Chính trị - Xã hội

1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Hayat-Vax của UAE đã về tới Việt Nam

TĐKT - Vào hồi 2h15 sáng nay (29/9), tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đã diễn ra lễ bàn giao một triệu liều vaccine Hayat-Vax phòng Covid-19 đầu tiên sản xuất tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) giữa G42 Medications Trading LLC (G42) và Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex). Đây là giao dịch đầu tiên đánh dấu bước tiến quan trọng, trong quan hệ hợp tác phát triển giữa hai pháp nhân hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm, y tế của hai quốc gia Việt Nam và UAE, mở ra tương lai tươi sáng, đầy triển vọng trong quan hệ giao thương mang tầm chiến lược tại Trung Đông và Đông Nam Á của hai pháp nhân này. Vimedimex tiếp nhận một triệu liều vaccine Hayat-Vax tại sân  bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội Vaccine Hayat-Vax có tên chính thức là: Vaccine SARS COV-2 (tế bào Vero) bất hoạt, sản phẩm là dung dịch bán trong suốt, có thể dùng đường tiêm bắp (IM), hộp 1 lọ chứa 2 liều, hàm lượng 0,5 ml, chứa 6,5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt và 0,3-0,6 mg/ml tá dược nhôm hydroxyd. Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Ths.BS. Trần Mỹ Linh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex cho biết, một triệu liều vắc xin Hayat-Vax được khởi hành trên chuyến bay EY0971 từ sân bay Abu Dhabi UAE lúc 16h45 ngày 28/09/2021 - giờ địa phương, chính thức hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội vào hồi 2h15 phút ngày 29/9/2021  - giờ địa phương, đây là thành quả đáng ghi nhận của Vimedimex trong nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn vaccine chất lượng và giá trị vượt trội. Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn quốc tế, được UAE (UAE nằm trong TOP 10 nước giàu có nhất thế giới) bỏ một nguồn kinh phí không hề nhỏ, để thử nghiệm 4Humanity, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đầu tiên trên thế giới, đây là một thử nghiệm quốc tế đa trung tâm, đa sắc tộc, một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, thu hút 45.000 tình nguyện viên đến từ 125 quốc gia trên thế giới, được xác định bởi WHO và NIH (Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) là thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên các quần thể đa dạng nhất và được kiểm soát song song với giả dược để đánh giá hiệu quả bảo vệ, tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch của vaccine bất hoạt chống lại SARS-CoV2 (tế bào vero) ở đối tượng khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên. Tiếp theo là quá trình theo dõi, đánh giá hiệu quả của vaccine ngăn ngừa COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng và tử vong liên quan đến COVID-19, 14 ngày sau khi tiêm chủng 2 liều và cuối cùng là việc khám phá mức độ bảo vệ của kháng thể trung hòa kháng SARS-CoV-2 ở 14 ngày sau 2 liều tiêm chủng (tiêu chí thay thế miễn dịch). Vậy "bất hoạt" nghĩa là gì, nó khác với các loại vaccine khác như thế nào? Vaccine bất hoạt chứa toàn bộ vi khuẩn hoặc virus đã bị tiêu diệt, hoặc các phần nhỏ của vi khuẩn hoặc virus, chẳng hạn như protein hoặc đường, không thể gây bệnh. Bởi vì, vaccine bất hoạt không chứa bất kỳ vi khuẩn hoặc virus sống nào, chúng không thể gây ra các bệnh mà chúng bảo vệ chống lại, ngay cả ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng. Cho đến nay, không quan sát thấy có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine Hayat-Vax. Phương thức hoạt động của vaccine tạo ra các kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2. Kết quả hoạt lực tương đối InVitro từ 0.5-2.0 vaccine Hayat-Vax chứa trong khoảng 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào Vero) bất hoạt và 0,3-0,6 mg/ ml tá dược nhôm hydroxyd. Với hiệu quả bảo vệ đạt 78,89%, tỷ lệ tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 đạt 99,52%, không có rủi ro liên quan đến sự nhân lên của virus trong cơ thể, vì đó là virus đã chết. Mở khoang máy bay để chuyển vaccine Hayat- Vax xuống xe chuyên dùng Về phía G42 của UAE chia sẻ, những đánh giá trong quá trình tiếp cận, đàm phán và ủy quyền cho Vimedimex nhập khẩu vaccine Hayat-Vax tại Viêt Nam cũng như những nỗ lực song phương để đạt được kết quả như ngày hôm nay. Mặc dù đã có kinh nghiệm xuất khẩu vaccine đi nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong quá trình xin cấp phép tại Việt Nam, G42 đã phải cung cấp rất nhiều giấy tờ, bao gồm cả những giấy tờ lần đầu tiên phải chuẩn bị và xuất trình, vì chưa có quốc gia nào yêu cầu trước đó. Thời gian để thẩm định và xét duyệt hồ sơ, giấy tờ cũng kéo dài nhất so với các quốc gia đã tiếp nhận và sử dụng vaccine Hayat-Vax từ G42, điều này cho thấy mối quan tâm sâu sắc của Bộ Y tế Việt Nam đến sức khỏe và an toàn của người dân Việt Nam. G42 bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến những nỗ lực của Vimedimex trong suốt thời gian qua, khi mà phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong quá trình tiếp cận, đàm phán mua vaccine, từ sự cạnh tranh… nhưng trên hết, với tinh thần của người dân Việt Nam, với tâm nguyện cống hiến vì cộng đồng, Vimedimex đã tự tin, vững bước vượt qua mọi khó khăn để về đích thành công. Chúng tôi tin tưởng vào sự thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa hai doanh nghiệp, cũng như sự phát triển hơn nữa trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE. Đại diện G42 hy vọng vaccine Hayat-Vax sẽ góp phần giải quyết những vấn đề do Covid-19 gây ra, sớm đưa cuộc sống của người dân Việt Nam trở lại bình thường, như những gì mà Hayat-Vax đã làm được cho đất nước UAE. Bộ Y tế và phòng ngừa UAE kiểm định chất lượng Cấp Giấy phép lưu hành bảy lô vaccine Hayat-Vax và cấp Giấy phép xuất khẩu sản phẩm sản xuất trong nước cho Bên xuất khẩu là G42 Medications Trading LLC và bên nhập khẩu là Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex Tại buổi lễ, ThS.DS Cao Thị Thu Hằng, Phó Tổng Giám đốc - phụ trách chất lượng của Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex chia sẻ: Hôm nay, Vimedimex rất vui mừng khi được Cục Hải Quan TP Hà Nội thông báo, để kiểm soát chất lượng vaccine trước khi được thông quan, cho phép Vimedimex vận chuyển vaccine Hayat-Vax về bảo quản và thực hiện các hoạt động kiểm định theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả kiểm định được công bố từ Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế chính thức cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Hayat-Vax trước khi đưa vào sử dụng, Cục Hải quan TP Hà Nội sẽ thực hiện thông quan một triệu liều vaccine Hayat-vax này. Đây được xem như sự đổi mới đáng trân trọng, khi một cơ quan quản lý nhà nước không phải là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực y tế, nhưng đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng về kiểm soát chất lượng vaccine theo đúng tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Với tư cách là đơn vị phân phối, Vimedimex rất ủng hộ Cục Hải Quan TP Hà Nội và mong muốn mỗi liều vaccine Covid-19 được tiêm chủng cho người dân Việt Nam phải là vaccine tuân thủ đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất đã công bố và đúng các tiêu chí được ghi nhận và cấp phép bởi các cơ quan chức năng, điều này, phải được minh chứng rõ ràng bằng hồ sơ chất lượng của từng lô vaccine nhập khẩu từng lần, kèm theo Giấy phép xuất xưởng từng lô vaccine được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Đồng thời, tại Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, bắt buộc phải có Giấy chứng nhận xuất xưởng của Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế. Với thực tế trải nghiệm trong quá trình làm việc với G42 những ngày vừa qua, Vimedimex có thể chia sẻ về hệ thống kiểm soát chất lượng vaccine Covid-19 rất chặt chẽ của UAE. Cụ thể, Bộ Y tế và phòng ngừa của UAE kiểm định chất lượng, phê duyệt cấp Giấy phép lưu hành từng lô vaccine Hayat-Vax và cấp Giấy phép xuất khẩu sản phẩm sản xuất trong nước số: Exp/L.Med/276/2021 cho bên xuất khẩu là G42 Medications Trading LLC và bên nhập khẩu là Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex. Như vậy, có thể thấy, tính nhân văn và chiều sâu đạo đức và tính chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế của Bộ Y tế và phòng ngừa UAE đại diện cho đất nước UAE thật đáng trân trọng, khi sự an toàn của từng mũi tiêm luôn được đảm bảo bằng sự kiểm soát chặt chẽ, không chỉ vì sức khỏe của chính người dân UAE, mà còn vì sức khỏe của bất kì người dân nào trên thế giới khi sử dụng Hayat-Vax. Phương Linh

Số điện thoại cá nhân của trạm trưởng y tế lưu động cũng trở thành số hotline

TĐKT - Trong cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt, số ca F0 tại địa bàn tăng cao, số điện thoại cá nhân của các y, bác sĩ cũng bất đắc dĩ trở thành số hotline, tư vấn hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà bất kể ngày đêm. Nhân viên y tế phải thuộc từng ngõ hẻm để hỗ trợ F0 nhanh nhất. Được biết, trong 5 khu phố thuộc phường Tân Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh), Trạm Y tế lưu động số 33 (đặt tại Ban quản lý dự án đường thủy, số 1041/80 Trần Xuân Soạn) phụ trách khu phố số 5 với 33 tổ dân phố, hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 300 ca F0. BS Hoàng Anh cùng học viên thăm hỏi, tư vấn sức khỏe cho các F0 đang được theo dõi chăm sóc sức khỏe tại nhà. Trong thời gian tăng cường giãn cách, số F0 của khu phố này đang được theo dõi và chăm sóc tại nhà lên đến 300 trường hợp. Giống bao tình nguyện viên khác, BS Đoàn Thị Hoàng Anh – Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) cũng gác chuyện gia đình sang một bên, vào miền Nam trợ giúp chống dịch. Tiếp đó, BS Đoàn Thị Hoàng Anh được phân công phụ trách Trạm Y tế lưu động số 33, cùng 2 học viên Học viện Quân y với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và hỗ trợ kiểm soát dịch tễ cộng đồng. Đến nơi đất khách chống dịch, BS Hoàng Anh và các học viên cũng choáng với mật độ dân cư dày đặc nơi đây, lại thêm “ngõ nhỏ, lắm hẻm, nhiều ngách”, nên việc tiếp cận nhà F0 phải đi qua ngõ ngách có nhiều “xẹt” là vô cùng khó khăn. Chỉ việc đi vào “nhà dân” cũng rất vất vả, có những lúc, nửa đêm vào nhà F0 ở cuối hẻm, bình oxy cũng phải vác trên vai để chạy nhanh nhất có thể để cứu người bệnh, vì để bình ngang xe máy thì không đi được… Thế nhưng, để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ F0 một cách nhanh nhất, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của tình nguyện viên bản địa, những thầy thuốc phụ trách Trạm Y tế lưu động số 33 cũng phải tự ghi nhớ địa bàn bằng nhiều cách. Đến nay, tất cả gần như đã thuộc lòng từng con đường, ngõ hẻm nơi đây. Cũng theo BS Hoàng Anh, thời gian đầu đến đây, nhóm vừa phải thuộc lòng bản đồ của khu phố, vừa phải nắm bắt tình trạng sức khỏe từng người dân. Đặc biệt là các F0. Để đáp ứng đòi hỏi nhanh, nhạy, chính xác từng hộ dân, các y, bác sĩ phải chia nhân lực đi nắm tình hình. Song, với số lượng F0 khá nhiều, cư dân đông nên việc khám, cấp cứu, chuyển tuyến lúc cao điểm đến hàng chục ca, điện thoại cá nhân cũng thành số hotline của trạm y tế và mỗi ngày thường xuyên nhận đến đến hàng trăm cuộc gọi. Khoảng thời gian đầu tiếp nhận địa bàn, khi không có những cuộc gọi cấp cứu F0 có diễn biến chuyển nặng thì hằng ngày BS Hoàng Anh cùng đồng đội đi đến các hẻm để phát thuốc, nắm tình hình sức khỏe của F0. Khi có những cuộc gọi cấp cứu, họ chia mỗi kíp 2 người để vừa cấp cứu, vừa hỗ trợ cung cấp oxy tại chỗ cho F0 có diễn tiến nặng, vừa liên hệ nhóm bác sĩ có chuyên môn tư vấn để hỗ trợ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sớm nhất có thể. Trong những lúc nguy cấp, sự sống của bệnh nhân tính bằng giây, kíp trực phải kiêm luôn việc liên hệ bệnh viện tuyến trên, liên hệ xe cấp cứu và cử nhân sự của Trạm Y tế lưu động hỗ trợ đưa bệnh nhân chuyển tuyến. Đối với BS Hoàng Anh và các học viên, trên dưới 20 cuộc gọi cấp cứu hàng ngày cũng chưa thấm vào đâu. Số điện thoại cá nhân của chị và những thành viên khác bất đắc dĩ trở thành số hotline của Trạm Y tế lưu động và cũng vì thế mà chiếc điện thoại vốn chỉ liên lạc với người thân, gia đình, nay lại trở thành tổng đài tư vấn xuyên đêm hay lúc rạng sáng cũng là điều đã trở nên quen thuộc. Những lúc này, BS Hoàng Anh và đồng đội không chỉ hỗ trợ giải đáp bệnh lý, mà cũng kiêm cả phần việc của chuyên gia tâm lý. BS Hoàng Anh kể: “Những cuộc gọi như người dân tự test nhanh cho kết quả dương tính hoặc người thân hết thời gian cách ly, đến những cuộc gọi chỉ là sự lo lắng, bất ổn định, hoặc thậm chí đến mất ngủ, không ăn được… cũng đều phải nghe và giải đáp cho người dân”. Những cuộc gọi xuyên ngày đêm, tần suất công việc không theo giờ cụ thể, các y, bác sĩ của Trạm Y tế lưu động 33 cũng thèm được đắm mình trong không gian gia đình thân thuộc. Song để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cứu người, họ đành gác lại những nỗi nhớ, niềm riêng. BS Hoàng Anh chia sẻ, chỉ mong sớm hết dịch để được về đón 2 con nhỏ ở miền Trung (quê nhà Hà Tĩnh), với người chồng ở Hà Nội, “Dịch tan thì gia đình chúng tôi ở 3 miền Bắc – Trung – Nam sẽ được đoàn tụ…”. Tại Trạm Y tế lưu động, người tham gia thường trực với BS Hoàng Anh là tình nguyện viên Nguyễn Hồng Quân - Học viên lớp DH5EA, Học viện Quân y cũng là người có mặt từ những ngày đặt Trạm Y tế lưu động số 33. Công việc hàng ngày của Quân theo trình tự là test nhanh cho “shipper”, người cách ly đủ 14 ngày, đưa thuốc cho F0 tại nhà và đến đêm, sẽ trực điện thoại cấp cứu. Làm việc cùng BS Hoàng Anh tại trạm y tế lưu động, trong một ngày trực, nếu Quân trực điện thoại cấp cứu thì những người còn lại sẽ đi phát thuốc, thăm khám F0 tại nhà và ngược lại. Với Quân, những cuộc gọi hỏi thăm từ gia đình sẽ chỉ diễn ra chớp nhoáng trong vài phút ngơi nghỉ dùng bữa tối. Cường độ công việc cao khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ cả ngày lẫn đêm, song, ngày về cũng chưa định, nên hơn lúc nào hết, Quân mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế, không chỉ người dân nơi đây trở lại cuộc sống bình thường mới mà các thầy thuốc của Trạm Y tế lưu động cũng sớm xác định được ngày trở về. Bảo Loan – Đức Duy (HT)

Trên 9.554 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch

TĐKT - Sáng 27/9, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Vận động và Huy động xã hội đã tiếp nhận số tiền 3 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, số kinh phí và hiện vật ủng hộ công tác phòng, chống dịch qua hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên lên tới trên 9.554 tỷ đồng. Trao số tiền ủng hộ 3 tỷ đồng tới UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội đã vận động cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống cùng đồng lòng, chung sức tham gia đóng góp ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Ông Dương Quyết Thắng cho biết thêm, với trọng trách giúp đỡ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tập trung hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo, đối tượng yếu thế vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã cho vay hỗ trợ trả lương, phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp. Tiếp nhận số tiền ủng hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gửi lời cảm ơn tới toàn thể cán bộ, nhân viên của Ngân hàng khi chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch của đất nước; đồng thời khẳng định, với sứ mệnh của mình, Mặt trận sẽ kịp thời phân bổ số tiền ủng hộ theo đúng mục đích và hiệu quả nhất để chuyển đến tận tay người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. "Với trách nhiệm của mình khi luôn chăm lo tới an sinh của toàn xã hội, mong Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa để giúp những người lao động sớm vượt qua khó khăn của đại dịch", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, số kinh phí và hiện vật ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức thành viên và qua Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 lên tới trên 18.246 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng, qua Quỹ Vắc xin là 8.692 tỷ đồng. Từ số tiền tiếp nhận được, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.028.176 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với tổng số tiền là 8.329 tỷ đồng. Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 cũng đã chi từ quỹ 4.506,8 tỷ đồng; trong số đó, chi mua vắc xin 4.498 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 8,8 tỷ đồng. Hưng Vũ

Phát động chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng, chống thừa cân béo phì

TĐKT - Ngày 25/9, Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng, chống thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam với chủ đề “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI – Đồng hành dinh dưỡng cùng con trong mùa dịch”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài truyền hình Việt Nam, đồng thời livestream trực tiếp trên 5 kênh: Fanpage Bộ Y tế “Sức khỏe Việt Nam”, Fanpage Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Fanpage báo Vnexpress, Báo Zing News và Fanpage Nutifood Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Nutifood Việt Nam. Lễ phát động chương trình truyền thông Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chương trình sẽ giúp người xem có đánh giá đầy đủ về thực trạng và những nguy cơ tiềm tàng của thừa cân, béo phì ở trẻ em; các chuyên gia tham gia chương trình cần đưa ra những khuyến nghị, giải pháp dinh dưỡng khoa học, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay và những nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức cùng phối hợp xây dựng Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng hướng tới mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của thế hệ tương lai của đất nước và của người Việt Nam nói chung. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, cũng như có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì. Vừa qua, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Một trong số các mục tiêu quan trọng đó là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11% và khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5 - 18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 13%); người trưởng thành 19 - 64 tuổi ở mức dưới 20% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 17%). Để thực hiện đồng bộ các giải pháp Chiến lược, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, cần huy động sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay hướng tới mục tiêu nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để có nhận thức đúng và đủ về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đồng hành cùng chương trình này, Bác sỹ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood Việt Nam phát biểu: “Nutifood mong muốn bày tỏ sự quyết tâm và hưởng ứng chương trình truyền thông của Bộ Y tế phát động về nâng cao nhận thức dinh dưỡng phòng, chống thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam. Với sự trăn trở làm sao có thể giải quyết những vấn đề dinh dưỡng của trẻ và hướng đến mục tiêu trẻ em đều có cơ hội phát triển khỏe mạnh toàn diện cả về chiều cao và cân nặng, chúng tôi hy vọng thông qua chương trình sẽ có càng nhiều phụ huynh nhận thức đúng đắn về các chỉ số của con dựa trên thang đo BMI, đồng thời thực hành những kiến thức dinh dưỡng hợp lý để dự phòng và ứng phó với thừa cân, béo phì ở trẻ”. ​Ở giai đoạn 1, chương trình sẽ triển khai chuỗi hoạt động bao gồm chuỗi sự kiện thăm trường mẫu giáo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hoạt động tương tác nâng cao nhận thức trên mạng xã hội “Em bé khỏe - Gia đình vui”, các nghiên cứu khoa học và các diễn đàn trao đổi… Hồng Thiết

Ngành Y vẫn sẽ nặng gánh sau khi TP Hồ Chí Minh hết giãn cách

TĐKT - Ngày 26/9, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đã có buổi kiểm tra, làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực (HSTC) người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu Đoàn Công tác của Bộ Y tế thăm, kiểm tra tại Trung tâm HSTC người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Minh Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (đặt tại Bệnh viện Quốc tế City) kể từ ngày đi vào hoạt động cho đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có nhiều ca nặng phải đặt máy thở xâm lấn, thở máy oxy liều cao HFNC và đặt nội khí quản. Rất nhiều trường hợp người bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục và xuất viện. Đó là động lực để đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên tiếp tục cống hiến và làm việc hết mình không quản ngày đêm. Cũng theo PGS.TS Lê Minh Khôi, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên của Trung tâm, tính đến nay đã có hơn 200 trường hợp được xuất viện, trong đó hơn 100 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC) được trở về bên gia đình. Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị COVID-19 là gần 200 người. Để làm được điều này, ngay từ khi thành lập Trung tâm, đội ngũ nhân lực đã được chú trọng. Hơn 600 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã được điều động, cùng đồng lòng, đồng sức làm việc tại đây. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế chia ca kip, thay phiên làm việc ngày đêm. Máy móc, trang thiết bị tại trung tâm được Bộ Y tế cung cấp. Ngoài ra, bệnh viện còn đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để chuyển đến những máy móc hiện đại như máy thở, máy oxy liều cao, máy lọc máu, máy ép tim, máy siêu âm, bình oxy... đảm bảo trong công tác điều trị. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá rất cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các y, bác sĩ, tình nguyện viên tại Trung tâm HSTC người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã kịp thời thần tốc xây dựng Trung tâm HSTC, bố trí đảm bảo nhân lực trong một thời gian ngắn để đi vào vận hành và kịp thời cứu chữa hàng trăm bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh,  đây là một trong những Trung tâm HSTC bệnh nhân COVID-19 nặng của tuyến Trung ương do Bộ Y tế thiết lập. Với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên, Trung tâm đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, để mang lại những hy vọng cho cuộc đời của các bệnh nhân, giúp họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30/9, TP Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Về trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh. Ngành Y tế sẽ phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân” và trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, trung ương có thể sẽ rút từ từ và trong quá trình rút phải chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố. “Chắc chắn các bệnh viện tầm cao của thành phố sẽ là những đơn vị chủ yếu tiếp nhận chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định một điều là khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… thì y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, về mặt y tế cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu.” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. Nhóm truyền thông y tế tại TP Hồ Chí Minh

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh: HH) Ngày 22/9/2021, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ: Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao. Xem toàn văn Kết luận tại đây Theo dangcongsan.vn

Nỗ lực giành giật sự sống, hồi sinh nhịp đập, hơi thở cho bệnh nhân

TĐKT - Bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Các bác sĩ tại đây luôn nỗ lực từng khoảnh khắc để giành giật sự sống, hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khoảnh khắc nghẹt thở khi ép tim cho bệnh nhân cấp cứu Bên trong nhà N4, một trong những khu điều trị hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 nguy kịch của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh,  âm thanh thiết bị đo chỉ số sinh tồn của bệnh nhân xen kẽ tiếng bộ đàm vang khắp khu nhà. Đó là mệnh lệnh tập hợp nhân sự của bác sĩ phụ trách khu điều trị được kết nối liên tục để kịp thời xử lý mọi tình huống nhanh nhất. Cận cảnh ca ép tim giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nguy kịch “Alo, alo, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân nguy kịch…”, trong nháy mắt, 2 nhóm bác sĩ tập trung quanh 2 giường bệnh ở một góc giữa khu nhà N4. Đó là 2 bệnh nhân nằm tại giường G43 và G46 đang diễn biến rất nguy kịch. Trên màn hình, chiếc máy hiện các chỉ số nhịp tim, SPO2, đường mạch… cũng bắt đầu “đi ngang”. Giọng bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức (Bệnh viện Việt Đức) vang lên rành rọt: “Chuẩn bị ép tim…”. Không khí căng thẳng đến nghẹt thở, cả bác sĩ có mặt, mỗi người một vai trò, trong phút chốc, những chỉ số mạch, SPO2, huyết áp… chuyển từ màu đỏ, thành vàng và xanh… Tất cả thở phào nhẹ nhõm. BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh không giấu được niềm hạnh phúc khi sự sống hồi sinh Những giọt mồ hôi hiện rõ đằng sau những tấm chắn giọt bắn, BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và đồng đội không giấu được nụ cười hạnh phúc. BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, bệnh nhân giường G43 còn rất trẻ, bị COVID-19 trên nền viêm cơ tim cấp, mới nhập viện được một hôm. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn đáp ứng với thở oxy dòng cao HFNC nhưng đến hôm nay diễn biến rất nhanh. Trước khi cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở. Các y, bác sĩ đã nỗ lực thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng nên lại phải quyết định đặt ống thở sớm cho bệnh nhân. BS Hạnh giải thích thêm, trên những tổn thương phổi, tim nặng thì việc ép tim sẽ không được hiệu quả cao nhưng bệnh nhân ở giường G43 vừa mới tổn thương, trẻ tuổi nên vẫn còn cơ hội. Hơn nữa, bệnh nhân G43 chưa phải dừng tim, mà tim bắt đầu đập yếu. Thời điểm đó, ép tim mang tính chất hỗ trợ nên sẽ có tác dụng tốt. Với bệnh nhân này, nếu không ép thì tim bệnh nhân sẽ đập kém đi và sẽ ngừng, mà khi đã ngừng thì cơ hội để tim đập tiếp rất thấp.  Được biết, bệnh nhân tại giường G46 điều trị ở đây đã được hơn 10 ngày, tình trạng viêm phổi nặng tăng lên. Do tổn thương phổi cũng đang trên đà xấu đi nên các bác sĩ đã cấp cứu thở, bệnh nhân rất hợp tác nhưng do tổn thương phổi rất nặng nên đáp ứng kém. Căng mắt dõi theo hơn 50 máy đo chỉ số sinh tồn Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của BV Việt Đức có 5 khu nhà điều trị là N4, N5, N6, N7, N8 tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện. Bên trong nhà N4 của Trung tâm này có hơn 50 giường bệnh, được chia thành 2 dãy, xếp lần lượt ở hai bên tường của khu điều trị, bên cạnh được gắn chặt các thiết bị trợ thở, cùng âm thanh phát ra không có điểm nghỉ. Kíp trực hôm nay của BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có gần 10 thành viên, bao gồm cả điều dưỡng viên. Tất cả đều căng mắt dõi theo các chỉ số hiện trên màn hình hệ thống máy đo chỉ số sinh tồn, máy thở HFNC hoặc ECMO (tim phổi nhân tạo). Bác sĩ Hạnh vẫn nhớ như in những khoảnh khắc của các bệnh nhân, rồi khi họ trở nặng, các diễn biến nguy kịch, tất cả đồng đội đều căng mình, vất vả không ngại nguy hiểm, họ đều phải huy động mọi kỹ năng, kiến thức để tập trung truy tìm nguyên nhân, xem bệnh nhân đang gặp vấn đề gì để xử trí một cách tối ưu nhất, nhanh nhất. Khi có tia hi vọng, sự may mắn là đã nội khí quản thành công và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định thì cả đồng đội lại thở phào nhẹ nhõm. Cũng bởi lẽ đó mà bệnh nhân tạm thời ổn định, coi như đã qua được cơn nguy kịch ban đầu. BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vào TP Hồ Chí Minh chống dịch từ đầu tháng 8/2021. Gần 50 ngày lăn lộn trong khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, BS Hạnh cùng đồng đội thường xuyên gặp những tình huống một vài ca bệnh cùng lúc trở nặng. Những ca bệnh nằm ở nhà N4 chủ yếu là những bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, bệnh nhân chuyển nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào, nên “team” trực nào cũng phải trong tâm thế sẵn càng cấp cứu. Bảo Loan - Đức Duy (HT)

Bổ nhiệm 4 nhân sự của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

TĐKT - Chiều ngày 22/9, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ. Theo đó, bổ nhiệm 4 nhân sự của 2 đơn vị thuộc Ban. Đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì buổi lễ. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao Quyết định và đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa các đồng chí được bổ nhiệm Cùng dự có đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban. Đồng chí Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ công bố các Quyết định bổ nhiệm Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ công bố các Quyết định bổ nhiệm của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Cụ thể: Quyết định số 110/QĐ-BTĐKT ngày 17/09/2021 về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Thế Huân, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ; Quyết định số 111/QĐ-BTĐKT ngày 17/09/2021 về việc bổ nhiệm có thời hạn bà Ngô Thị Việt Hà, Chuyên viên chính Vụ II giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ II, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ; Quyết định số 112/QĐ-BTĐKT ngày 17/9/2021 về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Vũ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng, Phòng Thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu, Trung tâm Tin học giữ chức vụ Trưởng phòng, Phòng Thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu, Trung tâm tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ; Quyết định số 113/QĐ-BTĐKT ngày 17/09/2021 về việc bổ nhiệm có thời hạn bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên viên Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Tin học giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội Vụ. Đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi lễ Phát biểu giao nhiệm vụ, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thường xuyên quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ các đồng chí lãnh đạo mới; đồng thời, mong muốn các đồng chí vừa được bổ nhiệm tiếp tục nỗ lực rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị. Trưởng ban tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của đơn vị và của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đồng chí Ngô Thị Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ II phát biểu nhận nhiệm vụ Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Ngô Thị Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ II thay mặt các đồng chí được bổ nhiệm trân trọng cảm ơn tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Ban, lãnh đạo các Vụ và khẳng định sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực hơn nữa trong công tác, giữ vững phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tố Như

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức tuần sinh hoạt công dân cho tân sinh viên K26

TĐKT - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức “Tuần sinh hoạt công dânsinh viên” trong các trường đại học, cao đẳng năm học 2021 – 2022, ngày 17/9, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân sinh viên” bằng hình thức trực tuyến phát trên 2 kênh: https://www.facebook.com/dhkinhdoanhvacongnghehanoi; và https://www.facebook.com/Doanthanhnien.Hubt TS. Lê Anh Sắc, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo phổ biến về Quy chế đào tạo của trường Tuần sinh hoạt công dân là hoạt động thường niên được tổ chức vào đầu năm học mới nhằm mục đích nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ và vận dụng các quy chế, quy định đào tạo, rèn luyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà trường; trang bị đầy đủ, kịp thời một số thông tin cơ bản và cần thiết về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Đồng thời, giúp sinh viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân, học sinh, sinh viên thông qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua buổi sinh hoạt giúp cho sinh viên hiểu thêm về trường, nắm chắc các quy chế, quy định về chương trình đào tạo, công tác sinh viên, chế độ chính sách, nhiệm vụ của người học nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, rèn luyện và nhu cầu của xã hội. Hạnh Trần

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh tiêm chủng mũi 2

TĐKT- Tại TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện đang đẩy mạnh tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19, đồng thời bảo vệ các vùng xanh, thiết lập ấp, tổ dân phố an toàn. Các chốt chặn kiểm soát cũng được duy trì để bảo đảm thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Tại TP Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi, quận Phú Nhuận và TP Thủ Đức đều đạt 100% tỷ lệ tiêm chủng mũi 1. Các vùng xanh được duy trì. Người dân, lao động ở các khu vực này an tâm chờ thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Anh Lê Văn Công và nhiều lao động ở phường 4 (quận Phú Nhuận) cho biết,phong trào phòng, chống dịch được phát động cả đến các công nhân ở những khu trọ. Việc tiêm vaccine được bao phủ rộng khắp, không phân biệt người tạm trú, thường trú nên lao động phấn khởi, tự tin hơn. Chỉ mong dịch bệnh nhanh được khống chế để trở lại lao động, sản xuất như bình thường. Tiêm chủng an toàn  tại Thủ Đức Tiếp đó, UBND huyện Củ Chi cũng thông tin, ngoài 100% tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine mũi 1 thì đã có đến 30,37 % người đã được tiêm mũi 2 (tính đến hết ngày 19/9). Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền đánh giá: Việc tiêm vaccine là giải pháp quan trọng trong cuộc phòng, chống COVID-19. Địa phương đã phối hợp nhiều lực lượng với nhau đến từng ngõ gõ từng nhà kêu gọi tiêm chủng, lý giải thấu đáo cho mọi người hiểu về tác dụng của tiêm cũng như các quy định phòng dịch. Ban đầu một số người cũng chần chừ nhưng trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh ai cũng chuyển hướng đồng ý tiêm. Mục tiêu đến 30/9, có 50% người dân từ trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Để người nhiễm COVID-19 được chăm sóc tốt nhất, Củ Chi vận động họ vào các khu thu dung tập trung nên chỉ có gần 10 F0 tại nhà. Đối với bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng đã có Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Củ Chi số 01 tiếp nhận điều trị theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Theo đó, TP Thủ Đức cũng đã tiến hành tiêm vaccine mũi 2 cho trên 30% người. Đặc biệt, tất cả F0 tại nhà và các khu thu dung tập trung đã được phát túi thuốc đầy đủ. Các trường hợp sử dụng được lực lượng y tế hướng dẫn, theo dõi, tư vấn sức khỏe thường xuyên. Đến nay, đánh giá có tiến triển tốt, chưa ghi nhận bất thường; các suất ăn được cải thiện về chất lượng và giờ giấc cấp phát hằng ngày. TP Thủ Đức duy trì đường dây nóng các phường để tiếp nhận thông tin người dân về hỗ trợ y tế trong thời gian triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy các đường dây nóng được mở thường xuyên, những trường hợp không tiếp nhận hoặc chậm giải quyết sẽ bị chấn chỉnh, nhắc nhở. Duy trì vùng xanh Theo đánh giá của TP Thủ Đức, năng lực thu dung điều trị cũng như hoạt động của các trạm y tế cả cố định và lưu động vẫn đảm bảo, hạn chế tối đã tình trạng chuyển nặng tại nhà. Ngăn chặn diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh, địa phương đã duy trì 938 vùng xanh, 319 vùng an toàn. Kêu gọi tình nguyện viên tham chốt chặn, bảo vệ và giữ gìn an toàn tuyệt đối vùng xanh, vùng an toàn đã được thiết lập. Đã có 3.726 người là tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, dân quân, lực lượng nòng cốt ở cơ sở, người dân tại địa bàn dân cư tham gia. Đặc biệt, trong đó có hơn 427 tình nguyện viên là người tại các khu nhà trọ, lao động mất việc. Để bảo đảm thực phẩm thiết yếu, ngoài lực lượng “đi chợ hộ” cho người dân do Tổ hậu cần thuộc các phường thực hiện, Thủ Đức cũng đã kết nối cung cấp dịch vụ giao hàng với shipper thông qua nền tảng ứng dụng Grab để tăng cường khả năng phân phối hàng hóa; đồng thời thông tin các nhà cung ứng thực phẩm, danh sách nhà thuốc để phục vụ nhu cầu người dân. Là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh, quyết không để dịch bệnh bùng trở lại, Củ Chi cũng đã bảo vệ tốt các vùng an toàn. Đến 19/9 chỉ còn có 1 xã thuộc vùng có nguy cơ cao (xã Trung An), 2 xã thuộc vùng có nguy cơ (xã Tân Thạnh Tây, xã Tân Thạnh Đông) còn lại 18 xã đã bình thường mới. Trong số 1.907 tổ dân phố chỉ còn 2 tổ thuộc vùng có nguy cơ rất cao (đỏ), 1 tổ thuộc vùng có nguy cơ cao (cam), 14 tổ thuộc vùng có nguy cơ (vàng), 45 tổ cận xanh và còn lại 1.845 tổ được đánh giá ở mức bình thường mới (xanh). Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, nếu tính trung bình toàn thành phố thì đến 20/9 đã bao phủ vaccine mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2. Ngành Y tế tập trung quản lý và điều trị các ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị tại bệnh viện, đảm bảo việc điều trị tại các tầng 2,3 để hạn chế các ca tử vong. Triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời và điều trị các ca mắc mới có nguy cơ cao.   La Giang  

Trang