Chuyên đề

PC Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Năm 2021, đại dịch COVID-19 với biến chủng mới nguy hiểm hơn đã bùng phát và diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành nước ta. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã có những kế hoạch, phương hướng cụ thể để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đơn vị đã tăng cường kỷ luật vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lao động, PCCC, an toàn giao thông; trang bị đầy đủ trang bị phòng dịch cho cá nhân CBCNV tránh nguồn bệnh dịch lây lan; bố trí sẵn dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế tại tất cả các phòng giao dịch khách hàng. Đảm bảo 100% người ra vào đơn vị phải được xịt sát khuẩn, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang trước khi vào; lập phương án đảm bảo cấp điện cho các cơ sở y tế, khu cách ly phòng, chống dịch bệnh; xử lý các khiếm khuyết của lưới điện, xử lý phát quang đảm bảo an toàn hành lang tuyến đường dây; làm việc với các cơ sở y tế đóng trên địa bàn, phối hợp kiểm tra tình trạng làm việc đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các cơ sở y tế đồng thời lập biên bản xác định ranh giới và trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện.   Công ty thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho CBCNV Cùng với việc bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vẫn luôn duy trì chỉ đạo các bộ phận trực thuộc và toàn thể CBCNV thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn cho CBCNV trước dịch bệnh.   Phun khử khuẩn tại trụ sở công ty và các đơn vị trực thuộc Bước vào năm 2022 với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh các dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần chung tay đẩy lùi dịch COVID-19./.    

Liên đoàn Lao động quận Long Biên luôn đồng hành, sát cánh cùng đoàn viên, người lao động

Trong khó khăn, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động (NLĐ), làm tốt và thể hiện rõ chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ NLĐ. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên hiện đang quản lý và chỉ đạo trực tiếp là 349 công đoàn cơ sở (hành chính sự nghiệp: 24, trường học công lập: 85, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước: 240) với 13.761 đoàn viên công đoàn/14.548 người lao động, trong đó có 8069 đoàn viên nữ/8582 nữ lao động; đồng thời thường xuyên hoạt động cùng 42 đơn vị phối quản. Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; năm đầu tiên triển khai các Chương trình công tác lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Năm Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện chủ đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, Thành phố thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, quận Long Biên thực hiện chủ đề “Năm dân vận khéo, trọng tâm công tác giải phóng mặt bằng” và LĐLĐ quận thực hiện chủ đề “Tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên”. Trong năm, bám sát nhiệm vụ chính trị của quận, LĐLĐ thành phố và chương trình công tác năm 2021, LĐLĐ quận đã chủ động phối hợp với UBND và các phòng, ban, ngành của quận triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch, phong trào CNVCLĐ và công tác công đoàn trong năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được triển khai tốt trong dịp tết Tân Sửu, đảm bảo mọi CNVCLĐ đều có Tết, hỗ trợ cho CNVCLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, văn bản chỉ đạo của thành phố, quận, giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, chủ đề năm của tổ chức công đoàn, của thành phố và quận, phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện thông qua fanpage, zalo của LĐLĐ quận. Phong trào thi đua được phát động và thực hiện ngay từ đầu năm bằng những chương trình, hành động thiết thực. Các hoạt động xã hội đón nhận được sự ủng hộ của đông đảo CNVCLĐ, đã thăm hỏi, tặng quà đúng các đối tượng. Công tác chỉ đạo, điều hành của LĐLĐ quận có nhiều đổi mới, sát với cơ sở; xác định rõ và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Nhìn lại một năm hoạt động nhiều dấu ấn, đồng chí Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho hay: Năm 2021, thực hiện chủ đề công tác năm là “Tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên”, LĐLĐ quận đã tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), đặc biệt là hỗ trợ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên người lao động được LĐLĐ quận phát huy mạnh mẽ. Thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, LĐLĐ quận tiếp tục tuyên truyền việc thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) theo quy định Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn 2012. Kết quả, đến nay đã có 194/224 đơn vị xây dựng TƯLĐTT đạt 86,60% (trong đó có 89 đơn vị ký lại và 22 đơn vị ký mới). Tiêu biểu trong năm, LĐLĐ quận Long Biên đã đại diện cho NLĐ tại Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Tinh Hoa Toàn Cầu - đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn thương lượng những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ và đại diện NLĐ tổ chức ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động. LĐLĐ quận cũng đã vận động 15 lãnh đạo doanh nghiệp cùng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ký TƯLĐTT tập thể nhóm doanh nghiệp với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Thỏa ước được chấm điểm đạt loại A. Đây là mô hình mới mà LĐLĐ quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận tiếp tục thực hiện “Chương trình phúc lợi đoàn viên”, LĐLĐ quận đã ký cam kết ưu đãi với 22 đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay đã có 14.000 lượt đoàn viên công đoàn sử dụng thẻ ưu đãi, đã đem lại ưu đãi cho đoàn viên gần 5 tỷ; tổ chức khai trương “Siêu thị công đoàn quận Long Biên”, bán hàng với giá ưu đãi cho đoàn viên công đoàn từ 10-70%. Thực hiện chủ đề “Tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên” LĐLĐ quận triển khai viết về “Điều ước đoàn viên” và đã có 15 điều ước đoàn viên đã được công đoàn cơ sở và 4 điều ước đoàn viên được LĐLĐ quận đưa điều ước đoàn viên trở thành hiện thực. Với tinh thần không để đoàn viên, NLĐ khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bị bỏ lại phía sau, LĐLĐ quận đã kịp thời có mặt, hỗ trợ họ như tổ chức 12 “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, trao túi quà “An sinh Công đoàn”. Đến nay, LĐLĐ quận đã hỗ trợ 4.158 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tặng quà cho NLĐ trong khu cách ly, phong tỏa, F0, F1, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau dịch bệnh; thăm hỏi, động viên hỗ trợ kinh phí Trung tâm Y tế quận và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là 2 đơn vị tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19... Tổng số quà tặng và hỗ trợ đoàn viên, NLĐ đến hết tháng 12/2021 gần 2,2 tỷ đồng. Có thể nói trong bất cứ thời điểm nào, LĐLĐ quận Long Biên cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt công tác công đoàn và phong trào CNVCLĐ, hết mình vì sự tiến bộ của đoàn viên, người lao động. Với những đóng góp, cống hiến to lớn cho công tác công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động của Thủ đô và đất nước, năm 2021, LĐLĐ quận Long Biên đã được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua, cá nhân đồng chí Chủ tịch Phan Thị Thu Hằng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhìn lại năm 2021: Kiến tạo những dấu ấn đẹp, thành công vượt qua đại dịch

Sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo theo hướng xanh, bền vững, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bủa vây, Trung An vẫn tỏa sáng, vững bước đi qua đại dịch. Ngay từ những ngày đầu năm, Trung An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm đơn vị xuất khẩu lô gạo khai trương năm mới với số lượng 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài đi Malaysia và 450 tấn gạo thơm Jasmine đi Singapore. Khai trương xuất khẩu lô hàng đầu tiên năm 2021 Ngày 15/11/2021, lần thứ ba trong năm Trung An trúng thầu bán 15.000 tấn gạo 100% tấm sang Hàn Quốc với giá lên đến 449 đô la Mỹ/tấn, nâng tổng lượng gạo trúng thầu cung cấp cho Hàn Quốc lên 48.436 tấn, chiếm 83% tổng lượng gạo mà Hàn Quốc mở thầu cho gạo Việt Nam năm 2021. Trước đó, ngày 8/4/2021, Trung An trúng thầu 11.236 tấn gạo lứt hạt dài với giá 584 đô la Mỹ/tấn và ngày 17/5/2021, trúng thầu 22.222 tấn gạo lứt hạt dài giá 572 đô la Mỹ/tấn. Riêng thị trường châu Âu, từ tháng 6/2021, Công ty đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg, Đức để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu Trung An. Thực tế chỉ sau 2 tháng, lượng khách hàng Châu Âu đến mua sản phẩm tăng khá nhiều. Có thể nói, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là làn sóng dịch lần thứ 4, nhưng Trung An đã vượt khó tăng tốc mạnh mẽ. Theo đó, đến hết năm 2021, sản lượng gạo Công ty xuất ra thị trường chắc chắn đạt 197.000 tấn, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 60.000 tấn với kim ngạch thu về trên 31 triệu đô la Mỹ, vượt 67% so với kim ngạch năm 2020. Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo của Trung An đạt cao nhất so với giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp khác ở trong nước, trung bình đạt 610 đô la Mỹ/tấn. Với những thành tích đạt được, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã được Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động xuất khẩu gạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong thời gian tới, phát triển lúa, gạo theo hướng xanh, bền vững vẫn sẽ là chiến lược, mục tiêu theo đuổi của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An để tiếp tục gặt hái những mùa vàng bội thu, tạo dựng những giá trị lớn, nâng tầm nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ: Nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn

Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Bắc Trung Bộ quản lý địa bàn rộng, mạng lưới trạm KTTV quốc gia trên khu vực có số lượng lớn. Với một hệ thống 23 trạm khí tượng bề mặt, 33 trạm thủy văn, 1 trạm rada thời tiết, 1 trạm thám không vô tuyến, 04 trạm khí tượng nông nghiệp, 3 trạm khí tượng hải văn, 10 điểm kiểm soát môi trường không khí và nước; hệ thống trạm KTTV tự động có số lượng trạm tương đối lớn được phân bố đều trên khắp khu vực gồm có: 90 điểm đo mưa; 23 trạm khí tượng; 17 trạm thủy văn; 3 trạm hải văn, 3 trạm quan trắc định vị sét, 1 trạm lấy mẫu bụi không khí đô thị và 1 trạm môi trường sinh thái. Trụ sở Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ Trong những năm qua, Đài luôn phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua thực hiện tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, duy trì và phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV theo hướng hiện đại hóa, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống mạng lưới quan trắc đáp ứng phục vụ kịp thời cho công tác dự báo KTTV. Đài luôn cố gắng nâng cao tính khoa học trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng hình thức thực hiện phân khai nhiệm vụ cụ thể theo từng tháng, từng quý, xác định và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; trong từng công việc có mục tiêu cụ thể, có quy định thời hạn hoàn thành và được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên tại các cuộc giao ban hàng tháng. Một số kết quả nổi bật là: Công tác quản lý mạng lưới trại KTTV trực thuộc Đài thực hiện tốt nên hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, đo đạc, thu thập, xử lý, điện báo số liệu kịp thời, chính xác phục vụ công tác cảnh báo, dự báo ở trung ương và địa phương. Luôn chú trọng việc thành lập các đoàn công tác bám sát cơ sở  để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục các sự cố về máy, thiết bị, phương tiện đo KTTV nhằm đảm bảo và tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm vì thế trên toàn mạng lưới trạm luôn luôn có đầy đủ máy, thiết bị, phương tiện đo đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phục vụ tốt công tác quan trắc, đo đạc các yếu tố theo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Công trình, máy, thiết bị, phương tiện đo được bảo quản thường xuyên, bảo dưỡng đúng định kỳ trước mùa mưa, bão hàng năm đảm bảo chất lượng phù hợp với các quy định hiện hành. Những công trình bị hư hỏng, có sự cố đã được khắc phục và sửa chữa kịp thời, đảm bảo đo đạc tốt trong mọi tình huống thời tiết. Công tác dự báo Khí tượng Thủy văn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể là đã tập trung khai thác và sử dụng tốt máy, thiết bị hiện có, tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ dự báo mới, xây dựng kế hoạch, phương án dự báo KTTV, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi đợt phục vụ và sau một năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; thực hiện chế độ trực ban, chế độ trách nhiệm của thủ trưởng, của dự báo viên, chế độ thảo luận dự báo; điều tra khảo sát và báo cáo đúng quy định các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm và thiên tai xảy ra tại các địa phương. Với phương châm “Phục vụ phải kết hợp với công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai” trong nhiều năm qua, viên chức làm công tác dự báo KTTV phối hợp chặt chẽ với hệ thống các cơ quan truyền thông đại chúng từ trung ương đến địa phương, thông tin nhanh về diễn diến KTTV hàng ngày, tin bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, rét đậm, rét hại, năng nóng, khô hạn... xảy ra trên khu vực. Công tác thu thập thông tin KTTV được cập nhật đầy đủ và chính xác, phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Nhờ tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến, kết hợp với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhiệt tình trong công tác của cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị nên chất lượng công tác dự báo KTTV của Đài trong 5 năm qua luôn được đánh giá đạt và vượt chất lượng được giao. Tiêu biểu như trong năm 2020, mưa lũ đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong tháng 10. Phòng Dự báo KTTV đã phối hợp với 2 Đài tỉnh thường trực 24/24 và đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo sát với thực tế; bám sát tình hình thời tiết, thủy văn và thường xuyên cung cấp thông tin cũng như số liệu cho các đơn vị truyền thông, Ban phòng, chống thiên tai các tỉnh. Hệ thống máy, thiết bị đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống phục vụ tốt yêu cầu công tác dự báo, cảnh báo cũng như truyền tin kịp thời đến nơi quy định. Trong đó đã sử dụng phần mềm DPS Server-Client, phục vụ cho công tác nhận chuyển OBS qua mạng Internet đạt hiệu quả cao. Các hệ thống đo mưa, đo gió tự động hoạt động ổn định phát huy được hiệu quả đầu tư. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống hội thảo trực tuyến có hình ảnh giữa Đài khu vực và các Đài tỉnh giảm thời gian đi lại giữa các đơn vị, giúp cho công tác quản lý điều hành thuận tiện, công tác dự báo phục vụ kịp thời hơn bằng các buổi hội thảo trực tuyến hàng ngày. Song song với sự phát triển của trang thiết bị tự động trong hệ thống, Đài đã động viên đội ngũ quan trắc viên, kỹ thuật viên tăng cường phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng tiếp thu công nghệ tự động để quản lý, vận hành, khai thác trang thiết bị mới đảm bảo kết nối, truyền dẫn số liệu phục vụ hiệu quả công tác dự báo KTTV. Bên cạnh đó, hàng năm Đài đã chỉ đạo tổ chức phát động các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực hiệu quả. Công tác thi đua, khen thưởng đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đài. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Một trong những phong trào thi đua sâu rộng và nổi bật nhất trong những năm qua là “Phong trào thi đua thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dự báo và phục vụ KTTV”, “Phong trào thi đua thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác điều tra cơ bản KTTV”, “Phong trào nâng cao chất lượng quan trắc phục vụ dự báo KTTV tại địa phương”... Các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy tinh thần yêu ngành, yêu nghề trong mỗi cán bộ, viên chức và người lao động. Thông qua các phong trào thi đua, mỗi tập thể, mỗi cá nhân thực sự là những tấm gương sáng không ngừng học hỏi, phấn đấu để trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong từng phong trào, trong học tập và công tác. Với những kết quả đạt được, Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh; Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen... Năm 2021, Đài vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

Phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng TP Hà Nội) nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng trên địa bàn Thủ đô

Phòng Quản lý Xây dựng là một trong những đơn vị tiêu biểu của Sở Xây dựng TP Hà Nội, thành lập trên cơ sở đổi tên và xác định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thẩm định (được thành lập năm 1996). Trải qua một phần tư thế kỷ hoạt động, Phòng Quản lý Xây dựng đã trưởng thành vững mạnh, làm tốt vai trò tham mưu, giúp Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố trong các công tác: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Tập thể cán bộ Phòng Quản lý Xây dựng (trước đây là Phòng Thẩm định) đã nỗ lực vượt bậc, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, cống hiến, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo phát triển khang trang, hiện đại cho Thủ đô. Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, Phòng Quản lý Xây dựng đã bám sát tình hình thực tiễn tập trung nghiên cứu, soạn thảo và tham mưu lãnh đạo Sở Xây dựng ban hành hoặc trình UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản mang lại hiệu quả cao trong triển khai thực hiện; tham mưu quản lý nhà nước về phát triển đô thị; phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác tập huấn, phổ biến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tiêu biểu, tập thể Phòng đã chủ trì tham mưu hoặc phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố phân cấp cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tại văn bản số 6542/UBND-XDGT ngày 15/9/2016, số 3916/UBND-ĐT ngày 30/6/2016, văn bản số 5966/UBND-ĐT ngày 23/11/2017 và Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 28/8/2018; chủ trì nghiên cứu và tham mưu Sở Xây dựng trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt bộ “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội” tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019... Việc xây dựng, tham mưu ban hành các văn bản nêu trên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ trong công tác triển khai thực hiện dự án tại các sở, ngành, địa phương; góp phần quan trọng chỉnh trang đô thị, tạo sự đồng bộ thống nhất về công tác chỉnh trang các tuyến phố; tạo bộ mặt cảnh quan đô thị văn minh, sạch đẹp, hiện đại của Thủ đô. Đặc biệt, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình xây dựng, Phòng Quản lý Xây dựng đã tăng cường hiệu quả, chất lượng trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội theo thẩm quyền, phân cấp. Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý Xây dựng cho biết “Từ năm 2016 đến nay, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách: Tổng số hồ sơ dự án, công trình đã thực hiện thẩm định là 2.806 hồ sơ với giá trị dự toán trình khoảng 118.774 tỷ đồng, giá trị dự toán sau thẩm định khoảng 111.539 tỷ đồng. Với các dự án sử dụng nguồn vốn khác, đã thẩm định tổng cộng 552 hồ sơ thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình; kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Xây dựng; bao gồm: Cơ cấu thành phần chi phí đầu tư, đơn giá định mức áp dụng, việc lựa chọn các vật liệu xây dựng, thiết bị công trình phù hợp theo các quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả, tân tiến và thân thiện với môi trường”. Có thể nói thời gian qua, bằng sự bền bỉ và sức sáng tạo không ngơi nghỉ, tập thể Phòng Quản lý Xây dựng - Sở Xây dựng TP Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế các công trình đã được thực hiện chặt chẽ tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan; đảm bảo đúng và vượt tiến độ, thời gian quy định. Công tác thẩm định dự toán chi phí được thực hiện đúng các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; kiểm tra khối lượng các công tác thi công phù hợp với hồ sơ thiết kế, kiểm tra việc áp dụng, cập nhật các quy định về cơ cấu chi phí, suất vốn đầu tư, đơn giá định mức cho từng thành phần công việc. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả của đầu tư công; đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về an toàn kết cấu, an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng, chất lượng sử dụng và tuổi thọ công trình, tiết kiệm và quản lý chặt chẽ ngân sách; đồng thời phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình; đóng góp trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Với những thành tích nổi bật, Phòng Quản lý Xây dựng nhiều năm được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014; Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội tặng nhiều Bằng khen. Đặc biệt, năm 2021 Phòng Quản lý Xây dựng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”.

Trang