Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm
08/11/2019 - 21:01

TĐKT - Chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III/2019.

Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý III và tháng 10/2019, Bộ Tư pháp đã thẩm định 94 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 16 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thẩm định, đặc biệt là các dự án luật được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Bộ Tư pháp đều có ý kiến rõ ràng, cụ thể, nhất là với các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn chung chung, chồng chéo, gây cản trở và khó khăn hoặc làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh họp báo

Về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2019, trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành vượt chỉ tiêu đã đề ra; thi hành xong trên 579 nghìn việc (đạt 78,59%) tương ứng với trên 52.715 tỷ đồng (đạt 35,43%). Số tuyệt đối thi hành cả về việc, về tiền đều tăng so với năm 2018, số việc thi hành xong tăng 8.101 việc (tăng 1,42%), số tiền thi hành xong tăng trên 18.207 tỷ đồng (tăng 52,77%).

Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, tính đến hết 31/10/2019, cả nước đã đăng ký khai sinh mới cho hơn 4,8 triệu trường hợp; cấp số định danh cho hơn 2,8 triệu trường hơp. Trong Quý III và tháng 10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước giải quyết 1.390 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, 645 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, 2 trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Giải quyết vấn đề di cư tự do, quốc tịch, hộ tịch của người dân vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 640 trường hợp.

Đáng chú ý, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực trong hành động của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0.

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019, công bố ngày 8/10/2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước). Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018, theo đó, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.

Kết quả tích cực đạt được trong năm 2019 của Việt Nam theo đánh giá của WEF về điểm số và xếp hạng chỉ số B1, về xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia… sẽ tạo những tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số B1 và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tiếp theo.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu tổ chức việc tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như: Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân...

Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngành Tư pháp tập trung hoàn thiện, đảm bảo thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

Phương Thanh