Bộ Nội vụ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tất cả các nhiệm vụ đặt ra
24/06/2022 - 20:55

TĐKT - Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình công tác của Bộ cũng như các nhiệm vụ đột xuất.

Đạt nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: Lĩnh vực tổ chức, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ; công tác tôn giáo… Đặc biệt là đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022 và trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin với báo chí về các kết quả nổi bật của Bộ Nội vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành.

Hết năm 2021, về tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đã giảm 561 xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ngay khi có kết quả sắp xếp, Bộ Nội vụ sẽ công khai trên các phương tiện thông tin, báo chí.
Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần những đơn vị phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý nhà nước thì giữ lại, các đơn vị khác có thể phân cấp cho địa phương hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ. Khó khăn lớn nhất là nhận thức và đồng thuận.

Về quản lý công chức, viên chức cũng là vấn đề nóng bỏng, do đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cắt giảm các loại chứng chỉ như bỏ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, các loại chứng chỉ bồi dưỡng khác… Phân cấp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, thăng hạng, Bộ Nội vụ chỉ chủ trì thi nâng ngạch, thăng hạng lên chuyên viên cao cấp để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đang đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện tốt Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Về lĩnh vực cải cách hành chính, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tham mưu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả CCHC năm 2021 và ban hành Kế hoạch hoạt động CCHC năm 2022, Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022. Đồng thời, tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các bộ, các địa phương. Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).

Nỗ lực hết mình cho những tháng cuối năm

Trong thời gian tới, các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ còn nhiều khó khăn như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18, 19 và các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18,19 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025, từ đó giảm đầu mối các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công chức, viên chức và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác của Bộ.

Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, những tháng cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất sẽ tập trung tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ. Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng; tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội.

Thứ hai, tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”; “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trình Bộ Chính trị.

Thứ năm, đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ số, trong đó tập trung là chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thứ sáu, tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện các phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ phát động; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về văn thư – lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tài liệu điện tử làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ nhằm phát huy tốt giá trị của tài liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.

Cuối cùng là tổ chức tốt Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về quản trị đất nước tốt bảo đảm nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam đối với các nước ASEAN trong công tác tổ chức Hội nghị và ảnh hưởng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hồng Thiết