Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Giải quyết các hồ sơ thanh niên xung phong và thành tích kháng chiến theo đúng tinh thần "đền ơn đáp nghĩa" và "uống nước nhớ nguồn". Ảnh: VGP/Lê Sơn
Cán bộ làm công tác thi đua phải tìm kiếm, phát hiện người có thành tích
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội), đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều quy định để hạn chế quy định chung, chú trọng khu vực tư nhân, tránh tình trạng tập trung vào khu vực công.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, trong lĩnh vực này, cán bộ làm công tác thi đua phải đi tìm nhân tố mới, điển hình tiên tiến để phát hiện, khen thưởng kịp thời, tạo động lực để cá nhân được khen thưởng tiếp tục nỗ lực cống hiến hơn nữa.
Nhằm nâng cao tính minh bạch của công tác này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) phân tích, công khai danh sách người được xem xét tặng danh hiệu và vinh dự Nhà nước là cần thiết nhưng cũng nêu rõ công khai ở đâu để nhân dân biết, theo dõi, nhìn nhận những người được xem xét khen thưởng, nhất là người dân ở nơi cư trú, nơi làm việc đánh giá, góp ý.
Về việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, đại biểu Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (đoàn Bạc Liêu) kiến nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực như nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu vào dự thảo Luật để có hình thức xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, bởi hiện nay những người hoạt động trong 9 lĩnh vực văn học nghệ thuật đã được nhắc đến, riêng 3 lĩnh vực nêu trên chưa được quy định cụ thể.
Xem xét tặng Huy chương cho thanh niên xung phong toàn diện hơn
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, căn cứ để bình xét danh hiệu thi đua thì cá nhân phải đăng ký từ đầu năm thì cuối năm mới được xem xét là cứng nhắc. Vì có nhiều người trong năm có nhiều thành tích nhưng lại không được xét vì không đăng ký… từ đầu năm.
Đối với danh hiệu "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa", cần được xác định có được danh hiệu đó trong một thời gian nhất định chứ không phải là mãi mãi. "Chúng ta thấy nhiều làng văn hóa được ghi ở cổng làng và tồn tại mãi ở đó, nhưng sau này nếu làng văn hóa đó không đạt nữa thì sao, vì đã ghi lên cổng làng là không dễ gì bỏ đi được", đại biểu cho biết.
Bày tỏ băn khoăn đối với quy định cá nhân được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc phải 2 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp bộ, Chiến sĩ thi đua cấp bộ phải 3 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở sẽ dẫn đến việc "nuôi thành tích" trong cơ quan, tổ chức, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đề nghị cần cân nhắc để hạn chế bất cập của quy định này đối với công tác khen thưởng hiện nay.
Đại biểu Tạ Văn Hạ: Thanh niên xung phong luôn là hình ảnh cao đẹp đối với các thế hệ chúng ta. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Góp ý về tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thanh niên xung phong đã có đóng góp to lớn với công tác đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, luôn là hình ảnh cao đẹp với các thế hệ thanh niên.
Vì thế, đối tượng áp dụng để tặng thưởng Huy chương cần được mở rộng, không chỉ đối với thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến đấu mà còn lực lượng thanh niên xung phong tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước đây để kịp thời động viên, tri ân với lực lượng này đối với những cống hiến, hy sinh của họ cho đất nước.
Tiếp thu tối đa ý kiến để dự thảo Luật có chất lượng, sức sống lâu bền và tác dụng tích cực
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các ý kiến thiết thực, xác đáng, tâm huyết của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi.
Theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong tiếp thu thảo luận của đại biểu Quốc hội, xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và cử tri để có được dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi thực sự chất lượng nhất, có sức sống lâu bền và phát huy được tác dụng tích cực trong cổ vũ, động viên các phong trào thi đua, khen thưởng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự là nguồn động viên kịp thời, hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức trong phong trào thi đua, yêu nước hiện nay.
"Đến nay, Ban soạn thảo đã tập trung hoàn thành 4 chính sách cơ bản trong dự thảo luật này. Đó là, hoàn thiện hệ thống thi đua, hoàn thiện hệ thống khen thưởng, hoàn thiện chế độ về thẩm quyền và phân cấp trong công tác thi đua, khen thưởng và cải cách hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Theo đó, từ 4 chính sách này đã thiết kế các điều luật, quy định cụ thể để việc khen thưởng cho các tổ chức cơ sở nhỏ, vùng sâu, vùng xa, người lao động trực tiếp đi vào đời sống và phát huy tác dụng tích cực; quan tâm hơn đến khu vực ngoài công lập, doanh nghiệp tư nhân; khắc phục "cộng dồn thành tích", "lũy kế thành tích"; Ban soạn thảo thiết kế mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác thi đua và khen thưởng; làm rõ hơn và đổi mới mạnh mẽ việc khen thưởng theo nguyên tắc "thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó"; thể chế hóa các quy định về thành tích khen thưởng, đối tượng khen thưởng, phân cấp mạnh mẽ cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong việc phát hiện cá nhân có thành tích và có hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời.
Giải trình về danh hiệu thi đua "xã, phường, thị trấn tiêu biểu", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, điều này được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành quy định cụ thể trên cơ sở căn cứ vào điều kiện cụ thể để quy định cho phù hợp với tình hình địa phương, nếu áp quy định chung cho cả nước thì không phù hợp.
Liên quan đến khen thưởng thành tích kháng chiến và Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Bộ trưởng cho biết đã được tiếp thu tối đa chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước để sớm hoàn thành trong thời gian tới, nhất là các điều kiện về tiêu chuẩn và thời gian tham gia sẽ được nghiên cứu sao cho phù hợp nhất.
"Thực tế cho thấy còn tồn đọng hơn 18.000 hồ sơ các bác thanh niên xung phong và 9.000 người thuộc lực lượng vũ trang người chưa giải quyết chế độ vì còn vướng mắc hồ sơ, thủ tục. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện đúng nhất tinh thần "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Theo baochinhphu.vn