năng tham mưu về quy hoạch phát triển hệ thống thông tin quân sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tập trung điều chỉnh tổ chức, biên chế của Lữ đoàn theo hướng tinh, gọn, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác hệ thống TTLL hiện đại. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, bảo đảm TTLL kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn trong mọi tình huống. Thực hiện tốt “một tập trung, ba đột phá”, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống. Chú trọng nâng cao năng lực toàn diện, trình đô quản lý, điều hành, khai thác TTLL cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu toàn diện của Đảng bộ đối với mọi hoạt động của Lữ đoàn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân… Phương Thanh

Vững niềm tin trên mặt trận đối không

TĐKT - Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) thành lập ngày 22/10/1963 trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ PKKQ mưu trí, sáng tạo, anh dũng đã hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao . Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Đại đội 1, Trung đoàn 210 sau khi đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.000 trên miền Bắc (29/4/1966) Quân chủng PKKQ luôn là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, bắn rơi hàng nghìn máy bay của quân xâm lược, bắt sống nhiều giặc lái, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bộ đội pháo phòng không đã bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, làm cho quân địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại đoàn bộ binh bao vây, áp sát, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội PKKQ tiếp tục vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công vang dội; điển hình là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận, từ đó tạo ra lợi thế cho ta trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris đầu năm 1973. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, bao gồm đủ các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái. Sau khi đất nước thống nhất, là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, Quân chủng PKKQ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ đột xuất, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc: Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay. Kíp chiến đấu Đại đội 28, Trung đoàn 218 luyện tập bắt mục tiêu Công tác huấn luyện phòng không, huấn luyện không quân bay ứng dụng chiến đấu, bay chuyển loại, đào tạo phi công được thực hiện có hiệu quả, an toàn. Quân chủng tổ chức tốt các chuyến bay nhiệm vụ, bay trinh sát, tuần tiễu khẳng định chỉ quyền biển, đảo, bay tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Công tác kỹ thuật, công tác hậu cần có nhiều cố gắng. Xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật có nhiều chuyển biến tiến bộ. Trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng được củng cố, có nhiều chuyển biến tiến bộ, vững chắc. Với những thành tích và chiến công xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, Quân chủng PKKQ đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, Quân chủng Phòng không, Quân chủng Không quân và các Binh chủng: Pháo Cao xạ, Tên lửa, Ra đa và 145 lượt tập thể, 139 cá nhân được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó, Quân chủng đã được trao tặng 3 Huân chương Sao vàng, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PKKQ cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân chủng PKKQ trong 55 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn các cuộc chiến tranh trước đây vào quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong điều kiện mới. Từng bước nghiên cứu lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không hiện đại. Cùng với đó, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và cách đánh của bộ đội PKKQ, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Trang Lê

Người lãnh đạo miệt mài sáng kiến cho giải pháp về bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT - Là người gắn bó với mảnh đất Kiên Giang và ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Nguyễn Công Chánh luôn thấu hiểu sự bất cập và những khó khăn của người dân khi nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trên cương vị là người lãnh đạo, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang, ông đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu để đưa ra giải pháp tốt nhất hỗ trợ người lao động được hưởng trợ cấp. Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang Ông Chánh chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện tại mỗi tháng có khoảng 4.000 người hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng, với số tiền gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển tiền và vận chuyển tiền về các điểm chi trả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, vừa tốn công sức, tiền của nhưng thủ tục lại rườm rà, kém hiệu quả. Phí chuyển tiền, rút tiền cao cho từng món dịch vụ. Hàng ngày phải cập nhật số liệu, danh sách chi trả từ phía Trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sang nên tốn rất nhiều thời gian. Đồng thời, tạo sự phiền hà và chậm trễ, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người lao động. Theo quy trình, ngay khi người lao động nghỉ việc thì trong vòng 3 tháng sẽ đến Trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp BHTN. Sau khi có quyết định hưởng trợ cấp thì trong vòng 5 ngày (kể từ ngày trình diện là chưa có việc làm) thì BHXH tỉnh lập danh sách, chuyển cho bưu điện để chi trả tiền và in cấp thẻ BHYT cho người hưởng. Như vậy, khi Trung tâm gửi quyết định hưởng trợ cấp, BHXH tỉnh sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu, phân loại xem người lao động đã có việc làm chưa. Nếu chưa thì lập danh sách chuyển bưu điện chi trả. Nếu đã có việc làm, thì báo về Trung tâm thu hồi quyết định hưởng trợ cấp. Quy trình trên mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, số người hưởng rất nhiều nếu không có động thái trong quản lý sẽ khó kiểm soát và gây khó khăn trong chi trả. Đồng thời, công tác nhập liệu, theo dõi chỉ bằng thủ công, thời gian lại gấp rút chỉ trong vài ngày nên dễ dẫn đến sai sót và chậm trễ việc cấp tiền và thẻ BHYT đến tận tay người hưởng. Điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân lao động. Quá trình làm việc, ông đã chứng kiến nhiều cảnh người dân khi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp rất vất vả, mặc dù đây là chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và từ khoản thu nhập ít ỏi đấy để giúp người dân phần nào ổn định cuộc sống, từ đó tìm công việc mới phù hợp. Nhìn hình ảnh người lao động đa số là những người nghèo khó, trình độ thấp, ông đã suy nghĩ , trăn trở rất nhiều. Để góp phần giải quyết khó khăn đó, ông đã ấp ủ và hình thành sáng kiến “Đẩy mạnh công tác phối kết hợp trong quản lý chi trả kịp thời người hưởng chế độ BHTN hàng tháng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”. Sáng kiến của ông đưa ra chính là nâng cao trách nhiệm và vai trò của người quản lý, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đảm bảo độ chính xác trong quản lý người hưởng cũng như việc sử dụng nguồn quỹ. Đặc biệt hơn, ông đề nghị sử dụng mã vạch trong trợ cấp BHTN cho người lao động. Cụ thể, khi người dân đăng ký hưởng trợ cấp thì Trung tâm sẽ cấp cho 1 mã vạch để giúp cho công tác đọc dữ liệu khi người lao động đến trình diện và khai báo chưa có việc làm. Khi có quyết định được hưởng trợ cấp thì chuyển danh sách cho BHXH tỉnh rà soát và phản hồi kịp thời thông tin hai chiều.  Qua đó, phối hợp với ngân hàng mở thẻ miễn phí và phát ngay cho người lao động khi đến đăng ký hưởng trợ cấp. Việc phối hợp bưu điện quản lý người hưởng qua phần mềm đọc mã vạch không cần nhập lại thông tin sẽ tiết kiệm thời gian. Theo đó, khi người lao động trình diện lần đầu tiên thì toàn bộ dữ liệu sẽ được chuyển ngay đến BHXH và cơ quan này có 3 ngày để hoàn thiện danh sách và chuyển sang bưu điện để kịp thời chuyển tiền cho người lao động. Khi sáng kiến được đưa vào thực tiễn, ông Chánh khẳng định một điều sẽ góp phần kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Từ đó, tạo niềm tin cho người lao động vào các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.  Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung theo tiến trình phát triển của xã hội. Ngoài ra, chỉ cần 3 - 5 ngày thì tiền sẽ đến tận tay người lao động. Sáng kiến này giúp cắt giảm được thời gian của người quản lý, thời gian đi lại của người lao động. Nếu như trước đây người lao động hàng tháng phải đi trình diện đến 5 lần tại các điểm mới nhận được tiền và thẻ BHYT (1 lần khai báo, 1 lần trình diện chưa có việc làm, 1 lần trình diện Bưu điện, 1 lần nhận tiền, 1 lần nhận thẻ), với sáng kiến này mỗi tháng chỉ mất có 2 lần trình diện (1 lần khai báo, 01 lần trình diện). Song song với đó, công tác phối hợp giữa 4 bên cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng hiệu quả lại tăng cao và cắt giảm được chi phí, thời gian lao động. Sau khi có danh sách của người hưởng và đã được chi trả 100% qua thẻ ATM, bưu điện chỉ thực hiện chuyển 1 lần danh sách từ tỉnh đến các huyện, giúp giảm đáng kể chi phí chuyển tiền; khắc phục được tình trạng quản lý thất thoát tiền mặt, chi phí bảo quản vận chuyển tiền cũng lớn; đảm bảo an ninh trong công tác quản lý nguồn vốn chặt chẽ. Sáng kiến trên còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian và ngày giờ công của công chức quản lý và viên chức thực hiện chuyên môn; giúp nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong đạo đức công vụ, thực thi nhiệm vụ được giao; đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh được những trường hợp lạm dụng, lãng phí tiền Nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín và tạo sự tín nhiệm đối với người tham gia, tạo sự đồng tình ủng hộ cao của cộng đồng xã hội. Hồng Thiết  

Bình Dương tuyên dương, khen thưởng doanh nhân xuất sắc tiêu biểu năm 2018

TĐKT - Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, UBND và Ban Thi đua -Khen thưởng tỉnh Bình Dương tổ chức họp mặt và tuyên dương khen thưởng 110 doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2018. Ông Trần Thanh Liêm –Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến Tham dự buổi họp mặt có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các cơ quan ban, ngành tỉnh Bình Dương; 800 doanh nhân và hơn 100 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho 29.000 doanh nghiệp trong tỉnh. Quang cảnh Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam tại Bình Dương Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “ Lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn luôn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp và doanh nhân làm ăn và đầu tư tại tỉnh nhà. Cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong và ngoài nước đã đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng của tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh đã ký kết các văn bản, hợp đồng để cùng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xây dựng thành phố mới Bình Dương trở thành thành phố thông minh, hiện đại nhất nước nhằm hỗ trợ các doanh nhân và doanh nghiệp phát triển hơn nữa”. Đại diện hơn 100 doanh nhân tiêu biểu, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị điều hành Tập đoàn Hoa Sen đã phát biểu và nhấn mạnh: Hơn 20 năm liên tục phát triển đến nay, tỉnh Bình Dương đã tạo dựng được vị trí hàng đầu thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Bước vào cuộc cách mạng 4.0, Bình Dương tạo ra sự đột phá mới: Triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Tập đoàn Hoa Sen là 1 trong những doanh nghiệp có trụ sở tại Bình Dương. Sau gần 20 năm đầu tư và phát triển, đến nay, Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành nhà sản xuất và kinh doanh tôn thép số 1 Việt Nam và là doanh nghiệp xuất khẩu tôn, thép hàng đầu Đông Nam Á. Ông Trần Ngọc Chu Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Dịp này, UBND và Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bình Dương đã trao tặng 3 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và 105 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các doanh nhân và doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Bình Dương năm 2018. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn Hoa Sen vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng. Trần Lê

Trao tặng danh hiệu Anh hùng cho Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ

TĐKT - Sáng 16-10, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức Lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tặng Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ, Nguyên Chủ nhiệm Quân y Mặt trận B3 Tây Nguyên; Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chính trị Học viện Quân y. Tới dự, có: Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tặng Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bác sĩ Nguyễn Tụ với cương vị là Hiệu trưởng Trường Quân y Quân khu Tây Bắc (từ năm 1964 đến năm 1966), sau đó được giao nhiệm vụ vào chiến trường Tây Nguyên làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Quân y Mặt trận B3 (nay là Quân đoàn 3). Trong thời gian công tác tại Mặt trận B3 Tây Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Tụ đã cùng với tập thể Ban Quân y Mặt trận có nhiều sáng tạo trong cấp cứu, điều trị bệnh sốt rét, điều trị vết thương... Đồng thời xây dựng kế hoạch bảo đảm quân y cho các chiến dịch lớn, nhỏ và các trận đánh của Mặt trận: Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; các trận đánh Đắc Siêng, Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972 và hai chiến dịch lớn là Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, Thiếu tướng Nguyễn Tụ được cử về công tác tại Trường Sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y) làm Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Bộ môn Tổ chức Chỉ huy quân y, rồi làm Phó Giám đốc Học viện Quân y. Trong những năm công tác, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Tụ đã có nhiều đóng góp to lớn đối với thành tích chung của Học viện Quân y, đặc biệt là công tác đào tạo các bác sĩ chuyên ngành tổ chức chỉ huy quân y cho quân đội. Thiếu tướng Nguyễn Tụ cũng là người có công lao rất lớn trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành cho ngành quân y Việt Nam. Đồng chí là đồng tác giả công trình “Nghiên cứu tổng kết công tác đảm bảo quân y trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2010. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trong xây dựng ngành quân y, Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, ngày 30/8/2018, đồng chí đã được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Dù ở cương vị nào, đồng chí Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn thể hiện rõ tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn thực sự là tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, mưu lược, sáng tạo của người chỉ huy quân y, góp phần cùng các đơn vị đã từng công tác hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thượng tướng Bế Xuân Trường mong rằng, Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Tụ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của một Anh hùng LLVT nhân dân, tiếp tục có nhiều đóng góp quý báu đối với sự phát triển của ngành quân y, ngành y tế Việt Nam và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyệt Hà

Trang