TĐKT - Cắm bản nhiều năm ròng rã ở điểm trường cách xa nhà hàng chục cây số, phải đối diện với những điều kiện thiếu thốn về mọi mặt: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế…, nhưng với cô giáo người Mông Cứ Thị Pàng Dinh (trường mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), tất cả đều là “chuyện bình thường”. Bởi tình yêu nghề cháy bỏng luôn thôi thúc cô nỗ lực phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ vùng cao.
Cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh (ảnh: NVCC)
Bước chân vào ngành giáo dục năm 2013, từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, chính những ánh mắt ngây thơ, những ước mơ giản dị của các em nhỏ vùng cao: “Sau này con cũng muốn làm cô giáo như cô”… đã thắp lên ngọn lửa yêu nghề trong lòng cô giáo trẻ Cứ Thị Pàng Dinh. Để rồi suốt những năm tháng về sau, cô vẫn miệt mài bám trường, bám bản.
Trường mầm non Hoa Hồng nơi cô Dinh đang công tác là một trường khó khăn nhất nhì của huyện Mù Cang Chải. Cách huyện hơn 50 km, trường mầm non Hoa Hồng có nhiều điểm trường lẻ, cách xa xã, có điểm trường không có điện, không có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn, trơn trượt… Trường có 648 trẻ, trong đó, 587 trẻ là người dân tộc Mông, 54 trẻ dân tộc Thái, còn lại là người dân tộc Kinh, Tày, Mường, Dao. Đa số bố mẹ các em đều là nông dân và thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống khó khăn và vất vả. Cô Dinh được phân công đi các điểm trường lẻ và đều phải ở lại bản vì những nơi này cách điểm trường chính khá xa, đường đi không thuận tiện.
Ở bản Mú Cái Hồ, cô chủ nhiệm lớp ghép 4, 5 tuổi với tổng số 29 cháu, 100% là con em dân tộc Mông. Thương học sinh có nhà xa điểm trường, cô cho ở cùng và nhận chăm sóc một bạn 4 tuổi, một bạn 5 tuổi. “Cô trò chúng tôi ở bản không có điện, chỉ có đèn pin; điện thoại thì phải tiết kiệm pin để còn liên lạc trong cả tuần… Thức ăn chỉ hai, ba ngày đầu là có đạm, còn lại cô kiếm được rau gì thì cô trò ăn rau nấy. Cô tắm, giặt, dỗ con ngủ… Có ngày cuối tuần mưa gió, ba cô trò cùng dắt xe đi bộ về, cả ba đều ướt sũng, người toàn đất là đất. Thật sự là rất vất vả, rất thương các con!” - Cô Dinh bùi ngùi nhớ lại.
Cô mong muốn góp phần nhỏ bé mang lại những điều tốt đẹp hơn cho những em nhỏ người dân tộc như mình. (ảnh: NVCC)
Năm học 2019 - 2020, dứt lòng gửi đứa con bé bỏng chưa đầy 20 tháng tuổi cho bà ngoại, cô tình nguyện lên dạy trên điểm trường Lùng Cúng. Để đến điểm trường phải đi trên con đường dài gần 30 cây số với những cung đường hiểm trở, bên thì vách cao, bên thì vực sâu, mặt đường xẻ 4, 5 rãnh, đoạn thì đá lởm chởm, mưa thì trơn như bôi mỡ… Đường đi đã khó, vậy mà ở điểm trường còn khó hơn khi không có điện, không có sóng điện thoại, không có nước sạch, không có đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học. Cô Dinh cùng với ba giáo viên khác phải tự tìm nguồn nước sạch để kéo nước về, tự làm vườn trồng rau cỏ, làm đồ chơi ngoài trời như bập bênh, xích đu, ống chui… cho các em chơi.
Không quản ngại đường xa vất vả, cô cùng đồng nghiệp lặn lội tìm đến từng gia đình vận động họ cho con tới lớp, rồi tự tay cô thu bản gốc giấy tờ, hồ sơ học sinh về phô-tô, công chứng cho các em. Thậm chí có những gia đình chưa có đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh cho con…, cô trực tiếp vận động rồi đưa xuống xã để làm giấy tờ.
Nhiều học sinh khi mới đến lớp còn khóc, chân tay mặt mũi còn chưa sạch sẽ vì phải đi bộ đến trường nên cô giáo cũng tận tay dắt các cháu ra rửa ráy chân tay, chăm lo cho các cháu như con mình. Tại điểm trường Lùng Cúng, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến các con nên các con chưa có nền nếp trong học tập, vui chơi, trong sinh hoạt ở lớp, tiếng phổ thông hạn chế nhiều... nên cô giáo phải dạy, hướng dẫn từng tí một… Những câu chuyện dở khóc, dở cười ấy đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người của cô giáo trẻ vùng cao.
Cô tâm sự: “Khổ nhất là khi đêm về, điểm trường lại không có điện, chúng tôi chỉ biết ngồi bên bếp lửa và kể cho nhau nghe về gia đình mình cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con.”
Khó khăn là vậy, nhưng cô Dinh cùng đồng nghiệp vẫn miệt mài bám bản, hết lòng chăm sóc, giáo dục các em đạt kết quả tốt. “Tôi thật sự rất thương trẻ nơi đây khi mùa đông đến, thường xuyên có băng tuyết mà nhiều trẻ lại chỉ có mảnh áo mỏng manh, không giày dép, nhiều khi ốm đau như sốt, ho, hay bị bệnh ngoài da, phụ huynh cũng không quan tâm lắm, thôi tôi lại là “thầy thuốc” khám chữa bệnh cho các cháu…” - Cô trăn trở.
Vượt lên trên tất cả là tình yêu nghề, mến trẻ, là tấm lòng chân thành của cô giáo vùng cao mong muốngóp phần nhỏ bé mang lại những điều tốt đẹp hơn cho những em nhỏ người dân tộc như mình.
Phương Thanh