Chính trị - Xã hội

Giải thưởng Sinh viên nội thất Việt Nam 2019

TĐKT - Gần 20 giải thưởng lớn nhỏ, tổng giá trị lên tới hơn 250 triệu đồng cùng nhiều hiện vật hấp dẫn, sự kiện “Giải thưởng Sinh viên Nội thất Việt Nam 2019” dự kiến thu hút số lượng lớn đồ án tốt nghiệp trên khắp cả nước trong thời hạn nộp bài hai tháng từ 01/09/2019 đến 01/11/2019. Giải thưởng Sinh viên nội thất Việt Nam (Interior Student Awards) được tổ chức với mong muốn tạo nên một sân chơi chuyên nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên ngành thiết kế nội thất. Cuộc thi dành riêng cho đối tượng sinh viên năm cuối chuyên ngành thiết kế nội thất, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, sự tâm huyết với đồ án tốt nghiệp - một tác phẩm quan trọng của quãng đời sinh viên. Với quy mô tổ chức trên toàn quốc, Giải thưởng Sinh viên nội thất Việt Nam đồng hành cùng nhiều đơn vị báo chí uy tín trong ngành như Tạp chí Kiến Việt, Elle Decoration, Tạp chí Ashui, trang tin tức dành cho giới trẻ Tiin.vn và cộng đồng VietCG. Hình ảnh trên fanpage của Giải thưởng Sinh viên nội thất Việt Nam 2019 Giải thưởng được phát động chính thức từ ngày 01/09/2019 tới hết ngày 01/11/2019, vòng bình chọn online kéo dài một tuần từ 11/11/2019 tới 18/11/2019. Đêm chung kết, trao giải thưởng dự kiến được diễn ra vào cuối tháng 12. Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những bài dự thi xuất sắc nhất cho 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải chuyên đề, 06 giải bình chọn với tổng giá trị lên đến hơn 250 triệu đồng, cùng nhiều phần thưởng hiện vật khác đến từ nhà tài trợ. Song hành cùng đó là hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia từ trong và ngoài nước. Giải thưởng Sinh viên nội thất Việt Nam chính là một hoạt động kick off của Diễn đàn sinh viên nội thất – Cộng đồng lớn nhất, kết nối mạng lưới sinh viên, chuyên gia, nhà thiết kế, doanh nghiệp hoạt động trong ngành nội thất Việt Nam. Diễn đàn Sinh viên nội thất Việt Nam được sự đồng hành của Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, và các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo, dự kiến thu hút sự tham gia giao lưu của hàng ngàn sinh viên, doanh nghiệp, và chuyên gia trên khắp cả nước. Mai Thảo

Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tháng 8

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, trong tháng 8 toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Kết quả, trong tháng 8 toàn ngành thu 30.912 tỷ đồng, trong đó: Thu BHXH 155.583 tỷ đồng, thu bảo hiểm TNLĐ-BNN (tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp) 3.082 tỷ đồng, thu BH thất nghiệp (BHTN) 11.560 tỷ đồng, thu BHYT 60.974 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 9.547 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 81.400 người hưởng trợ cấp một lần; 935.788 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 8 tháng đầu năm, đã giải quyết 75.018 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 580.278 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.851.331 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cùng với đó, cả nước có khoảng 14,75 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú; lũy kế 8 tháng đầu năm có khoảng 118,083 triệu lượt người KCB BHYT Để có được kết quả toàn diện ấy, toàn ngành phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 60.500 người hưởng chế độ BHTN (trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề). Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải quyết cho 544.062 người hưởng chế độ BHTN. Chi BHXH, BHYT, BHTN 25.879 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, số chi BHXH, BHYT, BHTN là 207.664 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch cả năm; trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 28.856 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 106.476 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 4.688 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 67.644 tỷ đồng. Qua phân tích dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT (tính đến hết tháng 7/2019) và báo cáo của BHXH một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều tỉnh có số chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Thủ tướng giao tại Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5/4/2019, trong đó một số nhóm chi phí KCB bình quân/1 lượt KCB tăng mạnh so với năm 2018 như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền ngày giường… Cụ thể như sau: Chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Chính phủ giao: Vĩnh Long 88,24%; Ninh Thuận 71,84%; Đắc Nông 71,04%; Nghệ An 69,99%.... Đặc biệt, một số tỉnh phía Bắc trong 7 tháng đầu năm 2019 có tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao: Phú Thọ 17,70%, Sơn La 17,61%; Vĩnh Phúc 15,95%... Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, để đảm bảo việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi từ tiền túi người bệnh, đảm bảo thực hiện dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 22/QĐ-CP, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh tập trung giải quyết những tồn tại nêu trên, đồng thời lưu ý một số nội dung sau: Thứ nhất, phân tích đánh giá để xác định rõ các nguyên nhân cụ thể gây gia tăng chi phí bất thường, tổ chức làm việc với các cơ sở KCB có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, đề nghị cơ sở KCB điều chỉnh về chỉ tiêu hợp lý, đồng thời theo dõi, giám sát đảm bảo chuyển biến thực chất của cơ sở KCB. Thứ hai, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (khi có diễn biến bất thường) có văn bản báo cáo và xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thông báo với Sở Y tế về tình hình sử dụng nguồn dự toán Chính phủ giao tại Quyết định số 22/QĐ-CP, trong đó có đánh giá, chỉ rõ các các cơ sở KCB có tình trạng gia tăng chi phí bất thường; tăng chỉ định vào điều trị nội trú (so sánh với tỷ lệ vào viện bình quân chung trên địa bàn tỉnh hoặc các bệnh viện tương đương cùng mô hình, cùng hạng trên phạm vi toàn quốc); có ngày điều trị nội trú kéo dài không hợp lý; có tình trạng thu gom người bệnh, lập khống hồ sơ thanh toán; giá thuốc, vật tư y tế đấu thầu quá cao so với địa phương khác cùng thời điểm… Đề xuất tham mưu giải pháp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời. Thứ ba, tăng cường công tác giám định BHYT, thực hiện giám định theo đúng Quy trình giám định BHYT. Bố trí, sắp xếp cán bộ giám định để tập trung giám định dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; phân tích, đánh giá, phát hiện các sai sót, các chi phí KCB BHYT bất thường cần lưu ý tại tất cả cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trước khi tổ chức giám định tập trung tại cơ sở KCB. Tăng cường công tác giám định theo chuyên đề đã được cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để từ chối thanh toán các trường hợp đề nghị không đúng quy định: Dịch vụ kỹ thuật (DVKT) chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, DVKT thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật, tách DVKT để thanh toán, chênh lệch giá thuốc, vật tư y tế so với giá trúng thầu trung bình đã được BHXH Việt Nam đăng tải ... Đối với các trường hợp tách đợt KCB hàng tháng đối với các bệnh mãn tính, điều trị dài ngày như tiểu đường, tăng huyết áp…, BHXH các tỉnh đề nghị cơ sở KCB thực hiện việc khám bệnh, kê đơn thuốc tối đa 30 ngày/1 đợt theo đúng quy định tại Điều 4 Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho người bệnh không phải đi KCB nhiều lần. Đồng thời thực hiện việc ghép hồ sơ thanh toán hàng tháng. Các cơ sở KCB BHYT có hiện tượng gia tăng chi phí bất thường, nhiều người bệnh có cùng địa chỉ (xã, huyện) đến KCB cùng ngày, BHXH tỉnh bố trí giám định viên thường trực để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng thu gom người bệnh BHYT không đúng quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Hồng Thiết

Khai mạc phiên toàn thể Hội nghị khoa học lần thứ 5 về điều khiển và tự động hóa

TĐKT - Sáng 6/9, tại Cung Hữu nghị Hà Nội, Hội nghị khoa học lần thứ 5 về điều khiển và tự động hóa - VCCA 2019 khai mạc phiên toàn thể với chủ đề “Tự động hóa trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Hội nghị do Hội Tự động hóa Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam - Vietfair tổ chức, là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, các giảng viên, nhà kỹ nghệ, nghiên cứu sinh, sinh viên ở mọi miền đất nước giới thiệu các kết quả nghiên cứu của mình trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa. TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam tin tưởng: VCCA 2019 sẽ làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ giữa lý thuyết và ứng dụng, giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh, sự liên kết giữa ba nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Ban tổ chức hy vọng sự kiện sẽ góp phần giúp giới chuyên môn, nhà quản lý, doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn vai trò của tự động hóa trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước - giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khoa học và tạo cơ sở cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.   Các chủ đề của Hội nghị đã được lựa chọn kỹ, mang tính thời sự trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ban tổ chức chương trình đã nhận được 145 bài và 3 báo cáo phiên toàn thể (đến từ Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản) của hơn 350 lượt tác giả gửi tới tham dự Hội nghị. Ba chủ đề có số bài đề cập nhiều nhất là: Điều khiển các loại máy điện, truyền động và hệ thống năng lượng; điều khiển điện tử công suất; mô hình hóa và điều khiển rô bốt công nghiệp, rô bốt di động, xe tự hành. Các bài đã được xét duyệt và phản biện ởi 57 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa trên mọi miền đất nước. Ban tổ chức đã chọn ra được 114 bài có chất lượng cao nhất để trình bày tại Hội nghị. 3 báo cáo tại phiên toàn thể có nhan đề: “Current State of Power Electronics Technology in South Korea” giới thiệu khái quát về tiến bộ trên lĩnh vực điện tử công suất tại Hàn Quốc; “Verification of Linear and Non-Linear Control Approaches for Doubly-Fed Induction Generator Systems using Real-time Simulation” nói về điều khiển máy phát trong hệ thống phát điện sức gió, một chủ đề đang được quan tâm tại Việt Nam, kỹ thuật kiểm chứng bằng mô phỏng thời gian thực; “Real Haptics and Its Medical Applications” giới thiệu công nghệ “xúc giác thực”, ứng dụng để điều khiển rô bốt không chỉ chính xác, bền vững mà phải đồng thời đảm bảo tương tác mềm mại sử dụng trong y tế. Ngoài phiên toàn thể, VCCA 2019 có 17 phiên họp của 17 tiểu ban. Các bài báo hay nhất sẽ được công bố và trao giải tại Lễ bế mạc của Hội nghị. Phương Thanh

Thẩm định đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh Lào Cai

TĐKT - Ngày 5/9, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, trong đó có 8 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh. Số lượng ĐVHC cấp huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 1 đơn vị: Huyện Si Ma Cai. Quang cảnh Hội nghị Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Lào Cai có 164 đơn vị, trong đó có 143 xã, 12 phường và 9 thị trấn. Số ĐVHC cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 17 đơn vị; trong đó có 16 xã và 1 phường. Cùng với đó, phương án sắp xếp các ĐVHC, tỉnh Lào Cai đề xuất không thực hiện sắp xếp huyện Si Ma Cai với lý do, đây là huyện vùng cao, biên giới, có những yếu tố đặc thù riêng như: Vị trí địa lý, địa hình khó khăn, phức tạp và biệt lập; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; các yếu tố về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán. Nếu tiến hành sắp xếp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định trong hoạt động của cả hệ thống chính trị. Do đó, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các bộ, ngành trung ương thẩm định, báo cáo Chính phủ không đưa vào danh sách thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, để huyện Si Ma Cai có điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo nơi biên cương của Tổ quốc. Về phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Lào Cai thực hiện sắp xếp 19 đơn vị (16 xã, 2 phường và 1 thị trấn). Trong đó, 13 xã có 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định; sắp xếp 6 đơn vị (3 xã, 2 phường và 1 thị trấn) theo diện khuyến khích. Cụ thể, tại huyện Bảo Thắng, thành lập thị trấn Phố Lu trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Phố Lu và thị trấn Phố Lu. Tại huyện Bảo Yên, thành lập xã Phúc Khánh trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Long Phúc và xã Long Khánh. Tại huyện Văn Bàn, thành lập xã Võ Lao trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Văn Sơn và xã Võ Lao. Tại huyện Si Ma Cai, thành lập xã Quan Hổ Thẩn trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của 3 xã (thuộc diện sáp nhập) là xã Quan Thần Sán, xã Cán Hồ và xã Mản Thẩu. Thành lập xã Lùng Thẩn trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của 2 xã (thuộc diện sáp nhập) là xã Lử Thẩn và xã Lùng Sui. Tại huyện Bát Xát, thành lập xã A Lù trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của 2 xã là xã A Lù và xã Ngải Thầu (thuộc diện sáp nhập). Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Lào Cai có 9 ĐVHC cấp huyện (8 huyện và 1 thành phố); có 154 ĐVHC cấp xã (134 xã, 10 phường và 9 thị trấn), giảm 10 ĐVHC cấp xã. Bên cạnh phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Lào Cai cũng xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phương án bố trí, sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phương án sắp xếp những người dôi dư và phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản sau sắp xếp. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2019 - 2021 đã được tiến hành đúng tình tự, thủ tục theo quy định. Trên cơ sở Phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lào Cai đã được Tỉnh ủy thông qua và ý kiến của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng Đề án, phương án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn; tổ chức họp HĐND các cấp để xem xét, cho ý kiến và UBND tỉnh đã có Tờ trình kèm theo hồ sơ Đề án trình Chính phủ. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng hồ sơ, Đề án của tỉnh Lào Cai, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và sự đồng tình của nhân dân tỉnh Lào Cai. Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp giữa Bộ Nội vụ, Bộ Công an và Ban Tổ chức Trung ương về việc đưa công an chính quy về làm Trưởng Công an xã để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương sau khi sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC. La Giang

Khoa Ngôn ngữ Anh (HUBT) gặp mặt tân sinh viên khóa 24

TĐKT - Sáng 5/9, Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức buổi gặp mặt tân sinh viên khóa 24 tại Hội trường lớn nhà B. Các tân sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh khóa 24. Ảnh: Huy Thuyết Buổi gặp mặt còn có sự tham dự của các cựu sinh viên và đặc biệt là hơn 460 Tân sinh viên của ngành Ngôn ngữ Anh khóa 24. Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh chào mừng các tân sinh viên đã trở thành những thành viên của khoa. Chủ nhiệm khoa cũng đã giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của khoa, đồng thời cũng cung cấp cho các tân sinh viên về định hướng học tập, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. PGS. TS. Phan Văn Quế khẳng định: “Sau khi ra trường, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh có thể đảm nhiệm được các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, có nhiều cơ hội làm việc, phát triển ở các vị trí như biên phiên dịch trong các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước… Hơn nữa, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh còn có nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ lên bậc thạc sĩ. Để đạt được như vậy, các em hãy luôn cố gắng, phấn đấu học tập thật nghiêm túc, chăm chỉ trong 4 năm sắp tới tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ban Giám hiệu cũng như các thầy cô giáo trong khoa sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành với các em trong mọi quá trình học tập tại trường trong thời gian tới…”. PGS. TS. Phan Văn Quế - Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh phát biểu tại buổi gặp mặt các tân sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh khóa 24. Ảnh: Huy Thuyết Đại diện cho các tân sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, một số bạn cũng có những lời phát biểu hết sức tâm huyết về sự lựa chọn của mình khi được trở thành sinh viên của trường. Ngoài ra, các bạn còn trực tiếp giao lưu và đặt câu hỏi cho Ban Chủ nhiệm Khoa nhằm hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, quy chế học tập và một số vấn đề liên quan đến quá trình rèn luyện trong thời gian tới.                                                                                        Thu Hương

Khai mạc Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 9 năm 2019

TĐKT - Ngày 5/9, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 9 năm 2019 với chủ đề “Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Đến dự Hội nghị có: TS.Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị Hội nghị có sự tham dự của gần 250 đại biểu, trong đó có 40 - 50 đại biểu từ các nước thuộc lưu vực vùng sông Mê Kông, một số nước thuộc khối ASEAN, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đại biểu của Việt Nam. Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam mong muốn khẳng định vai trò của y dược cổ truyền (YDCT) trong chăm sóc sức khỏe người dân. Việc củng cố, phát triển hệ thống YDCT là một trong các mục tiêu cơ bản mà thời gian qua Bộ Y tế Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam và các nước trong tiểu vùng Sông Mê Kông đều có nền y dược cổ truyền lâu đời. Nền y dược cổ truyền đó đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông cần tiếp tục tích cực đầu tư và chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc kế thừa, bảo tồn và nghiên cứu phát triển nền y dược cổ truyền, kết hợp các thành tựu của y dược cổ truyền với các thành tựu, những kiến thức của khoa học hiện đại để phát triển một nền y học hiệu quả, an toàn và bền vững. Trao Giải thưởng Hải Thưởng Lãn Ông lần thứ 5 cho đại diện 32 cá nhân đã có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố với trên 1.000 huyện và trên 11.000 xã, phường có hệ thống bệnh viện y dược cổ truyền công lập tuyến trung ương và 65 bệnh viện tuyến tỉnh. Tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền đạt 92,7%; trạm y tế xã có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam. Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Hội nghị Y học cổ truyền, y học dân gian các nước tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 9 năm 2019 nhằm đánh giá kết quả triển khai những nội dung được Hội nghị lần 8 năm 2017 tổ chức tại Yangun đề ra, đồng thời tiếp tục thảo luận những nội dung hợp tác về y dược cổ truyền của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra có một số hoạt động như triển lãm về y học cổ truyền các nước, thao diễn các phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng y học cổ truyền và hội thảo khoa học quốc tế. Các hoạt động nhằm giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về ứng dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; quảng bá những thành tựu, sản phẩm y dược cổ truyền của Việt Nam; giới thiệu những thành tựu đạt được trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền của các nước lưu vực Mê Kông… Ngoài ra, tại Hội nghị sẽ đề xuất nội dung hợp tác giữa Việt Nam với các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông và Việt Nam với Trung Quốc về bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền; tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực y dược cổ truyền của các nước thành viên trong các năm tiếp theo. Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao Giải thưởng Hải Thưởng Lãn Ông lần thứ 5 cho 32 cá nhân đã có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 5 - 6/9/2019. Hồng Thiết

Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam triển khai phẫu thuật nội soi với hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi

TĐKT - Bệnh viện K đã triển khai phẫu thuật nội soi với hệ thống Robot Da Vinci Xi cho người bệnh ung thư, đây là thế hệ Robot hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Bệnh viện K là Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam trang bị hệ thống Robot này. Bệnh viện K là Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam trang bị hệ thống Robot này và đưa vào hoạt động với sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ đã được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng. Trong các phương pháp ngoại khoa điều trị ung thư, phẫu thuật nội soi Robot là kỹ thuật cao nhất có tích hợp trí tuệ nhân tạo và cách mạng 4.0   Bệnh viện K đã triển khai phẫu thuật nội soi với hệ thống Robot Da Vinci Xi cho người bệnh ung thư Robot Da Vinci chỉ định cho những bệnh nhân ung thư đầu cổ, hạ họng thanh quản, ung thư phổi, ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ung thư gan - mật - tụy, các ung thư phụ khoa, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang… Ngày 30/08, bệnh viện K đã thực hiện những ca mổ đầu tiên bằng hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi do các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot Bệnh viện K phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện. Bệnh nhân Nguyễn Thị B. 71 tuổi quê tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thấy xuất hiện tình trạng mệt mỏi, gầy sút 4 kg, kèm theo triệu chứng đại tiện ra máu tươi kéo dài suốt 2 tuần nên đến Bệnh viện K thăm khám. Bệnh nhân B. được chẩn đoán ung thư trực tràng cao. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân B. Ekip phẫu thuật là cho bệnh nhân B. gồm: TS. BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng I; ThS. BS Nguyễn Tuấn Anh, ThS. BS Trần Đình Tân, ThS. BS Phan Hữu Huỳnh đã thực hiện phẫu thuật nội soi cùng hệ thống Robot Da Vinci cho bệnh nhân. Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên được ứng dụng thực hiện bằng Robot Da Vinci thế hệ Xi. Việc thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi Robot có nhiều ưu điểm, giúp phẫu thuật viên phẫu tích được u đại trực tràng trong tiểu khung chật hẹp, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, lấy được tối đa khối u mà vẫn bảo tồn tổ chức tế bào lành, bảo đảm chức năng tiết niệu sinh dục tốt.  Tương tự như bệnh nhân B., bệnh nhân Lê Bá T. 60 tuổi trú tại Hà Nội được chẩn đoán ung thư trực tràng. Bệnh nhân T. cũng được phẫu thuật nội soi bằng hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi. Bệnh nhân B. và bệnh nhân T. sau mổ đã được lấy hoàn toàn khối u, đánh giá sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định. Hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi giúp kỹ thuật viên thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, tinh tế nhất; lấy được một cách triệt để nhất các tế bào ung thư mà vẫn bảo tồn tối đa được các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh. Vì vậy, bệnh nhân sau mổ sẽ hồi phục nhanh, giảm đau tối đa, sẹo mổ rất nhỏ. Đó là những lợi ích góp phần nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. La Giang  

Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” lần thứ 6

TĐKT – Sáng 30/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Văn hóa Truyền thông New tổ chức buổi gặp gỡ báo chí thông tin về Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” lần thứ 6, năm 2019. Quang cảnh họp báo Chương trình nhằm động viên, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống của em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu thực hiện ước mơ của mình ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, ghi nhận và tôn vinh những tấm lòng nhân ái, có nhiều đóng góp cho Chương trình và hoạt động bảo vệ quyền trẻ em trong thời gian qua. Mục tiêu của Chương trình là vận động nguồn lực để trao 2 căn nhà tình thương và 1.000 suất học bổng, 3.000 phần quà cho trẻ em; động viên những trẻ em kém may mắn, cùng nhau thắp lên những ngọn lửa yêu thương, khích lệ tinh thần ham học và khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống của trẻ em. Chương trình được tổ chức vào ngày 8/9/2019 tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội) với hơn 300 trẻ em tham dự. Trong đó, có 109 trẻ em là trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, trẻ em khuyết tật đặc biệt đến từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh sẽ được nhận học bổng (mỗi suất trị giá 1.000.000 đ) và quà (mỗi suất trị giá 500.000 đ). Chương trình sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tham dự giao lưu của 200 em học sinh đến từ Hà Nội, sự kiện được truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình VTC.  Ngoài ra, dự kiến ngày 7/9/2019, tại Phủ Chủ tịch, 109 trẻ em ở các địa phương, cán bộ phụ trách và một số nhà trợ tiêu biểu về dự chương trình tại Hà Nội sẽ được Phó Chủ tịch nước gặp gỡ, thăm hỏi và động viên tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống và học tập của các em. Đây là niềm tự hào có ý nghĩa khích lệ các em nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, biến ước mơ về một tương lai tươi sáng trở thành hiện thực. Được biết, trong tháng 7, Ban Tổ chức đã đi trao 80 suất quà cho trẻ em huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và 80 suất quà cho trẻ em huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (mỗi suất bao gồm 500.000 đ tiền mặt và túi quà trị giá 300.000 đ). Riêng tỉnh Thái Nguyên có 2 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Ban Tổ chức đến thăm nhà và tặng học bổng trị giá 5.000.000 đ/em. Trong tháng 8/2019, trao 80 suất quà cho trẻ em tỉnh Cao Bằng; 80 suất cho trẻ em huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang; 100 suất cho trẻ em huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (mỗi suất bao gồm 500.000 đ tiền mặt và túi quà trị giá 300.000 đ). Mai Thảo

Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người

TĐKT - Ngày 30/8, tại Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019). Dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khoảng 3.500 đại biểu trung ương, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô... Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ Lễ kỷ niệm là hoạt động thiết thực, nhằm ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Di chúc của Người; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm. Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Di chúc cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Khi bàn về vấn đề quốc tế, Di chúc thể hiện tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hóa rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Người; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng. Từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ chí Minh trong Di chúc đã khẳng định, Đảng ta có đủ bản lĩnh trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tự hào với tất cả những gì làm được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực ra sức phấn đấu, phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém; tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi hay bi quan, dao động trước những khó khăn, thử thách”. Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tại buổi lễ, đại diện cho các tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Nữ (70 tuổi), nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động kể về quãng thời gian 35 năm được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng. Đây là nơi lưu trữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với bà Hoàng Thị Nữ, nhiệm vụ này là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chăm chút, toàn tâm, toàn ý vì công việc và hơn hết là với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Tuy chưa một lần được gặp Bác, nhưng trong 35 năm gắn bó với các kỷ vật của Bác, hằng ngày được đọc, được tiếp xúc với những trang bản thảo, trong đó có bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được nghe giọng của Người nói qua các băng ghi âm; được chứng kiến các hoạt động của Người qua các thước phim; trực tiếp bảo quản, nâng niu các hiện vật gắn với sinh hoạt đời thường của Người..., bà Nữ hiểu sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức sáng ngời, nhân cách cao đẹp, những cống hiến to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi luôn xác định phải giữ gìn làm sao để tuổi thọ của từng tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác được lâu nhất; làm thế nào để phát huy cao nhất những giá trị di sản của Bác Hồ để lại và tôi luôn coi mỗi kỷ vật của Bác là một phần máu thịt của mình”, bà Nữ bày tỏ. Thay mặt cho thế hệ trẻ cả nước, đồng chí Nguyễn Nhất Linh - giảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam anh hùng. Đồng thời, thể hiện quyết tâm phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, lao động, cống hiến, nguyện bằng việc làm, hành động thiết thực đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mai Thảo

Ra mắt Dự án “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực”

TĐKT - Sáng 30/8, tại trường THCS và THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Dự án “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực”, thành lập trung tâm tham vấn học đường trường Ban Mai. Chương trình do Tổ chức Good Neighbors International (GNI) thực hiện. Lễ ra mắt Dự án Phát biểu tại buổi lễ, ông Park Dong Chul, Trưởng Đại diện Tổ chức GNI tại Việt Nam cho biết: Bạo lực trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của trật tự, an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Theo số liệu của UNICEF năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 tuổi trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu học sinh, cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và các khu vực xung quanh trường học. Điều đáng lo ngại là số trường hợp bạo lực học đường (BLHĐ) ngày càng gia tăng, các em gái hay là người chịu hậu quả nặng nề từ bạo lực. Một trở ngại nghiêm trọng trong việc can thiệp các vụ việc BLHĐ là sự thiếu kết nối giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức ăng. Điều này dẫn đến nhiều vụ việc bạo lực không được giải quyết triệt để, an toàn và công lý của trẻ chưa được đảm bảo. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hà Nội và Hải Dương, có khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một khoảng không gian riêng tư ở trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Với sứ mệnh vì một thế giới tốt đẹp, tôn trọng quyền con người, năm 2019, GNI tại Việt Nam đã triển khai Dự án “Xây dựng môi trường an toàn không bạo lực - Speak out” với các hoạt động đa dạng và chất lượng, thành lập và vận hành mô hình phòng tham vấn học đường - hoạt động không thể thiếu tại các trường học. Theo kế hoạch, Dự án triển khai xây dựng 2 phòng tham vấn tại hệ thống trường Ban Mai và trường THCS Nguyễn Trường Tộ, TP Hà Nội, qua đó, tiếp cận và hỗ trợ học sinh sử dụng dịch vụ tham vấn, hỗ trợ về tâm lý. Tổ chức GNI cũng hỗ trợ các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu dành cho giáo viên tại trường có triển khai Dự án, thực hiện các chương trình truyền thông, tọa đàm về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đồng hành cùng phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, GNI thực hiện 10 số tham vấn trực tuyến bởi các chuyên gia hàng đầu trên kênh VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam với các chủ đề xoay quanh trường học. Năm 2020, sau khi đánh giá hiệu quả Dự án, GNI sẽ tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình phòng tham vấn trong ứng phó với BLHĐ và bạo lực giới. Phương Thanh  

Trang