Điển hình tiên tiến

Khen thưởng 33 thành viên điều hành của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội

TĐKT - Nhằm biểu dương, tôn vinh và động viên kịp thời tinh thần tình nguyện, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Hà Nội, sáng 26/1, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội tổ chức khen thưởng, động viên ghi nhận đóng góp của đội ngũ này Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tặng Bằng khen đối với 33 thành viên điều hành của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Hà Nội; tặng 1500 phần quà cho y bác sĩ và tình nguyện viên của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khu vực Hà Nội, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tặng Bằng khen cho các thành viên điều hành của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 (thường trực là Bộ Khoa học và Công nghệ), lấy dữ liệu F0 trực tiếp từ CDC các tỉnh và có nhiệm vụ chính là hỗ trợ y tế địa phương trong việc sàng lọc, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, hỗ trợ cấp cứu và giảm tử vong đối với F0 điều trị tại nhà. Mạng lưới Thầy Thuốc đồng hành sử dụng nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, huy động rộng rãi sự tham gia của các y, bác sĩ và tình nguyện viên trên cả nước, tham gia hỗ trợ các điểm nóng về dịch trên cả nước. Hiện nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đang được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ và Bà Rịa – Vũng Tàu. Triển khai từ ngày 20/12/2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội bao gồm 1500 bác sĩ và tình nguyện viên trên cả nước, tính đến ngày 25/1/2022, Mạng lưới đã triển khai thực hiện 107.559 cuộc gọi thành công từ đầu số 1022, chủ động liên hệ và hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà khi có danh sách của Trung tâm y tế phường gửi lên, tổng số 69.334 đã được sàng lọc và chăm sóc y tế. Đồng thời, Tổng đài 1022 nhánh 3 (đường dây nóng của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội) đã nhận 3.856 cuộc gọi thành công hỗ trợ  2.169 bệnh nhân F0 và 1.787 người dân tư vấn sức khỏe phòng, chống Covid -19. Phát biểu chúc Tết các y, bác sĩ tình nguyện viên mạng lưới, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành quả mà các y, bác sĩ tình nguyện viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã đạt được, hỗ trợ to lớn cho y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với những khó khăn, hy sinh và đặc biệt biểu dương tinh thần xung kích, tình nguyện của các y, bác sĩ , các tình nguyện viên mạng lưới. Nhiều thành viên bác sĩ quản lý đã tham gia Mạng lưới từ tháng 7 năm 2021, vượt mọi khó khăn, dành thời gian chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên cả nước, cùng tổ chức Đoàn, Hội thực hiện một hành trình tình nguyện lịch sử chưa từng có, là những tấm gương sáng chói của tinh thần tình nguyện, tinh thần thanh niên, tinh thần thầy thuốc trẻ Việt Nam, là lực lượng tiên phong, nòng cốt để thực hiện thắng lợi, thành công Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Mai Thảo

Phó Chủ tịch nước dự Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất huyện Kim Bảng

Sáng 13/1, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã dự Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất, tổng kết phong trào thi đua năm 2021, phát động phong trào thi đua năm 2022 huyện Kim Bảng (Hà Nam). Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy; đại diện một số Ban, ngành Trung ương và tỉnh Hà Nam. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng. Ảnh Vân Anh/VPCTN Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kim Bảng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức thi đua xây dựng huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp. Phó Chủ tịch nước gắn danh hiệu cao quý lên lá cờ truyền thống của huyện Kim Bảng. Ảnh Vân Anh/VPCTN Với truyền thống Anh hùng trong đấu tranh cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kim Bảng đã phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ; vượt qua nhiều khó khăn đưa Kim Bảng từ một huyện nghèo, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kinh tế phát triển với tốc độ cao; tăng trưởng bình quân 13,4%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; thu ngân sách tăng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng; cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu diễn ra sôi nổi, đạt nhiều kết quả tích cực. Kim Bảng là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2017, về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra, đã có 04 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trao tặng huyện Kim Bảng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Vân Anh/VPCTN Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương được tỉnh quy hoạch là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Đến nay, huyện đã có nhiều công trình, dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động như Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, sân golf Kim Bảng,... và nhiều dự án có quy mô lớn đang xây dựng và  khẩn trương làm thủ tục để triển khai đầu tư; 1 Khu CN; 03 Cụm CN cùng với nhiều làng nghề truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng đô thị, phấn đấu trở  thành thị xã trước năm 2025. Công tác quy hoạch được chú trọng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ. Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa- xã hội được quan tâm chú trọng; chất lượng giáo dục - đào tạo luôn giữ vững tốp đầu của tỉnh; Kim Bảng là địa phương đầu tiên có 100% trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung thực hiện quyết liệt. Phó Chủ tịch nước và các đại biểu dự Lễ. Ảnh Vân Anh/VPCTN Cùng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Kim Bảng luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế và giải quyết chính sách cho cán bộ sau sắp xếp; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng; công tác dân vận đạt nhiều kết quả; chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND - UBND được nâng lên. Hoạt động MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở; chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.  Chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Kim Bảng. Ảnh Vân Anh/VPCTN Với những thành tựu to lớn trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Độc lập hạng Ba (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2011); nhiều năm liền được Chính phủ tặng Cờ thi đua; huyện được tỉnh ghi nhận, đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối huyện, thành phố, thị xã trong nhiều năm liên tục. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp công nhận huyện trở thành đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã Kim Bảng trước năm 2025. Đặc biệt, huyện Kim Bảng vinh dự đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thăm phòng truyền thống huyện Kim Bảng. Ảnh Vân Anh/VPCTN Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã biểu dương, chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng đạt được trong thời gian qua; đồng thời chỉ đạo, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng cần triển khai, tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh: Đảng bộ huyện phải tiếp tục tập trung cao độ và quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, cùng với phát triển kinh tế phải chú trọng phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, đặc trưng của con người Kim Bảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện có hiệu quả mô hình “ chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; đổi mới lề lối, tác phong làm việc; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu kiện của công dân và ý kiến, kiến nghị của cử tri; củng cố Quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhân dịp này, Kim Bảng cũng chính thức phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Làm nhanh, làm đúng, làm tốt” gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nghị quyết chuyên đề, đề án, chỉ thị, kết luận thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, tỉnh phát động, nhất là phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, đồng sức, đồng lòng và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Theo vpctn.gov.vn

Ninh Bình biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch

TĐKT - Chiều 13/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu thực hiện nhiệm vụ đón công dân và chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi gặp mặt. Quang cảnh buổi gặp mặt Trong hơn 3 tháng tham gia phòng, chống, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID- 19 tại các tỉnh phía Nam, bắt đầu từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10/2021, 102 cán bộ y tế, là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh, đã xung phong, tình nguyện, chia làm 3 đoàn, đi thành 3 đợt để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch. Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, 100% các thành viên chấp hành tốt kỷ luật lao động, vượt qua những khó khăn, môi trường làm việc khắc nghiệt... để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, thu dung, điều trị thành công cho trên 4 nghìn lượt bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Một số cán bộ y tế dù nhiễm bệnh vẫn tích cực tham gia phục vụ và chăm sóc đồng nghiệp, người bệnh. Kết thúc đợt công tác, các đoàn cán bộ y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình tại các tỉnh phía Nam đã để lại những tình cảm tốt đẹp và sự biết ơn của người bệnh, các đồng nghiệp và chính quyền các địa phương nơi đoàn đến hỗ trợ chống dịch. Đối với chủ trương đón công dân Ninh Bình đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trở về Ninh Bình, đoàn công tác do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng với các thành viên ngành Y tế, Công an tỉnh đã tổ chức 2 đoàn, với 2 đợt đón công dân trở về quê. Đã có 1.171 người, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là 634 người, tỉnh Bình Dương là 318 người, tỉnh Đồng Nai là 207 người và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 12 người được đón về quê an toàn, miễn phí hoàn toàn. Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những cố gắng, hi sinh của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ đón công dân và chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam và những đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho rằng, tình hình dịch bệnh đang bước sang giai đoạn mới, với những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi tỉnh phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp để phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, giảm đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, không để có ca tử vong vì COVID-19 trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, các sở, ban, ngành, địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, để Ninh Bình giữ vững "vùng xanh" an toàn trong thời gian tới. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 112 tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đón công dân và chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam và đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Minh Phương

Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã

TĐKT - Ngày 13/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020 nhằm tôn vinh những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn.  Việt Nam được biết đến là một quốc gia giàu đa dạng sinh học, đặc biệt là  tính đa dạng về loài sinh vật. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công bố trên 1000 loài mới cho khoa học. Chỉ trong giai đoạn 2010 - 2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam. Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện. Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Lễ trao giải Việt Nam, với trách nhiệm nước thành viên của Công ước Đa dạng sinh học,  đã có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học, đặc biệt là mục tiêu thứ 12 của Chiến lược về cải thiện tình trạng bảo tồn loài và ngăn ngừa sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài trao Giấy chứng nhận cho các cá nhân, tổ chức được vinh danh Công tác bảo tồn loài hoang dã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, hành lang pháp lý và chính sách đối với bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài nói riêng ngày càng hoàn thiện. Số lượng các khu bảo tồn loài được thành lập mới ngày càng gia tăng. Hệ thống các khu bảo tồn đã góp phần gìn giữ sinh cảnh sống và bảo vệ quần thể của nhiều loài hoang dã, đặc biệt là các loài bị đe dọa và các loài đặc hữu. Quần thể của một số loài đã và đang được bảo tồn, phát triển tốt ở nhiều khu bảo tồn như voọc cát bà ở Vườn quốc gia Cát Bà, cá sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên, các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Pù Mát, rùa biển tại các khu bảo tồn biển… Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai như hổ, voi, linh trưởng, rùa… Công tác điều tra, đánh giá loài tiếp tục đạt được nhiều kết quả, bổ sung thông tin về sự phong phú về đa dạng sinh học của Việt Nam. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài đã được áp dụng, góp phần cải thiện tình trạng các loài hoang dã và giảm mối đe dọa tới đa dạng sinh học. Nếu như công tác nghiên cứu, phát hiện loài mới là bước khởi đầu thì công tác bảo tồn, việc bảo tồn tại chỗ là hoạt động thường xuyên, lâu dài thì giải pháp nhân nuôi và tái thả có thể mở ra cơ hội phục hồi các loài hoang dã nguy cấp.  Đằng sau những kết quả đáng khích lệ nêu trên, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, là sự đóng góp âm thầm của các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn và người dân. Đóng góp của các tổ chức, cá nhân đã tạo nên những điểm sáng của công tác bảo tồn loài hoang dã trong thập niên 2010 – 2020. Trong bối cảnh chung của thế giới, các loài hoang dã tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng, việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài hoang dã nói riêng, hơn bao giờ hết, cần có sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Đó là lý do vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020 để ghi nhận những sáng kiến, giải pháp bảo tồn loài trong thời gian qua và khích lệ sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới. Tọa đàm Bảo tồn động vật hoang dã Phát biểu tại buỗi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cống hiến, tiếp tục có đóng góp to lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và mong rằng ngày càng có nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn được kiến tạo, áp dụng nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của nước nhà.” Lễ vinh danh được Tổng cục Môi trường tổ chức trong khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và tổ chức WWF-Việt Nam. Phương Thanh

Phát động giải thưởng Sao Khuê 2022

TĐKT – Ngày 13/1, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) chính thức phát động Giải thưởng Sao Khuê 2022 - Một trong những giải thưởng uy tín và danh giá nhất của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam. Giải thưởng Sao Khuê được VINASA tổ chức lần đầu tiên năm 2003 với mục đích lựa chọn, tôn vinh và phổ biến các nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam xuất sắc hàng năm. Qua 18 năm tổ chức, 1.269 nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc đã được vinh danh. Giải thưởng Sao Khuê đã trở thành một kênh truyền thông, quảng bá, định hướng thị trường hiệu quả chắp cánh cho hàng nghìn thương hiệu thương hiệu phần mềm và đồng hành cùng sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như: FPT, VNPT, Viettel, MISA, KMS, TMA, Rikkeisoft, FSI, Bravo…   Năm 2021, với nhiều nỗ lực, Việt Nam có sự thay đổi thứ hạng khá đáng kể về chuyển đổi số trong các bảng xếp hạng quốc tế. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia hấp dẫn nhất về dịch vụ công nghệ thông tin. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế Internet gần 30%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 30% lên 96%, cũng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. An toàn, an ninh mạng xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc này. Giải thưởng Sao Khuê 2022 với nhiệm vụ tiên phong “Xung kích chuyển đổi số”, sẽ tiếp tục sứ mệnh lựa chọn, và quảng bá, xây dựng thương hiệu các nền tảng số, dịch vụ số, giải pháp số, góp phần nhanh chóng đưa các giải pháp số vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, hướng tới tạo dựng những hệ sinh thái số hoàn chỉnh cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Giải thưởng Sao Khuê 2022 chính thức nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 13/3/2022, tiếp tục lựa chọn và vinh danh các nền tảng, dịch vụ, giải pháp số trong 6 nhóm: Các sản phẩm, giải pháp số (bình xét theo 21 lĩnh vực ứng dụng chuyên ngành); các nền tảng chuyển đổi số; các giải pháp công nghệ tiên phong (AI, IoT, Big Data, Cloud, BlockChain, Robotics, VR, AR, XR, in 3D...); các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số; các sản phẩm, giải pháp phần mềm mới; các dịch vụ CNTT (9 lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành) Các doanh nghiệp, tổ chức tìm hiểu và đăng ký trực tuyến tại: http://giaithuongsaokhue.vn Vòng Sơ loại hồ sơ: dự kiến diễn ra vào ngày 15/03/2022. Vòng thuyết trình và thẩm định dự kiến từ 16 - 17/3/2022. Vòng Bình chọn Chung tuyển dự kiến diễn ra ngày 19/3/2022. Lễ Công bố và trao giải thưởng dự kiến vào ngày 23/4/2022 Giải thưởng Sao Khuê 2022 sẽ có sự đồng hành của các Bộ, Cục, Vụ, Viện, các tổ chức Hiệp hội ngành nghề có quan tâm đến ngành phần mềm và dịch vụ CNTT. Chương trình năm nay dự kiến sẽ tiếp tục có sự bảo trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số Bộ liên quan có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ chính trong chuyển đổi số theo ngành/lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết thêm: “Các nền tảng, dịch vụ, giải pháp số, trong giai đoạn này, không chỉ có nhiệm vụ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghệ, mà cao hơn, quan trọng hơn là sứ mệnh giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và tạo được giá trị mới, lợi thế cạnh tranh. Giải thưởng Sao Khuê sẽ lựa chọn ra những sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, những giá trị tốt, và đồng hành cùng các doanh nghiệp số để nhanh chóng lan tỏa những giá trị này tới các tổ chức, doanh nghiệp, giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.” Phương Thanh

Yên Bái khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021

TĐKT - Tối 12/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị báo công kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đây là năm thứ ba tỉnh Yên Bái tiến hành đánh giá, chấm điểm, xét thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động hàng năm của Tỉnh ủy. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu Ngày 18/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021. Chương trình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 57 cơ quan, đơn vị, địa phương với 567 chỉ tiêu, nhiệm vụ (gồm 87 chỉ tiêu, nhiệm vụ chung và 482 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể). Mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động là: Thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết... Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái ghi nhận: Chương trình hành động số 18 thực sự đã tạo được động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều giữ vững nhịp độ, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, duy trì việc hoàn thành các nhiệm vụ ở mức cao. Với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả” và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến ngày 31/12/2021, đã có 560/567 chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành, đạt 98,8%; 7 chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành, chiếm 1,2% (nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy không đạt kế hoạch, nhưng về cơ bản các chỉ tiêu này vẫn giữ được mức tăng trưởng so với năm 2020). Nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng hoàn thành vượt mức với con số hết sức ấn tượng, có mặt nổi trội trên nhiều lĩnh vực trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Ghi nhận sự cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của các tập thể, cá nhân, tỉnh Yên Bái khen thưởng 62 tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương và 71 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 18; đồng thời khen thưởng 14 cơ quan, đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước tỉnh Yên Bái năm 2021. Nguyệt Hà

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực

TĐKT -  Năm 2021, trong tất cả các nhiệm vụ đề ra, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đều đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết ngành Bảo hiểm Xã hội Cụ thể, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng ngành đã hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao). Đáng chú ý trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%). Trong năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, năm 2021, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. BHXH Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; thành lập Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc (đến hết 2021 đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119,8 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.071.500 NLĐ của 71.142 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách). Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg: trong vòng 5 ngày (đến 05/10/2021), toàn ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền trên 7.595 tỷ đồng; đến hết ngày 21/12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12,94 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Các thủ tục đảm bảo nhanh, đơn giản, được doanh nghiệp, NLĐ đánh giá cao. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong năm 2021 có thể nói ngành BHXH đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19, để lại những ấn tượng tốt đẹp. Kết quả đó có được là nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên, kịp thời, thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự tập trung, quyết liệt, sáng tạo của ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; kịp thời xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết, linh hoạt, phù hợp với thực tế và tình hình diễn biến dịch bệnh, thiên tai; đã tận dụng, phát huy tối đa những nền tảng, sức mạnh nội tại của ngành về nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; sự đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, thử thách của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Các tập thể, cá nhân của BHXH Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động Phát huy kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022 như: Thứ nhất, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó chú trọng tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết Trung ương; nhiệm vụ và giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa ra các giải pháp sát sao, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam. Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phù hợp. Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng. Thứ năm, quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện BHXH Việt Nam đã quản lý tốt các quỹ an sinh cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; chống tiêu cực, tham nhũng. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Thứ tám, ngành đã sẵn có cơ chế chính sách, nguồn lực, nền tảng chuyển đổi số thì yêu cầu tiên quyết vẫn phải gắn với nhân tố con người và tổ chức bộ máy. Với số lượng công chức, viên chức và NLĐ của ngành lớn như hiện nay, ngành cần tiếp tục quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ cương hành chính; phát huy vai trò của người đứng đầu; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Hồng Thiết  

Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phía Nam đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT - Chiều 8/1, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phía Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đến dự và chỉ đạo tại buổi lễ có Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP chủ trì buổi lễ. Dự lễ có Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP, các đồng chí Phó Tư lệnh BĐBP, lãnh đạo các Cục và nguyên thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP qua các thời kỳ.   Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với phương châm “sớm hơn và nhanh hơn một bước”, từ tháng 2/2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương của nước láng giềng, Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị, tỉnh thành biên phòng tuyến biên giới phía Nam tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thường xuyên duy trì 821 tổ, chốt, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch xâm nhập qua biên giới. Trên vùng biển, đảo Tây Nam, BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì 22 tàu, 25 xuồng với 451 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Thực hiện chỉ đạo, lãnh đạo tốt công tác phòng, chống dịch, Cơ quan Thường trực cũng đã tổ chức 46 đoàn kiểm tra, kịp thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai công tác phòng chống dịch và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, đã triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ án về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý các tổ chức, đối tượng đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Từ năm 2020 đến nay, Cơ quan Thường trực đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP phía Nam bắt giữ, xử lý 376 vụ/655 đối tượng tội phạm về ma túy, thu giữ 563,75kg Methaphetamin, 40,8kg Ketamine, 206.342 viên ma túy tổng hợp, 107 bánh heroin. Xử lý 1.544 vụ với 553 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng giả và gian lận thương mại, thu giữ 1,850 triệu bao thuốc lá ngoại, 1,561 triệu lít dầu DO... Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 2.887 vụ/4.950 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng; phát hiện, xử lý 8.465 người nhập cảnh trái phép qua biên giới đất liền, 25 phương tiện/214 người nhập cảnh trái phép qua đường biển.   Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Lê Đức Thái  trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh BĐBP phía Nam Bên cạnh đó, Cơ quan Thường trực còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “BĐBP cùng toàn quân chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tham mưu, phối hợp với địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Qua đó, các đơn vị BĐBP phía Nam đã vận động 767.019 hộ dân, 14.983 chủ tàu, thuyền, phương tiện đăng ký, ký kết thực hiện phong trào, cấp phát 1 triệu khẩu trang y tế, 500.560 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền... Các đơn vị cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình, phong trào, cách làm hay, sáng tạo, nhằm chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng nhân dân trên khu vực biên giới nói chung và nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như, mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Tổ đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe thực phẩm 0 đồng”, “Điểm trao đổi hàng hóa trên biên giới”... Chỉ tính riêng trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 (từ tháng 4/2021 đến nay), các đơn vị BĐBP phía Nam đã đóng góp, vận động trao tặng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ nhân dân trị giá 22,715 tỷ đồng; phân công 2.766 lượt cán bộ chiến sĩ trên 220 lượt phương tiện tham gia vận chuyển, bốc dỡ 750 tấn hàng hóa, thu hoạch 668 tấn nông sản các loại. Hai năm qua, có 250 tập thể và 800 cá nhân thuộc các đơn vị tỉnh, thành phía Nam được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, cơ quan ban ngành, chính quyền các cấp tặng thưởng huân, huy chương, giấy khen vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Cơ quan Thường trực cũng đã tích cực vận động các nguồn lực vật chất, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền mặt trị giá trên 20 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị BĐBP phía Nam. Những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, của người lính quân hàm xanh trong lòng nhân dân. Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP đã biểu dương những thành tích xuất sắc mà cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Thường trực đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống dịch. Trung tướng Lê Đức Thái nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhất là trước, trong và sau tết Nguyên đán, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, buôn lậu và các hoạt động tội phạm cũng như dịch bệnh trên tuyến biên giới phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy cán bộ chiến sĩ Cơ quan Thường trực cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc. Xuân Phúc                                                                      

Chiến sĩ cảnh sát cơ động 56 lần hiến máu tình nguyện

TĐKT - Bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên năm 2008 khi vừa mới vào thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động(CSCĐ) Tây Nam bộ, đến nay Đại úy Lâm Thành Trung, cán bộ Đội Đặc nhiệm đã có 56 lần tham gia hiến máu tình nguyện, vận động hơn 500 người hiến máu tình nguyện. Đến Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ, hỏi Đại úy Lâm Thành Trung cán bộ Đội Đặc nhiệm, ai cũng biết đó là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, đầy trách nhiệm trong công việc; trên môi lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan yêu đời, thân thiện, đôi mắt sáng, hiền hòa, dễ mến, sống có trách nhiệm, nghĩa tình với đồng chí đồng đội… Bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên năm 2008 khi vừa mới vào thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ, đến nay Trung đã có 56 lần tham gia hiến máu tình nguyện (bình quân mỗi năm có 4.07 lần hiến máu), vận động hơn 500 người hiến máu tình nguyện. Đại úy Lâm Thành Trung tham gia hiến máu nhân đạo Đại úy Trung, chia sẻ: “Sau mỗi lần tham gia hiến máu tình nguyện xong, được cơ quan y tế cấp cho giấy chứng nhận và thư cảm ơn, cầm trên tay, tôi cảm thấy tự hào, sung sướng vì đã làm được một việc có ích cho xã hội, cho mọi người…”. Ngoài việc tham gia hiến máu tình nguyện cho các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Thành đoàn thành phố Cần Thơ tổ chức, phát động… Trung còn là thành viên ngân hàng máu sống tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu thành phố Cần Thơ. Mỗi khi có người bệnh cần máu đột xuất, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi bệnh viện gọi, Trung đều lập tức đến ngay để truyền máu cho người bệnh. Trung tâm sự: Có lần đang ngủ gần 2 giờ sáng, chuông điện thoại reo, nghe máy xong Trung vội vàng bật đèn sáng làm cả nhà thức giấc, vợ Trung hỏi: “anh làm gì mà nữa đêm bật đèn sáng vậy?” Trung trả lời: “Có người bệnh cần máu”. Nói xong, Trung vội vàng mặc quần áo, mở cổng, dắt xe chạy thật nhanh đến bệnh viện để truyền máu cho bệnh nhân… Trung nói: “Tôi không thể nhớ hết những ai mình đã cho máu, nhưng số lần hiến tặng thì em nhớ rất rõ và gìn giữ rất cẩn thận những tấm Giấy chứng nhận hiến máu như một kỹ vật, để minh chứng và làm bài học thực tiễn giáo dục con, cháu sau này gìn giữ và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, tôi sẽ tiếp tục hiến máu tình nguyện cho đến khi nào còn có thể…” Ngoài giờ tham gia học tập, huấn luyện trên thao trường, tuy vất vả mệt mỏi nhưng hàng ngày Trung vẫn dành thời gian để kiểm tra, tỉ mỉ lau chùi sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, khoa học các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang cấp phục vụ tốt công tác chiến đấu thường xuyên và đột xuất của đơn vị. Những năm tháng quản lý kho vũ khí, Trung đã có nhiều sáng kiến thay đổi cách thức, biện pháp quản lý… Nhờ đó mà các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ luôn được bảo quản, bảo dưỡng tốt và sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, Trung còn là cán bộ trực tiếp giảng bài về lý thuyết binh khí và thực hành tháo lắp, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị; khi lên lớp Trung luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo giáo án, bài giảng; Trung có phương pháp và kỹ năng giảng bài tốt, dễ hiểu, dễ tiếp thu, hàng năm đều được các đoàn kiểm tra đánh giá cao và biểu dương… Có thể nói, Đại úy Lâm Thành Trung là một trong số rất ít cán bộ của lực lượng công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng có số lần hiến máu tình nguyện nhiều đến như vậy. Đây là tấm gương sáng, xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ. Với nỗ lực đóng góp của mình, Đại úy Trung vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công An, UBND TP. Cần Thơ. Đặc biệt, Đại úy Trung vinh dự là một trong những gương sáng thanh niên được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Công ty TCPVN phối hợp tổ chức vừa qua. Khánh Huyền  

Hội Doanh nghiệp Quận 11: Luôn đồng hành, thúc đẩy doanh nghiệp hội viên phát triển bền vững

TĐKT - Hội Doanh nghiệp Quận 11 được thành lập ngày 19/10/2005 theo Quyết định số 539/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đến nay đã trải qua 4 nhiệm kỳ Đại hội. Nhờ nỗ lực tuyên truyền, vận động kết nạp hội viên nên tổng số hội viên đã tăng lên qua từng năm. Uy tín của Hội ngày càng được khẳng định, các doanh nghiệp tin tưởng, tích cực tham gia các hoạt động Hội. Từ nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành Hội tiến hành thành lập Tổ tư vấn pháp lý miễn phí giúp hội viên tháo gỡ khó khăn trong quản lý doanh nghiệp. Tổ thường xuyên gửi đến hội viên những văn bản có liên quan đến bảo hiểm xã hội, thuế và các văn bản luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật Bảo hiểm, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật An ninh mạng... Trong các sự kiện kinh tế, chính trị lớn của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Hội đều tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt, từ đó đến nay chưa có hội viên nào vi phạm pháp luật. Hội Doanh nghiệp Quận 11 kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Cờ thi đua của UBND Thành phố Hồ Chí Minh Hoạt động nổi bật của Hội trong thời gian qua là tích cực tuyên truyền các doanh nghiệp trên địa bàn quận tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao và có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á như: Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu, Công ty TNHH Thương mại Lợi Tường, Công ty TNHH Dệt may Việt Hồng, Công ty TNHH Quán Quân, Công ty TNHH sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhất Trí... Với uy tín, chất lượng đã được khẳng định, nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững trên 30 năm, 40 năm và những doanh nghiệp khởi nghiệp luôn đứng vững trên thị trường như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Cường Khanh, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Thuận Nam, Công ty TNHH DP Tâm Đan, Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Thương mại Huỳnh Kiệt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Tây Ô Tô, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Trương Tín Phát. Mặt khác, các doanh nghiệp hội viên cũng luôn có sự gắn kết, phối hợp hài hòa để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hàng năm, Doanh nghiệp tham gia tốt Hội chợ Tôn vinh hàng Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các chương trình do Sở Công Thương hoặc Trung Quốc, Thái Lan tổ chức. Chương trình “Cà phê Doanh nhân Quận 11” đã tổ chức được 12 lần, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt, nội dung chương trình ngày càng thiết thực, bám sát những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Ngoài ra, hằng năm Hội đều tổ chức các buổi giao lưu kết nối giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận để giúp doanh nghiệp có cơ hội được giải ngân mở rộng phát triển nhà xưởng, máy móc và vốn kinh doanh; tổ chức hội thảo về nhiều đề tài gắn với nhu cầu phát triển kinh doanh của hội viên như: Quản trị doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp trước xu thế hội nhập quốc tế… Ban Chấp hành Hội luôn gắn kết chặt chẽ với hội viên và là cầu nối giữa chính quyền với hội viên; đồng thời luôn vận động hội viên áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình “Cà phê Doanh nhân” lần thứ 10 Song song với việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Hội đã đứng ra tổ chức và vận động các hội viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng thông qua những việc làm ý nghĩa như: Đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, xây nhà cho người dân nghèo, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp ủng hộ các tỉnh miền Trung bị thiên tai, bão lũ. Vào dịp Tết cổ truyền hàng năm, Hội luôn đóng góp kinh phí để Mặt trận Tổ quốc quận chăm lo tết cho các hộ nghèo. Hội Doanh nghiệp Quận 11 bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo Trong năm 2020 và 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp phát huy. Các doanh nghiệp hội viên luôn đồng hành cùng UBND quận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp tham gia cùng tuyến đầu chống dịch, đóng góp kinh phí trên 5 tỷ đồng để tiếp tế thực phẩm, suất ăn cho các điểm cách ly, khu phong tỏa, hỗ trợ các điểm tiêm, trao 1.000 túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà, chăm lo cho trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19… Với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Hội doanh nghiệp Quận 11 đã góp phần cùng đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn quận và thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, vượt qua những khó khăn chưa từng có trong năm 2021. 17 năm xây dựng và phát triển chưa phải là một chặng đường dài nhưng Ban Chấp hành Hội và mỗi hội viên doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng tổ chức Hội phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Tổ chức Hội đã thực sự phát huy vai trò là cầu nối uy tín giữa Đảng, chính quyền với doanh nghiệp hội viên, đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng phát triển, hoạt động đúng pháp luật, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh tốt vừa thực hiện trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xã hội. Đỗ Quyên

Trang