Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)
18/01/2022 - 14:45

Sáng ngày 18/01, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh phiên họp

Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Ban soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, tổ chức rà soát, chỉnh lý dự án Luật. Các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý về các điều khoản quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng ... Ngày 12/01/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp với Thường trực Ban soạn thảo, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu để cho ý kiến về các nội dung lớn báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo về 6 nội dung lớn xin ý kiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 97 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, bỏ 02 điều (Điều 70 về Huy hiệu; Điều 94 về Khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng), bổ sung 01 điều về quy định chuyển tiếp. Dự thảo đã bổ sung nội dung về bổ sung đối tượng được tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 21); nêu rõ về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (Điều 48); tiêu chuẩn tặng thưởng Huân chương Hữu nghị (Điều 50); bổ sung tiêu chuẩn cá nhân được nhận “Giải thưởng Nhà nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” (Điều 66).

Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); cho rằng dự thảo Luật lần này đã tổng hợp, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại Kỳ họp thứ 2, đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.

Liên quan đến việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, dự thảo Luật quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân là thanh niên xung phong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt một trong các tiêu chuẩn : Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào và Camphuchia, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên. Đối với trường hợp hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học, có thời gian tại ngũ 01 năm trở lên thì được xét tặng hoặc truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ 5 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý thanh niên xung phong có thời gian tại ngũ từ 9 năm trở lên. Đối với trường hợp hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, có thời gian tại ngũ 01 năm trở lên được xét tặng hoặc truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Thanh niên xung phong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian công tác được nhân hệ số 2 để tính thời gian xét tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Về việc bổ sung hình thức huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong; Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang. Việc xét các tiêu chí, tiêu chuẩn đê trao tặng huy chương này, các đại biểu cho rằng, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội. Các đại biểu cho rằng, việc trao tặng huân chương không mất mát gì và còn có ý nghĩa động viên. Trong khi đó sự tham gia của thanh niên xung phong trong kháng chiến là rất lớn không kém gì bộ đội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng không nên khoanh lại ở một phạm vi “tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào và Camphuchia…”. Các đại biểu cho rằng, lực lượng thanh niên xung phong không chỉ tham gia chống ngoại xâm trong kháng chiến; mà sau này trong xây dựng, bảo vệ đất nước, thanh niên xung phong cũng có thể có những hoạt động tham gia.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tại phiên họp

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, dù có nhiều lý giải, nhưng cái gì có lợi hơn hãy quy định. Dẫn quan điểm của Bác Hồ là cái gì có lợi cho dân chúng ta cố gắng làm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nếu khi bổ sung quy định này vào dự thảo Luật mà tốt hơn xét cả về mặt chính trị, cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của hàng vạn thanh niên xung phong thì chúng ta nên bổ sung trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng và tránh dự án Luật phải sửa đổi nhiều lần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường để nghị mở rộng xem xét bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến như: du kích, dân công hỏa tuyến… vào trong dự thảo Luật.

Đối với quy định khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, vấn đề này đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng (2003) và trong các lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, các quy định hiện hành cũng như việc thực hiện chưa xem xét đầy đủ đến những đặc thù cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 1 Điều 77 và Điều 96), thẩm quyền của Tổng thư ký Quốc hội (khoản 3 Điều 81), bổ sung đại diện lãnh đạo Quốc hội vào thành phần của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (khoản 2 Điều 87).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Dự thảo Luật quy định Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương.

Về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo giải trình làm rõ thêm cơ sở để giao Tổng thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Bởi hiện cơ quan được Quốc hội giao giúp việc về công tác đại biểu là Ban Công tác đại biểu. Công tác khen thưởng cho các đại biểu đang do Ban Công tác đại biểu đảm nhận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Ban Công tác đại biểu xây dựng tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội. Do vậy, đề nghị cân nhắc kỹ việc giao cho cơ quan nào đảm nhận công việc này để đảm bảo tính ổn định, lâu dài, tính thực tiễn và thuận lợi hơn.

Về khen thưởng thành tích kháng chiến, các đại biểu đề nghị, Chính phủ có báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quý I năm 2022, sau đó gửi văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định. Trong đó, nếu Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vấn đề huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, Đảng đoàn Quốc hội sẽ không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Về kỹ thuật lập pháp, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều lỗi câu trích thiếu, chưa thống nhất với dự thảo Luật; lập luận lý giải cho các loại ý kiến một số điểm chưa rõ ràng, thuyết phục. Do vậy, đề nghị Ủy ban Xã hội rà soát, điều chỉnh lại các lỗi kỹ thuật văn bản, sao cho chính xác, thống nhất với hộ thống văn bản quy phạm pháp luật; các loại ý kiến đưa ra cần lập luận thật cụ thể, rõ ràng làm căn cứ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ngoài các nội dung nêu trên, các đại biểu cũng đã góp ý về các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm trong thi đua khen thưởng; danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội, Báo cáo thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cho rằng, cần xác định việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này là việc làm rất khó, rất nhạy cảm, rất quan trọng nên cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để đảm bảo chất lượng của dự án Luật cũng như tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu. Trong đó, nêu rõ ý kiến nào của đại biểu đã được tiếp thu, vấn đề nào đã thống nhất, chưa thống nhất với lý do cụ thể; chú ý kỹ thuật lập pháp, từ ngữ viết chính xác và rõ ràng./.

Theo quochoi.vn