TĐKT – Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm qua, hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập vẫn còn nằm đâu đây dưới lòng đất. Gần 20 năm qua, có một người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, nguyện ước quy tập đồng đội về nơi yên nghỉ. Ông đã không quản khó khăn, nhọc nhằn, tình nguyện vượt suối, băng rừng lên đường tìm kiếm, quy tập những ngôi mộ của đồng đội cũ về với quê nhà; đồng thời tích cực đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ. Đó là tấm gương cựu chiến binh Đào Duy Cử, sinh năm 1955, thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ký ức trận chiến năm xưa
Sinh ra khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, chứng kiến những hành động tội ác của giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước, chàng thanh niên Đào Duy Cử quyết tâm ra chiến trường, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Năm 1974, khi ông Cử mới 17 tuổi, để đủ đuổi đăng ký tham gia bộ đội, ông đã xin phép bố mẹ lên xã xin khai lại năm sinh tăng thêm 1 tuổi để được nhập ngũ.
Ông Đào Duy Cử
Sau khoảng 5 tháng huấn luyện, Đào Duy Cử thuộc Trung đoàn 320, Quân khu 8, bắt đầu những tháng hành quân vất vả, gian nan; đơn vị đi thẳng vào chiến trường miền Nam, đóng quân ở Đồng Tháp Mười, rồi Long An, Kiến Tường (cũ), Mỹ Tho… Vào chiến trường, ông cùng đồng đội của mình đã trải qua những trận chiến đấu vô cùng ác liệt và cũng chiến thắng lẫy lừng. Đặc biệt, trận đánh tại cánh đồng xã Hậu Mỹ Nam, Mỹ Thiện (quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho cũ, nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra ngày 10 - 11/3/1975 đã để lại ký ức sâu đậm và đầy ám ảnh trong cuộc đời ông.
Trong trận đánh đó, Trung đoàn 320 của ông đã chiến đấu rất dũng cảm và giành chiến thắng lẫy lừng, đã tiêu diệt và bắt sống 252 tên, thu được nhiều vũ khí của địch. Chỉ tiếc, trong trận đấu này, quân ta hy sinh 19 chiến sĩ và rất đau xót là mũi tiến công của ông thiệt hại nặng nhất, gồm 13 đồng chí thì 12 đồng chí đã hy sinh, chỉ còn mình ông may mắn sống sót.
Tại trận chiến đó, ông bị thương và được đưa về chữa trị mất hơn 1 năm, tuy nhiên đến nay, viên đạn mà giặc bắn vào cánh tay trái ông hiện vẫn còn, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Cho đến bây giờ, ký ức về chiến trường xưa, về trận đánh vô cùng khốc liệt năm nào vẫn để lại sự day dứt, không thể nào quên trong ông, bởi nơi đó đồng đội ông nằm lại quá nhiều.
Hành trình đi tìm đồng đội
Những năm đầu, sau khi giải ngũ, dù bận đi học, bận công tác nhưng ông luôn đau đáu, ấp ủ tâm nguyện phải đưa được hết các đồng đội đã ngã xuống trong chiến trường trở về quê hương. Ông Cử chia sẻ: “Giống như một sự linh thiêng nào đó, trước đây khi tôi chưa thực hiện được ý nguyện của mình, nhiều đêm đang ngủ tôi lại nghe thấy tiếng gọi: “Cử ơi… Cử ơi” của đồng đội nhắn nhủ tôi đi tìm họ về”.
Đến năm 2000, khi đang công tác tại Công ty Điện lực Phú Xuyên, ông Cử có chuyến đi công tác vào Cà Mau, đi qua chiến trường xưa, ông cứ trăn trở, tự hứa sẽ quyết tâm phải thu xếp để vào tìm lại những nơi đồng đội đã hy sinh, tìm cách đưa họ về.
Cứ như vậy, gần 20 năm qua, ông Cử không quản ngại gian nan, vất vả, đã 10 lần cùng với đồng đội, cơ quan, ban, ngành và thân nhân liệt sĩ vào chiến trường xưa để đi tìm mộ đồng đội. Đến nay, có 9 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đã được ông cùng gia đình đưa về an táng tại quê nhà như liệt sĩ Hoàng Văn Tương, đã được đưa về quê ở Thanh Hà, Hải Dương; liệt sĩ Đào Trọng Hà, đã được đưa về quê nhà tại ở Hà Trung, Thanh Hóa; liệt sĩ Nguyễn Văn Bích, đã được đưa về nghĩa trang quê nhà ở Thạch Thành, Thanh Hóa… Còn những liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng chưa được gia đình nhận về hoặc chưa xác định được danh tính, ông đành để họ nằm lại nghĩa trang chiến trường xưa, cứ có dịp ông Cử lại tổ chức cùng các gia đình, đồng đội cũ về thắp hương để tri ân.
“Từ khi tìm và đưa được đồng đội trong đơn vị trở về quê hương, được chăm sóc phần mộ cho họ, tôi như được nhẹ lòng” – ông Cử chia sẻ.
Ông Cử cùng Hội Cựu chiến binh Điện lực huyện Phú Xuyên ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Diễn
Nói về những khó khăn trong quá trình đi tìm kiếm mộ liệt sĩ và đưa đồng đội về quê an táng, ông Cử chia sẻ: Những đồng đội hy sinh trong chiến đấu năm xưa phần lớn được những người dân địa phương chôn cất nhưng sau mỗi lần tập hợp, di chuyển đi chôn bị mất dấu gần hết, phần lớn các bia không được ghi danh tính. Có trường hợp mộ liệt sĩ được chôn hiện ở trên đất thổ cư của người dân. Để được người dân đồng ý đào đất, ông đã đến thuyết phục, vận động họ. Rồi có trường hợp, ông phải thuê người và máy đào đất mất 4 ngày mới tìm được mộ đồng đội. Nhiều trường hợp khác, giấy báo tử mà các gia đình liệt sĩ nhận được do thay đổi địa danh đơn vị hành chính như tách, nhập xã, huyện nên khi tìm được mộ đến báo cho gia đình các liệt sĩ đến nhận cũng rất khó khăn.
Trường hợp liệt sĩ Hoàng Văn Tương – là một trong 12 người hy sinh trong trận đấu năm ấy. Ngay từ khi từ chiến trường trở về, ông đã nung nấu ý định sẽ đưa hài cốt bạn về quê hương. Nhưng thông tin mà ông Cử biết quá ít ỏi, khi còn sống anh Tương chỉ kể nhà ở Thanh Hà, Hải Dương; nên mãi chưa tìm được. Vì vậy, ông đã đặt tên con gái là Thanh Hà, như một quyết tâm phải tìm bằng được gia đình để đưa liệt sĩ Tương về.
Mãi sau này, khi là Giám đốc Công ty điện lực Phú Xuyên, ông Cử đã nghĩ ra cách thông qua hoạt động thu tiền điện tại địa phương để lần tìm. Nghĩ vậy ông đã liên hệ cả với Giám đốc Sở Điện lực tỉnh Hải Dương, nhờ họ và may mắn đã tìm được.
Không chỉ trực tiếp đi tìm mộ liệt sĩ, ông Cử còn là người mẫu mực trong xây dựng kinh tế, phát triển quê hương. Trong phong trào đền ơn, đáp nghĩa ở địa phương, ông đã đứng ra vận động bạn bè, đồng nghiệp quyên góp sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.
Từ năm 2010, ông đã vận động anh em trong Công ty Điện lực tham gia hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa. Để xây dựng quỹ, cán bộ, nhân viên của công ty hưởng ứng rất nhiệt tình bằng cách đóng góp ngày lương hoặc đóng góp tùy tâm. Ngoài ra, ông Cử còn vận động thêm bạn bè, đồng đội, các đơn vị ở ngoài đóng góp thêm. Nhờ đó, đến nay đơn vị đã đóng góp với địa phương xây dựng được 3 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông cũng tích cực tham gia, ủng hộ trên 30 triệu đồng vào xây dựng các công trình đường làng, nhà văn hóa… ở địa phương.
Chia sẻ về dự định của mình, ông Cử cho biết, ông sẽ tiếp tục đi tìm, để đưa được hết các đồng đội đã hy sinh của mình trở về quê hương. Mặt khác, ông vẫn tiếp tục mong muốn được đóng góp chăm lo cho các gia đình chính sách thông qua việc xây nhà tình nghĩa, tặng quà… Ông muốn làm được thật nhiều việc đền ơn, đáp nghĩa để tri ân những đồng đội đã ngã xuống cho cuộc sống tự do hôm nay.
Với những đóng góp của mình, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì (2001), Huân chương Chiến công hạng Ba (2011); được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương tặng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, Chiến sỹ thi đua. Mới đây, ông được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu Thành phố năm 2019.
Nguyễn Hiền