TĐKT - Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 23/8, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát thanh -Truyền hình Quân đội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về buổi Tọa đàm “Trung hiếu bên Người” và Chương trình giao lưu – nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng”. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì buổi gặp mặt.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí
Tọa đàm “Trung hiếu bên Người” tổ chức sáng 30/8 là dịp để tuổi trẻ toàn quân bày tỏ tấm lòng kính yêu vô hạn, đời đời nhớ ơn Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Qua đó, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách thể hiện qua bản Di chúc thiêng liêng của Người.
Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhìn lại kết quả đạt được qua nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác và công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó tiếp tục bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban tổ chức cho biết đã nhận được 60 bài tham luận của các vị học giả, tướng lĩnh, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương trong cả nước, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn trong toàn quân.
Các tham luận đề cập đến nhiều nội dung, cùng thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của các đại biểu dâng lên Bác kính yêu. Nội dung tọa đàm là nguồn tư liệu quý về mặt lý luận và thực tiễn để mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói riêng, tuổi trẻ cả nước nói chung ra sức phấn đấu, tích cực thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chương trình giao lưu – nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 30/8, là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng; các phóng sự sinh động; các vị khách mời, nhân chứng lịch sử thể hiện sự kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh; trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và vững vàng bước tiếp con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Nguyệt Hà
Chính trị - Xã hội
Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TĐKT - Nhằm góp phần tìm hiểu sâu sắc thêm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, vận dụng những tư tưởng ấy vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới và hướng đến 15 năm thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (25/8/2004 - 25/8/2019), 72 năm thành lập Viện Huân chương (15/9/1947 - 15/9/2019), ngày 21/8, tại Hà Nội, Đảng bộ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Về phía khách mời, có GS. TS chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH) Hoàng Chí Bảo. PGS.TS Hoàng Chí Bảo giảng về tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tại Hội nghị, GS. TS. Hoàng Chí Bảo, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ cho biết, nửa thế kỷ trôi qua nhưng những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong bản Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với 1.000 từ, nhưng Người đã làm nên một tổng kết lớn về lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người trọn đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến. Người cũng đặt ra vấn đề dự báo trong tương lai. Với tất cả sự nhạy cảm và linh cảm, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn viết Di chúc vào dịp sinh nhật để vui chứ không buồn. Sự sống vốn mạnh hơn cái chết. Lấy sự sống để vượt lên cái chết, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản lĩnh văn hóa. Người thực sự là một hiện tượng văn hóa độc đáo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu kết luận Hội nghị Từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm thấy rõ một con người thật mà có một cuộc đời huyền thoại. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… GS. TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, bản Di chúc lịch sử ấy đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, nhưng chứa đựng sự tổng kết lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, thể hiện trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa, trông rộng của Người đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bản Di chúc đó không chỉ là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Người đi xa mà nó đã trở thành một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà gửi lời cám ơn sâu sắc đến GS. TS Hoàng Chí Bảo đã có bài chia sẻ quí báu và truyền đạt tư tưởng cốt lõi bổ ích về Di chúc của Người đến đông đảo cán bộ công chức viên chức hướng đến kỷ niệm ngày thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị; luôn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên là việc làm đúng đắn và cần thiết. Hồng ThiếtTĐKT - Chiều ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2019 của Bộ Nội vụ. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng và bảo vệ bí mật Nhà nước là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và của mỗi công dân. Bảo vệ bí mật nhà nước còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, chính trị quốc gia. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế thì bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích Đảng và Nhà nước ta.
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan Đảng, nhà nước trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, sơ hở, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, phổ biến là vi phạm khi thực hiện xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước. Đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước; một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị nhằm tuyên truyền những nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng và tình hình bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và vận dụng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
La Giang
Lễ khởi động và ký kết dự án Oscar “Phòng, chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh”
TĐKT - Ngày 20/8, tại Hà Nội, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (SKBMTE), Bộ Y tế đã cùng Tập đoàn Reckitt Benckiser (RB) tổ chức Lễ khởi động và ký kết Dự án Oscar với mục tiêu hướng đến là “Phòng, chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh”. Với quy mô dự án giai đoạn đầu hơn 10 tỷ đồng, Tập đoàn RB sẽ tài trợ 100 đèn chiếu vàng da để điều trị bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh tại 96 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của 10 tỉnh, thành phố từ Bắc - Trung - Nam; hỗ trợ xây dựng, phát hành tài liệu đào tạo về phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị vàng da trẻ sơ sinh dành cho đội ngũ cán bộ y tế, xây dựng và phát tài liệu truyền thông nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh lý cho các bậc cha mẹ. Cùng phối hợp với RB, Vụ SKBMTE sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn trong suốt quá trình thực hiện dự án. Lễ khởi động và ký kết giữa Bộ Y tế và Tập đoàn Reckitt Benckiser Mỗi máy chiếu vàng da có tuổi thọ ít nhất 5 năm, tương đương với thời gian hoạt động chiếu sáng liên tục tối thiểu là 44.000 giờ. Theo ước tính của các chuyên gia y tế, 100 máy chiếu đươc tài trợ bởi Tập đoàn RB sẽ giúp chữa trị sớm bệnh vàng da cho ít nhất 150.000 trẻ sơ sinh trong vòng 5 năm. GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, vàng da sơ sinh là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong đó, khoảng 85% trẻ sơ sinh đủ tháng và hầu hết trẻ sinh non nhìn thấy vàng da trên lâm sàng. Khoảng 6,7% vàng da trong 24 giờ đầu, 20% trong số này cần chiếu đèn điều trị vàng da. Trẻ sơ sinh vùng Đông Á có tỷ lệ vàng da cao gấp 6 lần châu Âu. Tuy nhiên, vàng da sơ sinh là căn bệnh không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được phát hiện sớm, không điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng rất nặng nề (vàng da nhân não) cho trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. “Dự án Phòng, chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh do RB khởi xướng sẽ giúp các bà mẹ/người chăm sóc trẻ phát hiện bệnh sớm, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế về việc phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh để từ đó giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh” - ông Tiến chia sẻ. Ông Bech Soren, Tổng giám đốc Reckitt Benckiser Việt Nam cho biết: “Tập đoàn Reckitt Benckiser không đơn thuần là một công ty. RB là một cộng đồng đang phát triển hiện diện trên hơn 60 quốc gia với hơn 40.000 cộng sự tài năng và có trách nhiệm với mục tiêu chính là đem lại cho thế giới cuộc sống hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Tại Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ những dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của các bà mẹ và trẻ em. Chúng tôi đã cùng hợp tác với các chuyên gia y tế và Bộ Y tế thông qua các dự án liên quan đến Mead Johnson, thương hiệu hàng đầu của Tập đoàn RB”. Theo ông, dự án cộng đồng đầu tiên là Sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (Metabolics). RB cung cấp miễn phí dòng sữa đặc trị cho những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Dự án bắt đầu từ năm 2014 đến nay. Trong vòng 5 năm qua, Tập đoàn RB đã giúp cứu sống hơn 250 trẻ em. Dự án thứ 2 là OSCAR với mục tiêu nhằm giúp giảm thiểu số trẻ sơ sinh tử vong và hạn chế những biến chứng đáng tiếc do bệnh vàng da sơ sinh gây nên. Ông Bech nhấn mạnh: “Với sự nỗ lực của tập đoàn RB và hỗ trợ của Vụ SKBMTE, tôi tin rằng dự án OSCAR sẽ mang đến niềm vui cho các bậc cha mẹ khi nhìn thấy con mình lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn RB ở trên toàn thế giới và tại Việt Nam”. Hồng ThiếtTĐKT – Các y bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 vừa phẫu thuật thành công, giúp thanh niên 22 tuổi thoát gù, dễ dàng hơn khi đi lại và tự tin hơn. Hiện bệnh nhân đã hồi phục nhanh, đi lại vận động tốt.
Đại diện Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn D (22 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng cột sống bị biến dạng rất lớn. Bệnh nhân chung sống với thân hình gù, nhìn về phía trước khó khăn. Chấp nhận biến dạng đó trong thời gian dài, tình trạng biến dạng của bệnh nhân ngày càng nặng mặc dù đã điều trị nội khoa nhiều năm.
Phim chụp cột sống bệnh nhân trước phẫu thuật
Với biến dạng gù nặng cột sống làm gập cả thân mình, đi khuỳnh chân, mắt không nhìn được xa (chỉ nhìn thẳng xuống đất) gây khó khăn lớn cho vận động của bệnh nhân. Việc gù nặng ngoài ảnh hưởng đến chức năng vận động còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, tiêu hóa của bệnh nhân do cột sống gù gập chèn ép lồng ngực và ổ bụng: Bệnh nhân hay bị đầy bụng, ăn khó tiêu, đau tức ngực, thi thoảng khó thở.
Những bệnh nhân bị gù nặng như bệnh nhân trên nếu không được nắn chỉnh lại cột sống sẽ dễ dẫn đến suy hô hấp do tim, phổi bị chèn ép, vận động hạn chế... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Hình ảnh bệnh nhân sau phẫu thuật
Tại Bệnh viện TWQĐ 108, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù bằng kỹ thuật mới, đó là sử dụng 4 thanh rod (2 thanh rod ngắn cố định từ đốt sống L2 đến L4, 2 thanh rod dài cố định từ đốt sống T10 đến S1) thay vì sử dụng 2 thanh rod như trước, kíp phẫu thuật đã cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống trong 5 giờ phẫu thuật.
Theo bác sĩ Lê Thanh Hùng, khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình cột sống, Bệnh viện TWQĐ 108 – “Kỹ thuật 4 thanh rod giúp cho quá trình nắn chỉnh biến dạng gù thuận lợi hơn và tăng thêm độ vững chắc cho cột sống sau khi nắn chỉnh. Bệnh nhân không có tổn thương thần kinh sau mổ. Bệnh nhân hồi phục nhanh, đi lại vận động tốt.”
Sau mổ, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt: Cột sống được ưỡn trở lại, lồng ngực hết chèn ép nên bệnh nhân dễ thở, hết đau tức ngực, vận động dễ dàng, khi đi không phải cúi gằm xuống vì mắt đã nhìn được xa. Mặc dù vẫn phải theo dõi lâu dài nhưng chất lượng cuộc sống cải thiện đã mang đến niềm vui và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho bệnh nhân.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm và cốt hóa các khớp và các dây chằng của cột sống. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh. Phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù do viêm cột sống dính khớp thực sự là một thách thức lớn do tình trình trạng cứng, chắc của cột sống, khó tính toán mức độ biến dạng cần nắn chỉnh và vị trí can thiệp vào cột sống để đạt được kết quả tốt. Bệnh nhân có mức độ gù lớn không thể nhìn thẳng được. Để nhìn đường khi đi bộ, người bệnh phải ngửa cổ, gấp khớp háng và khớp gối. Người bệnh tự ti về dáng vẻ bề ngoài của mình. Phẫu thuật nhằm mục đích cải thiện tầm nhìn thẳng, giúp người bệnh dễ dàng khi đi lại và tự tin hơn.
Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống (B1-D), Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cho nhiều bệnh nhân viêm cột sống dính khớp từ tháng 10 năm 2011. Kết quả bước đầu cho thấy biến dạng cột sống được nắn chỉnh khá tốt. Phẫu thuật không có tai biến, biến chứng. Người bệnh được phẫu thuật hài lòng với kết quả điều trị. Minh họa quá trình điều trị bệnh nhân trên đây cho thấy khó khăn và hiệu quả của phương pháp phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù của bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.
Thục Anh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên
TĐKT - Ngày 19/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn công tác của trung ương đã tới thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên. GS. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh GS. TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết sau 25 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên là Đại học Vùng, “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức có 4.146 người, trong đó có 2.621 cán bộ, giảng viên, 154 giáo sư, phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 2.181 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ở tất cả các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế. Một số trường đại học có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao (gần 50%) như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm… Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc Đại học Thái Nguyên đang đào tạo 282 ngành, trong đó 32 ngành tiến sĩ, 60 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, 141 ngành đại học và 25 ngành cao đẳng. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm hầu hết các lĩnh vực (trừ lĩnh vực ngoại giao, an ninh - quốc phòng). Từ khi thành lập đến nay, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đào tạo gần 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học (13.618 thạc sĩ, 268 tiến sĩ, 2.560 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú). Đặc biệt, số sinh viên hệ cử tuyển là 795 người, 440 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 146 tốt nghiệp thạc sĩ. Hiện nay ĐHTN đang đào tạo trên 60.000 người (trong đó 40% là người dân tộc thiểu số), học viên sau đại học đạt gần 5.100 người, trong đó có 700 người nước ngoài của 12 nước đến học tập và nghiên cứu khoa học (có 176 lưu học sinh của nước CHDCND Lào). Một số lĩnh vực trọng tâm đào tạo chất lượng cao của ĐHTN: Nông – lâm – ngư nghiệp; y – dược; kỹ thuật; khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên; ngoại ngữ… Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đến nay, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện 3.577 đề tài các cấp, trong đó có 54 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 71 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 341 đề tài cấp Bộ, ngành khác, 17 đề tài của quỹ Nafosted, 14 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, chuyển giao kết quả nghiên cứu của 166 đề tài cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các chương trình như: Dược liệu, thủy sản, giáo dục STEM, y tế… mang lại hiệu quả kinh tế với tổng kinh phí thực hiện là gần 200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hợp tác với tỉnh Thái Nguyên là 100 tỷ đồng. ĐHTN giới thiệu đến Phó Chủ tịch nước sản phẩm công nghệ tiêu biểu Mỗi năm ĐHTN có khoảng trên 1000 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó 445 bài báo danh mục ISI, SCOPUS. Đặc biệt số lượng bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và Scopus tăng lên đáng kể, năm 2015 có 43 bài, năm 2017 có 133 bài, năm 2018 có 161 bài, 7 tháng đầu năm năm 2019 là trên 100 bài báo; 11 bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ được công nhận. Hợp tác quốc tế về KHCN cũng được đẩy mạnh. Đại học đã thực hiện 21 dự án thuộc các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nông lâm nghiệp… với tổng kinh phí trên 5 triệu USD. Đã ký 115 biên bản ghi nhớ và hợp tác với các đối tác như: Ủy ban châu Âu EU, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Bỉ… Bên cạnh đó, ĐHTN còn được nhiều bộ, ban, ngành trung ương giao nhiệm vụ tư vấn các chính sách, như: Ban Kinh tế Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá và phản biện các chính sách trong 30 năm đổi mới 1986 – 2016; Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá các chính sách về kinh tế y tế giai đoạn 1986 – 2016; tham gia có hiệu quả vào hoàn thiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; chủ trì xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm của cả nước… Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Thái Nguyên Phạm Hồng Quang đã nêu rõ những thuận lợi, thách thức đang gặp phải và kiến nghị với đoàn công tác 3 nội dung, bao gồm: Một là, Đảng, Chính phủ cần xác định rõ vị trí và nhiệm vụ của Đại học Vùng đối với sự phát triển nguồn lực chất lượng cao cho đất nước với vị trí địa - chính trị quan trọng của ĐHTN, tỉnh Thái Nguyên – trung tâm vùng. Hai là, Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất và tài chính trong giai đoạn hiện nay đối với đại học Vùng để tăng sức mạnh cạnh tranh, tránh tản mạn khi hiện nay hầu hết mỗi tỉnh đều có trường đại học. Đại học Thái Nguyên có vị trí quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nghị quyết 37/2014 của trung ương. Ba là, phát triển vùng dân tộc thiểu số phải dựa vào sức mạnh của chính cộng đồng, cộng đồng cần phải dựa vào chất lượng con người, do đó giáo dục đại học vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa, an ninh quốc phòng. ĐHTN là đại học Vùng sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chúc mừng và biểu dương những kết quả ĐHTN đã đạt được trong 25 năm qua. Chia sẻ với những thách thách thức và các kiến nghị của Đại học Thái Nguyên với trung ương, đồng chí động viên tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó trong 25 năm qua để đạt được thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới, trở thành một điển hình trong giáo dục đào tạo của nước nhà. Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý 3 nhiệm vụ trọng tâm Đại học Thái Nguyên cần lưu ý trong thời gian tới: Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; phát huy tốt hơn nữa việc hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ đối với các tỉnh khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Thái Nguyên; cần đặc biệt quan tâm bồi đắp bản lĩnh, trí tuệ và lý tưởng của sinh viên, vì đây là thế hệ trẻ, có trí thức, trong đó đặc biệt coi trọng đến đối tượng là sinh viên người dân tộc thiểu số. Thanh LoanHội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
TĐKT - Ngày 16/8/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại 63 điểm cầu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và điểm cầu trung ương (Bộ Y tế) . Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện các sở, ban, ngành liên quan; công đoàn ngành y tế tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện; một số công ty sản xuất cung cấp dược phẩm, trang thiết bị y tế, đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố và các cơ quan báo đài của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phát biểu tại Hội nghị Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết: Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi văn bản số 161/LĐCP kêu gọi các tổ chức chính trị, các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và toàn dân chung sức giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày). Hình ảnh các đại biểu thăm khu trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Vì vậy, để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung cũng như giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế” nhằm phổ biến triển khai Chỉ thị 08/CT-BYT tới tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trên cả nước; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế, tạo sự đồng thuận tham gia của người bệnh, người nhà người bệnh, các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, ngày 29/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực. Thông qua Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây: Thứ nhất, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...; phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa. Thứ hai, rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế. Thứ ba, tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Thứ tư, bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra. Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế “dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay” góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hội nghị cũng được nghe phổ biến Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế đến các địa phương. Tại Hội nghị trực tuyến điểm cầu của Bộ Y tế đã diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội. Cùng thời gian với điểm cầu trung ương, tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành cũng diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Giám đốc Sở Y tế với giám đốc các bệnh viện trực thuộc ngành. Hồng ThànhTĐKT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) vừa đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0.
BHXH VN cho biết, phần mềm được triển khai nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, góp phần hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
BHXH VN là một trong những cơ quan ứng dụng hiệu quả CNTT để xử lý công việc
Phần mềm Quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0 thuộc bản quyền của BHXH VN, là một phần mềm trong hệ thống phần mềm ứng dụng của BHXH VN.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giảm tải sử dụng văn bản giấy và sổ sách ghi chép tay; tiết kiệm thời gian cho cán bộ trong công tác báo cáo, tổng hợp; hỗ trợ các tiện ích để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời công tác quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra được toàn diện, bao quát và đồng bộ hơn từ bảo hiểm xã hội huyện, thị đến BHXH tỉnh và BHXH VN.
Phần mềm quản lý hoạt động thanh tra do Vụ Thanh tra - Kiểm tra phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí và hoàn thiện.
Từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực với quy định về chức năng thanh tra, cơ quan BHXH đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạt kết quả rất tốt. Năm 2018, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội giảm thấp nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan BHXH đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và qua đó, kết quả đóng phí có chuyển biến tích cực.
Tính đến hết tháng 6/2019, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 9.529 đơn vị. Trong đó, thanh tra chuyên ngành tại 3.756 đơn vị; kiểm tra tại 4.094 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 1.679 đơn vị.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm, góp phần đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật BHXH và các quy định liên quan, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
La Giang
Đảm bảo an toàn giao thông dịp Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới
TĐKT - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019 – 2020. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019 - 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn kĩ thuật phương tiện trọng hoạt động vận tải. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người dân, không lái xe sau khi uống rượu, bia, sử dụng chất ma túy; không sử dụng điện thoại khi lái xe; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Chạy quá tốc độ quy định, vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, đặc biệt là đối với trẻ em; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở hành khách, hàng hóa quá tải trọng quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt…, chú trọng đối với xe ô tô chở khách, xe chở container; ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp, nhất là thời điểm mưa, bão, lũ. Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại khu vực trường học trong ngày khai giảng. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũgây ra; kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố. Ủy ban nhân dân các địa phương đẩy mạnh vận động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia cảnh giới, hướng dẫn giao thông tại các điểm có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, nhất là tại các vị trí đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt mất an toàn giao thông trên địa bàn. Có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho học sinh đến trường, đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông. Các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 3 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh (từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9/2019), gửi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trước 16 giờ ngày 2 tháng 9 năm 2019 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyệt HàThành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài và khen thưởng học sinh đạt thành tích trong học tập năm 2019
TĐKT - Nhằm động viên, khen thưởng cho con cháu đã có thành tích trong học tập năm 2019, ngày 18/8, tại Hà Nội, dòng họ Nguyễn Công Đại Mỗ sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài và khen thưởng học sinh đạt thành tích trong học tập năm 2019. Văn chỉ của dòng họ Nguyễn Công Đại Mỗ Hoạt động khuyến học, thành lập Quỹ không chỉ góp phần xây dựng xã hội học tập, tôn vinh những tấm gương trong học tập mà còn nhằm mục đích động viên thế hệ trẻ tích cực phấn đấu rèn luyện trở thành những người có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, của địa phương. Nhân dịp này, họ Nguyễn Công Đại Mỗ sẽ tổ chức khen thưởng cho 93 học sinh đạt thành tích cao trong học tập ở các cấp phổ thông niên khóa 2018 - 2019: Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện đối với cấp tiểu học; đạt danh hiệu học sinh giỏi đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; khen thưởng 3 học sinh đạt giải trong các cuộc thi được tổ chức từ cấp huyện trở lên. Những học sinh thi đỗ đại học hệ chính quy tập trung (cả công lập và dân lập), người tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi hoặc học sinh của 3 cấp học đạt danh hiệu như trên, chưa gửi hồ sơ để khen thưởng sẽ được tổ chức khen thưởng vào ngày Đông Chí 2019. Về phần thưởng và mức thưởng, học sinh thuộc 3 cấp học phổ thông sẽ được nhận Giấy khen, Biểu trưng của dòng họ và 200.000 đồng. Học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện trở lên và học sinh đỗ vào các trường đại học công lập, dân lập và tốt nghiệp đại học loại giỏi sẽ nhận Giấy khen, Biểu trưng của dòng họ và 300.000 đồng. Đại diện dòng họ Nguyễn Công Đại Mỗ, ông Nguyễn Trọng Thạch chia sẻ: Đây là năm đầu tiên dòng họ tổ chức khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập năm 2019 và hoạt động này sẽ được duy trì hằng năm. Chúng tôi mong muốn thông qua hoạt động này, con cháu sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử, ý nghĩa Biểu trưng của dòng họ Nguyễn Công cũng như động viên, khích lệ các cháu tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện trong những năm học tiếp theo, xứng danh con cháu của dòng họ. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của các gia đình cùng tham gia, hưởng ứng, ủng hộ Quỹ Khuyến học ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Nguyễn Công GiápTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 198
- 199
- 200
- 201
- 202
- …
- sau ›
- cuối cùng »