Chính trị - Xã hội

Bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp ngay sau thi tuyển

Ngày 11/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ khai mạc phần thi bảo vệ Đề án và công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ ngay sau kỳ thi. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chủ trì buổi Lễ. Tham dự có các thành viên Hội đồng thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp: Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; các Thứ trưởng: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Vũ Chiến Thắng, Trương Hải Long; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trương Thị Liên và các thí sinh dự tuyển vào chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp   Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc thí điểm tuyển chọn bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và cần tiếp tục thực hiện, đúc rút kinh nghiệm.  Trong thời gian qua, việc thực hiện thi tuyển ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố cho thấy, những người trúng tuyển được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý đều thực sự là người có đức, có tài; đáp ứng được yêu cầu công việc; góp phần làm chuyển biến hoạt động của cơ quan, đơn vị; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.  Chủ trương thi tuyển lãnh đạo, quản lý đã phần nào khắc phục được hạn chế trong công tác cán bộ thời gian qua góp phần phát hiện và lựa chọn được đúng người có năng lực lãnh đạo, quản lý, am hiểu sâu sắc chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, có uy tín; xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một trong những cách làm mới và hay; tránh để tình trạng lãng phí cán bộ và chảy máu chất xám; là khâu đột phá quan trọng trong công tác cán bộ. Đây là căn cứ thực tiễn để khẳng định chủ trương của Đảng về đổi mới phương pháp tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là hoàn toàn đúng đắn.  Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phương pháp, cách làm để việc triển khai thi tuyển những năm tiếp theo được tốt hơn.  Kỳ thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ năm 2021 được tổ chức làm hai phần thi: Thi viết và thi trình bày Đề án. Ngày 01/7/2021, đã tổ chức thi viết và các thí sinh đã xuất sắc vượt qua kỳ thi. Hôm nay, các thí sinh sẽ thực hiện phần thi trình bày Đề án.          Các ứng viên tham gia dự tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Sau Lễ khai mạc, 04 ứng viên gồm 03 Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp là ông Trần Xuân Hiền, bà Võ Thị Tuyết Thu và ông Phạm Minh Triết; ứng viên còn lại là ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã trình bày Đề án của mình trước Hội đồng thi tuyển. Nhìn chung, các đề án trình bày đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học và trách nhiệm, đánh giá được thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn... Sau khi tổng hợp điểm chấm thi của các thành viên Hội đồng thi tuyển, ông Nguyễn Văn Thủy đã trúng tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ với số điểm cao nhất. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn công bố quyết định bổ nhiệm Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, chiều cùng ngày, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định số 1099/QĐ-BNV ngày 11/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đối với ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chánh Văn phòng Bộ.  Phát biểu tại Lễ công bố và trao Quyết định, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng cả 04 ứng viên đã hoàn thành xuất sắc phần thi trình bày Đề án, chúc mừng ông Nguyễn Văn Thủy đã trúng tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.   Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Văn Thủy Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tân Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Văn Thủy tiếp tục thực hiện các mục tiêu và giải pháp đã trình bày trong Đề án, nhằm đưa công tác tổng hợp của Bộ lên một tầm cao mới, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ Nội vụ. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo, công chức Vụ Tổng hợp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với tân Vụ trưởng trong công tác để xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tân Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Văn Thủy phát biểu nhận nhiệm vụ Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Văn Thủy trân trọng cảm ơn tập thể Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ đã quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức kỳ thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đối với 04 ứng viên.  Tân Vụ trưởng Nguyễn Văn Thủy khẳng định với lãnh đạo Bộ và tập thể Vụ Tổng hợp sẽ luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, cố gắng trong công tác, giữ vững phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tân Vụ trưởng Nguyễn Văn Thủy cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ, của lãnh đạo và công chức Vụ Tổng hợp để tiếp tục xây dựng tập thể đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./. Một số hình ảnh chúc mừng tân Vụ trưởng Vụ Tổng hợp:                   Theo moha.gov.vn

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu 65 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam

TĐKT - Sáng 10/10, tại Hà Nội đã diễn ra vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Cuộc thi diễn ra theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng, phần mềm thông minh. Dự vòng Chung kết toàn quốc có ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Trưởng Ban Giám khảo; anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Giám khảo và các thành viên Ban Giám khảo… Cuộc thi diễn ra theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng, phần mềm thông minh. Phát biểu khai mạc vòng Chung kết, anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, cuộc thi là sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo hội viên, thanh niên trong và ngoài nước tham gia, các thí sinh được nghiên cứu, thử thách không chỉ kiến thức về lịch sử Hội mà còn nhiều kiến thức lịch sử, xã hội khác, góp phần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của thí sinh. “Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, thanh niên về truyền thống quý báu của thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam, giúp hội viên, thanh niên tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc”, anh Minh chia sẻ. 5 thí sinh tham gia vòng thi Hùng biện - phản biện. Cuộc thi diễn ra từ ngày 19/8/2021, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, thanh niên về truyền thống quý báu của thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam, giúp hội viên, thanh niên tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, thiết thực tổ chức các hoạt động cao điểm kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021). Thông qua App Thanh niên Việt Nam, nội dung thi tập trung vào tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển Hội LHTN Việt Nam; các chương trình, phong trào, sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Hội; lãnh đạo Hội các thời kỳ; các hội viên, thanh niên tiêu biểu có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, có nhiều cống hiến cho công tác hội và phong trào thanh niên trong 65 năm qua. Trải qua 4 tuần thi sơ khảo, đã có 477.716 lượt thi tại 63 tỉnh, thành hội, các đơn vị trực thuộc và hội viên, thanh niên tại nước ngoài. Ban Tổ chức đã lựa chọn được 15 thí sinh có kết quả cao nhất, thời gian trả lời ngắn nhất tới từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Cần Thơ và thành phố Warszawa Ba Lan tham gia vòng Chung kết toàn quốc. Tại vòng Chung kết, các thí sinh đã trải qua 2 phần thi “Kiểm tra kiến thức”(Thi trên App Thanh niên Việt Nam) và “Hùng biện – phản biện” (Thi qua phần mềm Webex). Trải qua phần thi kiểm tra kiến thức, 5 thí sinh xuất sắc nhất đã đến với phần thi “Hùng biện - phản biện”, với nền tảng kiến thức sâu rộng, vững chắc, khả năng hùng biện cũng như phản biện sắc sảo, thí sinh Vũ Hoàng Ngọc, sinh viên năm nhất (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã giành giải nhất cuộc thi; giải nhì của cuộc thi đã thuộc về thí sinh Huỳnh Thanh Thân, cán bộ Hãng tàu SeaLand (Tập đoàn Maersk Việt Nam); giải ba thuộc về Nguyễn Công Minh (du học sinh trường Đại học Bách Khoa Warszawa, Ba Lan), Nguyễn Thanh Tuấn (Sinh viên năm 3 Đại học Tài chính Marketing TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Việt Cường (Sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa Hà Nội). Ngoài ra, Ban tổ chức Cuộc thi cũng trao 9 giải khuyến khích. Tất cả các giải thưởng tại vòng Chung kết cuộc thi đều kèm theo Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Thục Anh

Nestlé Việt Nam tiếp sức dinh dưỡng phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Sáng ngày 8/10, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên cùng các nhân viên công ty đã trao tặng hơn 2.000 phần sản phẩm ngũ cốc và đồ uống dinh dưỡng mang các nhãn hiệu quen thuộc của Nestlé như Nescafé, sữa nước Nestlé với tổng trị giá hơn 710 triệu đồng đến lực lượng tuyến đầu và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thị xã Mỹ Hào. Ông Lê Quang Hiến, Chủ tịch UBND thị xã Mỹ Hào đại diện tiếp nhận phần hỗ trợ này. Trước đó, đại diện Nhà máy Nestlé Bông Sen cũng đã trao tặng đến đội ngũ y tế và lực lượng hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại Trung tâm Y tế thị xã Mỹ Hào và Trung tâm Y tế huyện Yên Mỹ các sản phẩm thức uống dinh dưỡng từ lúa mạch, sữa Milo và sữa nước Nestlé với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng. Cho đến nay, Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động cộng đồng phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lên đến 4,5 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng, khẩu trang y tế và đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của tỉnh. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đồng hành với UBND thị xã Mỹ Hào trong hoạt động hỗ trợ người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 Phát biểu tại buổi trao tặng và tiếp nhận các sản phẩm hỗ trợ, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên chia sẻ: “Nestlé Việt Nam với cam kết phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững đi đôi với hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, rất vinh dự nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương cùng chung tay tiếp sức và tiếp nguồn dinh dưỡng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”. Tiếp nhận sự hỗ trợ từ Công ty Nestlé Việt Nam, ông Lê Quang Hiến, Chủ tịch UBND thị xã Mỹ Hào chia sẻ: “Chính sự hỗ trợ, chung tay từ phía các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn như Nestlé đã góp phần động viên các lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh để đưa cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới”. Công ty TNHH Nesté Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 tỉnh Hưng Yên Cũng trong tháng 9 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh Hưng Yên, công ty Nestlé Việt Nam đã kịp thời gửi những phần quà dinh dưỡng cho trẻ em đang sống trong vùng dịch của tỉnh với trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đánh giá: Hội LHPN tỉnh và Nestlé Việt Nam thời gian qua đã có nhiều hoạt động phối hợp, nhất là các hoạt động quan tâm chăm lo cho hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo. Đây là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, hướng đến các đối tượng còn khó khăn. Thay mặt Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, tôi rất cảm ơn sự quan tâm phối hợp của Nestlé và rất mong thời gian tới có nhiều hoạt động thiết thực như vậy. Khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam từ tháng 3/2020, công ty Nestlé Việt Nam đã tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động cùng Chính phủ và cộng đồng trên toàn quốc bao gồm hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, đối tác kinh doanh nhỏ lẻ, người dân yếu thế và ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 với tổng trị giá hiện lên đến trên 66 tỷ đồng. Thành lập từ năm 1995, công ty Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau.  Mới đây, Nestlé đã công bố khoản đầu tư tại Việt Nam trị giá hơn 130 triệu USD trong hai năm tới, đưa tổng đầu tư lên trên 730 triệu. Công ty tuyển dụng 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối, trong đó nhà máy Nestlé Bông Sen và Trung tâm Phân phối Nestlé Bông Sen đang hoạt động tại tỉnh Hưng Yên. Ngoài các hoạt động về phát triển kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng, Nestlé Việt Nam còn nằm trong danh sách top 100 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất tại Việt Nam. Riêng tại Hưng Yên, năm 2020, Nestlé Việt Nam cũng đã vinh dự nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Hưng Yên ghi nhận thành tích xuất sắc trong đóng góp ngân sách Nhà nước năm 2019.  Thục Anh  

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khai giảng năm học 2021 - 2022

TĐKT - Ngày 9/10, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ khai giảng chào mừng năm học mới (năm học 2021 - 2022). Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1 – Đài Truyền hình Hà Nội và trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội facebook. GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu tại Lễ khai giảng Lễ khai giảng năm nay rất đặc biệt đối với các tân sinh viên Khóa 26 – thế hệ sinh viên đánh dấu cột mốc 25 năm hình thành và phát triển của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Quá trình 25 năm đối với nhà trường không đơn giản chỉ là ¼ thế kỷ, mà đó chính là cả một hành trình kiên trì, bền bỉ, không ngừng cải tiến, đổi mới để hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục đại học, từng bước vươn lên hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu nói trên, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã luôn đoàn kết, quyết tâm xây dựng nhà trường trở thành một đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả tuyển sinh hằng năm của trường đều sớm đạt chỉ tiêu là một minh chứng về “thương hiệu” của HUBT. Từ 850 sinh viên năm học đầu tiên với 3 ngành học bậc đại học, hiện tại, quy mô đào tạo của trường là 25.000 học viên và sinh viên, với 38 ngành học thuộc 3 cấp đào tạo: 1chuyên ngành tiến sĩ; 10 chuyên ngành thạc sĩ, 27 chuyên ngành đại học. Năm học 2021 - 2022 là năm thứ 2 nhà trường chủ động thích ứng cơ chế vừa học trực tiếp tập trung tại trường, vừa phải học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19. Trong điều kiện như vậy, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đã đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học 2020 - 2021. Các chỉ tiêu thuộc Chiến lược phát triển trường, giai đoạn 2018 - 2022, tầm nhìn 2030 đã cơ bản hoàn thành, trong đó, trường hoàn thành và đạt về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đạt trình độ chuẩn quốc gia và từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế. Phát biểu tại Lễ khai giảng, GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường khẳng định: Nhà trường luôn đồng hành cùng các sinh viên trong suốt khóa học để giúp các em trở thành những công dân tốt, những kỹ sư, cử nhân, thầy thuốc giỏi, có đủ kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế tham gia thị trường lao động toàn cầu. Nhà trường cam kết sẽ tạo môi trường tốt nhất cho các em học tập và rèn luyện. Các em sẽ được học trong một nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; với chương trình đào tạo tiến tiến, với đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, có trình độ cao, tâm huyết với nghề, tận tâm với sinh viên. Nhà trường sẽ thực hiện mô hình đào tạo gắn liền với doanh nghiệp, đào tạo sinh viên khối ngành sức khỏe gắn liền với học thực hành tại các bệnh viện lớn của trung ương và thành phố. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ thông tin, sinh viên học tập tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập. Đây là cơ sở để phấn đấu đạt tỷ lệ từ 90% sinh viên trở lên có việc làm sau tốt nghiệp. GS. TS. Đinh Văn Tiến nhấn mạnh: Năm học 2021 - 2022 sẽ là năm học khó khăn, đầy thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Năm học 2021 - 2022 cũng là năm đầu tiên toàn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, toàn trường phấn đấu thực hiện toàn diện các mục tiêu của Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2018 - 2022, tầm nhìn 2030 và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2021 – 2022. Trong đó, trường sẽ chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch năm học trên cơ sở “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giai đoạn 2019 - 2025” trong giai đoạn 2021 - 2025 ban hành theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch triển khai Quyết định số 69 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quán triệt và nâng cao nhận thức, thống nhất cách hiểu để áp dụng về tự chủ giáo dục đại học; rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định pháp luật về tự chủ đại học; thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường; hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, phát huy dân chủ, nâng cao năng lực quản trị nhà trường; đồng thời, cũng cần xác định rõ trách nhiệm giải trình hoạt động của trường với cơ quan quản lý nhà nước, với người học và các bên liên quan. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai có hiệu quả hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng. Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực đào tạo thuộc lĩnh vực thuộc các trình độ của giáo dục đại học; xây dựng và củng cố hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của trường; triển khai kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế. Xây dựng và thực hiện Đề án chuyển đổi số và coi đây là một nhiệm vụ cần bổ sung vào Chiến lược phát triển của trường, giai đoạn 2018 - 2022, tầm nhìn 2030. Ban Giám hiệu yêu cầu các thầy giáo, cô giáo áp dụng phương pháp sư phạm tích cực với trình độ chuyên môn cao về lý thuyết và thực tế, hoàn thành xuất sắc chương trình giảng dạy, tất cả vì các em sinh viên thân yêu; yêu cầu các em sinh viên chăm học, học kỹ, nhớ lâu ứng dụng thành tài. Tại buổi lễ, các nhà tài trợ đã gửi tặng những suất học bổng giá trị dành cho sinh viên nhà trường: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Hà Nội tài trợ 50 triệu đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Tây Hồ tài trợ 20 triệu đồng; Công ty CP Phát triển Giáo dục L’epoca tặng 10 suất học bổng trị giá 115 triệu đồng; Công ty CP gỗ An Cường tài trợ 15 triệu đồng. Phương Thanh

Tạo mọi điều kiện cho người dân đăng ký trực tuyến nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT- Nhằm tạo điều kiện giúp người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo tinh thần của Nghị quyết số 116/NQ-CP (Nghị quyết số 116), Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (Quyết định số 28) của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủmột cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, BHXH Việt Nam hướng dẫn NLĐ, người SDLĐ cách nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ cho cơ quan BHXH qua các hình thức trực tuyến. Đối với người lao động Theo quy định tại Quyết định số 28, chỉ áp dụng phương thức nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho cơ quan BHXHtheo hình thức trực tuyến đối với nhómNLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm; không áp dụng cho nhóm NLĐ đang tham gia BHTN (đơn vị SDLĐ quản lý NLĐ sẽ chịu trách nhiệm nộp danh sách NLĐ nhận hỗ trợ của đơn vị cho cơ quan BHXH). Thứ nhất, nộp hồ sơ qua ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Trong đó có các bước như, bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID. Bước 2: Chọn menu Dịch vụ công. Bước 3: Chọn dịch vụ công Hỗ trợ COVID-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP(hỗ trợ người tham gia BHTN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19). Bước 4: Kiểm tra lại thời gian tham gia BHTN chưa được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp (số tháng). Bước 5: Lựa chọn hình thức nhận hỗ trợ vànhận bằng tiền mặt. Nếunhận qua tài khoản, người nhận chọn/điền các thông tin sau: Số tài khoản của người đề nghị nhận hỗ trợ. Chọn ngân hàng (chi nhánh ngân hàng). Chọn Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, bấm nút gửi. Nhập mã OTP, bấm Xác nhận để gửi hồ sơ. Theo đó, người Nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam cần đăng nhập Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn bằng tài khoản đã đăng ký.Chọn mục “Kê khai hồ sơ”, màn hình hiển thị danh sách các dịch vụ công để kê khai như sau: Tại màn hình: “Danh sách thủ tục”, chọn mã thủ tục “653 - Hỗ trợ người tham gia BHTN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” và chọn Kê khai. Kê khai hồ sơ. Thực hiện chọn "Kê khai" hệ thống sẽ kiểm tra thông tin quá trình tham gia của người lao động theo mã số BHXH để hiển thị các thông tin như sau: Chọn các giấy tờ đính kèm:  Nộp hồ sơ, nhập mã xác nhận như hình sau Nhập OTP để xác thực: Sau khi thực hiện xác nhận thành công, hệ thống sẽ thông báo nộp hồ sơ thành công. Như vậy là hồ sơ của NLĐ đã được gửi đến cơ quan BHXH thành công. Đối với đơn vị SDLĐ cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể BHXH Việt Nam lưu ý tới đơn vị SDLĐ: Theo quy định tại Quyết định số 28, phương thức đơn vị SDLĐ nộp hồ sơ danh sách NLĐ đề nghị hưởng hỗ trợ từ quỹ BHTN cho cơ quan BHXH chỉ dành cho các trường hợp NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên). Các đơn vị sẽ nộp hồ sơ qua phần mềm kê khai của các nhà cung cấp dịch vụ I-VAN. Sử dụng phần mềm kê khai của các nhà I-VAN (Nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử) để kê khai và nộp hồ sơ đối với dịch vụ công: Hỗ trợ người tham gia BHTN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (600l). Bên cạnh đó, nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam sẽ có các bước như:Đăng nhập Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn bằng tài khoản đã đăng ký.Chọn “Kê khai hồ sơ”. Chọn dịch vụ công Hỗ trợ người tham gia BHXH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (600l). Chọn “Kê khai”, sau đó chọn Xác nhận kỳ kê khai để mở màn hình kê khai hồ sơ. Thực hiện gửi kèm mẫu số 01 như hình sau và chọn Xác nhận. Chọn Kê khai rồi chọn Xác nhận.  Thực hiện ký và gửi hồ sơ, màn hình hiển thị yêu cầu nhập mã PIN của chứng thư số. Sau khi nhập đúng mã PIN, hệ thống xuất hiện thông báo nộp hồ sơ thành công. Có thể thấy, việc sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến trong việc nộp hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN với các bước thực hiện đơn giản, tiện lợi sẽ giúp NLĐ và đơn vị SDLĐ không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho NLĐ và đơn vị SDLĐ, đồng thời góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do không phải tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch với cơ quan BHXH, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Trong qua trình kê khai hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ BHTN qua hình thức giao dịch trực tuyến nêu trên, có thể sẽ có tình trạng hệ thống bị quá tải do số lượng hồ sơ kê khai lớn trong cùng một thời điểm. Tình trạng hệ thống quá tải tương tự cũng có thể xảy ra với Tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam, do có nhiều cuộc gọi đến trong cùng một thời điểm. BHXH Việt Nam luôn chủ động nỗ lực khắc phục sự quá tải của hệ thống và rất mong nhận được sự thông cảm từ phía NLĐ, người SDLĐ. Nếu gặp tình trạng quá tải, NLĐ và người SDLĐ vui lòng thực hiện lại các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến hoặc cuộc gọi tới Tổng đài trong thời gian gần nhất. Hồng Thiết    

Đồng Nai nỗ lực giảm số ca tử vong do COVID-19

TĐKT- Trước mắt, với mục tiêu nỗ lực giảm thiểu số ca tử vong ở mức thấp nhất, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất (Đồng Nai) vừa tập trung điều trị hồi sức, vừa tập trung phòng vệ từ xa để phát hiện, điều trị người bệnh COVID-19 ngay từ tuyến dưới. Đây là chính là thời cơ tốt nhất để giảm số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Đồng Nai. Toàn cảnh khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm HSTC điều trị người bệnh COVID-19 đặt tại BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) Kịp thời cứu chữa bệnh nhân Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, đặt tại BVĐK Thống Nhất là nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trung tâm này bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 2/8, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai. BS Vũ Văn Thành – Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (BV Phổi Trung ương), Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, từ khi thành lập Trung tâm đến nay, đã có hơn 600 bệnh nhân nặng và nguy kịch được điều trị, trong số đó có khoảng 400 bệnh nhân đã được xuất hiện và trở về bên gia đình. Hiện còn khoảng 117 bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Trung tâm. BS Vũ Văn Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Cũng theo BS Vũ Văn Thành thời gian qua, hơn 170 cán bộ, y, bác sĩ của BV Phổi Trung ương, BV K Trung ương, BV 71 Trung ương, BVĐK Thống Nhất đã nỗ lực không ngừng vừa thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vừa hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các y, bác sĩ ngay từ các tầng dưới tại tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, các y, bác sĩ ở đây sẽ đưa ra phác đồ điều trị ở các tầng dưới đối với các bệnh nhân nhẹ trước khi được đưa đến khu điều trị tích cực này, nhằm giảm tải lượng bệnh nhân chuyển biến nặng. Hơn nữa, chương trình áp dụng thuốc điều trị virus Molnupiravir cũng vừa nghiên cứu, vừa áp dụng diện rộng nhằm giảm áp lực tầng 2, 3. Ngoài ra, cũng thường xuyên gắn kết giữa các tầng nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển biến nặng. Đó là thời cơ thích hợp để cứu bệnh nhân. BS Vũ Văn Thành lý giải, dù chúng ta có nhiều kỹ thuật tiên tiến như nhân lực đủ, thuốc tốt nhưng nếu bệnh nhân chuyển biến nặng, hoặc quá nặng nhưng không cấp cứu kịp thời thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ giảm đi. Do đó, phòng vệ từ xa là quan trọng trong phát hiện, điều trị người bệnh COVID-19. Tìm mọi cách kiểm soát dịch bệnh Được biết, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 bắt đầu bằng 50 giường với 12 máy thở. Giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng thêm 2 tầng, đến nay Trung tâm đã có đủ 220 giường ICU với các trang thiết bị hiện đại tầm quốc gia. Các kỹ thuật cao đã được thực hiện. Có một trường hợp đầu tiên được can thiệp ECMO đã bình phục và xuất viện. Hiện nay, Trung tâm còn 30 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng đang được thở máy xâm nhập, lọc máu… tất cả các y, bác sĩ đang ngày đêm gồng mình điều trị với 3 ca, 4 kíp trực. BS Vũ Văn Thành cho biết thêm, bệnh nhân khi vào đây đều xác định là phải quản lý điều trị, phòng, chống dịch toàn diện với phương châm củng cố, hỗ trợ cho các tuyến trước điều trị thật tốt bằng cách hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nguồn lực máy móc, thuốc men luôn trong tình thế chủ động cùng sự chuyển giao kỹ thuật song song để chia sẻ, cùng phát triển. Đến nay, đã có hàng trăm trường hợp bệnh nhân, đặc biệt nhiều là phụ nữ mang thai mắc COVID-19 trở nặng đã được kịp thời cứu chữa và xuất viện. Trong đó, có cả những trường hợp rất nặng, thở máy, lọc máu và chạy ECMO cũng đã được đội ngũ y, bác sĩ tại đây cứu chữa thành công và ra viện vào cuối tháng 9/2021. Cùng với những nỗ lực của toàn ngành y tế tỉnh Đồng Nai, sự chung tay hỗ trợ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương… công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng va phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung đã và đang có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào đẩy lùi đại dịch, đem lại bình yên cho nhân dân. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 phía trước dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với cách làm hiệu quả sự tận tụy của đội ngũ y, bác sĩ và sự tuân thủ của người dân, cùng với đó là năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có sự chuyển biến rõ rệt, tin rằng dịch bệnh sẽ có thể sớm được kiểm soát tại Đồng Nai. La Giang    

Dành tình yêu thương đặc biệt và sự nỗ lực kịp thời cứu sản phụ mắc COVID-19 nặng

TĐKT- “Mến gửi mẹ bé, mẹ đã rất mạnh mẽ sinh bé trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi rất hiểu và đồng cảm, chia sẻ với mẹ! Mong rằng mẹ sẽ tiếp tục dũng cảm vượt qua mọi trở ngại, nhanh chóng khỏe mạnh để mẹ và bé yêu sớm đoàn tụ nhé!”, đó là những dòng nhắn nhủ ngắn ngủi của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) gửi đến bệnh nhân N.T.K.C khi bệnh nhân này vừa hạ sinh bé trai và mắc COVID-19 trở nặng ngay sau đó. Bức ảnh con trai sản phụ được tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đính kèm những lời nhắn nhủ gửi đến bệnh nhân Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những dòng nhắn đầy yêu thương bên cạnh bức ảnh con trai nhỏ của bệnh nhân là cả một hành trình dài mà mẹ của bé đã chiến đấu với bệnh tật, đã được y, bác sĩ tại BV Hùng Vương và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy thức thâu đêm, căn từng giây để giành từng nhịp thở từ cửa tử. TS. BS Phan Thu Hằng – Phó Giám đốc BV Hùng Vương cho biết, thai phụ N.T.K.C (SN1993) mắc COVID-19 và nhập viện từ ngày 20/9. Sau 8 ngày “chiến đấu” với COVID-19, đêm 28/9, sản phụ K.C có dấu hiệu chuyển nặng, tất cả dấu hiệu sinh tồn đều vào trạng thái nguy cấp. Bệnh nhân được chỉ định sinh mổ khi diễn tiến COVID-19 trở nặng, trên nền suy tim cấp, phù phổi cấp. Ngay sau khi chào đời, bé trai được chuyển qua chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm HOPE (thuộc Bệnh viện Hùng Vương). Các y, bác sĩ đã dùng vận mạch để duy trì sự sống cho sản phụ, đồng thời, gọi hỗ trợ khẩn cấp từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân K.C được chuyển tuyến điều trị khi vừa trải qua 4 tiếng đặt ECMO Ngay sau khi nhận hỗ trợ cấp cứu khẩn cấp, kíp trực của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 phụ trách đã kịp thời có mặt và khẩn trương đặt máy ECMO cho bệnh nhân K.C ngay tại Bệnh viện Hùng Vương. Sau 4 giờ cấp cứu nguy kịch và đặt ECMO kịp thời, bệnh nhân K.C đã được cứu sống, ổn định sinh hiệu sinh tồn và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để tiếp tục điều trị. TS. BS Phan Thu Hằng cho biết, ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu rơi vào trạng thái nguy kịch, Bệnh viện Hùng Vương đã xin chuyển vì quá khả năng điều trị. Tuy nhiên, kíp trực cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy do BSCKII Trần Thanh Linh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã kịp thời có mặt, hỗ trợ bệnh viện và đặt ECMO ngay tại đây. Sự có mặt kịp thời của bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng đội, trong tích tắc không chỉ cứu sống bệnh nhân, mà những ngày tới đây, bé trai sẽ được đoàn tụ với gia đình, sẽ được lớn lên trong vòng tay đầy hơi ấm của mẹ. Được biết, Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh) là nơi đã và đang thu dung, điều trị cho hàng ngàn thai phụ. Trong đó, phần nhiều là các thai phụ mắc COVID-19. Bảo Hân

Nỗi lòng của các y, bác sĩ nơi tâm dịch

TĐKT- Những y, bác sĩ nơi tâm dịch, ngoài việc chăm sóc bệnh nhân, tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, thì họ có thêm nhiệm vụ nữa đó là vệ sinh thi thể người đã khuất lần cuối. Điều quan trọng là làm như thế nào để cân bằng được tinh thần, đó là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt, để không khủng hoảng hay sang chấn tâm lý, trong mỗi ca làm việc, các y, bác sĩ luôn sát cánh động viên nhau, vượt qua nỗi buồn. BS Nguyễn Thanh Huy BS Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, có những bệnh nhân vừa nói chuyện ít ngày trước, sau đã vĩnh viễn bất động. Những cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cứ dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ nên công việc cũng rất áp lực. Lúc đầu các y, bác sĩ và cộng sự rất khó ngủ. Nếu triền miên thế ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ chỉ cho người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài. Làm công việc này thực sự cảm xúc rất khó diễn tả. Để không rơi vào khủng hoảng sâu của tinh thần, BS Huy đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực điển hình như các bác sĩ đã phải rèn luyện ý nghĩ xem đó là người thân, là ruột thịt của mình và tự nhủ, đừng hoảng, đừng sốc. Mỗi người nén lại lòng mình một chút. Đau nhất là khi liên lạc gia đình để báo dòng tin không ai mong muốn. Nhiều đêm, cả đội lo công đoạn cuối sau khi gói gém, vệ sinh hàng loạt tử thi, nhìn sang nhau ai cũng khóc. Các bác sĩ đều cầu cho người bệnh ra đi thanh thản, cầu cho dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị xua tan. Giải pháp tinh thần này cũng giúp các y, bác sĩ vơi bớt nặng nề. Giữ không nao núng tinh thần, BS Huy cùng các đồng nghiệp tìm cách an ủi thân nhân người bệnh vì nếu họ hoảng loạn thì bác sĩ cũng day dứt thêm. BS Huy thổ lộ: “Chúng tôi còn tìm cách liên lạc với bên hỏa táng lo chu đáo nhất cho người đã mất. Còn ở viện thì chúng tôi làm cẩn thận từng công đoạn nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi bao gói, để tư thế ngay ngắn người đã mất. Các thông tin về người bệnh phải được làm chính xác nhất để chuyển cho bộ phận đưa đi hỏa táng. Buồn thì kịp thời chia sẻ với nhau. Nhất là khi gặp phải hoàn cách quá éo le như chồng mất, vợ thì vừa mới sinh con được một tháng…Từ các mất mát này, tập thể thầy thuốc chúng tôi còn động viên, khích lệ nhau dốc hết tâm lực vì người bệnh. Lo hậu sự nhanh nhất, gọn gàng nhất, sạch sẽ nhất để củng cố niềm tin rằng bệnh nhân đã ra đi thanh thản thì chúng tôi cũng nhẹ lòng.Việc trả tro cốt cũng được chúng tôi theo sát. Đến nay, điều rất may mắn là thân nhân của bệnh nhân đã khuất đều phản hồi rằng họ đã nhận được tro cốt đầy đủ. Điều đó cũng giúp chúng tôi vững tinh thần hơn, ổn định lại tâm lý hơn”. Được biết, Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh phân chia thành 4 nhóm giường: 90 giường hồi sức tích cực (ICU); 162 giường bệnh nhân chuyển biến nặng phải thở oxy; 252 giường bệnh nhân chuyển nhẹ và hơn 100 giường bệnh nhân theo dõi chuẩn bị ra viện. Các trang thiết bị tối tân nhất quy tụ tại đây là "vũ khí" quan trọng điều trị cho người bệnh. Ngoài chuyên gia, y, bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như robot cũng đã được đưa vào hoạt động. Hàng loạt bệnh nhân nặng đã được cứu chữa thành công. Văn Đạo  

Bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân

TĐKT- Tạm xa gia đình, để lại con thơ, cha mẹ già ở quê hương, xung phong vào tâm dịch Long An, gần 2 tháng qua điều dưỡng Nguyễn Thị Trang (Khoa Ngoại tiêu hóa gan mật - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cùng đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc những người bệnh mắc Covid-19 nặng và nguy kịch. Chị đã trở thành người thân, chỗ dựa tinh thần để người bệnh có thêm niềm tin chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 tại Trung tâm Kíp trực sáng của điều dưỡng Nguyễn Thị Trang cùng các đồng nghiệp như ngắn lại khi có nhiều người bệnh đủ điều kiện được xuất viện. Sau thời gian thực hiện công việc chuyên môn như tiêm, truyền dịch, đặt nội khí quản, hút đờm cho người bệnh và hỗ trợ các bác sĩ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, chị lại đến giường bệnh, hỏi thăm sức khỏe, tinh thần của những người bệnh. Cầm theo kéo, lược di chuyển đến phòng những người chờ xuất viện, chị chia sẻ, trước khi người bệnh xuất viện, chị muốn làm một việc gì đó cho họ. Trong điều kiện của khu điều trị, cắt tóc là việc chị và các điều dưỡng khác thường làm để người bệnh được đẹp hơn, gọn gàng hơn trong ngày trở về. Là một trong những người bệnh luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ điều dưỡng Trang, bà N.T.T 56 tuổi từ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An không giấu nổi niềm vui. sau gần 3 tuần điều trị tại Trung tâm, bà rất biết ơn sự tận tâm, tận lực của đội ngũ y, bác sĩ ở đây, nhất là điều dưỡng Trang luôn quan tâm, chăm sóc các bệnh nhân. Còn đối với sản phụ L.T.L, 36 tuổi đến từ Thị trấn Bến Lức, những ngày phải điều trị tại Trung tâm thật khó quên. Mang thai bé thứ hai ở tuần 35, chị L.T.L bị mắc Covid-19 ở mức độ nặng. Chị và gia đình rất lo lắng khi phải nhập viện. Bụng mang dạ chửa, mọi sinh hoạt tại đây, nhất là vệ sinh cá nhân càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Được sự chăm sóc tận tình, hết lòng vì người bệnh của những chiến sĩ áo trắng nơi buồng bệnh, chị càng thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của họ suốt thời gian qua. Đối với điều dưỡng Trang, bệnh nhân dành cho chị sự quý mến như người chị gái trong gia đình, luôn ở bên động viên, hỗ trợ cho chị khi chị khó khăn nhất. Tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương, người bệnh khá đa dạng, từ người lớn tuổi, thanh niên đến trẻ nhỏ và cả những sản phụ mang thai. Tất cả đều trong tình trạng nặng và nguy kịch, vì vậy trách nhiệm của những y, bác sĩ tại Trung tâm không chỉ đơn thuần là điều trị, cứu chữa mà còn chăm sóc, giúp đỡ họ từ những việc làm nhỏ nhất. Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang chia sẻ, mặc dù gắn bó với nghề y đã lâu nhưng công việc mỗi ngày tại Trung tâm lại khác biệt khá nhiều so với tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tại đây, áp lực, khối lượng công việc rất lớn. Việc chăm sóc người bệnh luôn ở cấp độ 1 và đặc biệt, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến hỗ trợ các máy móc, thiết bị. Thời gian đầu chị gặp khá nhiều khó khăn nhưng với tinh thần học hỏi, quyết tâm vì những người bệnh đang nằm bất động trên giường bệnh, chị và tất cả đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực rất nhiều. Chỉ khi coi họ như chính những người thân ruột thịt của mình thì mới thấu hiểu nỗi đau thể xác, nỗi đau về tinh thần mà họ đang trải qua để cố gắng. Gần 2 tháng đã trôi qua, mong ước lớn nhất của điều dưỡng Trang và các y, bác sĩ ở Trung tâm là mỗi ngày có thêm nhiều người bệnh đủ điều kiện được xuất viện và trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, của xã hội. Minh Tâm (HT)  

BHXH Việt Nam: Quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT- Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH Việt Nam đã quyết liệt vào cuộc. Đảm bảo hỗ trợ kết hợp hài hòa nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng, công bằng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường và tác động nặng nề đến việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ. Trong bối cảnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống cho nhân dân. Tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó trực tiếp là chính sách BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và trực tiếp triển khai các chính sách hỗ trợ đến người hưởng một cách chính xác, an toàn và nhanh chóng. Đáng chú ý là việc chủ động phối hợp với các Bộ kịp thời tham mưu trình Chínhphủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 /NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đặc biệt, chỉ sau 5 ngày Quyết định số 23 được ban hành, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc thực hiện chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng gần 11,3 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng. Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng như xác nhận danh sách để NLĐ và NSDLĐ được hưởng các chính sách hỗ trợ khác cũng được ngành BHXH Việt Nam triển khai nhanh chóng, hiệu quả. “Có những thủ tục theo quy định không quá 5 ngày, 3 ngày nhưng quan điểm chỉ đạo của BHXH Việt Nam với toàn ngành và đã triển khai thực hiện chỉ trong vòng 1 ngày nếu nhận đúng - đủ hồ sơ. Nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp DN và NLĐ sớm vượt qua khó khăn của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, vừa qua, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất và khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ với khoảng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN. Trong đó có trên 8.000 tỷ đồng để thực hiệnchính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0%quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia BHTN (thời gian thực hiện giảm trong 12 tháng, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022) cho khoảng 386 nghìn đơn vị SDLĐ và trên 30.000 tỷ đồng chi hỗ trợ cho NLĐtừ nguồn kết dư của Quỹ BHTN. Có thể nói, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho NLĐ lớn nhất từ trước đến nay. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chủ động, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với NLĐ và đơn vị SDLĐđang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quan điểm chỉ đạo là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng. Về nguyên tắc đóng - hưởng, gói hỗ trợ chỉ áp dụng với NLĐ tham gia BHTN và NLĐ có thời gian tham gia dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn. Về tính chia sẻ được thể hiện qua việc: Nếu như quy định của chính sách BHTN là phải có trên 12 tháng tham gia mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng riêng với gói hỗ trợ này, người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và con số này sẽ lên tới hàng triệu người;NLĐ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cũng tham gia BHTN nhưng không hưởng gói hỗ trợ này. Sẵn sàng triển khai Với tinh thần quyết tâm cao nhất, đến nay ngành BHXH Việt Nam đã chuẩn bị đồng bộ các giải pháp, điều kiện cần thiết, sẵn sàng thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN tới NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủđược ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của ngành, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như BHXH các địa phương phải sẵn sàng, trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia để xác định chính xác số liệu NLĐ và NSDLĐ thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho NLĐ; chuẩn bị nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt “vào cuộc” triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tới NLĐ và NSDLĐ. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, để chủ động tiếp cận thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trong phạm vi trách nhiệm của ngành, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, nhằm kịp thời chỉ đạo thông suốt gói hỗ trợ trong toàn ngành, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của BHXH tỉnh, thành phố, đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực chiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách… Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành BHXH Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để NLĐ và NSDLĐ có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích NLĐ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng đểvừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung nghiên cứu và có ý kiến đóng góp với tinh thần thống nhất, đồng lòng, triển khai quyết liệt gói hỗ trợ này đảm bảo nhanh nhất và hoàn thành sớm nhất, hiệu quả, đúng người thụ hưởng. Đặc biệt phải lưu ý phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả triển khai thực hiện, phấn đấu đến ngày 5/10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0%cho khoảng 386.000 đơn vị SDLĐ;trong tháng 10/2021, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho NLĐ có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị SDLĐ. Hồng Thiết  

Trang