Chuyên đề

Huyện Mê Linh (TP Hà Nội): quyết tâm phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với cách làm sáng tạo, huyện Mê Linh hoàn thành sớm công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng sản xuất... Đến nay, diện mạo NTM của huyện đã có nhiều đổi thay, những tuyến đường giao thông đang kết nối hoàn chỉnh, vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đang hình thành, đời sống người dân được nâng cao. Thực hiện chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông thôn”, huyện đã chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư cho 4 xã chưa đạt chuẩn NTM hoàn thiện các tiêu chí: đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi...; đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM theo hướng bền vững, phát triển. Được sự quan tâm của Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy, UBND và các sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả mới. Về phát triển nông nghiệp, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi  đều có những chuyển biến tích cực. Tiến độ sản xuất vụ xuân đã đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch của thành phố. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nên tình hình chăn nuôi của huyện vẫn duy trì và có bước phát triển, không bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm.  Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa đã mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, người dân phấn khởi thực hiện. Nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng cây cảnh, bưởi, ổi, nuôi cá, trang trại chăn nuôi… bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình vững chắc. Các vùng sản xuất tập trung đã hình thành rõ nét như vùng chăn nuôi tập trung các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng và đang tiếp tục được nhân rộng khẳng định được hiệu quả kinh tế và từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện Mê Linh có 16 xã, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch 16/16 xã. Đến nay, tình hình thực hiện các tiêu chí NTM cụ thể đạt được như sau: hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư) được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, đi lại và sản xuất của nhân dân. Về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất: thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến cuối năm 2016 đạt 33,01 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tính đến đầu năm 2017 là 2.160 hộ, chiếm tỷ lệ 4,2%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn đạt 92%; mô hình hợp tác xã (HTX) phát triển và hoạt động hiệu quả, toàn huyện hiện có 78 HTX, trong đó có 50 HTX dịch vụ nông nghiệp, 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực khác, 3 quỹ tín dụng nhân dân. Các tiêu chí về văn hóa - xã hội, môi trường cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, số người trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là 99,6%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT là 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, toàn bộ trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện có 70/74 làng, thôn được công nhận Làng văn hóa (đạt 94,56%) và 40.391 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 86,5%. Qua kiểm tra đánh giá việc sử dụng nước sinh hoạt, cảnh quan môi trường, thu gom rác thải... 16/16 xã cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và nâng cao, 16/16 Đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, không có đảng bộ, chính quyền yếu kém, góp phần đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở đã có một bước trưởng thành quan trọng; cán bộ, đảng viên, nhân dân ở nhiều nơi đã nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm đặt ra trong quá trình xây dựng NTM ở Mê Linh, dẫn đến một số tiêu chí chậm hoàn thành là do điều kiện kinh tế và nhận thức của nhân dân trên địa bàn các xã không đồng đều dẫn đến việc huy động nguồn lực phục vụ cho nhu cầu đầu tư, xây dựng là rất khó. Một số cán bộ và quần chúng nhân dân vẫn có tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi đó nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới rất lớn, nguồn thu ngân sách của huyện ít, nguồn đấu giá đất hạn chế. Nhận rõ những tồn tại và hạn chế, mục tiêu của huyện Mê Linh trong năm 2017 là tiếp tục đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt và cơ bản đạt, chủ yếu là về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông trục chính và liên thôn, đường giao thông ngõ xóm, nhà văn hóa; tiếp tục duy trì và hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt tại các xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung công tác xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho 4 xã chưa đạt chuẩn; phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện là 15 xã, chiếm 93,75%. Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt được, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CT tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Tập đoàn Hoa Sen ra mắt sản phẩm mới: ống nhựa chịu nhiệt PP – R (2 lớp) chống tia UV

Tập đoàn Hoa Sen vừa ra mắt loại sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP - R (2 lớp) chống tia UV, chịu được nhiệt độ cao, thích hợp sử dụng cho lắp đặt ngoài trời, đặc biệt an toàn và thân thiện với môi trường. Theo số thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen hiện đang dẫn đầu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn, thép tại thị trường Việt Nam với 33,1% thị phần tôn và 20,3% thị phần ống thép trong năm 2016. Riêng đối với sản phẩm ống nhựa, Tập đoàn Hoa Sen đã có bước đột phá vượt trội khi vươn lên tốp 3 doanh nghiệp phát triển mạnh nhất trong thị trường ống nhựa trên cả nước chỉ sau vài năm sản xuất. Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đang sản xuất và kinh doanh 3 loại sản phẩm ống nhựa chính: uPVC, HDPE, PP - R và đầy đủ các loại phụ kiện đi kèm. Là một doanh nghiệp luôn tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng, Tập đoàn Hoa Sen vừa giới thiệu dòng sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP - R (2 lớp) chống tia UV (tia cực tím) có ưu điểm vượt trội so với những sản phẩm ống nhựa thông thường. Sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP – R của Hoa Sen Ống nhựa chịu nhiệt PP - R chống tia UV Hoa Sen cấu tạo gồm hai lớp: lớp bên trong có thể chịu nhiệt cao lên tới 95oC, lớp bên ngoài có khả năng chống nắng, đóng vai trò giống như lớp áo bảo vệ ống PP - R tránh khỏi tác động của tia cực tím, giúp tăng tuổi thọ của ống nhựa khi lắp đặt, sử dụng dưới ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP - R Hoa Sen được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT. Mặt trong và ngoài thành ống nhựa trơn láng, không đóng rong rêu, không đóng cặn, đảm bảo vệ sinh nguồn nước và không chứa các hóa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe của người dùng. Sản phẩm ống nhựa này còn có khả năng kháng hóa chất tốt, chống lại sự ăn mòn của những hóa chất nồng độ thấp như các dung dịch axit, kiềm, muối, dung môi yếu,… Ngoài ra, sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP - R còn có các đặc tính nổi bật khác: trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển; tính cách âm cao, không gây tiếng ồn và không rung khi dòng nước chảy qua; thành ống, lòng ống mịn, màu sắc hài hòa, hình dáng phụ kiện hiện đại. Ra mắt sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PP - R (2 lớp) chống tia UV là minh chứng mạnh mẽ cho việc Tập đoàn Hoa Sen luôn là doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Nhà máy sản xuất ống nhựa của Tập đoàn Hoa Sen Nhằm tiếp tục nâng cao vị thế của ống nhựa Hoa Sen tại thị trường trong nước, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang thực thi kế hoạch mở rộng hệ thống sản xuất thông qua việc đầu tư các Nhà máy sản xuất ống nhựa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu cùng hệ trộn trung tâm, nguyên liệu phối trộn được cân chính xác bằng hệ thống cân định lượng và hoạt động hoàn toàn tự động đã cho ra những sản phẩm ống nhựa đồng nhất, chất lượng tốt, chịu được nhiệt độ cao và thân thiện với môi trường. Đồng thời, nhờ việc triển khai song song mở rộng hệ thống sản xuất và hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ, sản phẩm ống nhựa Hoa Sen cùng hai sản phẩm chủ lực tôn Hoa Sen và ống kẽm Hoa Sen đã và đang được phân phối tới tận tay người tiêu dùng, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu thị trường theo từng khu vực. Đây chính là nền tảng vững chắc để Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ở thị trường tôn, thép, nhựa trong nước bằng việc nhanh chóng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa. Tập đoàn Hoa Sen hiện đang có 11 nhà máy lớn tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam sản xuất các mặt hàng tôn, ống kẽm, ống nhựa cùng hệ thống hơn 250 chi nhánh phân phối - bán lẻ, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng trên 63 tỉnh, thành trên cả nước. Lan Hương

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà – Đoàn Minh Cương tận tâm với công việc

Trải qua nhiều vị trí công tác, từ tháng 11/2014 đến nay, bác sĩ chuyên khoa cấp II Đoàn Minh Cương giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) và từ tháng 4/2015 là Bí thư Đảng ủy Trung tâm. Bằng nhiệt huyết với công việc, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của đơn vị. Trên cương vị là Bí thư Đảng ủy, đồng chí đã cùng với Đảng bộ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đảng ủy tới cán bộ, viên chức trong đơn vị, triển khai cụ thể, kịp thời các Nghị quyết của Đảng các cấp. Nhờ sự chủ động của đồng chí Đoàn Minh Cương, đội ngũ nhân sự của Trung tâm luôn ổn định tư tưởng, chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của đơn vị, cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Cá nhân đồng chí Đoàn Minh Cương được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa VII nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với trình độ chuyên môn vững, giàu kinh nghiệm, đồng chí đã đưa ra những quyết sách đúng đắn; chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp. Kết quả các hoạt động y tế dự phòng được triển khai có nền nếp, không để dịch bệnh lớn xảy ra, các chương trình, dự án đạt chỉ tiêu kế hoạch. Công tác khám, chữa bệnh tiếp tục được củng cố, việc thực hiện quy chế bệnh viện, giao tiếp, ứng xử có nhiều tiến bộ góp phần củng cố lòng tin của nhân dân. Trên cương vị là người đứng đầu đơn vị, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân sự, phát huy sức mạnh nội lực, tạo dựng tình đoàn kết, sự đồng thuận cao trong tập thể. Đặc biệt, bác sĩ Đoàn Minh Cương luôn không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, tiếp cận với phương thức quản lý hiện đại. Không chỉ khích lệ cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, bản thân đồng chí đã tham gia, chủ nhiệm một số đề tài. Tiêu biểu: “Đánh giá thực trạng công tác chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến y tế xã huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng năm 1999”; “Thực trạng quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các trạm y tế xã huyện Lâm Hà năm 2014”; “Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan đến phòng, chống bệnh lao, phổi ở người từ 12 - 70 tuổi, Lâm Hà, Lâm Đồng, năm 2015”… Những cống hiến của Bác sĩ Đoàn Minh Cương được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng: 2 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 12 năm liền Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh Lâm Đồng; 2 Bằng khen của Tỉnh ủy; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước, Hòa Bình có diện tích tự nhiên gần 4.600 km2, dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Tỉnh Hòa Bình không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn hấp dẫn nhờ nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc địa phương. Nơi đây được coi là cái nôi của dân tộc Mường nổi tiếng với 4 mường “Bi, Vang, Thàng, Động” và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có những bước khởi sắc trên mọi lĩnh vực của Tỉnh đến từ sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh. Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý về VH,TT&DL, gia đình trên địa bàn, thể hiện từ những mặt như sau: Trong công tác quản lý Nhà nước Thời gian qua, Sở đã có những đóng góp đầy tâm huyết trong xây dựng, ban hành được hàng loạt văn bản các loại, Chỉ thị, Nghị quyết và các quy định quy phạm pháp luật, chương trình hành động, kế hoạch, quy hoạch và đề án trong lĩnh vực ngành. Sở đã hoàn thành việc kiểm kê các di sản văn hóa trong địa bàn với hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định quản lý trong đó có 41 di tích, danh thắng đã được công nhận di tich cấp Quốc gia và 37 di tích, danh thắng được công nhận cấp tỉnh, 768 địa chỉ di sản phi vật thể các dân tộc thiểu số trong địa bàn tỉnh. Sở đã tổ chức thực hiện được trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học về di sản, di tích; tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn di sản Mo Mường và Nghệ thuật Chiêng Mường đề nghị Bộ VH,TT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa Quốc gia. Trong đó, di sản Mo Mường được đề nghị Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng Bảo trợ và tiến hành xây dựng kế hoạch và lộ trình lập hồ sơ Di sản trình các cấp xem xét đề nghị tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. Trong năm 2016, Sở đã tham mưu có hiệu quả cho UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030; tham mưu cho Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, công bố Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và trao Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Mo Mường và Nghệ thuật Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Bộ phiên âm chữ Mường hiện đang triển khai phổ biến trong địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Hòa Bình Hội Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho 20 nghệ nhân Mo Mường; Nhà nước công nhận 8 Nghệ nhân ưu tú và 1 Nghệ sĩ ưu tú đợt một giai đoạn 2016 - 2020. Quản  lý tốt gần 200 cơ sở dịch vụ văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hoá trong địa bàn, hàng năm tiếp nhận trên 60 lượt đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và doanh nghiệp biểu diễn vào phục vụ trong tỉnh; thẩm định trên 500 thông báo dịch vụ quảng cáo, quản lý và giám sát trên 50 lễ hội truyền thống. Tiếp nhận hàng trăm đoàn nghiên cứu, báo chí vào tìm hiểu và khai thác văn hóa trong địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tổ chức tốt công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, lễ hội và du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Sở đã kịp thời nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị quảng cáo, 1 đơn vị truyền thông với số tiền 23 triệu đồng trong năm 2016. Công tác xã hội hóa đã đem lại những tín hiệu khả quan khi huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và tài trợ cho hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao các cấp; góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Hoạt động tuyên truyền về các sự kiện văn hóa, văn nghệ diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú: treo panô, khẩu hiệu; tuyên truyền bằng xe chuyên dụng; trưng bày triển lãm tranh,... Sở đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật; nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, duy trì và phát triển trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh. Về tài chính được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/đội văn nghệ/năm. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức gần 13.500 buổi biểu diễn, phục vụ trên 4 triệu lượt người xem. Nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đồng thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Sở đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, phổ biến phim, chiếu bóng với hơn 1.300 buổi chiếu hàng năm. Đặc biệt, đoàn nghệ thuật tỉnh đã tham gia biểu diễn động viên bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1, được Bộ Tư lệnh Hải quân và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã giúp xây dựng văn hóa đọc cho người dân. Tổ chức hàng trăm đợt trưng bày sách báo, mở cửa phục vụ 20.800 lượt bạn đọc với 61.500 lượt sách báo luân chuyển hàng năm. Bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống, phát huy tiềm năng du lịch Trân trọng tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Sở đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, nhằm tạo dựng đội ngũ kế cận, tạo điều kiện để giới trẻ thêm hiểu và yêu mến những giá trị truyền thống, Sở đã triển khai mô hình truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca của dân tộc Mường tại huyện Kim Bôi thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Mô hình này được đánh giá cao và đã thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Mo Mường và Chiêng Mường Sở cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức, duy trì tốt các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Các lễ hội Chiêng Mường, Chùa Tiên, Khai Hạ - Mường Bi, Xên Bản - Xên Mường Mai Châu, Lễ hội Đình Băng - Lạc Sơn,… diễn ra an toàn, văn minh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đặc biệt, năm 2016, tỉnh đã xác lập kỷ lục Guiness về màn trình tấu Chiêng lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của 1.600 nghệ nhân. Quản lý và khai thác tốt 41 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng cấp Quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh cũng được tiến hành tốt. Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, Sở đã phối hợp quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hòa Bình; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo; quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ. Một trong những điển hình trong phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp phải kể đến mô hình “du lịch cộng đồng huyện Mai Châu” với doanh thu đạt trên 75 tỷ đồng năm 2016. Nhờ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch khoa học, mang tầm chiến lược của tỉnh, lượng khách du lịch đến với Hòa Bình không ngừng tăng, đạt 02 triệu lượt trong năm qua. Chú trọng phát triển thể dục thể thao và công tác gia đình Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Sở đã phối hợp tổ chức các giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh; phát triển 670 câu lạc bộ thể thao. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 29% người tập thể dục thường xuyên; 22,6% hộ gia đình thể thao; gần 66.700 người đạt chế độ rèn luyện thể thao theo tiêu chuẩn. Quan tâm phát triển thể thao thành tích cao, trong năm qua Sở đã huấn luyện 62 lượt vận động viên; tham gia thi đấu 15 giải thể thao khu vực và toàn quốc; đạt 23 Huy chương Vàng, 32 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng. Với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân địa phương đối với công tác gia đình, hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 1.422 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, phát triển gia đình bền vững; 837 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Hàng năm, Sở đã tổ chức tốt các hoạt động Hội thi chuyên đề Gia đình và tọa đàm chuyên đề. Năm 2016 đã tổ chức thành công Hội thi “Gia đình hạnh phúc”, đăng phát tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện Tháng hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình,... Với các thành tích trên, hàng năm tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng, tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành bằng nhiều thành tích: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua Bộ, Cờ thi đua của tỉnh, Cờ thi đua phong trào An ninh trật tự, nhiều Bằng khen của Bộ VH,TT&DL; Bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình; danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc;… Với tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình sẽ không ngừng cống hiến, góp phần thiết thực vào sự  phát triển bền vững của vùng đất Hòa Bình mến yêu.  

Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình): sức sống mới, diện mạo mới sau 15 năm thành lập

Năm 2001, huyện Cao Phong được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Kỳ Sơn và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2002. Với diện tích tự nhiên là 25.600,25 ha, Cao Phong có 13 đơn vị hành chính với 3 dân tộc cùng sinh sống (Mường, Kinh, Dao), dân số trên 4 vạn người. Trên chặng đường 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nhận thức đúng đắn những thuận lợi và khó khăn, tập trung dân chủ, đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện để triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ. Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, huyện đã có những bước tiến vượt bậc. Nhân dân và cán bộ huyện Cao Phong vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì  Kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực. Tính chung trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2002 đạt 1,4 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 29 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 2002. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2002 đạt 3 triệu đồng, 2016 đạt 32,8 triệu đồng/người, tăng hơn 10 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp năm 2002 là 72%, đến năm 2016 giảm xuống còn 46%; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng từ 18% năm 2002 lên 28% năm 2016; tỷ trọng du lịch, dịch vụ tăng từ 10% năm 2002 lên 26% năm 2016). Diện mạo của huyện Cao Phong đã có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của huyện ngày càng được hoàn thiện, các khu dân cư mới được hình thành, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ... đã phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân trên địa bàn và thu hút đầu tư phát triển. Bộ mặt nông thôn và thị trấn huyện lỵ thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.     Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm mô hình trồng Cam của huyện (năm 2015) Với định hướng ưu tiên phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp, trong đó phát triển nông nghiệp với hai loại cây trồng chính là cam và mía, vì vậy cây cam, quýt trên địa bàn đã tăng mạnh về cả diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo ra bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của huyện nhà, mở ra một hướng mới là xây dựng Cao Phong thành một huyện sản xuất hàng hóa tập trung về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Năm 2015, huyện Cao Phong đã tổ chức thành công Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất, đã tạo được tiếng vang lớn đến người tiêu dùng trong cả nước và được tỉnh đánh giá cao. Tiếp nối thành công đó, năm 2016, trong chương trình kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, Lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc là một trong những chương trình diễn ra đầu tiên trong chuỗi các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm. Sự thành công của Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc đã tạo bước đột phá mang tính chiến lược trong định hướng phát triển nông nghiệp, góp phần trực tiếp nâng cao giá trị của cam Cao Phong một cách bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để cam Cao Phong phát triển ổn định, có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Năm 2016, diện tích cam, quýt của huyện khoảng 2.080 ha, sản lượng đạt trên 23.000 tấn. Bình quân 1 ha cam, quýt có tổng thu nhập ước đạt từ 300 - 600 triệu đồng; diện tích mía khoảng 2.500 ha, giá trị bình quân ước đạt khoảng 200 - 240 triệu đồng/ha. Trong lĩnh vực nông nghiệp có gần 400 hộ dân thu từ 100 đến 500 triệu đồng, có trên 130 hộ thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, có 70 hộ dân thu từ 1 đến 3 tỷ đồng và có trên 20 hộ dân thu trên 3 tỷ đồng, có những hộ thu trên 9 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực du lịch đạt mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2010 - 2015, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Công tác quản lý, bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: lễ hội Đền Bờ; lễ hội Mường Thàng, lễ hội Khai xuân, lễ hội Chùa Khánh, lễ hội rước nước – Đền Bồng Lai...; khai thác có hiệu quả di tích lịch sử Chiến khu Cao Phong - Thạch Yên, di tích lịch sử anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan, di tích Vườn Hoa - Núi Cối, Đền Thượng Bồng Lai... đặc biệt quần thể hang động núi Đầu Rồng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia đã tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Cao Phong. Số lượng khách du lịch năm sau cao hơn năm trước; năm 2016, đạt trên 260.000 lượt khách. Cao Phong vẫn giữ được khá nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Mường, mà tiêu biểu hơn cả là văn hóa cồng chiêng. Hiện nay toàn huyện có trên 3.000 chiêng Mường, các xã đều có đội cồng chiêng và duy trì hoạt động thường xuyên. Tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, đội cồng chiêng Cao Phong tham dự với 800 tay chiêng, trang phục váy áo truyền thống và chiếc chiêng trên tay, phụ nữ Mường Thàng đã góp phần đưa nét đẹp văn hóa Mường đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.   Cam - Sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện Cao Phong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Dũng Phong là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Đây là tiền đề vững chắc tiến tới mục tiêu có một nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng xã hội nông thôn để nhân dân có đời sống sung túc; làng xã văn minh, sạch đẹp, xã hội dân chủ, đảm bảo sự hài lòng ngày càng cao của cán bộ và nhân dân đối với các mặt đời sống xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, năm 2016 số phòng học được kiên cố hóa đã chiếm 98%; 20/40 trường đạt chuẩn Quốc gia, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ về số lượng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn; 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn và vượt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; tỷ lệ học sinh thi vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân được mở rộng và tăng cường. Đến năm 2016, huyện có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân; 7 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế năm 2016 đạt 53,85%. Văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh và đạt nhiều thành tích. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Những kết quả đó, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là những vùng khó khăn. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 21,87% (Theo tiêu chí nghèo đa chiều). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong, nhiều năm liền huyện Cao Phong được xếp hạng thi đua nằm trong tốp đầu của khối huyện, thành phố, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2012, Cao Phong vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập huyện. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Huân chương Lao động hạng Nhì. Chặng đường phía trước còn đó nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đồng tâm, hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ 27, xây dựng quê hương Cao Phong ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Tập đoàn Hoa Sen ra mắt sản phẩm Tôn Thái mới tại Hội chợ Vietbuild Đà Nẵng

Từ ngày 19/4/ - 23/4, Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng được tổ chức tại TP Đà Nẵng, với quy mô gần 800 gian hàng. Tập đoàn Hoa Sen đã mang 3 nhóm sản phẩm chủ lực tham gia triển lãm: Tôn Hoa Sen, Ống kẽm Hoa Sen và Ống nhựa Hoa Sen. Đặc biệt, tại Triển lãm Vietbuild Đà Nẵng lần này, Tập đoàn Hoa Sen đã giới thiệu tới khách hàng loại sản phẩm Tôn Thái (Tôn cán kiểu ngói Thái Lan). Đây là sản phẩm mới của Tập đoàn Hoa Sen, được sản xuất trên công nghệ hiện đại và cán bằng máy cán sóng đặc biệt tạo nên sản phẩm gần giống với ngói truyền thống, đa dạng về màu sắc, rất nhẹ và dễ thi công, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà và công trình.   Toàn cảnh gian hàng của Tập đoàn Hoa Sen tại triển lãm Trong nhiều năm liền, Tập đoàn Hoa Sen luôn giữ vững vị trí số 1 trong thị trường tôn thép ở Việt Nam, chiếm 33,1% thị phần tôn, đứng thứ hai về thị phần tiêu thụ ống thép cả nước với 20,3% thị phần ống thép trong năm 2016. Riêng đối với sản phẩm ống nhựa, Tập đoàn Hoa Sen đã có những bước phát triển vượt bậc. Với 4 yếu tố cốt lõi “chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý, thời gian giao hàng nhanh và chế độ hậu mãi tốt”, ống nhựa Hoa Sen đã vươn lên vị trí số 3, nằm trong tốp các doanh nghiệp phát triển mạnh nhất trong thị trường tiêu thụ ống nhựa trên cả nước. Để có được những thành công đó, Tập đoàn đã đầu tư nghiêm túc từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng. Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đang sản xuất và kinh doanh 3 loại sản phẩm ống nhựa chính: uPVC, HDPE, PPR và đầy đủ các loại phụ kiện đi kèm. Các sản phẩm này đều được đưa đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua hệ thống phân phối – bán lẻ trải dài trên khắp cả nước. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Sen có các nhà máy sản xuất ống nhựa tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định nên có thể giảm được chi phí logistic, giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng theo từng khu vực. Đại biểu tham quan gian hàng của Tập đoàn Hoa Sen Chiến lược của Tập đoàn Hoa Sen là củng cố thị trường miền Nam, đẩy mạnh thị trường miền Bắc và miền Trung, tạo được sự tăng trưởng từ việc chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa. Tại miền Trung, Tập đoàn Hoa Sen đầu tư Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen Bình Định giai đoạn 1 đã cho ra những sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2016; giai đoạn 2 dự kiến được hoàn thành vào 12/2017. Tại khu vực miền Bắc, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư Nhà máy Hoa Sen Hà Nam  sản xuất 2 mặt hàng chính là ống nhựa và ống thép. Hiện tại, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 và cho ra những sản phẩm thương mại đầu tiên vào tháng 2/2017. Ngoài ra, nhà máy đang đầu tư hệ thống máy sản xuất ống thép, dự kiến sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên vào tháng 6/2017. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu cùng hệ trộn trung tâm, nguyên liệu phối trộn được cân chính xác bằng hệ thống cân định lượng và hoạt động hoàn toàn tự động đã cho ra những sản phẩm ống nhựa đồng nhất, chất lượng tốt, chịu được nhiệt độ cao và thân thiện với môi trường. Để giúp các đối tác, khách hàng có thêm góc nhìn thực tế và khách quan về sản phẩm ống nhựa Hoa Sen, ngay tại gian hàng ở Triển lãm Vietbuild Đà Nẵng, nhân viên kỹ thuật đã triển khai những thí nghiệm trực quan sinh động độ bền, độ dẻo và khả năng chịu va đập của sản phẩm Ống nhựa Hoa Sen. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những cam kết về chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen. Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm Ống kẽm Hoa Sen được sản xuất qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: tẩy gỉ, cán nguội, mạ kẽm, xẻ băng, cán định hình, tạo nên những sản phẩm với bề mặt trắng sáng, trơn láng, bóng đẹp cho tính thẩm mỹ cao; khả năng chống ăn mòn, chống oxi hóa vượt trội mà không cần sơn phủ bảo vệ; độ bám kẽm, chịu lực tốt, độ dày đều, độ uốn dẻo cao giúp mối hàn không bị tách, nứt hoặc vỡ khi uốn cong. Tất cả tạo nên sản phẩm Ống kẽm Hoa Sen với độ bền gấp nhiều lần so với các loại ống thép thông thường. Đồng thời, nhờ quy trình sản xuất khép kín và thế mạnh chủ động được nguồn nguyên liệu, Tập đoàn Hoa Sen đã tăng cường điều tiết và kiểm soát chặt chẽ chi phí trong từng khâu. Vì vậy, dù chất lượng cao gấp nhiều lần nhưng giá thành sản phẩm của Ống kẽm Hoa Sen vẫn rất hợp lý. Trong suốt 16 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã và đang không ngừng nỗ lực để mang những sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng bằng việc thực hiện nghiêm ngặt 4 cam kết “Bán đúng giá, đúng tiêu chuẩn, đúng chất chất lượng và được bảo hành” trên toàn quốc. Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đang sở hữu hơn 250 chi nhánh, tiếp tục mở thêm các chi nhánh mới nhằm tăng độ phủ của thương hiệu Hoa Sen đến từng huyện, hướng tới mục tiêu đạt 500 chi nhánh vào cuối năm 2018.  Lan Hương –Trần Lê

Trang