Chính trị - Xã hội

Công tác truyền thông là nhân tố “then chốt” trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

TĐKT - Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của ngành BHXH Việt Nam. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện linh hoạt các giải pháp truyền thông, vận động, góp phần đảm bảo việc thực hiện mục tiêu “kép”, vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với những kết quả tích cực. Qua đó cho thấy, công tác truyền thông, vận động người tham gia của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng và hiệu quả. Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có những trao đổi về vấn đề này.   Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phóng viên: Chính sách BHXH tự nguyện đang được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc, hai năm vừa qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, gấp mấy lần so với hơn 10 năm trước đó. Để có được kết quả tích cực này, xin ông cho biết vai trò của công tác truyền thông đối với công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện như thế nào? Ông Đào Việt Ánh: BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người dân phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Năm 2017 - trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người. Từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28 - toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra.  Từ những kết quả tích cực trên, có thể thấy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam, trong đó công tác truyền thông chính sách BHXH giữ một vai trò rất quan trọng, đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.  Xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”. Theo đó, bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Về nội dung truyền thông đã được đổi mới rõ nét khi chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện sang nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ... Về hình thức, phương thức truyền thông đã vận dụng linh hoạt, đa dạng theo từng thời điểm, bối cảnh dịch như các hình thức truyền thông qua báo chí; truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp qua các hội nghị tư vấn, các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ… Có thể khẳng định, các hoạt động truyền thông chính sách BHXH của ngành BHXH Việt Nam những năm qua đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH tự nguyện. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện; giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già. Phóng viên: Để chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống, ngành BHXH Việt Nam đã có những đột phá gì trong công tác truyền thông, thưa ông?  Ông Đào Việt Ánh: Thực hiện Nghị quyết số 28 của Đảng và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,có thể khẳng định, trong giai đoạn này, ngành BHXH Việt Nam đã có những giải pháp đổi mới mang tính bước ngoặt trong công tác truyền thông, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể như sau: Thứ nhất, đổi mới về nội dung truyền thông. Căn cứ vào từng nội dung truyền thông cụ thể để chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến (trích dẫn các văn bản) sang nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích (xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ); bên cạnh nội dung phổ biến kiến thức, chế độ BHXH, BHYT, đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tăng cường truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Thứ hai, đổi mới về thời điểm truyền thông.Trong giai đoạn này, ngành BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh truyền thông trước, trong, sau sự kiện/sự việc/chiến dịch truyền thông. Trước đây, chưa quan tâm đúng mức đến truyền thông trước sự kiện/sự việc để định hướng dư luận, cũng như truyền thông sau sự kiện, sự việc để thông tin về kết quả, ý nghĩa, sự lan tỏa của sự kiện, sự việc, chiến dịch truyền thông. Thứ ba, đổi mới về hình thức, kênh truyền thông.  Đặc biệt trong giai đoạn này, linh hoạt ứng biến trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tận dụng lợi thế của truyền thông trực tuyến, truyền thông hiện đại, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo nói và báo/tạp chí điện tử với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN ngày một tăng; đẩy mạnh việc sản xuất, đăng tải, phát sóng các thể loại báo chí hiện đại về BHXH, BHYT, BHTN như: Tọa đàm trực tuyến, bài Infographic, bài Megastory/ Longform/ Emagazine… góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả, khán/ thính giả trên cả nước. Song song đó, ngành đã chủ động trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại. Theo đó, ngành đã bắt đầu sản xuất và phát hành các Infographic, Motion graphics và video lan truyền để truyền thông về quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT, lan tỏa các thông điệp về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Đây được coi là một dấu ấn đổi mới nổi bật trong công tác sản xuất, phát hành sản phẩm truyền thông của ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 28, cũng như xu thế truyền thông mới trong thời đại số. Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của ngành được phát huy tối đa và hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động phức tạp trên toàn quốc, các hoạt động truyền thông trực tiếp phải hạn chế, giảm thiểu. Đáng chú ý, năm 2020, trong bối cảnh công tác phát triển người tham gia của ngành còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, việc ngành BHXH Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thành công 2 lễ ra quân toàn quốc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc linh hoạt các giải pháp truyền thông phát triển người tham gia của ngành. Kết quả, sau các buổi lễ ra quân, bên cạnh số lượng người tham gia BHXH, BHYT phát triển được tăng kỷ lục, thì với việc lễ ra quân được tổ chức đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các đoàn diễu hành qua các tuyến phố, nơi đông người với các thông điệp truyền thông nêu bật được giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đã tạo được dấu ấn vô cùng quan trọng, giúp người dân ngày càng hiểu sâu sắc hơn giá trị, lợi ích của BHXH, BHYT yên tâm, tin tưởng tham gia; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT; đồng thời cũng đã củng cố, xây dựng được hình ảnh ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của nhân dân. Phóng viên: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đạt được trong công tác truyền thông thời gian qua? Ông Đào Việt Ánh:Có thể nói, thời gian qua, để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện, ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH trên nguyên tắc truyền thông phải đảm bảo đúng và trúng nhóm người tiềm năng. Đồng thời, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam luôn được quan tâm triển khai theo hướng chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, thân thiện, cụ thể như sau: Thứ nhất, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tốt. Số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… được đăng tải/phát sóng về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tăng đều qua các năm (năm 2020 là 16.000; từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 20.500). Trong đó có rất nhiều tin, bài, phóng sự, chương trình… phản ánh, làm rõ về lợi ích, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện giúp người dân, người lao động tự do hiểu và tích cực tham gia; nhiều phóng sự, bài viết được thể hiện sinh động qua các dạng bài báo chí hiện đại (Megastory/Emagazine, Infographic,…) đã giúp các sản phẩm truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN trở nên hấp dẫn, thân thiện và dễ tiếp cận tới độc giả. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các cơ quan truyền thông, báo chí địa phương, trang tin điện tử của đơn vị. Thứ hai, công tác phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2020, qua công tác phối hợp này đã có khoảng 120 hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tư vấn, đối thoại… truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được tổ chức, thu hút khoảng 24.000 lượt người tham dự. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã… Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ đến các cụm dân cư, hộ gia đình tùy tình hình dịch Covid-19; các lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong năm 2020, toàn quốc đã tổ chức được trên 26.000 hội nghị truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN thu hút khoảng 1,4 triệu tham gia. Sang năm 2021, hình thức này tiếp tục được tăng cường trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, từ đầu năm đến nay, BHXH các tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các đơn vị liên quan tổ chức khoảng: 16.000 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại... với khoảng 693.000 lượt người tham dự; 32.900 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, với khoảng 250.900 lượt người tham dự (đây là một trong những hình thức truyền thông trực tiếp được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19). Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại. Theo đó, hình thức truyền thông trên mạng xã hội được chú trọng thực hiện với việc sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông online (các sản phẩm báo chí hiện đại; các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện; các viral clip, motion graphic,...). Đến nay, tổng số kênh truyền thông mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân trong toàn ngành là 6.780 trang. BHXH các địa phương đã thực hiện 260 chương trình livestream tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên Fanpage Facebook của tỉnh; đồng thời đã có trên 128.000 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự,...) được đăng tải, chia sẻ trên trang Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh và mạng xã hội của CCVC, NLĐ, (trong đó có trên 12.000 sản phẩm truyền thông được đăng tải chia sẻ trên trang Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của đơn vị; trên 116.000 sản phẩm truyền thông được đăng tải, chia sẻ trên trang Facebook, Zalo, Youtube cá nhân CCVC). Đặc biệt, BHXH các địaphương đã đôn đốc, chỉ đạo cán bộ BHXH, nhân viên đại lý thu tích cực áp dụng hình thức tư vấn, đối thoại qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,…), điện thoại, gặp gỡ truyền thông, vận động đến từng người dân, người lao động có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện được kịp thời, thuận tiện. Nhờ những kết quả tích cực nêu trên, trong 10 tháng đầu năm 2021, tuy công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng tính đến ngày 21/10, toàn quốc đã có 1,206 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 69% kế hoạch được giao, tăng 19.000 người so với tháng 8/2021, tăng 77.800 người so với cuối năm 2020 và tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước. Những con số này tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò “then chốt” của công tác truyền thông chính sách BHXH trong việc phát triển hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! Hồng Thiết  

Lễ ký thỏa thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông

TĐKT - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ký thỏa thuận phối hợp công tác, nhằm tăng cường mối quan hệ gắn kết, hợp tác; nâng cao chất lượng, công tác phối hợp, phát huy vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông vì sự phát triển chung. Đồng thời, nhằm thống nhất chỉ đạo, xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các đơn vị chức năng của hai Bộ trong công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ của hai Bộ.  Theo thỏa thuận được ký kết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ đối với 4 nhóm công việc, gồm: Phối hợp trong công tác quản lý đối với các nền tảng số và các chủ thể cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới; phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn việc thực hiện các dự án/nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và quản lý, thực hiện hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài chính; phối hợp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin ngành tài chính; phối hợp tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài chính, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán nhà nước. Lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông ký thỏa thuận phối hợp công tác Bộ Tài chính sẽ phối hợp, hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác huy động nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; phối hợp trong công tác quản lý kê khai, nộp thuế và các khoản thu khác vào ngân sách Nhà nước đối với hoạt động viễn thông. Thỏa thuận phối hợp công tác đã bao quát một số công việc trọng tâm liên quan cả hai ngành Tài chính và ngành Thông tin Truyền thông, nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hồng Thiết

Căn cứ vào cấp độ dịch, các địa phương có kế hoạch cho trẻ đi học cụ thể

TĐKT - Chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm  an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 28 tỉnh, thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trìhội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục Theo Đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có nguyên nhân lây lan từ những người trở về từ vùng dịch. Đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp dẫn đến một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến khi phát sinh dịch. Kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh, thành phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng. Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Việc tiêm vacine phòng COVID-19 cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục và học sinh từ 12 - 17 tuổi, được địa phương tăng cường triển khai, nhưng thực tế tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết việc rà soát văn bản, quy định tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, ký túc xá được đặt ra để đưa các em sớm trở lại trường học. Nơi nào đã ở cấp độ dịch 1, 2 thì cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp, kể cả mầm non. Hiện nay, việc đưa học sinh vùng 1, vùng 2 trở lại trường hiện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường, tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường, tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường... Các địa phương đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc đeo khẩu trang trong trường học, nhất là lứa tuổi tiểu học - trẻ còn nhỏ. Chẳng hạn, Quảng Ninh hiện yêu cầu tất cả học sinh, giáo viên đeo khẩu trang toàn thời gian (trừ lúc ăn, lúc ngủ bán trú) khi ở trường học trừ khối mầm non... Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, đợt dịch này ảnh hưởng rất sâu, toàn diện các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine tại nước ta tương đối lớn, đạt 75% cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc, đặc biệt các tỉnh miền Nam độ bao phủ còn cao hơn nữa. Nhận định của WHO, các nước cho thấy tình hình dịch trong năm 2021 và 2022 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không. Các nước bắt đầu thay đổi biện pháp phòng, chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus giờ chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Từ đó, căn cứ vào tình hình dịch trên thế giới, trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vaccine, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128. Nguyên tắc là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch, không cứng nhắc như trước. Tương tự với vấn đề giáo dục, hiện nay, thống kê đến tháng 9 có 105/134 quốc gia đã mở cửa các trường học trở lại. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, căn cứ vào cấp độ dịch (cấp tỉnh, huyện, xã) mà các địa phương có kế hoạch cho trẻ đi học cụ thể. Trong một huyện có thể xã này đi học trực tiếp, xã kia học trực tuyến. Về vấn đề trẻ đi học có cần đeo khẩu trang, có cần đảm bảo khoảng cách, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cụ thể, trẻ đi học không cần đeo khẩu trang trong lớp học hay không áp dụng giãn cách trong lớp học, nhưng hạn chế việc tiếp xúc giữa học sinh trong lớp với nhau. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý từng trường xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi trường học có 1 học sinh hoặc giáo viên F0, phương án này cũng phải được ban chỉ đạo cấp huyện duyệt. Khi trường có F0 thì khoanh vùng ngay lập tức, sàng lọc, F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung, phong tỏa lớp học hoặc tầng học, tòa nhà đó. Sau đó, phun trùng khử khuẩn. Sau 24h khử khuẩn có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp học đó học. Đó là thích ứng an toàn, hiệu quả. Địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần nâng cao vai trò trách nghiệm của các tổ chức chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo và rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch từng trường; hiệu trưởng phải làm trưởng ban chỉ đạo. Các địa phương phải triển khai tập huấn về công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay. Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý học sinh. La Giang  

Nâng cao văn hóa pháp luật để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Văn hóa pháp luật - một trong những hình thái của văn hoá, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện - trụ cột cơ bản của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA PHÁP LUẬT Văn hóa pháp luật là một trong những loại hình của văn hóa xã hội; là “tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lĩnh vực pháp luật bao gồm hệ thống quy phạm pháp luật được ban hành trong các thời kỳ lịch sử, những tư tưởng, quan điểm, luận điểm, nguyên lý, nguyên tắc, những tác phẩm văn hóa pháp luật, những kinh nghiệm và thói quen tích lũy được trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật”(1). Từ góc độ cấu trúc hệ thống, văn hóa pháp luật được cấu thành từ các thành tố cơ bản là: ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật, các thiết chế pháp luật, các phương tiện pháp luật; hành vi, lối sống pháp luật, trình độ sử dụng pháp luật. Đồng thời, từ phương diện ứng dụng trong thực tiễn đời sống nhà nước, pháp luật, văn hóa pháp luật là khái niệm chỉ một trạng thái tốt, trạng thái có chất lượng của đời sống pháp luật quốc gia, được thể hiện ở trình độ nhất định đạt được về sự hoàn thiện pháp luật, về ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của mọi cá nhân. Quan điểm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(2). Hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển con người toàn diện. Theo đó, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người văn hóa, phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những quan điểm chủ đạo trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, giàu lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù sáng tạo là góp phần kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã xác định rõ hơn yêu cầu về xây dựng “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” gắn với giữ gìn, phát triển “hệ giá trị gia đình Việt Nam” trong thời kỳ mới. Theo đó, bên cạnh các giá trị cốt lõi cần hướng tới như Công bằng, Quyền/quyền lợi Bình đẳng, Tự do, Khoan dung, Dân chủ; Hòa bình; Dân chủ; Tuân thủ pháp luật; trách nhiệm xã hội(3), hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, hội nhập cũng cần hội tụ những giá trị cơ bản: Yêu nước; Nhân ái; Nghĩa tình; Trung thực; Sáng tạo; Dân chủ; Pháp quyền; Bản lĩnh; Trách nhiệm và Hợp tác, bảo vệ môi trường. Nội dung cơ bản về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải bao gồm cả “xây”những phẩm chất tốt đẹp, “chống”những biểu hiện sai trái về đạo đức, pháp luật và “khắc phục” những hạn chế, yếu kém trong nhận thức, hành vi của con người Việt Nam. Việc xây dựng con người phát triển toàn diện chính là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế, phát triển bền vững. Bởi, con người muốn phát triển toàn diện thì cần phải có những phẩm chất chính trị, đạo đức, pháp lý, khoa học, kỹ thuật, có năng lực sáng tạo tốt, có ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, yêu nước, tự hào dân tộc, có lối sống văn hóa. Đồng thời nhận diện rõ và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương xã hội, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật. Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, có rất nhiều công việc, giải pháp phải thực hiện đồng bộ, trong đó, xây dựng văn hoá pháp luật một cách bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng cả trên phương diện xây dựng và thực thi pháp luật trong cuộc sống. Vai trò giáo dục của văn hóa pháp luật thể hiện ở sự định hướng cho các thành viên xã hội lựa chọn cách xử sự hợp lý để tránh xung đột với các cá nhân khác, cách giải quyết hài hòa các lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân mà không vi phạm pháp luật. Văn hoá pháp luật góp phần tích cực trong việc điều tiết ý thức, hành vi, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật không chỉ trong các mối quan hệ của con người với nhau mà cả trong quan hệ của con người với môi trường thiên nhiên, định hướng con người đến những giá trị cốt lõi Chân - Thiện - Mỹ - Ích.  MỘT SỐ  GIẢI PHÁP CƠ BẢN VỀ VĂN HÓA PHÁP LUẬT Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp văn hoá, kinh tế, chính trị, pháp lý. Từ phương diện pháp lý, xin được đề cập một số giải pháp về văn hoá pháp luật góp phần thực hiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Một là, kết hợp giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống tuân theo pháp luật và phù hợp đạo đức xã hội. Giáo dục đạo đức kết hợp giáo dục pháp luật là điều kiện không thể thiếu được để hình thành hành vi hợp pháp và hợp đạo đức, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Giáo dục pháp luật hướng vào việc hình thành, nâng cao thái độ, tình cảm tôn trọng pháp luật, niềm tin của con người vào pháp luật, tôn trọng quyền, tự do, lợi ích chính đáng của con người, ý thức trách nhiệm đối với người khác, cộng đồng và xã hội. Giáo dục pháp luật còn giúp công dân biết đánh giá các hiện tượng pháp lý: tính đúng đắn hay không của một quyết định toà án, một quyết định hành chính; tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật. Làm sao cho việc phòng, chống, việc xử phạt cái ác, khuyến khích, bảo vệ cái thiện phải được thể hiện rõ nét hơn trong pháp luật và thực thi pháp luật. Đó chính là cách tốt nhất để phát huy tác động tích cực giữa pháp luật và đạo đức, đồng thời là cách tốt nhất để vừa “thượng tôn pháp luật, vừa thực hành đạo đức” trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ dừng lại ở những chế tài pháp luật mà phải “gõ cửa”, “đánh thức” lương tâm mỗi con người để họ thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn về mỗi hành vi của mình. Do đó, cần tạo dư luận xã hội để lên án những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Đồng thời, ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những hành vi hợp pháp, hợp đạo đức. Xây dựng, phát triển văn hóa pháp luật để vừa bảo vệ được đạo đức, vừa tạo điều kiện xoá bỏ những quan điểm phản tiến bộ; thúc đẩy hình thành những quan điểm, chuẩn mực đạo đức mới, tiến bộ. Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo tiếp cận pháp luật, kỹ năng thực hành pháp luật. Một trong những nội dung cần đổi mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật chính là sự kết hợp phổ biến, giáo dục về kiến thức pháp luật với những kỹ năng cần thiết trong thực hiện pháp luật. Sự hiểu biết pháp luật là cơ sở để mỗi cá nhân hình thành ý thức tôn trọng và lối sống tuân theo pháp luật. Đưa các yếu tố pháp luật, kỹ năng thực hành pháp luật vào trong giáo dục đạo đức và ngược lại; phát triển các loại hình dịch vụ pháp lý, góp phần giảm thiểu những rủi ro pháp lý và nâng cao an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức trong các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội. Phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò to lớn tác động đến ý thức và hành vi hợp pháp của các cá nhân. Luật pháp muốn hiệu lực hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền và những “nguyên tắc, điều luật, thiết chế” thì còn cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và tinh thần, để pháp luật phải được con người nhận thức như là cái cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự tôn trọng đối với pháp luật. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải sát thực, phù hợp với các nhóm đối tượng xã hội trong các lĩnh vực quan hệ xã hội. Ba là, giáo dục ý thức về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của con người. Trong nội dung giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức cần trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành văn hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm con người. Văn hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm con người là một thể thống nhất bao gồm các thành tố cơ bản là: sự hiểu biết - kiến thức cơ bản về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, pháp lý của con người, ý thức tôn trọng quyền con người, tôn trọng các giá trị, chuẩn mực đạo đức; kỹ năng sử dụng, bảo vệ các quyền con người, thực hiện nghĩa vụ cơ bản, nghĩa vụ cụ thể theo quy định pháp luật. Để xây dựng con người phát triển toàn diện, cần thiết phải xây dựng văn hoá quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm con người. Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật thành thói quen, ứng xử văn hoá trong mọi hoạt động xã hội của bản thân mình.  Có một thực tế là, khi thực hành các quyền, tự do của mình, cá nhân rất dễ rơi vào trạng thái có nguy cơ lạm dụng, lợi dụng, vượt quá giới hạn và tràn sang miền cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của những người khác và xã hội. Trên thực tế, chúng ta thấy vẫn còn sự sai lệch cả trong nhận thức và hành vi, thực hành về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm con người. Như một tất yếu, cuộc sống càng hiện đại, khoảng không tự do càng rộng thì lại càng cần đến ý thức và thực hành trách nhiệm - bổn phận cá nhân đối với những người xung quanh, cộng đồng và xã hội. Chẳng hạn, trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, vấn đề trách nhiệm cá nhân con người có tầm quan trọng đặc biệt. Không chỉ quyền, tự do, không chỉ một nghĩa vụ cụ thể mà cao hơn, bền vững hơn là trách nhiệm đạo đức, pháp lý con người đối với sự an toàn và công bằng trong xã hội. Văn hoá nói chung, văn hoá quyền con người, văn hoá nghĩa vụ, trách nhiệm con người không chỉ là những hành vi nhất thời, hình thức mà phải trở thành những thói quen ứng xử, là nhận thức và hành vi thực tế của mỗi con người trong mọi không gian, thời gian, lĩnh vực, địa bàn; phải được nhận thức, thực hành thường xuyên, mọi nơi, mọi thời điểm, trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động của các cơ quan công quyền, cá nhân công quyền chứ không chỉ là những khẩu hiệu, báo cáo... Giáo dục quyền con người nhằm trang bị cho con người những kiến thức cần thiết về quyền con người, cơ chế bảo vệ quyền con người, kỹ năng thực hành quyền con người, tạo lập ý thức, thói quen tôn trọng, bảo vệ quyền con người phù hợp với các nguyên tắc pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia về quyền con người. Tạo lập một cách bền vững văn hóa quyền con người, văn hóa nghĩa vụ, trách nhiệm con người cũng chính là tiền đề, điều kiện đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện trong bối cảnh hiện nay. Bốn là, xây dựng văn hóa pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Văn hóa pháp luật của cán bộ, viên chức, công chức nhà nước như một tất yếu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa pháp luật của các cá nhân trong đó có việc tạo lập niềm tin vào công lý và pháp luật - một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức, trình độ văn hoá pháp luật phải được thể hiện, đo lường thông qua các tiêu chí cơ bản: trình độ hiểu biết pháp luật, bản lĩnh và kỹ năng áp dụng, thi hành pháp luật, ý thức, hành vi tôn trọng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của con người. Xây dựng văn hóa công vụ để hình thành một cách bền vững ý thức trách nhiệm đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, tôn trọng, tuân thủ pháp luật thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tuỵ, mẫn cán, cẩn trọng, tránh xung đột lợi ích, không vụ lợi cá nhân và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Sự tận tụy, nhiệt tình, chuyên nghiệp, thận trọng, công tâm, có trách nhiệm với con người và tổ chức, với công việc hàng ngày trong hoạt động công vụ là điều kiện cơ bản để tạo lập, vận hành nền công vụ phục vụ xã hội hiệu lực và hiệu quả. Nội dung của xây dựng văn hóa công vụ bao hàm cả giáo dục liêm chính. Cần đưa nội dung giáo dục liêm chính vào trong giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, giáo dục quyền con người theo cách mới, gắn với chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng. Năm là, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, kịp thời trong thi hành, áp dụng pháp luật, xây dựng niềm tin pháp luật. Tình trạng pháp luật không được thực hiện, hay thực hiện không nghiêm minh, không kịp thời, không minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với ý thức và hành vi hợp pháp luật của con người. Việc thiếu niềm tin vào tính công bằng, bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật là một trong những yếu tố làm tăng thêm chi phí tổ chức thực hiện của pháp luật(4). Max Weber đã từng nhấn mạnh rằng, một Nhà nước có hưng thịnh hay không tuỳ thuộc vào việc những đạo luật do Nhà nước ban hành có được tuân thủ hay không(5). Sáu là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cân bằng các loại lợi ích, đơn giản,minh bạch, nhất quán, thống nhất, ổn định. Tính ổn định tương đối, phù hợp cuộc sống, công khai, minh bạch của pháp luật và việc thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng, kịp thời sẽ là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, hiệu quả. Tình trạng tần suất cao về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật, quy định pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo nhau, vi phạm nguyên tắc tính tối cao của Hiến pháp và Luật là những lực cản lớn cho việc thực thi pháp luật, dẫn đến tâm lý coi thường, mất niềm tin vào pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho những chuỗi vi phạm pháp luật ngoài vòng xử lý. Các chế tài pháp luật cần đủ độ răn đe và phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật là một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo thực hiện các hành vi hợp pháp, giảm thiểu vi phạm pháp luật. Các chế tài nghiêm minh và những biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thực thi là điều kiện quan trọng có tác động mạnh mẽ đến ý thức và hành vi hợp pháp của con người. Bảy là, xây dựng tính tích cực pháp luật, tạo lập dư luận xã hội lên án những biểu hiện coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật; hỗ trợ, tôn vinh những hành vi hợp pháp, có văn hóa pháp luật. Cần tạo lập tính tích cực pháp lý, gia tăng mức độ xã hội hóa pháp luật của các cá nhân, không chỉ có tuân thủ pháp luật mà còn tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách, pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Tạo lập dư luận xã hội chính là một trong những biện pháp mạnh mẽ để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, khuyến khích, hỗ trợ các hành vi hợp pháp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như giao thông, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.../. GS. TS. HOÀNG THỊ KIM QUẾ TS. LÊ THỊ PHƯƠNG NGA Đại học Quốc gia Hà Nội __________________________ (1) Lê Minh Tâm: Vấn đề văn hóa pháp luật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Luật học, số 5/1998. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.143. (3) Phạm Huy Đức: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 14/6/2021. (4) Nguyễn Sĩ Dũng: Việc tổ chức thực hiện pháp luật trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10/2010. (5) Dẫn theo: Ulrich Karpen, Những điều kiện bảo đảm hiệu quả của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt ở các nước đang phát triển và các nước mới công nghiệp hoá, trong Josef Thesing (chủ biên): Nhà nước pháp quyền, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 335-379. Theo tuyengiao.vn

Thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai

TĐKT - Bộ Y tế thông tin về Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà. Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc molnupiravir Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc. Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế. Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02% - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình. Hồng Thiết  

Triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079

TĐKT - Nhằm hỗ trợ cá nhân đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH có thể chủ động lấy lại được mật khẩu để đăng nhập ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” (ứng dụng VssID) hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam mới đây đã triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssIDqua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079. Triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID Để lấy lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, người dùng có thể sử dụng dịch vụ tin nhắn với cú pháp tin nhắn “BH MK {Mã số BHXH}” gửi tới đầu số 8079.   Ví dụ: Mã số BHXH 1234567xxx cần lấy lại mật khẩu, người dùng soạn tin nhắn gửi tới đầu số 8079 với cú pháp sau: BH MK 1234567xxx. Trường hợp hệ thống kiểm tra số điện thoại gửi tin nhắn là của đúng mã số BHXH trong nội dung tin nhắn và đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hệ thống sẽ trả về nội dung tin nhắn: “Cap lai mat khau thanh cong. Tai khoan: 1234567xxx/Mat khau: 22xx99”. Các trường hợp số điện thoại nhắn tin không đúng số điện thoại đã đăng ký với mã số BHXH, hoặc mã số BHXH sai cấu trúc (không phải 10 ký tự số), tin nhắn sai cú pháp... hệ thống sẽ gửi phản hồi đến số điện thoại đã gửi tin nhắn. Người dùng ứng dụng VssID lưu ý: Với đầu số 8079, nhà mạng sẽ thu phí dịch vụ 1.000 đồng/1 tin nhắn. Thực tiễn quá trình sử dụng ứng dụng VssID của người dùng cho thấy, nhiều người dùng quên mật khẩu để đăng nhập ứng dụng và sử dụng chức năng “Quên mật khẩu” để lấy mật khẩu mới với nội dung tin nhắn Brandname như sau: “Cap lai mat khau thanh cong. Mat khau moi: 279419”. Bởi, tiện ích này được cơ quan BHXH cung cấp hoàn toàn miễn phí nên đa phần người dùng ứng dụng không có thói quen ghi nhớ mật khẩu của mình, mỗi lần sử dụng thay vì tìm mật khẩu đã được cấp để hoàn tất việc đăng nhập, lại thao tác quên mật khẩu. Theo số liệu thống kêcủa BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm 14h00’ ngày 18/10: Số lượng tài khoản VssID đã được phê duyệt là 21.635.070; số lượng tin nhắn quên mật khẩu (gồm: 1 tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại + 1 tin nhắn thông báo mật khẩu mới) là 11.366.788 tin nhắn. Như vậy, đã có khoảng gần 5,7 triệu lượt người (tương đương 26% số người có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH) sử dụng chức năng quên mật khẩu. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2021 đến ngày 15/10/2021, số người quên mật khẩu là 1.791.924 tăng 200% so với bình quân các tháng trước. Đặc biệt có những người trong 1 tháng báo quên mật khẩu tới hơn 40 lần. Đơn cử: Tháng 8/2021 số điện thoại 0327xxx686 quên 43 lần; tháng 9/2021 số điện thoại 0377xxx835 quên 47 lần; tháng 10/2021 số điện thoại 0366xxx286 quên 45 lần... Do đó, để giảm tải cho hệ thống, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dùng ứng dụng VssID, việc BHXH Việt Nam triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079 là giải pháp hữu hiệu. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh ứng dụngVssID, phần mềm để người dùng có thể thực hiện thao tác cấp lại mật khẩu đăng nhập miễn phí qua email, thông qua ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2020 đến nay, ứng dụng VssID đã mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như: Quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB BHYT. Hồng Thiết  

“Gương sáng pháp luật” là hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo

Một trong những “kim chỉ nam” ngay từ ban đầu Ban Tổ chức chương trình “Gương sáng Pháp luật” luôn bám sát, là Quyết định 1521/QĐTTg ngày 6/10/2020 Thủ tướng ban hành (thực hiện kết luận 80- kL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân). Trong Quyết định 1521/QĐ-TTg, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ,thậm chí gợi ý “giải pháp” cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là “đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm”; “Tổ chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật bằng các hình thức phù hợp”. Đó là lý do trong khuôn khổ chương trình “Gương sáng Pháp luật”, không chỉ có gần 200 bài viết đề cử mà còn có những hoạt động khác như các buổi tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia và chính các nhân vật được đề cử. Nhiều câu chuyện thú vị đã được truyền tải thông qua những cuộc chuyện trò được truyền thông rộng rãi này (phát hình trực tiếp trên nền tảng internet, ghi nhận phản ánh trên báo in, báo điện tử...). Ở thời điểm tham dự tọa đàm, Vụ trưởngVụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh chưa biết sẽ được Bộ Tư pháp vinh danh “Gương sáng Pháp luật 2021” hay không, nhưng trước đó ông đã nhận được “danh hiệu” “Tổng đài giải đáp thanh tra, khiếu tố, chống tham nhũng” nêu trong bài viết đề cử. TS. Minh cho biết “danh hiệu” đem lại niềm vui, sự tự hào, nhưng cũng là sức ép; vì từ hôm có bài báo thì rất nhiều người đã gọi điện cho ông đặt những câu hỏi hóc búa liên quan đến các công tác trên. Ông Minh nhận xét, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi ban hành Luật PBGDPL, là đạo luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Có nhiều phương pháp, phương thức để tuyên truyền PBGDPL, nhưng cách giáo dục tốt nhất được đúc kết là nêu gương, do nêu gương là phương pháp rất gần gũi, thực tế, dễ thực hiện theo. ““Gương sáng Pháp luật” đã khắc họa những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, việc tốt cụ thể, thay vì đưa ra những điều khoản khô khan. Những gương sáng đó là hiện thân của nhận thức pháp luật, của tuân thủ pháp luật nên có sức lan tỏa rất lớn. Chương trình đã rất thành công, nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp”, ông Minh nói. Có những câu chuyện của người tham dự tọa đàm vừa chứng tỏ sự cống hiến âm thầm cho cộng đồng của một đội ngũ hàng vạn người trong xã hội, vừa giúp người theo dõi hiểu ra nhiều kiến thức. Như câu chuyện của nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, nếu không có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 khiến hệ thống y tế phải căng mình từng ngày, từng giờ thì công việc hàng ngày của ông và đội ngũ cán bộ y tế dự phòng chỉ là đi vận động người dân xây dựng nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh… nên từng bị gọi vui là bác sỹ “phân - nước - rác”. Những người tham dự tọa đàm cũng có thể là những cán bộ xã, giữ chức vụ được đánh giá là “nhỏ nhoi” như bà Đặng Thị Phúc, người dân tộc Dao, trú tại thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thế nhưng, thực sự đó là những bông hoa âm thầm dâng mật ngọt cho đời. Sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, bà Phúc cho biết, mảnh đất quê hương làng Ẻn của bà còn nhiều khó khăn nên mơ ước của bà là muốn cùng mọi người xây dựng một quê hương giàu đẹp, sung túc và làm nhiều công tác tuyên truyền, vận động phát triển sản xuất để người dân được no ấm và hạnh phúc. Là một đảng viên lão thành, bà chỉ suy nghĩ đơn giản đã được Đảng tin tưởng giao việc thì phải hoàn thành tốt, từ tuyên truyền nhân dân phát triển sản xuất, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tảo hôn, bình đẳng giới, trẻ em được học hành; vận động bà con đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, đóng góp xây dựng mở đường giao thông phát triển làng Ẻn. Tham dự một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ chương trình “Gương sáng Pháp luật”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá đây là một hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo, hiệu quả. Là người gắn bó lâu năm với công tác Mặt trận, thường xuyên gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Túc cho rằng, sau khi có Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đến nay, công tác pháp luật của chúng ta cómột bước tiến lớn, tức là pháp luật đã được phổ biến rộng hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là 10 năm gần đây chúng ta chú ý nhiều đến xây dựng pháp về lĩnh vực kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. “Riêng về phổ biến pháp luật, thì từ thời bao cấp sống chủ yếu bằng nghị quyết của Đảng, đã dần bước sang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, ông Túc nói. “Chương trình “Gương sáng Pháp luật” do Báo PLVN chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp có thể coi là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, hướng tới mục tiêu sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ông Túc nói. Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Khai mạc Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam 2021

TĐKT – Sáng 6/11, Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam 2021 chính thức khai mạc với nhiều nội dung phong phú và đa dạng. Chương trình do Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối cùng Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ SecDev và Trung tâm Thông tin Mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC). Chương trình được thực hiện trên nền tảng Zoom Meetings. Bà Ngô Minh Trang, Giám đốc Vietnet-ICT chia sẻ: “Trong suốt hành trình nhiều năm qua, Vietnet-ICT luôn đồng hành cùng thanh niên khắp các vùng miền, cả các khu vực còn khó khăn như vùng sâu vùng xa với các sáng kiến trao cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin và kỹ năng số cho các bạn trẻ khởi nghiệp và hội nhập. Chúng tôi rất tự hào cùng với các đối tác, là đơn vị khởi xướng và tổ chức Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet tại Việt Nam. Bằng việc phát triển ý thức về kỹ năng công dân số và quản trị Internet từ khi còn trẻ, chúng tôi tin rằng thanh niên có thể nhận thức để đánh giá một cách nghiêm túc và có trách nhiệm về cách họ sử dụng công nghệ hàng ngày; đồng thời họ có thể đóng góp tiếng nói của mình để xây dựng môi trường số văn minh, lành mạnh, và lan tỏa và chia sẻ năng lực đó cho cộng đồng trẻ.” Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam 2021 Tại Diễn đàn, với sự điều phối hướng dẫn của Nhóm Hội đồng thanh niên YIGF, hơn 100 đại sứ là các bạn trẻ tham gia diễn đàn đã vào vai mô phỏng phiên thảo luận của các bên liên quan (chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu, người dùng Internet, và tổ chức phi chính phủ) để nói lên ý kiến của họ về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng Internet dưới nhiều góc nhìn. Các ý kiến tại phiên thảo luận đã được ghi nhận trở thành bản góp ý của đại sứ thanh niên Diễn đàn Quản trị Internet Việt Nam 2021 và được gửi đến các cơ quan quản lý liên quan. Bên cạnh đó, các đại biểu thanh niên đã cùng tham gia thảo luận và lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia về các chủ đề liên quan đến quản trị Internet và hội nhập kỹ thuật số như “Chuyển đổi số - Thách thức và cơ hội”, “Công dân số và riêng tư trên mạng”, “Chuyển đổi số và cơ hội nghề nghiệp dành cho giới trẻ”, “Ảnh hưởng của AI tới người sử dụng Internet”. Đại diện Nhóm Hội đồng thanh niên YIGF tham gia điều phối hướng dẫn tại Diễn đàn Tại talk show với chủ đề “Công dân số văn minh, không gian mạng an toàn” diễn ra vào chiều 6/11, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục Innedu đã chia sẻ với nhiều bạn trẻ về những nhiều kỹ năng học tập quan trọng từ Internet. Với vai trò là cô giáo được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, bà khuyên giới trẻ hãy chủ động học tập, đừng thụ động chờ vào giáo án giảng bài. Tự học mới là quan trọng. Google là kho thông tin đa dạng và phong phú, sẽ cực kỳ hữu ích đối với người biết khai thác thông tin; ngược lại nó sẽ có tác dụng ngược nếu con người ta không tỉnh táo khi sử dụng thông tin ở đó. Khi tìm kiếm thông tin trên internet, cần tìm bằng nhiều từ khóa khác nhau, nhiều thứ tiếng khác nhau, nghiên cứu, tổng hợp một cách khách quan… Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục Innedu chia sẻ, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ tại Diễn đàn Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam 2021 sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 6 - 7/11, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 thanh niên ưu tú được nhận tài trợ tham gia là học sinh, sinh viên đang học tập trên khắp mọi miền đất nước được tuyển chọn từ gần 700 đơn đăng ký. Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham gia của Ban cố vấn tới từ các tổ chức hoạt động cộng đồng, Hiệp hội Internet Việt Nam, công ty công nghệ và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Diễn đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam là sáng kiến được tổ chức dành riêng cho thanh niên, nơi những người trẻ được học hỏi và tham gia vào quá trình thảo luận các chủ đề liên quan như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, giao tiếp số, trí tuệ nhân tạo. Diễn đàn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của giới trẻ về quản trị Internet và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia tích cực vào việc xây dựng không gian số lành mạnh và tích cực. Mai Thảo

Tổ công tác xây dựng Đề án Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ họp phiên thứ nhất

Sáng ngày 05/11/2021, tại Trụ sở Bộ, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Đề án Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án) chủ trì phiên họp thứ nhất. Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Tổ trưởng Tổ công tác và thành viên Tổ công tác. Trưởng phòng Phòng Văn thư - Lưu trữ và Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Bộ Nội vụ) Phạm Quang Tuyến, thành viên kiêm Thư ký của Tổ công tác công bố Quyết định thành lập Tổ công tác. Theo Quyết định số 1116/QĐ-BNV ngày 18/10/2021 về việc thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ làm Tổ trưởng Tổ công tác; đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ) làm Tổ phó Tổ công tác; cùng 21 thành viên là lãnh đạo, đại diện lãnh các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ. Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, ngày 15/10/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BNV về phê duyệt Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, Bộ Nội vụ thành lập Tổ công tác nhằm triển khai xây dựng Đề án theo đúng nội dung Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1105/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành tại Bộ Nội vụ. Với tinh thần khẩn trương, đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các thành viên tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc đề xuất những nội dung cần thiết phải chuyển đổi số của từng đơn vị; kế hoạch phân công nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện và lấy ý kiến đối với đề cương Đề án... Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Chu Tuấn Tú, thành viên Tổ công tác phát biểu tại phiên họp. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn, thành viên Tổ công tác phát biểu tại phiên họp. Trao đổi, thảo luận tại phiên họp, các thành viên Tổ công tác đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào một số nội dun như: điều chỉnh tiến độ thực hiện Đề án; tìm kiếm sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước có chuyên môn cao về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước; xây dựng thể chế phù hợp với kế hoạch thực hiện Đề án; chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu số, an toàn an ninh, thông tin mạng; bồi dưỡng, đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin; xác định rõ chuyển đổi số cụ thể của từng lĩnh vực phù hợp với đặc thù, tính chất công việc; nghiên cứu, tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số... Quang cảnh phiên họp Phát biểu kết luận phiên họp, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác trong việc đóng góp nhiều ý kiến vào việc hoàn thiện dự thảo Đề án để trình lãnh đạo Bộ xem xét trong thời gian sớm nhất./. Theo tcnn.vn

Thực hiện nhiều biện pháp đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Kiên Giang

TĐKT - Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang. Tham gia đoàn có đại diện của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, từ tháng 10 đến tháng 11, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận thêm 2.807 ca mắc mới, giảm 1.156 ca, tương đương 30,4% so với tháng trước. Như vậy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, tỉnh ghi nhận 16.807 ca mắc COVID-19; tỉnh hiện đang ở cấp độ dịch cấp 2. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc Để thực hiện mục tiêu đẩy lùi COVID-19, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Kiện toàn mạng lưới điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, phân tầng điều trị, thực hiện phương án bệnh viện tách đôi, tích cực tiêm vaccine phòng COVID-19. Cùng với đó, Tiền Giang tăng cường công tác kiểm tra và quản lý địa bàn, kiểm soát dịch tễ cũng như đảm bảo an sinh xã hội, không để ảnh hưởng đến sản xuất - cung ứng và lưu thông hàng hóa, tích cực hỗ trợ hộ dân khó khăn do chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Tiền Giang đã cho phép tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo các phương “một cung đường hai điểm đến”, “3 tại chỗ” hoặc kết hợp cả hai. Toàn tỉnh có 183 doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp với trên 58.000 lao động đang hoạt động theo các phương án trên. Cho đến ngày 1/11, toàn tỉnh đã tiêm 1.562.787 liều vaccine phòng COVID-19, đạt 68,7% tổng số liều vaccine được phân bổ. Trong đó, số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 là 1.186.031, đạt 79,9% và người được tiêm đủ 2 mũi là 376.756 người, đạt 25,4%. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, tuy nhiên Thứ trưởng nhận định tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khiến địa phương đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Để triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý Tiền Giang cần có phương án ứng phó dịch phù hợp theo hướng bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống theo lộ trình. Tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine, ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 50 tuổi có nguy cơ cao, song song với việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khi tỉnh dần trở lại trạng thái bình thường mới. Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo phương án phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, Tiền Giang phải chú trọng gắn với việc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, cũng như bảo đảm việc đi lại, sản xuất bình thường của người dân. Đặc biệt, Tiền Giang cần nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 theo hướng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, đảm bảo nguồn thuốc điều trị, không để bệnh nhân nhẹ trở nặng và giảm thiểu số ca tử vong. Về vấn đề vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Tiền Giang rà soát, tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế kịp thời về nhu cầu, số lượng vaccine cụ thể dành cho từng đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ kịp thời vaccine cho tỉnh để triển khai tiêm. Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi mở lại sản xuất. Đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Nam gợi ý: Một số tỉnh tương đương như Tiền Giang đã và đang hoàn thành bộ tiêu chí chống dịch. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh gần đây đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại. Chia sẻ với các doanh nghiệp về những áp lực trong mùa dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tỉnh nên hình thành các trạm y tế tại chỗ ở từng khu công nghiệp để chủ động xử trí khi có ca nhiễm. Doanh nghiệp cũng cần cập nhật cấp độ dịch để thích ứng với kế hoạch sản xuất trên hệ thống quốc gia và hệ thống của tỉnh. La Giang

Trang