Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD
BTĐKT - Ngày 31/3, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Đây là hội nghị lần thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài quý I/2023, đồng thời cập nhật thông tin các thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới. Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng zoom và fanpage facebook của Cục Xúc tiến thương mại Hội nghị gồm 2 phiên chính. Phiên 1 dành cho đại diện các thương vụ ở các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam từ 5 châu lục (châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương), gồm Hà Lan, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Nam Phi. Phiên thứ 2 dành cho đại diện địa phương và các hiệp hội ngành hàng thảo luận về những khó khăn, thuận lợi đối với hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu quý I/2023 và dự báo tình hình trong thời gian tới, đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đối với việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Theo thông tin từ hội thảo, ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên, xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm trước. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD. Phương ThanhKinh tế
BTĐKT - Ngày 30/3/2023, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Tập đoàn Messe Frankfurt chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Quang cảnh buổi lễ ký kết (ảnh Vũ Dung)
Mục đích ký kết MOU là thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động tổ chức hội chợ thương mại quốc tế; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, mặt hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia các hoạt động hội chợ quốc tế hiệu quả.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Messe Frankfurt - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo và sự kiện sẽ là dấu mốc quan trọng, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và hội chợ thương mại quốc tế mang tầm khu vực tại Việt Nam.
Trước mắt, thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên, Tập đoàn Messe FrankFurt thỏa thuận phối hợp với Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức 4 hội chợ quốc tế chuyên ngành: Hội chợ thương mại quốc tế về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu; Hội chợ thương mại quốc tế về hàng tiêu dùng, bao gồm đồ trang trí và nội thất gia đình, đồ dùng nhà bếp và ăn uống, quà tặng; Hội chợ thương mại quốc tế về công nghệ tự động hóa công nghiệp; Hội chợ thương mại quốc tế dành cho ngành công nghiệp xe đạp, từ thành phẩm đến phụ tùng và linh kiện.
Thục Anh
BTĐKT - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại iTrace 247 nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt tận dụng công cụ số, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lễ cắt băng ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hệ thống iTrace247 áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là phiên bản nâng cấp giúp sản phẩm minh bạch hơn, xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, luôn là điều mà các doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia hướng đến.
Ngoài những yếu tố về chất lượng, công năng, thị hiếu, việc ghi dấu ấn về hình ảnh và thương hiệu sản phẩm bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm cho đến khi đến tay khách hàng. iTrace247 là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Phương Thanh
BTĐKT - Ngày 23/3, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV - nhiệm kỳ 2023 - 2028. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu tại đại hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV - nhiệm kỳ 2023 - 2028
Trong những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều mặt công tác, trong đó có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức, hoạt động của Hiệp hội ngày càng chất lượng, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế; đồng thời định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng, tiếp cận với những xu thế mới của thời đại về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; chủ động xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách, thể chế phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng... Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tích cực tham gia hoạt động xã hội như công tác từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa, giúp người dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực, những kết quả quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong những năm qua, đồng thời đề nghị Hiệp hội tiếp tục có những giải pháp, hành động cụ thể, đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh quá trình phục hồi và phát triển; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng…
Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp nói chung, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, có giải pháp cụ thể để mở rộng quy mô, phạm vi, nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn tầm khu vực, quốc tế; phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu. Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 84 ủy viên. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội khóa III tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội khóa IV.
Nguyệt Hà
Khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế lĩnh vực công nghiệp hàng không
BTĐKT - Sáng 21/3, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội chủ trì phối hợp với Công ty Advanced Business Events (ABE), Pháp tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực Công nghiệp Hàng không - AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023. Nghi thức cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023 Hội chợ triển lãm với sự tham gia của hơn 120 gian hàng đến từ 10 quốc gia. Trong đó có khoảng 70 gian hàng trong nước trưng bày sản phẩm, công nghệ, giới thiệu năng lực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, logistic của doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong toàn quốc trong lĩnh vực hàng không. Với chủ đề chính là phát triển mạng lưới sản xuất cao cấp, cung ứng và tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực công nghiệp hàng không năm 2023, gian hàng trưng bày được phân chia theo từng lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là 4 chủ đề chính: Sản xuất và chuỗi cung ứng; MRO và dịch vụ hàng không; quản lý và đào tạo; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sân bay/trải nghiệm hành khách. Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hội chợ là nơi quảng bá, giới thiệu nhu cầu, kết nối, giao thương cao cấp nhằm phát triển ngành công nghiệp hàng không của thành phố; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số; tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hội chợ còn có sự góp mặt của các hãng hàng không lớn trên thế giới và khoảng 50 doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước: Pháp, Đức, Mỹ, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Với mong muốn tìm hiểu quy mô thị trường Việt Nam, từng bước chuyển dịch các nhà máy công nghiệp từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam thông qua việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, dây chuyền sản xuất linh phụ kiện trong lĩnh vực công nghiệp hàng không. Sự kiện cũng là nơi hội tụ các chuyên gia, diễn giả uy tín, các lãnh đạo doanh nghiệp, các hãng hàng không, nhà sản xuất hàng đầu trong và ngoài nước, để giao lưu, trao đổi, chia sẻ các cơ hội phát triển mới, sáng kiến mới, phục vụ phát triển ngành công nghiệp hàng không. Hội chợ sẽ diễn ra đến hết ngày 23/3/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Mai ThảoKhai mạc Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ nhất
BTĐKT - Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ nhất với chủ đề “Xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản và trang trí nội ngoại thất” chính thức khai mạc ngày 15/3 tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia, Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Xây dựng VIETBUILD phối hợp tổ chức từ 15/3/2023 đến ngày 19/3/2023 nhân Kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958 - 29/4/2023). Ban Tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò rất quan trọng, tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó có vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất. Trong thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Triển lãm quốc tế Vietbuild là hoạt động thường xuyên, là nhịp cầu để doanh nghiệp và công chúng gặp gỡ, đồng thời nắm bắt các chính sách của nhà nước, Chính phủ. Sự kiện cũng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản và trang trí nội ngoại thất. Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ nhất có quy mô gần 1500 gian hàng của hơn 350 doanh nghiệp trong và ngoài nước với những sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến. Trong khuôn khổ triển lãm còn có: Hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở Cacbon thấp”; Diễn đàn doanh nghiệp - hội nghị khách hàng; các chương trình kết nối giao thương dưới nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến. Trong năm nay, có 9 kỳ Triển lãm quốc tế VIETBUILD sẽ được tổ chức ở ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, tại các thành phố lớn: Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Phương ThanhTriển lãm quốc tế Contech Vietnam 2023 hướng tới sản phẩm xây dựng xanh
BTĐKT - Triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị xây dựng, công nghệ khai thác mỏ, phương tiện vận tải, vật liệu xây dựng (Contech Vietnam 2023) được tổ chức từ ngày 21 - 24/4/2023 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Hà Nội. Ban Tổ chức họp báo giới thiệu về triển lãm Có quy mô hàng trăm gian hàng với 5000m2 trưng bày ngoài trời, phong phú về nội dung, đa dạng về công nghệ và các sản phẩm trưng bày, triển lãm Contech Vietnam 2023 dự kiến thu hút hàng ngàn khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan thương mại và những chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực. Đây không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện để các nhà đầu tư, những người làm nghề được tiếp cận, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác và xúc tiến thương mại. Triển lãm trưng bày, giới thiệu 4 hạng mục gồm xây dựng công trình, vật liệu xây dựng, công nghệ mỏ, giao thông vận tải, với sự tham gia của các nhà triển lãm, các thương hiệu đến từ Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Australia, Singapore… và Việt Nam. Trong khuôn khổ triển lãm sẽ có nhiều sự kiện bên lề như các hội thảo chuyên ngành, thuyết trình về công nghệ, kỹ thuật do các hiệp hội chuyên môn chủ trì tổ chức, xoay quanh các chủ đề: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sử dụng nguồn chất thải làm nguyên liệu sản xuất gạch tunel bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường… Phát biểu tại họp báo giới thiệu triển lãm, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: "Hội Vật liệu Xây dựng rất mong được giới thiệu những thiết bị, những công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm vật liệu xây dựng tốt hơn, bền hơn và quan trọng hơn là các sản phẩm xây dựng xanh, tức là ít phát thải ra môi trường." Ông Tống Văn Nga chia sẻ thêm, trong xu thế phát triển và cạnh tranh quốc tế, các nhà thầu Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh nhờ quy mô thị trường lớn và nguồn nhân lực, nhất là công nghệ, năng lực thi công và quản lý. Một số nhà thầu lớn của Việt Nam đạt năng lực cạnh tranh tầm quốc tế. “Triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng được nghe, được giới thiệu các thiết bị mới để sản xuất ra các vật liệu xây dựng tốt hơn, bền hơn, nhất là các vật liệu xây dựng xanh, hướng tới phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá. Phương ThanhNestlé tiếp tục được ghi nhận về nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới
TĐKT - Với nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như trong chuỗi cung ứng, Tập đoàn Nestlé vừa được ghi nhận trong bảng Chỉ số bình đẳng giới Bloomberg 2023 (GEI). Đây là năm thứ 5 liên tiếp Nestlé được lọt vào danh sách này của Bloomberg. GEI đánh giá mức độ bình đẳng giới với hơn 70 chỉ số về quy hoạch nhân tài và lực lượng lãnh đạo, bình đẳng trong thu nhập giữa các giới, văn hóa hòa hợp, chính sách chống quấy rối và hỗ trợ bình đẳng giới trong cộng đồng. GEI giúp đo lường thành tích của các công ty niêm yết cam kết minh bạch trong báo cáo về bình đẳng giới. Năm 2023, Nestlé đạt được điểm đánh giá 78,5%, cao hơn mức trung bình 73%. Chương trình NESCAFÉ Plan góp phần cải thiện kinh tế cho nhiều nông hộ canh tác cây cà phê và nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ “Chúng tôi rất vinh dự khi tiếp tục được ghi nhận vì những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như nâng cao quyền năng của phụ nữ trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Nestlé. Chúng tôi tin tưởng rằng những hành động nhằm đảm bảo vai trò của người phụ nữ trong xã hội không chỉ là điều đúng đắn, mà còn giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tốt hơn, nhờ tạo lập văn hóa hòa hợp mà trong đó thúc đẩy sáng tạo và sự hài lòng của đội ngũ nhân viên. Bình đẳng giới là một hành trình bền bỉ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên hành trình này trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”, bà Béatrice Guillaume-Grabisch, Giám đốc Nhân sự và Dịch vụ doanh nghiệp toàn cầu của Tập đoàn Nestlé cho biết. Nestlé đang tăng cường các nỗ lực nâng cao bình đẳng giới tại công ty và tiếp tục đưa ra các chính sách, sáng kiến, dự án nhằm xây dựng văn hóa nơi làm việc đa dạng, bình đẳng và hòa hợp. Hiện 45% cấp quản lý tại Tập đoàn là nữ giới. Nestlé cũng đang thúc đẩy bình đẳng giới trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong cộng đồng nông nghiệp đang cung ứng nguyên liệu cho Tập đoàn. Từ năm 2013, Nestlé đã ký cam kết thực hiện những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ với Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women). Đây là một kế hoạch gồm 7 bước thực hiện dành cho doanh nghiệp nhằm tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để có thể tham gia trọn vẹn mọi hoạt động kinh tế tại nơi làm việc, trên thương trường và trong cộng đồng, góp phần xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, gia đình và xã hội. Tại Việt Nam, các hoạt động bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được Nestlé thực hiện mạnh mẽ không chỉ tại nơi làm việc mà còn trong toàn chuỗi giá trị, như chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" và chương trình NESCAFÉ Plan. Hội viên tham gia Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” được hướng dẫn các kỹ năng sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số Tại nơi làm việc, Nestlé Việt Nam duy trì tỷ lệ nữ giới bằng nam giới trong ban lãnh đạo, có những thời điểm còn cao hơn so với nam giới. Với gần 3.000 nhân viên, Nestlé Việt Nam hiện có khoảng 50% cán bộ cấp quản lý là nữ giới. Thu nhập trung bình của lao động nữ tương đương với lao động nam với cùng vị trí. Thông qua chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” được triển khai từ năm 2020, Nestlé Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại khu vực nông thôn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tạo lập các mô hình sinh kế bền vững. Tính đến tháng 10/2022, có tổng số 20 tỉnh/thành trên cả nước đã tham gia chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”, với 8.000 hội viên được tham gia tập huấn kiến thức dinh dưỡng và xây dựng lối sống vui khỏe; 1,2 triệu hộ gia đình được tiếp cận kiến thức dinh dưỡng và kiến thức sản phẩm; 3.000 hội viên khởi tạo và duy trì mô hình quầy hàng “An toàn - Vui khỏe - Tiện lợi”. Từ năm 2011, Nestlé Việt Nam đã triển khai chương trình NESCAFÉ Plan tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh việc tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam, chương trình đã góp phần cải thiện kinh tế cho nhiều nông hộ và nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ, thông qua việc đào tạo đội ngũ nữ trưởng nhóm nông dân tham gia dự án. Tính đến nay, có 274 nhóm nông dân được thành lập, trong đó có hơn 30% nữ trưởng nhóm nông dân. Năm 2022, Nestlé Việt Nam tiếp tục ghi dấu thành tích lần thứ 5 liên tiếp lọt top 3 “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”, theo kết quả khảo sát do Công ty Anphabe thực hiện dựa trên ý kiến của hơn 57.000 người đi làm trên toàn quốc. Nestlé Vietnam cũng giành được 2 giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc nhất” tại Lễ trao giải Vietnam HR Awards năm 2022, cho 2 hạng mục quan trọng: Chiến lược sức khỏe toàn diện và Chiến lược nhân tài (Hoạch định nguồn nhân lực và chính sách lương, thưởng, phúc lợi). Bên cạnh đó, công ty vinh dự là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được bằng khen từ Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, với danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2022. Mai ThảoHội nghị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ diễn ra vào ngày 5/2
TĐKT – Ngày 1/ 2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp báo về Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào ngày 5/2. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin về các nội dung của hội nghị tại buổi họp báo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, để triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhằm sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển. Cùng với đó, việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là những hành động cụ thể, điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW được hiện thực hóa. Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Thứ nhất, công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; thứ tư, phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; thứ sáu, phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; thứ bảy, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; thứ tám, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Dự kiến, tại hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết - đột phá từ kinh tế biển - phát triển nhanh và bền vững” cũng sẽ được tổ chức trong ngày 5-2, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Hồng ThiếtXúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đầu năm 2023
TĐKT - Ngày 31/1/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cùng đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ở một số thị trường, đại diện các Hiệp hội ngành hàng trong nước. Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Chương trình Hội nghị kỳ tháng 1/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Canada, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname); Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay); Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao); Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Phiên 2 dành cho đại diện Hiệp hội (Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắk, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị, sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 371,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 276,7 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 125,8 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 234,8 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%). Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21.3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD. Lý giải việc giảm về con số này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho rằng, do tháng 1 trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm. Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Toàn cảnh Hội nghị Do đó, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM: Trong năm 2023, Cục XTTM sẽ tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện các hoạt động XTTM, chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác XTTM. Cục sẽ tập trung vào 5 định hướng. Thứ nhất, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Song song, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động XTTM khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động XTTM được như các thị trường khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ. Thứ hai, phối hợp với các cơ quan thương vụ và các đơn vị liên quan trong Bộ nhanh chóng xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực XTTM, xúc tiến xuất khẩu "xanh" để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu trên toàn cầu vì thương mại xanh, tăng trưởng xanh ngày nay không còn là sự lựa chọn nữa mà đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ 4, nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ 5, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động XTTM thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực XTTM và đầu tư ngành Công Thương với các cơ quan, tổ chức XTTM đối tác quốc tế.thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần vào các hoạt động của Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Mai ThảoTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- …
- sau ›
- cuối cùng »