Huy động tối đa nguồn lực, đảm bảo hạ tầng thông tin tiến tiến nhất cho phát triển công nghiệp 4.0
12/10/2020 - 20:41

TĐKT - Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Đại hội.

Cùng dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT; lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020…

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc tổ chức thực hiện tốt công tác TĐKT trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành TT&TT hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm một năm, khi đó có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao.

Năm năm qua, ngành TT&TT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung, hình thức theo Chỉ thị 34 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, bám sát thực tiễn, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đây thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Đại hội

Các phong trào thi đua được phát động thường xuyên hàng năm, theo lĩnh vực, với nội dung phong trào thi đua bám sát với nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác đề ra. Tiêu biểu là các phong trào: “Ngành TT&TT chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Những hoạt động này đã góp phần đã phát hiện, kịp thời tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, chú trọng khen thưởng công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tại cơ sở, khen thưởng đột xuất.

Năm năm qua, toàn ngành TT&TT có hơn 5.600 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ TT&TT, 3 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 143 Huân chương Lao động các loại… Các điển hình tiên tiến được xét tặng, tôn vinh đều giữ vững, phát huy được tính gương mẫu, tích cực, đồng thời có sức lan tỏa để các tập thể, cá nhân học tập.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT. Đồng thời chỉ ra những thách thức, thuận lợi, khó khăn đan xen đối với đất nước và ngành TT&TT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến tất cả các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.

Thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước, công tác TĐKT thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành TT&TT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ TT&TT nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, ngành TT&TT phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực, nguồn tài chính trong nước và quốc tế, đảm bảo hạ tầng thông tin tiến tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển công nghiệp 4.0.

Ngành cũng cần tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026 .

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý ngành TT&TT cần hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngành TT&TT cần nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng đột xuất, nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội

Tại Đại hội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến các mục tiêu: Chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng; chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá; chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.

Nhân dịp này, 20 tập thể, 41 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.

Phương Thanh