Điển hình tiên tiến

Cô giáo vùng cao hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”

TĐKT - Không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu, đó là cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là địa bàn xã giáp ranh với biên giới Trung Quốc, cách trung tâm huyện 85 km. Cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Cô giáo Ngọc được phụ huynh tin yêu, tín nhiệm bởi là người thường xuyên bám trường, bám lớp, chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo. Cô để lại ấn tượng với gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm. Cô luôn nghiêm túc với công việc của mình nhưng cũng rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Trong những năm giảng dạy, cô Ngọc luôn tích cực tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cô vẫn nhớ mãi kỷ niệm khi rời quê hương Ninh Bình về đây công tác, giảng dạy, năm đó là năm 2008, vào tháng 8, sự tin tưởng của cấp trên và sự tín nhiệm của đồng nghiệp, cô được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng. Ở cương vị mới, cô Ngọc luôn chủ động trong công tác tham mưu cho Hiệu trưởng về các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ; xây dựng khối đoàn kết, nhất trí vì mục tiêu phát triển của nhà trường. Với nỗ lực đó, năm 2012, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Để không phụ lòng tin của đồng nghiệp, phụ huynh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, cô luôn gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, chú trọng chỉ đạo giáo viên áp dụng hoạt động, các hội thi, các chuyên đề phát triển vận động, tăng cường tiếng Việt cho trẻ... Quá trình tham gia công tác, cô luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều giải pháp của cô đã được Hội đồng Khoa học của huyện Phong Thổ công nhận như: Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số ở Trường Mầm non Sì Lờ Lầu; một số biện pháp chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo thực hiện chuyên đề “Phát triển vận động” ở Trường mầm non Sì Lờ Lầu; một số biện pháp chỉ đạo giáo viên rèn tính mạnh dạn, tự tin cho trẻ mầm non 3 - 4 tuổi Trường mầm non Sì Lở Lầu. Cùng với việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, cô luôn thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương với Phòng Giáo dục và Đào tạo để đầu tư, xây dựng, bổ sung các hạng mục cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị các phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ. Phối hợp với phụ huynh, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã và các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tham gia việc xây dựng, tạo cảnh quan nhà trường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn; thiết kế môi trường vật chất, môi trường xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được học tập, vui chơi. Năm học 2013 - 2014, tập thể trường do cô lãnh đạo được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đây là bước khởi đầu về thành công trong sự nghiệp của cô tại một trường thuộc xã biên giới với vô vàn khó khăn, vất vả. Thành công của cô Ngọc có bóng dáng của người chồng luôn biết động viên, chia sẻ phía sau lưng. Chồng cô Ngọc là nhân viên kế toán tại Trường THCS xã Sì Lở Lầu. Cuộc sống nơi vùng cao biên giới còn gặp không ít những khó khăn, song vợ chồng cô Ngọc luôn biết động viên nhau để cùng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời nuôi dạy con trưởng thành. Từ nỗ lực bảo ban của bố mẹ, các con của cô đều chăm ngoan học giỏi. Cả hai đều đỗ cao và theo học tại các trường đại học uy tín trong nước. Tiếc thay, cũng bởi thiếu may mắn nên trong một lần đi công tác từ trường về huyện để chuyển lương cho giáo viên trước khi về Tết hồi đầu năm 2015, chồng cô Ngọc đã không may bị tai nạn xe máy, bị chấn thương sọ não. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của cô, khi đó hai cháu vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, ba mẹ con đưa bố chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Bị chấn thương sọ não nên chồng cô đã bại liệt nằm một chỗ. Để không ảnh hưởng đến công việc và tiện chăm lo cho chồng, cô đã đưa chồng lên xã Sì Lở Lầu (nơi cô công tác) để tiện chăm sóc. Được 6 tháng, do sức khỏe của chồng quá yếu, cô lại phải chuyển chồng trở về bệnh viện ở Hà Nội để hai con giúp mẹ chăm sóc. Vì chấn thương quá nặng nên chồng cô đã qua đời vào đầu năm 2018. Cũng trong thời điểm khó nhất, cô đã được ngành Giáo dục Lai Châu bình chọn giới thiệu tham gia Chương trình tri ân các nhà giáo nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2015 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Cô được sự quan tâm, động viên kịp thời của các đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo cùng với sự chia sẻ của các con, hơn nữa các con của cô cũng đã trưởng thành và có việc làm ổn định, đã luôn cổ vũ, động viên, khích lệ cô tiếp tục thực hiện niềm đam mê nghề nghiệp mà cô đã lựa chọn. Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Sì Lở Lầu liên tục được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc và được tặng Bằng khen. Năm học 2019 - 2020, trường của cô tiếp tục được tặng Cờ thi đua của tỉnh. Trường Mầm non xã Sì Lở Lầu là đơn vị được Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chọn làm điểm về Mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Lai Châu lần thứ IV (2020 - 2025), một lần nữa cô lại được vinh danh cá nhân tiêu biểu vượt khó của ngành. Bản thân cô cũng đã được Hội đồng cấp Bộ xét đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15 năm 2020. Hồng Thiết

Phó Chủ tịch nước động viên, biểu dương các thầy cô giáo “bám bản”

TĐKT - Chiều 18/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp mặt Đoàn đại biểu giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021. Cùng dự có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chủ tịch nước; Trung ương Hội LHTN Việt Nam và đặc biệt là 34 thầy cô giáo về dự chương trình. Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, chương trình được tổ chức từ năm 2015 đến nay. Sau 6 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 340 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Đó là các thầy cô “bám bản” dạy vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; các thầy giáo là người dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch nước gặp mặt thầy, cô giáo tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 Năm nay, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long vẫn quyết tâm tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021, để cổ vũ, động viên và tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh các gương thầy giáo, cô giáo theo giới thiệu, đề xuất từ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố (sau khi hiệp thương với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố), năm 2021, Ban Tổ chức Chương trình còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương giới thiệu. Sau 2 tháng kể từ khi phát động Chương trình (1/8 - 15/10/2021), Ban Tổ chức đã nhận được 116 gương thầy, cô giáo từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Ngày 21/10/2021, Hội đồng xét chọn gương giáo viên dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 đã họp và lựa chọn ra 50 gương giáo viên tiêu biểu để tuyên dương. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đến từ nhiều địa phương trên cả nước đã chia sẻ những khó khăn, vất vả của sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến công tác dạy và học thời gian qua phải thay đổi về nhiều mặt.          Vượt lên trên những thách thức đó, các đại biểu của Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 nói riêng, các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung vẫn không ngừng nỗ lực, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, vừa trở thành chỗ dựa cho học trò, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại chương trình Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng và xúc động khi gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nhân ngày 20/11; được lắng nghe những tâm sự, chia sẻ mộc mạc, tình cảm, thiết thực từ việc làm cụ thể của các thầy cô ở cơ sở. “Tôi hoan nghênh sáng kiến của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long; hoan nghênh thầy cô - những người đã tận tâm tận lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người của đất nước chúng ta”, Phó Chủ tịch nước nói. Việt Nam chúng ta có bề dày truyền thống, văn hóa, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu học đã trải qua bề dày lịch sử của đất nước, ngày càng hun đúc thêm và tạo thành nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính từ truyền thống đó, đã tạo ra lớp người, thế hệ người Việt Nam anh hùng, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước những khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta đến ngày nay. “Nhưng nhìn chung, vị trí, vai trò của ngành giáo dục, của người thầy, người cô lúc nào cũng được Đảng, Nhà nước, xã hội nâng niu, trân trọng. Đó là điều chúng ta cảm thấy rất vui, ấm áp khi làm nghề thiêng liêng, cao quý này”, Phó Chủ tịch nước chia sẻ. Nhắc đến sự nghiệp giáo dục, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và luôn đặt đội ngũ giáo viên ở vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển giáo dục. Một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước đó là đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Chính ngành giáo dục, chính những người thầy, người cô ở đây là người góp phần để xây dựng nguồn nhân lực, trở thành khâu đột phá quan trọng trong phát triển đất nước. Những đột phá khác, những đột phá “cứng” có thể hữu hạn, nhưng đột phá nguồn nhân lực (tức là nguồn lực con người) đó là vô hạn. Khi chúng ta biết phát huy, chúng ta biết khơi dậy đúng lúc, thì thực sự ngành giáo dục sẽ có những bước phát triển vượt bậc. “Đảng, Nhà nước và xã hội đều đặt giáo dục, đặt vị trí của người thầy và học trò vào vị trí trung tâm cho sự phát triển”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức mới, đó là công nghiệp 4.0, gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới công việc học, cũng như giảng dạy của các em học sinh và thầy cô giáo. Chính vì vậy đòi hỏi các thầy cô giáo phải có nhiều cách làm sáng tạo, thích ứng nhanh chóng mới có thể theo kịp, thay đổi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ghi nhận, đánh giá cao những hình thức giảng dạy hiện đại, sáng tạo mà các thầy cô giáo đã áp dụng hiệu quả trong trạng thái bình thường mới, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, các thầy, cô giáo chính là những bông hoa rực rỡ nhất trong rừng hoa của ngành giáo dục nước nhà, là những tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, các thầy, cô giáo được tuyên dương lần này tiếp tục phát huy thành tích, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nhất là về kỹ năng, phương pháp sư phạm trong điều kiện dạy và học trực tuyến, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp “trồng người”, trở thành những hạt nhân xây dựng văn hóa học đường mới trong bối cảnh bình thường mới. Phó Chủ tịch nước đề nghị, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Thục Anh  

Người thầy phải là tấm gương, tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên

Ngày 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (11/10/1951 - 11/10/2021) và trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 tặng nhà trường. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số Bộ, ngành, các cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 tặng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Suốt 70 năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những điểm sáng “Diệt giặc dốt”, đóng góp trọn vẹn cho đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhà trường đã được ngành giáo dục và xã hội ghi nhận vai trò là “máy cái của ngành sư phạm”, đã đào tạo ra lớp lớp thầy cô giáo mang tri thức truyền bá cho các thế hệ ở khắp mọi vùng miền của đất nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trường cũng là điểm sáng trong công tác giáo dục sinh viên trong từng giai đoạn theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, là nơi khởi nguồn của phong trào “3 sẵn sàng” (năm 1964), là nơi đầu tiên phát động phong trào xây dựng các “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”. Rất nhiều cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của ngành, đã trở thành đội ngũ nòng cốt xây dựng nhiều trường sư phạm trên toàn quốc và cũng là lực lượng nghiên cứu và giảng dạy khoa học cơ bản ở các trường giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Do triển khai thành công phương châm “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, nhiều cán bộ của trường đã tự đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ đầu tiên trong nước, đi tiên phong trong đào tạo đại học theo học phần, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học có trình độ đại học, đào tạo trẻ khuyết tật có trình độ đại học. Từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo khoảng 100 nghìn cử nhân, 23 nghìn thạc sĩ và hơn 1.700 tiến sĩ; hàng chục học sinh trong hệ đào tạo chuyên đã mang về các giải thưởng cao quý, huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Với nhiều đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu của nhà trường mà các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo và toàn thể sinh viên đã dày công đạt được trong suốt 70 năm qua. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch nước gửi tới đội ngũ giáo chức của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và toàn thể thầy giáo, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm quý mến, lời chúc sức khỏe và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; trân trọng cảm ơn đội ngũ nhà giáo Việt Nam vì những đóng góp lớn lao, bền bỉ nhưng đôi khi cũng vô cùng thầm lặng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Đề cập đất nước và nền giáo dục đang đứng trước những thách thức chưa từng có: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, đòi hỏi phải thay đổi, phải nâng cao trình độ, đổi mới sáng tạo để thích ứng; đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải định hình lại toàn diện phương thức làm việc, học tập để phù hợp với một nền kinh tế và xã hội đang chuyển đổi số nhanh chóng, Chủ tịch nước nêu rõ nền giáo dục nói chung, và đặc biệt là ngành sư phạm nói riêng, cần phải thích ứng mạnh mẽ để trang bị những kỹ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đòi hỏi. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi lễ.  Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Nhà nước xác định là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước, là một trong những cái nôi đào tạo ra những người thầy đứng trên bục giảng thực hiện sứ mệnh trồng người, do đó Chủ tịch nước đề nghị thầy và trò nhà trường phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành đáng tự hào, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết với tinh thần quyết tâm, sáng tạo cao hơn. Trước hết, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, thật sự là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên và xã hội soi vào; phải có tinh thần tự học và tự sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy, thực tiễn và có năng lực chủ động hội nhập. Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho sinh viên, học sinh vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Để bảo đảm giữ vững chất lượng và khẳng định vị thế của nhà trường, cần tập trung hoàn chỉnh cả về mô hình và cơ chế của trường đại học sư phạm trọng điểm trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của cả nước, đổi mới toàn diện về phương pháp và nội dung đào tạo nhằm đáp ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới hiện nay. Bên cạnh đó, tích cực tham gia và đóng vai trò dẫn dắt trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TW. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Phòng truyền thống của nhà trường.  Bày tỏ mong muốn sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người vừa hồng vừa chuyên, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng giáo dục và phẩm chất cao quý của người thầy; yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế; Chủ tịch nước yêu cầu nhà trường tiếp tục đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn vững vàng, gần gũi hơn với bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông nước nhà; có chính sách phù hợp để thu hút người giỏi thi vào sư phạm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết cảm tưởng vào Sổ lưu niệm tại Phòng truyền thống của nhà trường. Nhấn mạnh trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần xây dựng dự án để đề xuất đầu tư trọng điểm nhằm xây dựng cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, đi kèm theo đó là lựa chọn và phát triển mô hình quản trị trường đại học hiệu quả, tiên tiến trên nền tảng kỹ thuật số; Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành hữu quan cần triển khai tốt công tác Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là mạng lưới các trường cao đẳng, đại học sư phạm bởi đây là mạng lưới các trường đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Chủ tịch nước cũng lưu ý trong điều kiện vừa “dạy tốt, học tốt”, vừa phòng chống dịch tốt, nhà trường cần chuẩn bị những điều cần thiết để sinh viên, học sinh đến trường được an toàn, học tập trực tuyến được thuận lợi, hiệu quả. vpctn.gov.vn

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Bế giảng Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp Toàn quốc năm 2021. Tới dự, có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp. Ảnh Vân Anh/VPCTN Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, ngày 20/11 hằng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ 'tôn sư trọng đạo', là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người thầy giáo, cô giáo, để mọi ngành, nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Năm học vừa qua diễn ra dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực đào tạo nghề và việc làm; nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động dạy và học của hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, trong khó khăn lại càng thử thách quyết tâm, bản lĩnh và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Với quyết tâm và ý chí 'Dừng đến trường nhưng không dừng việc dạy và học', hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã chủ động, linh hoạt thích ứng, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin với tinh thần mạnh mẽ nhất để bảo đảm việc dạy và học của thầy và trò không bị gián đoạn. Ngay trong tâm dịch, khi nhiều trường phải đóng cửa, thì các sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn lên lớp, vào xưởng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp với phương châm '3 tại chỗ'. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng hoa Giáo sưu, Tiến sĩ khoa học Dương Qúy Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng – Người được Trung tâm khoa học quốc tế biên niên Cambridge-Anh bầu chọn vào “Top 100 chuyên gia y tế trong năm 2015”. Ảnh Vân Anh/VPCTN Dịp này, Ban tổ chức đã vinh danh 161 cá nhân, tập thể đạt thành tích cao tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp Toàn quốc năm 2021. vpctn.gov.vn

Cô giáo vùng cao yêu nghề, mến trẻ

TĐKT - Cắm bản nhiều năm ròng rã ở điểm trường cách xa nhà hàng chục cây số, phải đối diện với những điều kiện thiếu thốn về mọi mặt: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế…, nhưng với cô giáo người Mông Cứ Thị Pàng Dinh (trường mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), tất cả đều là “chuyện bình thường”. Bởi tình yêu nghề cháy bỏng luôn thôi thúc cô nỗ lực phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ vùng cao. Cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh (ảnh: NVCC) Bước chân vào ngành giáo dục năm 2013, từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, chính những ánh mắt ngây thơ, những ước mơ giản dị của các em nhỏ vùng cao: “Sau này con cũng muốn làm cô giáo như cô”… đã thắp lên ngọn lửa yêu nghề trong lòng cô giáo trẻ Cứ Thị Pàng Dinh. Để rồi suốt những năm tháng về sau, cô vẫn miệt mài bám trường, bám bản. Trường mầm non Hoa Hồng nơi cô Dinh đang công tác là một trường khó khăn nhất nhì của huyện Mù Cang Chải. Cách huyện hơn 50 km, trường mầm non Hoa Hồng có nhiều điểm trường lẻ, cách xa xã, có điểm trường không có điện, không có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn, trơn trượt… Trường có 648 trẻ, trong đó, 587 trẻ là người dân tộc Mông, 54 trẻ dân tộc Thái, còn lại là người dân tộc Kinh, Tày, Mường, Dao. Đa số bố mẹ các em đều là nông dân và thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống khó khăn và vất vả. Cô Dinh được phân công đi các điểm trường lẻ và đều phải ở lại bản vì những nơi này cách điểm trường chính khá xa, đường đi không thuận tiện. Ở bản Mú Cái Hồ, cô chủ nhiệm lớp ghép 4, 5 tuổi với tổng số 29 cháu, 100% là con em dân tộc Mông. Thương học sinh có nhà xa điểm trường, cô cho ở cùng và  nhận chăm sóc một bạn 4 tuổi, một bạn 5 tuổi. “Cô trò chúng tôi ở bản không có điện, chỉ có đèn pin; điện thoại thì phải tiết kiệm pin để còn liên lạc trong cả tuần… Thức ăn chỉ hai, ba ngày đầu là có đạm, còn lại cô kiếm được rau gì thì cô trò ăn rau nấy. Cô tắm, giặt, dỗ con ngủ… Có ngày cuối tuần mưa gió, ba cô trò cùng dắt xe đi bộ về, cả ba đều ướt sũng, người toàn đất là đất. Thật sự là rất vất vả, rất thương các con!” - Cô Dinh bùi ngùi nhớ lại. Cô mong muốn góp phần nhỏ bé mang lại những điều tốt đẹp hơn cho những em nhỏ người dân tộc như mình. (ảnh: NVCC) Năm học 2019 - 2020, dứt lòng gửi đứa con bé bỏng chưa đầy 20 tháng tuổi cho bà ngoại, cô tình nguyện lên dạy trên điểm trường Lùng Cúng. Để đến điểm trường phải đi trên con đường dài gần 30 cây số với những cung đường hiểm trở, bên thì vách cao, bên thì vực sâu, mặt đường xẻ 4, 5 rãnh, đoạn thì đá lởm chởm, mưa thì trơn như bôi mỡ… Đường đi đã khó, vậy mà ở điểm trường còn khó hơn khi không có điện, không có sóng điện thoại, không có nước sạch, không có đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học. Cô Dinh cùng với ba giáo viên khác phải tự tìm nguồn nước sạch để kéo nước về, tự làm vườn trồng rau cỏ, làm đồ chơi ngoài trời như bập bênh, xích đu, ống chui… cho các em chơi. Không quản ngại đường xa vất vả, cô cùng đồng nghiệp lặn lội tìm đến từng gia đình vận động họ cho con tới lớp, rồi tự tay cô thu bản gốc giấy tờ, hồ sơ học sinh về phô-tô, công chứng cho các em. Thậm chí có những gia đình chưa có đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh cho con…, cô trực tiếp vận động rồi đưa xuống xã để làm giấy tờ. Nhiều học sinh khi mới đến lớp còn khóc, chân tay mặt mũi còn chưa sạch sẽ vì phải đi bộ đến trường nên cô giáo cũng tận tay dắt các cháu ra rửa ráy chân tay, chăm lo cho các cháu như con mình. Tại điểm trường Lùng Cúng, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến các con nên các con chưa có nền nếp trong học tập, vui chơi, trong sinh hoạt ở lớp, tiếng phổ thông hạn chế nhiều... nên cô giáo phải dạy, hướng dẫn từng tí một… Những câu chuyện dở khóc, dở cười ấy đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người của cô giáo trẻ vùng cao. Cô tâm sự: “Khổ nhất là khi đêm về, điểm trường lại không có điện, chúng tôi chỉ biết ngồi bên bếp lửa và kể cho nhau nghe về gia đình mình cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con.” Khó khăn là vậy, nhưng cô Dinh cùng đồng nghiệp vẫn miệt mài bám bản, hết lòng chăm sóc, giáo dục các em đạt kết quả tốt. “Tôi thật sự rất thương trẻ nơi đây khi mùa đông đến, thường xuyên có băng tuyết mà nhiều trẻ lại chỉ có mảnh áo mỏng manh, không giày dép, nhiều khi ốm đau như sốt, ho, hay bị bệnh ngoài da, phụ huynh cũng không quan tâm lắm, thôi tôi lại là “thầy thuốc” khám chữa bệnh cho các cháu…” - Cô trăn trở. Vượt lên trên tất cả là tình yêu nghề, mến trẻ, là tấm lòng chân thành của cô giáo vùng cao mong muốngóp phần nhỏ bé mang lại những điều tốt đẹp hơn cho những em nhỏ người dân tộc như mình. Phương Thanh

Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 16 năm 2021: Tôn vinh 9 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

TĐKT - Sáng 17/11, Báo Lao động tổ chức chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 16 năm 2021 với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Cùng dự có: Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và Văn phòng Chính phủ. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, phát biểu khai mạc chương trình Chương trình Vinh quang Việt Nam được sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và sự hợp tác tổ chức thực hiện của nhiều đơn vị. Chương trình là sự kiện lớn của tổ chức Công đoàn nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu khai mạc chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm nay, vượt mọi khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Ban Tổ chức quyết định triển khai chương trình Vinh quang Việt Nam với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, như là một hành động cụ thể của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Báo Lao động đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào thời điểm cả nước đang quyết tâm đồng lòng phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, với phương châm càng khó khăn, càng phải thi đua và càng phải nhân rộng các điển hình tiên tiến. Trải qua quá trình xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng, chương trình đã lựa chọn giới thiệu, tôn vinh 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám hy sinh, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Đó là Tổng Công ty Mạng lưới Viettel - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Bộ Quốc phòng với bề dày thành tích rất đáng tự hào, trở thành nhà mạng duy nhất Việt Nam tự quy hoạch, thiết kế và xây dựng mạng viễn thông của người Việt, một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm giảng dạy, nghiên cứu giảng dạy hàng đầu của đất nước với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, hàng năm đào tạo trên dưới 60 ngàn sinh viên chất lượng cao, liên tục góp mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới và khu vực. Đó là Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, đơn vị sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Cục đã trực tiếp hoặc chỉ đạo, phối hợp điều tra phá hàng ngàn vụ án ma túy với hàng chục ngàn đối tượng, thu giữ gần 19 tấn ma túy các loại, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao biểu trưng “Vinh quang Việt Nam” tới các tập thể Về các cá nhân, các cấp công đoàn tự hào về anh Trương Thái Sơn, người công nhân ngành điện với hàng chục sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng. Nhân dân cả nước nhớ mãi tấm gương dũng cảm, mưu trí của em sinh viên Nguyễn Văn Nhã đã hy sinh bản thân để cứu nhiều người khỏi lưỡi hái tử thần khi tắm biển. Bên cạnh đó là GS. TS. TTND Huỳnh Thị Phương Liên - người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, sản xuất thành công các loại vaccine chữa bệnh cứu người, trong đó có vaccine phòng viêm não Nhật Bản nổi tiếng thế giới. Một gương mặt doanh nhân rất quen thuộc - bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược, Tập đoàn TH, người đã đưa Tập đoàn TH gặt hái được những thành công to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ ở trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường quốc tế. “Điểm chung của tất cả những tập thể, cá nhân được vinh danh chính là khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, chiến thắng sự trì trệ, lạc hậu, phục vụ con người, phụng sự Tổ quốc. Các điển hình được tôn vinh không chỉ để lại dấu ấn trong đời sống xã hội mà còn khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, trong việc nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm lan tỏa những tấm gương đẹp, những hành động chứa chan khát vọng, hướng về phía trước.” – Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại chương trình Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khẳng định: Trong gần 2 năm qua, đất nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID- 19, nhiều tổn thất to lớn về tính mạng, sức khỏe, công ăn việc làm, bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, trong đó có những tập thể và cá nhân tiêu biểu được tôn vinh ngày hôm nay đã và đang góp phần động viên, cổ vũ ý chí và nghị lực của con người Việt Nam quyết tâm chiến thắng đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Đây thực sự là những tấm gương tiêu biểu, những bằng chứng sinh động trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, là những đóa hoa đẹp trong rừng hoa đẹp nở rộ từ các phong trào thi đua sôi nổi của cả nước. “ – đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định. Các đồng chí: Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trao biểu trưng vinh danh GS. TS. Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên Để chương trình Vinh quang Việt Nam được duy trì lâu dài, ngày càng có ý nghĩa thiết thực hơn nữa, đồng chí Nguyễn Khắc Định đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu, tạo điều kiện cho họ phát huy sáng kiến và năng lực, kịp thời tôn vinh họ một cách thường xuyên, thông qua đó tạo sự lan tỏa rộng rãi, động viên kịp thời các phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tăng thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh của dân tộc. Mai Thảo

Thanh tra tỉnh Tiền Giang: Tiên phong triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

TĐKT - Xác định việc ứng dụng công ngệ thông tin (CNTT) là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành và hoạt động của đơn vị, thời gian qua lãnh đạo Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh hoạt động này trong toàn đơn vị và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ông Hồ Hữu Nghị, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang cho biết: Để ứng dụng tốt CNTT vào công việc, đơn vị đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng lĩnh vực này. Đơn vị đã trang bị các trang thiết bị, máy móc cần thiết để xử lý trong công việc và phục vụ trong công tác chuyên môn cho toàn thể công chức. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh và công chức đơn vị tham gia xử lý, điều hành công việc trực tiếp trên môi trường mạng. Hiện đơn vị có tổng số 40 máy tính, có 36/36 công chức được trang bị máy tính, đảm bảo mỗi cá nhân đều được trang bị 1 máy tính để bàn làm việc. Mạng nội bộ được duy trì hoạt động, có 36 máy trạm kết nối sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh và mạng của các cơ quan thuộc khối Đảng. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành Thanh tra, các thủ tục hành chính về phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết tố cáo có liên quan đến bí mật nhà nước. Do đó trong hoạt động ứng dụng CNTT, Thanh tra tỉnh luôn chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.  Hệ thống mạng nội bộ, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đều thông qua thiết bị tường lửa kiểm soát. Đơn vị có bố trí máy tính riêng không kết nối với mạng LAN của cơ quan để kết nối với mạng của cơ quan Đảng. Đồng thời, bố trí máy tính không có kết nối mạng để soạn thảo, thực hiện các công việc liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định. “Hiện 100% máy tính đều được cài đặt phần mềm phòng, chống virus, mã độc có bản quyền. Cứ định kỳ 3 tháng/lần, cán bộ, công chức thực hiện sao lưu, backup dữ liệu; kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý các sự cố về an toàn, an ninh theo quy định, quy chế cơ quan. Trong năm 2020 chưa xảy ra sự cố về an toàn thông tin.” - ông Nghị cho biết thêm. Để khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng CNTT, 100% cán bộ, công chức đều được cấp phát tài khản sử dụng Văn phòng điện tử. Đảm bảo có 100% cán bộ, công chức, thường xuyên sử dụng phần mềm để xử lý các công việc, xây dựng lịch công tác, trao đổi thông tin nội bộ,… Quy trình xử lý văn bản đi, đến được đơn vị thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và quy định của Thanh tra tỉnh. Ông Nghị cho biết, riêng năm 2020, đã có 5.485 văn bản đi, cán bộ, công chức ứng dụng tốt văn phòng điện tử giải quyết công việc, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Các văn bản được quản lý chặt chẽ, đầy đủ, tra cứu dễ dàng, phụ vụ tốt cho giải quyết công việc hàng ngày. Đồng thời, văn bản gửi đi các bộ, ngành trung ương ngoài tỉnh được ký số và gửi liên thông trên trục quốc gia. Các loại số văn bản đi, đến được quản lý hoàn toàn trên văn phòng điện tử, định kỳ được in ra, cho ký nhận và đóng chuyển hoàn chỉnh để lưu trữ. Bên cạnh đó, phần mềm Quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo do Thanh tra tỉnh làm chủ đầu tư, đã triển khai và đang sử dụng ở các sở, ngành và huyện, thành trên địa bàn tỉnh. Thông qua phần mềm, các thông tin tiếp công dân, xử lý đơn và các hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo đều được cập nhật thường xuyên. Nhờ đó, góp phần xử ký kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, gay gắt, kéo dài. Phần mềm cũng góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giúp xử lý hồ sơ chồng chéo, tra cứu hồ sơ nhanh hơn, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ… góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó, Thanh tra tỉnh tiếp tục ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên ngành khác phục vụ công tác như: Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phần mềm Kế toán hành chính sự nghiệp, khai báo thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ kê khai thủ tục bảo hiểm xã hội; hệ thống Quản lý tài sản nhà nước; hệ thống Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang; phần mềm Quản lý công tác thi đua - khen thưởng… Ngoải ra, đơn vị có trang thông tin điện tử, thường xuyên đăng tải kịp thời các tin tức, sự kiện về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến các mức độ 2, 3, 4 về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử cơ quan, cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Với những thành tích nổi bật đạt được trong việc ứng dụng CNTT, năm 220 Thanh tra tỉnh Tiền Giang là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua “Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước” và vinh dự được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. Bảo Linh  

Thay lời tri ân năm 2021

TĐKT - Chương trình "Thay lời tri ân” năm 2021 với chủ đề “Gieo mầm” được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 14/11 trên kênh VTV1. Đây là chương trình được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô giáo khắp mọi miền Tổ quốc đã vượt khó, đóng góp cho thành công của giáo dục nước nhà. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định và đề cao sự tôn quý của nghề giáo và mong muốn tất cả nhà giáo luôn giữ gìn sự tôn quý này. Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, nhà giáo là một nghề cao quý. Sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có; cao quý vì nó tạo dựng nên con người. Tôn sư thường đi với trọng đạo, thầy được tôn quý vì là người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò. Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, nhà giáo phải học tập, rèn luyện, phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý. Nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi. Những thầy cô có mặt trong chương trình là những người trong khó khăn, thử thách của ngành giáo dục thời kỳ đổi mới, thời kỳ ứng phó và hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Các thầy cô là những người cần được tôn vinh xứng đáng. Thầy giáo ở tỉnh Hà Giang giao lưu cùng khán giả tại chương trình. Qua chương trình, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ dành cho giáo dục và đào tạo. Đồng thời, gửi tới toàn thể giáo chức trong cả nước lời chúc mừng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hy vọng các thầy cô luôn tìm thấy niềm vui bất tận trong nghề trồng người cao quý. Sự “gieo mầm” hôm nay chắc chắn sẽ đem lại trái ngọt cho mai sau. Trong chương trình “Thay lời tri ân” năm nay, nhiều nội dung gắn liền với bối cảnh giáo dục đặc biệt, khi bị tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19. Cùng với đó là những hình ảnh, câu chuyện truyền cảm hứng, đáng khâm phục về những người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò thân yêu. Đó là cô Hà Thị Dung và Hà Thị Kim, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) xung phong vào khu cách ly cùng học trò, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại đây vào đầu tháng 9. Nhớ lại những ngày đã trải qua trong khu cách ly, cô Dung chia sẻ, đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới này. Là giáo viên bản địa, cô không chỉ dạy học sinh ở trường, mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Tình thương đối với học trò còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, cô vẫn ở bên các em. Đó là thầy giáo Hò Văn Lợi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Sau thời gian công tác ở vùng khó, thầy Hò Văn Lợi đã được điều chuyển về điểm trường chính để dạy học. Thế nhưng, thầy đã có quyết định “ngược đời”, đó là tiếp tục tình nguyện “cắm bản” và mở lớp xóa mù chữ để đem kiến thức, con chữ đến với bà con dân bản, phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: Đi chợ, làm các thủ tục hành chính… Khi bà con biết chữ, bà con sẽ đọc được các giấy tờ văn bản, sẽ ký được tên, không phải điểm chỉ. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Tường Huy, Trưởng bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có 25 năm vừa làm nghiên cứu khoa học vừa đứng trên bục giảng. Ngần ấy thời gian, thầy Huy trao truyền năng lượng tích cực tới các thế hệ học trò và những người có hoàn cảnh khó khăn… La Giang

Công ty Cổ phần XNK Sa Giang: Vững bước hội nhập quốc tế

TĐKT - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, tiền thân từ Nhà máy Bánh phồng tôm Sa Giang được hình thành và xây dựng vào năm 1960 và hoạt động liên tục cho đến ngày giải phóng miền Nam. Ngày 8/12/1992, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang là doanh nghiệp Nhà nước. Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SAGIMEXCO), sản phẩm bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang đã hiện diện trên khắp mọi miền đất nước cũng như vượt biên giới ra quốc tế, được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Cùng với đặc sản bánh phồng tôm, SAGIMEXCO còn nổi tiếng với các sản phẩm: Phở khô, phở ăn liền, hủ tíu, bún gạo, bún gạo lứt, chả lụa, giò thủ, da bao… Tại thời điểm này áp dụng HACCP trong chế biến thực phẩm là điều hết sức mới mẻ, xa lạ đối với cả nước nói chung và đối với Sa Giang nói riêng; nhưng với nỗ lực của mình, Sa Giang đã áp dụng thành công chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, nhằm đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của châu Âu về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các nước muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu. Sa Giang trở thành 1 trong 18 doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được cấp CODE xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu (EU). Năm 1998, Công ty mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, uy tín thương hiệu Bánh phồng tôm Sa Giang trở nên nổi tiếng hơn ở trong nước và đặc biệt là ở thị trường nước ngoài như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, tạo điều kiện thuận lợi để mở đầu cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu ngày càng tăng, năm 1999, Công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất bánh phồng tôm có công suất 800 tấn/năm (nay là Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 2). Năm 2003, Công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và tiếp tục đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất Bánh phồng tôm có công suất 2.500 tấn/năm với vốn đầu tư là 17 tỉ đồng (nay là Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 1). Hiện tại Sa Giang đang sản xuất bốn dòng sản phẩm chính: Các loại bánh phồng: Bánh phồng tôm, bánh phồng cua, bánh phồng cá, bánh phồng mực… Các sản phẩm từ gạo: Phở khô, phở ăn liền, hủ tíu, bún gạo, bún gạo lứt… Các sản phẩm từ thịt: Chả lụa, giò thủ, da bao. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, tháng 7/2004, UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức chuyển Công ty XNK Sa Giang từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty Cổ phần XNK Sa Giang, có chức năng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm và xuất nhập khẩu. Tên giao dịch của Công ty là SAGIMEXCO.DONG THAP. Ngoài Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 1 và Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 2, Công ty còn có một Xí nghiệp Thực phẩm và một Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Công ty có tổ chức mạng lưới phân phối tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Công ty còn có nhiều khách hàng nước ngoài ở thị trường châu Âu, và một số quốc gia ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Trải qua quá trình hoạt động và phát triển lâu năm, Sa Giang đã trở thành một trong những đơn vị khẳng định được uy tín sản phẩm và thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và thế giới, với hơn 50 năm uy tín, sản phẩm của Sa Giang đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới. Cùng với hệ thống phân phối nội địa phủ khắp cả nước. Sa Giang luôn đảm bảo hàng hóa chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Chủ lực là thị trường châu Âu, đây là thị trường lớn và khó tính với nhiều rào cản kỹ thuật, nhưng với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng vào tất cả các sản phẩm, Sa Giang đã đáp ứng được thị trường khó tính này. Hiện nay sản phẩm của Công ty được tiêu thụ ở các nước chủ yếu: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan ngoài ra còn có các nước khác như: Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Áo, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Marốc, Nga, Nigeria, Malaysia… Năm 2020, Công ty Cổ phần XNK Sa Giang đã tổ chức Lễ trao học bổng dành cho học sinh giỏi năm học 2019 - 2020 là con cán bộ công nhân viên đang làm việc tại công ty. Chương trình trao học bổng học sinh giỏi hàng năm của công ty. Tổng số học sinh giỏiđược trao học bổng là 102 suất với tổng số tiền là 100.000.000 đồng. Chương trình được thực hiện với mục đích phát triển thế hệ tương lai, đối tượng là con của người lao động đang làm việc tại công ty, nhằm tạo động lực cho các em phấn đấu học tốt hơn nữa hướng đến một tương lai tươi sáng. Tại buổi lễ, học sinh Cao Nguyễn Anh Thư, học sinh giỏi lớp 11 Lý Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu, đại diện các bạn học sinh được nhận học bổng bày tỏ cảm xúc: “Chúng em rất cảm ơn Công ty CP XNK Sa Giang và Ban lãnh đạo công ty và thầy cô đã giúp chúng em có được kết quả như ngày hôm nay. Suất học bổng này không chỉ giúp chúng em về mặt tài chính mà còn là động lực giúp chúng em yên tâm tập trung vào việc học và phát triển tương lai sau này. Chúng em hứa sẽ nỗ lực và cố gắng phấn đấu để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, thầy cô cũng như sự hỗ trợ của công ty.” Ông Nguyễn Văn Kiệm, Tổng Giám đốc cho biết: Lợi thế của Công ty là được thừa hưởng nguồn nguyên liệu bột, tôm, cá… tươi ngon bậc nhất của vùng sông nước ĐBSCL trù phú, chính vì vậy các sản phẩm của Công ty luôn ngon và thơm hơn sản phẩm của các đơn vị khác, rất phù hợp với hương vị đặc trưng thuần chất Việt Nam. Ngoài ra các sản phẩm của công ty còn được chế biến trên hệ thống máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại; quy trình sản xuất khép kín; đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản. Đặt mục tiêu sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, luôn duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, HACCP, BRC, HALAL, FDA; sản phẩm giữ nguyên hương vị truyền thống, giàu dinh dưỡng, không chất bảo quản và hoàn toàn đảm bảo về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. "Mục tiêu của chúng tôi là vươn lên trở thành doanh nghiệp chế biến thực phẩm hàng đầu của tỉnh Đồng Tháp và nằm trong Top 10 Công ty chế biến thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam; là doanh nghiệp chế biến thực phẩm được tin tưởng với sứ mệnh mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng". Năm 2006 Công ty CP XNK Sa Giang chính thức niêm yết, giao dịch cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh theo Quyết định phê duyệt số 528/QĐ.TTg ngày 14/6/2005 và Giấy phép niêm yết cổ phiếu Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo Quyết định số 59/UBCK-GPNY ngày 28/7/2006, với mã chứng khoán là SGC. Với những thành tích trên, công ty vinh dự được nhận: Huân chương Lao động hạng Nhì; Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Bộ Thương mại, Bằng khen của Bộ Công nghiệp; Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2001, 2002; Hàng Việt Nam chất lượng cao, danh hiệu “Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả”, danh hiệu “Doanh nghiệp tiềm năng hợp tác quốc tế và Hội nhập AFTA” , “Giải thưởng Mai vàng Hội nhập 2005”, Cúp vàng; Thương hiệu và Nhãn hiệu, giải thưởng Sao vàng Đất Việt 2013; Huy chương Vàng sản phẩm tại các kỳ Hội chợ trong nước và quốc tế, giải Bạc Giải thưởng Chất lượng Việt Nam…   Xuân Phúc

Học viện Quân y đón nhận Huân chương Lao động của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

TĐKT - Ngày 11/11, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng các tập thể, cá nhân của Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Dự buổi lễ có Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang; Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y; Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y; đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y Việt Nam và Học viện Quân y Lào. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Học viện Quân y. Trong hơn 65 năm qua, cùng với việc đào tạo cán bộ quân y cho Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Học viện Quân y đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ quân y cho Quân đội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, giúp Bạn thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bộ đội và nhân dân; góp phần xây dựng QĐND Lào vững mạnh, củng cố, tăng cường và phát triển mối quan hệ keo sơn, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Đến nay, Học viện Quân y đã đào tạo giúp nước bạn Lào 602 học viên trung cấp dược, đại học dược, trung cấp y, học viên chuyên tu và tập huấn, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 2, cao học, nghiên cứu sinh... Hiện nay, có 60 học viên Lào đang học tập tại Học viện Quân y bao gồm: 55 học viên đại học và 5 học viên cao học. Hàng năm, Học viện Quân y đã tiếp nhận nhiều cán bộ quân y Lào sang học tập về kỹ thuật, tập huấn ngắn hạn. Các lớp tập huấn thường kéo dài khoảng 2 - 3 tháng, tập trung vào việc bổ sung những kiến thức, kỹ thuật mới cho đội ngũ y, bác sĩ của nước Bạn, với các chuyên ngành như: Quản lý học viên, công tác khảo thí, kỹ thuật ghép thận, giải phẫu… Bên cạnh đó, Học viện Quân y đã cử cán bộ sang Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 Lào để trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành các kỹ thuật mới; giúp lực lượng quân y nước Bạn giải quyết những khó khăn trong đào tạo và khám chữa bệnh. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sẻng Phết-Hung Bun Nhuông đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và 2 cá nhân là Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện và Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng 6 tập thể và 10 cá nhân thuộc Học viện Quân y. Phương Thanh – Nguyên Hải

Trang