Điển hình tiên tiến

Hội Doanh nghiệp Quận 11: Luôn đồng hành, thúc đẩy doanh nghiệp hội viên phát triển bền vững

TĐKT - Hội Doanh nghiệp Quận 11 được thành lập ngày 19/10/2005 theo Quyết định số 539/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đến nay đã trải qua 4 nhiệm kỳ Đại hội. Nhờ nỗ lực tuyên truyền, vận động kết nạp hội viên nên tổng số hội viên đã tăng lên qua từng năm. Uy tín của Hội ngày càng được khẳng định, các doanh nghiệp tin tưởng, tích cực tham gia các hoạt động Hội. Từ nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành Hội tiến hành thành lập Tổ tư vấn pháp lý miễn phí giúp hội viên tháo gỡ khó khăn trong quản lý doanh nghiệp. Tổ thường xuyên gửi đến hội viên những văn bản có liên quan đến bảo hiểm xã hội, thuế và các văn bản luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật Bảo hiểm, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật An ninh mạng... Trong các sự kiện kinh tế, chính trị lớn của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Hội đều tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt, từ đó đến nay chưa có hội viên nào vi phạm pháp luật. Hội Doanh nghiệp Quận 11 kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Cờ thi đua của UBND Thành phố Hồ Chí Minh Hoạt động nổi bật của Hội trong thời gian qua là tích cực tuyên truyền các doanh nghiệp trên địa bàn quận tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao và có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á như: Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu, Công ty TNHH Thương mại Lợi Tường, Công ty TNHH Dệt may Việt Hồng, Công ty TNHH Quán Quân, Công ty TNHH sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhất Trí... Với uy tín, chất lượng đã được khẳng định, nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững trên 30 năm, 40 năm và những doanh nghiệp khởi nghiệp luôn đứng vững trên thị trường như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Cường Khanh, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Thuận Nam, Công ty TNHH DP Tâm Đan, Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Thương mại Huỳnh Kiệt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Tây Ô Tô, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Trương Tín Phát. Mặt khác, các doanh nghiệp hội viên cũng luôn có sự gắn kết, phối hợp hài hòa để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hàng năm, Doanh nghiệp tham gia tốt Hội chợ Tôn vinh hàng Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các chương trình do Sở Công Thương hoặc Trung Quốc, Thái Lan tổ chức. Chương trình “Cà phê Doanh nhân Quận 11” đã tổ chức được 12 lần, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt, nội dung chương trình ngày càng thiết thực, bám sát những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Ngoài ra, hằng năm Hội đều tổ chức các buổi giao lưu kết nối giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận để giúp doanh nghiệp có cơ hội được giải ngân mở rộng phát triển nhà xưởng, máy móc và vốn kinh doanh; tổ chức hội thảo về nhiều đề tài gắn với nhu cầu phát triển kinh doanh của hội viên như: Quản trị doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp trước xu thế hội nhập quốc tế… Ban Chấp hành Hội luôn gắn kết chặt chẽ với hội viên và là cầu nối giữa chính quyền với hội viên; đồng thời luôn vận động hội viên áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình “Cà phê Doanh nhân” lần thứ 10 Song song với việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Hội đã đứng ra tổ chức và vận động các hội viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng thông qua những việc làm ý nghĩa như: Đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, xây nhà cho người dân nghèo, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp ủng hộ các tỉnh miền Trung bị thiên tai, bão lũ. Vào dịp Tết cổ truyền hàng năm, Hội luôn đóng góp kinh phí để Mặt trận Tổ quốc quận chăm lo tết cho các hộ nghèo. Hội Doanh nghiệp Quận 11 bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo Trong năm 2020 và 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp phát huy. Các doanh nghiệp hội viên luôn đồng hành cùng UBND quận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp tham gia cùng tuyến đầu chống dịch, đóng góp kinh phí trên 5 tỷ đồng để tiếp tế thực phẩm, suất ăn cho các điểm cách ly, khu phong tỏa, hỗ trợ các điểm tiêm, trao 1.000 túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà, chăm lo cho trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19… Với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Hội doanh nghiệp Quận 11 đã góp phần cùng đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn quận và thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, vượt qua những khó khăn chưa từng có trong năm 2021. 17 năm xây dựng và phát triển chưa phải là một chặng đường dài nhưng Ban Chấp hành Hội và mỗi hội viên doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng tổ chức Hội phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Tổ chức Hội đã thực sự phát huy vai trò là cầu nối uy tín giữa Đảng, chính quyền với doanh nghiệp hội viên, đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng phát triển, hoạt động đúng pháp luật, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh tốt vừa thực hiện trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xã hội. Đỗ Quyên

Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc Êdê

TĐKT - Bằng việc xây dựng và phát triển HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Yam Bkrông (ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của bà con dân tộc Êđê, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con, chung tay cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo. Khát khao giữ lửa nghề truyền thống Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời, là nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc của người Êđê ở buôn Tơng Jú. Đa số chị em ở đây biết dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng vì cuộc sống khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, họ chỉ dệt vào những lúc rảnh rỗi và dệt bằng phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, hàng làm ra chỉ để dùng trong gia đình chứ không bán được. Với khát khao cháy bỏng và suy nghĩ phải làm sao vừa phát huy nghề truyền thống vừa giúp chị em có thêm thu nhập, thoát cảnh nghèo đói, ổn định cuộc sống từ dệt thổ cẩm, chị H’Yam Bkrông mạnh dạn đề đạt ý kiến và được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Kao, UBND xã Ea Kao quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện. Chị H’Yam Bkrông đưa sản phẩm của HTX tham gia Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông Chị đã vận động chị em trong buôn mình và buôn lân cận, những chị có tay nghề cùng tham gia. Các chị thảo luận cụ thể về hình thức tổ chức, về người quản lý, về vốn… để phát triển nghề truyền thống của dân tộc. HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông ra đời từ đó (năm 2003), chị H’Yam Bkrông được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Khi HTX mới thành lập, do đời sống kinh tế khó khăn, chỉ có 3/45 xã viên góp vốn theo quy định, còn các xã viên khác chỉ có thể góp từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Chị kể: “Ban đầu, tay nghề xã viên chưa đồng đều, chúng tôi phải đi nhờ một số nghệ nhân trong buôn trực tiếp truyền và dạy nghề. Bên cạnh đó, chị em trong Ban Quản trị chúng tôi cũng phải đi học nhiều kiến thức để điều hành và quản lý HTX. May mắn, chúng tôi đã được Hội LHPN tỉnh thông qua Hội LHPN xã Ea Kao mở 2 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm và hỗ trợ vay vốn với số tiền 200 triệu đồng.” Chị H’Yam Bkrông truyền nghề cho thế hệ trẻ Được tạo điều kiện thuận lợi, Ban Quản trị HTX đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động tìm hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từng bước nắm bắt và mở rộng thị trường, mạnh dạn đầu tư, đào tạo tay nghề cho xã viên, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm… Ngoài sản phẩm dệt, các chị đã tự nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo các mẫu hoa văn tinh xảo để đưa vào sản phẩm cắt may truyền thống như y phục nam, nữ và nhiều đồ dùng thực tế như: Túi đeo, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, quần áo trẻ em… Chị chia sẻ: “Việc thuyết phục để tìm đối tác, khách hàng vô cùng gian nan. Lúc đầu, các cửa hàng nhận bán hàng của chúng tôi do cảm thông với sự vất vả của bà con dân tộc Êđê và sự kiên trì, nhẫn nại của tôi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Càng về sau, họ càng quý bởi bọ hiểu rằng hàng của chúng tôi là hàng làm bằng tay, chất liệu dệt cũng khác so với các đơn vị sản xuất khác, đặc biệt, mẫu mã thay đổi thường xuyên theo thị hiếu của khách hàng.” Tuy nhiên, chị cho biết, “dù cải tiến, thay đổi thế nào thì nền màu đen và họa tiết màu đỏ không thể thay đổi vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc Êđê.” Thúc đẩy thương hiệu, mở rộng mô hình hoạt động Bằng những cố gắng, nỗ lực của chị H’Yam Bkrông và các thành viên HTX, đến nay, sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông làm ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân địa phương, mà còn trở thành món hàng được ưa chuộng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước. HTX đã tìm được đầu ra tương đối ổn định tại Đắk Lắk, Quảng Nam, Đắk Nông. Bằng danh tiếng của mình, HTX đã được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc và đạt giải cao. Để đáp ứng nhu cầu và giảm giá thành, cạnh tranh được với thổ cẩm của các dân tộc khác, năm 2016 - 2017, HTX đầu tư 5 máy dệt, 1 máy xếp sợi, 1 máy cuộn thoi, 1 máy cuộn sợi, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã phát triển ổn định, với 45 xã viên đều là người dân tộc Êđê, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Thu nhập của xã viên bình quân từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng. HTX góp phần giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Êđê “Chúng tôi hiểu việc phân chia lợi nhuận của HTX là vấn đề quan trọng quyết định sự gắn bó, đoàn kết của các xã viên nên trong quá trình quản lý, điều hành, Ban Quản trị HTX luôn đề cao nguyên tắc công bằng, minh bạch. Ban Quản trị HTX luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, kịp thời biểu dương các cá nhân điển hình trong thi đua sản xuất. Xã viên trong HTX luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chị em nào ốm đau hay gia đình có việc hiếu hỉ đều được các thành viên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, kịp thời.” HTX cũng phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền cho xã viên và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt hương ước của buôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, nhằm giới thiệu nền văn hóavà tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, hiện nay, HTX đã xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Khu du lịch có 3 nhà sàn dài, trong đó trưng bày các nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Êđê. Để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thêm nguồn thu nhập cho xã viên, đến năm 2010, HTX triển khai thêm trồng cây ca cao trong diện tích đất của xã viên có vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, xa nguồn nước, để bà con xã viên chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Ngoài ra, HTX xây dựng trại gà với tổng diện tích 1000 m2, nuôi 2000 con gà thả vườn và 1 trại heo tổng diện tích 1000 m2, nuôi 300 con heo thịt với tổng chi phí 900 triệu đồng. Từ năm 2012 đến 2020, tập thể HTX và chị H’Yam Bkrông đã đạt được nhiều thành tích và được các cấp, các ngành khen thưởng. HTX được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; được tặng 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương, 4 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk và 3 Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều giấy khen, phần thưởng của các cấp, các ngành, đoàn thể TP Buôn Ma Thuột. Năm 2020 được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Cờ thi đua. Chị H’Yam Bkrông được tặng 1 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, 1 Giấy khen của BCH Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột, 2 giấy khen của Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột; giải thưởng Kova năm 2012… Chị là điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020 tại Hà Nội. Phương Thanh

Mang “cây lạ” về làm giàu trên đất Nà Tấu

TĐKT - Xã Nà Tấu (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là xã thuần nông, trước đây chỉ có lúa và ngô là hai loại cây chủ đạo. Bà con quanh năm bám ruộng, bám rẫy nhưng cái đói, cái nghèo vẫn không thôi đeo bám. Những năm gần đây, cây dong riềng do anh Lò Văn Pâng tiên phong đưa về trồng và nhân rộng đã làm đổi thay đời sống kinh tế của bản vùng cao. Khoản thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán củ dong riềng đã giúp họ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh Lò Văn Pâng là người tiên phong mang cây dong riềng về làm giàu trên đất Nà Tấu Lập gia đình năm 2002, cũng như bao hộ khác trong xã Nà Tấu, anh Pâng cũng hăm hở bắt tay tăng gia sản xuất, nhưng không biết áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến năng suất không cao, hàng hóa sản xuất ra bán giá trị thấp, khó bán hoặc không bán được. Kinh tế gia đình kém phát triển, gặp khó khăn trong cuộc sống. Không chịu khuất phục cái đói, cái nghèo, anh bắt đầu tìm hiểu khí hậu và thổ nhưỡng quê hương mình. Anh kể lại: “Nhận thấy trên địa bàn xã còn nhiều diện tích đất đồi bỏ hoang, lại có nguồn lao động dồi dào nên tôi đã đi tìm hiểu về cây dong riềng, đi tham quan các mô hình trồng dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và đầu tư mua giống dong riềng về trồng. Vụ đầu năng suất bình quân đạt 52 tấn củ tươi/ha; với giá bán 1.500 đồng/kg củ tươi, trừ chi phí thu về khoảng 90 triệu đồng/ha (nếu so với trồng lúa, trồng ngô thì lãi gấp 2 - 3 lần)”. Những năm đầu, anh chủ yếu bán củ dong riềng tươi cho thương lái từ Hưng Yên lên thu mua về chế biến ra bột thành phẩm. Nhìn thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, anh quyết định thành lập hợp tác xã (HTX), vận động bà con góp vốn, góp đất cùng trồng và xây dựng xưởng chế biến củ dong riềng. Đồng thời, anh cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con và các thành viên của HTX. Để có vốn đầu tư sản xuất, anh hướng dẫn các thành viên làm thủ tục xin vay vốn xóa đói giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Điện Biên. Kết quả ban đầu, anh vận động được 12 thành viên tham gia HTX, các thành viên đóng góp được 5 ha đất và 200 triệu đồng tiền mặt. Có được ít vốn trong tay, một phần anh đầu tư mua giống củ dong riềng cho các thành viên và hộ gia đình khác liên kết với HTX trồng, phần còn lại đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng. Sau vài năm trồng và chăm sóc, nhận thấy trồng dong riềng thu nhập cao, sản xuất tới đâu thương lái thu mua tới đó, không phải phơi khô bảo quản như ngô, lúa, nên nhiều gia đình trong xã đã học hỏi và áp dụng, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Từ đó, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo, làm được nhà mới, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh. Khi thị trường rất ưa chuộng dong riềng Điện Biên, anh Pâng đã mạnh dạn ký cam kết với nhiều địa phương trong tỉnh để mở rộng diện tích. Anh quy hoạch từng vùng nguyên liệu để đặt xưởng chế biến. Đến nay, anh đã đặt 5 xưởng chế biến bột dong ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh. Mỗi xưởng có công suất sơ chế biến 200 tấn củ dong tươi mỗi ngày nên luôn đảm bảo tiến độ thu mua, chế biến trong kỳ thu hoạch. Năm 2017, anh quyết định mở xưởng chế biến miến dong tại địa phương, mang thương hiệu “Miến dong Hồng Phước Nà Tấu”. Nhờ đó, người dân trên địa bàn xã đã có đầu ra ổn định cho củ dong riềng. Anh Lò Văn Pâng kiểm tra cây mắc ca trước mùa thu hoạch. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Pâng tập trung trồng dong riềng, trồng khoai và kinh doanh chế biến, sau đó tích lũy vốn đầu tư thêm cơ sở, máy móc để phục vụ sản xuất, trồng thêm cây cà phê, cây ăn quả, cây mắc ca, đào ao nuôi cá… Sau 16 năm tập trung cho sản xuất, kinh doanh, đến nay, gia đình anh đã đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng: 5 ha cà phê (đã cho thu hoạch); 50 ha cây dong riềng; 30 ha cây mắc ca (trong đó, 5 ha đã có thu hoạch); 5 ha cây ăn quả; 0,5 ha ao nuôi cá; 4 cơ sở chế biến miến dong; 1 lò sấy sắn; 4 trạm cân ô tô điện tử 100 tấn; 3 ô tô tải; 2 máy xúc; 1 máy ủi. Với tổng mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, anh tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương, tiền công trung bình từ 4 - 10 triệu đồng/tháng, giúp đỡ bà con trong xã về vốn khoảng 100 triệu đồng không lấy lãi. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình, anh Pâng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân trong xã Nà Tấu và các xã lân cận kinh nghiệm và vốn làm ăn. Ngoài ra, hằng năm, anh còn quan tâm tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng quà các cháu học sinh, giúp bà con nhân dân sửa đường giao thông nông thôn… Với những nỗ lực cố gắng trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, anh Lò Văn Pâng vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2013, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng 3 Bằng khen và được tặng nhiều giấy khen của các cấp, các ngành trong tỉnh. Trang Lê

Công đoàn Dệt May Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

TĐKT - Ngày 29/12, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập (1996 - 2021), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và tuyên dương các danh hiệu tiêu biểu xuất sắc. Buổi lễ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam… Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Công đoàn Dệt May Việt Nam Ngày 14/9/1996, Công đoàn Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (nay là Công đoàn Dệt may Việt Nam) được thành lập, nhằm mục đích tập hợp và phát huy sức mạnh của người lao động trong sản xuất, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó. Từ năm 1996 đến nay, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội với những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng mỗi giai đoạn đều thể hiện ý chí, tinh thần năng động, sáng tạo của công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) nhằm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đổi mới tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động, xây dựng Công đoàn Dệt May Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, người đại diện của CNVCLĐ, góp phần vào sự phát triển của ngành và đất nước. Tại thời điểm thành lập, Công đoàn Dệt may Việt Nam có 58 Công đoàn cơ sở với 87.000 đoàn viên, người lao động. Đến nay có 118 Công đoàn cơ sở với gần 125.000 đoàn viên, người lao động. 10 năm đầu tiên, 100% các Công đoàn cơ sở hoạt động trong doanh nghiệp nhà nước. Từ 2006 trở đi, các doanh nghiệp cổ phần hóa, đến nay 100% đơn vị là công ty cổ phần, trong đó có cả doanh nghiệp tư nhân, FDI, quan hệ lao động đa dạng phức tạp hơn, song vẫn luôn được xây dựng, củng cố, đảm bảo sự hài hòa, ổn định, tiến bộ. Sau khi vận hành theo mô hình Công đoàn ngành Trung ương từ năm 2008 đến nay, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của một Công đoàn ngành trong hệ thống. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam. Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 bùng phát, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã chi hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ các Công đoàn cơ sở kinh phí phòng, chống dịch; hỗ trợ gia đình người lao động bị tử vong, người lao động là F0, F1, bị cách ly phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí tổ chức bữa ăn ca cho người lao động tham gia 3 tại chỗ; triển khai chương trình thực phẩm và rau xanh ủng hộ các đơn vị trong tâm dịch; tặng sổ tiết kiệm cho con người lao động mồ côi; chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và tuyến đầu chống dịch. Các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn ổn định tình hình, xây dựng, triển khai các phương án sản xuất, phòng chống dịch bệnh, chăm lo bảo toàn đội ngũ. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận, đánh giá cao thành tích cũng như nỗ lực của Công đoàn Dệt may Việt Nam thời gian vừa qua. Trong đó, đặc biệt đã thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về thí điểm mô hình công đoàn ngành trung ương và đã khẳng định được vai trò trong thực tế là ngành đầu tiên xây dựng và thực hiện thành công thỏa ước lao động tập thể ngành..., tạo nên chính sách khung để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Công đoàn Dệt may Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam. Cũng trong dịp này, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức tôn vinh các danh hiệu: 25 lao động Dệt may tiêu biểu; 25 lao động Dệt may sáng tạo; 25 gia đình Dệt may tiêu biểu; 25 cán bộ Công đoàn Dệt may tiêu biểu. Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam tặng Công đoàn Dệt May Việt Nam bức trướng mang dòng chữ "Sáng tạo, tin cậy - Lợi ích hài hòa - Chia sẻ, đồng hành - Nghĩa tình, trách nhiệm" Tổng kết hoạt động công đoàn và phong trào công nhân năm 2021, Công đoàn Dệt May Việt Nam có 7 đơn vị được nhận Cờ thi đua toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Dệt May cũng đã trao Cờ thi đua toàn diện cấp ngành cho 39 đơn vị, Bằng khen toàn diện cho 47 đơn vị và 160 cá nhân, Bằng khen về công tác phòng, chống Covid-19 cho 13 tập thể và 15 cá nhân, Giải thưởng Doanh nghiệp vì người lao động năm 2021 cho 14 đơn vị, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm 2021 cho 10 Lao động nữ tiêu biểu. Nguyệt Hà

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tới dự buổi lễ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh: VPCTN) Gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Niềm vinh dự, tự hào này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuất phát từ yêu cầu thực tế và thực hiện quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 14-8-1976, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Quyết định số 145/CP thành lập Ban Phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, nay là BQL Lăng. Ngày 14-8 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Ban Quản lý Lăng. Trải qua 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, phát huy nội lực, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng giữ gìn thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất. Bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, công tác kỹ thuật và quản lý kiến trúc công trình luôn được đơn vị tổ chức thực hiện tốt. Đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động sáng tạo; một mặt quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật với phương châm "giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm", mặt khác, tranh thủ khả năng chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài quân đội; từng bước thay thế, nâng cấp đổi mới hệ thống thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Nhận thức Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình là trung tâm chính trị của cả nước, nơi nhạy cảm về chính trị, những năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh sẵn sàng chiến đấu và tổ chức luyện tập theo các tình huống dự kiến. Đơn vị phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Công an quận Ba Đình, Công an thành phố Hà Nội, với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các cơ quan, đơn vị trong khu vực bảo đảm tuyệt đối an toàn lễ viếng Bác, Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các ngày lễ lớn, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quần chúng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình; đồng thời thực hiện trang trọng các nghi thức, nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ngoài ra, công tác tổ chức đón tiếp, tuyên truyền được đầu tư cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác. Hằng năm, đơn vị tổ chức đón tiếp hàng triệu lượt người, cả đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác, bảo đảm “Tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự”... Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới. Trọng tâm là thực hiện các nội dung, định hướng lớn về nhiệm vụ y tế; kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng; bảo đảm an ninh, nghi lễ; đón tiếp, tuyên truyền; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ y tế, kỹ thuật có kiến thức hiểu biết toàn diện, trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, năng lực thực hành vững vàng, đủ sức kế thừa, tiếp nhận và làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới… Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phương Thanh

Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”

TĐKT - Sáng 28/12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu. Cùng dự buổi lễ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” được phát động ngay sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là một hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là một trong các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2021, cùng cả nước tích cực phòng, chống dịch bệnh, đồng thời duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, của những trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, công chức, viên chức, công nhân sản xuất trực tiếp, chiến sĩ, lực lượng vũ trang; từ những trung tâm sáng tạo, doanh nghiệp lớn ở các tỉnh đồng bằng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc buổi lễ Có những sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao; sáng kiến tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động; cũng có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện đời sống và môi trường làm việc; bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho cộng đồng; cải cách hành chính, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý, điều hành. Nhiều sáng kiến vì cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục, sáng tạo công cụ, dụng cụ học tập, xây dựng phương pháp dạy và học tiên tiến, y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng. Ghi nhận những thành tích đạt được, tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Bằng Lao động sáng tạo tặng 128 tác giả sáng kiến; Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các tác giả sáng kiến và 7 tập thể có số lượng sáng kiến tham gia nhiều nhất trên hệ thống phần mềm trực tuyến. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những tập thể và cá nhân có sáng kiến và thành tích xuất sắc được tôn vinh; ghi nhận và đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sáng kiến cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của tổ chức Công đoàn và đất nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội bằng việc tổ chức chương trình ý nghĩa này. Các đại biểu được tôn vinh, khen thưởng giao lưu, chia sẻ về quá trình triển khai các sáng kiến. Thủ tướng nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc”. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động. Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến, ý tưởng của các tập thể, cá nhân được tuyên dương trong chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” đều là tấm lòng, sự tâm huyết với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước. Đây là những điển hình sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ người lao động Việt Nam thời kỳ đổi mới, càng trong những hoàn cảnh khó khăn càng được phát huy mạnh mẽ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công rất tốt đẹp, đặt ra mục tiêu đến năm 2045 – kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước – đất nước chúng ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu lớn lao này, một trong những định hướng lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định là: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. “Nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp, các ngành, mọi người dân Việt Nam, dù trong hay ngoài nước, từ trẻ đến già, từ đồng bằng đến miền núi cùng chung tay, góp sức, trong đó lực lượng đoàn viên, người lao động có vai trò rất quan trọng, là lực lượng tiên phong, nòng cốt, không ngừng phát huy tiềm năng, trí tuệ của mình, nỗ lực lao động sáng tạo, đề xuất được những sáng kiến, đúc rút những kinh nghiệm quý, bài học hay phục vụ công tác sản xuất, chiến đấu.” – Thủ tướng khẳng định.  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các cá nhân được tôn vinh tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động công đoàn, nhất là hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và công đoàn các cấp tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn nữa các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu để kịp thời khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tôn vinh những tấm gương tốt trong phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nên sức mạnh của đất nước, sức mạnh của dân tộc. Trong bối cảnh thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng kêu gọi và tin tưởng sắp tới có nhiều sáng kiến giải pháp hữu ích, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch, trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để mang lại hiệu quả cao hơn, nhiều hơn cho đất nước.  Thủ tướng nhấn mạnh: “Với truyền thống dân tộc Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo, chúng ta tiếp tục kế thừa, cùng quyết tâm, nỗ lực phát triển đến tầm cao mới, với tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, góp phần quan trọng thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc. Mai Thảo

Tôn vinh điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam giai đoạn 2016 - 2021

TĐKT - Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) lần thứ IV giai đoạn 2016 - 2021. Dự Đại hội có: Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và gần 200 gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam”. Những năm qua, phong trào thi đua “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và phong trào thi đua "Vì NNCĐDC" do Trung ương Hội phát động đã thực sự là động lực để cổ vũ, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân vượt khó vươn lên; khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời, góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, hội viên và những người chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Qua 10 năm, phong trào đã nhận được ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước trị giá 155,9 tỷ đồng... Từ nguồn vận động được, Hội các cấp đã trợ giúp cho 491.430 lượt đối tượng là NNCĐDC, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; có hàng nghìn gia đình nạn nhân được hỗ trợ sửa chữa và xây nhà ở mới; hàng vạn hộ được vay vốn không lãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ; hàng chục vạn lượt nạn nhân được hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng nghìn con, cháu của nạn nhân được cấp học bổng, trợ cấp học nghề, tìm kiếm việc làm, được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở nuôi dưỡng và dạy nghề của hệ thống tổ chức Hội… Đại hội điển hình tiên tiến vì NNCĐDC lần thứ IV là dấu mốc quan trọng của phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2021, biểu dương thành tích, cổ vũ tinh thần vượt khó vươn lên; trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả; đề ra phương hướng, mục tiêu thi đua giai đoạn 2021 - 2026; tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua Vì NNCĐDC tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất. Tại Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 – 2026, hướng đến mục tiêu: Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động; chủ động, tích cực khảo sát, nắm chắc tình hình nạn nhân để giúp đỡ kịp thời, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng quy chế thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả vận động nguồn lực; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới; quản lý tài chính, quỹ nạn nhân chất độc da cam và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng quy định, đúng Điều lệ Hội. Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam”. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 159 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì NNCĐDC” giai đoạn 2016 - 2021. Phương Thanh

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tới dự, có đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân,Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội NCĐDC/dioxin Việt Nam Diễn văn của Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh nêu rõ: Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để chúng ta nhìn lại thảm họa chất độc da cam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (CĐHH) xuống miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với bệnh, tật hiểm nghèo; hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả chất độc da cam/dioxin, nỗi đau da cam vẫn hiện hữu và còn kéo dài; di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4... Nỗi đau của NNCĐDC/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội. Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều chế độ, chính sách được thực hiện, nhằm nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của NNCĐDC. Đặc biệt, phong trào thi đua “Vì NNCĐDC” do Trung ương Hội phát động (tháng 2/2007) và phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động (tháng 6/2011) đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì NNCĐDC”, sau khi thành lập (ngày 10/01/2004), Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng vững mạnh về tổ chức, không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đến nay, Hội đã vận động Quỹ NNCĐDC được hơn 3.040 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật); trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước được hơn 2.900 tỷ đồng; các tổ chức quốc tế được gần 140 tỷ đồng. Số tiền và hiện vật trên đã được sử dụng hỗ trợ NNCĐDC làm nhà, tạo vốn sinh kế, trao học bổng, xây dựng các trung tâm xông hơi giải độc, phục hồi chức năng và thăm, tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân trong dịp lễ, tết và ngày 10/8 (Ngày Vì NNCĐDC ở Việt Nam) hằng năm. Cùng với đó, Hội luôn là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Phát huy truyền thống, thành tích đạt được, thời gian tới, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xây dựng Hội các cấp vững mạnh, đẩy mạnh Phong trào thi đua vì NNCĐDC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của NNCĐDC. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam về thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; ghi nhận, đánh giá cao Hội NNCĐDC /dioxin Việt Nam đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao; biểu dương những tấm gương cán bộ hội, người chăm sóc nạn nhân và các nạn nhân vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Phó Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình có nhiều nạn nhân chất độc da cam, người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, để kịp thời đề xuất, bổ sung, sửa đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Hội NNCĐDC /dioxin Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức, bước đi phù hợp. Hội NNCĐDC /dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu đề xuất, huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Nhấn mạnh thảm họa da cam nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong 60 năm qua không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam, còn là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kêu gọi các cá nhân, tổ chức quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và bằng mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong tương lai. Phương Thanh

Trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI năm 2021

TĐKT - Tối 24/12/2021, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI, năm 2021 cho 57 cá nhân tiêu biểu, được xét chọn từ 93 hồ sơ trên cả nước. Dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Bùi Quang Huy; cùng Ban Bí thư Trung ương Đoàn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành... Năm 2021, Ban Tổ chức nhận được 93 hồ sơ từ 49 tỉnh, thành đoàn giới thiệu gương thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt. Trong 57 gương thanh niên xuất sắc được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 có 7 mô hình doanh thu từ 10 – 30 tỷ đồng; 48 mô hình doanh thu từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; 1 mô hình có doanh thu đạt 120 tỷ; 1 mô hình có doanh thu đạt 144 tỷ. Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Lễ trao giải. Phát biểu tại Lễ trao giải, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua 16 năm tổ chức, đã có hơn 2.000 nhà nông trẻ xuất sắc được nhận Giải thưởng Lương Định Của. Năm nay, Giải thưởng được trao cho 57 gương thanh niên xuất sắc. Mỗi bạn có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều có điểm chung, đó là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; là chủ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số.... Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận. “57 gương thanh niên được trao Giải thưởng Lương Định Của hôm nay chính là những bông hoa ngát hương thơm trong phong trào tuổi trẻ thi đua xây dựng nông thôn mới. Đây là những kết quả rất cụ thể, rất đỗi tự hào trong hành trình đầy sục sôi của những người trẻ, đầy trăn trở của những miền quê, đầy khát khao vươn tầm sánh vai thời đại của lớp lớp thanh niên”, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao Bằng khen và biểu trưng cho các nhà nông trẻ xuất sắc. Chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của các gương thanh niên nông thôn xuất sắc nhận Giải thưởng năm nay, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định thanh niên được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Đồng thời mong muốn, Trung ương Đoàn tiếp tục phối hợp với các ngành hỗ trợ các mô hình kinh doanh của thanh niên nông thôn trong chuỗi liên kết "4 nhà", đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp và nhà khoa học; thông qua đó, hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của thanh niên. Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ hy vọng, niềm tự hào, vinh dự của mỗi bạn trẻ được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay sẽ lan tỏa tới đông đảo đoàn viên, thanh niên ở mỗi địa phương, đơn vị, tiếp tục tạo động lực góp phần làm cho Giải thưởng ngày càng có uy tín sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý, tổ chức Đoàn phối hợp với các ngành hỗ trợ các mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn trong chuỗi liên kết “Bốn nhà”, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp và nhà khoa học. Cùng với đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các cấp bộ Đoàn trong cả nước cần thường xuyên tổ chức các hoạt động với phương châm Đoàn vừa là người bạn đồng hành với thanh niên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên, vừa là người tổ chức; phát huy thanh niên xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung tổ chức động viên thanh niên thi đua lao động sáng tạo, làm kinh tế giỏi; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; khuyến khích thanh niên nông thôn tham gia các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên; nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả, phát triển các hình kinh tế như: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên, các trang trại trẻ, các đội hình trí thức trẻ tình nguyện phát triển nông nghiệp, nông thôn và miền núi, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó cũng lưu ý, tổ chức Đoàn phối hợp với các ngành hỗ trợ các mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn trong chuỗi liên kết “Bốn nhà”, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp và nhà khoa học, thông qua đó hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của thanh niên. Đồng thời, trang bị cho thanh niên, những kiến thức, mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiện đại, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới. Diễn ra trong hai ngày 23 và 24/12/2021, “Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI” do Trung ương Đoàn tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO), nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn ý thức vươn lên làm giàu; xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước. Các đại biểu nhấn nút khai mạc triển lãm “Kết nối nông nghiệp số” Trong khuôn khổ Lễ trao giải, các đại biểu đã nhấn nút khai mạc triển lãm “Kết nối nông nghiệp số”, trưng bày các sản phẩm của thanh niên nông thôn trên không gian số. Mai Thảo  

Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động tặng các cơ quan báo chí Bộ Công an

Sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2021), 40 năm Ngày thành lập Nhà xuất bản CAND (10/2/1981 - 10/2/2021), 10 năm Ngày phát sóng Kênh Truyền hình CAND (11/12/2011 - 11/12/2021) và đón nhận Huân chương Lao động. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ. Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Báo CAND; trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Nhà xuất bản CAND; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Truyền hình CAND vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của lực lượng CAND, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Báo CAND, Nhà xuất bản CAND và Truyền hình CAND đạt được trong thời gian qua, nhấn mạnh các phần thưởng cao quý vinh dự đón nhận hôm nay một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ chiến sỹ, những người làm báo chí, xuất bản CAND. Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí, xuất bản và toàn thể đội ngũ những người làm báo tiếp tục lực lượng tiên phong trên mặt trận thông tin, truyền thông về an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, bảo đảm trật tự, an toàn, công bằng xã hội.  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Công an Nhân dân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN "Tinh thần chung là mỗi người dân là một chiến sỹ an ninh đồng hành và cộng tác với các đồng chí; tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động của Truyền thông CAND cũng như tăng khả năng tiếp cận với những người dân, cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch nước nhấn mạnh. Chủ tịch nước yêu cầu báo chí - xuất bản CAND phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phân tích và làm rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch nhằm tạo ra sức "đề kháng" mạnh mẽ cho cán bộ chiến sỹ và Nhân dân chống lại các hiện tượng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. "Trong môi trường không gian ảo, rất nhiều hình thức tội phạm mới tấn công vào tâm lý, thông tin xấu, độc, gây tác dụng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của xã hội. Các đồng chí phải là người đi đầu, đi sâu phân tích các xu hướng, có các bài phân tích sâu sắc, làm sáng tỏ, từ đó giúp người dân nâng cao năng lực cảnh giác, hình thành các thói quen tốt, có ích cho tiến bộ chung của toàn xã hội. Công tác chính trị, tư tưởng - công cụ mềm này có vị trí rất quan trọng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành Công an", Chủ tịch nước căn dặn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Cục Truyền thông Công an nhân dân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN Ngày 1/11/1946, Báo "Công an mới" - tiền thân của Báo CAND chính thức phát hành số đầu tiên, hoà vào dòng chảy sôi động của báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua 75 năm, dù tên gọi và nhiệm vụ ở từng giai đoạn khác nhau song Báo đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc, được xác định là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia. Báo có số lượng phát hành lớn trong toàn quốc với các ấn phẩm có thương hiệu riêng, như: Báo CAND hàng ngày, An ninh thế giới, Văn nghệ Công an... Cách đây 40 năm, Nhà xuất bản CAND ra đời và đến nay đã xuất bản hàng triệu ấn phẩm góp phần tổng kết tri thức, kinh nghiệm về lý luận nghiệp vụ và thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND, trong đó có Từ điển CAND Việt Nam; Bách khoa thư CAND, hệ thống giáo trình các trường CAND...   Ngày 11/12/2011, Kênh Truyền hình CAND phát sóng chính thức, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí CAND trong xu thế truyền thông hiện đại. Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về an ninh trật tự của Việt Nam, phát sóng 24/24h theo chuẩn HD trên tất cả các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình Internet và truyền hình số vệ tinh. Sau 10 năm phát sóng, Truyền hình CAND đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vị trí là một kênh truyền hình chính luận trong lòng khán giả, được xác định là một trong 7 kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, với hơn 300 phút tự sản xuất mới mỗi ngày, bao gồm 23 chuyên mục, 9 bản tin.   Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của Bộ Công an, đồng thời để phù hợp với xu thế của báo chí truyền thông hiện đại, Báo CAND, Nhà xuất bản CAND, Truyền hình CAND đã được hợp nhất trong một "mái nhà chung" là Cục Truyền thông CAND. Theo TTXVN

Trang