Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai lần thứ V

TĐKT - Sáng 28/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự Đại hội, có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã cùng 323 điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 9 cá nhân (ảnh: Laocaitv.vn) Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lào Cai đã và đang là nhân tố quan trọng, tạo ra động lực và sức mạnh cho sự phát triển. Đó là sức mạnh của đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với lòng yêu nước, tinh thần hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác và chiến đấu vì sự giàu đẹp của quê hương. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu khai mạc Đại hội. Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V là dịp để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và tỏ lòng biết ơn những đóng góp to lớn, quan trọng của những tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, các điển hình tiên tiến đã có những việc làm, nghĩa cử tốt đẹp, là những bông hoa tươi thắm trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội là dịp để cùng nhau kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm về những kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, từ đó thống nhất nhận thức và phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2020, phong trào thi đua đã góp phần quan trọng để tỉnh Lào Cai thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp từ 15,4% xuống còn 12,5%; tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng từ 42,58% lên 45,3%, dịch vụ từ 42,02% lên 42,5%. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập trung nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực tại thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bảo Thắng. Tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả; liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh và giữa các ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt trên 9,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,72 lần so năm 2015, tăng bình quân 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,3% năm 2016 xuống còn 8,46% năm 2020, bình quân giảm 5,17%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai có số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 56/143 xã; tăng 35 xã so với năm 2015. Sau khi sáp nhập các xã, toàn tỉnh có 51/127 xã đạt chuẩn, đạt 40,15% tổng số xã. Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,06 tiêu chí, tăng 4,43 tiêu chí so với năm 2015; dự kiến đến hết năm 2020 đạt 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 26 triệu đồng/người/năm; tăng 13 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 15,02%, giảm 28,83% so với năm 2015. Toàn tỉnh có 117 thôn đạt thôn kiểu mẫu, 131 thôn đạt thôn nông thôn mới. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước đã biểu dương và đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai những năm qua. Đồng chí yêu cầu việc phát động các phong trào thi đua cần gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của tỉnh. Về việc tổ chức phong trào thi đua, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; các phong trào thi đua của tỉnh và các đơn vị trong tỉnh cần bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, khâu đột phá, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, các chương trình đề án trọng điểm. Phải tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp to lớn của nhân dân, nhất là vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động các dân tộc chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, phù hợp với trình độ, phong tục, tập quán của đồng bào. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo và người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua để quần chúng noi theo. Thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Qua phong trào thi đua các cấp, cần phát hiện điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay để bồi dưỡng, nhân rộng trong vườn hoa thi đua yêu nước của tỉnh. Tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 9 cá nhân; trao 200 suất học bổng của Quỹ bảo trợ trẻ em với tổng trị giá 200 triệu đồng cho tỉnh Lào Cai.  Đại hội cũng công bố quyết định và tổ chức trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 7 tập thể; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 cá nhân ở cấp cơ sở. Đại hội đã thông qua danh sách đại biểu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X gồm 12 đồng chí. Tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kêu gọi toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Nguyệt Hà

Bộ Khoa học và Công nghệ thi đua "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hiệu quả"

TĐKT - Chiều ngày 26/10, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V nhằm đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2021 - 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự có đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và và 400 đại biểu đại diện cho các gương điển hình tiên tiến ngành khoa học và công nghệ. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo Đại hội Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thông qua các phong trào thi đua, với nhiều kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được, Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen các năm 2016, 2018 và 2019. Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2; 70 Huân chương các loại, trong đó có Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và 3 Huân chương Chiến công cho tập thể, cá nhân các đơn vị trực thuộc Bộ; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phong tặng 5 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 19 lượt Cờ thi đua và tặng 41 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ... Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương cho tập thể và cá nhân Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao các phong trào thi đua yêu nước của Bộ KH&CN. Thời gian qua, Bộ đã cơ bản hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về thi đua, khen thưởng và các giải thưởng về lĩnh vực khoa học công nghệ. Tích cực hưởng ứng 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Các phong trào thi đua của Bộ KH&CN phát động và các phong trào thi đua thiết thực của các đơn vị trực thuộc đã bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; đặc biệt là việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế tài chính, giảm thiểu các gánh nặng hành chính cho người làm khoa học; ban hành các chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học tài năng; triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm, đầu tư thành lập các viện nghiên cứu ứng dụng hiện đại... Công tác khen thưởng được Bộ quan tâm. Bộ đã giới thiệu, bình chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý, cũng như trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 đơn vị Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định sự cần thiết phải phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo. Qua đó, đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển KHCN, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đổi mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế, chính sách về KHCN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN. Chú trọng và tiếp tục chương trình ươm mầm sáng tạo, khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, nhằm hình thành thế hệ cán bộ khoa học trẻ với tư duy đổi mới, có đủ trí tuệ và năng lực hội nhập với thế giới, trong đó có đội ngũ cán bộ KHCN trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN. Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KHCN, trước hết phục vụ yêu cầu phát triển của ngành và địa phương, đồng thời chuyển giao ứng dụng KHCN trong doanh nghiệp, nông thôn, miền núi... Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Qua phong trào thi đua, các cấp cần phát hiện kịp thời các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay, để bồi dưỡng và nhân rộng trong toàn xã hội. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Bộ Khoa học và Công nghệ ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội, 5 tập thể thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và 4 tập thể nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 3 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và 6 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 4 đơn vị nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 10 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 cá nhân nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc... Tại Đại hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phát động phong trào thi đua trong giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hiệu quả". Hồng Thiết

Ngành Giao thông vận tải: Tăng cường kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo, nâng cao hiệu quả

TĐKT - Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT lần thứ X, giai đoạn 2020 - 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại Đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội Trong giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị trong toàn ngành GTVT đã hưởng ứng, triển khai tích cực, có hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương phát động.   Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 với các tiêu chí gắn kết với phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn - miền núi đã được Bộ triển khai sâu rộng,  mang tính xã hội cao trong phạm vi cả nước, kêu gọi sự đóng góp của nhân dân cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Kết quả, 5 năm qua, đã xây dựng 186 cầu dân sinh trên phạm vi các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; huy động nguồn hỗ trợ từ nhà tài trợ, doanh nghiệp để thực hiện chương trình nhịp cầu yêu thương; thực hiện Dự án LRAMP trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố có vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước khen tặng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2013 - 2017 Thực hiện phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Bộ GTVT đã nghiên cứu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Bộ chủ động đầu tư, tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu ngành. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được Bộ GTVT gắn với các nhiệm vụ chính trị của ngành. Công đoàn GTVT Việt Nam đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự nguyện tham gia ủng hộ, đóng góp các Quỹ xã hội từ thiện. Bộ đã triển khai thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn hóa công sở theo phương châm “4 xin” và “4 luôn”; quán triệt thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống. Qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu chung trong toàn ngành phù hợp với từng năm. Các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong toàn ngành tham gia, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể nhằm thúc đẩy làm việc, sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ từng năm và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về phát triển GTVT mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã đề ra. Bộ đã chú trọng công tác tuyên truyền, tôn vinh và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, phát hiện và bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiến tiến tại Hội nghị Biểu dương người lao động hàng năm. Công tác khen thưởng được đổi mới, khen thưởng được dựa trên kết quả đánh giá thực chất các phong trào thi đua hàng năm và thi đua chuyên đề. Kết quả cụ thể: Đã khen thưởng cấp nhà nước cho 275 trường hợp; khen thưởng cấp bộ cho 7.920 trường hợp. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT cho các tập thể tiêu biểu Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những năm qua, cùng với phong trào thi đua của cả nước, ngành GTVT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn ngành đã thi đua thực hiện các đột phá chiến lược mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, nhất là thực hiện đột phá chiến lược hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành GTVT tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế và chính sách trong lĩnh vực GTVT. Tập trung tái cấu trúc cơ cấu vận tải cho hợp lý; tăng cường, kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, khai thác vận tải và xây dựng hệ thống giao thông. Thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành. Phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường vành đai của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bảo đảm chất lượng, tiến độ; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc, tồn tại liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục rà soát nhiệm vụ, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 Về phong trào thi đua yêu nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung và hình thức theo Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, bám sát thực tiễn gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05 CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua; tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng những người lao động trực tiếp. Chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết. Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được trong 5 năm qua của ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, công tác khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của ngành trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, đổi mới, sáng tạo, tạo ra động lực quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT lần thứ X đã biểu dương và trao phần thưởng cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Đại hội đã thông qua danh sách Đoàn đại biểu Bộ GTVT dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 của ngành GTVT với chủ đề tổng quát là “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương; đoàn kết, sáng tạo; nâng cao hiệu quả”. Nhân dịp này, các đại biểu đã chung tay, đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn do mưa lũ. Phương Thanh

Bộ Y tế thi đua “Đoàn kết - kế thừa - đổi mới - phát triển”

TĐKT - Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII, giai đoạn 2020 - 2025. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và 450 đại biểu tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho các tập thể, cá nhân Anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến, lãnh đạo cơ quan, đơn vị của ngành Y tế. Các đại biểu tham dự Đại hội Phát biểu khai mạc Đại hội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hơn 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ý chí và quyết tâm của đồng bào, chiến sĩ cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần vượt khó của cả dân tộc để thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới mà Đảng ta khởi xướng cách đây hơn 3 thập kỷ, đưa nước ta thành nước thu nhập trung bình, ngày càng phát triển như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “chưa bao giờ nước ta có vị thế như ngày hôm nay”. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Đại hội Ngành Y tế luôn tự hào đã luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường vẻ vang đó. Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành xác định thi đua yêu nước thứ nhất là trau dồi y đức, thực hiện lời dạy của Bác Hồ vĩ đại “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đoàn kết phấn đấu để chăm sóc tốt nhất sức khỏe của nhân dân, vì sự hài lòng của người bệnh; thứ hai, trau dồi tri thức khoa học, những kinh nghiệm và thành tựu y khoa hiện đại, nâng cao tay nghề, làm chủ khoa học kỹ thuật để thực hiện tốt hơn thiên chức của ngành y là chữa bệnh cứu người, đặt lợi ích sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết; thứ ba, thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại để đạt được mục tiêu quản trị ngành hiệu lực và hiệu quả; thứ tư, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, truyền thông vận động người dân, cộng đồng nâng cao sức khỏe; thứ năm, luôn hướng tới cái mới, sẵn sàng thực hiện đổi mới vì mục tiêu phát triển cao hơn của ngành, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của nhân dân. Lớp lớp các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết, sức lực và tuổi thanh xuân, lòng nhiệt tình tham gia hàng nghìn phong trào thi đua của dân tộc và của ngành để dệt lên những nét đẹp truyền thống của ngành Y tế. Những nét đẹp đó trở thành tiền đề, động lực và giá trị riêng thiêng liêng của ngành, giúp mỗi thầy thuốc soi vào để hoàn thiện mình và đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Trong 5 năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều sản phẩm mới, kỹ thuật mới, thiết thực, hiệu quả, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ, tạo nên những thành công trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị và của toàn ngành. Phong trào thi đua yêu nước của ngành Y tế đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy, khơi gợi để từng cá nhân, đơn vị luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2015 - 2020. Đặc biệt, trong công cuộc chống dịch COVID-19 vừa qua, các chiến sĩ áo trắng đã tiếp tục thể hiện ý chí, không ngại khó khăn, gian khổ, đứng vững ở tuyến đầu chống dịch. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành phố triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị” kết hợp với nguyên tắc “4 tại chỗ” vốn lâu nay đã chứng minh được tính hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống thiên tai. Hàng vạn thầy thuốc đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các điểm nóng như những ổ dịch, các cơ sở điều trị, các phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu…, một đội ngũ không nhỏ lặng lẽ bền bỉ đóng góp công sức trong các hoạt động không kém phần quan trọng như chỉ đạo và điều phối chống dịch, phục vụ hậu cần, thuốc men, trang thiết bị và truyền thông. Những ổ dịch được nhanh chóng dập dứt điểm, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục… là những thành tích chống dịch COVID-19 nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn 1 được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương triển khai chủ trương mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế” của Chính phủ, ngành Y tế đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ. Bộ Y tế thành lập Sở Chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với lực lượng hơn 1000 cán bộ y tế, trong đó có 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng, chống dịch và điều trị để hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc bằng tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh của mình tô đẹp thêm truyền thống của ngành. Hình ảnh về sự tận tụy của người thầy thuốc trong hoạt động chống dịch COVID-19 đã được khắc ghi trong lòng dân tộc. Ngành Y tế tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước  Chính nhờ những giá trị thiêng liêng được các thế hệ ngành Y xây dựng và vun đắp trong hơn 7 thập kỷ qua, mà toàn ngành Y tế đã đoàn kết thành một khối thống nhất, vượt qua được những thử thách khắc nghiệt ban đầu của đại dịch có quy mô lớn nhất trước nay. Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trương Thị Mai đã biểu dương những nỗ lực mà ngành Y tế đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh, thời gian qua, phong trào thi đua của ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều phong trào do Bộ Y tế phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp… Qua đó, ngành Y tế không chỉ giải quyết các vấn đề được đặt ra trong thực tiễn mà còn nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân, đồng thời, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. Từ đầu năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua ngành Y tế chung tay phòng, chống Covid-19, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phòng, chống dịch, đồng thời, có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả góp phần kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Tại Đại hội, Bộ Y tế đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung Nhân dịp này, Đại hội đã tôn vinh 29 tập thể, 26 cá nhân vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế và thông qua danh sách 40 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tại Đại hội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát động phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế giai đoạn 2020 - 2025 với chủ đề “Đoàn kết - kế thừa - đổi mới - phát triển” và phát động Chung tay vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hồng Thiết  

Đại hội Thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV

TĐKT - Ngày 18/10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV. Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng phát biểu tại Đại hội Tới dự tại điểm cầu Hà Nội có: Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh. Cùng dự có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan Quốc hội và các địa phương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng 327 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cùng dự Đại hội. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đọc diễn văn và báo cáo kết quả phong trào thi đua của Hội Phụ nữ giai đoạn 2015 - 2020 Đọc diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển; vị thế, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước và trên trường quốc tế. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam những năm qua luôn được đổi mới và nâng lên ở tầm cao mới.  Các nội dung, chủ đề thi đua được xuất phát từ tình hình thực tiễn, gắn với trọng tâm công tác Hội hàng năm, như năm 2017 là “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 12”, năm 2018 là “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, năm 2019, 2020 là “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Song song với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” là các đợt thi đua đặc biệt giải quyết những vấn đề cấp bách của phụ nữ như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” (năm 2018 - 2020), “90 hành động thiết thực vì an toàn của phụ nữ và trẻ em” (năm 2019); thi đua phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (năm 2020). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội LHPN Việt Nam Hội luôn gắn đổi mới công tác thi đua với đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội, xây dựng Chiến lược phát triển tổ chức, trình Chính phủ phê duyệt 7 đề án của Chính phủ, mở rộng ký kết 36 chương trình phối hợp với Chính phủ và 29 bộ, ngành chức năng để tạo cơ chế cho Hội Phụ nữ địa phương triển khai phong trào thi đua và hoạt động Hội. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội, phân cấp và giao quyền cho Hội LHPN các cấp cụ thể hóa nội dung phong trào thi đua và các cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương và nhu cầu của phụ nữ. Nhờ đó, tinh thần thi đua đã được chuyển hóa vào thực tiễn thông qua hàng ngàn mô hình thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Từ động lực thi đua, phụ nữ cả nước đã chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ. Kết quả đạt được cả bề rộng và chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các vùng miền, đối tượng. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đạt trên 97%, trong đó nữ dân tộc thiểu số đạt 92%. Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng; số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1,6 lần trong 10 năm qua. Nhiều phụ nữ ngành y tế, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể dục thể thao... đã đạt những danh hiệu cao quý. Nhiều tấm gương phụ nữ điển hình đã trở thành nhân tố truyền cảm hứng trong toàn xã hội. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020 cho các tập thể, cá nhân Trong 5 năm qua, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã tặng Cờ thi đua cho 164 tập thể, tặng Bằng khen cho 8.393 tập thể và 4.161 cá nhân, tặng Kỷ niệm chươmg Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam cho 44.688 cá nhân, tặng Bằng khen chuyên đề cho 52 tập thể và 1315 cá nhân, bằng khen đột xuất cho 141 tập thể, 195 cá nhân; khen đối ngoại 6 tập thể và 7 cá nhân. Qua các năm, tỷ lệ khen thưởng cho hội viên, phụ nữ, người lao động trực tiếp có xu hướng tăng (năm 2019, tỷ lệ này tăng 10% so với năm 2018). Có 66 tập thể thuộc Trung ương Hội và tỉnh/thành được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ, 23 tập thể và 32 cá nhận được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 11 tập thế và 30 cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 6 tập thể và 3 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập các hạng.  Với tinh thần hăng hái thi đua, phụ nữ nỗ lực cống hiến và đạt được nhiều danh hiệu cao quý: Có 60 người được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc", 7 nhà giáo nhân dân, 426 nhà giáo ưu tú, 19 thầy thuốc nhân dân, 520 thầy thuốc ưu tú, 64 nghệ sĩ nhân dân, 255 nghệ sĩ ưu tú và nhiều Huy chương trong thi đấu thể thao. Ghi nhận những nỗ lực đạt được của các cấp Hội Phụ nữ, tại buổi lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều đóng góp cho công tác Hội và phong trào phụ nữ. Tặng Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam cho các điển hình tiên tiến Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được phát huy, nhân lên mạnh mẽ trong phong trào của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại của Đảng và dân tộc ta. “Thành công của phụ nữ nước ta giành được trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật... tiếp tục làm rạng danh đất Việt. Nhiều tấm gương phụ nữ có chiến công lớn trong bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Những ngày vừa qua, trước đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ ngành Y đã không quản hiểm nguy, sát cánh cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch, vì sự sống của đồng bào mình. Ngày càng nhiều nữ doanh nhân thành công trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội... Tất cả những thành tích đó của chị em đã tô đẹp thêm hình ảnh một đất nước với những con người sống có trách nhiệm, đầy tình nhân ái, vì mọi người, vì một xã hội tốt đẹp hơn.” – Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh. Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới triệt để công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hạnh phúc của mỗi gia đình và bình đẳng giới. Đồng thời, chính chị em phải không ngừng phấn đầu, vươn lên, nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với gia đình. Bên cạnh đó, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", hình thành lớp phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện. Đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng rằng, bằng tài năng, nghị lực, sự năng động, sáng tạo, tính chịu thương, chịu khó, của phụ nữ nước ta, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến mới mạnh mẽ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, phấn đấu xây dựng đất nước ta “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tại Đại hội, các đại biểu tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị bão lụt Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong công tác Hội và phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ 5 năm qua đã được biểu dương, khen thưởng. 7 tập thể, 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Đại hội đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Phụ nữ giai đoạn 2020 – 2025 và thông qua danh sách 8 đại biểu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tại Đại hội, các đại biểu đã tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị bão lụt. Mai Thảo

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025

TĐKT – Sáng 16/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có: đồng chí Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện các Vụ thuộc Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Về phía lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có các đồng chí; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh; Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Chí Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cùng 265 đại biểu là điển hình tiên tiến của tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh cho biết, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ V có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu xuất sắc của phong trào thi đua yêu nước; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng -  an ninh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh phát biểu khai mạc Đại hội Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và thực tiễn, cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Chỉ thị số 18/2016/CT-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo về thi đua, khen thưởng gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, ban hành và hoàn thiện các quy chế, quy định về thi đua khen thưởng. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 2 tập thể, 2 cá nhân Trong 5 năm qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả cao, huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư với 11.938 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, nguồn vốn huy động xã hội chiếm 72%. Toàn tỉnh có 39/45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn mới đạt khoảng 54 triệu đồng/người/năm, tăng 24 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được tích cực triển khai, đã có trên 100 sản phẩm ở 45 xã với các loại hình phong phú, đa dạng. Đến năm 2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 9/15 chỉ tiêu kinh tế, 9/10 chỉ tiêu môi trường đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,66% (tăng 3,73% so với năm 2015), dịch vụ chiếm 29,36% (giảm 2,88%) và nông nghiệp chiếm 11,98% (giảm 0,85%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 5 năm ước đạt 384.830 tỷ đồng, cơ cấu thay đổi theo hướng bền vững, tích cực, tỷ trọng thu nội địa vượt cao so với thu từ dầu khí. GRDP trừ dầu khí bình quân đầu người đạt 6.903 USD, cao gấp 2 lần mức bình quân chung của cả nước. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2017 về tổ chức phong trào thi đua "Bà Rịa - Vũng Tàu chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020. Phong trào thi đua đã thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia gắn với phong trào thi đua “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Ngày cả nước vì người nghèo hàng năm". Phong trào đã có tác dụng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm, số hộ nghèo giảm liên tục; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 0,8%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, do Thủ tướng Chính phủ phát động, đã tạo động lực thi đua sôi nổi trong cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020, Bà Rịa – Vũng Tàu  có khoảng 7.800 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 74,8 ngàn tỷ đồng. So với giai đoạn 2011 – 2015, số doanh nghiệp tăng 49,3%, đóng góp cho ngân sách tăng 55,11%, giải quyết việc làm cho 119.806 lao động. Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thi đua thực hiện văn hoá công sở” giai đoạn 2019 – 2025 đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện. Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho 9 tập thể. Phát biểu và chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Đặng Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương đánh giá cao và biểu dương tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, tinh thần trách nhiệm, hoạt động hiệu quả của Hội đồng TĐKT, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân trong 5 năm qua. Trong thời gian tới, với tinh thần "càng khó khăn, càng phải thi đua" và "càng thi đua, càng mau thắng lợi", Phó Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra. Trong đó, cần gắn phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, các chương trình, đề án trọng điểm, khắc phục các mặt còn hạn chế, yếu kém, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phấn đấu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đồng thời, việc tổ chức phong trào thi đua cần bám sát nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh, đặc biệt phải tập hợp, phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua để quần chúng noi theo. Thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện các gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay, để bồi dưỡng và nhân rộng. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tặng 200 triệu đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tặng 200 triệu đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhân dịp này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể và 2 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do có những thành tích xuất sắc trong những năm qua; 9 tập thể được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ do đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2019. UBND tỉnh đã trao danh hiệu Công dân ưu tú cho 10 cá nhân, tặng Cờ Thi đua cho 32 tập thể, tặng Bằng khen cho 70 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Đại hội cũng đã thông qua danh sách có 13 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp thu ý kiến tại Đại hội và phát động phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.                                                                                       Xuân Phúc

Ngân hàng Phát triển Việt Nam thi đua “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”

TĐKT - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III nhằm đánh giá công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Đại hội Thi đua yêu nước VDB lần thứ III Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB Lương Hải Sinh cho biết, trong 5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Ngân hàng Phát triển được triển khai toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo; gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của Trung ương và địa phương; gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đạt kết quả thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, công tác khen thưởng luôn là động lực khơi dậy, cổ vũ sức mạnh của cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả, Ngân hàng phát triển (NHPT) đã chủ động, nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện các hoạt động giúp đỡ 3 huyện có hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ đã từng bước đi vào cuộc sống của người dân các địa phương, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững cho 3 huyện nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Đồng thời, lập “Quỹ hỗ trợ giảm nghèo”; hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho đồng bào tại 3 huyện với tổng hỗ trợ năm 2015 là 15 tỷ đồng, năm 2016 là 15 tỷ đồng, năm 2017 là 12 tỷ đồng. Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trương trao Bằng khen cho 3 đơn vị Từ năm 2015 đến nay NHPT đã thực hiện cho vay các dự án quốc phòng - an ninh, chương trình chống biến đổi khí hậu, chương trình tiết kiệm năng lượng, cấp thoát nước, thủy điện… với doanh số cho vay trên 22.000 tỷ đồng. Cùng với đó, NHPT đã phát động các đợt thi đua thường xuyên, chuyên đề, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng môi trường thi đua lành mạnh; bình xét, khen thưởng công khai, minh bạch, bình đẳng, nghiêm túc, đúng người, đúng việc. Kết quả các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực và hiệu quả vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của NHPT. Thông qua các phong trào thi đua, NHPT đã thực hiện lựa chọn các tập thể, cá nhân (8 tập thể đơn vị, 17 tập thể phòng và 55 cá nhân) có nhiều thành tích để bồi dưỡng, xây dựng các điển hình tiên tiến. Với những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm qua, các tập thể, cá nhân có những thành tích xuất sắc, thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương và NHPT tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 tập thể và 6 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 tập thể, 11 cá nhân; Bằng khen cấp bộ, ngành cho 5 tập thể, 11 cá nhân … Phát huy kết quả đạt được, VDB tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về TĐKT; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 – 2025; nâng cao chất lượng hoạt động của các Cụm thi đua NHPT; đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán  làm công tác TĐKT; tiếp tục tham gia và hưởng ứng tích cực các hoạt động của Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp. Hồng Thiết

Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp

TĐKT - Chiều 14/10, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và lãnh đạo Ban TĐKT Trung ương.      Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và gần 500 đại biểu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua ngành BHXH; đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đại diện cho hơn 1.400 tập thể và 20.000 công chức, viên chức, người lao động trong ngành BHXH trên khắp cả nước. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", 5 năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo ngành và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và coi đây là công cụ quản lý hiệu quả, nhân văn nên đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về TĐKT. Việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác TĐKT với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu thi đua bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ chính trị của ngành, đã tạo cho phong trào thi đua, công tác khen thưởng của ngành một khí thế mới, ngày càng đi vào thực chất, phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực với nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và trong công tác khen thưởng. Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng vượt so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Năm 2015, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là 70,2 triệu người, năm 2019 đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 85,9 triệu người, tăng 15,7 triệu người so với năm 2015. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 574.000 người, tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Đại hội Số thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; năm 2015 thu 216.000 tỷ đồng, năm 2019 thu 368.000 tỷ đồng, tăng 152.000 tỷ đồng so với năm 2015, 6 tháng đầu năm 2020 thu đạt 182.984 tỷ đồng, đạt 46,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ bao phủ BHYT: Năm 2015 chiếm 76,5% dân số; năm 2019 chiếm 90 % vượt 1,9% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều bước tiến quan trọng, số lượng thủ tục hành chính về BHXH, BHYT đã giảm đáng kể so với trước kia. nhiều TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết… Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2018, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ của ngành được triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH; hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH; hệ thống giao dịch BHXH điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot) trong trả lời, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách BHXH; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT... Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân của ngành BHXH Phát huy kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác TĐKT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước với mục tiêu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của ngành, công tác TĐKT giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác TĐKT theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, Chỉ thị số 18/CT-TTg. Chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt các PTTĐ do Thủ tướng Chính phủ phát động và các PTTĐ do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã phát động. Gắn PTTĐ thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các PTTĐ, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng thời điểm cụ thể.  Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng. Hoàn thiện cơ chế chấm điểm thi đua, đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo khách quan, công bằng và hiệu quả. Nâng cao chất lượng khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Tiếp tục kiện toàn bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, người lao động làm công tác khen thưởng. Bộ trưởng Bộ Tài chính trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành BHXH đạt được trong 5 năm qua. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi người dân. Phó Chủ tịch nước thống nhất với 8 nhiệm vụ và 4 giải pháp đã nêu trong báo cáo, đồng thời, đề nghị ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy thành tựu và những bài học kinh nghiệm đạt được trong 25 năm qua, tăng cường xây dựng Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu phát triển BHXH, BHYT toàn dân, các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành BHXH, trong đó tập trung vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BHXH Việt Nam lần thứ VII. Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Qua phong trào thi đua, các cấp cần phát hiện đúng các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay, để bồi dưỡng và nhân rộng ra toàn ngành và xã hội. Với những nỗ lực không ngừng, 11 tập thể và 4 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động các loại, 8 tập thể được vinh dự tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 7 tập thể và 14 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 – 2025 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp” và thông qua danh sách cử đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Hồng Thiết

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V Tổng công ty Xi măng Việt Nam

TĐKT – Sáng 14/10, tại Hà Nội, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020 – 2025. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; Nguyễn Thị Thủy Lệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam; Đỗ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ II, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Bùi Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Vicem; Lê Nam Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Tổng Giám đốc Vicem. Các tập thể được tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua giai đoạn 2015 -  2020 của Tổng công ty Vicem Cùng dự còn có đại diện các đơn vị: Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Công đoàn Xây dựng Việt Nam, đại diện các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước Vicem giai đoạn 2015 – 2019. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Nam Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Tổng Giám đốc Vicem cho biết: Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả các phong trào thi đua yêu nước từ sau Đại hội Thi đua yêu nước Tổng Công ty lần thứ IV đến nay. Đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình; đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, góp phần tạo khí thế, động lực để Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Bùi Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Vicem phát biểu tại Đại hội 5 năm qua, Tổng công ty và các đơn vị thành viên luôn bám sát mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Xi măng Việt Nam lần thứ II đã đề ra, duy trì thường xuyên và phát động nhiều phong trào thi đua đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu là các phong trào thi đua “Giữ lò máy chạy dài”, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường”; các hoạt động sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Vicem… Đặc biệt, Vicem tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Chính phủ và Bộ Xây dựng phát động. Cụ thể, trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Vicem đã nghiêm túc thực hiện và triển khai, 5 năm qua, đã ủng hộ khoảng 27.000 tấn xi măng và hỗ trợ người nghèo khoảng 23 tỷ đồng… Lãnh đạo Tổng công ty Vicem tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2019 “Các phong trào thi đua liên tục được đổi mới, đã tạo nên khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất, công tác; khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong CNVCLĐ toàn Vicem, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và các mục tiêu của Vicem; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, chính quyền vững mạnh.” - Đồng chí Lê Nam Khánh khẳng định. 5 năm qua, Vicem đã sản xuất và tiêu thụ 143 triệu tấn sản phẩm (xi măng và clinker), bằng 115% so với mục tiêu. Tổng doanh thu đạt 182.100 tỷ đồng, bằng 107% so với mục tiêu. Tổng lợi nhuận trước thuế 13.700 tỷ đồng, bình quân 2.740 tỷ đồng/năm, tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Nộp ngân sách 11.450 tỷ đồng (bình quân 2.300 tỷ đồng/năm, tăng 1,96 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Năng suất lao động bình quân tăng từ 7% đến 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người lao động trên 13,1 triệu đồng/người/tháng… Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Đại hội Qua các phong trào thi đua, 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của Vicem đã vinh dự được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tổng công ty, Bộ Xây dựng và Nhà nước: 7 Cờ thi đua của Chính phủ; 12 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 7 Huân chương Lao động các hạng; 341 lượt tập thể được tặng thưởng Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ Xây dựng; hàng nghìn tập thể và cá nhân được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng công ty…. Trong giai đoạn mới 2020 - 2025, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, truyền thống của ngành Xi măng và những kết quả đạt được trong những năm qua, Vicem tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, tạo các bước đột phá trên các lĩnh vực công tác; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất cho người lao động; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng phát triển bền vững của Vicem. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của Vicem. Đồng chí mong muốn, tập thể cán bộ, CNVCLĐ toàn Vicem tiếp tục thi đua mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo, đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới 2020 – 2025. Dịp này, 4 tập thể được tặng Cờ thi đua của Tổng công ty; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Tổng công ty vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2019. Đại hội cũng đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng Vicem “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững”. Mai Thảo

Huy động tối đa nguồn lực, đảm bảo hạ tầng thông tin tiến tiến nhất cho phát triển công nghiệp 4.0

TĐKT - Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Đại hội. Cùng dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT; lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020… Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc tổ chức thực hiện tốt công tác TĐKT trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành TT&TT hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm một năm, khi đó có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao. Năm năm qua, ngành TT&TT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung, hình thức theo Chỉ thị 34 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, bám sát thực tiễn, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đây thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Đại hội Các phong trào thi đua được phát động thường xuyên hàng năm, theo lĩnh vực, với nội dung phong trào thi đua bám sát với nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác đề ra. Tiêu biểu là các phong trào: “Ngành TT&TT chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Những hoạt động này đã góp phần đã phát hiện, kịp thời tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, chú trọng khen thưởng công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tại cơ sở, khen thưởng đột xuất. Năm năm qua, toàn ngành TT&TT có hơn 5.600 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ TT&TT, 3 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 143 Huân chương Lao động các loại… Các điển hình tiên tiến được xét tặng, tôn vinh đều giữ vững, phát huy được tính gương mẫu, tích cực, đồng thời có sức lan tỏa để các tập thể, cá nhân học tập. Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT. Đồng thời chỉ ra những thách thức, thuận lợi, khó khăn đan xen đối với đất nước và ngành TT&TT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến tất cả các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước, công tác TĐKT thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành TT&TT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ TT&TT nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, ngành TT&TT phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực, nguồn tài chính trong nước và quốc tế, đảm bảo hạ tầng thông tin tiến tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển công nghiệp 4.0. Ngành cũng cần tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026 . Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý ngành TT&TT cần hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngành TT&TT cần nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng đột xuất, nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia. Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội Tại Đại hội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến các mục tiêu: Chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng; chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá; chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Nhân dịp này, 20 tập thể, 41 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Phương Thanh

Trang