Thực hiện kế hoạch công tác, chiều 27/8, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức tọa đàm chuyên gia về khen thưởng đối với những người có thành tích, cống hiến trong bảo vệ tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì tọa đàm.
Cùng dự Tọa đàmc có: Đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ; đại diện Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành hữu quan.
Toàn cảnh tọa đàm
Báo cáo tổng quan chung về tình hình thực hiện khen thưởng kháng chiến, Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, chính sách khen thưởng kháng chiến là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc ta. Việc khen thưởng thành tích thời kỳ Cách mạng tháng 8 năm 1945; trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ được Đảng và Nhà nước triển khai từ năm 1961 đến nay đã 60 năm. Trong đó, khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp được thực hiện theo Điều lệ khen thuởng ban hành kèm theo Nghị quyết số 06-NQ/TVQH ngày 29/8/1960 của UBTV Quốc hội, Thông tư 15-TTg ngày 12/01/1961 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp và các văn bản hướng dẫn chi tiết đối với các đối tượng cụ thể, các trường hợp đặc biệt. Các chính sách khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ được thực hiện theo Điều lệ khen thưởng ban hành kèm theo Nghị quyết số 47-NQ/HĐNN7 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước, Thông tư số 39/BT ngày 21/4/1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Điều lệ bổ sung, các văn bản hướng dẫn thi hành để khen thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen cho cá nhân, gia đình có nhiều thành tích trong kháng chiến.
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo
Bên cạnh đó, các chính sách khen thưởng đối với đối tượng có công cũng được triển khai thực hiện như: Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 10/9/1994 quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thông tư số 44/TBXH-VHC/LB ngày 8/4/1985 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua khen thưởng) khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ: Hướng dẫn số 544/TĐKT ngày 24/11/1995 của Viện Thi dua - Khen thưởng Nhà nước về việc tặng kỷ niệm chương cho người bị bắt tu đày; các quy định về khen thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến và nhiều văn bản hướng dẫn về khen thưởng kháng chiến; tiếp tục giải quyết các vấn đề khen thưởng thành tích kháng chiến cho các đối tượng làm nhiệm vụ quốc tế, hải đảo xa… Tất cả các văn bản về khen thưởng kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương cũng cho biết, mặc dù đã được triển khai trên phạm vi cả nước và được thực hiện đối với tất cả các đối tượng có thành tích, song chính sách khen thưởng thành tích kháng chiến được triển khai trong thời kỳ đất nước còn rất khó khăn. Về cơ bản chưa có chế độ ưu đãi vật chất kèm theo nên có một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa tích cực kê khai khen thưởng. Mặt khác, do thành tích tham gia kháng chiến, giúp đỡ cách mạng từ những năm 1930- 1975 đến nay nhiều trường hợp không còn đủ căn cứ, tư liệu để thẩm định, xác minh đúng sai nên vẫn khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu cũng nêu rõ, thực hiện Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và phối hợp với các địa phương rà soát kỹ lưỡng công tác thi đua, khen thưởng thành tích kháng chiến. Đến nay, công tác này đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, hiện nay qua khảo sát ở địa phương, vẫn còn có những trường hợp có thành tích nhưng chưa được khen thưởng do một số trường hợp mất giấy tờ, hồ sơ, hiện đang trong quá trình xác minh…
Tai tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị cần thiết xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, tạo động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo quochoi.vn