Bức tranh phát triển tươi sáng trên Cố đô Hoa Lư
20/11/2017 - 14:26

Hoa Lư - mảnh đất ghi dấu những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, là kinh đô, nơi phát tích của ba triều đại Đinh, Tiền Lê và nhà Lý; là mảnh đất huyền thoại được tô điểm bởi những danh lam thắng cảnh, những giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc nằm trong quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới: di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư; Tràng An - Tam Cốc... trường tồn với thời gian.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa, những tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất quê hương trong thời kỳ hội nhập và phát triển, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn chung sức đồng lòng ra sức thi đua, vươn lên toàn diện. Cùng với bức tranh phát triển tươi sáng, mảnh đất cố đô đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình.

Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập huyện và đón bằng Huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Hàng năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11%. Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, các cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn. Năm 2016, sản lượng lương thực có hạt đạt 36.081 tấn, trong đó có 18.061 tấn lúa chất lượng cao; giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt 88 triệu đồng/ha.

Từ nguồn tài nguyên núi đá vôi, huyện Hoa Lư đã tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), trong đó tập trung vào sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay trên địa bàn huyện có Nhà máy Xi măng Duyên Hà, Nhà máy Xi măng Lucky - Đài Loan với công suất trên 5 triệu tấn/năm. Huyện cũng có nhiều chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống: làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân, làng nghề thêu Ninh Hải, làm chăn bông, may xuất khẩu... Toàn huyện có trên 250 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất CN-TTCN hàng năm đều đạt 3.300 tỷ đồng trở lên.

Công tác thu, chi ngân sách được các cấp trong Huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hàng năm đều có số thu đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2016, đạt 357 tỷ đồng, tương đương 480,9% dự toán.

Với lợi thế là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng, huyện Hoa Lư đã tập trung tuyên truyền, quảng bá về du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hoá trên địa bàn; nhất là khu du lịch sinh thái Tràng An đã được UNESCO công nhận di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Do vậy, số khách về tham quan du lịch trên địa bàn huyện đều đạt trên 3-4 triệu lượt khách mỗi năm; các cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Những năm gần đây, Hoa Lư còn ghi nhiều dấu ấn trong công cuộc đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình và cả nước xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 6 năm thực hiện, những thành tựu trong xây dựng NTM đã khẳng định cho những nỗ lực, những cống hiến hết mình của mỗi người con Hoa Lư.

 Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM toàn huyện đạt hơn 2.838 tỷ đồng. Trong đó: vốn từ nguồn ngân sách nhà nước đạt gần 1.300 tỷ đồng, chiếm 45,58%, vốn nhân dân tham gia 1.274,13 tỷ đồng, chiếm 44,89%.

Diện mạo Hoa Lư hiện nay đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao. Cuối năm 2016, Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới theo tiêu chí mới.

Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoa Lư đã vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Những danh hiệu, phần thưởng đó sẽ là động lực để Hoa Lư tiến bước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình.