Công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính
26/05/2022 - 11:03

TĐKT- Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2021).

Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 đã diễn biến rất phức tạp, nặng nề làm tổn thất lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Mặc dù rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời thích ứng với tình hình mới.

Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính

Là năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết 76/NQ-CP, gắn với năm bản lề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhìn lại năm 2021 vừa qua, chúng ta thấy rằng, để thúc đẩy thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động trong lãnh đạo, điều hành là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” và đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cải cách hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm.

Trên cơ sở đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đánh giá, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,90%; trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 thấp nhất, đạt 78,72%. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021: Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%). Thành phố Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90,25% xếp vị trí thứ 3/63; trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89,28%, xếp vị trí thứ 5/63. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020, đạt 77,91%, xếp vị trí thứ 61/63).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, sau Hội nghị này, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả của Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Về phía bộ. ngành, địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đồng chí lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu có các biện pháp thiết thực, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong triển khai công tác cải cách hành chính, phấn đấu thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của năm 2022.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực, năng động, sáng tạo của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ củ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, công tác cải cách hành chính năm 2022 sẽ có bước chuyển biến mới và đạt được kết quả toàn diện hơn nữa, góp phần củng cố niềm tin, sự hài lòng của người dân, tổ chức và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hồng Thiết