TĐKT - Gương mặt hiền lành, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng ngời, giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng, điềm đạm, dáng vẻ thư sinh, đấy là cảm xúc đầu tiên khi tiếp xúc với Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nói chuyện với anh, ít ai nghĩ rằng, đây chính là người lãnh đạo tài ba, là người có tâm, có tầm luôn chịu thiệt về mình “thà hi sinh bản thân nhất định không để đồng đội gặp nguy”.
Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Công an huyện Vân Hồ
Tính đến nay, Trung tá Nguyễn Quốc Việt đã công tác gần 19 năm trong lực lượng công an nhân dân và gần 8 năm làm việc trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy, triệt phá thành công không biết bao nhiêu chuyên án, vụ án ma túy lớn, được mệnh danh “khắc tinh của tội phạm ma túy” khu vực vùng biên.
Gắn bó với mảnh đất vùng cao Vân Hồ, trước kia là Mộc Châu, dường như chưa có cung đường nào là anh chưa qua, từng bản làng xa xôi, vùng cao, vùng biên giới, anh đều đã đặt chân tới, thậm chí người dân ở đó còn coi anh như người thân trong gia đình.
Cơ duyên gắn bó với nghề của anh giống như một định mệnh. Mặc dù gần 19 năm công tác, vất vả, mệt mỏi, nguy hiểm rình rập nhưng chưa có bất kỳ một giây phút nào anh muốn từ bỏ nghề.
Với cương vị là người đứng đầu, bản thân anh luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm xây dựng tập thể nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, cán bộ cảnh sát yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh cũng đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách lớn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn. Đồng thời, anh luôn chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”...
Trung tá Nguyễn Quốc Việt trao đổi với phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng
Nghe anh kể, chia sẻ về quá trình công tác, hoạt động chống tội phạm, mỗi câu chuyện, các chi tiết được tái hiện, cứ ngỡ như là những thước phim quay chậm và các chuyên án ấy chỉ diễn ra trong phim ảnh. Từng chuyên án, anh Nguyễn Quốc Việt luôn nhớ như in, giống như mới diễn ra ngày hôm qua. Tất cả những câu chuyện cũng như những kỷ niệm luôn khắc sâu trong anh theo thời gian.
Nhắc về Trung tá Nguyễn Quốc Việt, từ người cán bộ mới chập chững vào nghề hay những người lính kỳ cựu đều luôn mến mộ, coi anh như người anh, em trong gia đình, dành tình cảm trìu mến, khâm phục và nhận xét rằng “ít có người lãnh đạo nào mà trong tất cả các cuộc chiến đều quên mình là lãnh đạo, xả thân vào cuộc chiến, trực tiếp bắt giữ tội phạm”.
Khi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong hành trình ngần ấy năm làm trinh sát, anh cười hiền lành pha với ánh mắt sáng ngời về những kỷ niệm không quên. Đó là những ngày đầu năm 2021, qua các nguồn tin cung cấp ban đầu xác định đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn thường cất giấu và giao dịch ma túy tại nhà đối tượng tại bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ và nhà đối tượng đang thuê người thực hiện việc khoan giếng nước trong sân nhà. Chớp thời cơ, anh cùng đồng đội lên kế hoạch đánh án. Đó là những ngày trời đông giá lạnh nhất của miền núi Vân Hồ. Trung tá Việt kể, vào hồi 13h30’ ngày 05/01/2021, tại bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ, Công an huyện Vân Hồ chủ trì, phối hợp với tổ số 2, phương án 279, Phòng PC04, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, phát hiện, bắt quả tang đối tượng Giàng A Lề, sinh năm 1990, trú tại bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Đối tượng Lề mới 30 tuổi nhưng đã có “thâm niên, tuổi nghề” trong việc buôn bán trái phép chất ma túy. Xung quanh nhà được đối tượng Lề xây tường rào vững chắc, gắn camera theo dõi. Tinh vi hơn, hắn dùng dây cước chăng các góc kín lối đi trong vườn rồi nối với các hệ thống chuông treo trong nhà, ngoài hiên để nếu có người lạ vào sẽ vướng dây, chuông sẽ đồng loạt kêu báo động để từ đó đối tượng tìm cách đối phó... Đặc biệt là khẩu súng ngắn, đạn đã lên nòng, vật bất ly thân lúc nào đối tượng cũng mang theo bên mình.
Lúc đó, anh em chiến sĩ đánh án rất công phu, vất vả, sau nhiều ngày dầm mình trong mưa rét đến cắt da cắt thịt, sương mù dày đặc đứng cạnh nhau vài mét còn không nhìn rõ mặt nhau. Bằng công tác nghiệp vụ, ngày đêm theo dõi sự di chuyển của đối tượng, cuối cùng các anh đã khống chế thành công đối tượng. Tang vật thu giữ là 1 khẩu súng ngắn và 3 viên đạn, trong đó có 1 viên đạn đã lên nòng. Mở rộng điều tra, cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vân Hồ tiến hành khám xét chỗ ở của Giàng A Lề phát hiện, thu giữ 2 quả lựu đạn, 1 khẩu súng AK, 200 viên đạn, 3 khẩu súng thể thao kèm 65 viên đạn súng thể thao và 9 hộp đạn chì, 1 súng ngắn ổ xoay, 3.285 viên ma túy tổng hợp.
Rồi rất nhiều và rất nhiều vụ án khác nữa đều rất nguy hiểm, gay cấn nhưng không thể làm khó anh và đồng đội. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Trung tá Nguyễn Quốc Việt cùng đồng đội luôn cố gắng hết mình trên trận tuyến đấu tranh chống tội phạm. Đằng sau mỗi chiến công là sự hy sinh thầm lặng không thể nói hết bằng lời của cả một tập thể. Hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn kiên nhẫn, kiên trì trên mặt trận đầy cam go, khốc liệt với mong muốn góp phần làm giảm tội phạm ma túy trên địa bàn, giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Bằng ngần ấy năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đối với Trung tá Nguyễn Quốc Việt, mỗi chuyên án thành công đều để lại một bài học kinh nghiệm sâu sắc mà chính bản thân người đánh án rút ra. Đặc biệt, luôn thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, đã làm thay đổi cục diện, chuyển hóa căn bản địa bàn phức tạp về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng, trên tuyến Tây Bắc nói chung, góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh..
Trong quá trình đấu tranh với tội phạm, anh Việt luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cái chết cận kề nhưng vẫn kiên quyết bắt giữ các đối tượng phạm tội. Khẳng định sự đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách, nêu cao tinh thần tấn công tội phạm của khối đại đoàn kết toàn đơn vị.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, Trung tá Nguyễn Quốc Việt được Chủ tịch nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và đạt Giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu năm 2016; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sỏ; Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và UBND tỉnh Sơn La.
Nhóm phóng viên
Điển hình tiên tiến
TĐKT – Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa ẩm thực độc đáo, tập tính người dân thân thiện và cởi mở, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được nhận định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế đầu tư khai thác và phát triển loại hình du lịch này đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ cho mảnh đất và con người huyện Mộc Châu. Du lịch cộng đồng không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các đồng bào dân tộc một cách rõ rệt.
Cơ sở khang trang, sạch sẽ của Hoa Mộc Miên Homestay ở bản Vặt
Cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi, sinh năm 1992, người dân tộc Thái, vốn sinh ra và lớn lên ở bản Vặt, xã Mường Sàng, huyện Mộc Châu. Không như các thế hệ đi trước, bằng lòng với cuộc sống làm nông nghiệp truyền thống vừa vất vả, vừa không mang lại nguồn thu nhập ổn định, lúc đói lúc no do mùa màng bấp bênh, Tươi lựa chọn phát triển nông nghiệp kết hợp với làm du lịch.
Tươi cho biết: May mắn được cha mẹ cho ăn học đầy đủ nên khi tham gia học cao đẳng Sơn La, cô càng có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng phát triển của mảnh đất quê hương. Vì vậy, sau khi lập gia đình, cô cùng chồng trở lại quê hương để lập nghiệp. Ban đầu, ngoài canh tác những cây trồng truyền thống, hai vợ chồng Tươi dành một phần diện tích đất đai của gia đình để trồng thêm dâu tây và gửi mối bán ở thị trường Hà Nội. Nhưng sau đó, vườn dâu tây không chỉ trở thành sản phẩm nông nghiệp có tính lợi nhuận cao mà còn hút nhiều du khách khi đến tham quan bản Vặt.
Lường Thị Hồng Tươi, chủ nhân của Hoa Mộc Miên homestay luôn đón khách với nụ cười rạng rỡ và trang phục truyền thống của người Thái
Đặc biệt, nhận thấy du khách đến bản không chỉ tham quan mà còn có nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực địa phương và mong muốn được trải nghiệm cuộc sống như người bản địa, năm 2017, cô cùng với 1 - 2 hộ gia đình khác trong bản đầu tư vốn sửa nhà thành nơi lưu trú cho thuê với tên gọi Hoa Mộc Miên homestay; đồng thời từng bước cải tạo dịch vụ, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách bằng cách chăm chút khu vườn dâu tây trĩu quả, tổ chức những buổi biểu diễn văn nghệ với điệu xòe bập bùng bên bếp lửa hồng. “Dù lúc đó, chỉ tự mày mò làm theo những gì mình học hỏi hoặc nghĩ ra nhưng đã có khách đến và ở lại với bản. Điều đó làm cho tôi và các hộ dân trong bản cảm thấy tràn đầy hy vọng” – Tươi cho biết.
Đúng thời điểm cô chân ướt, chân ráo bước vào làm du lịch, thiếu thốn trăm bề, từ vốn liếng đầu tư cho đến kỹ năng, kinh nghiệm, thì đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030. Trong đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng là địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha. Bản Vặt được huyện lựa chọn là nơi thí điểm triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Theo đó, Lường Thị Hồng Tươi và các hộ gia đình trong bản Vặt nhận được sự hướng dẫn tận tình của UBND huyện Mộc Châu, chính quyền xã và sự hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức phi chính phủ APO. Họ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Các công việc như trang trí, vệ sinh nhà cửa, buồng, phòng, ẩm thực, phục vụ du khách, dịch vụ du lịch cộng đồng… đều có quy chuẩn rõ ràng. Các hộ gia đình không làm du lịch một cách tự phát như trước mà có định hướng rõ ràng.
Lối sống hợp vệ sinh được bà con dân tộc Thái ở bản Vặt đón nhận và thay đổi rõ rệt
Là người đồng hành, sát cánh với quá trình xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vặt, chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cho biết đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho “đứa con tinh thần” này. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song từ lãnh đạo huyện cho đến những cán bộ được phân công đều quyết tâm xây dựng thành công mô hình điểm, không quản ngại, xuống ăn, ngủ tại bản để hướng dẫn, cầm tay, chỉ việc cho bà con. Từ vận động nâng cao nhận thức cho bà con, đến lựa chọn hộ gia đình đầu tàu để làm điểm; đồng thời tổ chức các lớp xóa mù, xóa tái mù; tập cho bà con sử dụng internet, mạng xã hội; dạy họ sử dụng tiếng Anh giao tiếp; vận động thay đổi lối sống hợp vệ sinh, gìn giữ và giới thiệu các bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái đến du khách… Tất cả đều phải rất cụ thể và tỉ mỉ.
Với sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền địa phương; sự quyết tâm đổi mới, học hỏi của nhân dân trong bản, không chỉ hộ gia đình cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi mà hiện tại 14 hộ người Thái khác trong bản Vặt đang tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú, homestay rất hiệu quả.
Theo thông tin sơ bộ, khi chưa có dịch, trung bình mỗi hộ kinh doanh homestay tại bản Vặt thu về khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Bản Vặt xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có đội văn nghệ với những điệu múa xòe, múa sạp cùng cách thức lan tỏa bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng người Thái qua từng cử chỉ, câu nói, tục ngữ cha ông.
Đáng nói là, kể cả ở những thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng, nhiều hộ gia đình trong bản Vặt lao đao bởi đó là lúc họ vừa mới bỏ ra khoản kinh phí lớn hoặc phải vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất làm homestay. Nhưng với vận động, đồng hành của chính quyền huyện, địa phương, 100% các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Vặt đều lạc quan, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Năm 2020, ở những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, bà con rất linh hoạt, chủ động trong cách thức quảng bá, kết nối khách du lịch trong nước thông qua mạng xã hội. Tính trong năm 2020, doanh thu từ du lịch cộng đồng của người dân bản Vặt đạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Lường Thị Hồng Tươi không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ cho du khách
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được mở cửa trở lại, bản Vặt bắt đầu có khách đều, hầu như tuần nào ngày cuối tuần cũng có khách. Riêng mô hình Hoa Mộc Miên homestay của vợ chồng Hồng Tươi trong một đến hai tháng trở lại đây, trung bình có khoảng 300 khách/tháng. Hoa Mộc Miên homestay hiện còn đang hỗ trợ cho 10 lao động chính, chủ yếu là phụ nữ trong bản.
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế thông qua du lịch, hộ gia đình Lường Thị Hồng Tươi và người dân bản Vặt còn chăm chút tới diện mạo của bản làng nhỏ bé với môi trường cảnh quan sạch sẽ, trong lành, từng hàng rào hoa nở bốn mùa, những vườn rau xanh mướt, thảo dược quý hiếm cũng được ươm trồng… Nếp sống mới tạo nên những người Thái năng động, tự tin mà cũng rất mộc mạc và ấm áp.
Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu phấn khởi cho biết: Hơn 4 năm vận hành mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, cộng đồng người dân tộc Thái ở bản Vặt, xã Mường Sàng đã có thể tự tin vận hành tốt mô hình này và dựa vào đó để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ mô hình này, hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có thêm 4 bản phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, bản Vặt là nơi đón được nhiều du khách nhất bởi những thuận lợi về đường sá gần trung tâm và cơ bản gìn giữ được bản sắc truyền thống của người Thái.
“Quan trọng hơn việc đánh thức tiềm năng kinh tế, làm đổi thay diện mạo của một vùng đất, những người dân bản Vặt đã và đang nhận thức đúng vai trò của những người làm du lịch cộng đồng bền vững là phải không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng, dịch vụ, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.” – Chị Hường nhấn mạnh.
Hướng ánh mắt và nụ cười duyên dáng về cơ ngơi khang trang của Hoa Mộc Miên homestay với một ngôi nhà sàn rộng rãi khoảng 30 chỗ nghỉ cùng khuôn viên dâu tây, nhà hàng ăn uống, khu vệ sinh sạch sẽ… cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi cho biết: “Bản Vặt đổi thay và phát triển, được nhiều người biết đến như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tôi mong rằng, thời gian tới chính quyền sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc của bà con bản Vặt, giới thiệu, kết nối nhiều hơn với các tour lữ hành trong và ngoài nước, để ngày càng có thêm nhiều du khách đến với bản Vặt hơn nữa”./.
Nhóm phóng viên
TĐKT - Sáng 6/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Viện Nghiên cứu Cơ khí đón nhận Cờ thi đua của Bộ Công Thương
Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) tiền thân là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí được thành lập ngày 6/7/1962. Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, NARIME đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong suốt hành trình ấy, Viện luôn khẳng định vai trò tiên phong thực hiện đường lối cơ khí hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng – Nhà nước và đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trở thành đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển ngành Cơ khí nước nhà.
Từ một đơn vị thiết kế, giai đoạn đầu chỉ là cung cấp thiết kế để chế tạo một số công cụ sản xuất, lấy mẫu một số máy công cụ, động cơ điện, máy bơm nước phục vụ nông nghiệp…, sau đó cao hơn là lấy mẫu để chế tạo một số thiết bị, dây chuyền thiết bị cơ khí cho ngành dệt, cho các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng lò đứng, đến nay, Viện đã phát triển vượt bậc, được đánh giá là tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu, đủ năng lực đảm nhận tư vấn, thiết kế, năng lực tổng thầu những công trình lớn cho các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. NARIME đã góp phần cùng ngành Cơ khí Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong chương trình nội địa hóa thiết bị cho các ngành công nghiệp. Viện đã đi đầu về công nghệ và hoàn toàn làm chủ thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, cung cấp cho hàng chục công trình thủy điện, trong đó có 02 dự án lớn nhất Việt Nam là thủy điện Lai Châu công suất 1200 MW và thủy điện Sơn La công suất 2400 MW. Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành Cơ khí trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí ôn lại truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của Viện
Viện cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải tro xỉ, thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than, thiết bị khử lưu huỳnh… cho các nhà máy: nhiệt điện, xi măng, luyện thép có lưu lượng phát thải bất kỳ.
Trong ngành công nghiệp bô xít, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho 02 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ với hệ thống vận chuyển băng tải đồng bộ cùng chiều dài 4,9km, công suất 720 tấn/h và tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án, khẳng định khả năng có thể đảm nhận vai trò tổng thầu trong đầu tư mở rộng, đầu tư mới các dự án tương tự.
Hiện nay, Viện cũng là đơn vị có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, tính toán, thiết kế, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống tự động hóa cho các công đoạn hay toàn bộ nhà máy giấy, xi măng, thủy điện và nhiệt điện.
Thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội, trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 7 đến 12 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, cùng hàng trăm công bố khoa học trong và ngoài nước. Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện triển khai áp dụng vào các công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất có hiệu quả lớn và được đánh giá cao…
Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, với các kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Viện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ chủ quản tặng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba, và nhiều Bằng khen, Giấy khen…
Tại Lễ kỷ niệm, Viện vinh dự đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội tặng giấy khen cho Đảng bộ Viện đạt tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Công đoàn Viện.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, với 60 năm xây dựng và phát triển, cho tới thời điểm hiện tại, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã khẳng định vị trí và đóng góp không nhỏ của mình trong hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phát triển lĩnh vực cơ khí nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, những khó khăn, thách thức là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu cùng với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng những công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cá nhân, từng đơn vị trong Viện cần phải nhận thức sâu sắc và nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để tranh thủ cơ hội và khắc phục khó khăn, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó phải xác định, mọi hoạt động khoa học và công nghệ phải gắn với sản xuất; đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ tư vấn và các dịch vụ chuyên môn phải bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn và nhanh nhất trở lại phục vụ sản xuất; mối quan hệ hợp tác giữa Viện với các doanh nghiệp, gắn bó bằng những lợi ích chính đáng của các bên và theo những nguyên tắc của cơ chế thị trường…
Phương Thanh
TĐKT - Trải qua 51 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT-DTNT) huyện Mèo Vạc từ một ngôi trường đơn sơ nhà tranh vách nứa, thầy ít trò thưa đến nay đã trở thành một ngôi trường khang trang với bề dầy thành tích.
Trường PT-DTNT huyện Mèo Vạc tại buổi gặp mặt của Ủy ban dân tộc
Được biết, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày một khang trang. Đồng thời, đội ngũ giáo viên của nhà trường không ngừng học tập, bồi dưỡng thường xuyên, tích cực giao lưu học hỏi, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học, phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số và ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn, giảng, nâng cao chất lượng dạy và học. Luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảng dạy, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Trong nhiều năm liền, trường luôn là lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của huyện Mèo Vạc.
Về chất lượng giáo dục, trong nhiều năm liền, nhà trường luôn duy trì 100% sĩ số học sinh. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp luôn đạt từ 97% trở lên; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%; tỷ lệ học sinh theo học cấp THPT sau tốt nghiệp luôn đạt 100%.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng ngày một nâng lên rõ rệt. Hằng năm nhà trường thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, khảo sát và phân loại học sinh ngay từ lớp 6, phân công giáo viên bồi dưỡng theo chuyên đề và có kế hoạch bồi dưỡng theo chiều sâu. Vì vậy, tỷ lệ học sinh giỏi các môn văn hóa không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp (Cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh) luôn đạt trên 35% trở lên. Trong đó có nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh, cấp huyện, giải Đồng thi OLP cấp quốc gia, giải Khuyến khích toàn quốc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường…Trường luôn là đơn vị dẫn đầu về phong trào chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện và trong các trường dân tộc nội trú của tỉnh.
Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường PTDT nội trú huyện Mèo Vạc
Bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động phong trào của trường, trường còn tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào của ngành, huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt là tham gia các hội thi, các buổi giao lưu, các bạn học sinh đạt nhiều thành tích cao như: Giải Đặc biệt, giải Nhất, Nhì trong hội thi Măng non miền Bắc do Tỉnh đoàn tổ chức, giải Nhất trong cuộc thi hùng biện Tiếng Anh do tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; giải Nhì thi Sáng tạo thanh thiếu niên của tỉnh; giải Ba thi Văn hóa truyền thống và kỹ năng sống do Sở Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và tham gia thi các phong trào của huyện đều đạt giải Nhất, Nhì.
Việc tạo các sân chơi bổ ích đã giúp các em phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của bản thân, đồng thời tạo ra niềm hứng khởi khi đến trường, học mà chơi, chơi mà học, giúp các em thêm yêu trường yêu lớp. Do đó, nhiều năm liền nhà trường không có học sinh bỏ học, không có học sinh vi phạm kỷ luật, tỷ lệ học sinh đạo đức tốt, khá luôn đạt 100%.
Cùng với đó, nhà trường tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và đẩy mạnh việc “Học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Phong trào đã được hưởng ứng tích cực, 100% cán bộ đảng viên, giáo viên, học sinh tham gia viết bài thu hoạch, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Trong nhiều năm học, nhà trường đã có nhiều giáo viên là những tấm gương tự học và sáng tạo, đạt thành tích cao trong công tác chuyên môn. 100% giáo viên của trường đạt giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. 100% giáo viên hằng năm được đánh giá mức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt mức khá, tốt theo đánh giá chuẩn nghề nghiệp. Hằng năm, 100% giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không có giáo viên vi phạm kỷ luật. Nhiều cán bộ, giáo viên đã được nhận Bằng khen của bộ, tỉnh và được huyện khen thưởng.
Điều đặc biệt là công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm. Để đảm bảo chế độ và dinh dưỡng học sinh phát triển tốt về thể lực, nhiều năm liền, trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác an toàn, an ninh, trật tự trường học luôn được chú trọng, hằng năm, trường đều được cấp trên đánh giá và công nhận trường học đạt chuẩn “An toàn về an sinh, trật tự” trường học.
Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh cũng được nhà trường quan tâm và thực hiện, đảm bảo, kịp thời, không để xảy ra đơn thư, khiếu nại. Tính đến thời điểm hiện tại,100% giáo viên của nhà trường đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các tổ chức đảng, đoàn thể trong nhà trường luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Đối với chi bộ, hằng năm 100% các đồng chí đảng viên trong chi bộ luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi bộ luôn đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh, được Đảng bộ huyện khen thưởng. Đặc biệt, trong các năm học 2014 - 2015, Chi bộ nhà trường đã được Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua cho chi bộ 5 năm liên tục đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Hàng năm chi bộ đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Huyện ủy khen thưởng...
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hằng năm nhà trường còn thực hiện tốt công tác xây dựng các mô hình điển hình, cụ thể xây dựng và duy trì tốt các mô hình như: Mô hình “Lớp ươm mầm tương lai”, “Gương sáng học tập”, “Những cuốn sách hay”, “Câu lạc bộ tự quản xây dựng nếp sống văn minh”, “Câu lạc bộ Văn hóa dân gian”, mô hình “Nội vụ văn minh - Học sinh năng động”, Mô hình “Thư viện thân thiện”...
Trong đó, mô hình “Lớp ươm mầm tương lai” là mô hình đặc biệt mà nhà trường được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ. Đó việc nhận chăm sóc và nuôi dưỡng 12 bé mới chỉ 7, 8 tuổi, mồ côi cả cha và mẹ được đón từ các xã về. Mục tiêu là giúp các con được đến trường, được học tập trong môi trường tốt để các con không phải bỏ học, đồng thời giúp các con có đủ kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, tự lo cho cuộc sống của mình trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng và thực hiện thành công mô hình “Vườn thực nghiệm”. Các bạn học sinh được học cách trồng, chăm sóc, ươm, chiết ghép cây cảnh tại trường. Mô hình này không chỉ rèn kỹ năng sống cho học sinh và hướng nghiệp nghề cho các em, tạo cảnh quan đẹp cho nhà trường mà còn mang lại giá trị kinh tế, tăng thêm thu nhập của lớp để tổ chức các hoạt động từ nguồn quỹ bán hoa, cây cảnh do các em trồng và chăm sóc.
Với tình thương yêu và sự sẻ chia của các thầy cô giáo, các em học sinh của trường PT-DTNT đã vươn lên trong học tập và đạt thành tích tốt, được nhà trường khen thưởng.
Với kết quả đã đạt được, trong nhiều năm liền, trường luôn đảm bảo các tiêu chuẩn là trường chuẩn Quốc gia. Năm 2022, nhà trường đề nghị cấp trên công nhận trường đạt Kiểm định chất lượng mức 3 và đạt Chuẩn Quốc gia mức 2.
Ghi nhận những cố gắng của thầy và trò, trường đã đạt được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: 10 năm liên tục được đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Hà Giang; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2013, trường được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2017, trường vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm thành lập trường (28/5/1971 - 28/5/2021), nhà trường vinh dự được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt năm học 2021 - 2022, trường vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Những phần thưởng đó là nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn đối với thầy và trò nhà trường, là động lực để thầy, trò cùng cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác dạy và học, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, tô thắm những trang sử vẻ vang của trường PT-DTNT huyện Mèo Vạc trong những chặng đường tiếp theo.
Hồng Thiết
Khen thưởng chuyên viên Văn phòng Ban TĐKT Trung ương cứu người gặp nạn
TĐKT - Ngày 30/6, tại Hà Nội, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang đã trao tặng Giấy khen cho anh Nguyễn Đỗ Chung, chuyên viên phòng Quản trị - Đội xe, Văn phòng Ban có thành tích đột xuất trong cứu người gặp nạn. Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang trao tặng Giấy khen của Trưởng ban cho anh Nguyễn Đỗ Chung Thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban TĐKT Trung ương, từ ngày 23/6 - 25/6, anh Nguyễn Đỗ Chung đã tham dự Hội nghị tập huấn bồi dưỡng "Đạo đức công vụ và văn hóa công sở" đối với công chức của Ban TĐKT Trung ương được tổ chức tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vào lúc 6h sáng ngày 25/6, anh Chung đang tắm biển thì nghe tiếng kêu cứu của cháu bé 15 tuổi, cách vị trí của anh khoảng 10m. Bị chuột rút trong lúc bơi đúng vào khu vực có hố sụt nên cháu bé không thể bơi vào bờ được. Không quản ngại nguy hiểm, anh Chung đã bơi lại gần chỗ cháu và đưa cháu vào bờ an toàn. Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương đã có Quyết định số 101 - QĐ/BTĐKT ngày 30/6/2022 về việc tặng thưởng Giấy khen cho anh Nguyễn Đỗ Chung đã có thành tích trong việc cứu người gặp nạn tại bãi biển TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nguyệt HàTĐKT - Ngày 27/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức họp báo giới thiệu Lễ tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 và các hoạt động đồng hành.
Phát biểu tại chương trình, chị Đặng Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết: Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), năm 2021, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) xây dựng Chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 – 2025 với nội dung tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên; biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Mặc dù triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức, cơ sở Hội và đông đảo cán bộ Hội, hội viên, thanh niên đặc biệt là các gia đình trẻ. Năm 2021, Ban Tổ chức đã tổ chức thành công Tọa đàm “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” và Lễ tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2021 với chủ đề “Điều phi thường của yêu thương”, tuyên dương 20 gia đình trẻ tiêu biểu trong cả nước được dư luận xã hội đánh giá cao…
Quang cảnh buổi họp báo
Tiếp nối thành công đó, năm nay, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên và Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Chương trình năm nay tập trung vào 3 nội dung chính: Các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên, Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 và Chương trình đồng hành “Gia đình trẻ khởi nghiệp”.
Tiêu chí xét chọn các gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 như sau: Các gia đình có vợ hoặc chồng là thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn; thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên đang công tác trong lực lượng vũ trang và các đối tượng thanh niên khác. Các gia đình có các thành viên bố, mẹ và các con; trong đó bố và mẹ kết hôn theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình; bố và mẹ đều ở độ tuổi không quá 40 (sinh từ năm 1982 trở về sau); chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; có uy tín trong cộng đồng, được chính quyền và quần chúng nhân dân ghi nhận; tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động cộng đồng; có những nỗ lực, cố gắng nổi bật vượt qua hoàn cảnh khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; có tinh thần khởi nghiệp làm giàu cho bản thân và giúp đỡ người khác trong cộng đồng; thực hiện tốt vai trò chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái...
Chương trình bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/7 đến ngày 31/8/2022, hồ sơ gửi về: Cổng tri thức Thánh Gióng – Địa chỉ: 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Điện thoại: 042. 62782663). Lễ tuyên dương dự kiến tổ chức từ ngày 30/9 - 02/10/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Mỗi gia đình được tuyên dương sẽ nhận được: Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, kỷ niệm chương của chương và các phần thưởng có giá trị khác.
“Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình đồng hành “Gia đình trẻ khởi nghiệp” để hỗ trợ về vốn, công nghệ, kiến thức... cho những dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình trẻ đang sinh sống ở các làng nghề truyền thống có nguyện vọng, các gia đình trẻ là thanh niên dân tộc, đang sinh sống tại vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi có mong muốn làm kinh tế cải thiện đời sống gia đình để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ”, chị Thảo cho biết thêm.
“PNJ tin rằng mình cần có hoạt động thiết thực để gắn kết, "giữ lửa" yêu thương cho các gia đình trẻ tại Việt Nam - những người đang hàng ngày đối mặt với nhiều áp lực và bị tác động bởi môi trường sống, công nghệ và nhiều tác nhân khác, tạo ra những thay đổi, xáo trộn trong gia đình. PNJ muốn xây dựng văn hóa gia đình, mong các gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Đó cũng là giá trị mà PNJ hướng tới trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, ông Huỳnh Văn Tẩn - Giám đốc Truyền thông Đối ngoại PNJ chia sẻ tại buổi họp báo.
Thông qua các hoạt động trên, Ban Tổ chức mong muốn tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của gia đình đối với mỗi cá nhân và ý nghĩa của việc xây dựng gia đình trẻ no ấm, hạnh phúc, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu; lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; đồng hành, hỗ trợ các gia đình trẻ khởi nghiệp để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Các hoạt động sẽ được diễn ra từ nay cho đến hết năm 2022.
Thục Anh
TĐKT - Ngày 22/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo công bố, phát động giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2022. Đây là năm thứ ba, Bộ TT&TT phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giải thưởng này.
Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ TT&TT chủ trì xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam và thời đại.
Giải thưởng là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2022 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Họp báo công bố, phát động giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2022
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: Giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số, với quy mô lớn trên toàn quốc, quy tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới ICT nước nhà. Giải thưởng cũng quy tụ những sản phẩm, giải pháp xuất sắc đã đạt giải cao của các hội, hiệp hội về công nghệ thông tin – truyền thông trong nước.
Trong năm nay, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Bộ TT&TT là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì chuyển đổi số khi đó mới là thành công. Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được nhiều nền tảng số, ứng dụng số.
Để khuyến khích và quảng bá mạnh mẽ, đưa các sản phẩm đến với người sử dụng, giải thưởng năm nay sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Điểm mới của giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022 so với các năm trước thể hiện ở các hạng mục giải thưởng. Theo đó, năm nay, các sản phẩm công nghệ số xuất sắc sẽ được trao giải theo 4 hạng mục bám sát vào 3 trụ cột thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục khuyến khích, động viên cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số mới, bao gồm: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số; sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; sản phẩm số tiềm năng.
Mỗi hạng mục giải thưởng sẽ có các giải vàng, bạc, đồng và top 10. Các sản phẩm được tôn vinh phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là “Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam” và “Tác động, ảnh hưởng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”.
Đối tượng tham gia giải thưởng là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế. Một điểm mới so với giải thưởng trong 2 năm trước là nếu doanh nghiệp dự giải có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần.
Đặc biệt, Giải thưởng năm nay bổ sung thêm quyền lợi của doanh nghiệp đạt giải thưởng được ưu tiên trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của Bộ TT&TT, VCCI. Đây chính là điểm nhấn, khác biệt so với các Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT-TT hiện nay, cũng là vai trò của Bộ trong việc định hướng, dẫn dắt doanh nghiệp công nghệ số.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải giải vàng, bạc, đồng được nhận cúp, giấy chứng nhận đạt giải thưởng. Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ trao Bằng khen cho đơn vị tham gia đạt giải Vàng. Đơn vị tham gia đạt Top 10 được nhận giấy chứng nhận giải thưởng.
Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia giải thưởng từ ngày 22/6/2022 đến hết ngày 22/9/2022. Trong thời gian từ 22/6/2022 đến 21/7/2022, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo quy chế. Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử giải thưởng: giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.
Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2022.
Trang Lê
TĐKT – Không chỉ là người thầy thuốc quân y trách nhiệm, tận tụy với công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh, Thượng úy Bs Bùi Thị Hương Lan (Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) còn được tôn vinh là nữ chiến sĩ giàu bản lĩnh và nghị lực bởi những ấn tượng tốt đẹp tại các Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games.
Hai lần liên tiếp tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games
Vốn là một bác sĩ trẻ, tốt nghiệp Học viện Quân y, năm 2019, nữ bác sĩ Bùi Thị Hương Lan về nhận công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108. Ngay những ngày đầu nhận công tác ở khoa Nội tim mạch, bác sĩ Lan hết mình trong công việc và các phong trào của khoa cũng như bệnh viện.
Tháng 5/2019, bác sĩ Bùi Thị Hương Lan nhận được lệnh tập trung đi huấn luyện tham gia Army Game 2019 tại Uzbekistan. Tham gia cuộc thi “Tiếp sức quân y” giữa thao trường Forish đầy nắng gió, nhiệt độ luôn trên 40 độ C ở Tashkent (Uzbekistan), bác sĩ Lan cùng đồng đội đã nỗ lực không ngừng trước những đối thủ mạnh đến từ các nước như Azerbaijan, Belarus, Nga, Kazakhstan và nước chủ nhà Uzbekistan… khi tham gia các bài thi khó, đòi hỏi thể lực, thể hình và sức bền rất cao.
Kỹ thuật hồi sinh tim phổi được chấm hoàn toàn tự động thông qua hệ thống máy tính kết nối với ma-nơ-canh. Các thao tác của bác sĩ sẽ được tính theo từng nhịp, lực ép, thời gian ép, thời gian giữa các nhịp ép, lưu lượng thở, thời gian giữa các nhịp thổi... Các thao tác sẽ được quy ra phần trăm cứu sống thương binh. Bác sĩ Bùi Thị Hương Lan cùng đội thi ‘Tiếp sức quân y” của Việt Nam đã có những giây phút cam go trên đấu trường.
Lan chia sẻ: Tham gia Army Games đã giúp tôi trải nghiệm không khí chiến trường khốc liệt và hiểu hơn nhiệm vụ của một bác sĩ quân y. Tôi phải rèn luyện nhiều hơn để có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, không sợ gian nan, nguy hiểm, gặp tình huống nào cũng phải bình tĩnh xử trí để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Đến tháng 5/2020, bác sĩ Lan tiếp tục được triệu tập tập huấn tham dự Army Games năm 2020. Trong quá trình thi đấu, bác sĩ Lan nhớ nhất phần thi nội dung bắn súng ngắn. Khó khăn tăng cao khi Lan và các bác sĩ quân y phải vượt qua bãi vật cản và thực hiện các kỹ thuật: Ném lựu đạn, chui hầm, vượt hầm, nhảy tường, bò qua gầm xe thiết giáp, chạy ngược lại lắp súng, chạy dích dắc… rồi chạy đường pitch khoảng 300m để sang làm kỹ thuật cấp cứu.
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan (thứ 6 từ phải sang) tham gia Hội thao Quân sự quốc tế Army Games năm 2020
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan nhớ như in, khi tham gia thi đấu Army Games tại Uzbekistan lần thứ 2 năm 2020, chị bị mắc Covid-19 nên được cách ly tại Nga và điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Nhưng dù hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, bác sĩ Lan đều tỏ rõ quyết tâm chính trị, nhận thức đúng đắn nhiệm vụ, đoàn kết trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tiếp tục nâng cao phẩm chất, trí tuệ của người thầy thuốc quân y.
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan (khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108) luyện tập và thi đấu tại Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games năm 2019
Nỗ lực học hỏi không ngừng nhằm nâng cao trình độ
Bệnh nhân Trần Đình Chiến (Hà Nội) – một người cựu quân nhân cao tuổi thường xuyên khám, chữa bệnh ở khoa Nội Tim mạch nhận định: Bác sĩ Lan tuy còn trẻ nhưng rất nhiệt tình. Dù bận, công việc căng thẳng nhưng bác sĩ Lan vẫn luôn nhẹ nhàng, từ tốn, trả lời cụ thể và lần lượt khám, chữa chu đáo, cẩn thận cho từng người bệnh. Thỉnh thoảng, Lan quay sang trao đổi chuyên môn với các y, bác sĩ của khoa. Tôi thấy rất hài lòng với đội ngũ bác sĩ của khoa Nội tim mạch và càng tin tưởng hơn ở trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện TWQĐ 108.
Bác sĩ Lan vẫn luôn quan niệm, ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên đòi hỏi mỗi bác sĩ phải có đức, có tài, phải nắm chắc kiến thức để vận dụng vào thực hành và thường xuyên cập nhật kiến thức mới để chữa trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Thời gian tới, Lan mong muốn tiếp tục được đi học tập để nâng cao trình độ chuyên môn.
Đại tá Phạm Trường Sơn, Chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch cho biết: Bùi Thị Hương Lan là một bác sĩ trẻ nhưng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt kiến thức chuyên ngành trong khám, điều trị cho bệnh nhân tại khoa và tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Vừa qua, Bùi Thị Hương Lan đã nhận được Bằng khen của Tổng cục Chính trị khi tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games. Đó là niềm vinh dự cho cá nhân đồng chí cũng là niềm tự hào của khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108.
Hình ảnh Thượng úy Bùi Thị Hương Lan nữ bác sĩ của khoa Nội Tim mạch thi đấu đầy quyết tâm, nỗ lực tại Army Games đã tạo ấn tượng đẹp về người chiến sĩ, bác sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Bệnh viện TWQĐ 108 nói riêng với bạn bè quốc tế.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Hải Dần
Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022 tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu
TĐKT - Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 được triển khai từ tháng 5 đến tháng 8/2022. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có độ tuổi không quá 35 tuổi. Chương trình được tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Đồng thời mong muốn tạo sự lan tỏa và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2021 Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác. Theo kế hoạch, thời gian nhận hồ sơ từ ngày từ 30/5/2022 đến hết ngày 25/7/202. Ngày 04/8/2022, Ban Tổ chức sẽ họp Hội đồng xét chọn các gương thanh niên khuyết tật tham gia Chương trình. Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào ngày 25 - 26/8/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Hồ sơ ứng viên gửi về theo địa chỉ: Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022”). Bên cạnh đó, BTC cũng phát động Cuộc thi viết “Tỏa sáng Nghị lực Việt” dành cho đối tượng là công dân Việt Nam. Nội dung bài viết là các câu chuyện có thật về những tấm gương thanh niên khuyết tật vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp cho xã hội; những mô hình, sáng kiến, giải pháp giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập với xã hội… Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức từ tháng 5 đến tháng 8/2022. Đây là hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Mai ThảoTĐKT - Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) diễn ra nhanh chóng khiến những người con đi làm ăn, sinh sống, học tập, công tác xa quê mỗi lần trở về đều không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn vui sướng, tự hào. Từ trung tâm huyện đến mỗi xóm làng nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, nhà cửa khang trang, to đẹp, xe cộ tấp nập ngược xuôi, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo của huyện ngày càng đổi mới.
Thủy Nguyên là một huyện lớn nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, được đánh giá là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng để sớm trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng trong tương lai gần. Ngoài lợi thế phát triển công nghiệp; Thủy Nguyên có điều kiện phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Phát huy lợi thế của vùng ven đô giáp hải cảng với nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Sông Giá, hang Lương, hang Vua, khu vực núi Tràng Kênh... và nhiều công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, bức tranh kinh tế Thủy Nguyên trong giai đoạn gần đây có nhiều điểm sáng. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Hiện Thủy Nguyên đang xây dựng, phát triển với mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị văn minh, hiện đại; trung tâm hành chính - chính trị, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao của thành phố; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; quốc phòng - an ninh đảm bảo; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đời sống của nhân dân nâng cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp suốt hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, huyện Thủy Nguyên đã quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời huy động nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch đạt chất lượng cao nhất. Trong năm 2021, huyện hoàn thành 17/18 chỉ tiêu thành phố giao (1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 95,0% kế hoạch) và đạt 9/10 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 18/12/2020 của Huyện ủy, Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 24/12/2020 của Hội đồng nhân dân huyện.
Một số kết quả nổi bật là: Tổng giá trị sản xuất các ngành thực hiện 34.896,2 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 17,2% so với năm 2020. Nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng 2,5%; nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 21,5%; nhóm dịch vụ tăng 14,6%. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành: Công nghiệp - xây dựng 56,8%; dịch vụ 34,5%; nông - lâm - thủy sản 8,7%. Tổng đầu tư xã hội thực hiện 11.659 tỷ đồng, đạt 122,7% kế hoạch, tăng 150,5% so với năm 2020. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện 1.685,064 tỷ đồng, đạt 107,2% dự toán thành phố, 93,5% dự toán huyện. Giải quyết việc làm thực hiện 9.000 lượt lao động, đạt 100% kế hoạch; đào tạo nghề được 6.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo giảm còn 1,4%.
Nhiều dự án, công trình được khởi công, khánh thành trên địa bàn như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 10, hoàn thành 111 công trình trong kế hoạch đầu tư công huyện và các công trình tại 7 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo các tiêu chí về phát triển đô thị. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố và huyện được tập trung chỉ đạo; trong đó, hoàn thành vượt tiến độ giải phóng mặt bằng các điểm ưu tiên, các vị trí quan trọng của Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; dự án đường thị trấn Minh Đức.
Về xây dựng nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí và có 2 xã cơ bản hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được 172,33 ha, chủ yếu cây lâu năm, cây hàng năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá cấp 3 sao cho các sản phẩm: Na bở của Hợp tác xã SXKD và DV nông nghiệp Liên Khê; 6 sản phẩm giò chả của cơ sở sản xuất giò chả Lương Đào xã Lưu Kiếm; 2 sản phẩm bánh của Công ty TNHH bánh mứt Hoàn Tiến và mật ong của Hợp tác xã sản xuất mật ong, ong giống An Sơn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được huyện thực hiện chặt chẽ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Với sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhất là hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác của trung ương và thành phố về làm việc tại huyện; đã cơ bản chấm dứt tình trạng đơn thư, khiếu kiện đông người vượt cấp.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) tầm nhìn đến năm 2045. Đối với huyện, những kết quả đạt được trong năm 2021 và nhiệm kỳ qua là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đan xen, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với chủ đề: “Tập trung giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các quy trình, thủ tục về Đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng.
Nguyễn Quân
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- …
- sau ›
- cuối cùng »