Chính trị - Xã hội

Công bố Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản năm 2019

TĐKT - Chiều 19/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức họp báo ra mắt Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản năm 2019 (SSEAYP 2019). Tại họp báo, Ban Tổ chức đã giới thiệu chính thức 28 gương mặt thanh niên ưu tú là những điểm nhấn ấn tượng của Đoàn SSEAYP Việt Nam năm nay, đồng thời góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn các thông điệp của chương trình và giới thiệu đến cộng đồng những hoạt động ý nghĩa mà đoàn đại biểu đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản là chương trình giao lưu thanh niên quốc tế hằng năm do chính phủ Nhật Bản và 10 quốc gia khối ASEAN cùng tổ chức, với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị giữa thanh niên Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Họp báo thông tin về chương trình 28 đại biểu SSEAYP Việt Nam là những thanh niên ưu tú đã vượt qua hàng nghìn ứng viên trên mọi miền đất nước. Đây là cơ hội để các bạn tìm hiểu, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trong khu vực, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, nâng cao kiến thức và kỹ năng bản thân trên nhiều lĩnh vực, đồng thời giới thiệu đến bạn bè quốc tế một thế hệ thanh niên Việt Nam trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết. Chương trình năm nay diễn ra từ ngày 23/10 đến 13/12, đi qua các nước: Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Myanmar, Malaysia. Năm nay, các đại biểu thanh niên chọn chủ đề “Dear Việt Nam” với thông điệp gần gũi, trẻ trung về tình cảm gắn bó với quê hương, đồng thời là một lời chào hướng ra thế giới. Với tinh thần đó, những sản phẩm thiết kế của đoàn, trang phục ngoại giao và các hoạt động cộng đồng hướng đến người trẻ đã được thực hiện trước chương trình đều thống nhất vẽ nên một bức tranh tự hào dân tộc mà vẫn mang nhiều màu sắc, hiện đại và đầy nhiệt huyết, văn minh. Hiện tại, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng để thể hiện bản lĩnh và tri thức của tuổi trẻ Việt Nam. Tiêu biểu là hệ thống hội thảo về văn hóa Việt Nam, các kiến thức thuộc mảng khoa học - công nghệ, tâm lý học, khoa học ứng dụng... Ngoài ra còn có chuỗi chương trình thảo luận chuyên sâu với những chủ đề hấp dẫn, như: Truyền thông, giáo dục, sức khỏe tinh thần, môi trường, hòa nhập xã hội, người trẻ khởi nghiệp, tuyển dụng và công việc lý tưởng, quyền lực mềm và phòng, chống thiên tai. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của những đoàn đại biểu các năm trước, để lại dấu ấn đẹp về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Mai Thảo

5 giờ kỳ diệu "hồi sinh" cánh tay đứt rời tưởng tàn phế cho bệnh nhân

TĐKT - Tháng 10/2019, bệnh nhân H.V.N (40 tuổi, Quảng Ninh) bị tai nạn lao động do dây tời cuốn, khiến cánh tay phải bị nhổ giật đứt rời hoàn toàn. Tưởng suốt đời tàn phế, nhưng sau khi được chuyển tuyến, bệnh nhân đã được phẫu thuật để “hồi sinh” cánh tay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108. Bác sĩ bệnh viện 108 đang thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật Đến bây giờ, anh H.V.N vẫn bàng hoàng khi nhớ về cảnh mình bị dây tời cuốn văng cánh tay phải ra. Vết thương nặng, cánh tay đứt lìa hoàn toàn, mất máu nhiều, nhưng may mắn, ngay sau khi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cánh tay đứt rời đã được bảo quản đúng cách, sau đó anh được chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108. Tại Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân nhanh chóng được tiếp nhận và thăm khám. Kíp phẫu thuật gồm Bs Vũ Hữu Trung và các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp “trồng nối” cánh tay phải cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong suốt 5 giờ. Nhờ hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng to và thực hiện những kỹ thuật vi phẫu phức tạp mà mắt thường không nhìn thấy được. Việc khâu nối lại mạch máu và các dây thần kinh cho anh N. là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo và tập trung cao độ, ca mổ cũng cần phải được tổ chức thực hiện theo các trình tự hợp lý để rút ngắn thời gian, tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể. Kết thúc ca mổ sau nhiều giờ nỗ lực, BS Trung và đội ngũ phẫu thuật bước đầu nối lại thành công và “hồi sinh” cánh tay có nguy cơ tàn phế của anh N. Với vi phẫu thuật, mọi “phép màu” đều có thể xảy ra. Dưới bàn tay của các bác sĩ khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu, nhiều trường hợp đứt rời chi thể, hay những tổn thương liệt hoàn toàn hoặc liệt gần hoàn toàn chi trên đã được “hồi sinh”, trả lại chức năng vận động và khả năng hòa nhập cuộc sống. Theo BS Vũ Hữu Trung, vi phẫu khâu nối và chuyển ghép thần kinh, mạch máu là những kỹ thuật phức tạp, cuộc mổ luôn kéo dài, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sức khỏe, sự bền bỉ và cả sự khéo léo, tinh tế. Nhờ sự phát triển của vi phẫu thuật, có thể trả lại chức năng vận động cho người bệnh, ví dụ như liệt đám rối thần kinh cánh tay, những tổn thương thần kinh ngoại vi, hay những trường hợp đứt rời hoặc khuyết hổng phần mềm chi thể sau những chấn thương nặng, đặc biệt là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Kỹ thuật vi phẫu rất khó thực hiện và yêu cầu trang thiết bị hiện đại, vì vậy tại Việt Nam, ít cơ sở y tế có thể làm được, dẫn tới cơ hội chữa bệnh cho người bệnh còn nhiều hạn chế. Tại khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện TWQĐ 108, các bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” của ngành vi phẫu Việt Nam cùng các trang thiết bị như bàn phẫu thuật, kính vi phẫu được nhập khẩu đồng bộ từ các thương hiệu hiện đại nhất trên thế giới hàng ngày đã đáp ứng điều trị các mặt bệnh phức tạp ở chi thể với tỷ lệ thành công và phục hồi chức năng đều đạt trên 95%, mang lại hy vọng, trả lại cuộc sống mới cho rất nhiều bệnh nhân. Mai Thảo

Ra mắt Dự án Kết nối hẹn hò “Nhịp cầu hạnh phúc - Happy Bridge”

TĐKT - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Dự án Kết nối hẹn hò “Nhịp cầu hạnh phúc - Happy Bridge” chính thức ra mắt. Dự án kết nối hẹn hò "Nhịp cầu hạnh phúc - Happy Bridge" được xây dựng với sứ mệnh đem tới giải pháp khắc phục các hạn chế hẹn hò online và offline hiện nay, đảm bảo tính nghiêm túc - hiệu quả. The Fastest Trusted Online to Offline (O2O) Dating Platform - Match, Efficiency and Companion - Nền tảng dịch vụ hẹn hò nhanh chóng và tin tưởng nhất từ hẹn hò online đến hẹn hò offline (trực tuyến đến đời thực), đảm bảo sự tương hợp, hiệu quả và luôn đồng hành xây dựng cộng đồng hạnh phúc. Theo ông Hồ Nghĩa Thứ, Giám đốc dự án, điểm khác biệt, cốt lõi của dự án là: Nghiêm túc, hiệu quả, với các giải pháp, hoạt động, dịch vụ hữu hiệu để có thể thực hiện đúng tôn chỉ; màng lọc thành viên với 5 cấp độ, đảm bảo đúng đối tượng, nâng cao tính nghiêm túc, an toàn và tin cậy; App hẹn hò đi đầu sử dụng tử vi, cung hoàng đạo cùng với điều kiện thực tế để đề xuất các cặp đôi tương hợp cao, giúp dễ tìm được người bạn có tiêu chuẩn phù hợp, thích hợp, đúng đối tượng duyên mệnh. Dự án cũng tích hợp đồng bộ hẹn hò online và offline với các format đa dạng, hiệu quả: Hoạt động Apps (online) – Happy Date (offline 1) - Happy Tour (offline 2) – xây dựng Cộng đồng hạnh phúc, sử dụng món quà "Bảo hiểm tình yêu", đến các hoạt động kết nối hướng tới kết hôn (Happy Wedding), với những đám cưới tập thể và hơn thế nữa là đồng hành xây dựng Gia đình hạnh phúc (Happy Family). Dự án đồng hành trước, trong và sau kết hôn để tư vấn, vun đắp và giữ gìn tình yêu, hôn nhân và gia đình, cùng các hoạt động tạo thêm giá trị cho Cộng đồng HB+. Các nam thanh nữ tú của Tập đoàn Dầu khí, hệ thống ngân hàng và nhiều tập đoàn, tổng công ty có thu nhập tốt, ổn định sẽ là lực lượng nòng cốt để kết nối lan tỏa ra ngoài cộng đồng, giúp đáp ứng tốt nhất nhu cầu kết nối hẹn hò nghiêm túc, hiệu quả. Mục tiêu của dự án là đến năm 2022, Nhịp cầu hạnh phúc - Happy Bridge sẽ trở thành nhịp cầu kết nối hàng đầu của Việt Nam với trên 2 triệu thành viên tham gia và đến năm 2025 có trên 5 triệu thành viên tham gia, giúp kết nối được trên 6.000 cặp đôi với nhau và có ít nhất 1.200 cặp đôi sẽ kết hôn; mục tiêu sẽ tổ chức nhiều đám cưới tập thể, tạo dựng Cộng đồng hạnh phúc trên 1 triệu thành viên. MT

Hà Nội nỗ lực đưa nước sạch đến cho nhân dân

TĐKT – Sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu trong những ngày vừa qua đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, trong thời gian vừa qua các đơn vị chuyên môn của TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm đưa nước sạch đến với mọi người dân và các cơ quan trong khu vực bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng nhất, đảm bảo sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt. Theo đó, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cấp nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung cấp cho khu vực các phường: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Thanh Xuân Nam, Kim Giang và một phần phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và các hộ dân dọc đường Nguyễn Trãi (từ ngã tư Chiến Thắng, quận Hà Đông đến ngã tư đường Nguyễn Trãi thuộc phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) với sản lượng ngày 15/10/2019 là 35.000 m3/ngđ; ngày 16 và 17/10/2019 là 60.000 m3/ngđ. Các khu vực này mọi người có thể dùng nước để sinh hoạt ăn uống bình thường. Người dân phải mang vật dụng đi lấy nước sạch Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang tiến hành nạo vét đất đá bị nhiễm dầu, tại khu vực đổ dầu thải dọc suối Bằng ra đến hồ Đầm Bài, dùng phao chuyên dụng chặn hút váng dầu. Hiện nay váng dầu đã được ngăn chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà; đồng thời công ty đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều ngày 16/10/2019. Trên cơ sở các công việc đã và đang được xử lý, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14/10/2019 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước sông Đà có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó Chỉ tiêu Styren có kết quả là 5µg/l thấp hơn quy chuẩn cho phép là (20µg/l). Đến chiều ngày 16/10/2019, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn, do vậy, từ 20h30 ngày 16/10/2019, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống, đến chiều tối ngày 17/10/2019 nguồn nước sẽ được cấp đến tất cả các vùng nước cấp của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và mọi người có thể tiếp tục sử dụng để tắm, giặt. Hiện nay, trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu. Để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng nước sạch để ăn uống, hiện nay Công ty nước sạch Hà Nội sẽ tiếp tục dùng xe stéc để cấp nước sạch miễn phí theo nhu cầu của người dân, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20l cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng. Để khắc phục các hậu quả của nguồn nước cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cho các vùng thuộc Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Toàn bộ Ban Quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất (trừ những khu vực đã được cấp nguồn từ nguồn nước sạch do Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp) tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc nhà tại các tòa nhà hộ gia đình. Việc thau rửa được tiến hành khẩn trương, phấn đấu từ ngày 18/10 đến ngày 20/10/2019 phải hoàn thành. Đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà sẽ cung cấp nước, không thu tiền nước đối với các công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà cho đến khi các công việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu vực dân cư, sau đó được kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo nguồn nước cấp được an toàn. UBND TP Hà Nội tiếp tục thành lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với tỉnh Hòa Bình lên giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu do các đối tượng đã đổ thải ra suối; việc hút váng dầu trên hồ Đầm Bài. Đồng thời giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày và công bố công khai hàng ngày trên truyền hình Hà Nội để người dân biết. Hưng Vũ

Khoa Ngôn ngữ Anh (HUBT) chính thức trở thành thành viên của VietTESOL

TĐKT - Ngày 17/10, Khoa Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) vinh dự đón nhận Quyết định trở thành thành viên chính thức của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL). Lễ ra mắt Chi hội VietTESOL Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm các hội viên là các giáo viên dạy tiếng Anh các cấp trên toàn quốc và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Phân hội được xây dựng dựa trên nền tảng tri thức, chuyên môn đáng tin cậy về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, hoạt động chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho hội viên học tập suốt đời và bảo đảm sự công bằng, đa dạng và hội nhập. GS. Nguyễn Hòa, Phân Hội trưởng VietTESOL phát biểu tại buổi Lễ Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS. TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh cảm ơn sự giúp đỡ của VietTESOL đã dành cho Khoa Ngôn ngữ Anh trong suốt thời gian qua. Phó Giáo sư Phan Văn Quế cũng khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ mà VietTESOL giao cho, đồng thời xây dựng và phát triển Chi hội VietTESOL Khoa Ngôn ngữ Anh trở thành một thành viên tích cực của VietTESOL, hỗ trợ những người nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. PGS.TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh phát biểu tại buổi Lễ Thay mặt cho Ban lãnh đạo VietTESOL, GS. Nguyễn Hòa, Phân Hội trưởng đánh giá cao những kết quả hoạt động trong giảng dạy tiếng Anh của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Hòa cũng bày tỏ sự vui mừng khi Khoa Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trở thành viên chính thức của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh và mong muốn Chi hội Khoa Ngôn ngữ Anh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cũng như giữ vững thành tích giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên trong thời gian tới. VietTESOL sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Khoa Ngôn ngữ Anh trong những hoạt động dạy - học và nghiên cứu sắp tới. Đại diện Ban lãnh đạo Khoa Ngôn ngữ Anh, Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Khoa nhận Quyết định của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh “Tham gia vào VietTESOL là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước nhảy vọt của Khoa Ngôn ngữ Anh trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh. Tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa rất vinh dự và tự hào khi được trao Quyết định trở thành thành viên của Phân hội” - Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh chia sẻ. Thu Hương - Huy Thuyết    

Kết quả 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới

TĐKT - Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG) và Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì Hội nghị.   Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Thời gian qua, Luật Bình đẳng giới đã được các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai, góp phần bảo đảm thi hành tốt quyền con người, quyền công dân, đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quang cảnh Hội nghị  Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, Luật BĐG đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc BĐG, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Bên cạnh đó, kết quả BĐG trong một số lĩnh vực được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Qua 10 năm thi hành Luật BĐG, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tính đến 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu đang tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Việc mở rộng tuổi nghỉ hưu chỉ quy định được đối với Thứ trưởng và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Theo số liệu của Bộ LĐ-TBXH, qua 10 năm thi hành Luật BĐG, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%. Các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016... Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai, lựa chọn giới tính. Bên cạnh thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng trong quá trình triển khai thi hành Luật BĐG vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành. Chưa có sự thống nhất giữa Luật BĐG và các luật chuyên ngành; việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để có được những kết quả đó là sự đóng góp của mọi người, trong đó phải có sự đóng góp kiên trì, bền bỉ của các cơ quan chuyên trách làm công tác BĐG. "Bởi nhận thức không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được, nhất là đối với một nước còn ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phong kiến, trọng nam khinh nữ rất nặng nề như Việt Nam" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Trước một số tồn tại và những chỉ tiêu khó đạt được, Bộ trưởng yêu cầu, sau hội nghị tổng kết này, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cần rà soát lại các chỉ tiêu. "Liên quan đến chỉ tiêu của bộ nào, ngành nào thì mời ngành đó làm việc và có giải pháp thúc đẩy. Không để tình trạng khái niệm chung ai cũng có thành tích nhưng lỗi thì không ai nhận”. Bên cạnh đó, phải tập trung cao độ cho dịp Đại hội Đảng và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp. Đây là thời cơ để thúc đẩy nhận thức, trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham chính. Thời gian tới, công tác này phải quyết liệt, việc xây dựng kế hoạch triển khai rõ ràng. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn, chương trình sẽ đạt được những kết quả rõ ràng nhất, hiệu quả nhất để BĐG ngày càng hiện hữu trong cuộc sống. Phụ nữ, trẻ em gái bớt đi những thiệt thòi, tiến bộ nhanh hơn. Hồng Thiết  

Phẫu thuật nội soi hoàn toàn – Sự lựa chọn mới trong điều trị ung thư thực quản

TĐKT - Bệnh nhân N.V.M, 70 tuổi, quê ở Bắc Giang được chẩn đoán ung thư thực quản 1/3 giữa giai đoạn II. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân theo phương pháp: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có biểu hiện đau trước ngực, phía sau xương ức khoảng 1 tháng nay. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám phát hiện có khối u bất thường. Các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 phối hợp với Giáo sư Yamada – chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thực quản đến từ Nhật Bản đã tiến hành phẫu thuật theo phương pháp mới. Các bác sĩ bệnh viện 108 tiến hành ca mổ nội soi trong điều trị ung thư thực quản Thực quản là đoạn ống tiêu hóa nối giữa cổ họng và dạ dày. Ung thư thực quản đứng thứ tám trên toàn cầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Điều trị đa mô thức đang là giải pháp toàn diện mang lại niềm hy vọng lớn cho người bệnh, trong đó phẫu thuật cắt thực quản triệt căn vẫn là phương pháp chủ yếu, hóa xạ trị trước mổ có vai trò quan trọng làm giảm giai đoạn bệnh, tăng khả năng cắt bỏ triệt căn. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ đảm bảo thực hiện được tất cả các khâu trong quy trình điều trị đa mô thức mà thế giới đang áp dụng, gần đây, khoa Phẫu thuật Ống tiêu hoá, Bệnh viện TWQĐ 108 được sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản, đã triển khai thành công một phương pháp mới: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức. Phương pháp mới sẽ khắc phục được những hạn chế của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân không còn đường mở bụng nên chỉ còn một đường mở duy nhất tại cổ. PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay là cắt toàn bộ thực quản bằng nội soi đường ngực, sử dụng dạ dày để tạo một ống cuốn đưa qua trung thất lên cổ bằng phẫu thuật mở bụng hoặc nội soi hỗ trợ, nối ống cuốn dạ dày với thực quản cổ để phục hồi lưu thông tiêu hóa. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là phải mở bụng, ống cuốn dạ dày đặt vào vị trí của thực quản dễ bị tổn thương khi ung thư thực quản tái phát tại chỗ hoặc khi phải xạ trị bổ sung. Ống cuốn dạ dày thường có tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng tại miệng nối nên dễ gây hẹp miệng nối với thực quản cổ, khiến cho bệnh nhân ăn uống khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống. PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi thường áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trong thì ngực để cắt thực quản, sau đó phải mở bụng để cắt một phần dạ dày tạo thành một ống cuốn nhỏ đưa qua trung thất sau, vào vị trí cũ của thực quản để nối với thực quản cổ. Phương pháp có nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Với việc triển khai phương pháp mới, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cho người bệnh ung thư thực quản một kết quả khả quan hơn”. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân M ổn định, phục hồi tốt. Bệnh nhân đã được ra viện. Bệnh nhân cần đi khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi sức khỏe. Hưng Vũ

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

TĐKT - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương dự và phát biểu tại Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Kidong Park - Trưởng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Nguyễn Sinh Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ, cục, văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%. Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn vào năm 2010. Tại Việt Nam, ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ/TTg phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cũng cho biết thêm, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, góp phần thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá"; "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng" cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết với Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia.... Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội. Phát biểu tại Hội nghị, ông Kidong Park - Trưởng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng trong việc triển khai và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật, đặc biệt là các công việc mà các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần phải làm và duy trì trong thời gian tới cũng như các kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương có thể trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luận để đề xuất được những giải pháp nhằm triển khai Luật đạt hiệu quả cao nhất. Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Ngoài ra, Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng địa điểm những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... để quy định trong Nghị định thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Hồng Thiết                        

Nghiện ma túy tổng hợp: Có thể dự phòng và điều trị

TĐKT - Ngày 16/10, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng tổ chức họp báo với chủ đề nghiện ma túy tổng hợp có thể dự phòng và điều trị. Tại họp báo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin về xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay trên thế giới và cách dự phòng và điều trị. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, xu hướng sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Năm 2001 chỉ có khoảng 1,5% người sử dụng ma túy ở Việt Nam sử dụng ATS thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên xấp xỉ 10%. Các chuyên gia trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Phát biểu tại họp báo, BS. Huỳnh Thanh Hiển - Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết, số người nghiện ma túy tổng hợp đang tăng rất cao. GS. TS. Nicole Lee, Giám đốc Trung tâm điều trị nghiện rượu và ma túy 360Edge của Úc cho biết, ma túy tổng hợp gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ, vì thế dẫn đến những tác hại lâu dài đối với sức khỏe tâm trí bao gồm lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định một cách tỉnh táo. Tình trạng sử dụng ATS kéo dài có thể dẫn tới tăng độ dung nạp và phụ thuộc. Về dự phòng và điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, theo GS. TS. Nicole Lee, dù ATS gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ. Tuy nhiên, những vấn đề này mang tính chất tạm thời và các chức năng của não bộ dần có thể phục hồi sau khi ngưng sử dụng ma túy. Đối với những người đã sử dụng trong một khoảng thời gian dài, quá trình hồi phục có thể mất đến 12-18 tháng và thậm chí hơn. “Chúng ta cần thay đổi quan điểm và phương pháp điều trị và cách cung cấp dịch vụ cho phù hợp để có thể ứng phó với những tác dụng khác nhau của ATS. Với mỗi USD đầu tư vào điều trị, cộng đồng có thể tiết kiệm được 7 USD cho các chi phí khác mà đáng ra phải dùng để khắc phục hậu quả do việc sử dụng ATS gây ra”, TS. Nicole Lee chia sẻ. Cũng theo TS. Nicole Lee, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS mà cần một giải pháp tổng thể bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội cũng như các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, người sử dụng ATS phần lớn sẽ sử dụng giảm dần sau một thời gian, có nhiều người ngừng sử dụng. Nhóm người sử dụng nhưng chưa lệ thuộc sẽ chưa có các rối loạn tâm thần, tuy nhiên, cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc. Điều này giúp giảm tác hại của việc sử dụng, phòng tránh trường hợp sử dụng quá liều, ngáo đá và sốc thuốc. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiển, hiện nay do kỳ thị xã hội và quan điểm tiêu cực về người sử dụng ma túy tổng hợp nên phải mất trung bình từ 5-6 năm, thậm chí lâu hơn, khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng thì họ mới tìm đến hỗ trợ và điều trị. Trước vấn nạn ma túy tổng hợp hoành hành, tháng 3/2019, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ điều trị cho người nghiện/lệ thuộc ma túy tổng hợp, phác đồ do nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần, ma túy, phòng, chống HIV... xây dựng. Với phác đồ này, các bác sĩ sẽ can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy tổng hợp cai nghiện. Khác với ma túy truyền thống có thuốc cắt cơn và hỗ trợ cai nghiện, người nghiện ma túy tổng hợp chủ yếu được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, trong đó thầy thuốc, người thân và gia đình người lệ thuộc ma túy có vai trò hỗ trợ rất quan trọng. Thục Anh

Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc

TĐKT - Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, năm 2019, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật) được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này. Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao chủ trì, đó là “Nâng xếp hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật”. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực trong hành động của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019, công bố ngày 8/10/2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3,4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước). Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018. Theo đó, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này. Kết quả tích cực đạt được trong năm 2019 của Việt Nam theo đánh giá của WEF về điểm số và xếp hạng chỉ số B1, về xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia… sẽ tạo những tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số B1 và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tiếp theo. Phương Thanh

Trang