Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo theo hình thức trực tuyến.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo Nghị quyết 106/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trên cơ sở trên cơ sở Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ, tại Phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thiết thực và có hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động phát hiện kịp thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho các trường hợp có thành tích…. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập như: Đối tượng điều chỉnh khá rộng, song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế...; Thủ tục hành chính về khen thưởng còn phức tạp; Một số phong trào thi đua còn hình thức; Việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, một số nơi còn hiện tượng cào bằng; Chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất; Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương; Việc quản lý Nhà nước về tôn vinh trao giải thưởng về doanh nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế;…..
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về mặt lý luận cũng như thực tiễn: về vai trò của thi đua, khen thưởng; những yếu tố ảnh hưởng đến thi đua, khen thưởng; mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng; yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật Thi đua, khen thưởng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;…
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, ở góc độ (khoa học) chính sách và kỹ thuật lập pháp, việc sửa Luật cần nhìn thấu suốt các vấn đề có tính căn bản như: Bất kể ai nhận nhiệm vụ hay công việc đều được xem là cam kết hoàn thành công việc hay nhiệm vụ đó; Hoàn thành nhiệm vụ hay công việc là bình thường không phải là một thành tích; Khen thưởng phải gắn với kỷ luật; Chỉ khen khi có minh chứng rõ ràng về sự đóng góp sáng tạo trong công việc và nhiệm vụ; ;…. Ông Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, tinh thần sửa Luật cần xác định cơ chế: “quần chúng là người phản biện đề xuất khen thưởng của cấp trên trực tiếp người được khen, cũng như người đề xuất khen thưởng phải trách nhiệm về sự đề xuất đúng đắn của mình, thậm chí cần có cơ chế rút hay hủy quyết định khen thưởng”.
Đại biểu tham dự hội thảo dưới hình trực tuyến
Nhằm nâng cao vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, Ths.Đậu Công Hiệp - Trường Đại học Luật Hà Nội, đề xuất, cần bổ sung thêm từ “cạnh tranh lành mạnh” vào nguyên tắc thi đua ở điểm a, khoản 1, Điều 6 của Dự thảo. Ths. Đậu Công Hiệp lý giải, thi đua phải có sự cạnh tranh, phân hóa rõ ràng cao, thấp. Một trong những bất cập hiện nay là thi đua trở nên cào bằng, thậm chí nhường nhau để phân bổ danh hiệu nhằm hưởng quyền lợi như nâng lương trước thời hạn, quy trình còn nhiêu khê, gây ra tâm lý làm cho qua ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Ths.Đậu Công Hiệp cũng đề nghị cần thay từ “chính xác” trong nguyên tắc khen thưởng tại điểm a, khoản 2, Điều 6 của Dự thảo thành “xứng đáng” để nhấn mạnh vào việc mức độ và hình thức khen thưởng phải tương ứng với thành tích, công trạng. “Xứng đáng” cũng bao hàm sự chính xác ở bên trong, còn “chính xác ” không nêu bật được tính tương ứng mà còn có thể bị hiểu một cách đơn giản là chính xác về đối tượng.
Góp ý tại hội thảo, TS.Mai Thị Mai - Đại học Luật Hà Nội cho rằng dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đến thời điểm này đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung Ban soạn thảo cần lưu ý sắp xếp lại cho hợp lý, một số nội dung cần tiếp tục được bổ sung làm rõ.
TS.Mai Thị Mai nhấn mạnh, hiện nay trong Dự thảo mới chỉ nhấn mạnh phần quy định các nội dung liên quan đến phần “khen” còn nội dung liên quan đến phần “thưởng” thì chưa đủ đầy, mặc dù có nội dung liên quan đến quỹ thi đua - khen thưởng, nhưng còn rất thiếu và chưa cụ thể. Ngoài ra, nội dung về tiền thưởng mới chỉ được để cập đến trong điều khoản liên quan đến “xử lý vi phạm về thi đua khen thưởng” (Điều 96 của Dự thảo).
Liên quan đến nội dung về “xử lý vi phạm về thi đua khen thưởng” tại Điều 96 của Dự thảo, TS.Mai Thị Mai cho rằng, tại Khoản 6 Điều 96 của Dự thảo có quy định nội dung: “Chính phủ quy định thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng, tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước và thu hồi các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, hiện vật và tiền thưởng.”. Như vậy, có nội dung về việc thu hồi “tiền thưởng” từ việc thu hồi, huỷ bỏ, tước các danh hiệu vinh dự nhà nước, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, tuy nhiên tại khoản 3, khoản 4 của Điều 96 có đề cập đến việc: “Cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, pháp nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước” nhưng lại không đề cập đến việc hoàn trả số tiền thưởng của danh hiệu vinh dự nhà nước đã bị thu hồi trước đó.
Theo PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng trong thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần nghiên cứu để có thể tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trước khi ban hành. PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị, dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) cần xem xét cụ thể hơn về các quy định về “khen” và “thưởng”. Trên thực tế, đây là 2 vấn đề quan hệ gắn bó, có ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất. Những quy định về “khen” và “thưởng” phải tương ứng, đúng mức, hợp lý theo yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống thì mới có tác dụng tạo động lực thật sự cho công tác thi đua hướng tới sự phát triển đất nước.
“Thực tế cho thấy, muốn có “khen thưởng” thì phải có “thi đua”. Để “thi đua” phát triển mạnh thì phải tổ chức tổng kết và “khen thưởng” kịp thời. Cho nên phải thực hiện “thi đua” thì mới có thành tích tiêu biểu để mà “khen thưởng”. “Thi đua” là nguyên nhân, “khen thưởng” là kết quả. “Khen thưởng” lại tạo động lực để “thi đua”” - PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, bà Dương Thị Thủy - Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần bổ sung mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản. Theo bà Dương Thị Thủy đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại về quá trình cống hiến như quy định hiện hành (khoản 4, Điều 4) thì mới chỉ từ cấp lãnh đạo quản lý và tương đương trở lên, trong khi đó, có nhiều trường hợp, nhất là cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không lương hoặc lương chỉ là tượng trưng lại không được động viên thích đáng bằng tinh thần điều này là không công bằng. Ngoài ra, bà Dương Thị Thủy, cũng kiến nghị, cần có quy định ứng dụng tin học trong quản lý, điều hành công tác thi đua, khen thưởng. Sử dụng phần mềm quản lý thi đua khen thưởng nhằm thống nhất công tác đánh giá kết quả các phong trào thi đua và xem xét khen thưởng các danh hiệu thi đua từ Trung ương đến địa phương.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận làm rõ bản chất, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tính thống nhất trong thi đua, khen thưởng trong hệ thống chính trị; việc khen thưởng cá nhân, tập thể ở khu vực ngoài nhà nước;…
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quý báu phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng trong thời gian tới./.
Theo quochoi.vn