Hà Nội thi đua ái quốc

Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội): Nêu cao y đức, hết lòng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân

TĐKT - Trung tâm Y tế Sóc Sơn được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 30/6/1988 của UBND TP Hà Nội và Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 22/7/1988 của UBND huyện Sóc Sơn. Tháng 7/2018, thực hiện Quyết định số 3453/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức lại Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Y tế đã triển khai thực hiện công tác tổ chức, tiếp nhận sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ theo đúng chỉ đạo của thành phố. Trong những năm qua, cán bộ viên chức Trung tâm luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cùng với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ Trung tâm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được phát triển toàn diện. Đến nay, Trung tâm đã có 5 khoa chuyên môn, 3 phòng chức năng, 5 phòng khám đa khoa khu vực và 26 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn, với đội ngũ 532 cán bộ chuyên môn. Trong đó có 3 bác sĩ chuyên khoa II, 25 bác sĩ chuyên khoa 1, 12 thạc sĩ, 10 dược sĩ Đại học, 55 bác sĩ, 43 dược sĩ trung học và nhiều nhân lực khác có trình độ chuyên môn cao. Hiện, Trung tâm đang tiếp tục cử đi đào tạo 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng học tập về quản lý điều trị COPD tại Bệnh viện Phổi Trung ương; 15 bác sĩ học chuyên khoa I về bác sĩ gia đình, y học cổ truyền; 17 y sĩ học lên bác sĩ để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở. Bộ trưởng Bộ Y  tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại Trạm y tế xã Mai Đình Cùng với đó, Trung tâm cũng đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như 1 máy chụp citi scanner, 6 máy chụp x-quang kỹ thuật số, 7 máy siêu âm màu 4D, 2 máy xét nghiệm miễn dịch tự động, 4 máy nội soi tiêu hóa, 12 máy soi cổ tử cung, 7 máy nội soi tai mũi họng và nhiều trang thiết bị khác để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với đội ngũ cán bộ chuyên môn và cơ sở vật chất kỹ thuật như hiện nay, Trung tâm Y tế Sóc Sơn đã triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả 32 chương trình y tế quốc gia. Trong đó, nổi bật là chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh, an toàn thực phẩm, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe tại nhà, quản lý sức khỏe toàn dân, cấp cứu trước viện và phun thuốc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh cùng nhiều chương trình y tế khác đều được Trung tâm triển khai hiệu quả, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Chụp cắt lớp vi tính CT đa dãy Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao tại các phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế Sóc Sơn đã liên kết với các bệnh viện lớn tuyến Trung ương và tuyến 1, tuyến 2 trên địa bàn TP Hà Nội: Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E Trung ương, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hitec, Bệnh viện Bắc Thăng Long… Do đó, uy tín của các phòng khám ngày càng được nâng lên, nhiều người dân đã tin tưởng, tìm đến khám, chữa bệnh, giảm thiểu tối đa quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Siêu âm màu 4D Theo báo cáo của Trung tâm, kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản trong năm 2018 về cơ bản đều đạt, hoàn thành kế hoạch được cấp trên giao: Trẻ em được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 99% (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017); 99,9% trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi được uống Vitamin A; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ nhẹ cân là 8,6% (giảm 0,3% so với năm 2017); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ thấp còi là 13,4% (giảm 0,4% so với năm 2017); 98,5% trẻ từ mầm non đến THPT được khám sức khỏe và hồ sơ được Trạm Y tế các xã, trấn tích hợp quản lý theo mô hình bác sĩ gia đình. Số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh 97,7%. Số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh 94,5%. Xây dựng 26/26 xã, thị trấn duy trì đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Năm 2018, trên địa bàn huyện không có sự vụ liên quan đến mất àn toàn thực phẩm; không có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trung tâm Y tế tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trung bình mỗi ngày, một phòng khám đa khoa khám 150 - 200 bệnh nhân, Trạm Y tế khám 40 bệnh nhân. Tổng số lần khám chữa bệnh trong năm 2018 là 484.931 lượt, tăng 10% so với năm 2017, tỷ lệ chuyển tuyến giảm, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế Sóc Sơn Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong năm 2019, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mục tiêu chung của Trung tâm Y tế Sóc Sơn là chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, làm tốt công tác quản lý sức khỏe toàn dân, khám phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm góp phần nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Để đạt được điều đó, Trung tâm xác định nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu quả xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế 26 xã, thị trấn trên địa bàn theo quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để chủ động phát hiện dịch và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lây lan lớn; có kế hoạch chi tiết những bệnh dịch nguy hiểm như: sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, H1N1, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sởi, thủy đậu...  hạn chế thấp nhất tử vong do dịch. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực hiện việc từng địa phương, từng gia đình, từng cơ sở dịch vụ ăn uống và cộng đồng cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người. Triển khai hiệu quả toàn bộ các chương trình y tế và thực hiện đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch cấp trên giao. Đầu tư mọi nguồn lực cho công tác khám, chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình. Tăng cường khám, điều trị, lập hồ sơ quản lý các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tĩnh… tại tuyến y tế cơ sở. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, chú trọng các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.... Tin tưởng rằng, với đội ngũ nhân lực đảm bảo về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao cùng cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư, Trung tâm Y tế Sóc Sơn sẽ tiếp tục khẳng định vai trò nổi bật của mình trong hoạt động chuyên môn; xứng đáng với niềm tin của nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển của huyện nhà. Nguyễn Quân

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Chiều 26/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã thông tin về việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Theo đó, vào ngày 2/3 tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm khẳng định những kết quả, thành tựu công tác tuyên giáo của Đảng trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước; đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân ngành tuyên giáo Thủ đô. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin đến báo chí về buổi lễ 70 năm qua, công tác tuyên giáo Thủ đô đã góp phần quan trọng vào việc định hướng tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, trong 10 năm (2008 - 2018), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tham mưu triển khai quán triệt có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thành phố. Kịp thời nắm bắt tình hình dư luận các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn cũng như các vấn đề đột xuất, phát sinh trên địa bàn thành phố. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân; định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước; về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với các nội dung học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) … Mai Thảo

Khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện E: Nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh

TĐKT - Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, dưới sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện; sự phối hợp của các Khoa, phòng trong đơn vị cùng sự sáng suốt của lãnh đạo, Khoa Nội Tổng hợp đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những bước tiến của Khoa đã góp phần vào sự phát triển của Bệnh viện E cũng như sự vững mạnh của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hệ thống cơ sở vật chất của Khoa được đầu tư, trang bị xứng tầm với vai trò một khoa của Bệnh viện tuyến Trung ương. Nhiều kỹ thuật, phương pháp mới được áp dụng đã giúp quy trình điều trị trở nên hiệu quả hơn, giảm bớt đau đớn, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Chỉ tính riêng năm 2017, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện đạt 142%, điều trị cho 1.944 bệnh nhân, số ngày điều trị trung bình đạt 9 ngày.  Tập thể Khoa Nội Tổng hợp Khoa đã tạo dựng được một môi trường năng động, đoàn kết, tạo cơ hội cho từng thành viên sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân. Đội ngũ 19 nhân sự của Khoa có đủ phẩm chất, năng lực để mang lại kết quả tối ưu trong điều trị cùng sự hài lòng từ phía người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hiện Khoa có 2 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 3 thạc sĩ, bác sĩ; 3 điều dưỡng Đại học. Phong trào “Thay đổi thái độ ứng xử trong giao tiếp hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã thực sự đi vào từng hoạt động của Khoa, nhận được sự đánh giá cao của bệnh nhân. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, Khoa đã tổ chức tốt công tác đào tạo, đào tạo lại về quy tắc xứng xử, chống nhiễm khuẩn, hướng dẫn đọc và phát hiện những bất thường trên điện tâm đồ,... Công tác khám, chữa bệnh tại Khoa Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh, đội ngũ nhân sự của Khoa cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài: “Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân bướu nhân tuyến giáp khám ngoại trú tại Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện E”, “Khảo sát người bệnh hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện E”… Ngời sáng bởi tài năng, y đức, đội ngũ nhân sự của Khoa cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện, đền ơn, đáp nghĩa. Khoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ kế cận khi tham gia giảng dạy cho sinh viên các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Học viện Y học Cổ truyền Dân tộc, Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia,… Để khích lệ cán bộ, viên chức trong đơn vị tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới, Chính phủ, các cấp, các ngành đã trao tặng Khoa Nội Tổng hợp: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Y tế, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc… Đặc biệt, Khoa đang được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Luôn đặt sự an toàn của người bệnh và y đức lên hàng đầu, tập thể Khoa sẽ tiếp tục nỗ lực vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Quỳnh Hương

Nhân dân và cán bộ xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội: Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

TĐKT - Phát huy truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi từng hai lần được chọn làm kinh đô nước Việt, những năm gần đây, người dân Cổ Loa đã mạnh dạn đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng với các loại cây như hoa, cây cảnh, rau màu cho giá trị thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và tăng trưởng khá. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và chuẩn văn hóa nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014. Đồng chí Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch UBND xã Cổ Loa (thứ 5 từ phải sang) nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội Năm 2018, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, UBND xã đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kế hoạch xây dựng cơ bản, dự toán thu chi ngân sách, đồng thời triển khai tới các ngành, ban, đơn vị liên quan thực hiện theo quy định. Thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, UBND xã đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các lĩnh vực trọng tâm. Đó là: Chỉ đạo quán triệt cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc cơ quan xã thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế của cơ quan, quy tắc ứng xử nơi công sở, 100% phòng làm việc và cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan xã thực hiện việc niêm yết, ký cam kết thực hiện văn hóa ứng xử nơi công sở. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Tích cực xây dựng Đề án đầu tư xây dựng xã Cổ Loa thành phường vào năm 2020 và triển khai thực hiện các đề án thành phần trong Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận đặc biệt tập trung thực hiện các đề án sáng - xanh - sạch - đẹp. Chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, tăng cường công tác quản lý đầu tư, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm chi, đẩy mạnh công tác thu. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết quả năm 2018, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của xã đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra: Thu ngân sách đạt trên 27 tỷ đồng, bằng 287,86% so với kế hoạch. Tổng thu nhập toàn xã đạt 921,6 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 45,6 triệu đồng. Hoàn thành các dự án xây dựng nhà văn hóa các thôn Chợ, Sằn, Mít; nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông dân sinh, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế của xã Cổ Loa trong năm là đã chỉ đạo quyết liệt thay đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn, trong đó mạnh dạn hỗ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng, các hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn đã được triển khai trong nhiều năm qua, tuy nhiên rau chưa được đưa vào thị trường tiêu thụ có chất lượng. Năm 2018 xã đẩy mạnh triển khai Mô hình trồng khoai tây theo phương pháp hữu cơ với 3,6 ha tập trung ở xứ đồng Đống Giáo (thôn Nhồi Dưới), xứ đồng Bãi Đồn, Sau Đồng (thôn Gà), xứ đồng Thánh Hiền (thôn Dõng). Thực hiện triển khai mô hình, xã đã liên hệ Trung tâm doanh nghiệp hỗ trợ và phát triển mở 4 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây khoai tây cho 400 lượt người. UBND xã hỗ trợ phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu vi sinh.  Kết quả các diện tích trồng khoai đã cho thu hoạch sản lượng gấp 3 lần so với trồng lúa. Qua đó đã tạo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm khoai sạch; dần hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới được duy trì, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu năm 2019 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020. Xã Cổ Loa được khen thưởng tại hội nghị tổng kết năm 2018 của huyện Đông Anh Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều thành tích nổi bật: Tổ chức vận động quỹ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo đạt 151,61% triệu đồng; giải ngân cho 16 trường hợp (13 xây mới, 3 sửa chữa) người có công xây mới, sửa chữa nhà ở với số tiền 1,06 tỷ đồng; tỷ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng đạt 89,2% (tăng 9,2% so với năm 2017). Chất lượng giáo dục của cả 4 trường trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt, đạt trường chuẩn Quốc gia, Tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố. Công tác khuyến học từ xã đến thôn được duy trì và phát triển hiệu quả, đặc biệt phong trào xây dựng Cộng đồng học tập, Dòng họ hiếu học, Gia đình hiếu học được đẩy mạnh góp phần xây dựng xã hội học tập. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với phương châm chăm sóc, phục vụ người bệnh toàn diện, giảm phiền hà, chú trọng các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao ngày càng đông, nhất là phong trào đi bộ, cầu lông, bóng chuyền hơi... Trong năm xã đã tổ chức 50 buổi biểu diễn văn nghệ, 51 giải thi đấu thể dục thể thao; thành lập 15 Ban chủ nhiệm nhà văn hóa – khu thể thao các thôn, niêm yết 15 Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng tại nhà văn hóa, 13 bộ quy tắc ứng xử tại các điểm di tích. Đặc biệt, xã đã đẩy mạnh thực hiện Đề án 05 của Huyện ủy, Đề án 02 của UBND huyện về thực hiện Chương trình 03-CTr/HU về quản lý, khai thác có hiệu quả điểm sinh hoạt cộng đồng; triển khai lắp đặt máy tính, tủ sách pháp luật, lắp đặt internet và wifi miễn phí tại các thôn. An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đảng bộ xã làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu chương trình công tác trọng tâm năm, công tác phát triển Đảng đạt 130% so với kế hoạch. 21/21 chi bộ được đánh giá “Hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Đảng bộ xã được Huyện ủy đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Việc giải quyết các thủ tục hành chính ngày càng đi vào nền nếp, các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa để các tổ chức, cá nhân tiện tra cứu và giao dịch. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành kế hoạch năm; động viên nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nhìn lại những kết quả và thành tựu đã đạt được trong năm 2018, nhân dân và cán bộ xã Cổ Loa càng tự hào, phấn khởi trước những đổi thay mạnh mẽ của quê hương; đồng thời quyết tâm gặt hái nhiều thành tích cao hơn trong năm 2019. Thu Hằng  

Ngành Y tế Hà Nội phát động thi đua năm 2019

TĐKT - Sáng 25/2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị phát động thi đua năm 2019 và kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019). Tới dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân. Trong năm 2018, ngành y tế Thủ đô đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua, tiêu biểu là đã làm tốt công tác cải cách hành chính, quy tắc ứng xử, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Ngành đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời các dịch bệnh. Vì vậy, năm 2018 trên địa bàn thành phố không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Năm 2018 cũng đánh dấu sự kiểm soát tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, phát triển công nghệ mũi nhọn mà Hà Nội có thế mạnh, phục vụ công tác khám chữa bệnh hiệu quả hơn… nhờ đó, uy tín ngành y tế Thủ đô ngày càng được nâng lên. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen cho các cá nhân Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, ngành y tế Thủ đô hoàn thành 100% chỉ tiêu thành phố giao. Riêng chỉ tiêu giường bệnh đã tăng từ 23,3 lên 24,5 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ cũng tăng từ 13,1 lên 13,3 bác sĩ/vạn dân. Cùng với đó, các chỉ tiêu khám chữa bệnh đều đạt và vượt kế hoạch, số lượt khám bệnh là gần 6,7 triệu lượt (tăng 4,5% so với năm 2017), gần 800 nghìn người bệnh điều trị nội trú (tăng 6,4%) và hơn 144 nghìn ca phẫu thuật (tăng 4,5%). Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng đều qua các năm. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời mong muốn ngành y tế Thủ đô tiếp tục phát huy thành tích đạt được, đầu tư phát triển thêm nhiều kỹ thuật mũi nhọn vượt trội, góp phần chăm sóc kịp thời trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi lời chúc mừng đến những thầy thuốc áo trắng, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế Thủ đô trong năm qua. Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung vào công tác khám, chữa bệnh, ngành y tế Thủ đô cần thực hiện mục tiêu lấy phòng bệnh và tiêu chí phát hiện bệnh sớm là chính, từ đó, hạn chế việc người dân phải đến bệnh viện. Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phục vụ, mỗi cán bộ y tế phải thực sự là người thầy thuốc, người mẹ hiền, không chỉ bằng khẩu hiệu mà bằng cả lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp. Không chỉ tuyên truyền, tư vấn cho người dân có thêm kiến thức phòng tránh bệnh tật, chăm sóc sức khoẻ ngay từ bào thai trong bụng mẹ đến khi trưởng thành, mỗi cán bộ y tế phải nghiên cứu quy trình tiếp nhận, quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, quản lý thuốc, lên đơn thuốc… để từ đó xây dựng và đưa ra một quy trình chuẩn trong khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh tốt hơn. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội và bà Phạm Thị Liễu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Dịp này, Bộ Y tế cũng tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân của ngành y tế Thủ đô. 46 tập thể và 46 cá nhân đã được UBND TP Hà Nội khen thưởng, trong đó có 10 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND thành phố. Mai Thảo

“Chiếc cầu nối” giữa nhân dân với Đảng

TĐKT – Hơn 10 năm đảm nhận vai trò là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 5, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dụ (sinh năm 1948) luôn tâm huyết, chủ động vận động được đông đảo quần chúng nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt, góp phần xây dựng tổ dân phố ngày càng văn minh, giàu đẹp; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Con đường hoa ý Đảng, hợp lòng dân Nhìn hai bạn sinh viên đang làm dáng bên khóm cúc vàng (trên con đường hoa ngõ 56), người thì nở miệng cười điệu, người thì cầm chiếc điện thoại chụp ảnh liên tục, anh Nguyễn Trung Lâm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm nhanh nhảu chỉ tay giới thiệu: Hầu như ngày nào cũng có người đến chụp ảnh ở con đường này. Đây chính là con đường hoa ý Đảng, hợp lòng dân đã được lựa chọn gắn biển công trình tiêu biểu của quận Bắc Từ Liêm năm 2018. Con đường được hình thành nhờ toàn bộ nguồn kinh phí từ nhân dân đóng góp và tâm huyết của các đồng chí đảng viên trong chi bộ Đảng Tổ dân phố số 5, mà đứng đầu là đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Dụ. Anh Lâm cho biết: Trước đây, con ngõ này là nơi tập kết rác thải qua ngày qua đêm, mùi rất khó chịu. Người dân thì lấn chiếm phần lớn diện tích lòng đường để kinh doanh buôn bán, gây lộn xộn, mất vệ sinh môi trường và mất mỹ quan. Thậm chí, nhiều lần còn nhìn rõ những đầu kim tiêm, xi lanh vứt bỏ lại ngay bên vệ đường, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, ai nấy đều lo ngại. Ông Nguyễn Văn Dụ, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 5, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội bên con đường hoa Những trăn trở đó của người dân đã được đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Dụ tiếp nhận và đưa vào các buổi sinh hoạt chi bộ nhằm trao đổi, bàn bạc và tìm phương án giải quyết. Với quyết tâm lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, chủ trương xây dựng con đường hoa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã được cấp ủy thống nhất. Quyết là làm, với vai trò tiên phong, gương mẫu, ông không ngại đến gõ cửa từng gia đình giải thích về phương án; đồng thời thuyết phục, vận động nhân dân đóng góp tiền của và ngày công lao động, phục vụ công trình làm đẹp khu dân cư. Chủ trương sát với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân do đó được bà con đồng tình, ủng hộ, với tổng số tiền đóng góp lên đến hơn 40 triệu đồng. “Ngày thi công con đường, nhà nhà đều cử người ra sắn tay mỗi người một việc, người thì chở cát, người thì chở gạch, không khí rộn ràng như một công trường. Kết quả là chỉ trong 1 tuần, con đường đã được cải tạo khang trang, được trang trí bằng những luống cây, hoa sặc sỡ sắc màu.” – chị Phương, một người dân sống ở khu vực này nhớ lại. Đến nay, đã hơn 1 năm đi vào sử dụng, con đường hoa đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của bà con nhân dân nơi đây, góp phần chấm dứt hoàn toàn tình trạng rác thải bừa bãi, lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Khoác áo mới cho mương nước thải Nhiều năm nay, con mương nước thải chạy qua ngách 1/4 phố Văn Hội, Khu tập thể Xí nghiệp Xây dựng Nông nghiệp 3, ngày càng trở nên ô nhiễm. Mùi hôi thối bốc lên, mất vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật. Thấu hiểu nỗi khổ của bà con nhân dân sống gần khu vực mương nước thải, với vai trò là Bí thư chi bộ Tổ dân phố, ông Nguyễn Văn Dụ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, đề nghị cứng hóa con mương. Song vì ngân sách có hạn, chủ trương cứng hóa mương vẫn chưa thể thực hiện. Nước thải vẫn chảy, năm này qua năm khác và người dân tiếp tục gánh chịu hậu quả của việc mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống . Anh Nguyễn Trung Lâm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 chỉ dẫn đến phần mương nước thải chưa được cứng hóa Năm 2014, ông Dụ mạnh dạn đưa vấn đề xã hội hóa công trình cứng hóa mương nước thải ra bàn bạc với cấp ủy; đồng thời công khai lấy ý kiến của bà con nhân dân. Ý kiến của ông nhanh chóng được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Những nhà sát mương thì đóng góp nhiều hơn những nhà phía bên trong; có nhà góp tiền, có nhà góp xi măng, sỏi đá, góp công…với tổng tiền lên đến 800 triệu đồng. Khi thi công đến đoạn mương thuộc gia đình nhà ai thì nhà ấy phụ trách giám sát. Kết quả là, chỉ trong một thời gian ngắn, con mương đã được bê tông hóa, đến nay trở thành “con đường của cộng đồng”,  thuận tiện cho bà con đi lại, là địa điểm đẹp để cộng đồng dân cư tổ chức đám hiếu, đám hỉ, giúp tiết kiệm chi phí cho nhân dân, tạo nên bộ mặt mới cho khu dân cư. Anh Đặng Văn Thanh, một cư dân ở cuối ngách 1/4 phố Văn Hội cho biết: Từ ngày có con đường mới này, mùi hôi thối bốc lên từ con mương không còn nữa, gia đình tôi luôn mở cửa đón gió mát và ánh sáng mặt trời. Cuộc sống trở nên thoải mái và hạnh phúc. Mương nước thải đã được cứng hóa, trở thành con đường khang trang, sạch sẽ “Tuy nhiên, diện tích mương nước thải chưa được cứng hóa chảy qua địa bàn Tổ còn gần 1 cây số, vẫn còn là những bất cập, gây khó khăn cho cuộc sống của nhân dân. Tôi mong muốn trong năm 2019, dự án sẽ sớm được triển khai, góp phần mang đến cuộc sống đảm bảo cho nhân dân.” – ông Dụ cho biết. Phó Chủ tịch UBND phường Đức Thắng Hoàng Văn Khánh đánh giá: Cuộc sống của người dân Tổ dân phố số 5, phường Đức Thắng hôm nay đang thay đổi từng ngày. Không còn hộ nghèo, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp, các tụ điểm rác tồn đọng dần bị xóa sổ; hiện tượng trộm cắp, tệ nạn xã hội, đánh, cãi chửi nhau ngày càng hạn chế… Những thành quả đó có sự đoàn kết, chung tay góp sức của cấp ủy, các đoàn thể cùng toàn thể nhân dân địa bàn dân cư số 5, trong đó có sự đóng góp rất lớn công sức, trí tuệ của cá nhân đảng viên Nguyễn Văn Dụ. 10 năm liên tiếp chi bộ Đảng Tổ dân phố số 5 liên tục được công nhận là  “Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”. Còn đối với ông Nguyễn Văn Dụ, 70 năm tuổi đời, gần 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, quãng thời gian ý nghĩa nhất có lẽ chính là được gắn bó, sát cánh cùng với quần chúng nhân dân, được cống hiến, đem lại lợi ích thiết thực cho họ, được làm chiếc cầu nối vững chắc giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Mai Thảo

Nhân dân và cán bộ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội): Đoàn kết, đồng thuận, xây dựng quê hương ngày càng phát triển

TĐKT - Năm 2018, xã Đa Tốn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chung của cả nước, của thành phố có nhiều thuận lợi. Từ sự nỗ lực, tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế hộ gia đình với nhiều ngành nghề phù hợp. Nhờ đó, kinh tế xã phát triển ổn định. Nông nghiệp phát triển theo đúng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp còn 231,5 ha, trong đó diện tích trồng lúa 40 ha; năng suất lúa mùa đạt 45 tạ/ha, rau mầu các loại 57,45 ha; cây ăn quả 123 ha; hoa, cây cảnh 3 ha; các loại cây trồng khác trên 8 ha, đều cho thu nhập ổn định. Trên địa bàn xã có gần 500 hộ sản xuất, kinh doanh các loại. Các ngành, đoàn thể lập hồ sơ vay vốn cho 163 hội viên vay để phát triển kinh tế với tổng số tiền vay hơn 4 tỷ đồng. Quỹ tín dụng nhân dân đã huy động nguồn vốn trong nhân dân và cho các hộ vay để phát triển kinh tế số tiền trên 50 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2018 đạt trên 32 tỷ đồng, bằng 292% kế hoạch; thu ngân sách xã đạt hơn 41 tỷ đồng, bằng 333% kế hoạch. Chi ngân sách xã hoàn thành 100% kế hoạch, bảo đảm chi đúng, chi đủ, tiết kiệm. Về xây dựng nông thôn mới, xã giữ vững 19/19 tiêu chí, trong đó tiêu chí thu nhập tăng. Công tác quản lý đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản, quản lý đô thị ngày càng đi vào nền nếp đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn của xã. Xã Đa Tốn được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2018, phát động phong trào thi đua năm 2019 Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền, các ban, ngành và nhân dân luôn dành sự quan tâm chăm lo chu đáo cho công tác giáo dục. Chất lượng giáo dục bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được nâng cao. Cơ sở vật chất của các nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy - học, vui chơi giải trí của học sinh. Trạm y tế xã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và trẻ em, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Người dân ngày càng nâng cao ý thức trong việc xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Các đối tượng chính sách, người có công được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của Nhà nước. Đến cuối năm 2018 xã còn 22 hộ nghèo (0,59%) giảm 10 hộ so với đầu năm; hộ cận nghèo còn 57 hộ, giảm 6 hộ. Công tác cải cách hành chính cũng có nhiều chuyển biến, kỷ luật, kỷ cương hành chính được duy trì; nền nếp, ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng cao. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính và trả kết quả đúng hẹn đạt 100%. Tỷ lệ giải quyết đơn thư của công dân là 13/14, đạt 92,8%. UBND xã đã tổ chức 44 buổi tiếp công dân, trong đó lãnh đạo UBND tiếp 33 buổi và bố trí cán bộ trực tại phòng tiếp công dân. Về công tác an ninh - quốc phòng, Ban Công an - Ban chỉ huy quân sự xã đã chủ động nắm bắt tình hình, đề phòng ngăn chặn và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là công tác quản lý hành chính, quản lý tạm trú và lưu trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý  đối tượng; duy trì tuần tra, canh gác tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường và các khu dân cư... Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn ổn định và giữ vững. Một mùa xuân mới đang về trên vùng quê Đa Tốn thanh bình, tươi đẹp. Những thành quả trong công tác, lao động, sản xuất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được minh chứng bằng sự đổi thay mạnh mẽ của diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nhân dân. Trong niềm vui chung mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước ngày càng đổi mới, nhân dân xã Đa Tốn càng quyết tâm, nỗ lực để xây dựng quê hương giàu đẹp. Hương Quỳnh

Diện mạo mới trên quê hương Bát Tràng

TĐKT – Thực hiện lời căn dặn của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng tranh lưu niệm cho xã Bát Tràng tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Bát Tràng (20/2/1959-20/2/2019) Cách đây 60 năm, vào ngày 20/2/1959, trong thời điểm cả nước đang đẩy mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quang Minh, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã vinh dự được đón Bác về thăm. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm khu làng Bát Tràng mới, thăm một số gia đình như ông lang Tự, ông lang Xương, ông Phạm Huy Giáp. Bác cũng đến thăm Hợp tác xã Minh Châu và ân cần thăm hỏi hơn 80 công nhân, tìm hiểu về công đoạn sản xuất gốm sứ. Bác nhắc nhở: "Sản xuất ra mặt hàng này phải thực hiện: nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Muốn làm được như vậy phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mỗi người làm việc bằng hai để tăng năng suất lao động". Nhờ lời căn dặn đó, HTX Minh Châu, sau này là một phân xưởng sản xuất của Xí nghiệp sứ Bát Tràng, đã có nhiều cải tiến trong sản xuất, đưa năng suất lao động tăng 1,5 - 2 lần. Bác còn biểu dương nhân dân xã Bát Tràng đã góp phần xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải và nhắc nhở xã cần chú ý đến đường xá, giao thông, trồng cây để tạo môi trường. Đặc biệt, Người căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Thực hiện lời căn dặn của người, 60 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước cùng cả nước kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau khi đất nước thống nhất, cán bộ và nhân dân xã Bát Tràng từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục tổ chức sản xuất, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Các mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất lượng, chủng loại, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Công nghệ mới luôn được ứng dụng vào sản xuất, cơ chế tổ chức sản xuất liên tục được đổi mới, mở rộng liên doanh, liên kết để huy động các nguồn vốn, phát huy nội lực và thế mạnh của làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế bền vững. Việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong quy mô, tổ chức, hiệu quả sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn: Pháp, Nhật, Ý, Hàn Quốc, Nga… Bên cạnh việc phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời Lý, Trần Lê, Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc. Đến nay, xã Bát Tràng có 1 Nghệ nhân nhân dân; 5 Nghệ nhân ưu tú, 27 Nghệ nhân Hà Nội và gần 100 nghệ nhân làng nghề, nghệ nhân dân gian. Bát Tràng là một điểm du lịch làng nghề được nhiều khách quốc tế và trong nước biết đến Những năm gần đây, Bát Tràng còn trở thành một điểm du lịch làng nghề được nhiều khách quốc tế và trong nước biết đến. Mỗi năm, Bát Tràng đón khoảng gần 2000 đoàn khách với hàng vạn khách đến thăm quan, du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế. Đặc biệt, Bát Tràng là 1 trong 2 địa phương được thành phố lựa chọn thực hiện Đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch, quy hoạch đầu tư một cách đồng bộ. Đến nay, xã Bát Tràng có trên 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Năm 2009, UBND TP Hà Nội công nhận 2 làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và gốm sứ Giang Cao là làng nghề gốm sứ truyền thống. Năm 2015, UBND TP công nhận xã Bát Tràng đạt chuẩn nông thôn mới. “Thành quả của Bát Tràng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm. Năm 2018, huyện đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao; 22/22 chỉ tiêu kế hoạch  huyện giao; nhân dân và cán bộ huyện vinh dự được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua. 20/20 xã của huyện đat chuẩn nông thôn mới; huyện Gia Lâm đủ điều kiện đề nghị Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới; được thành phố xác định xây dựng huyện thành quận vào năm 2020.” – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần đánh giá. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của thành phố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; quyết tâm đưa Bát Tràng phát triển toàn diện, bền vững và trở thành đơn vị kiểu mẫu như Bác hằng mong muốn và căn dặn khi Người về thăm. Mai Thảo  

Đình Tường Phiêu - Di tích Quốc gia đặc biệt

TĐKT - Đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội là một trong những di tích cổ kính nổi tiếng của xứ Đoài, thờ Đức Thánh Tản Viên, có niên đại sớm và giá trị nghệ thuật cao, mang tính giáo dục sâu sắc, có giá trị khoa học, giá trị văn hóa phi vật thể. Đình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đình Tường Phiêu là một trong những viên ngọc quý trong kho tàng di sản kiến trúc gỗ ở TP Hà Nội hiện nay. Kiến trúc đình Tường Phiêu là một viên ngọc sáng trong hệ kiến trúc đình làng Việt. Đình Tường Phiêu có bố cục độc đáo, với duy nhất một đơn nguyên kiến trúc làm tăng dáng vẻ bề thế thâm nghiêm của 1 loại hình di tích thờ Thành hoàng làng. Nghệ thuật trang trí kiến trúc cũng khá đặc biệt, với kỹ thuật chạm khắc dùng nhiều thủ pháp (chạm nổi, chạm kênh). Trang trí chủ yếu là long, ly, quy, phượng, đều liên quan tới biểu trưng của điềm lành, thiên hạ thái bình, thánh nhân giáng thế, tập trung thể hiện cũng như đề cao vai trò của tam vị Đức Thánh Tản Viên, đem lại sự yên bình, giáng phúc, trừ tai, bảo vệ cuộc sống của dân làng. Đình Tường Phiêu là một trong những di tích cổ kính nổi tiếng của xứ Đoài Ngoài ra, đình Tường Phiêu là một “kho” bảo tồn và lưu trữ một khối lượng hiện vật phong phú như ngai thờ, bài vị, bát bửu, sắc phong…, có thể coi là báu vật hiếm có trong các di tích. Đáng lưu ý nhất là cửa võng gỗ thời Lê trung hưng thế kỷ XVII tại trước cửa gác lửng thờ Thành hoàng làng. Toàn bộ truyền thuyết về tam vị Đức Thánh Tản, các di vật trong đình là những tư liệu quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử đấu tranh và bảo vệ vùng đất của các thế hệ cha ông cũng như lịch sử, phong tục, tập quán của vùng đất xứ Đoài cổ xưa. Các di vật và các mảng chạm khắc trong đình là những tiêu bản quý góp phần tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật chạm khắc, trang trí của dân tộc ta. Đình Tường Phiêu là một di sản văn hóa quý giá mà cha ông ta đã để lại đến ngày nay cần được trân trọng, gìn giữ và bảo quản để phát huy giá trị. Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư. Gắn kết với việc phụng thờ vị phúc thần có công với đất nước, đình Tường Phiêu còn bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể khá độc đáo đó là lễ hội Tường Phiêu tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội mang tính vùng gắn liền với lễ hội Đền Và, trong đó phần hội còn duy trì nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đình Tường Phiêu là một công trình chứa đựng trong nó cả 3 yếu tố chân - thiện - mỹ, nó hướng con người tới cái đẹp, chân thành. Đứng trước ngôi đình, con người như được giải tỏa về tâm lý. Họ cảm thấy phải sống tốt đẹp hơn, đấu tranh chiến thắng cái xấu trong con người mình, với niềm tin tưởng tuyệt đối rằng: Thần linh đã và đang chứng kiến mọi hành vi của con người, ai làm điều xấu sẽ bị trừng phạt, đó còn có tác dụng hướng thiện con người. Tối ngày 18/2/2019, đình Tường Phiêu đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Lễ hội đình Tường Phiêu là một trong số những lễ hội tiêu biểu của vùng đất xứ Đoài xưa, nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh các nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền. Đình Tường Phiêu có các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và lễ hội gồm: Lớp văn hóa thần thoại về tam vị Thánh Tản, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên. Nhìn tổng thể, di sản văn hóa phi vật thể của đình Tường Phiêu gồm các giá trị: Kết nối cộng đồng; tri ân “uống nước nhớ nguồn”; cân bằng đời sống tâm linh;  sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Di tích và lễ hội đình Tường Phiêu chính là một pho sử sống động về lịch sử văn hóa xứ Đoài, cần thiết được bảo tồn lâu dài cho mọi thế hệ nhân dân được chiêm ngưỡng. Trải qua bao biến cố bất thường của lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn trang nghiêm bên sông Tích như một nhân chứng bất tử cho truyền thống văn hiến của quê hương. Thục Anh  

Hà Nội đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm

TĐKT – Thông tin về các hoạt động nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Hà Nội tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/2, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Quí Tiên cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đón Xuân Kỷ Hợi 2019 trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm. TP Hà Nội đã thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình có công, người nghèo, cán bộ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến người dân vùng đồng bào dân tộc. Tính đến trước ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Tuất 2018, toàn thành phố đã hoàn thành việc tặng quà Tết cho các đối  tượng chính sách, người có công với tổng số hơn 1.371.199 suất, với tổng kinh phí hơn 541 tỷ đồng. Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Quí Tiên thông tin tại Hội nghị Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng trích ngân sách bồi dưỡng cho 2.360 cán bộ công nhân viên phục vụ trực tiếp và hỗ trợ phần tiền ăn cho 7.705 đối tượng được nuôi dưỡng, chữa trị tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng người có công, cơ sở cai nghiện…với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột biến, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Các ngành chức năng của thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt, không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Trước, trong và sau Tết, các lực lượng chức năng của thành phố đã triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và vận tải hành khách; không để xảy ra hiện tượng tăng giá vé, không có hành khách nào phải ở lại bến do không có vé xe. Tính chung trong kỳ nghỉ Tết, tổng số lượng xe tại các bến đạt trên 23.000 lượt và tổng số lượng hành khách trên 345.000 lượt. Vận tải hành khách bằng xe buýt trong dịp Tết cũng tăng so với cùng kỳ với trên 96.000 lượt xe và trên 7,69 triệu lượt hành khách. Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 514.866 lượt (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 162.676 lượt (tăng 15%); khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 114.199 lượt (tăng 12%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.039 tỷ đồng (tăng 33%). Đặc biệt, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong dịp Tết giảm cả 3 tiêu chí với 5 vụ, 6 người chết, không có người bị thương và không xảy ra tai nạn đường thủy (giảm 5 vụ, 4 người chết, 2 người bị thương so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2018). An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; phạm pháp hình sự được kiềm chế, kéo giảm, không để xảy ra trọng án. Hưng Vũ

Trang