TĐKT - Hơn 10 năm băng rừng, lội suối, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, anh Hoàng Thế Dũng, Trưởng phòng Biên giới đất liền, Trung tâm Biên giới và Địa giới (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) cùng đồng nghiệp đã thực hiện nhiệm vụ phân định, đánh dấu rõ ràng 84% đường biên giới Việt Nam - Campuchia trên thực địa. Đường biên giới đã được ghi nhận bằng văn kiện pháp lý quốc tế, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Anh Hoàng Thế Dũng (thứ 6 từ phải sang) cùng Đoàn công tác của Việt Nam và Campuchia xác định vị trí mốc 43 tại cặp tỉnh Đắk Lắk – Mundulkiri(ảnh NVCC)
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia có chiều dài khoảng 1.255 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Công tác phân giới cắm mốc (PGCM) trên đất liền giữa hai nước được tiến hành từ năm 1986 nhưng bị gián đoạn nhiều lần do một số lý do. Từ năm 2006, công tác này được hai bên tái khởi động. Năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa.
Kể từ khi triển khai công tác PGCM trên thực địa cũng là chừng ấy thời gian anh em kỹ thuật trong các Đội PGCM của anh Hoàng Thế Dũng gánh trọn vai những trọng trách mới với biết bao khó khăn, vất vả. Gác lại việc gia đình, các anh xung phong nhận nhiệm vụ tại các tỉnh biên giới. Không nề hà khó khăn, gian khổ khi phải làm việc trong rừng sâu, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, thậm chí phải đối diện với cả cái chết, các anh vẫn tận tâm, trách nhiệm, đo đạc, đánh dấu chính xác từng đường biên mốc giới.
Anh Hoàng Thế Dũng cho biết, trong 3 tuyến biên giới trên đất liền mà anh tham gia PGCM, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có đặc trưng riêng. Đây là đường biên giới do thực dân Pháp để lại, theo đó, hai nước đã thống nhất sử dụng nguyên tắc kế thừa đường biên giới từ thời thực dân Pháp để lại và cơ bản thống nhất sử dụng 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước hoặc gần năm 1954 nhất khi Hiệp định Geneva về Đông Dương ký kết.
“Tuy vậy, trên thực tế, nhiều phức tạp và vấn đề đã nảy sinh từ khía cạnh kỹ thuật, đó là “Đường biên giới lịch sử” do Pháp để lại cần được chuyển vẽ sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 xuất bản trong những năm 1960 để PGCM. "Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam - Campuchia” ký ngày 27/12/1985 cũng đã xác nhận việc chuyển vẽ nói trên để hai bên làm cơ sở tiến hành PGCM. Điều này cũng hết sức khó khăn do địa hình thay đổi, nội dung bản đồ sơ sài, không có cơ sở nhận biết ngoài thực địa, tỷ lệ bản đồ nhỏ, nhiều khu vực còn bỏ trống không phù hợp với thực địa; địa hình nơi đường biên giới đi qua đa dạng (núi, rừng, sông suối, đồng bằng, vùng ngập lụt...), nhiều nơi không có vật chuẩn hoặc rất khó xác định vật chuẩn phục vụ cho PGCM nên gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật khi xác định đường biên giới trên thực địa.” - Anh Dũng chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn, hiểm trở, phải chống chọi với mùa mưa ở Tây Nguyên từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nước nổi ở Nam Bộ từ tháng 7 đến tháng 11, đội của anh chỉ có thể tác nghiệp tại thực địa từ 4 đến 5 tháng. Mặc dù vậy, anh Dũng và đồng nghiệp vẫn không một chút nản lòng, luôn kiên trì, bền bỉ tìm phương án để các cuộc đàm phán kỹ thuật đạt kết quả cao nhất, xác định chính xác vị trí mốc và hướng đi của đường biên giới trên thực địa.
Theo anh Dũng, PGCM là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị và đối ngoại. Vì vậy, trước những khó khăn, thách thức trong công việc, là một cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia công tác PGCM, ngoài sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn cao, luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén trong công việc thì cần phải có kỹ năng làm việc khoa học, có kinh nghiệm cũng như hiểu biết về pháp lý và kỹ năng đàm phán.
Anh nói: “Nghiệp phân giới cắm mốc biên giới đã tôi luyện chúng tôi, những cán bộ kỹ thuật với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có lòng nhiệt huyết bảo vệ lãnh thổ quốc gia, có sự hiểu biết về pháp lý và ngoại giao.”
Xác định được trọng trách, nhiệm vụ thiêng liêng đặt nặng trên đôi vai, anh cùng đồng nghiệp đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhờ những đóng góp của các anh, đến nay, công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được thành quả quan trọng. Trong đó, đã hoàn thành phân giới cắm mốc 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.048 cột mốc, bao gồm cả cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tại 1.554 vị trí trên thực địa. Khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền giữa hai nước đã đạt được khoảng 84%.
Hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, bao gồm "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia" và "Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia" đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020. Đây được xem là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, góp phần củng cố và nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thể hiện phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người hùng thầm lặng - những người phân giới cắm mốc trên đất liền.
Nguyệt Hà