Trong hàng ngàn sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn do những công nhân, kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng thực hiện, có không ít nỗ lực của các nữ công nhân, nữ kỹ sư ngày đêm cần mẫn tỉ mỉ, nghiên cứu. Nhiều sản phẩm, ý tưởng của các chị được ứng dụng vào thực tiễn, không chỉ mang lại giá trị cho đơn vị mà còn nâng tầm sản phẩm Việt.
Những “đứa con tinh thần” giá trị
Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà màng trồng cà chua bi sinh trưởng vô hạn, ứng dụng công nghệ 4.0 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, chị Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) tự hào khi quy trình sản xuất mà chị và các đồng nghiệp nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại lợi nhuận lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Đây cũng là sáng kiến chị tâm đắc, bởi khi áp dụng, người nông dân có thể kéo dài tuổi thọ của cây lên gấp 3 - 4 lần so với sản xuất theo kiểu truyền thống; cho ra sản phẩm sạch, an toàn, năng suất cao và giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất.
Kiên trì phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững
Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong vai trò người quản lý, chị Nguyễn Thị Kim Khánh không những quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi, tích cực tham gia nghiên cứu giống cây mới, quy trình chăm sóc cây, rau, hoa, dược liệu quý, mà chị còn là người truyền lửa cho thế hệ nhà khoa học trẻ đầy lòng đam mê và nhiệt huyết.
Hằng năm, chị thường đề xuất và cử các nhà khoa học trẻ đi học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như: Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore… tiếp cận những công nghệ tiên tiến đem về ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững.