Chính trị - Xã hội

Lan tỏa thông điệp “Be Friend: Xóa bỏ bạo lực, tích cực yêu thương”

TĐKT - Ngày 24/11, tại trường Marie Curie, Hà Nội, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt nam tổ chức tổng kết dự án “Be Friend” - Phòng ngừa bạo lực học đường (BLHĐ), xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Sự kiện nhằm tổng kết những kết quả bước đầu của dự án cũng như tạo một sân chơi, gặp gỡ dành cho các bạn học sinh của các trường, giúp lan tỏa thông điệp “Be Friend: Xóa bỏ bạo lực, tích cực yêu thương” tới nhiều cá nhân, tổ chức hơn trong cộng đồng. Chương trình có sự tham gia của đại sứ dự án NSƯT Xuân Bắc. Triển lãm các tác phẩm tranh, ảnh truyền thông “Yêu thương đẩy lùi BLHĐ” BLHĐ là một trong những vấn đề được gia đình, nhà trường và cả xã hội quan tâm do biểu hiện ngày càng đa dạng, đối tượng học sinh gây ra bạo lực ngày càng trẻ hóa, mức độ ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và tâm lý nặng nề đối với nạn nhân và đối tượng gây ra bạo lực. Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng BLHĐ, đã có rất nhiều giải pháp được áp dụng như đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức hay thực hiện tham vấn học đường…  “Be Friend” là dự án do tổ chức GNI thực hiện từ tháng 2/2019, tại 9 trường THCS trên địa bàn Hà Nội với sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với thông điệp “Là Bạn” được lan tỏa xuyên suốt dự án từ tháng 2 năm 2019 đến nay, GNI muốn lấy tình bạn, tình yêu mến bạn bè, các giá trị tích cực và lạc quan trong tình bạn để thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh trong việc phòng ngừa và đẩy lùi bạo lực học đường (BLHĐ). Dự án được triển khai với các hoạt động chính: Cuộc thi “Nhà viết kịch tài năng”, “Hòm thư yêu thương”, cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông “Yêu thương đẩy lùi BLHĐ”, chương trình kịch ứng tác về phòng ngừa BLHĐ... Tới nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn 900 bài dự thi trong cuộc thi “Nhà viết kịch tài năng”, là nguồn nguyên liệu phong phú để GNI xây dựng chương trình kịch ứng tác về phòng ngừa BLHĐ; hơn 8.000 học sinh trong dự án được hưởng lợi. Bên cạnh đó, gần 300 lá thư từ các bạn nhỏ gửi đến “Hòm thư yêu thương” tham gia dự thi được phân loại, chọn lọc sử dụng trong các hoạt động truyền thông cũng như giải đáp, hỗ trợ tâm lý cho các bạn học sinh. Gần 300 tác phẩm tranh, ảnh, áp phích, video cuộc thi “Thiết kế sản phẩm truyền thông: Yêu thương đẩy lùi BLHĐ” đã cho thấy sự quan tâm của các bạn học sinh với vấn đề BLHĐ. Ngoài ra, trong dự án, không thể không kể đến các chương trình tọa đàm, tập huấn dành cho giáo viên, học sinh của các nhà trường về phòng ngừa BLHĐ, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ… Có thể khẳng định, sự ra đời của dự án “Be Friend” đã góp phần phát huy vai trò của học sinh, qua đó nâng cao năng lực cho chính trẻ nhằm giúp trẻ hiểu rõ và biết cách ứng phó với BLHĐ. Ngoài ra, “Be Friend” còn là sân chơi cho các bạn học sinh, để các bạn được thể hiện bản thân, nói ra những câu chuyện hoặc quan điểm cá nhân của chính mình về BLHĐ. Phương Thanh

Hỗ trợ tầm soát tiền đái tháo đường cho hơn 2500 đối tượng có nguy cơ cao

TĐKT - Sáng 23/11, tại Hà Nội, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam (VADE) cùng Merck Export GmbH Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố chỉ định tiền đái tháo đường (ĐTĐ), đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình tầm soát ĐTĐ vì phúc lợi bệnh nhân. Chương trình diễn ra dưới sự chủ trì của GS. TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cùng đại diện của Merck Việt Nam. GS. TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ tại họp báo Đây là một dự án tài trợ vì phúc lợi cho bệnh nhân do VADE thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí của Merck Việt Nam. Chương trình giúp chẩn đoán sớm tiền ĐTĐ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao: Thừa cân, tăng huyết áp, gia đình có tiền sử người bị ĐTĐ, rối loạn mỡ máu... Ngoài ra, chương trình cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tiền ĐTĐ - giai đoạn nguy cơ trước khi tiến triển thành ĐTĐ để giúp người bệnh có thể phát hiện bệnh sớm, tiếp cận điều trị kịp thời và phòng ngừa tốt hơn. Mặt khác, hiện nay, việc thực hành điều trị ĐTĐ của nhân viên y tế chưa được phổ biến trong cộng đồng y khoa. Vì thế, chương trình còn có ý nghĩa trong việc nâng cao kiến thức về chẩn đoán và điều trị tiền ĐTĐ cho cán bộ, nhân viên y tế, nâng cao hiệu quả của việc tầm soát và điều trị tiền ĐTĐ trong cộng đồng. Chương trình dự kiến thực hiện từ tháng 11/2019 cho đến năm 2020 trên 2500 đối tượng nguy cơ cao tiền ĐTĐ tại 6 bệnh viện lớn trên cả nước: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội. Đây là chương trình quan trọng trong chuỗi hành động "Tiền ĐTĐ - Thay đổi tương lai ngay hôm nay" mà Merck Việt Nam đồng hành cùng VADE bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2019 trên cả nước. Tiền ĐTĐ hiện là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi trên thế giới hiện nay. Theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ thế giới, năm 2017, ước tính có 1/4 dân số trưởng thành mắc tiền ĐTĐ, tương đương 352 triệu người. Riêng khu vực Đông Nam Á, số người mắc tiền ĐTĐ dự đoán tăng từ 29 triệu người (năm 2017) lên 50 triệu người năm 2045. Ở Mỹ, cứ 3 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc tiền ĐTĐ và có đến 90% số người mắc tiền ĐTĐ không biết mình mắc bệnh. Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ năm 2012, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ thường cao hơn gấp đôi so với ĐTĐ. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân GS. TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch VADE cho biết: “Hiện Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật ngày càng trầm trọng của bệnh ĐTĐ. Các thống kê cho thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ trong cộng đồng gia tăng theo cấp số nhân sau từng thập kỷ. ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ... Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối không kém là bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền ĐTĐ trước khi mắc ĐTĐ mà không hề hay biết. Tiền ĐTĐ sẽ tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 trong vòng 5 - 10 năm hoặc sớm hơn. Đã đến lúc cần quan tâm nghiêm túc và đúng mức về tiền ĐTĐ. Giúp người dân có nguy cơ mắc ĐTĐ được tầm soát sớm một cách sâu rộng tại các bệnh viện là cách hiệu quả để ngăn chặn ĐTĐ trong cộng đồng. Mặc khác, thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn phổ biến kiến thức về tiền ĐTĐ đến nhân viên y tế để giúp họ tư vấn, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ngay từ đầu, đồng thời giúp vấn đề dự phòng, kiểm soát ĐTĐ trong cộng đồng được tốt hơn.” Bà Hee Sun Lee, quyền Tổng giám độc Merck Việt Nam khẳng định: Chúng tôi tin rằng ĐTĐ có thể được ngăn chặn và đẩy lùi ngay ở giai đoạn "mầm mống", khi cộng đồng được tầm soát, điều trị tiền ĐTĐ kịp thời cũng như nhận thức được nguy cơ mắc tiền ĐTĐ để chủ động tầm soát sớm. Hiện nay, Merck cũng là công ty tiên phong tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam có các hoạt động giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng và nhân viên y tế về tiền ĐTĐ.   Những đối tượng nên đi tầm soát tiền ĐTĐ: - Người ≥ 45 tuổi - Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ - Người thừa cân (chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2) có ít nhất 1 trong các yếu tố: Tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ; tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu; không hoạt động thể lực; phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Tần suất tầm soát tiền ĐTĐ: - Người mắc tiền ĐTĐ: Hàng năm - Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ: Ít nhất 3 năm/lần - Tất cả bệnh nhân khác: Tầm soát từ 45 tuổi, lặp lại tối thiểu mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường. Những thay đổi tích cực về lối sống có thể giúp bệnh nhân tiền ĐTĐ tránh diễn tiến thành ĐTĐ tuýp 2. Can thiệp lối sống bao gồm hoạt động thể lực 150 phút/tuần, giảm cân và duy trì giảm 7% cân nặng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Tuy nhiên, các chuyên gia có lời khuyên, nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3 - 6 tháng, có thể bạn cần điều trị bằng thuốc. Hãy đến gặp bác sĩ để có được tư vấn và điều trị sớm tiền ĐTĐ. Phương Thanh  

Hội nghị các doanh nghiệp tham gia Ngày hội việc làm sinh viên HUBT 2019

TĐKT - Sáng 22/11, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp tham gia Ngày hội việc làm sinh viên HUBT năm 2019 với sự chủ trì của PGS. TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức ngày hội. Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp tham gia Ngày hội việc làm sinh viên HUBT năm 2019 Tham dự Hội nghị có hơn 80 tổ chức, doanh nghiệp trong nước cùng các thành viên trong Ban tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên, đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban và các thành viên trong CLB Sinh viên khởi nghiệp HUBT của nhà trường. Với chủ đề “Sinh viên với thị trường lao động”, Ngày hội việc làm sẽ cung cấp trên 3.500 cơ hội việc làm thuộc các lĩnh vực: Nhân sự, biên phiên dịch, hành chính, marketing, quản trị kinh doanh… phù hợp với một số ngành đào tạo của nhà trường (Quản lý kinh doanh, kế toán, thương mại, du lịch, tài chính - ngân hàng, cơ - điện tử, điện - điện tử, du lịch - khách sạn…). Chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và sinh viên, là nơi gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu các bên về tuyển dụng, việc làm trong phạm vi các khối ngành đào tạo hiện có của nhà trường, đồng thời cũng là điều kiện tốt để sinh viên nắm bắt, tìm kiếm cơ hội, khẳng định bản thân trước nhà tuyển dụng, trước nhu cầu của các doanh nghiệp, của thị trường lao động. PGS. TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên HUBT năm 2019 phát biểu tại Hội nghị Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS. TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên HUBT năm 2019 gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức, doanh nghiệp đã cùng đồng hành với nhà trường trong công tác phối hợp tổ chức Ngày hội ý nghĩa này vào ngày 30/11/2019 sắp tới. Phó Giáo sư Hà Đức Trụ cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt dành cho sinh viên của nhà trường cũng như các doanh nghiệp trong hoạt động tìm kiếm, tuyển dụng những công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn và chiến lược phát triển nguồn nhân lực cốt cán trong tương lai của công ty. PGS. TS. Hà Đức Trụ bày tỏ sự tin tưởng đối với sự thành công của ngày hội, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng được nhiều vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu đưa ra. Cũng tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm Khảo sát Thông tin việc làm và Đào tạo khởi nghiệp của trường, Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên 2019 đã phổ biến một số kế hoạch và chương trình của sự kiện tới các đại diện của tổ chức, doanh nghiệp tham dự. Đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sâu sắc tới Ban Giám hiệu, Ban Tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên HUBT 2019 đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình hơn 80 doanh nghiệp, công ty tham gia vào sự kiện, đồng thời hy vọng sẽ được tiếp tục đồng hành với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong Ngày hội tuyển dụng tiếp theo được tổ chức tại trường. Ngày hội việc làm 2019 – “Sinh viên với thị trường lao động” sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, số 29A, ngõ 124 Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời gian từ 7h30 đến 16h00 ngày 30/11/2019.                                                                       Tin: Thu Hương - Ảnh: Huy Thuyết

Trao giải thưởng Kawai lần thứ 35 cho 59 sinh viên

TĐKT - Ngày 21/11, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Công ty JOUJU Nhật Bản long trọng tổ chức Lễ ký kết tài trợ học bổng Kawai lần thứ 18 giữa hai bên và Lễ trao giải thưởng Kawai lần thứ 35. Lễ ký kết tài trợ học bổng Kawai lần thứ 18 giữa Công ty JOUJU Nhật Bản và Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Tới dự, có ông Masakazu Sekimoto, đại diện lãnh đạo Công ty JOUJU Nhật Bản. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường có: TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch HĐQT; GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kawai; các thành viên Hội đồng giải thưởng Kawai. Giải thưởng được xét khen thưởng cho những sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập; có ý chí lập thân, lập nghiệp, tham gia kinh doanh; tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài gắn với thực tiễn; những sinh viên là cán bộ lớp vừa học giỏi vừa có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong rèn luyện và trong các phong trào góp sức xây dựng cộng đồng của sinh viên. Năm 2001, trong một lần đến thăm Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, được chứng kiến những thành tích học tập, rèn luyện của sinh viên và nhận thấy đây là một môi trường kinh doanh đầy tiềm năng với những giáo trình giảng dạy về kinh doanh hợp lý, Ông Misumasa Kawai, Tổng Giám đốc Công ty JOUJU đã đồng ý mỗi năm tài trợ 1.000.000 yên cho những sinh viên có thành tích trong kinh doanh, nghiên cứu khoa học và học tập - rèn luyện tốt. GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Kawai phát biểu tại buổi Lễ GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Kawai đã thông báo kết quả xét duyệt giải thưởng Kawai lần thứ 35. Trong năm học 2019 - 2020, Giải thưởng Kawai được xét cho 4 đối tượng với tổng số là 59 sinh viên được Hiệu trưởng quyết định tặng thưởng. Đối tượng thứ nhất là các sinh viên tất cả các khóa học, trực tiếp tham gia kinh doanh, có kết quả học tập đạt từ 7,0 trở lên, có điểm rèn luyện từ khá trở lên. Đối tượng này có 4 sinh viên. Đối tượng thứ hai là các sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học liên quan đến ý tưởng kinh doanh, phát triển kinh tế đã được Hội đồng khoa học đánh giá xếp loại tốt; ở đối tượng này có 24 sinh viên. Đối tượng thứ ba là sinh viên không tham gia Ban tự quản lớp nhưng có thành tích xuất sắc trong học tập, tích cực rèn luyện, có điểm trung bình chung về học tập từ 9,0 trở lên, điểm rèn luyện từ tốt trở lên; đối tượng này có 6 sinh viên. Đối tượng thứ tư là 25 lớp trưởng (kiêm Chi hội trưởng sinh viên lớp) hoặc lớp phó (kiêm Bí thư chi đoàn lớp) đạt thành tích xuất sắc trong học tập, có điểm rèn luyện từ loại tốt trở lên. Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng giải thưởng Kawai, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Kawai đã nhiệt liệt biểu dương những sinh viên được trao thưởng lần này. Giáo sư Nguyễn Công Nghiệp cũng gửi lời cám ơn sâu sắc đến Công ty JOUJU đã đồng hành với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong suốt 18 năm qua đã khích lệ, động viên phong trào thi đua của sinh viên. Giáo sư khẳng định, Hội đồng đã xem xét và cân nhắc rất kỹ, trên tinh thần các sinh viên phải đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn theo Quy chế đã quy định. Tuy đây chỉ là số tiền nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn đối với các sinh viên. Các em không chỉ tự hào vào chính bản thân mình mà gia đình, bạn bè cũng vô cùng tự hào khi thấy được những nỗ lực, phấn đấu của các em được nhà trường, công ty JOUJO Nhật Bản ghi nhận. Ông Masakazu Sekimoto, Đại diện Công ty JOUJU Nhật Bản phát biểu tại buổi Lễ Tại buổi Lễ, Ông Masakazu Sekimoto, đại diện Công ty JOUJU Nhật Bản cảm thấy vô cùng tự hào về những thành quả đã đạt được của thầy, trò Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đồng thời khẳng định, giải thưởng này cũng chính là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng không ngừng nghỉ của những sinh viên xuất sắc trong năm học vừa qua. Ông Masakazu Sekimoto đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo, các thành viên của Hội đồng giải thưởng Kawai đã làm việc tận tâm, nghiêm túc để lựa chọn ra những gương mặt xuất sắc được nhận giải thưởng   . Ông Masakazu Sekimoto, Đại diện Công ty JOUJU Nhật Bản trao thưởng cho các sinh viên xuất sắc Tại buổi Lễ, 59 sinh viên xuất sắc về kinh doanh, học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học đã được trao giải thưởng. Thu Hương - Huy Thuyết                                                                             

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019

TĐKT - Chiều 21/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 với chủ đề: “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”. Dự và chủ trì họp báo có anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đoàn kết Tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Phó trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn; anh Trần Xuân Bách, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam - Tổng thư ký Diễn đàn; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn. Ban tổ chức trả lời câu hỏi của báo chí Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 26 - 28/11/2019. Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Đồng thời đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước. Đây còn là hoạt động thiết thực, cụ thể của lực lượng trí thức trẻ Việt Nam đóng góp các nội dung cho quá trình xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tham dự Diễn đàn có 233 đại biểu, có độ tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam) có các nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến hoặc kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn. Trong đó, có 106 đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ; 127 đại biểu còn lại là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước; 42 đại biểu là phó giáo sư, tiến sĩ, chiếm tỉ lệ 21%, đại biểu là thạc sĩ chiếm 47%, còn lại là các cử nhân đang theo học các chương trình sau đại học trong nước và quốc tế. Trong số các đại biểu tham dự Diễn đàn lần thứ 2, có thể kể đến nhóm nghiên cứu của TS. Lưu Vĩnh Toàn (Thụy Sĩ) và TS. Phạm Xuân Lâm, Trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tham dự từ Diễn đàn lần thứ nhất, đã phát triển ứng dụng VietSearch nhằm khai thác tri thức và chia sẻ thông tin cho màng lưới chuyên gia người Việt quốc tế và sáng kiến này đã xuất sắc đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019. Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (Singapore) đem đến các kinh nghiệm và phương pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện của Việt Nam. Tiến sĩ Hà Hoàng Thi (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) với sáng kiến kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu xây dựng Quỹ Học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi đến trường. Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp xoay quanh 4 nội dung chính: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội. Một trong những nội dung mới của Diễn đàn năm nay đó là bên cạnh các chủ đề về khoa học - công nghệ - giáo dục, Diễn đàn cũng xây dựng các phiên thảo luận về phát triển và công bằng xã hội, nhằm thu hút mối quan tâm và định hướng các giá trị trong trí thức trẻ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần II, 2019; báo cáo chuyên môn về các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển bền vững; báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và kỷ yếu diễn đàn, danh sách các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Mai Thảo

Mạng xã hội Dayhoc.net.vn – nền tảng mới cho một xã hội học tập trong kỷ nguyên số 4.0

TĐKT - Ngày 20/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Công ty cổ phần Phát triển Giáo dục thông minh phối hợp cùng Công ty quản lý DUCAPITAL Holding, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ 4.0 tổ chức sự kiện ra mắt mạng xã hội (MXH) dạy và học (dayhoc.net.vn). Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương mạng xã hội dayhoc.net.vn Dayhoc.net.vn là mạng xã hội chuyên biệt trong lĩnh vực giáo dục do người Việt phát triển với ước vọng tạo nên một công cụ số thúc đẩy xã hội học tập và chia sẻ tri thức cho cộng đồng, tận dụng thế mạnh của công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chia sẻ và hài hòa các giá trị tích cực trong cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Xác định giá trị cốt lõi không chỉ là lượng tri thức do người dùng đóng góp, MXH dayhoc.net.vn còn xác định người dùng cũng chính là người chủ sở hữu, là người tham gia và trực tiếp có ý kiến xây dựng “luật chơi” của MXH mà họ tham gia. Bởi vậy, người dùng là người cùng xây dựng, cùng phát triển và cùng thụ hưởng giá trị từ MXH ấy. Thông qua nền tảng số mà MXH dayhoc.net.vn áp dụng, rất nhiều tri thức có giá trị được chia sẻ, đặc biệt trong đó các tri thức truyền thống, các sản phẩm có giá trị văn hóa Việt Nam được gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa như: Dạy tiếng Việt cho con em Kiều bào, dạy và bảo tồn tiếng nói, chữ dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay không chỉ khám phá giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, mà còn đoàn kết, chia sẻ cùng nhau phát triển kinh tế trên khắp các vùng miền từ biên cương hải đảo xa xôi tới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dayhoc.net.vn là một nền tảng được xây dựng từ khát vọng là MXH của người Việt và đóng góp giá trị vì người Việt, với mong ước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tìm kiếm tri thức, tất cả vì một Việt Nam phát triển, thịnh vượng và hùng cường trong kỷ nguyên số 4.0 Tại sự kiện, đơn vị vận hành MXH cũng giới thiệu về chương trình “Đưa chữ lên non trong kỷ nguyên số 4.0”. Đây là chương trình thiện nguyện dành cho các em học sinh hiếu học ở vùng sâu vùng xa, vùng biên cương, hải đảo xa xôi, các vùng dân tộc thiểu số, thực hiện việc dạy học tình nguyện thông qua nền tảng kết nối số uTEACHER và mạng xã hội dayhoc.net.vn. Để hiện thực hóa việc dạy học kèm này, các giáo viên, sinh viên tình nguyện sẽ kết nối thông qua chiếc đèn học thông minh - một thiết bị kết nối, tương tác hiệu quả giữa học sinh với người dạy kèm, xoá mọi khoảng cách về địa lý trong dạy học kèm một cách hiệu quả, đồng thời giúp cho người dạy và người học tối ưu hoá thời gian học tập, giảng dạy, thực hành và tương tác. Phương Thanh

Khởi động Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo của thanh niên với văn hóa giao thông”

TĐKT - Ngày 18/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo của thanh niên với văn hóa giao thông” dành cho các cấp bộ Đoàn, Hội và thanh niên cả nước. Cuộc thi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức. Cuộc thi nhằm phát huy vai trò xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nội dung của bài viết tập trung vào ý tưởng, mô hình, sáng kiến, giải pháp của thanh thiếu niên trong việc tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện luật giao thông, chống ùn tắc giao thôn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông... Qua đó, nâng cao hiểu biết luật giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông. Thời gian nhận bài thi từ 20/11/2019 đến hết 20/12/2019, dành cho cả tập thể và cá nhân, trong đó cá nhân là công dân Việt Nam tuổi từ 16 - 30; người đại diện tập thể dự thi trong độ tuổi từ 16 đến 30. Bài dự thi gửi về: Cổng tri thức Thánh Gióng, địa chỉ 64, Bà  Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: congtrithucthanhgiong@gmail.com. Dự kiến Lễ trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2019 với tổng giải thưởng trị giá gần 50 triệu đồng, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 1 giải dành cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi nhất. Hoàng Long

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng”

TĐKT - Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì họp báo. Họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội. Theo đó, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế-xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017… Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Với chủ đề này, Việt Nam muốn củng cố tinh thần đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong nâng cao năng lực của ASEAN để thích ứng với những biến động trên thế giới, tăng khả năng tận dụng cơ hội của Cách mạng 4.0. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh... Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN. Dự kiến, Việt Nam chủ trì 300 hội nghị của ASEAN trong năm 2020, trong đó có hai hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 11. Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Việt Nam khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018. Minh Phương

Công bố Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó”

TĐKT - Chiều 16/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó”. Chương trình hướng đến giúp đỡ các giáo viên trên cả nước đang gặp khó khăn trong cuộc sống: Mắc bệnh hiểm nghèo, không có nhà ở… nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bám trụ với nghề dạy học vì niềm đam mê, quyết tâm cống hiến trí lực cho giáo dục. Lễ công bố Chương trình Chương trình Truyền hình nhân đạo của Đài truyền hình Việt Nam đã xây dựng và phát sóng chuyên mục “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” trên kênh VTV1 nhằm kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ các giáo viên vượt qua được giai đoạn khó khăn, tiếp tục vững tâm với nghề. Giáo viên được Chương trình hỗ trợ là những giáo viên đang còn công tác trong ngành giáo dục Việt Nam, có thành tích giảng dạy tốt, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, gặp tai nạn, không có người chăm lo, không có nhà ở… không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo... Những giáo viên được Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” ghi hình sẽ được đơn vị đồng hành là Văn phòng phẩm Smartkids – Công ty BITEX (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ bằng hiện vật hoặc tiền mặt trị giá từ 20 - 40 triệu đồng/trường hợp. Chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các thầy cô có phương tiện mưu sinh, tìm được nguồn sống như sửa chữa lại nhà, phương tiện di chuyển hay hỗ trợ sinh kế... để các thầy cô có thể từng bước vượt qua khó khăn. Chương trình sẽ bắt đầu ghi hình từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020. Giai đoạn 1, chương trình sẽ hỗ trợ cho khoảng 30 giáo viên trên khắp cả nước với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 1 tỷ đồng. Ban Tổ chức trao quà cho giáo viên ở Ninh Thuận. Hiện nay, Chương trình đã hỗ trợ 180 triệu cho 6 giáo viên (2 giáo viên tại Ninh Thuận, 2 giáo viên tại Phú Yên và 2 giáo viên tại Lào Cai) có hoàn cảnh khó khăn, đang mắc bệnh hiểm nghèo với mức tiền mặt 30 triệu đồng/giáo viên. Phát biểu tại Lễ công bố chương trình, TS. Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Lâu nay Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo đang tham mưu, xây dựng nâng cao chế độ, chính sách cho nhà giáo. Cùng với đó, đơn vị cũng đã huy động xã hội hóa các chương trình tài trợ cho giáo viên nên đời sống giáo viên ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều giáo viên chưa thoát nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chẳng may bị bệnh, tai nạn… nhưng vẫn quyết bám trụ với nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể hỗ trợ 100% giáo viên nên sự hỗ trợ của chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” rất có ý nghĩa. Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” tổ chức ghi hình, phát sóng 2 lần/tháng trên kênh VTV1, vào lúc 16h15 ngày thứ 2 vào tuần đầu của tháng và phát lại lúc 5h30 sáng ngày hôm sau, bắt đầu từ ngày 4/11. Phương Thanh

Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trao bằng tốt nghiệp cử nhân khóa 20 ngành Quản lý Nhà nước

TĐKT - Ngày 15/11, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Quản lý Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trao bằng tốt nghiệp cử nhân khóa 20 và khen thưởng sinh viên. Trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên K20 ngành Quản lý Nhà nước Khoa Quản lý nhà nước được thành lập ngày 22/03/2013 theo Quyết định số 1181/QĐ-BGH của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc các trường Đại học ngoài công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo Quản lý Nhà nước. Khoa có 12 cán bộ, giảng viên cơ hữu và gần 60 giảng viên thỉnh giảng. Khóa 20 (2015 - 2019) có 55 sinh viên đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, trong đó có 6 em sinh viên xếp loại giỏi, 26 em sinh viên xếp loại khá. Chủ nhiệm Khoa PGS. TS Văn Tất Thu phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Văn Tất Thu, Chủ nhiệm Khoa Quản lý Nhà nước chúc mừng các tân cử nhân sau 4 năm học tập, nỗ lực rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt các học phần của chương trình đào tạo. Tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của hành trang cuộc sống với những trải nghiệm thú vị và cũng không ít khó khăn phía trước. 4 năm học tập, nghiên cứu tại Trường, các em đã được trang bị nhiều kiến thức cơ bản, nền tảng để tiếp tục hoàn thiện thông qua trau dồi, học hỏi trong quá trình làm việc và học tập sau này. Phó Hiệu trưởng, TS. Đinh Văn Tiến phát biểu tại buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Hiệu trưởng, TS. Đinh Văn Tiến hy vọng các em sẽ thành công trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung và nền hành chính nhà nước nói riêng. Sự thành công của các tân cử nhân trong tương lai là sự tri ân lớn nhất đối với các thầy cô khi chứng kiến các học trò trưởng thành và giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước các cấp sau này.                              Bích Hạnh – Việt Anh

Trang