Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
12/12/2019 - 21:34

TĐKT - Ngày 12/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nhằm quán triệt thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh việc thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TNMT, phục vụ quản lý “không gian phát triển” của đất nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành TNMT.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh rằng trong thời cuộc phát triển ngày hôm nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đóng vai trò tiên quyết trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ TNMT nhận thức được rằng, các hoạt động quản lý nhà nước; điều tra cơ bản; xử lý, phân tích, dự báo chuyên ngành về TNMT buộc phải có các thông tin, dữ liệu dạng số, trong đó nhiều dữ liệu theo thời gian thực; đồng thời, kết quả hoạt động của ngành TNMT còn cung cấp dữ liệu đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tài nguyên tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Để nắm bắt được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ TNMT cần phải đánh giá được tác động, nhận diện rủi ro, cơ hội và thách thức đối với toàn ngành TNMT.

Trên cơ sở đó, xây dựng được Kế hoạch hành động của Bộ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cần xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và hoạch định lộ trình cụ thể của Bộ TNMT để từng bước tận dụng được cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo.

Vụ trưởng Vụ công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp; cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Dự báo đến năm 2030, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, tương đương mức tăng trưởng GDP 7 - 16%. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 - 640 USD/người so với mức cơ sở. Giá trị tăng thêm khu vực hành chính công sẽ tiết kiệm được 0,6 tỷ USD. Nếu chuyển đổi số thành công, GDP đến năm 2045 có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1,1%.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT Lê Phú Hà đề nghị: Bộ TNMT tiếp tục tạo điều kiện để các lĩnh vực thuộc ngành tham gia các hoạt động hợp tác dữ liệu trong khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề chung về TNMT; xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin chính thống của ngành, đặc biệt là các thông tin về hiện trạng, thông tin về số liệu quan trắc, đo đạc, khảo sát, điều tra cơ bản… cho mọi đối tượng có nhu cầu.

Bộ cần bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin của ngành trên các nền tảng công nghệ hiện đại; nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và người dân về sử dụng thông tin, dữ liệu TNMT; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; từng bước chuyển đổi các thiết bị quan trắc, thu nhận dữ liệu sang sử dụng các thiết bị tự động, thông minh...

Bình Nguyên