TĐKT - Ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) khi nhắc đến mai là mọi người nghĩ ngay tới vườn mai của gia đình ông Trần Văn Đây, chủ vườn mai tại Ấp 4, xã Nhơn Đức. Nhờ biết kết hợp nhiều cách làm, vườn mai của ông Đây luôn có những cây mai đẹp, lạ và cho thu nhập ổn định.
Ông Đây bên những cây mai ghép của mình
Tiếp nhận vườn cây cảnh của gia đình từ năm 1970, với niềm đam mê và yêu thích cây cảnh, ông Đây bắt đầu chọn cây mai chiếu thủy để chăm sóc. Sau đó, ông chuyển sang trồng cây sứ, hoa lan.
Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm với các loại cây cảnh khác nhau, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Qua tìm hiểu sách báo ông biết cây mai ghép là loại cây có xu hướng phát triển, mang hiệu quả kinh tế.
“Nếu như hoa mai thường chỉ có 5 cánh, thì mai ghép có thể tới 12 đến 24 cánh. Cánh tròn đều và đẹp hơn... được khách hàng rất ưa chuộng trong mỗi dịp Tết.”- ông Đây cho biết.
Đây cũng chính là động lực giúp ông quyết tâm phải trồng thành công giống mai đặc biệt này.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ ghép mai không cao, cây cho ra hoa chưa đúng thời vụ. Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, ông Đây tự tìm tòi qua sách, báo, tryền hình và trực tiếp đi thăm quan, học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương.
Theo ông, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bởi mỗi lần đi, ông không chỉ đến để ngắm, mua mai về trồng mà còn là cơ hội để cho ông học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức trồng trọt.
Ông cho biết, cây mai ghép là cây mai cảnh, do đó khâu chăm sóc khá cầu kỳ. Nhiều người mua cây mai ghép về trồng do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên mai hay bị chết. Do cây còn nhỏ, các năm đầu có thể rụng hơn 50% nụ hoa, nhưng đến lúc cây già khoảng 2 đến 3 năm trở lên sẽ đậu được nhiều hoa hơn.
Cũng theo ông Đây, muốn mai tốt, ra hoa nhiều vào năm sau, phải chăm sóc mai ngay sau Tết. Qua rằm tháng giêng, cần đem mai ra ngoài trời, bắt đầu thực hiện các giai đoạn chăm sóc, tạo dáng. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm, tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng 7 âm lịch, không nên tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa.
Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, canh bông, lặt lá cho phù hợp...
Hiện nay, vườn nhà ông có hơn 800 cây mai ghép đã ghép hoàn chỉnh với đủ kích cỡ và đủ kiểu dáng khác nhau, ngoài ra còn hơn 300 gốc mai ghép nguyên liệu chưa hoàn chỉnh, hơn 100 cây sứ cảnh. Với giá trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/cây, mỗi năm sau khi chăm sóc thành phẩm ông bán khoảng 500 - 600 cây.
Không chỉ giỏi trong nghề trồng mai,ông Đây còn thường xuyên tham gia chia sẻ kinh nghiệm trồng mai với nông dân, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cách chăm sóc, hướng dẫn trồng mai ghép người dân làm kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với những đóng góp của mình, ông Trần Văn Đây đã vinh dự được bình chọn là “Người nông dân tiêu biểu” TP Hồ Chí Minh và được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc vườn mai, ông Đây cho biết: Làm nghề nào cũng thế, nhất lại là nghề trồng cây cảnh, phải có niềm đam mê, yêu nghề và chịu khó. Việc chăm sóc mai ghép cũng giống như chăm con mọn vậy, do đó người trồng phải thật có tâm với nghề, như vậy mới đạt được kết quả tốt.
Tùng Chi