Kinh nghiệm phát triển bảo hiểm xe cơ giới
23/11/2017 - 15:24

TĐKT - Theo báo cáo số liệu từ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Nhật Bản cho thấy, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 9.330,9 tỷ Yên. Trong đó doanh thu về bảo hiểm xe ô tô là 4.998,3 tỷ Yên (chiếm 53,57% doanh thu toàn thị trường).

Đoàn công tác Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới chụp ảnh cùng Hiệp hội Bảo hiểm Nhật Bản

Cụ thể, đối với bảo hiểm xe ô tô có doanh thu bảo hiểm bắt buộc là 1.032,3 tỷ Yên và bảo hiểm tự nguyện hơn 3.966 tỷ Yên (cơ cấu tương đương Việt Nam). Tuy nhiên bảo hiểm bắt buộc chỉ bảo vệ đối với bảo hiểm thiệt hại về người không áp dụng đối với xe. Mức trách nhiệm có phân biệt theo trường hợp chết, thương tật vĩnh viễn và thương tật khác. Từ năm 2002 đến nay, mức trách nhiệm cho tử vong lên đến 30 triệu Yên. Thương tật vĩnh viễn từ 750.000 - 30 triệu Yên. Loại hình thương tật khác giảm dần dưới 1,2 triệu Yên. Việc giảm dần mức trách nhiệm này nhờ kết quả nghiên cứu của trung tâm giám định thương tích nhằm đưa ra chi phí điều trị hợp lý.

Tại Nhật Bản, triết lý của Nhà nước đối với bảo hiểm bắt buộc là dịch vụ phi lợi nhuận, do đó Nhà nước quản lý toàn bộ phí bảo hiểm bắt buộc. Các khoản lãi từ đầu tư toàn bộ phí bảo hiểm này được dùng cho mục đích đề phòng hạn chế tổn thất và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Phí bảo hiểm được tính theo cơ cấu: Phí bảo hiểm thuần + Chi phí quản lý + hoa hồng + tỷ lệ đóng góp theo quy định của Nhà nước. Tỷ lệ phí được tính toán bởi Hiệp hội định phí bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản. Không áp dụng giảm phí không tổn thất đối với bảo hiểm bắt buộc.

Thời hạn bảo hiểm cho các loại xe được phân theo nhóm xe như xe chở người mới xuất xưởng sử dụng mục đích cá nhân, thời hạn bảo hiểm 3 năm; xe chở người cũ cho mục đích cá nhân, xe ô tô chuyên dùng có kích thước lớn, xe tải hạng trung có thời hạn bảo hiểm 2 năm, còn lại có thời hạn bảo hiểm 1 năm. Các xe được bảo hiểm đều dán nhãn (tem) bảo hiểm.

Cũng như ở bất kỳ thị trường nào, trục lợi bảo hiểm là một vấn đề nóng ở thị trường BHXCG tại Nhật Bản. Theo đó, nhằm hạn chế khả năng trục lợi bảo hiểm, nếu xe tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm thì chỉ giải quyết theo hợp đồng đầu tiên, đồng thời thiết lập công khai số điện thoại thông báo nghi ngờ trục lợi bảo hiểm; sử dụng dịch vụ thám tử tư...; cảnh sát giao thông có thể dùng dịch vụ thám tử tư để xác minh các thông tin liên quan đến quy trình giám định và bồi thường…

PV