Chính trị - Xã hội

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

TĐKT - Hiện nay, tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà (gọi tắt là Viện, tại Đồng Nai) công tác chống lây nhiễm chéo, cách ly và các phác đồ điều trị được áp dụng khoa học. Bằng mọi cách khống chế dịch bệnh Để góp phần đưa ra các phương án giúp Viện có chiến lược điều trị, kiểm soát và phòng, chống COVID-19 hiệu quả nhất, ngày 12/9, Tổ công tác Bộ Y tế đã đến nắm bắt kỹ tình hình. Thông tin với Tổ công tác, ông Bùi Thế Hùng, Viện trưởng của Viện cho biết: Đây là môi trường rất đặc biệt vì hầu như người nhiễm là bệnh nhân tâm thần. Để cơ bản khống chế được tình hình, Viện đã phải xuyên ngày đêm áp dụng nhiều biện pháp như: Cách ly ca nhiễm, phân luồng, điều trị… Tổ công tác Bộ Y tế hướng dẫn cho Viện làm kế hoạch chi tiết để ứng phó với COVID-19 trong những ngày sắp tới Ngay khi có kết quả chùm ca nhiễm từ ngày 21 -2 2/8, Viện đã phong tỏa toàn bộ các khoa điều trị nội trú. Đến nay, trong tổng số 90 ca nhiễm thì có 1 bệnh nhân chuyển biến nặng được đưa lên tuyến trên. 64 bệnh nhân khác đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Còn 21 bệnh nhân và 4 nhân viên y tế đang dương tính, nhưng không còn triệu chứng gì. Riêng 4 nhân viên y tế nhiễm đều đã tiêm vacine ngừa COVID-19. Cùng với tăng tốc khoanh vùng, khống chế ổ dịch, Viện điều trị theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế với quyết tâm ổn định ngay từ đầu. BS Đặng Quốc Tuyên, Trưởng Phòng khám bệnh của Viện chia sẻ: Xác định điều trị bệnh nhân tâm thần thì khó hơn nhiều lần so với bệnh nhân bình thường nên ngay khi có kết quả dương tính, máy đo SpO2, oxy đã sẵn sàng. Các loại thuốc cần thiết khác cũng chuẩn bị. Ngày lẫn đêm chúng tôi kèm cặp, theo dõi bệnh nhân sát sao. Ngay sau đó, việc khoanh vùng, sàng lọc được làm rất kỹ càng. Để dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra, Viện đã chuẩn bị 200 giường đủ điều kiện điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 160 giường cho bệnh nhân nhẹ, 30 giường cho bệnh nhân vừa, 10 giường cho bệnh nhân có chuyển biến nặng. Các y, bác sĩ sẵn sàng tinh thần 3 ca, 4 kíp để ứng phó. Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân Song song với điều trị, Viện xác định đối tượng bệnh nhân tâm thần có tâm lý bất ổn nên phải chăm sóc tốt về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Các suất ăn đa đạng hàng ngày được cung cấp đủ và bổ sung thêm sữa, trái cây. Các nhân viên y tế hỗ trợ và tham gia vệ sinh cho người bệnh, quần áo thu gom và xử lý khoa học, tránh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ. Các buồng bệnh, phòng làm việc được vệ sinh, khử khuẩn 2 lần/ngày. Đồng thời người bệnh còn được chia nhóm sinh hoạt, tập thể dục theo các khung giờ phù hợp. Một trong những khó khăn, phải đối diện khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 ở Viện là có nhiều bệnh nhân hung hãn. Việc điều trị, chăm lo ăn uống, ngủ nghỉ cho các đối tượng này khó và nguy hiểm. Mỗi khi người bệnh kích động tập thể là phải huy động cả nhân viên y tế lẫn các lực lượng liên quan để ổn định bệnh nhân. Bên cạnh đó, do là đơn vị đặc thù về giám định và điều trị chuyên sâu về bệnh lý tâm thần nên năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 còn một số hạn chế. Tuy nhiên, từng các bộ, nhân viên đã bắt nhịp nhanh chóng, nhất là khi có hỗ trợ của Tổ công tác Bộ Y tế. Ổ dịch đã cơ bản ổn định. Để kiểm soát lâu dài cần hỗ trợ thêm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho thu dung, điều trị. Luôn giữ vững tinh thần chiến đấu với dịch bệnh, ông Bùi Thế Hùng khẳng định: Dù vất vả đến mấy thì y, bác sĩ tại đây vẫn từng ngày động viên nhau vượt qua. Tổng số bệnh nhân tâm thần ở Viện có đến trên 600 người, trong đó có hơn 400 thuộc diện bắt buộc phải đi điều trị. Trong ít ngày tới có vacine về sẽ tiêm hết cho các bệnh nhân chưa mắc COVID-19. Đội ngũ y, bác sĩ tại Viện hầu hết đã được tiêm. Bảo Hân

Bàn về các giải pháp chống dịch cho năm 2022

TĐKT - GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia của các hội đồng khoa học để bàn về các giải pháp phòng, chống dịch cho năm 2022, trong đó tập trung vào các vấn đề vaccine, xét nghiệm, điều trị và ưu tiên tăng cường hệ thống đáp ứng y tế của quốc gia... Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia của các hội đồng khoa học trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc và đầy trách nhiệm đối với công tác phòng, chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Việt Nam trải qua gần 2 năm đương đầu với cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và hết sức nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng, chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 hiện nay. Diễn biến dịch trong đợt dịch thứ 4 ở các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có xu hướng giảm. TP Hà Nội hiện đang triển khai quyết liệt “2 mũi giáp công” là tiêm chủng và xét nghiệm. Người đứng đầu ngành Y tế thông tin: Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua. Theo đó, chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc… trong phòng, chống dịch. Do đó, Bộ Y tế muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về những vấn đề này để cùng với Bộ Y tế xây dựng các chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Tại buổi làm việc các chuyên gia, các nhà khoa học của các hội đồng khoa học đã chia sẻ cởi mở, tập trung vào những vấn đề chung trong công tác phòng, chống dịch; trong công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng như vaccine, bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn vaccine bên ngoài cũng như nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Từ kinh nghiệm phòng, chống một số đại dịch trước đó cũng như kinh nghiệm trong điều trị thực tế COVID-19 thời gian qua, các chuyên gia đã gợi mở thêm nhiều đóng góp mang tính thực tiễn với lãnh đạo Bộ. La Giang

Bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid-19

TĐKT - Hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 ngụy trang dưới “vỏ bọc” thực phẩm vừa được lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ. Ngày 14/9, tại một Kho hàng tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm. Hàng hóa vi phạm được nhập khẩu từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và ngụy trang dưới hình thức quà biếu, quà tặng được gửi theo loại hình chuyển phát nhanh. Bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid-19 Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, 15 kiện hàng vi phạm được gửi cho người nhận là nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và cả Cao Bằng. Đáng chú ý, dù nhiều kiện hàng đứng tên nhiều người nhận khác nhau nhưng lại có cùng số điện thoại, đây là nghi vấn phải chăng toàn bộ số hàng vi phạm của cùng một chủ. Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên  thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules… Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Nguyễn Phương Mai cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguy cơ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế phòng, chống dịch tăng cao. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế. Qua các vụ việc vừa phát hiện cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính quốc tế, chia nhỏ lô hàng, khai báo hàng hóa trị giá thấp, khai sai tên hàng để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) Lê Dũng cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Chi cục vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật trong nhập khẩu thuốc, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. “Đối với loại hình chuyển phát nhanh, các đối tượng thường chia nhỏ lô hàng và khai báo không đúng bản chất hàng hóa… để vận chuyển số lượng lớn tân dược. Để ngăn chặn hậu quả của các hành vi vi phạm, Chi cục chú trọng các biện pháp như đánh giá phân luồng hàng hóa vào các tuyến trọng điểm và phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm”, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh Hà Nội nhấn mạnh. Trước diễn biến phức tạp của tình trạng nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, bà Nguyễn Phương Mai cho biết, thời gian tới, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát và phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm về nhập khẩu tân dược và thiết bị y tế. Hồng Thiết  

Giải pháp di chuyển an toàn bằng công nghệ AI

TĐKT - Không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI một cách hiệu quả và thiết thực, góp phần hỗ trợ cùng chính phủ và nhân dân trong công tác phòng dịch Covid-19,ngày 14/9, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh (BA GPS) chính thức thông tin về giải pháp mới “Di chuyển an toàn” bằng công nghệ AI. Được biết, trước đó, tháng 6/2021, Công ty BA GPS đã cung cấp miễn phí dịch vụ cảnh báo không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông. Dịch vụ này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu hình ảnh của camera trên phương tiện giao thông. Các tình huống có đeo nhưng hở mũi, cằm… thì AI sẽ xem đó là không đeo khẩu trang. Mỗi khi phát hiện hành khách hoặc lái phụ xe không đeo khẩu trang, hệ thống tự động gửi thông báo về doanh nghiệp vận tải và điện thoại của lái xe, phụ xe. Sau 2 tháng áp dụng, đã có 40 doanh nghiệp vận tải với 1.000 đầu xe sử dụng, tỷ lệ người không đeo khẩu trang giảm khoảng 3 lần (trước khi áp dụng, tỷ lệ gần 23%, sau khi áp dụng tỷ lệ chỉ còn khoảng 6%-7%). Tiếp nối công nghệ trên, BA GPS ra mắt giải pháp“Di chuyển an toàn”. Đây là giải pháp tổng thể nhằm ghi nhận lại hoạt động của hành khách, lái phụ xe có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bao gồm: Khẩu trang, khoảng cách và mật độ hành khách. Cụ thể, phần mềm quản lý phương tiện của BA GPS sẽ tích hợp 3 chức năng thông báo: “Không đeo khẩu trang”, “Khoảng cách gần” và “Quá số người trên xe”. Phần mềm sẽ gửi thông báo đỏ nếu quá ngưỡng an toàn được cài đặt. Với hai chức năng mới (“Khoảng cách gần” và “Quá số người trên xe”), doanh nghiệp vận tải chỉ cần cài đặt “khoảng cách an toàn”, “số người an toàn” cho mỗi phương tiện trên phần mềm BA GPS. Trong ngưỡng an toàn, phần mềm hiển thị biểu tượng màu xanh. Nhưng nếu quá ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ tựđộng gửi thông báo kèm biểu tượng màu đỏ, để các doanh nghiệp vận tải có phương án sắp xếp, điều chỉnh. Theo ông Phạm Thái Hòa - Giám đốc Công nghệ của BA GPS: Nếu quản lý thủ công, đơn cử mỗi 50 xe hoạt động, phải cử một tổ nhân sự thanh kiểm tra rải rác trên đường hoặc phải cắt cử các nhân sự liên tục nhìn vào máy tính quản lý có bao nhiêu khách mỗi chặng. Ngoài ra, còn phải thêm nhân sự theo dõi, nhắc nhở việc không đeo khẩu trang hoặc ngồi quá gần nhau. Con người thường cả nể, còn máy móc công nghệ thì không. Giải pháp này sẽ hỗ trợ đếm số lượng hành khách có trên xe, tối ưu nhân sự, giúp tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, hành khách yên tâm hơn khi đi xe, tạo cạnh tranh khi phương tiện dần hoạt động trở lại. Quan trọng hơn cả là tác dụng phòng dịch Covid-19, giảm thiệt hại cho kinh tế - xã hội.Môi trường trên phương tiện công cộng vốn khép kín, yếm khí, rất dễ lây nhiễm khi có ca F0 trên xe. Vì thế các nước như: Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc... đã áp dụng công nghệ AI để phòng dịch từ giữa năm 2020. Theo ông Hòa, tới đây, khi nước ta nới dần giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại sẽ tăng lên, AI là giải pháp then chốt trong phòng dịch. Việc áp dụng công nghệ này cũng đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng người dân. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho ngành vận tải giải pháp dịch vụ này để phòng, chống dịch Covid-19” - Ông Hòa khẳng định. Từ ngày 14/9/2021, BA GPS sẽ tiếp nhận các đăng ký sử dụng giải pháp “Di chuyển an toàn” và sẽ kích hoạt hoạt động từ ngày 21/9/2021. Các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu có thể trực tiếp liên hệ BA GPS qua số tổng đài 1900 6464 hoặc gửi mail tới địa chỉ email pcskh@bagroup.vn để đăng ký. Mai Thảo

BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT qua ứng dụng trực tuyến của ngân hàng

TĐKT- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đóng tiếp tiền tham gia BHXH tự nguyện hoặc đóng tiền gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình trực tuyến sẽ hết sức cần thiết, giúp người dân không cần đến cơ quan BHXH hay các đại lý thu BHXH, BHYT mà vẫn có thể đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện, thẻ BHYT một cách nhanh, chóng tiện lợi ngay trên điện thoại thông minh của mình. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã kết hợp với một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có thể thực hiện các giao dịch này ngay trên ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng. BHXH Việt Nam hướng dẫn người dân cáchđóng tiếp tiền tham gia BHXHtự nguyện, đóng tiền gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình trên ứng dụng trực tuyến của 3 ngân hàng này như sau: Trên ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank: Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VCB Digibank trên điện thoại. Tại màn hình chính, chọn Ngân sách nhà nước, sau đó chọn Bảo hiểm xã hội. Bước 2:ChọnThông tin địa phương, sau đó lựa chọn loại hình Nộp cho khách hàng cá nhân. Tiếp tục chọn hình thức thu BHXH tự nguyện hoặc Gia hạn thẻ BHYT, sau đó nhập số sổ BHXH/số thẻ BHYT rồi nhấnTiếp tục. Lưu ý: Đối với hình thức Gia hạn thẻ BHYT, người tham gia có thể chọn số tháng gia hạn thẻ là 3, 6, 12 tháng. Bước 3: Kiểm tra lại thông tin nộp “BHXH tự nguyện” hoặc “Gia hạn thẻ BHYT” ở màn hình xác nhận thông tin và nhấn nút “Tiếp tục”. Nhập mã OTP do Ngân hàng gửi đến để hoàn tất giao dịch. Trên ứng dụng BIDV Smart Banking của BIDV. Bước 1: Đăng nhập ứng dụng BIDV Smart Bankingtrên điện thoại, chọn mục Thanh toán, chọn BHXH cho cá nhân. Bước 2: Lựa chọn nhà cung cấp BHXH Việt Nam, sau đó lựa loại hình dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện hoặc gia hạn thẻ BHYT mà bạn muốn thực hiện trong mục Chọn dịch vụ, nhập số sổ BHXH/ số thẻ BHYT, kiểm tra thông tin thanh toán. Bước 3: Nhấn Xác nhận để xác thực mã OTP do Ngân hàng gửi để hoàn tất giao dịch.       Trên ứng dụng MB Bank của MB. Bước 1: Đăng nhập ứng dụng MB Bank trên điện thoại, chọn chức năng Thanh toán, chọn Bảo hiểm xã hội. Bước 2: Lựa chọn dịch vụ tương ứngNộp BHXH tự nguyệnhoặc Gia hạn thẻ BHYT. Sau đó nhập số sổ BHXH/số thẻ BHYT rồi làm theo hướng dẫn. Bước 3: Sau khi hoàn tất các thông tin, chọn Tiếp tục, kiểm tra lại thông tin và chọn Xác nhận để xác thực mã OTP do ngân hàng gửi để hoàn tất giao dịch. Tuy nhiên, người tham gia cần lưu ý: Với dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên ứng dụng của 3 ngân hàng này không áp dụng giảm trừ mức đóng BHYT theo hộ gia đình, để được giảm trừ mức đóng người tham gia vui lòng nộp tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH, BHYT nơi đăng ký tham gia. Để đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT trực tuyến, ngoài việc sử dụng ứng dụng trực tuyến của 3 ngân hàng nêu trên, người tham gia còn có thể thực hiện trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ:https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html. Việc sử dụng ứng dụng trực tuyến của các ngân hàngđể đóng tiếp BHXH tự nguyện hoặc gia hạn thẻ BHYT sẽ giúp người tham gia không phải đến cơ quan BHXH hoặc cácđại lý thu BHXH, BHYT để giao dịch mà vẫn đảm bảo được quá trình tham gia BHXH, BHYT,không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới quyền lợi BHXH, BHYT của người tham gia; đồng thời còn giúp người tham gia hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch về BHXH, BHYT, góp phầnphòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả(người dân không cần thiết phải ra ngoài giao dịch, trong thời điểm nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách toàn xã hội). Hồng Thiết

Phát động toàn quốc Chương trình “Sóng và máy tính cho em"

TĐKT - Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Cùng dự buổi lễ, có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh/ thành phố thông qua truyền hình trực tuyến. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Các nội dung chính của chương trình gồm: Triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến. Vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai học trực tuyến. Phát động các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số. Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, thay đổi cách nghĩ, cách thích ứng, cách vận hành, cách quản trị xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa trường học an toàn. Thủ tướng cho biết, dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa tuổi thơ của các cháu khi chưa được cắp sách đến trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô… Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, khi cha mẹ các cháu không có người chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" , Thủ tướng khẳng định, đây là tâm nguyện của Người mà chúng ta có trách nhiệm thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Người đứng đầu Chính phủ cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để đạt mục tiêu mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách… Thủ tướng nhấn mạnh: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương tổ chức thực hiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình góp phần để chúng ta tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương đã hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” đã sẵn lòng hỗ trợ chương trình ngay lập tức. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trao 400 nghìn máy tính của Bộ TT&TT cho chương trình Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình "Sóng và máy tính cho em" gồm có ba phần chính: Là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; là có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Đây là một chương trình lớn toàn quốc, liên quan tới mọi ngành, mọi cấp, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng và lại đúng trong lúc tất cả đang rất khó khăn vì đại dịch bùng phát. Nhưng chỉ vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà số lượng máy tính đã quyên góp được lên tới 1 triệu máy tính. Mặc dù, đất nước chúng ta còn đến 2.000 điểm lõm sóng, đều là những chỗ khó khăn nhất, tồn tại nhiều năm nay. Nhưng Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các nhà mạng chỉ trong tháng 9 này, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các em phải học trực tuyến thì sẽ không còn điểm lõm sóng Internet. Đến hết năm 2021, trên toàn quốc sẽ không còn điểm lõm sóng - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Tại Lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lần lượt công bố các khoản đóng góp lớn cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính tới cuối Lễ phát động, chương trình đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp. Nguyệt Hà

Phát động các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

TĐKT - Sáng 13/9, tại Hà Nội và Hải Phòng,  Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động trực tuyến các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), với chủ đề “60 năm - Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”. Cách đây 60 năm, trước yêu cầu chi viện sức người, sức của cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải quân sự hải quân ngày nay, đánh dấu sự ra đời “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong gần 14 năm (từ năm 1961 đến 1975) làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển, “Đoàn tàu không số” đã lập nên kỳ tích huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là thực hiện hơn 1.900 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hậu cần và trên 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường... Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ công chiến lược, một con đường huyền thoại với rất nhiều chiến công huyền thoại của quân và dân ta - con đường của ý chí và sự sáng tạo Việt Nam. Thành công của đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích anh hùng, khẳng định sự sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh giải phóng. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục tuổi trẻ cả nước về lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, Quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; truyền thống và những thành tích, chiến công của huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Thông qua các hoạt động, góp phần khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước tiếp tục nêu cao vai trò xung kích đi đầu, đóng góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết: Do điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức tập trung đẩy mạnh các chương trình, hoạt động trên mạng xã hội, đặc biệt là vận hành website http://doantaukhongso.vn/ để triển khai cuộc thi thiết kế Infographic, sản xuất video clip và thi trắc nghiệm trực tuyến. Thí sinh có thể truy cập website, đăng ký thông tin, gửi trực tiếp sản phẩm truyền thông dự thi; đồng thời tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến. Thi thiết kế Infographic, sản xuất video clip nhận các sản phẩm dự thi từ ngày 23/8/2021 đến hết ngày 26/9/2021. Thi trắc nghiệm trực tuyến tổ chức vào các ngày: 13/9, 16/9, 20/9, 23/9, 27/9, 30/9, 04/10, 07/10, 11/10, 14/10, 18/10, 22/10. Kết quả hai cuộc thi sẽ được tổng kết và công bố vào ngày 22/10/2021. Website http://doantaukhongso.vn/ có một hải trình trực tuyến mang tên “Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển” mô phỏng hành trình thực tế của các “Đoàn tàu không số” trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi truy cập website, người xem sẽ được cung cấp thông tin, hình ảnh các địa danh từng là nơi cập bến của các “Đoàn tàu không số” trong 14 năm làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam (từ năm 1961 đến 1975). Thời gian cập bến của “Đoàn tàu không số trực tuyến” tại các địa phương tương ứng với thời gian tổ chức các buổi thi trắc nghiệm. 12 tỉnh, thành phố có căn cứ, bến bãi gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển và các con tàu không số huyền thoại là: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động tri ân, an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà gia đình cựu cán bộ, chiến sỹ các đoàn tàu không số đang sinh sống tại địa phương trong tháng 9, 10/2021. Bên cạnh đó, vào tháng 10/2021, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “60 năm - Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” thông qua các buổi tọa đàm, diễn đàn trực tuyến với nội dung: Tìm hiểu về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những chiến công huyền thoại của Đoàn tàu không số trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngay sau Lễ phát động, đông đảo đoàn viên thanh niên đã hưởng ứng phần thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Phương Thanh

Trao tặng máy tạo oxy - cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân Covid-19

TĐKT - Một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 đó là oxy và thuốc tăng sức khỏe, kháng virus. Chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị (HN) Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng hành và tấm lòng vàng của nhiều doanh nghiệp và các đơn vị. Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang đã tài trợ 550 máy tạo oxy và 300 máy đo nồng độ oxy SpO2 cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh để chữa trị kịp thời cho nhiều bệnh nhân. Ths. Nguyễn Thế Đạt – Phó Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện HN Việt Đức (bên phải) nhận quà tài trợ của Tập đoàn Phương Trang tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Trong số 500 giường của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh thì có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường cho bệnh nhân thở oxy và 100 giường dành để bệnh nhân cai oxy và chờ kết quả xét nghiệm PCR đủ tiêu chuẩn để ra viện. Mặc dù trung tâm đã thiết lập bồn oxy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng trung tâm đang nỗ lực tăng thêm oxy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều. Việc can thiệp kịp thời liệu pháp oxy sẽ đồng thời ngăn chặn bệnh diễn biến nặng do virus SARS-CoV-2 gây ra, mở ra hy vọng cứu nhiều bệnh nhân nặng. Sự chung tay của các doanh nghiệp, các đơn vị là sự hỗ trợ hết sức kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị người bệnh Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch. Với sự chung tay của các doanh nghiệp, các đơn vị, Bệnh viện HN Việt Đức đã trao tặng nhiều máy tạo oxy cho các đơn vị, cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh Ngoài việc điều trị và chăm sóc các bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid tại TP Hồ Chí Minh, các thầy thuốc và nhân viên y tế của Bệnh viện HN Việt Đức còn phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ... Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 trên các địa bàn quận/huyện/thành phố tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid -19 thuộc Bệnh viện HN Việt Đức phụ trách chuyên môn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân. Song song với việc hội chẩn các ca bệnh nặng của các bệnh viện các tuyến, các thầy thuốc của Bệnh viện HN Việt Đức còn đến tận nơi khảo sát tình hình các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm san sẻ khó khăn của các đồng nghiệp tuyến dưới và cũng là góp phần điều trị người bệnh từ đầu, giảm tải cho tuyến trên. Bệnh viện HN Việt Đức đã trao tặng 645 máy tạo oxy cho các đơn vị, cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh: 130 máy tạo oxy cho UBND huyện Củ Chi, 185 máy tạo oxy cho Trung tâm y tế quận Bình Tân, 100 máy tạo oxy cho UBND Quận 1, 130 máy tạo oxy cho UBND huyện Bình Chánh. Trong ngày 10/9, bệnh viện tiếp tục trao tặng 80 máy tạo oxy cho Sở Thông tin và Truyền thông của TP Hồ Chí Minh và 20 máy tạo oxy cho xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Hy vọng với sự chung tay này, công cuộc phòng, chống dịch Covdi-19 sẽ sớm thành công trong thời gian tới, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ thêm. Hồng Thiết

Thành phố Hồ Chí Minh: Cụ ông 83 tuổi trở về nhà sau hơn 2 tuần điều trị

TĐKT - Ông T.V.T, 83 tuổi là một trong những bệnh nhân cao tuổi nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh được ra viện sau hơn 2 tuần điều trị tích cực. Bác sĩ Lê Nhật Huy - trực tiếp tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân T vào viện với thể trạng yếu, đã từng trải qua 1 cuộc phẫu thuật kèm nhiều bệnh lý nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường... Bệnh nhân phải thở oxy dòng cao máy HFNC 2 ngày. Sau 16 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân không còn các triệu chứng ho, sốt, khó thở, các xét nghiệm SARS-CoV-2 với kết quả âm tính liên tiếp; các xét nghiệm cận lâm sàng cho biết chức năng phổi được cải thiện, chức năng gan, thận bình thường. Ngày 31/8, bệnh nhân T được xuất viện và tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục điều trị cho 2 bệnh nhân 86 tuổi cũng với nhiều bệnh lý nền. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc cho bệnh nhân, các y, bác sĩ còn dành thời gian động viên tinh thần để người bệnh sớm hồi phục sức khỏe trở về bên gia đình. Điều dưỡng của Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Việt Đức đang bón từng thìa cháo và dỗ dành cụ T ăn. Ngoài việc chăm sóc vệ sinh, ăn uống cho bệnh nhân, các y, bác sĩ còn động viên tinh thần người bệnh mỗi ngày để họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Giống như bác sĩ Huy, đối với các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chăm sóc bệnh nhân T để lại rất nhiều kỷ niệm. Cụ ông T còn được gọi với cái tên thân thương - "Ông ngoại 83 mùa xuân". Ngày ông cụ T ra viện, các y, bác sĩ Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh không giấu nổi niềm hạnh phúc. Chúc ông mạnh khỏe bình an và thêm nhiều mùa xuân viên mãn bên con cháu. "Nể phục ông ngày nào vẫn còn nói nhà ăn cho ớt mà cháo cay quá con ơi. Mà giờ này con cháu ông được đón ông từ bệnh viện dã chiến 13 về nhà. Vui lắm, chúng tôi gọi là ông ngoại 83 mùa xuân của toà N8 đã vượt Covid một cách xuất sắc. Từ phòng ICU mà qua được cửa tử thần rồi nụ cười tươi rói những ngày cuối ở N8 ngày một tươi hơn khi ông chào các cháu để về nhà. Chúc ông mạnh khỏe bình an và thêm nhiều mùa xuân viên mãn bên con cháu!" Điều dưỡng Nguyễn Thị Thìn - Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Hồng Thiết

Những ân tình nơi tâm dịch

TĐKT- Quãng thời gian hoảng loạn vì nhiễm bệnh COVID-19 đã đi qua,những hân hoan, nhân từ trong cuộc sống bừng lên, thôi thúc trong tâm trí của những người đã khỏi bệnh. Người nọ hối hả theo chân người kia ở các phòng cấp cứu để lau từng bàn tay, xoa bóp từng tấm thân rã rời của các F0 khác đang chuyển biến nặng. Trần Minh Khôi chăm sóc bệnh nhân trong phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến 3 Bước vào tuổi 21, đang hừng hực khát vọng chinh phục tri thức tại một trường đại học lớn ở Sài Gòn thì Trần Minh Khôi (sinh năm 2000) bỗng bủn rủn chân tay khi nhận kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2. Những tiếng ho dày lên theo nhịp thở nặng nhọc. Ngày chiếc xe cấp cứu đưa Khôi vào Bệnh viện Dã chiến số 3 (An Khánh, Thủ Đức), đan xen trong anh là những thấp thỏm, âu lo, những ám ảnh và sợ hãi. Khôi bộc bạch: “Cảm giác bất an cứ từ đâu len lỏi vào. Có đêm, ngồi thu mình dưới bóng đèn sáng choang, nhìn qua cửa sổ thấy những cơn mưa như trút nước. Lẫn trong mưa là ánh đèn xe cấp cứu loang loáng…Lúc đó thèm cuộc sống bình thường bên ngoài đến cháy bỏng. Nhiều bệnh nhân ho nhiều, muốn nằm im, phó mặc cho số phận”. Nhưng rồi phòng bệnh của Khôi cũng như các phòng khác, cứ ít phút y, bác sĩ lại đến, lại chăm sóc, hỏi han như người nhà. Nỗi bần thần, sự nhụt chí được xua tan. Mỗi lần nhìn các chuyến xe đưa người khỏi bệnh về nhà, Khôi cùng mọi người trỗi dậy khát vọng chiến thắng bệnh tật. Lê Hoàng Nhật Lưu trong phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến 3 để từng ngày chăm sóc bệnh nhân nặng Những đêm buồn dài chỉ còn trong ký ức, Khôi chia sẻ: Càng lo thì đêm càng lâu qua. Xua tan những điều ấy đi, làm theo các hướng dẫn của y, bác sĩ, giấc ngủ trở nên êm dịu hơn. Mỗi lần tỉnh giấc thấy bên cạnh mình là những chiến sĩ áo trắng chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho mình. Việc nọ cứ nối tiếp việc kia như: Đo nhiệt độ, tư vấn sức khỏe, giải thích kỹ về các triệu chứng bệnh tật…Lấy lại tự tin, Khôi luôn tự nhủ với mình và khuyên người khác hãy thức dậy tâm niệm “tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Sức trẻ, niềm tin đã giúp Khôi vượt qua những giờ thở oxy gay cấn. Cuối tháng 8, anh hoàn toàn khỏi bệnh và quyết định ở lại chăm sóc các bệnh nhân nặng khác. Như Khôi, Lê Hoàng Nhật Lưu (sinh năm 2000) từng hoảng loạn thấy mình như đang rơi xuống vực thẳm khi các xét nghiệm ban đầu đều dương tính với SARS-CoV-2. Lồng ngực nặng như đá đè. Ngày mới nhập viện, sau mỗi giấc ngủ nông, mắt Lưu lại đờ đẫn với nỗi trăn trở bao giờ được trở lại cuộc sống như xưa. Có đêm vừa chợp mắt, Lưu lại giật thót. Mỗi lúc như thế, tiếng nói dịu dàng, lời động viên như liều thuốc tinh thần từ các chiến sĩ áo trắng lại đi vào lòng. Cởi bỏ mọi nút thắt tâm lý. Những chàng trai F0 này mạnh mẽ trở lại. Dù chưa đến ca trực nhưng nhận được yêu cầu cần hỗ trợ, nhanh thoăn thoắt, cặp thanh niên trẻ Trần Minh Khôi và Lê Hoàng Nhật Lưu có mặt ở phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến số 3. Từng bình oxy được các anh di chuyển ngăn nắp đến các vị trí giường bệnh. Lặng lẽ theo chân Khôi, càng thấu hiểu thêm những gian nan của tình nguyện viên cũng như y bác sĩ nơi đây. Vừa an ủi một bệnh nhân rất nặng: “Bác ơi, hãy xem chúng cháu như con của bác đi. Đừng ngại ngùng khi được dìu đỡ đi vệ sinh cá nhân. Đừng buồn vì ngày mai lại mở ra những hy vọng mới. Nền y học và sự chăm chút của thầy thuốc luôn bền bỉ”. Giường này người bệnh lớn tuổi phấn khởi lên, đôi chân Khôi và Lưu lại vộ vã qua giường khác. Với những người bệnh trẻ đồng trang lứa như mình, các anh còn thổi vào ý nghĩ họ tinh thần lạc quan. Ướt đẫm mồ hôi sau khi đánh vật với bình oxy, Lưu tự tin khích lệ người bệnh trẻ: “Không lo thiếu oxy nhé. Có y, bác sĩ, có bọn mình rồi. “Con covy” sẽ bị tiêu diệt thôi. Mình phải nung nấu ý nghĩ, ta sẽ chiến thắng bệnh nhé”. Thấm vội dòng nước mắt vừa lăn xuống khẩu trang, bệnh nhân Nguyễn Thu H. tâm tình: “Tôi phải thở oxy nhiều ngày rồi. Cấp cứu liên tục. Giờ mới đỡ hơn được chút. Khi chưa có các tình nguyện viên là F0, từ việc đi nhà cầu, đi tiểu các y, bác sĩ phải lo hết, giờ đỡ hơn phần nào nhưng số bệnh nhân chuyển nặng lại tăng lên nên nỗi nhọc nhằn nhân thêm bội lần. Ngày ra viện chắc nhớ những yêu thương đặc biệt nơi này lắm. Tuổi quá cao rồi chứ không thì khi nào âm tính tôi sẽ xin ở lại đỡ đần cho các y, bác sĩ ngay”. Nhìn đám mây u ám vừa kéo qua ô cửa kính trong suốt cửa phòng cấp cứu, bệnh nhân Thanh Q. rạng rỡ niềm hạnh phúc, đọc vanh vách tên từng y tá, bác sĩ cũng như tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh. Ông bảo: Cận kề bên hiểm nguy mới thấy sự hy sinh vô điều kiện của các thầy thuốc nơi này. Có những đêm, dường như hàng loạt đôi tay không có phút nghỉ vì những ca bệnh chuyển nặng nhiều quá. Người lo tiêm thuốc, người lo theo dõi dấu hiệu sinh tồn, các F0 đã âm tính như Khôi, Lưu…thì tất bật vận chuyển bình oxy, đấm lưng, xoa ngực…không khí khẩn trương như thể chậm lại một giây sẽ ảnh hưởng đến bao sự sống vậy. Nghĩ về những ngày rộn rã trên giảng đường đại học, Minh Khôi thổ lộ: “Khi dịch bệnh được khống chế chắc em lại tiếp tục trở lại trường đại học. Nhưng hành trang theo trong cuộc đời bây giờ không chỉ tri thức, còn có những ngày tháng không quên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 này. Ở đó cô đọng lại nghĩa tình, bừng thức lên những ước muốn chăm lo cho nhau trong những ngày sự sống mong manh”. Túc trực suốt gần hai tháng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 3, BS trẻ Bùi Thị Kim Kha tâm tình: “Dường như tình yêu thương có sức mạnh và lý lẽ riêng. Điều ấy kéo con người ta lại gần nhau hơn, gắn bó và dồn hết tâm lực cứu giúp người qua giai đoạn ngặt nghèo.” Bảo Hân        

Trang