Điển hình tiên tiến

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và tuyên dương cán bộ công đoàn tiêu biểu. Lễ kỷ niệm kết hợp tổ chức trực tuyến tại các Đại học, trường Đại học, các đơn vị trong khối thi đua; Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố và các đơn vị, trường học trong ngành Giáo dục. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện lãnh đạo các công đoàn ngành Trung ương, các đơn vị, trường học trong ngành Giáo dục đã tham dự lễ kỷ niệm. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đây là ghi nhận xứng đáng đối với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong ngành Giáo dục về sức sáng tạo, tinh thần vượt khó và tận tụy cống hiến, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân phát biểu, ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập ngày 22/7/1951 tại Chiến khu Việt Bắc. Trải qua 7 thập kỷ với những dấu ấn tự hào, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã củng cố, phát triển, làm tốt vai trò của tổ chức công đoàn mang tính ngành nghề sâu sắc, đồng hành cùng ngành Giáo dục trên mỗi chặng đường xây dựng và trưởng thành. Các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... và gần đây là các nội dung thi đua: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, “Đổi mới sáng tạo trong hoạt động công đoàn”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”… đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần khơi dậy và phát huy phẩm chất, tinh thần sáng tạo, đổi mới, tận tụy cống hiến vì sự nghiệp “trồng người”. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những thời cơ và thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn, với ngành Giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, cán bộ đoàn viên Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nền giáo dục nước nhà và thành tựu chung của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận: Trải qua gần 3/4 thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; động viên, hỗ trợ các thầy cô vượt qua khó khăn, hết lòng vì học sinh và tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích, đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động ngành Giáo dục trong 70 năm qua. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ rõ nhiều thách thức, tồn tại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhà giáo, mà toàn ngành, trong đó trách nhiệm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phải quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết. Đó là chế độ, chính sách để phát triển đội ngũ giáo viên, chăm lo đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, xa, khó khăn; vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều nơi; hỗ trợ giáo viên trong tình hình dịch bệnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong khối giáo dục tư thục, đặc biệt khối mầm non và tiểu học ngoài công lập... Bộ trưởng nhấn mạnh: Nền giáo dục nước nhà chỉ có thể phát triển, hoàn thành sứ mệnh giáo dục con người và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước khi có một đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tâm huyết, trách nhiệm. Trong các định hướng phát triển trọng tâm thời gian tới của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng mong muốn, hoạt động của Công đoàn Giáo dục cần phát huy hơn nữa sự chủ động sáng tạo của nhà giáo, sự mẫu mực về nhân cách và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhà giáo. Tuyên dương các công đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN Công đoàn cần khích lệ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới bản thân để đổi mới ngành Giáo dục-Đào tạo. Cần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh, mô phạm trong các nhà trường; phối hợp, giám sát việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động, đặc biệt là chế độ chính sách đối với nhà giáo vùng khó khăn, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn và tin tưởng, cán bộ, công đoàn viên Công đoàn ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, kiên định mục tiêu vì đoàn viên và người lao động. Đồng thời, sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; là chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên, nhà giáo, người lao động trong ngành; đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà và những thành tựu chung của tổ chức công đoàn Việt Nam. Nhân dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao Bằng khen, tuyên dương 70 cán bộ công đoàn tiêu biểu trong toàn ngành. Theo vpctn.vn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Phấn đấu mỗi nữ quân nhân, nữ công nhân viên chức, lao động quốc phòng là một gương sáng”

TĐKT - Chiều 13/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp 60 nữ sĩ quan, chiến sĩ, đại diện cho các đại biểu về dự Đại hội đại biểu phụ nữ quân đội lần thứ VII (2021 - 2026) vừa kết thúc thành công tại Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tiêu biểu đại diện về dự Đại hội đại biểu phụ nữ quân đội lần thứ VII (ảnh: TTXVN) Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp mặt các nữ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ quân đội lần thứ VII (202 1- 2026) - những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong công tác phụ nữ và phong trào thi đua của phụ nữ quân đội 5 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Các đồng chí không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hoàn thành tốt thiên chức của người phụ nữ, là những người giữ lửa hạnh phúc gia đình, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. Các đồng chí thực sự là những người “Giỏi việc nước, đảm việc nhà””. Để khơi dậy khát vọng cống hiến và phát huy vai trò của tổ chức hội phụ nữ, tiềm năng, sức sáng tạo của từng hội viên phụ nữ trên mọi lĩnh vực công tác, tiếp tục thắp sáng và lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, Chủ tịch nước đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, rèn luyện, tiến bộ và trưởng thành, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vừa hoàn thành thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn nữa các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu để tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quân đội và trong toàn xã hội. Phấn đấu mỗi nữ quân nhân, nữ công nhân viên chức, lao động quốc phòng là một gương sáng; mỗi gia đình là một điểm sáng trong đơn vị và ở khu dân cư. Được biết, với trên 90.000 cán bộ, hội viên và hơn 2.000 tổ chức hội cơ sở, phụ nữ quân đội có mặt ở tất cả các loại hình đơn vị, trong mọi lĩnh vực công tác, đóng quân trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Dù ở đâu, trên cương vị nào, phụ nữ quân đội luôn phát huy tốt những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là làm tốt thiên chức người vợ, người mẹ; chăm lo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần xây dựng các khu gia đình quân nhân trở thành điểm sáng văn hóa ở khu dân cư tại các địa phương. Số cán bộ, nhân viên nữ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao; một số đồng chí được bổ nhiệm là cán bộ chủ trì, được phong quân hàm cấp Tướng. Có hơn 2.000 đề tài nghiên cứu khoa học, hơn 4.000 công trình, sản phẩm và ý tưởng sáng tạo của phụ nữ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực, làm lợi cho quân đội hàng tỷ đồng… Nguyệt Hà

Phó Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các gương đại biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”

TĐKT - Sáng nay 13/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã gặp mặt Đoàn đại biểu dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021. Cùng dự có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TCPVN; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành trung ương  và 21 đại biểu tham dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” lần đầu được tổ chức năm 2013, nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vươn lên chiến thắng số phận, đóng góp tiêu biểu vào sự phát triển của cộng đồng. Với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng. Từ năm 2014 đến 2019, đã có 4 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp Trung ương được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An. Các cơ sở Hội LHTN Việt Nam trên cả nước cũng đã triển khai khoảng 2.250 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp địa phương. Qua đây, tuyên dương hơn 546 nghìn thanh niên khuyết tật tiêu biểu, xuất sắc. Tiếp nối thành công của chương trình, năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vẫn tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức Chương trình“Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 để tiếp tục lan tỏa những tấm gương sống trách nhiệm, nghị lực trong xã hội. Sau hơn 1 tháng triển khai kể từ ngày 25/11/2021, Ban Tổ chức đã nhận được 75 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 46 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Ngày 29/11/2021, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 34 tỉnh, thành phố tham gia chương trình. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình với Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Khắc Định. Đại biểu Lương Thị Kiều Thúy, Nhà sáng lập kiêm Nhà quản lý “Tiệm giặt là của người điếc” tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), xúc động nói: “Không ít người nghĩ tôi có mắt sáng, chân tay lành lặn, đi lại bình thường thì không hề khuyết tật. Đó là sự thật mà nhiều người khiếm thính như tôi phải chấp nhận trong nhiều năm nay”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng quà cho các đại biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 Năm 2019, chị Kiều Thúy bắt tay khảo sát và thấy rằng, người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là về việc phát âm. Ngoài ra, cộng đồng người khiếm thính có mức thu nhập rất thấp, chỉ từ 1 - 4 triệu đồng. Dịch Covid-19 ập tới, cuộc sống người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng càng vất vả hơn. Vì vậy, chị và 2 người bạn đã quyết định mở “Tiệm giặt là của người điếc”. “Ngày ngày, tôi vẫn thầm ước ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc trở nên phổ biến hơn. Mong rằng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện phát triển công bằng, nâng cao vị thế của người khuyết tật”, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết. Còn với đại biểu Nguyễn Thị Nha, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương cho rằng: “Độ mở tiếp cận nguồn vốn đã hẹp, các thủ tục còn phức tạp hơn. Ví dụ như tôi hằng ngày vẫn phải di chuyển 40km đến Ngân hàng Chính sách của tỉnh để hoàn thiện các thủ tục, rất khó khăn cho một người khuyết tật. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu một cơ sở sản xuất với tất cả nhân công đều là người khuyết tật”. Sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã biểu dương, bày tỏ khâm phục trước những thành tích, cống hiến của 50 đại biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Đây đều là những tấm gương sáng về ý chí, không những luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, mà còn chăm lo gia đình, đóng góp cho xã hội, tạo niềm tin, lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật vượt khó, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Các đại biểu đã tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống cho không chỉ người khuyết tật mà còn cả người không khuyết tật. Nghị lực phi thường đã giúp họ trở thành những hạt nhân tiêu biểu của toàn xã hội”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nói. Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng khẳng định: Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển bền vững đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức hiệu quả chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, góp phần lan tỏa, làm sâu sắc những giá trị nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục chung tay triển khai thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng vượt khó để học tập, lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho cộng đồng. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cần phối hợp nghiên cứu những chính sách, dịch vụ đặc thù, phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật, tạo môi trường để cộng đồng người khuyết tật tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cộng đồng; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để người khuyết tật thực hiện tốt các quyền của bản thân, nhất là quyền bình đẳng. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tặng quà các đại biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021. Mai Thảo      

Tổng hội Y học Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì và Lễ tôn vinh trí thức tiêu biểu ngành Y tế lần thứ hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự buổi lễ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN Việc tổ chức tôn vinh tri thức tiêu biểu ngành Y tế có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, đồng thời thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Tổng hội Y học Việt Nam đối với trí thức tiêu biểu, có nhiều công lao, có nhiều thành tích xuất sắc trong sự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng được củng cố và phát triển. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Hệ thống y tế, cơ chế tài chính được đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả. Các chỉ số về sức khỏe như tuổi thọ bình quân được cải thiện, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện mục tiêu phát triển thiên niêm kỷ của Liên hợp quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp của Tổng hội Y học Việt Nam và các tầng lớp tri thức, các thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam trong việc triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao biểu trưng tôn vinh các tri thức tiêu biểu của Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận những đóng góp của các trí thức, đồng thời mong muốn các trí thức tiếp tục phát huy vai trò, trí tuệ, tài năng để cống hiến cho lĩnh vực y tế, luôn là tấm gương sáng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân giữ gìn, nâng cao sức khỏe mà còn để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á cho biết, việc lựa chọn tôn vinh các trí thức tiêu biểu ngành Y tế năm 2021 dựa trên các tiêu chí quan trọng. Trong quá trình tôn vinh trí thức tiêu biểu ngành Y tế lần thứ hai, Hội đồng xét chọn trí thức tiêu biểu đã lựa chọn ra 87 trí thức tiêu biểu. Trong số những trí thức được tôn vinh năm 2021 có 24 người có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ và tương đương trở lên; 36 người có học hàm, học vị Phó Giáo sư Tiến sĩ và tương đương trở lên; 27 người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sỹ chuyên khoa II. Đây là những cá nhân tiêu biểu đã tích cực tham gia các hoạt động hội và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Tổng hội, đặc biệt là tích cực tham gia các hoạt động phòng chống COVID-19, có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển của Tổng hội Y học Việt Nam nói riêng và của toàn nền y học Việt Nam. Danh hiệu Trí thức tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào đối với chính người trí thức được tôn vinh và gia đình mà còn trở thành niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đối với Tổng hội Y học Việt Nam để tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo, trí tuệ của đội ngũ trí thức ngành y tế, các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm trong quản lý và lĩnh vực lâm sàng vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Tổng hội Y học Việt Nam. Đây là phần thưởng cáo quý, ghi nhận những cố gắng nỗ lực không ngừng của các thế hệ thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam trong 66 năm qua. Cũng trong dịp này, Đại hội Tổng hội Y học Việt Nam khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào chiều 10/12. Theo vpctn.gov.vn

Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 180 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký các quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 79 tập thể và 101 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn cán bộ y, bác sĩ thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đến hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN phát Trong đó, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 14 cá nhân thuộc Bộ Công an; 1 cá nhân thuộc Bệnh viện Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 79 tập thể và 86 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng. Theo TTXVN  

Cô gái tật nguyền và khát vọng lan tỏa tri thức qua mô hình thư viện miễn phí

TĐKT – Bị căn bệnh viêm khớp dạng thấp cướp đi quyền được tự do đi lại bằng đôi chân của chính mình nhưng chị Trần Thúy Nga (sinh năm 1985, ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã không đầu hàng số phận mà quyết chí vượt khó để lan tỏa tri thức thông qua mô hình thư viện miễn phí. “Điểm hẹn” tri thức Sau giờ học và vào những ngày nghỉ trong tuần, các em học sinh xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) thường tranh thủ ghé nhà chị Trần Thúy Nga ở xóm 6 để đọc, mượn và trao đổi sách. Tủ sách của chị có khá nhiều loại, từ sách văn học, khoa học, lịch sử đến sách thiếu nhi, ngoại ngữ, sức khỏe… Đến đây, các em học sinh sẽ được củng cố và mở mang tri thức, phục vụ cho việc học tập, nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng xử. Em Phan Nguyễn Lam - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ) cho biết: “Em gắn bó với tủ sách của chị Nga đã 4 năm nay và được đọc những cuốn sách bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. Nhờ có được những kiến thức từ các cuốn sách nên em tự tin hơn trong giao tiếp, kết quả học tập cũng được nâng lên. Đặc biệt, em và các bạn còn học được ở chị Nga nghị lực vượt lên số phận". Thư viện của Nga luôn được các bạn học sinh, thanh niên và những người cùng cảnh ngộ đến để đọc và tìm sách tham khảo. Không chỉ các em học sinh, tủ sách của chị Nga còn thu hút bà con nhân dân trong xóm, trong xã, nhiều người đã tìm đến mượn sách để nâng cao, mở mang sự hiểu biết. “Tôi thường xuyên đến đây để đọc sách, sưu tầm những bài thuốc dân gian để chăm sóc sức khỏe. Đến đây, tôi thấy mình được tiếp nhận nhiều điều bổ ích, kiến thức về văn hóa - xã hội cũng dày thêm” - Bà Ngô Thị Hợi,  xóm 10, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) chia sẻ. Nữ chủ nhân của tủ sách với khuôn mặt hiền từ, nụ cười rất tươi, cặp mắt như biết nói, suốt ngày ngồi xe lăn, chỉ đến khuya mới lên giường để ngủ. Chị Trần Thúy Nga bộc bạch: “Từ nhỏ, sớm nhận biết được sự vất vả của mẹ và các anh chị, tôi đã luôn chăm chỉ học tốt và siêng năng làm việc. Tôi thầm hứa mình sẽ làm thật tốt, trở thành người có ích, để mẹ và các anh chị tự hào. Nhưng không ngờ, chuẩn bị bước vào lớp 8, bất hạnh ập đến, khép lại bao mơ ước về tương lai”. Chị kể, suốt cuộc đời sẽ không bao giờ quên được mùa hè năm 1998, khi bước sang tuổi 13, toàn thân chị đau buốt khắp toàn thân, chân tay ngày càng khó cử động vì căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Sau nhiều tháng ngày điều trị, bác sĩ bảo bệnh của chị đã bị "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm, nghĩa là phải sống chung với sự đau đớn. Và rồi, ngày định mệnh đã đến, toàn thân chị tê liệt, không còn khả năng bước đi bằng đôi chân của mình và chiếc xe lăn trở thành người bạn. Từ đó, cuộc đời chị bắt đầu chuỗi ngày sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, những giọt nước mắt buồn tủi luôn ướt đẫm khuôn mặt, khóc nhiều nên mắt sưng húp, có lúc chị chỉ muốn tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi… Lan tỏa sự yêu thương từ đọc sách Dù nghèo, mẹ và các anh chị vẫn hết lòng chạy chữa, đi hết bệnh viện này đến thầy lang khác nhưng cuối cùng đành bất lực nhìn chị Nga chịu cảnh tật nguyền. Thương em gái sớm phải gánh chịu số phận bất hạnh, chị gái mua cho Nga nhiều cuốn sách hay để đọc cho quên đi nỗi buồn, cho dòng chảy thời gian như ngắn lại. Rồi được những người em họ cũng mua sách tặng, chị Nga bắt đầu vùi đầu vào những cuốn sách, đọc một cách mê mải. Mỗi lần nhập tâm vào trang sách, cô gái tạm quên đi cơn đau và nỗi tủi thân của đời mình. Rồi qua những trang sách, chị Nga biết đến những người cùng cảnh ngộ và giàu nghị lực, dũng cảm vượt lên số phận như anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương. Với chị Trần Thúy Nga, thực hiện sứ mệnh “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” - là nguồn vui của cuộc đời. Đặc biệt là chị Nguyễn Bích Lan, tác giả của tự truyện "Không gục ngã" - cuốn sách về nghị lực sống của những con người gặp phải khó khăn và những thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời. “Say mê với sách, cố gắng vượt qua những cơn đau không bao giờ dứt, trong tôi trào dâng niềm khát khao làm được điều tốt đẹp như các anh chị ấy. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng, nhưng tôi vẫn cố nén chịu, gắng luyện viết, luyện vẽ. Lâu dần, bàn tay cũng bớt run và nét chữ đẹp trở lại, tôi bắt đầu viết những trang mới về cuộc đời mình” - chị Trần Thúy Nga xúc động chia sẻ. Những cuốn sách giúp chị Nga vơi đi phần nào đau đớn, chị gái lại động viên em mở tủ sách, ban đầu cho thuê với mức 200 đồng/quyển. Chị Nga cần mẫn gom những đồng tiền ít ỏi, cộng thêm tiền bán hàng tạp hóa, tiết kiệm chi tiêu để mua thêm sách mới. Với kinh nghiệm đọc sách đã được tích lũy, chị chọn được thêm nhiều sách hay, ưu tiên mua những cuốn sách mang đậm ý nghĩa nhân văn, giúp người đọc hướng đến những điều tốt đẹp. Hiện tủ sách của chị Nga đã có gần 4.000 đầu sách, chị không cho thuê sách nữa mà vận động mọi người đến đọc miễn phí, ai có nhu cầu có thể mượn về nhà. Mỗi ngày, chị tiếp hàng chục người khách là các em học sinh và người dân lao động đến nhà mượn sách. Niềm vui của chị là giúp nhiều người tạo được thói quen đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở vùng thôn quê. Hiện chị sống cùng mẹ và vợ chồng người anh trai, ngoài việc quản lý tủ sách miễn phí, chị còn có quầy hàng tạp hóa nho nhỏ để kiếm tiền chi tiêu hàng ngày. Với thành tích của mình, chị Trần Thúy Nga vinh dự là một trong 50 gương Thanh niên được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Hưng Vũ

Bộ đội Biên phòng đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn

TĐKT - Ngày 8/12, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về kết quả đợt cao điểm phòng, chống ma túy và tội phạm năm 2021. Dự buổi gặp mặt có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP; Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP). Thừa ủy quyền của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP trao thưởng cho Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai Ngày 21/11/2021, Bộ Quốc phòng đã ban hành chỉ thị về việc triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022. Quán triệt nghiêm túc các chỉ thị đợt cao điểm phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng BĐBP đã duy trì tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, kịp thời phát hiện các loại tội phạm như tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán người; triệt phá nhiều đường dây; xác lập các chuyên án lớn đấu tranh các loại tội phạm. Chỉ sau 20 ngày triển khai, các đơn vị BĐBP đã xác lập, đấu tranh thành công 13 chuyên án (9 chuyên án ma túy, 2 buôn lậu, 2 xuất nhập cảnh trái phép); bắt giữ 606 vụ với 1.187 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật; thu giữ 203,2 kg ma túy các loại; thu giữ hàng hóa buôn lậu, trị giá trên 30 tỷ đồng; phá 3 vụ án mua bán người, giải cứu, tiếp nhận 8 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, trong đó có 2 nạn nhân bị bán khi mới 15 tuổi. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án A721, vào ngày 28/11/2021, tại khu vực tỉnh lộ 152B thuộc thôn Nậm Cúm, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với BĐBP Lào Cai mật phục, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ 100 bánh heroin, 180 nghìn viên ma túy và 1kg ma túy dạng đá... Trước đó, vào ngày 21/11/2021, BĐBP Quảng Bình đã đấu tranh thành công chuyên án QB1121 triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào qua tỉnh Quảng Bình vào các tỉnh phía Nam để vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ, bắt giữ 2 đối tượng quốc tịch Lào, tang vật thu giữ 300 nghìn viên ma túy tổng hợp. Ngày 2/12/2021, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với BĐBP Quảng Trị đấu tranh thành công chuyên án A2-1121, triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào qua tỉnh Quảng Trị đi nước thứ 3 tiêu thụ, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ 21kg ma túy tổng hợp dạng đá. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP yêu cầu lực lượng BĐBP tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, vùng biển, trong đó có kế hoạch thực hiện đợt cao điểm phòng, chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán năm 2022; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, duy trì tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, bắt giữ các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép; chủ động xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập các chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng BĐBP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã gửi Thư khen Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai đã có thành tích triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào qua Sơn La về Lào Cai để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ 56 kg ma túy các loại. Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP cũng khen thưởng 2 đơn vị trên. Nguyệt Hà

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Chiều 7/12, tại Hà Nội, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (14/9/1961 - 14/9/2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Bệnh viện 19-8 được thành lập theo Quyết định số 3203 NV/QĐ ngày 28/08/1976 của Bộ Nội vụ, trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện 367 thuộc Vụ Tài vụ vật tư – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bệnh xá 265 thuộc Cục Hậu cần – Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và lấy ngày thành lập của Bệnh xá 265 (14/9/1961) là ngày truyền thống của bệnh viện. Tiền thân của Bệnh viện 19-8 là hai cơ sở y tế có quy mô nhỏ, trang thiết bị thô sơ, số lượng cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế. Qua 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bệnh viện 19-8 từ một cơ sở y tế nhỏ bé ban đầu đã từng bước phát triển trở thành Bệnh viện hạng I tuyến Trung ương, đầu ngành của y tế Công an nhân dân (CAND). Nhiều năm liền là đơn vị lá cờ đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an giao phó. Bệnh viện đã được đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng khang trang, trang bị phương tiện, thiết bị y tế hiện đại; tổ chức bộ máy ngày càng được củng cố, mở rộng và kiện toàn theo hướng chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ, y tế Bệnh viện tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, y đức của người Thầy thuốc và những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn. Bệnh viện thường xuyên cập nhật, ứng dụng và phát triển các tiến bộ khoa học triển khai nhiều kỹ thuật mới, điều trị thành công nhiều bệnh lý nặng; phối hợp với các bệnh viện lớn áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đem lại những kết quả, thành công lớn trong cứu chữa những căn bệnh hiểm nghèo, được cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tin cậy; đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao Bộ Công an, lão thành cách mạng... Bệnh viện đã khám bệnh cho hàng triệu lượt người, thu dung điều trị nội trú hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Thực hiện những giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân đến khám ngày một được nâng cao, đảm bảo người bệnh được cấp cứu kịp thời, cấp cứu có hiệu quả. Thời gian qua, Bệnh viện 19-8 đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, hiến máu tình nguyện, phòng, chống thiên tai, bão lụt, khám bệnh, cấp phát thuốc từ thiện cho đồng bào vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa… Điển hình, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện đã tổ chức 8 đợt với gần 400 lượt y, bác sĩ tăng cường đến các tâm dịch; tham gia tích cực vận hành 02 Bệnh viện dã chiến Bắc Giang và Phước Lộc; khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ Công an, thương bệnh binh, gia đình chính sách và nhân dân; tổ chức tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sĩ… Những kết quả đó đã xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ y tế Công an trong lòng nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao uy tín của y tế Công an trong hệ thống y tế quốc dân. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã trao nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý tặng các tập thể, cá nhân thuộc Bệnh viện 19-8. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đã đạt được trong chặng đường 60 năm qua. Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an hết sức coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác y tế trong CAND, thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng và phát triển tổ chức mạng lưới y tế Công an. Đây là nền tảng rất quan trọng để Bệnh viện 19-8 phát triển, nâng tầm về mọi mặt, xây dựng vững chắc vị thế là một trong những cơ sở y tế hàng đầu của lực lượng CAND nói riêng, hệ thống y tế cả nước nói chung, xứng đáng với tên gọi mang đầy ý nghĩa “19-8, Ngày truyền thống của lực lượng CAND”. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bệnh viện 19-8 tiếp tục thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế “Lương y như từ mẫu”, luôn nâng cao y đức, hết lòng với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ công an và nhân dân. Không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, tích cực đào tạo cán bộ y tế tại các cơ sở y tế uy tín trong và ngoài nước. Thu hút cán bộ giỏi, có tay nghề cao, phát triển kỹ thuật mới, để đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, đa dạng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bệnh viện 19-8 cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giữ vững và nâng cao chất lượng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, đột phá về chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh. Chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, làm chủ tiến bộ y học tiên tiến, phát huy tối đa hiệu quả của trang thiết bị y tế hiện đại. Ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thảm họa, dịch bệnh, sự cố bất thường và các nhiệm vụ chính trị khi được lãnh đạo cấp trên giao cho; đặc biệt tiếp tục phát huy vai trò, vị trí đầu tàu, chủ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của y tế CAND. Phối hợp với các bệnh viện lớn thực hiện xã hội hóa y tế, tăng nguồn thu nhập, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ y tế theo nhu cầu khám chữa bệnh… Qua đó, xây dựng Bệnh viện 19-8 không ngừng lớn mạnh, phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy để chăm sóc và chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ; xứng đáng với niềm tin của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an; trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng các đồng chí nguyên lãnh đạo Bệnh viện và nguyên lãnh đạo các khoa thuộc Bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các cá nhân thuộc Bệnh viện 19-8 đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nguyệt Hà

Bệnh viện Chợ Rẫy và những đóng góp không mệt mỏi trong công tác khám, chữa bệnh

TĐKT - Trong nhiều năm qua, ngành Y tế đã có những thành tích hết sức to lớn, nhiều tấm gương hy sinh, đóng góp xứng đáng vào sự thịnh vượng và phát triển của đất nước. Trong những thành công chung đó, không thể không nhắc đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Được biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa xếp hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Y tế, thuộc tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật ở khu vực phía Nam, cũng là một trong những trung tâm y học chuyên sâu lớn nhất khu vực phía Nam và trong cả nước. Đồng thời, bệnh viện được Bộ Y tế giao thực hiện tự chủ, tự đảm toàn bộ chi thường xuyên thành công. Với 3.201 giường kế hoạch, 66 đơn vị, gồm 6 trung tâm (Ung bướu, Tim mạch, Truyền máu, Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Giám định y khoa và Thông tin thuốc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh); 16 đơn vị chức năng, 43 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng; với chức năng, nhiệm vụ khám chữa bệnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài, là cơ sở đào tạo thực hành, thực tập y khoa cho các trường và nhân viên y tế trong, ngoài nước, thực hiện các nhiệm vụ như chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tham gia phòng, chống dịch bệnh, thảm họa... Bác sĩ tại Bệnh viện chợ Rẫy chăm sóc cho người bệnh Cụ thể, có gần 4.200 người làm việc tại 256 vị trí việc làm, có 15 giáo sư, phó giáo sư, 291 tiến sĩ và chuyên khoa II, 488 thạc sĩ và chuyên khoa I, 1.430 cán bộ đại học; có 350 cán bộ lãnh đạo khoa, phòng, 450 đảng viên, 860 đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gần 30 cựu chiến binh và có hơn 600 cán bộ quy hoạch kế thừa. Với nguồn nhân lực tối ưu, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ thể, cấp cứu cho hơn 300 người bệnh cấp cứu/ngày, khám chữa bệnh trung bình gần 6 nghìn người bệnh ngoại trú/ngày (gần 50% BHYT), trung bình 3.000 người bệnh nội trú/ngày (trên 76% BHYT), thực hiện hơn 45 nghìn phẫu thuật/năm, trong đó loại 1 và đặc biệt chiếm gần 65%; thực hiện ghép tạng 826 ca thận, 4 ca tim, 24 ca gan, 87 ca tủy, 13 ca giác mạc; duy trì ổn định số ngày điều trị trung bình 7,1 ngày. Có 184 giường hồi sức tích cực với đầy đủ nhân lực, thiết bị, điều trị chăm sóc hiệu quả; dinh dưỡng lâm sàng đảm bảo gần 100% người bệnh nội trú ăn theo chế độ phù hợp bệnh lý. Song song với đó, bệnh viện thực hiện chuyển giao 25 gói kỹ thuật thuộc 4 chuyên khoa cho 22 tỉnh và 2 thành phố phía Nam; 34 gói kỹ thuật thuộc 9 chuyên khoa cho 20 bệnh viện vệ tinh; thực hiện 3 đề án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 10 đề tài cấp bộ và tương đương, 1.500 đề tài cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã duy trì hợp tác đào tạo với 7 quốc gia và 33 trường đại học, bệnh viện và tổ chức khác trên thế giới, trung bình 160 đoàn nước ngoài đến làm việc mỗi năm; tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnompenh được tín nhiệm tại Campuchia. Hằng năm, Bệnh viện vận động hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, tặng 2 nhà tình nghĩa, tình thương, duy trì trung bình 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày, cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài công việc chuyên môn, Bệnh viện còn thực hiện tốt chương trình hành động thi đua yêu nước học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lồng ghép, gắn liền với mọi hoạt động của bệnh viện, mọi việc làm của cán bộ nhân viên, trở thành tiêu chí phấn đấu và đánh giá kết quả định kỳ đối với tập thể và cá nhân: "Ở đâu có việc làm ở đó có làm theo theo phong cách của Bác, ở đâu có người bệnh ở đó có làm theo lời dặn của Người”. Bệnh viện duy trì chất lượng bệnh viện đạt tốt; chứng nhận ISO 15189:2012, ISO 9001:2015; Six Sigma. Kết quả đánh giá hài lòng năm 2019 do Bộ Y tế thực hiện với người bệnh nội trú là 99,78%; ngoại trú là 93,33% và đồng ý trở lại hay giới thiệu người khác đến bệnh viện là 100%. Trong mọi hoạt động, bệnh viện nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kết quả hoạt động tài chính doanh thu gần 78 tỷ đồng năm 2019. Trung bình thu nhập của nhân viên đạt 29 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo ổn định và cải thiện đời sống cán bộ, viên chức và người lao động. Đặc biệt, vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngay từ những ngày đầu chống dịch, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, Bệnh viện đã chủ động, triển khai sớm, đồng bộ các phương án ứng phó dịch bệnh, kịp thời phát hiện, tiếp nhận cách ly và điều trị thành công 2 ca đầu tiên nhiễm COVID-19 với bệnh nền phức tạp và được ra viện ổn định. Đồng thời, tham gia phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh ngay từ đầu và sau đó trực tiếp điều trị thành công bệnh nhân mắc Covid-19 số 91 (người Anh) xuất viện về nước và mới đây, khi TP Hồ Chí Minh căng mình chống dịch, hơn lúc nào hết Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đồng hành với bệnh nhân, điều trị nhiều ca Covid-19 vượt qua “thập tử nhất sinh” khỏe mạnh và được xuất viện. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã hỗ trợ Gia Lai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu... Đồng thời, kịp thời triển khai hệ thống khai báo y tế tự động có ghi hình nhận diện khuôn mặt, giúp lưu dữ liệu chính xác, cùng lúc triển khai ứng dụng thẻ khám chữa bệnh, thanh toán tuyến không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử cho khu khám bệnh. Khi xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và một vài địa phương khác, cùng với dịch bệnh lan rộng tại TP Hồ Chí Minh những tháng cao điểm, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch. Thứ nhất, lập đội phản ứng nhanh, gồm 19 nhân sự cùng rất nhiều chiến sĩ áo trắng thầm lặng và đồng bào cả nước, không quản ngại khó hy sinh, sự an toàn cho bản thân, gác lại việc riêng tư, túc trực 24/24 cứu chữa, chăm sóc người bệnh, phục vụ người cách ly, sẵn sàng hết dịch mới về, góp phần cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Thứ hai là hỗ trợ các địa phương máy thận nhân tạo, máy ECMO, máy xét nghiệm và nhiều thuốc hỗ trợ thiết yếu. Thứ ba là tích cực mua sắm trang thiết bị cho dự trữ quốc gia phòng dịch COVID-19 và chuyển giao cho 19 địa phương, đơn vị trong cả nước theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Dù vất vả, khó khăn đến đâu thì cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện luôn yêu nghề, yêu người bệnh, gương mẫu, đầu tàu, biết nghĩ việc lớn, chu đáo việc nhỏ; một lòng vì người bệnh, quan tâm từng nhân viên; phát huy dân chủ, sáng kiến, khen – chê kịp thời. Đặc biệt là biết đối diện thách thức, tận dụng thời cơ để học, làm tốt hơn. Chính vì vậy, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn và mãi tự hào được là và được làm người cán bộ y tế, những thầy thuốc của nhân dân, thật sự cao quý. Hồng Thiết

Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản công dân

TĐKT - Nhận diện được xu thế chuyển biến, phát triển của tội phạm trong tình hình mới, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) trong những năm gần đây đã tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của công dân. Trao thưởng thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm Những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội đang có chiều hướng gia tăng và phát triển mạnh mẽ, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Chúng  hoạt động trên không gian mạng, phạm vi, quy mô rộng lớn, sử dụng các ứng dụng, phương tiện, trang thiết bị công nghệ thông tin, khai thác các yếu kém, sơ hở, thiếu sót trong cung cấp, quản lý thông tin, dịch vụ của các ngân hàng, nhà mạng internet, mạng xã hội, dịch vụ viễn thông di dộng… như tài khoản ngân hàng rác, tài khoản mạng xã hội rác, số thuê bao rác… để thực hiện phạm tội, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Nhận diện được xu thế chuyển biến, phát triển của tội phạm trong tình hình mới, Công an huyện Như Xuân trong những năm gần đây đã tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này. Cụ thể một số thủ đoạn phạm tội: Hack tài khoản facebook để giả danh nhắn tin cho người thân bạn bè hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền hộ rồi chiếm đoạt; giả nhân viên ngân hàng nhắn tin, gọi điện thông báo tài khoản bị trục trặc, sau đó hướng dẫn đăng nhập đường link, lừa chiếm đoạt mã OTP rồi chiếm rút tiền trong tài khoản; giả mua bán hàng qua mạng để chiếm đoạt tài sản; giả cho vay tiền qua APP sau đó lừa bị  hại chuyển tiền đóng phí rồi chiếm đoạt; giả người nước ngoài tặng quà rồi yêu cầu đóng tiền nhận hàng để chiếm đoạt……… Trên cơ sở nhận diện đó, Công an huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo in và ra hàng chục văn bản tuyên truyền để quần chúng nhân dân nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trên không gian mạng như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen cho vay qua APP, đánh bạc, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông.. chiếm đoạt tài sản, rửa tiền gửi đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các thôn bản… Đồng thời, Công an huyện Như Xuân cũng chỉ đạo bộ phận tuyên truyền không những đi sâu vào từng khối phố, xã, thôn, bản hướng dẫn cho bà con hiểu mà còn lập trang Facebook đăng các bài tuyên truyền, cảnh báo, thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi và tương tác… Cùng với tuyên truyền là công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm gây án. Thời gian qua, Công an huyện luôn luôn đẩy mạnh công tác đấu tranh, bắt, xử lý các loại đối tượng hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao tại nhiều tỉnh trên cả nước như Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh… Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Như Xuân đã điều tra làm rõ 9 vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội, trong đó có 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2 vụ sử dụng mạng máy tính mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, rửa tiền; 2 vụ đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và game bài đổi thưởng. Bắt xử lý 23 đối tượng (trong đó có nhiều đối tượng có trình độ cao về công nghệ thông tin) trong đó có cả các đối tượng là người Trung Quốc; thu giữ trên 5 tỷ đồng, 233 sim điện thoại, 95 tài khoản ngân hàng, 68 điện thoại di dộng, 16 bộ máy vi tính và nhiều công cụ phương tiện khác phục vụ hành vi phạm tội của các đối tượng; thu hồi tài sản cho hàng trăm bị hại trên khắp cả nước… Mặc dù Như Xuân là huyện miền núi với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện công tác, đặc biệt là trong tình hình đại dịch Covid -19 diễn biến rất phức tạp… nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ công an huyện Như Xuân trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là lĩnh vực đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân trong huyện nói riêng và cả nước nói chung, củng cố thêm niềm tin cho nhân dân trước mọi khó khăn do đại dịch Covid-19 đang còn diễn ra hết sức phức tạp. Minh Quang

Trang