Điển hình tiên tiến

Nestlé Việt Nam được vinh danh doanh nghiệp vì người lao động

TĐKT - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Nestlé Việt Nam đã được xếp hạng doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2018 – chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khởi xướng, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí chặt chẽ do các chuyên gia về lao động và công đoàn xây dựng. Bộ tiêu chí đảm bảo phán ánh sâu sát tình hình thực tế sử dụng và đãi ngộ người lao động của doanh nghiệp trên các khía cạnh thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, các phúc lợi xã hội và các hoạt động bồi dưỡng thể chất cũng như tinh thần. Nestlé Việt Nam đã được xếp hạng doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động 2018 Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng thành công của doanh nghiệp chính là thành công của người lao động và ngược lại, cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần của người lao động sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phát triển”. Trước đó, Nestlé Việt Nam nhiều lần được các tổ chức chuyên về lĩnh vực nhân sự có uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao và ghi nhận, bình chọn với các giải thưởng uy tín nhất. Bà Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự Nestlé Việt Nam chia sẻ thêm về sự tự hào khi được vinh danh như là một doanh nghiệp dẫn đầu trong chính sách nhân sự hướng đến quyền lợi người lao động và môi trường làm việc tốt nhất bằng những ghi nhận tích cực của các tổ chức lao động và cộng đồng xã hội. “Đây cũng là sự khích lệ và động viên lớn cho tập thể để liên tục cập nhật, học hỏi và làm tốt hơn mỗi ngày trong việc xây dựng Nestlé như một nhà tuyển dụng được yêu thích cho người lao động tại Việt Nam”, bà cho biết. Tháng 11 vừa qua, Nestlé Việt Nam được vinh danh giải thưởng nhân sự Việt Nam HR AWARDS. Đây là lần thứ hai liên tiếp Nestlé Việt Nam xuất sắc giành được giải thưởng của 2 hạng mục quan trọng là Chính sách lương thưởng – Phúc lợi và Quản lý nhân tài. Tháng 9/2018, Nestlé được tạp chí nhân sự hàng đầu châu Á, HR Asia, vinh danh Những nơi làm việc tại Việt Nam được vinh danh tốt nhất châu Á 2018. Công ty nhân sự Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen tháng 3/2018 cũng đã công bố kết quả khảo sát vinh danh Nestlé với vị trí thứ 2 trong danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2017” sau khi liên tiếp được bình chọn trong danh sách này các năm 2014, 2015 và 2016. Không chỉ khẳng định là một trong những công ty đi đầu trong thực hiện chính sách nhân sự tối ưu và môi trường làm việc tốt nhất, Nestlé Việt Nam còn tiên phong trong các cam kết về trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Ngày 7/12 vừa qua, Công ty Nestlé Việt Nam ký cam kết khẳng định ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles - WEP) với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và UN Global Compact tại Diễn đàn Doanh nghiệp hỗ trợ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEP) diễn ra tại Hà Nội. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, tuyển dụng trực tiếp gần 2.300 nhân viên trên toàn quốc và điều hành 6 nhà máy tại Việt Nam. Công ty được thành lập từ năm 1995 đã liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều thương hiệu của công ty được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng hằng ngày như NESCAFÉ, MILO, MAGGI, NAN và nhiều sản phẩm khác. Mai Thảo

Tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới

TĐKT - Chiều 17/12, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình "Điểm tựa bản làng". Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức, nhằm tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trên toàn quốc. Gặp gỡ báo chí thông tin về Chương trình TS. Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Ban tổ chức Chương trình cho biết: Người có uy tín là những người con ưu tú của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ là các già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo; những cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm, mến mộ, kính trọng, suy tôn... Qua thực tiễn lao động, sản xuất, nhiều tấm gương, nhiều mô hình tiêu biểu của người có uy tín đã xuất hiện, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những việc làm của người có uy tín có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ trong cộng đồng, có tác dụng to lớn trong động viên các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, người có uy tín ở những vùng phên dậu của đất nước đi đầu trong đồng bào các dân tộc cùng các lực lượng chức năng, nhất là bộ đội Biên phòng, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc luôn in dấu sâu đậm những đóng góp, cống hiến, hy sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, của người có uy tín nói riêng. Họ là linh hồn, là "điểm tựa bản làng". Tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới là việc làm hết sức cần thiết, kịp thời biểu dương những đóng góp to lớn, quan trọng của các vị già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ...; đồng thời khích lệ người có uy tín tiếp tục nỗ lực đi đầu trong đoàn kết cộng đồng lao động, sản xuất, vì sự bình yên và phát triển của bản làng, của biên giới. Sau quá trình bình xét bài bản, khách quan và công tâm, Ban tổ chức đã lựa chọn được 163 người có uy tín tiêu biểu (160 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự bị), đại diện cho 45/53 dân tộc thiểu số anh em, ở các tỉnh, thành có biên giới đất liền và biên giới trên biển, trong toàn quốc. Có nhiều đại biểu là đại diện các dân tộc rất ít người. Đại biểu cao tuổi nhất là 82 tuổi, đại biểu ít tuổi nhất là 28 tuổi. Phần lớn đại biểu là những người cao tuổi. Có 6 đại biểu người có uy tín là nữ. Chương trình diễn ra từ ngày 20 đến 22/12/2018. Trong khuôn khổ Chương trình dự kiến có các hoạt động: Tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch; dâng hương báo công và thăm Lăng Bác... Đặc biệt, điểm nhấn của Chương trình là Lễ tôn vinh được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 21/12/2018. Chương trình "Điểm tựa bản làng" góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng ta về tầm quan trọng và việc đẩy mạnh công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò của người uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết vùng biên giới, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi tổ chức đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân.  Phương Thanh

Lễ vinh danh 60 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2018

TĐKT – Ngày 15/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao "Bảng xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động 2018” lần thứ 5 với chủ đề: “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động”. Tại buổi lễ, 60 doanh nghiệp đã được tôn vinh.  tới dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" là sự kiện thường niên (bắt đầu từ năm 2014) mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐl Việt Nanm khởi xướng, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp đã và đang không ngừng nỗ lực chăm lo quyền lợi vật chất, tinh thần của người lao động, tích cực cải thiện môi trường làm việc cho người lao động để họ phát huy được khả năng làm việc tốt nhất, hướng tới mục tiêu cả doanh nghiệp và người lao động đều phát triển bền vững trong quá trình hội nhập. Các doanh nghiệp được tặng Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam nâng "Bảng xếp hạng" thành Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động". Theo đó, để đạt được giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động", doanh nghiệp phải có 3 năm liên tục được bình chọn vào Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động". Như vậy, Bảng xếp hạng hàng năm sẽ là hoạt động làm căn cứ để xét Giải thưởng. Được biết, năm 2019, Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"lần thứ 2 sẽ được tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Sau 5 năm tổ chức, chương trình đã xếp hạng 335 lượt doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho 119 lượt doanh nghiệp, 15 doanh nghiệp được nhận Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động", 12 doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình xếp hạng doanh nghiệp vì người lao động là hoạt động thiết thực, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về chăm lo nguồn lực quý giá nhất là con người, qua đó động viên các doanh nghiệp chăm lo thiết thực hơn nữa cho người lao động, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế. “60 doanh nghiệp được tôn vinh hôm nay là những tấm gương điển hình, xuất sắc cho việc lấy con người là trung tâm, là động lực phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của người lao động và ngược lại, cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần của người lao động sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phát triển. Tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, hết lòng ủng hộ và trân trọng những doanh nghiệp bền bỉ ngày đêm nỗ lực xây dựng mối quan hệ hài hòa, coi trọng lợi ích của người lao động chính là lợi ích của  doanh nghiệp”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh. Hưng Vũ

Nghị lực vượt lên số phận để trở thành người dẫn chương trình của cô gái khiếm thị

TĐKT - Người ta thường nói rằng “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, tuy nhiên, đối với Lê Hương Giang, sinh viên Khoa Tâm lý Học và Khoa Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) không còn thị lực không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa của tương lai sẽ khép lại. Với Giang, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật (NKT) nói chung hoàn toàn có thể hòa nhập xã hội, tham gia vào học tập, lao động, sản xuất nhưng cũng như người mắt sáng, cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tinh thần phấn đấu không ngừng trong lĩnh vực của mình. Bởi vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế trung học phổ thông, Giang đã nỗ lực hoàn thành tốt công việc học tập của mình và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa: Làm chủ tịch CLB phóng viên trường THPT Thăng Long, 2 lần đại diện cho NKT Việt Nam tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu”, là đại diện duy nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia “Tuần lễ giáo dục mọi người” của UNESCO… Bên cạnh đó, Giang còn thử sức mình ở một lĩnh vực mới đó là nghiên cứu khoa học. Sau giải Ba quốc gia bằng đề tài “Chế tạo máy đếm tiền, đồng thời phân biệt tiền thật, tiền giả rồi phát ra tiếng nói” trong cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật với sinh viên Trung học phổ thông”, Giang đã có cơ hội được tuyển thẳng vào đại học. Ở đây Giang đã có cơ hội hòa nhập vào cộng đồng lớn, tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn. Với chuyên môn Tâm lý học Lâm sàng, Giang đã cộng tác với tổ chức Samaritans Purse Việt Nam trong hỗ trợ tâm lý học sinh giai đoạn hướng nghiệp. Ngoài ra, Giang cùng Khoa Tâm lý học thực hiện những nghiên cứu tâm lý trẻ vùng cao, thực tập tại các phòng tâm lý trên địa bàn Hà Nội.  “Khi tham gia Hội Người mù, tôi đã biết nhiều hơn về sự cố gắng vươn lên từ tật nguyền của những người bạn đồng tật, về những hoạt động của Hội đang làm thay đổi cuộc sống khiến người khiếm thị, giúp hội viên tự tin, mạnh dạn hòa nhập cộng đồng.”- Giang chia sẻ.  Giang rất tâm đắc với cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” của Hội Người mù TP Hà Nội được phát động hàng năm và những chương trình lớn kết nối cộng đồng do Hội thành phố tổ chức như chương trình Festival niềm tin và ánh sáng, các buổi giao lưu, tọa đàm với gương người khiếm thị đã thúc đẩy ý chí vươn lên của người khiếm thị và Giang. Chính từ những hoạt động này, Giang hiểu được mong muốn của rất nhiều người khiến thị cũng như tổ chức hội là làm sao để xã hội hiểu rõ hơn về những gì người khiếm thị đã và đang đóng góp cho xã hội. Hương Giang tham dẫn chương trình Café sáng với VTV3 Sau quá trình làm việc và tham gia vào hoạt động của Hội người mù, Giang nhận thấy, nếu kết hợp tốt với truyền thông, những thông điệp về NKT sẽ được truyền đi sâu rộng hơn. Với nền tảng 3 năm làm phóng viên cho chương trình “Niền tin ánh sáng” của VOV giao thông, Giang đã đăng ký tham gia “The Next MC 2016” do Nhà Văn hóa Học sinh Sinh viên Hà Nội phối hợp với CLB MC Hà Nội tổ chức. Từ giải quán quân cuộc thi này, Giang bắt đầu bước chân vào công việc dẫn chương trình truyền hình và dẫn cho các sự kiện lớn nhỏ. Từ  năm 2017, Giang chính thức làm MC cho chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” trên VTV4. Giang cùng các anh chị trong êkip thực hiện những nội dung giới thiệu cuộc sống hàng ngày và năng lực của NKT để cộng đồng hiểu hơn, đến gần hơn với NKT. Do VTV4 là kênh đối ngoại, phát sóng tại nhiều quốc gia trên thế giới, Giang cùng êkip sản xuất càng được tăng tính kết nối. Giang cũng có cơ hội dẫn nhiều chương trình khác như “Cà phê sáng với VTV3” hay kênh radionme.vn. Qua đó, Giang được hoạt động trong một môi trường  chuyên nghiệp, cởi mở, không có sự phân biệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những chương trình truyền hình, Giang còn tham gia dẫn cho các sự kiện hướng đến cộng đồng: Chương trình công bố kết quả nghiên cứu về NKT và công chiếu bộ phim “Tới” do chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức… Một kỷ niệm về dẫn chương trình mà Giang ấn tượng mãi đó là chương trình do Đại sứ quán Hoa Kỳ kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện tại Cung điền kinh Mỹ Đình mang tên BirdgeFest 2018 - Lễ hội âm nhạc thu hẹp khoảng cách. “Trước khi lên sân khấu dẫn chương trình, tôi rất hồi hộp. Bởi đây là dẫn chương trình trực tiếp nên đòi hỏi không có sai sót nào xảy ra. Thật vui là trước 8 nghìn khán giả, tôi đã dẫn dắt thành công phần giao lưu cùng những nghệ sĩ NKT quốc tế.”- Giang nhớ lại. Cũng theo Giang, trong chương trình này, trước những người đã làm nên lịch sử của nền âm nhạc và đi khắp thế giới truyền cảm hứng từ cơ thể không lành lặn, Giang cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Bên cạnh công việc dẫn chương trình, Giang cùng một số người bạn thuộc nhiều dạng tật khác nhau đã bắt tay vào sản xuất phim ngắn “When you believe you can, you can”. Bộ phim đề cập đến năng lực của NKT và khát khao hòa nhập cộng đồng. Bộ phim đã lọt đề cử giải Cánh Diều của Hội điện ảnh Việt Nam và được nhận Bằng khen. Giang cho rằng NKT không chỉ là đối tượng của các công tác tình nguyện mà còn có thể thực hiện công việc hỗ trợ cộng đồng Chia sẻ về những thành công của mình, Giang cho biết: Những thành quả đầu của tôi có được là do sự ủng hộ của gia đình, sự động viên, khích lệ của tổ chức Hội người mù, của anh chị em đồng tật cùng có những mục tiêu, đam mê như Giang. Giang cho rằng, NKT với năng lực và sự chăm chỉ của mình không chỉ là đối tượng của các công tác tình nguyện mà còn có thể thực hiện công việc hỗ trợ cộng đồng. Bởi vậy, nhiều năm liền Giang cùng các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đến dạy học cho trẻ khuyết tật, phục vụ hiến máu nhân dạo, lên vùng cao hỗ trợ đồng bào… Giang còn làm chủ biên cuốn Tập san Áo xanh 8 – Hẹn ước ngày Xanh nhằm truyền đi thông điệp về những điều tốt đẹp mà chúng ta gieo ngày hôm nay sẽ mang lại nguồn động lực lớn có sức mạnh thay đổi cuộc đời của ai đó trở nên tốt đẹp hơn đặc biệt là với NKT. Là người khiếm thị bẩm sinh, hành trình vượt lên chính mình của Giang thật đáng khâm phục. Tin tưởng rằng, với nghị lực mạnh mẽ ấy, Giang sẽ có những thành công hơn nữa trong công việc cũng như trong cuộc sống và sẽ là nguồn cảm hứng, là tấm gương để những người NKT khác tự tin, mạnh mẽ vươn lên. Tuệ Minh

Chăm sóc cho cán bộ, chiến sĩ từ đường kim, mũi chỉ

TĐKT – Được triển khai từ tháng 3/2015, tới nay, mô hình “Đường kim mũi chỉ, quân sĩ hài lòng” của Hội Phụ nữ Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 ngày càng phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Mô hình đã góp phần tiết kiệm chi phí chỉnh sửa quân trang cho cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn, đồng thời đảm bảo tính thống nhất về trang phục quân nhân đúng với quy định; tạo việc làm, niềm vui cho chị em cũng như quỹ vốn cho Hội hoạt động. Với đặc thù là đơn vị phòng không, mỗi năm Lữ đoàn 71 nhận 250 thanh niên từ các địa phương nhập ngũ vào đơn vị; quân số thường trực của Lữ đoàn trung bình từ 450 đến 500 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Do nhu cầu cuộc sống của xã hội ngày càng được nâng lên, những thanh niên được tuyển nhận vào đơn vị không đồng đều cả về sức khỏe, thể lực, chiều cao, cân nặng, trong khi quân trang của đơn vị cấp thì theo cỡ số. Việc khắc phục tình trạng quân phục rộng, hẹp, dài, ngắn… mà vẫn đảm bảo nét đẹp tưởng chừng là việc nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng trong đời sống quân ngũ. Xuất phát từ nhu cầu đó, mô hình “Đường kim mũi chỉ, quân sĩ hài lòng” ra đời để phục vụ chỉnh sửa quân tư trang cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị, khắc phục tình trạng bộ đội mang ra ngoài chỉnh sửa theo ý thích cá nhân sai quy định, đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo tính kịp thời mà giá lại rẻ hơn so với bên ngoài. Theo đó, khi cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu chỉnh sửa quân tư trang hoặc in biển tên theo đúng quy định đăng ký với chỉ huy đơn vị; chỉ huy đơn vị tổng hợp và báo lên cho chi hội. Căn cứ vào số lượng cụ thể, Hội Phụ nữ Lữ đoàn cử tổ nữ công xuống từng đơn vị trực tiếp sửa từng bộ quần áo và in biển tên, đáp ứng yêu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Tiền công chỉnh sửa mỗi chiếc quần lên gấu là 5.000 đồng (rẻ hơn so với ngoài một nửa) và in biển tên là 10.000 đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy, Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần để mô hình hoạt động thường xuyên và có hiệu quả . Trung tá Nguyễn Văn Ước, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 71 nhận xét: Đây là một mô hình tốt, hoạt động có hiệu quả, tiết kiệm được tiền bạc, thời gian của cán bộ, chiến sĩ; hạn chế được chiến sĩ ra ngoài làm việc riêng vi phạm kỷ luật. Mô hình còn góp phần đảm bảo tính thống nhất về trang phục quân nhân đúng với quy định. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của đơn vị, kỷ luật quân đội, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm của mình với trang phục của quân đội nói chung và quân trang của từng cá nhân nói riêng. Số tiền thu được từ mô hình, Hội sử dụng vào việc mua sắm vật chất, máy móc và trích một phần cho hoạt động của Hội. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Những cuộn len hồng” mà phụ nữ Quân đội, Quân đoàn đang tổ chức, Hội còn sử dụng nguồn tiền này để mua len về đan áo, hàng năm cùng với phụ nữ Quân đoàn tặng cho các em học sinh nghèo vượt khó, đồng bào vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Chính từ mô hình này, Hội phụ nữ Lữ đoàn đã hoàn thành được nhiệm vụ là những người chị, người mẹ trong một gia đình lớn chăm cho các em của mình từng đường kim, mũi chỉ, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, đoàn kết, gắn bó, xây dựng đơn vị cũng như tăng cường mối quan hệ đoàn kết cán - binh, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới. Nhờ đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị ngày càng tốt hơn. Tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có sự chuyển biến tiến bộ. Trong thời gian thực hiện mô hình, đơn vị không có tình trạng vi phạm kỷ luật về mang mặc; lễ tiết tác phong vi phạm kỷ luật thông thường giảm. Phương Thanh

Cán bộ sâu sát cơ sở và có nhiều sáng kiến

TĐKT - Là cán bộ được trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác nhau, Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng, Trưởng Ban Bảo vệ an ninh, Phòng Chính trị, Vùng 1 Hải quân luôn tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả, xây dựng ngành Bảo vệ an ninh vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Anh là một bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa thi đua quyết thắng của Vùng 1 Hải quân. Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng luôn tích cực nghiên cứu để đề ra nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả Ban Bảo vệ an ninh, Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 1 được giao nhiệm vụ giúp cấp ủy, chính ủy, người chỉ huy, chủ nhiệm chính trị và cơ quan bảo vệ an ninh cấp trên triển khai thực hiện mọi hoạt động công tác bảo vệ an ninh Quân đội ở đơn vị trong Vùng. Phòng phải thường xuyên nắm vững tình hình nội bộ đơn vị, tình hình an ninh chính trị địa bàn, đề xuất với đảng ủy, chính ủy, người chỉ huy, chủ nhiệm chính trị và cơ quan nghiệp vụ cấp trên về nội dung kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch. Cùng với đó, tham gia điều tra, xác minh các vụ việc có liên quan đến an ninh, an toàn của đơn vị trong Vùng theo quy định của pháp luật; đồng thời trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị với chính quyền địa phương xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn. Do đặc thù công việc là tiến hành công tác phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ trong sạch nội bộ cơ quan, đơn vị nên Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, có ý thức thực hành tiết kiệm, coi trọng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể, sâu sát cùng cấp dưới của mình giải quyết công việc. Trong thời gian là Trợ lý Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị Hải quân, Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ trưởng Cục Chính trị ghi nhận và đồng đội nể phục. Anh đã tập trung nghiên cứu sâu, nắm chắc nguyên tắc, quan điểm, chỉ thị, hướng dẫn, tư tưởng chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo vệ an ninh, tham mưu cho thủ trưởng phòng triển khai kịp thời, đúng hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ công việc. Ham học hỏi, đam mê sáng tạo, sĩ quan trẻ Nguyễn Đức Hồng đã tích cực nghiên cứu khoa học, đưa ra được các giải pháp, sáng kiến vào thực hiện nhiệm vụ công tác vụ nghiệp vụ bảo vệ an ninh. Đó là sáng kiến nghiên cứu xây dựng 2 phần mềm về “Quản lý công tác nội bộ và đối ngoại quân sự trong Quân chủng Hải quân” và “Đăng ký, thống kê các vụ việc, hiện tượng liên quan đến công tác an ninh Quân đội trong Quân chủng Hải quân”. Phần mềm được ứng dụng rộng rãi giúp cho người làm công tác bảo vệ an ninh nắm chắc, theo dõi chặt chẽ các hoạt động nội bộ và đối ngoại. Phần mềm đã giúp cán bộ tiết kiệm thời gian và quản lý chắc công việc. Không chỉ thuận tiện cho việc bàn giao công việc khi có luân chuyển hay thay thế vị trí công tác giữa các cán bộ, phần mềm còn giúp thống kê công việc theo một hệ thống dọc, logic để phân tích, đánh giá chính xác, đưa ra các giải pháp cho công tác chuyên môn một cách vững chắc. Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng luôn xác định khi làm việc phải giỏi chuyên môn, cho nên khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, chủ động nắm tình hình địa bàn và đơn vị; tổng hợp, tham mưu giúp thủ trưởng các cấp làm tốt công tác giáo dục, nâng cao cảnh giác, bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn Quân chủng. Trong các nhiệm vụ quan trọng của Quân chủng, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm, quản lý chặt chẽ tình hình diễn biến tư tưởng của bộ đội toàn Quân chủng, nhất là trong các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất: Diễn tập, thực hiện nhiệm vụ “BM”, “CV”, “CH-14”, “HD-14”, “TL-17”... không để quan điểm, tư tưởng sai trái, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nội bộ.  Cùng với đó, anh đã đề xuất một số giải pháp tập trung rà soát chất lượng chính trị ở một số cơ quan, đơn vị trọng yếu, phát hiện, tổ chức xác minh và tham mưu, kiến nghị điều chuyển những trường hợp có dấu hiệu phức tạp về chính trị. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018, anh đã chủ động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, nổi bật là đã kịp thời tham mưu, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến công tác bảo đảm an toàn các dịp nghỉ lễ, tết hàng năm; tham mưu cho thủ trưởng phòng xây dựng, triển khai kế hoạch và trực tiếp tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho 83 đoàn khách cấp cao, đoàn tàu nước ngoài đến thăm, làm việc với Quân chủng; phối hợp với lực lượng công an địa phương làm tốt công tác đảm bảo bí mật, an toàn cho 18 đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội thăm, làm việc tại Quân chủng và 21 nhiệm vụ trọng tâm của Quân chủng... Anh là thành viên tích cực tham gia kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin máy tính; đã phát hiện và đề nghị xử lý 9 trường hợp để lộ, lọt và có nguy cơ lộ, lọt thông tin quân sự trên mạng internet trong Quân chủng. Trong đấu tranh, tham gia xác minh làm rõ 33 vụ việc, hiện tượng liên quan đến an ninh quân đội, an ninh Quốc gia theo thẩm quyền, Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng cùng với đồng đội đã kịp thời phát hiện, xác minh và đề xuất đưa ra khỏi đơn vị trọng yếu, cơ mật đối với 1 trường hợp quân nhân có dấu hiệu phức tạp về chính trị, đảm bảo yêu cầu công tác, pháp luật và nghiệp vụ. Ngoài ra, khi có dấu hiệu của các vụ việc lộ lọt thông tin, anh tham mưu trúng, đúng, ngăn chặn kịp thời, tư vấn cho cán bộ, chiến sĩ giữ gìn an toàn, an ninh trên không gian mạng. Tháng 11/2017, Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng được điều động bổ nhiệm Trưởng Ban Bảo vệ an ninh, Phòng Chính trị, Vùng 1 Hải quân. Trên cương vị công tác mới, anh đã cùng tập thể Ban xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất, hoàn thành mọi nhiệm vụ các cấp giao. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2018, Ban hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nội bộ, dân chủ đoàn kết. Sự phấn đấu không ngừng của Thiếu tá Nguyễn Đức Hồng luôn được đồng đội, thủ trưởng các cấp ghi nhận, đánh giá cao. 5 năm liên tục (2013 - 2017), anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.  “Tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng đoàn kết, không ngừng học tập; xây dựng tiêu chí phấn đấu nhanh, chính xác, kịp thời, sâu sát trong mỗi công việc được giao” chính là “chìa khóa” cho sự thành công của bông hoa thi đua Nguyễn Đức Hồng. Nguyệt Hà

Trại giam Mỹ Phước: Đi đầu trong quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân

TĐKT – Trại giam Mỹ Phước là đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10 - Bộ Công an). Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành mà trực tiếp là Đảng ủy, Lãnh đạo Cục C10, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và  nhân dân địa phương, Trại giam Mỹ Phước đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác quản lý, giam giữ phạm nhân Được thành lập năm 1983 với tổng số cán bộ, chiến sĩ ban đầu là 40 đồng chí, quản lý 750 đối tượng, chủ yếu là số ngụy quân, ngụy quyền, có nhiều tội ác, nợ máu với cách mạng và nhân dân. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, tập thể cán bộ, chiến sĩ Trại giam Mỹ Phước luôn đồng cam cộng khổ, hoàn thành xuất sắc trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó. Đến nay, Trại giam Mỹ Phước có 2 phân trại, với 261 cán bộ, chiến sĩ, quản lý hơn 2.000 phạm nhân (PN). Giám thị Trại giam Mỹ Phước Võ Nhựt Hải (áo xanh) trao quyết định đặc xá cho các PN Thành tích nổi bật nhất của Trại giam Mỹ Phước trong 5 năm qua đó là đã triển khai và thực hiện tốt công tác quản lý, giam giữ PN, giáo dục, cải tạo PN và làm tốt công tác quản lý, giam giữ PN, tập trung quyết liệt làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, phân loại và giam giữ PN theo loại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của PN; thực hiện có hiệu quả công tác khai thác PN, qua đó đã kịp thời phát hiện ngăn chặn hàng trăm vụ việc PN có ý định trốn trại, kích động, lôi kéo PN khác chống đối, gây rối, đòi yêu sách, câu mốc với đối tượng bên ngoài đem vật cấm vào trại. Giám thị Trại giam Mỹ Phước Võ Nhựt Hải cho biết: Trong 5 năm qua (2013 - 2018), Trại giam Mỹ Phước luôn tiếp nhận giam giữ gần 2000 PN, có thời điểm vượt quy mô quản lý, giam giữ. Phạm nhân đến trại chấp hành án phạt tù đa số đều có tính chất nguy hiểm, phức tạp, số có mức án cao, có tiền án, tiền sự luôn chiếm tỷ lệ từ 41, 95%; số phạm tội về ma túy, liên quan đến ma túy chiếm tỷ lệ cao từ 17,09%, số nhiễm HIV/AIDS gia tăng hàng năm. Số được bóc tách điều chuyển từ trại giam khác chuyển đến, khi mới vào trại đa số PN thường tỏ ra bi quan, chán nản, có tư tưởng, diễn biến phức tạp, luôn tỏ thái độ bất cần, manh động, liều lĩnh, hoạt động với thủ đoạn khôn lường và hình thức rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng luôn tìm mọi cách để chống phá, gây rối, bỏ trốn và lôi kéo phạm nhân khác chống đối, vi phạm nội quy trại giam… Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề ra nhiều biện pháp, chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; chủ động làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang nên đã giữ vững, ổn định được tình hình PN, không để phạm nhân trốn thoát, chống phá, gây rối hoặc đưa vật cấm vào trại, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trại trong mọi tình huống. Nổi bật là, qua công tác nghiệp vụ và khai thác đã cung cấp nguồn tin cho Công an tỉnh Tiền Giang và Công an các tỉnh bắt được nhiều đối tượng phạm tội và truy nã; kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc PN có ý định trốn trại, gây rối, đòi yêu sách và vi phạm pháp luật, nội quy trại giam. Xây dựng và sử dụng có hiệu quả mạng lưới cộng tác viên bí mật, luôn vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ cộng tác viên bí mật luôn tăng theo hàng năm. Nếu như năm 2013, cộng tác viên bí mật chỉ đạt tỷ lệ là 7,29%, thì đến nay tỷ lệ này là 12,3% trên tổng số PN đang quản lý, vượt 2,3% so với chỉ tiêu. Từ đó đã cung cấp được hàng trăm nguồn tin có giá trị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc PN có ý định trốn trại, gây rối,  đòi yêu sách, vi phạm nội quy và tố giác tội phạm ngoài xã hội. Bữa cơm gia đình phạm nhân trong trại giam Mỹ Phước Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, canh gác, dẫn giải phạm nhân; duy trì hàng tháng thực tập phương án bảo vệ trại, đặc biệt đã tổ chức trên 200 cán bộ, chiến sĩ tập luyện và tham gia diễn tập xử lý tình huống “Nhiều PN tụ tập, gây rối, chống phá, đòi yêu sách ”; duy trì kiểm tra lục soát các công trình giam giữ, nơi lao động, kiểm tra nghiêm ngặt việc ra, vào cổng, nhiều năm liền không để xảy ra PN đưa ma túy, điện thoại di động, vật cấm vào trại. Đặc biệt, 30 năm liên tục (1989 - 2018), đơn vị không xảy ra trường hợp PN trốn thoát, từ năm 2016 đến nay không có PN trốn. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch 327 của Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay đã bắt được 2 đối tượng truy nã trốn trại cách nay trên 30 năm. Hiện tại đơn vị chỉ còn 3 đối tượng truy nã trốn trại từ năm 1988 trở về trước. Đa dạng các hình thức giáo dục, cải tạo phạm nhân Dù không phải là một trường học, song, công tác giáo dục PN ở Trại giam Mỹ Phước không ngừng được nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và phương pháp. Tiêu biểu như các hoạt động: Tổ chức giáo dục pháp luật, phổ biến thông tin thời sự, tuyên truyền học tâp và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giảng dạy chương trình giáo dục công dân, dạy văn hóa xóa mù chữ, phổ cập tiểu học… Trại giam đã tổ chức giáo dục tập trung hàng trăm lớp, hàng chục nghìn lượt PN học tập và hàng chục nghìn lượt giáo dục cá biệt. Thường xuyên duy trì việc kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, vệ sinh nơi ăn, ở, học tập, sinh hoạt... Hàng tháng, Ban giám thị duy trì gặp gỡ đối thoại để lắng nghe, giải đáp thỏa đáng những ý kiến của PN, tạo môi trường lành mạnh cho PN an tâm cải tạo. Hàng năm, tổ chức phát động phong trào thi đua chấp hành án phạt tù và tổ chức Hội nghị gia đình PN, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về Thi hành án phạt tù, động viên PN an tâm cải tạo chuyển biến tiến bộ, sớm trở về sum họp cùng gia đình. Trại giam đã phối hợp với Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang; Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang, hội luật gia và các ban ngành có liên quan khác… tổ chức nhiều hoạt động mang lại hiệu quả trong công tác giáo dục: Chương trình “Thắp sáng niềm tin”, “Ứng xử có văn hóa trong giao tiếp ”, ‘‘Tư vấn pháp luật”..., tổ chức cho PN tham gia các hội diễn, hội thi, vận động gây quỹ tấm lòng vàng, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục, giúp PN nhận thức, suy nghĩ đúng đắn về những việc làm sai trái của bản thân, ăn năn hối cải, học tập, cải tạo tiến bộ. Cán bộ Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn lao động cho các phạm nhân Trại giam cũng thực hiện đúng quy định chế độ chính sách đối với PN về ăn, mặc, ở, vui chơi giải trí, xét đề nghị đặc xá, giảm thời hạn, xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, luôn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục. Trong 5 năm qua, có 578 PN được đặc xá và giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, 5.008 lượt PN được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Hầu hết số PN được đặc xá, hết án trở về hòa nhập cộng đồng có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, có nhiều trường hợp đã trở thành doanh nhân thành đạt. Nhờ làm tốt công tác giáo dục và thực hiện đúng quy định chế độ chính sách đối với PN, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, phạm nhân luôn an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm nội quy, phấn đấu thi đua cải tạo tiến bộ. Tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy bị xử lý kỷ luật hàng năm luôn giảm (nếu như năm 2013 là 10,19% thì đến nay chỉ còn 1,65%). Số phạm nhân xếp loại khá, tốt luôn chiếm tỷ lệ từ 85% trở lên. Chú trọng dạy nghề cho phạm nhân Việc tổ chức lao động, dạy nghề và truyền nghề cho PN được quan tâm và duy trì thường xuyên, mở rộng các khu lao động trong nhà xưởng để quản lý chặt chẽ đối tượng, khai thác hết tiềm năng, điều kiện đất đai tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, kết quả hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu Cục C10 giao. Ngoài tồ chức các hoạt động truyền nghề trong nhà xưởng, đơn vị đã phối hợp với Trường trung cấp nghề Bình Thuận và Công ty liên doanh Hưng Tín; Trường Cao đẳng công nghiệp Cao Su mở 10 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ (xây dựng, hàn, may công nghiệp) cho 350 phạm nhân; tạo điều kiện giúp cho phạm nhân sau khi ra trại có nghề nghiệp tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Trại giam Mỹ Phước quan tâm và duy trì thường xuyên việc tổ chức lao động, dạy nghề và truyền nghề cho PN Với những kết quả đạt được, 5 năm qua đơn vị đã được Lãnh đạo cấp trên tặng nhiều phần thưởng cao quý: Được Bộ Công an tặng Bằng khen; UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen; có 15 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” 181 cá nhân được Bộ Công an, C10 tặng Bằng khen. Đơn vị liên tục 2 năm liền 2016, 2017 đạt danh hiệu Cờ thi đua Bộ Công an, danh hiệu Cờ thi đua Tổng cục VIII. Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Khó khăn, thách thức còn nhiều, song với bề dày truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Cục C10 và sự quan tâm giúp đỡ phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, tin rằng Trại giam Mỹ Phước sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành giao phó. Mai Thảo

Người cán bộ tài chính năng động, tận tụy với công việc

TĐKT - Trên cương vị Trưởng phòng Tài chính, Cục Hậu cần - Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), Đại tá Phạm Bính Ngọ luôn giữ tác phong sâu sát cơ sở, thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn đơn vị, nghiên cứu, nắm vững nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và Quân đội. Qua đó, anh đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng trong chỉ đạo, điều hành ngân sách, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Đại tá Phạm Bính Ngọ phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác tài chính năm 2017 Những năm qua, công tác tài chính của Quân chủng PKKQ luôn được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Nền nếp công tác tài chính từ đơn vị, doanh nghiệp đến cơ quan Quân chủng tiếp tục được duy trì; quy trình, thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán bảo đảm tính thống nhất. Chất lượng chứng từ ngày một nâng cao và được lưu trữ đầy đủ, khoa học. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo điều hành ngân sách đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thứ tự ưu tiên; bảo đảm kịp thời tài chính cho các nhiệm vụ của đơn vị, trọng tâm là phục vụ công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng, tác chiến, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tốt các hoạt động thường xuyên cũng như nhiệm vụ đột xuất. Công tác kiểm soát chi chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và các loại kinh phí. Thành quả ấy ghi dấu những nỗ lực không ngừng của người cán bộ tài chính tận tụy - Đại tá Phạm Bính Ngọ. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, xác định trách nhiệm nặng nề, anh đã đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu sâu về đặc thù công việc, từ đó, tham mưu cho lãnh đạo và trực tiếp hướng dẫn các đối tượng liên quan trong việc thực hiện thủ tục hồ sơ thanh quyết toán, bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất, vừa đúng người, đúng việc, đúng định mức, đúng tiêu chuẩn, không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Anh đã lãnh đạo phòng tổ chức đảm bảo đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu tài chính; quản lý chặt chẽ ngân sách, kinh phí, tài sản của Quân chủng. Hàng năm, Phòng Tài chính đã thực hiện công tác thanh quyết toán ngân sách, kinh phí bảo hiểm xã hội với Bộ Quốc phòng kịp thời, đúng quy trình, bảo đảm yêu cầu; cung cấp số liệu, tài liệu kịp thời, phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm toán. Cùng với đó, anh đã chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai thực hiện Luật Ngân sách, các văn bản mới ban hành về chế độ tài chính, rà soát đối tượng hưởng phụ cấp đặc thù, để các đơn vị thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội, đồng thời chỉ đạo cơ quan tài chính các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý tiền lương, phụ cấp, tiền ăn, góp phần ổn định chất lượng bữa ăn của bộ đội. Dưới sự lãnh đạo của anh, Chi bộ Phòng Tài chính nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong giai đoạn 2013 - 2018, anh cùng các cán bộ trong phòng đã tổ chức tiếp nhận từ Bộ Quốc phòng nguồn kinh phí để cấp phát, thanh quyết toán cho các cơ quan, đơn vị, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, không để xảy ra thất thoát, thâm hụt.  Phòng đã đảm bảo đủ nguồn vốn để triển khai 736 dự án công trình (tỷ lệ giải ngân đạt 85,7%), quyết toán 542 dự án công trình. Nhờ đó, một số dự án, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ: Dự án nước sạch, nhà công vụ, nhà ở phi công, xoá nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt của bộ đội. Các dự án: Nhà che máy bay, quả cầu che ra đa, hệ thống đèn đêm cho sân bay cùng một số các trận địa, công trình quân huấn… đã góp phần nâng cao chất lượng bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật và khả năng huấn luyện, SSCĐ của Quân chủng. Nhằm động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên ngành tài chính PKKQ không ngừng tự học tập nâng  cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Đại tá Phạm Bính Ngọ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng "Đơn vị quản lý tài chính tốt”, xây dựng đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến về công tác tài chính. Hội thi "Trưởng ban tài chính, kế toán giỏi" cấp Quân chủng do anh tham mưu tổ chức thành công đã dấy lên không khí thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, kịp thời cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ tài chính chủ chốt các cấp.  Trong nhiều năm công tác, có một điều mà Đại tá Phạm Bính Ngọ luôn trăn trở, đó là làm thế nào để đổi mới công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tài chính. Anh đã chỉ đạo việc biên soạn tài liệu và huấn luyện phương pháp kiểm tra sát với nội dung kiểm toán; chủ trì nghiên cứu thành công đề tài "Phương pháp kiểm tra" đã được Quân chủng nghiệm thu, đưa vào áp dụng có hiệu quả tại các đơn vị. Hiện anh đang chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu "Xây dựng hệ thông thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành ngân sách các đơn vị dự toán" ; chỉ đạo cơ quan, đơn vị tuân thủ đúng quy trình thẩm định giá, nhằm nâng cao chất lượng công tác giá trong Quân chủng; hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện đúng Quy chế quản lý tài chính của Quân chủng đảm bảo tính thống nhất. Bên cạnh thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, anh còn tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hậu cần, hướng dẫn học viên làm luận văn tốt nghiệp; tham gia các hội đồng nhận xét, đánh giá luận văn, luận án, các đề tài nghiên cứu khoa học; tham gia viết bài đăng tải trên các tạp chí để làm tài liệu tham khảo. Đại tá Phạm Bính Ngọ chia sẻ: Nhiệm vụ của ngành tài chính Quân chủng trong thời gian tới rất nặng nề, để đảm bảo công tác chuyên môn thực hiện đúng cơ chế quản lý tài chính mới, phù hợp với Luật ngân sách, tôi ý thức được là không thể chủ quan, thoả mãn, mà cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc, thực sự là hạt nhân đoàn kết của đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tập thể, hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao. Minh Phương

Hơn 3 thập kỷ “giữ lửa đam mê” với nghề quân y

TĐKT – Hơn 3 thập kỷ gắn bó với màu xanh áo lính, Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết, vượt mọi khó khăn và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật y học mới, hiện đại Sinh năm 1962, hơn 30 năm công tác, với Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính là ngôi nhà thứ hai, là tổ ấm để anh không ngừng vun đắp và dựng xây. Anh vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức, có cha là giáo sư, thầy thuốc nhân dân, Thiếu tướng Phạm Tử Dương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 108, một tấm gương sáng ngời về đạo đức và nhân cách nghề y, đã để lại nhiều tập sách và công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, được vinh danh Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Tuổi thơ của cậu bé Phạm Nguyên Sơn lớn lên, gắn liền với từng khoảng sân nhỏ của Bệnh viện 108, những khu nhà khám bệnh và điều trị cấp bốn nho nhỏ núp dưới những vòm cây xanh, cùng với những câu chuyện, trao đổi về bệnh tật, tình trạng của bệnh nhân và những phác đồ điều trị giữa cha cùng các đồng nghiệp sau giờ làm trong khu tập thể cũ kỹ của bệnh viện… Vì vậy, hình ảnh về “ngôi nhà thứ 2” đó đã hết sức thân thuộc, thấm sâu vào tâm trí của cậu bé Sơn từ khi mới lên 3 tuổi. Nhận thức về nghề y và ước mơ được nối nghiệp cha, được xây dựng “tổ ấm – Bệnh viện 108” phát triển cứ lớn dần trong con người ấy theo năm tháng. Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 108 Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh về công tác tại khoa Tim mạch của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 1986. Nhớ lại những ngày đầu về công tác ở đây, anh Sơn cho biết:  Đó là những năm tháng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh, hai đầu biên giới còn vang tiếng súng với sự bao vây cấm vận ngặt nghèo, thiếu đói, ốm yếu, bệnh tật triền miên. Khoa Tim mạch thiếu thốn các trang thiết bị cũng như thuốc men trầm trọng. Cả khoa chỉ có một chiếc máy điện tim đời cũ của Hung-ga-ri hoạt động phập phù ghi đo nhịp tim thông thường cũng đã là quý lắm. “Khi ấy, nhiều ca trực thâu đêm để lọc màng bụng cho bệnh nhân theo phương pháp thủ công nhằm cấp cứu bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Thiếu trang bị và thuốc men, tôi cùng tập thể Khoa và các kỹ sư của Viện Kỹ thuật Quân sự đã mày mò chế tạo ra máy “kích thích tim qua đường thực quản”; rồi xuống khoa Dược lục tìm trong các hòm thuốc viện trợ từng viên thuốc tim mạch để đem về dùng cho bệnh nhân. Thậm chí, có nhiều ca bệnh về tim khó, bệnh viện phải ngược xuôi nhờ hỗ trợ…” Anh Sơn kể. Nhìn thấy rõ những khó khăn, thiếu thốn về mặt kỹ thuật và chuyên môn của Khoa tim mạch cũng như những đau đớn mà người bệnh đang phải gánh chịu bởi những phương pháp y học thủ công, truyền thống, bác sĩ Phạm Nguyên Sơn dù còn trẻ tuổi nhưng luôn suy nghĩ và trăn trở về trách nhiệm của người thầy thuốc trong mái nhà chung. Anh nghĩ rằng: Thế giới rộng lớn, nhất định anh phải mang được những kỹ thuật y học mới, tiên tiến trở về “gieo” lên mảnh đất BV 108. Quyết là làm, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người, anh không ngừng đầu tư thời gian, dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới trong điều trị tim mạch. Tận dụng tối đa những cơ hội học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc Phòng, anh cố gắng giành học bổng tham gia tất cả các khóa đào tạo về chuyên ngành tim mạch tại Đại học Y khoa Sherbrooke - Canada năm 1995, tại Marseille - Cộng hoà Pháp năm 2003 và Viện Tim mạch quốc gia Malaysia năm 2006… Với nỗ lực học hỏi không ngừng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn đã góp thêm những viên gạch nền móng, xây dựng Khoa Tim mạch, Bệnh viện 108 trở thành cơ sở uy tín trong điều trị các bệnh lý về tim. Đặc biệt, với việc xây dựng thành công chuyên ngành siêu âm tim; triển khai cấy máy tạo nhịp và xây dựng chuyên ngành thăm dò điện sinh lý và tạo nhịp tim, Khoa Tim mạch của Bệnh viện 108 trở thành một trong các cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện siêu âm tim như siêu âm tim gắng sức bằng Dobutamin, siêu âm tim qua đường thực quản, Doppler mô cơ tim. Bệnh viện 108 cũng là địa chỉ có uy tín trong nước với nhiều kỹ thuật khó như tạo nhịp ở đường ra thất phải, tạo nhịp tái đồng bộ tim, cấy máy phá rung tự động, triệt đốt các rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng có tần số Radio, triệt đốt rung nhĩ có sử dụng hệ thống mapping 3D… Đào tạo thế hệ trẻ, đưa bệnh viện phát triển xứng tầm quốc tế Bệnh viện 108 hôm nay đang phát triển không ngừng. Kỳ vọng xây dựng một bệnh viện tầm cỡ của quốc gia và các tiêu chuẩn chuyên môn, quản lý, xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, sẽ không chỉ cần bàn tay, khối óc của riêng cá nhân ai mà rất cần sự chung tay, chung sức và tâm huyết của cả một tập thể đoàn kết, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Nhận thức được điều đó, những năm qua, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào: Bác sĩ hay Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa hay lãnh đạo bệnh viện, anh Phạm Nguyên Sơn không ngừng tự học tập và sáng tạo, gương mẫu trên mọi mặt trận, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau noi theo. Anh Sơn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự nghiên cứu cho các bạn trẻ noi theo Hàng ngày anh vẫn cầm tay chỉ việc, truyền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, say mê nghiên cứu khoa học y học đến các bạn trẻ. Cho đến nay, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn đã và đang hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ, bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa cấp II; đã tham gia với tư cách chủ tịch và uỷ viên của hơn 240 Hội đồng chấm luận án, luận văn tại Học viện quân Y, Đại học Y Hà nội, Đại học Y Huế, Đại học Dược Hà Nội và Viện nghiên cứu khoa học Y - Dược lâm sàng 108. PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn cũng tham gia các hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ quốc phòng và Bộ Y tế. Anh được bầu làm thành viên Trường môn Tim mạch Đông Nam Á (năm 2010) và thành viên Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (năm 2018). Ngoài ra, anh còn có hơn 90 công trình nghiên cứu được đăng tại các tạp chí chuyên ngành Tim mạch, y học trong nước và quốc tế; chủ trì và tham gia 7 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp bộ; chủ trì 3 đề tài nhánh nghiên cứu thử nghiệm quốc tế đa trung tâm… Đó là khối lượng tri thức khổng lồ mà anh mong muốn những thế hệ sau cùng anh viết tiếp. PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn vẫn thường trao đổi với những y, bác sĩ của Bệnh viện 108 và học trò của mình rằng: “Một người thầy thuốc giàu y đức nhất định phải là người giỏi chuyên môn, luôn tìm kiếm, nghiên cứu và học hỏi để nâng cao tay nghề khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, người thầy thuốc còn phải thương yêu người bệnh, đặt mình vào vị trí của người bệnh và gia đình bệnh nhân để ứng xử cho phù hợp. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng nữa với người bác sĩ quân y hôm nay là phải xây dựng được văn hóa công sở, làm việc theo mô hình nhóm, ekip một cách hiệu quả”. Cảm phục người thầy và cũng là đồng nghiệp của mình, bác sĩ Đỗ Văn Chiến, một trong những người học trò xuất sắc của PGS. TS. Phạm Nguyễn Sơn về lĩnh vực tim mạch chia sẻ: “Thầy Sơn là tấm gương sáng ngời về y đức để tuổi trẻ chúng tôi soi vào học tập và nỗ lực phấn đấu”. Chứng kiến anh ngày qua ngày phải trải qua môi trường bệnh viện căng thẳng với đầy rẫy biến cố, có người hỏi liệu có khi nào anh cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi, chán nản với công việc của mình … PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn chỉ mỉm cười bình thản: “Ai cũng vậy, đã lựa chọn nghề y là đã tự chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai. Song, tôi chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn của mình mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của người lính Cụ Hồ, người thầy thuốc mặc áo lính. Những nụ cười của bệnh nhân khi vượt qua cơn bạo bệnh chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc chúng tôi vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục cống hiến hết tâm sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của quân nhân và nhân dân cả nước”./. Mai Thảo  

Bí thư chi bộ xóm gương mẫu, làm kinh tế giỏi

TĐKT - Luôn phát huy tốt vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua... là những nhận xét của người dân xóm Phú Châu (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) khi nói về Bí thư Chi bộ xóm Phú Châu Đỗ Văn Chiến. Bí thư Đỗ Văn Chiến (bên trái) luôn tận tình giúp sức người dân xóm Phú Châu phát triển kinh tế Được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ xóm Phú Châu từ năm 2013, với cương vị của mình, Bí thư Chiến luôn nhiệt tình với công việc, gương mẫu thực hiện “Nói đi đôi với làm”, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Theo ông Chiến, Phú Châu là xóm có nhiều vườn tạp, đất hoang nhưng việc trồng hay nuôi con gì bà con đều chưa có định hướng rõ ràng. Do đó, dù cần cù, chăm chỉ lao động, sản xuất nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn mãi khó khăn. Bởi vậy ông luôn suy nghĩ, tìm cách giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. “Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hay, những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của thôn thì không chỉ nói suông. Trước hết, bản thân phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả. Từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo”.- ông Chiến chia sẻ. Nghĩ là thực hiện, ông Chiến đã tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp. Hiện gia đình ông trồng khoảng 1.000 cây mít Thái, 3.500 cây bưởi Diễn và bưởi đỏ, 2 ha dược liệu, trồng 20 ha rừng. Từ thành công của mô hình phát triển kinh tế gia đình, ông đã tích cực chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con. Đặc biệt ông còn là người đã đầu tư máy chế biến tinh bột sắn để phục vụ nhu cầu chế biến của bà con nơi đây. Nói về ý tưởng này, ông Chiến cho biết: Trước đây người dân Phú Châu chủ yếu trồng sắn, dong riềng. Tuy nhiên đầu ra bấp bênh, nông sản luôn bị ép giá do phụ thuộc vào tư thương. Điều này khiến tôi suy nghĩ làm cách nào giúp người dân  tự chế biến được thành phẩm, không qua trung gian giúp bà con thu lợi cao hơn và nông sản không rớt giá. Với mô hình này, mỗi năm ông hỗ trợ người dân chế biến được hơn 2.000 tấn củ tươi, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhờ những cách làm tiên phong cùng sự tích cực đồng hành của Bí thư Chiến, người dân xóm Phú Châu đã có những thay đổi nhận thức, cách làm, tích cực hơn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trước kia, xóm có đàn gia súc đứng đầu xã. Tuy nhiên nhận thấy chăn nuôi kém bền vững, dân số ngày càng tăng, diện tích đất ở, nguồn thức ăn cho gia súc ngày càng thu hẹp, người dân chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, đem lại thu nhập cao và ổn định hơn. “Hiện, xóm Phú Châu có gần 10 hộ trồng bưởi đỏ cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm; 4 ha cà gai leo cho lợi nhuận 350 triệu đồng/ha/năm; hàng chục ha sắn, dong riềng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Xóm giờ đã không còn hộ nghèo.”- Bí thư Chiến cho biết. Bên cạnh việc tiên phong phát triển kinh tế, Bí thư Chiến còn tích cực vận động người dân hiến đất để xây dựng các công trình của xã. Ông cùng cán bộ, đảng viên không quản ngại khó khăn, đến từng gia đình giải thích về chương trình xây dựng nông thôn mới, những lợi ích thiết thực mà chương trình này mang lại. Đồng thời, vận động anh em họ hàng, những người thân trong gia đình làm gương trước. Ông cùng người thân đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, phá bỏ 35 m tường bao để mở rộng đường giao thông, đóng góp nhiều ngày công lao động... Song song với đó, với cương vị là bí thư chi bộ xóm, ông Chiến luôn bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh thực việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từng bước vận động người dân xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Ông cũng luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc; thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình, phản ánh ý kiến, kiến nghị của người dân đến chính quyền địa phương. Với những đóng góp tích cực của mình, Bí thư Đỗ Văn Chiến nhiều lần được biểu dương, nhận bằng khen của huyện, tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò đảng viên tiên phong, gương mẫu, sản xuất - kinh doanh giỏi, là tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tuệ Minh

Trang