Chính trị - Xã hội

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021

TĐKT - Sáng 25/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Lễ khai mạc Diễn đàn có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Nguyễn Ngọc Lương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở trung ương. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến trong và ngoài nước với sự tham gia của 177 đại biểu trí thức trẻ đang công tác, học tập tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các trí thức trẻ tham gia Diễn đàn có chuyên môn đa dạng, đang triển khai các đề tài nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn. Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo những biến chuyển sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng lớn mạnh. Không ít trí thức trẻ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo, vươn mình ra tầm châu lục và thế giới, đặc biệt đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, khẳng định được mình, khẳng định được trí tuệ Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.  “Một điểm mới của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV là việc tổ chức hơn 15 hội thảo khoa học, diễn đàn nhánh theo nhiều chủ đề, lĩnh vực chuyên môn để các trí thức trẻ thảo luận, trao đổi trước thềm diễn đàn. Bên cạnh đó, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã được xây dựng, củng cố bằng những mạng lưới theo khu vực như: Mạng lưới trí thưc trẻ khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương hay theo từng lĩnh vực chuyên ngành như kinh tế, xây dựng, y khoa hay năng lượng. Điều này một mặt giúp kết nối mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, mặt khác tạo cơ chế hoạt động bền vững, hiệu quả cho Mạng lưới”, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa đại biểu dự Diễn đàn Trong khuôn khổ Diễn đàn, mỗi trí thức trẻ tham dự đều xứng đáng là đại diện cho đội ngũ trí thức trẻ trong lĩnh vực chuyên môn, học tập, nghiên cứu và nơi công tác. Kiến thức chuyên môn giỏi, năng lực tư duy sáng tạo tốt, khả năng hội nhập cao, tinh thần dân tộc cũng như luôn mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước là những thế mạnh của trí thức trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tập hợp, phát huy lực lượng trí thức trẻ Việt Nam trở thành nhiệm vụ quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên Việt Nam. “Trong thời gian qua, bằng nhiều giải pháp khác nhau, chúng tôi đã cố gắng từng bước gắn kết trí thức trẻ thông qua nhiều phong trào, chương trình hoạt động, đặc biệt là tổ chức những diễn đàn tạo không gian để trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phát huy trí tuệ, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của đất nước”, anh Lương cho biết. Được khởi xướng từ năm 2018, sau 3 lần tổ chức, Diễn đàn đã thu hút 640 đại biểu chính thức trong và ngoài nước và đưa ra 415 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các Diễn đàn và các nội dung thảo luận; hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với hơn 1.000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí; tự động hóa, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên…đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các trí thức trẻ thời gian qua, đánh giá cao chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” của Diễn đàn. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là chuyển đổi số đặt ra nhiều thời cơ và thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng và sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý tưởng, giải pháp, kiến nghị của đội ngũ trí thức trẻ để thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi, hiệu quả “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nội dung chính gồm: “Khơi nguồn sáng tạo” - thảo luận về các chủ đề nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học - công nghệ trong tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sản xuất bền vững; nghiên cứu y - sinh, khoa học sự sống và con người. “Ứng dụng và chuyển giao” - thảo luận về các chủ đề ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong năng lượng và môi trường; ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phát triển đô thị. “Kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia” - thảo luận về chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị và đổi mới. “Phát triển và thương mại hoá các giải pháp chuyển đổi số”- thảo luận về các chủ đề Phát triển các dự án y tế - giáo dục số; phát huy các giá trị văn hóa - con người Việt Nam trong kỷ nguyên số; phát triển các mạng lưới đổi mới, sáng tạo. Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, 2021 nhằm góp phần đổi mới và phát triển đất nước; tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học trực thuộc Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; công bố các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu được đặt hàng bởi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… Thông qua diễn đàn sẽ định hướng, chuyển giao tri thức, công nghệ cho những dự án liên kết, liên ngành ứng dụng nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ mới; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng một Việt Nam hiện đại, thịnh vượng. Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, năm 2021 sẽ diễn ra từ 25 - 26/11, với sự đồng hành của các đơn vị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Công ty Cổ phần Smart Hub; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Thục Anh

Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày ở tuổi 91, cụ bà bình phục kỳ diệu

TĐKT - Sau khi phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày ở tuổi 91, cụ bà Lại Thị T., 91 tuổi, quê tại xã Liêm Chung, Phủ Lý, Hà Nam đã bình phục một cách kỳ diệu. Mặc dù đối diện với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy đến trong mổ tuy nhiên với kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức tiên tiến, tiệm cận với y học khu vực và thế giới, việc phẫu thuật điều trị ung thư cho bệnh nhân tuổi cao không còn nhiều thách thức với các bác sĩ Bệnh viện K. Nhiều thách thức đặt ra với ca mổ Một tháng gần đây, cụ Lại Thị T. thấy tức bụng, khó chịu vùng bụng mức độ ngày càng đau nên đi khám. Với kết quả siêu âm khối u lớn ở dạ dày, cụ đã được gia đình chuyển lên Bệnh viện K điều trị vào đầu tháng 11/2021. “Cụ T. nhập viện chỉ với triệu chứng đau tức vùng thượng vị, không kèm nôn máu, đi ngoài phân đen, đây là dấu hiệu dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hay gặp khác ở đường tiêu hóa. Rất may, cụ T. được đi khám phát hiện bệnh chưa ở giai đoạn quá muộn, kết quả nội soi cho thấy có tổn thương sùi loét ở vùng hang vị dạ dày, kích thước lớn khoảng 40mm, khối u vẫn còn khu trú, kết quả sinh thiết là ung thư dạ dày, chẩn đoán K dạ dày giai đoạn 2A cT3N0M0 đã tiến hành hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho cụ T., làm sao để có thể điều trị tốt nhất đảm bảo về ung thư học,nhưng cũng phải an toàn nhất, trên nền bệnh nhân cao tuổi”. ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I chia sẻ.            Phim chụp cụ T TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K nhận định trước ca phẫu thuật: “Đây là ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi có nhiều vấn đề đặt ra thách thức cho ekip phẫu thuật. Thứ nhất, bệnh nhân T. tuổi đã cao trên 90; thứ hai, cụ T. có tiền sử tăng huyết áp lâu năm nhưng điều trị ngắt quãng; thứ ba, chỉ số mỡ máu ở bệnh nhân cao gấp đôi so với ngưỡng thông thường do đó có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch, nhồi máu, đặc biệt là tắc mạch vành, mạch phổi; thứ tư, bệnh nhân còn có rối loạn dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất; thứ năm, kết quả phim chụp CT có xẹp nhỏ thùy dưới phổi trái kèm theo cong vẹo cột sống ngực. 5 yếu tố này khiến ekip phẫu thuật và ekip gây mê cần có sự chuẩn bị, lên phương án kỹ càng, cẩn trọng bởi bệnh nhân không thể gây mê, phẫu thuật trong thời gian quá lâu, nhưng đã phẫu thuật là phải quyết tâm loại bỏ hoàn toàn tổn thương, đảm bảo hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống cho cụ T.”  “Sau tất cả các kết quả của cụ T., kèm theo đánh giá về hô hấp, tim mạch, đánh giá tổn thương tại chỗ, thể trạng bệnh nhân vẫn bảo đảm và sự quyết tâm của cụ T. cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ tổn thương”, ThS.BS CKII Hà Hải Nam cho hay. Ngày 16/11/2021, cụ T. được phẫu thuật. Dù nhiều thách thức được đặt ra, tuy nhiên với kỹ thuật ngoại khoa chuyên sâu của ekip gồm TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K; ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với kíp gây mê hồi sức nhiều kinh nghiệm, ca mổ đã diễn ra thành công, các bác sĩ đã cắt một phần dạ dày, loại bỏ hoàn toàn tổn thương kèm nạo vét gần 20 hạch lớn nhỏ trong khoảng thời gian rất ngắn 1 tiếng 15 phút . Sau ca phẫu thuật, cụ T. được theo dõi chặt chẽ và hồi phục rất nhanh, ăn uống tốt trở lại chỉ sau ít ngày.   Loại bỏ tâm lý "buông xuôi" nếu mắc ung thư ở người cao tuổi “Ngay khi nhận kết quả chẩn đoán ung thư dạ dày, gia đình bàn bạc quyết tâm điều trị đến cùng nếu mẹ tôi đủ sức khỏe. Rất mừng là ca phẫu thuật thành công, sức khỏe mẹ tôi rất tốt, tinh thần phấn khởi, 3 ngày là cụ đã ăn uống đi lại rồi, gia đình tôi rất mừng. Theo phác đồ của bác sĩ là đúng đắn, nghĩ lại nếu lúc đó cứ nghe người ta mách tìm ông lang để điều trị uống thuốc nam vì mẹ tôi cao tuổi không mổ được thì có lẽ giờ tôi đang ân hận nhiều lắm.” - cô Lại Thị T. con cụ T. chia sẻ. Người nhà chăm sóc cụ T Đến nay là ngày thứ 7 sau phẫu thuật, cụ T. sinh hoạt bình thường trở lại và chuẩn bị ra viện. Khám lại cho cụ T. Thời gian qua, Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho nhiều người bệnh cao tuổi, từ hơn 80 tuổi đến hơn 90. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng hiện nay kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức của Bệnh viện K đạt trình độ tiệm cận với y học khu vực và thế giới, giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên, theo TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện: “Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật, ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao, thậm chí trên 90 như trường hợp vừa nêu ở trên, vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh tốt nhất”. La Giang

Nhiều người bệnh loạn trương lực cơ được tiêm botulinum toxin tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

TĐKT - Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhận được 4500 đơn vị botulinum toxin. Lượng thuốc này được dùng để tiêm miễn phí cho 8 người bệnh bị loạn trương lực cơ ở các vị trí cổ, co thắt mi mắt, co thắt nửa mặt, co cứng cơ sau chấn thương sọ não... Người bệnh loạn trương lực cơ được tiêm botulinum toxin tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Bệnh loạn trương lực là bệnh rối loạn vận động của hệ thần kinh, với biểu hiện co cơ liên tục hoặc lặp đi lặp lại ngoài ý muốn, tạo tư thế bất thường của một vùng hay nhiều vùng khác nhau của cơ thể. Tỷ lệ mắc loạn trương lực khoảng 1/2000 dân. Loạn trương lực có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào trên cơ thể. Các thể lâm sàng loạn trương lực thường gặp gồm: Co thắt mi mắt, loạn trương lực hàm miệng (co thắt các cơ vùng hàm miệng làm cho khi bệnh nhân nói miệng bị co thắt lại hoặc bị cắn hàm tự nhiên), loạn trương lực cổ (làm cho cổ bệnh nhân bị xoay/gập/ngửa thường xuyên về một bên), loạn trương lực tay (khi người bệnh viết/chơi nhạc cụ thì cổ tay hoặc ngón tay bị gập lại làm cho động tác viết khó khăn, thường bị nhận định nhầm thành bệnh lý của khớp hoặc hội chứng chèn ép ống cổ tay,…), loạn trương lực phát âm (người bệnh phát âm ngắt quãng khó nghe) hoặc thậm chí loạn trương lực toàn thể. Bác L.Đ.S đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng co cứng cơ sau chấn thương sọ não, đã được phẫu thuật dẫn lưu não thất ổ bụng 2 lần. Tay và chân người bệnh bị co cứng gây khó khăn trong việc vệ sinh và tập phục hồi chức năng, sinh hoạt cá nhân của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Sau khi được tiêm botulinum toxin trong chương trình tiêm miễn phí tại bệnh viện, cơ người bệnh mềm ra, tầm vận động của khớp được cải thiện, người bệnh đã có thể ngồi được xe lăn,tập đi, tập đứng, sinh hoạt và tự vệ sinh cá nhân dễ dàng hơn. Trường hợp thứ 2 là bạn N.N.H, là sinh viên năm cuối của Đại học Bách Khoa. Không may bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông, bệnh loạn trương lực cơ co cứng ở tay đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của H. Tuy nhiên sau khi được tiêm botulinum toxin, tình trạng bệnh của H đã được cải thiện rõ rệt, có thể duỗi thẳng các ngón tay. Bên cạnh bệnh loạn trương lực cơ ở chân, tay, mi mắt, nửa mặt, người bệnh còn hay gặp tình trạng này ở cổ. Anh T.Q.H đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng loạn trương lực cơ cổ, là một bệnh lý nguyên phát khiến cho người bệnh bị đau, sinh hoạt khó khăn, là rào cản tâm lý ngại ngùng tiếp xúc với người khác. Được tiêm botulinum toxin sẽ giúp tình trạng bệnh nhân cải thiện, các cơ được vận động tốt hơn. BS Ngô Thị Huyền, Khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Nguyên nhân loạn trương lực là do rối loạn chức năng của các nhân xám trong não. Các tình trạng bệnh có thể gây ra tổn thương nhân xám trung ương gồm: Viêm nhiễm hệ thần kinh, u não, đột quỵ, bệnh não thoái hóa, bệnh di truyền. Các trường hợp loạn trương lực không tìm thấy căn nguyên được coi là loạn trương lực vô căn (loạn trương lực nguyên phát).Các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân và điều trị căn nguyên bệnh để làm giảm triệu chứng và chấm dứt quá trình bệnh. Trong trường hợp đã điều trị nguyên nhân mà vẫn không hết triệu chứng, thì cần áp dụng các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng cho bệnh nhân, bao gồm: Thuốc uống, tiêm botulinum toxin, phẫu thuật và điều trị hỗ trợ. Hồng Thiết

Người lao động cần lưu ý về hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT - Tính đến hết ngày 23/11/2021, đã có 342.652 đơn vị gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 11.734.372 người lao động (NLĐ) đang tham gia BHTN, bằng 95,8% tổng số đơn vị đã nhận danh sách rà soát và bằng 99,1% số lao động đã được cơ quan BHXH gửi danh sách rà soát. Tuy nhiên, hiện nay còn một số đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa thực hiện việc gửi danh sách NLĐ (cập nhật đúng, đủ thông tin về số tài khoản ngân hàng, số điện thoại...) thuộc diện được hỗ trợ đến cơ quan BHXH để có cơ sở thực hiện chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN theo quy định. Người lao động cần lưu ý về hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với NLĐ đã dừng tham gia BHTN, còn thời gian bảo lưu đóng BHTN có nhu cầu nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN sẽ làm thủ tục đề nghị cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện để nhận gói hỗ trợ. Hạn cuối tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của NLĐ thuộc nhóm này là đến hết ngày 20/12/2021. Thời gian cơ quan BHXH phải hoàn thành chi trả hỗ trợ cho NLĐ chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Cũng theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 30/11/2021, trường hợp NLĐ đang tham gia BHTN chưa nhận được hỗ trợ, NLĐ sẽ phải tự thực hiện thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN (tương tự như thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ dành cho NLĐ đã đừng tham gia và đang có quá trình bảo lưu đóng BHTN) để được nhận hỗ trợ. Tính đến hết ngày 23/11/2021, cơ quan BHXH giải quyết hưởng hỗ trợ cho 852.008 người đã dừng tham gia BHTN. Tuy nhiên, còn một lượng lớn NLĐ thuộc nhóm này chưa thực hiện thủ tục với cơ quan BHXH để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó còn một số NLĐ bị từ chối giải quyết hưởng do không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ hoặc phải điều chỉnh, bổ sung thông tin để đảm bảo đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định. Theo dự kiến của BHXH Việt Nam, sẽ có trên 2,42 triệu NLĐ đã dừng tham gia BHTNđủ điều kiện nhận hỗ trợ; tuy nhiên, số hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ của nhóm này gửi đến cơ quan BHXH mới đạt khoảng 1.278.473 NLĐ (bằng 47% tổng số lao động dự kiến thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ). Mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động rà soát các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHTN, thông báo đến tận từng xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố (bằng văn bản, trên hệ thống loa phát thanh, trên cơ quan báo, đài địa phương…) về thời hạn nộp hồ sơ, thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ để NLĐ biết và liên hệ với cơ quan BHXH sớm nhận được gói hỗ trợ. Cụ thể, tính đến hết ngày 23/11/2021, BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 12.154.979 lao động, trong đó có 11.302.971 lao động đang tham gia BHTN và 852.008 người đã dừng tham gia BHTN, với tổng số tiền hỗ trợ là 28,86 nghìn tỷ đồng. Hồng Thiết  

Lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn Viettel giai đoạn 2021 - 2025

TĐKT - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Tập đoàn Viettel) tổ chức Lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn Viettel giai đoạn 2021 - 2025. Dự Lễ ký kết, về phía Bộ Tài chính có: Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính: Trần Xuân Hà, Vũ Thị Mai, Tạ Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Về phía Tập đoàn Viettel có: Đồng chí Lê Đăng Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; các Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn gồm: Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Đại tá Tào Đức Thắng; đại diện lãnh đạo các Ban, Tổng Công ty, Công ty và Trung tâm thuộc Tập đoàn Viettel. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Lễ ký kết Việc ký kết hợp tác giữa hai bên nhằm mục đích tư vấn, thử nghiệm, đào tạo và chuyển giao các công nghệ, giải pháp, nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số do Tập đoàn Viettel nghiên cứu, phát triển, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính theo định hướng chuyển đổi số và kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính giai đoạn 2021 - 2025. Theo nội dung biên bản được ký kết, Bộ Tài chính và Tập đoàn Viettel  sẽ hợp tác trong tư vấn, thử nghiệm các giải pháp nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; lĩnh vực đào tạo và chuyển giao công nghệ. Cụ thể: Tập đoàn Viettel sẽ cung cấp chuyên gia tư vấn, hỗ trợ đánh giá và đề xuất các phương án chuẩn hóa tối ưu các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các hệ thống ứng dụng CNTT của ngành Tài chính. Tập đoàn Viettel cung cấp chuyên gia, phối hợp với Bộ Tài chính để tư vấn, nghiên cứu và thử nghiệm một số công nghệ, giải pháp của chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn, nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng các ứng dụng nghiệp vụ nội bộ; hỗ trợ tư vấn các giải pháp công nghệ, quy hoạch tổng thể hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông... Đại diện hai bên ký kết hợp tác Bên cạnh đó, Tập đoàn Viettel cũng sẽ hợp tác với Bộ Tài chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNTT, trọng tâm vào một số công nghệ, giải pháp “lõi” của chuyển đổi số như: Công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật; hỗ trợ tư vấn và thử nghiệm các giải pháp đào tạo trực tuyến (e-Learning) tại Bộ Tài chính. Thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, Bộ Tài chính sẽ chia sẻ với Tập đoàn Viettel các định hướng chiến lược phát triển ngành Tài chính, các định hướng về cải cách quy trình nghiệp vụ và định hướng chuyển đổi số của ngành Tài chính để cùng nhau hợp tác vì sự phát triển trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng. Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cảm ơn Tập đoàn Viettel nhiều năm qua đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài chính trong triển khai nhiều dịch vụ CNTT, giải pháp phần mềm cho ngành Tài chính. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính mong muốn Tập đoàn Viettel với các thế mạnh của mình tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ Tài chính nghiên cứu, tư vấn các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Đồng chí Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh Viettel sẽ chuẩn bị các nguồn lực của Tập đoàn để hỗ trợ Bộ Tài chính triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất. Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn Viettel nằm trong chuỗi các hoạt động của Bộ Tài chính nhằm tham vấn, lấy ý kiến các tập đoàn, chuyên gia công nghệ hàng đầu trong quá trình hoạch định, xây dựng lộ trình chuyển đổi số của ngành Tài chính trong thời gian tới. Hồng Thiết

Can thiệp mạch lấy dị vật mắc kẹt ở tim người bệnh

TĐKT - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.H (54 tuổi) ở Kim Bôi, Hòa Bình nhập viện do có dị vật mắc kẹt ở tim. Qua khai thác được biết, người bệnh có tiền sử ung thư vú từ năm 2015, đã phẫu thuật và đặt buồng truyền hóa chất để điều trị hóa chất bổ trợ. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, do e ngại việc phải phẫu thuật can thiệp nhiều lần nên người bệnh đã không lấy buồng truyền ra. Đến tháng 11/2021, sau 6 năm, dây nối của buồng truyền bị đứt và trôi theo mạch máu và bị kẹt lại ở trong tim. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh được thăm khám kĩ lưỡng và tiến hành can thiệp lấy dị vật cũng như buồng truyền dưới da. Can thiệp mạch lấy dị vật mắc kẹt ở tim người bệnh ThS. BS Thân Văn Sỹ, khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ can thiệp đưa vào buồng tim và lấy dị vật ra ngoài chỉ trong vài phút. Quá trình can thiệp nhanh chóng và nhẹ nhàng đến nỗi người bệnh phải thốt lên trong ngỡ ngàng, khi đã ôm nỗi sợ phẫu thuật suốt 6 năm, không dám vào viện để lấy buồng truyền ra cho tới khi xảy ra biến chứng nguy hiểm. Sau can thiệp, tình trạng người bệnh hoàn toàn ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong một hai ngày. TS. BS Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Dị vật trong tim và mạch máu rất hiếm gặp, tuy nhiên gần đây có phổ biến hơn do việc sử dụng ngày càng nhiều các dụng cụ, thiết bị trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác nhau. Những dị vật này có thể to, nhỏ, hoặc có độ cứng, sắc cạnh khác nhau. Vì vậy, chúng có thể không gây ra triệu chứng gì, hoặc có thể gây ra huyết khối, tắc mạch, đâm thủng thành mạch, tổn thương tim, van tim, thậm chí dẫn đến rối loạn nhịp tim... May mắn thay, ngày nay, với các dụng cụ hiện đại, hầu hết các dị vật trong tim và mạch máu đều có thể lấy ra khỏi cơ thể chỉ qua một vết chọc rất nhỏ trên da. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thanh Dũng cũng nhấn mạnh, việc lấy bỏ dị vật trong lòng tim, mạch máu phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm để tránh gây ra những tổn thương thêm cho tim và mạch máu. Vì vậy, nếu gặp phải một trong những trường hợp trên, người bệnh cần được chuyển tới cơ sở y tế có chuyên môn sâu để được điều trị kịp thời và thích hợp. Hồng Thiết

Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi

TĐKT - Mới đây, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để thực hiện thành công ca ghép gan từ người hiến sống. Được biết, đây là ca đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam. Theo Đại tá, TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết: Sau 5 giờ đồng hồ phẫu thuật, mảnh ghép gan phải hoàn chỉnh đã được lấy thành công bằng phẫu thuật nội soi để ghép cho người nhận gan. Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Kíp bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan phải Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như: Can thiệp ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở. Người hiến gan ra viện khỏe mạnh sau 6 ngày phẫu thuật với chức năng gan bình thường. Người nhận gan sau 10 ngày chức năng gan ghép đã hoạt động tốt, ăn uống tốt, tự đi lại phục vụ các hoạt động sinh hoạt cá nhân. Hiện nay, cả nước đã có 9 trung tâm có thể thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan với hơn 300 bệnh nhân, trong đó Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tuy mới thực hiện ghép gan từ cách đây 4 năm nhưng hiện tại là trung tâm có số lượng ghép gan từ người hiến sống nhiều nhất Việt Nam với 91 trường hợp (trong tổng số 94 trường hợp ghép gan đã thực hiện tại BV TWQĐ 108). Tuy chúng ta thực hiện ghép gan muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng cho đến hiện nay các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này. Số ca ghép gan thành công ngày càng tăng lên theo từng năm, giúp trả lại cuộc sống và sức khoẻ bình thường cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý gan giai đoạn cuối, đồng thời, chi phí thực hiện ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về gan rất lớn, trong đó mỗi năm có khoảng 2000 - 2500 ca bệnh gan giai đoạn cuối có nhu cầu ghép gan. Hiện tại, Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện ghép gan thường quy với số lượng từ 40 - 50 ca/năm, dự kiến sẽ tăng lên 100 - 150 ca/ năm với nhiều loại hình kỹ thuật ghép tiên tiến sẽ được triển khai. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít các Trung tâm Gan mật và Ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống. Vì vậy, với việc lần đầu tiên ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghi một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng Việt Nam và mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo tiếp tục đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho nhiều người bệnh. Mai Thảo

Kiểm tra chuyên ngành cần sự thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

TĐKT - Lô hàng hơn 22.000 hộp sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã được thông quan ngay sau khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Từ vụ việc này cho thấy kiểm tra chuyên ngành hiện nay cần sự thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không để lặp lại tình trạng ách tắc. Bảo quản kịp thời, thông quan nhanh chóng đảm bảo chất lượng Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 5315/TCHQ-GSQL ngày 9/11/2021, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh để hướng dẫn thủ tục liên quan đến lô hàng và cho đưa hàng hóa về bảo quản để đảm bảo chất lượng trong khi chờ thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm để thông quan. Lấy mẫu kiểm tra lô 22.000 hộp sữa tại cảng Cát Lái Cụ thể, ngày 14/11/2021, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế có công văn số 2178/ATTP-KN thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nêu trên do Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh thực hiện đạt theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc TP đã đăng ký tờ khai cho lô hàng lúc 11h ngày 15/11/2021 và lô hàng đã được cơ quan hải quan thông quan theo đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm vào lúc 15h cùng ngày. Từ sự việc trên, phân tích theo quy định pháp luật hiện nay, Tổng cục Hải quan cho biết, theo Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng sữa hộp viện trợ này không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, trừ trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng cho phép nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp; cũng theo quy định tại Điều 6, 7, 8 của Nghị định thì mặt hàng sữa dành cho trẻ em đến 36 tháng tuổi phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định và nộp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do cơ quan này cấp để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan hàng hóa. Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm như trên được thực hiện cho từng doanh nghiệp; không áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì của các doanh nghiệp khác đã nhập khẩu trước đó, điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Cải cách để tạo thuận lợi Từ những vấn đề vướng mắc đó, thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nghị định này đang hướng tới tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo quy định dự thảo Nghị định, các mặt hàng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký bản công bản công bố sản phẩm và cấp mã số đăng ký một lần bởi nhà nhập khẩu đầu tiên; đối với mặt hàng cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì với hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm, các nhà nhập khẩu tiếp theo không cần phải thực hiện lại thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm mà được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Mã số đăng ký bản công bố sản phẩm được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để các doanh nghiệp tra cứu và làm thủ tục thông quan. Mặc dù dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng một số bộ, ngành còn ý kiến chưa nhất trí với dự thảo Nghị định.Với những nội dung này đã được giải trình cụ thể và xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Nguyễn Hân    

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu

TĐKT - Nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động (NLĐ) sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già, độ tuổi dễ bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.   Người lao động rút BHXH 1 lần gia tăng thời gian gần đây Đời sống khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều NLĐ đã đề nghị hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”... Thực trạng đó khiến số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần, đặc biệt vào thời gian gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64% tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sang năm 2014. Nếu quyền lợi được đặt lên ‘bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng  vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLĐ, trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của NLĐ là 5 triệu đồng/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, NLĐ đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% tiềnlương hằng tháng (32% tổng quỹ), NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLĐ nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLĐ phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng. Với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời. Trong thực tế, đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, NLĐ hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, NLĐ có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già. Hồng Thiết  

Chủ tịch nước: Những gì bắt đầu ở đây sẽ thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam

Ngày 20/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2021-2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, tự chủ, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tiếp cận với trình độ và công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới; đã đào tạo cho đất nước và một số nước bạn hơn 110 nghìn cán bộ có trình độ đại học, hơn 13 nghìn thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Học viện hiện có 82 mô hình khoa học và công nghệ, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đã khẳng định được kết quả tốt và có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn.  Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như Huân chương độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (02 lần), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và khai giảng năm học mới 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến các nhà giáo lão thành, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện cũng như tới tất cả các thày giáo, cô giáo và học sinh sinh, viên cả nước; ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn Học viện đã đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Nhấn mạnh những thách thức sắp tới đối với nền nông nghiệp Việt Nam, đối với Học viện rất to lớn như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải sản xuất dựa trên chất lượng thay vì số lượng, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu... Chủ tịch nước đặt câu hỏi “Phải định vị nền nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới đây như thế nào? Làm sao để chuyển đổi bắt kịp với thời đại, yêu cầu chuyển đổi số và biến thách thức thành cơ hội” và đề nghị Học viện góp phần quan trọng để trả lời câu hỏi nói trên. Khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng và mong muốn Học viện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, luôn là niềm tin, là nơi có đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nền nông nghiệp bền vững, sinh thái, hàng hóa giá trị cao, xây dựng nông thôn mới, hình thành tầng lớp nông dân văn minh, theo đúng tinh thần của Đại hội XIII của Đảng. Chủ tịch nước đề nghị Học viện tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật Giáo dục đại học và những quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ; ngoài đào tạo chuyên môn cần coi trọng đào tạo, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học viên để những người tốt nghiệp đại học có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, không bị thay thế bởi rô bốt và trí tuệ nhân tạo, có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là năng lực tự học, tư duy sáng tạo, năng lực hợp tác, tư duy phản biện... Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" cho các giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi người học là trung tâm; ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo; gắn đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sản xuất-kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Cho rằng tài sản quý giá nhất của Học viện không phải là trụ sở to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng, phương tiện hiện đại mà chính là cán bộ, giảng viên tâm huyết, trí tuệ, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo và chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, thầy giáo, cô giáo. Các thầy cô giáo phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, truyền cảm hứng cho người học, thật sự là tấm gương sáng về mọi mặt để sinh viên noi theo. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" cho các giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần tự chủ đại học phải được hiểu một cách đầy đủ, nhất quán, xuyên suốt từ cơ quan hoạch định chính sách, quản lý và thực thi chính sách; tạo điều kiện về cơ chế và nguồn lực để các cơ sở đào tạo đóng góp nhiều hơn, thực chất hơn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt cần chú trọng các khối Nông-Lâm-Ngư nghiệp- lĩnh vực có ảnh hưởng tới cuộc sống của phần lớn người dân. Chủ tịch nước yêu cầu phải đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, trên tinh thần các trường đại học phải được tự chủ để chủ động học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, cải cách mạnh thủ tục hành chính.  Học viện phải phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng; cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp thành công theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp và văn minh. Mục tiêu bao trùm của nghiên cứu là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Nhắc lại 5 nhiệm vụ “đặt hàng” đã nêu trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện năm 2016, Chủ tịch nước lưu ý Học viện cần tiếp tục tích cực tham vấn cho các cơ quan Nhà nước thực hiện mục tiêu xanh hóa nông nghiệp, điển hình như chiến lược trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 để chủ động về bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26,  Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan chú trọng chỉ đạo và đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ để học viện trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo, tích cực tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và các chương trình khác trong thời gian tới. Bày tỏ mong muốn “Những gì bắt đầu ở đây sẽ thay đổi nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”, Chủ tịch nước tin tưởng thầy và trò Học viện biến nhiệt huyết và trí tuệ của mình thành nguồn năng lượng vô tận thắp sáng nông thôn Việt Nam, “để nông thôn Việt Nam mãi là chốn yên bình của tất cả chúng ta, là mạch nguồn tươi mát nuôi dưỡng ta khôn lớn và luôn mở rộng vòng tay đón ta trở về”. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 12 nhà giáo của Học viện. Theo TTXVN

Trang