Chính trị - Xã hội

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khai mạc kỳ thi tuyển dụng viên chức năm 2021

Sáng ngày 28/12, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ khai mạc kỳ thi tuyển dụng viên chức đối với 05 vị trí việc làm của Trung tâm Tin học thuộc Ban. Các đại biểu dự Lễ Khai mạc kỳ thi tuyển dụng viên chức năm 2021 thực hiện nghi thức chào cờ Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 Phạm Đức Toàn; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ Trương Thị Liên và các đồng chí thành viên Hội đồng tuyển dụng viên chức của Ban, Ban Giám sát của Ban và Ban Coi thi, Tổ Giúp việc của Hội đồng, các thí sinh tham dự kỳ thi. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 phát biểu khai mạc Sau khi Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 của Ban công bố các Quyết định liên quan đến kỳ thi, Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 của Ban phát biểu khai mạc, khẳng định: Việc tổ chức kỳ thi nhằm mục đích lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, am hiểu nghề nghiệp, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm cũng như chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị công tác, đóng góp cho sự phát triển của Ban, ngành Thi đua, khen thưởng. Các thông tin về kỳ thi, danh mục tài liệu ôn thi đã được đăng tải công khai, đầy đủ và gửi tới các thí sinh theo quy định. Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi. Vòng 1, được tổ chức ngay sau lễ khai mạc này, là vòng thi trắc nghiệm trên giấy, gồm 3 môn: Kiến thức chung, ngoại ngữ, và tin học nhằm đánh giá năng lực nền tảng của thí sinh. Sau khi có kết quả thi vòng 1, các thí sinh đủ điều kiện sẽ tham gia vòng sát hạch bằng hình thức phỏng vấn, dự kiến được tổ chức trong tháng 01/2022 nhằm đánh giá năng lực chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Đồng chí Phạm Đức Toàn đề nghị: Để kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên Ban Giám sát kỳ thi, thành viên các Ban, Tổ giúp việc của Hội đồng và các bộ phận liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình tổ chức thi. Đề nghị các thí sinh dự thi nêu cao ý thức tự giác, nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế thi, vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình công tác, học tập để đạt kết quả cao nhất. Chúc các thí sinh bình tĩnh, tự tin, thể hiện cao nhất năng lực của mình để hoàn thành tốt nhất các nội dung thi. * Trước đó, ngày 27/12/2021, Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 đã triệu tập 5 thí sinh đủ điều kiện dự thi vòng 1 để nghe phổ biến về nội quy thi và kế hoạch thi tuyển viên chức năm 2021. Theo banthiduakhenthuongtw.gov.vn

Trao giải cuộc thi “Thanh niên với văn hóa giao thông”

TĐKT - Chiều 27/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức vòng Chung kết và trao Giải cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với văn hóa giao thông” năm 2021. Dự chương trình có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Công ty Honda Việt Nam. Cuộc thi nhằm phát huy vai trò xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao hiểu biết luật giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của thanh thiếu nhi trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh Huỳnh Thanh Thân Cuộc thi còn là cơ hội để tổ chức Đoàn, Hội đưa ra các giải pháp sáng tạo trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho biết, những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều cuộc thi thanh niên với văn hóa giao thông. Qua đó, đã đa dạng các loại hình tuyên truyền, tìm kiếm các mô hình hay, ý tưởng sáng tạo trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông; lên án các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. “Cùng với đó, tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã thiết kế nhiều sân chơi, tổ chức nhiều hoạt động để các bạn đoàn viên, thanh niên nắm vững về Luật Giao thông đường bộ cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan điến giao thông, an toàn giao thông, văn hóa giao thông…”, anh Minh cho biết thêm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với văn hóa giao thông” với sự phối hợp của Công ty Honda Việt Nam, đây là một phương thức tiếp cận, cách làm mới để các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các nội dung liên quan. Mặc dù thời gian triển khai không dài từ ngày 15/11 đến ngày 13/12/2021, nhưng cuộc thi được sự hưởng ứng rất tích cực từ các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc. Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các thí sinh Vòng thi sơ khảo cuộc thi diễn ra trong 4 tuần (từ ngày 15/11/2021 – 12/12/2021) với hình thức trực tuyến. Thí sinh tham gia bằng cách trả lời các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm thông qua website: thanhnienvoivanhoagiaothong.vn. Cuộc thi  đã nhận được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên, qua đó, nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách liên quan đến văn hóa giao thông. Kết thúc vòng sơ khảo, đã có 363.566 đoàn viên, thanh niên tham gia thi. Ban Tổ chức cuộc thi đã lựa chọn ra TOP 15 thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian làm bài nhanh nhất tham dự vòng chung kết. Tại chương trình, sau phần thi trắc nghiệm, 3 thí sinh xuất sắc nhất đã bước vào phần thi hùng biện. Kết quả, thí sinh Huỳnh Thanh Thân đến từ TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi; giải nhì thuộc về bạn Phạm Văn Thọ và bạn Nguyễn Trần Diệp Linh đều đến từ Hà Nội; các thí sinh còn lại giành giải khuyến khích. Ban Tổ chức cuộc thi trao một giải nhất trị giá 10 triệu đồng tiền mặt và một xe máy Honda Wave Alpha; 1 giải nhì trị giá 5 triệu đồng và một chiếc laptop; 1 giải ba trị giá 3 triệu đồng và một chiếc điện thoại thông minh (hoặc máy tính bảng), mũ bảo hiểm và 12 giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng và mũ bảo hiểm. Ban Tổ chức còn trao một giải tập thể dành cho Tỉnh Đoàn Hà Giang, đơn vị có số lượng thí sinh thi trên tổng số đoàn viên, thanh niên cao nhất với Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 20 triệu đồng. Mai Thảo

Hưởng ứng Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp năm 2021

TĐKT - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp. Trọng tâm của chuỗi hoạt động là vòng chung kết Hội thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp, năm 2021. Ngày hội diễn ra các hoạt động: Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Đồng Tháp; Diễn đàn: “Chuyển đổi số - Động lực từ thanh niên khởi nghiệp”; Triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST; Hội nghị Liên kết các ngành và đối thoại chính sách, truyền lửa cho thanh niên khởi nghiệp. Hưởng ứng Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp năm 2021 Cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2021 được phát động nhằm tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của tỉnh. Sau 5 tháng phát động, với 3 vòng thi (sơ khảo, bán kết, chung kết), Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 103 hồ sơ đăng ký tham gia của các cá nhân, tổ chức trong tỉnh Đồng Tháp và 11 tỉnh, thành ngoài tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, mô hình kinh doanh mới; giải pháp chế biến, khai thác, tạo giá trị gia tăng tài nguyên bản địa... Qua sơ khảo và bán kết, Ban Giám khảo đã chọn ra 13 dự án và 4 ý tưởng vào vòng chung kết của các tác giả đến từ các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Dương và thành phố Cần Thơ. Kết quả, giải nhất lĩnh vực dự án khởi nghiệp thuộc về dự án sản xuất dược trà - khai thác giá trị dược liệu từ nông sản của chị Đoàn Thị Hồng Thắm (TP Cần Thơ). Giải nhất lĩnh vực ý tưởng khởi nghiệp là ý tưởng Robot tuần tra hệ thống cống, rãnh của nhóm học sinh Dương Hoàng Khang, Nguyễn Thị Yến Thư và Phan Nguyễn Hạnh An (Đồng Tháp). Gian hàng của Thanh niên Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2021, đoàn viên trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp còn tham dự diễn đàn "Chuyển đổi số - Động lực từ thanh niên khởi nghiệp và chia sẻ về cảm hứng khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt". Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, hầu hết các gian hàng đều thu hút được sự quan tâm của khách tham dự. Triển lãm đã tạo điều kiện cho các startup trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông… xúc tiến giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm tại thị trường tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh của các startup; giúp startup nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới. Theo anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, việc phát triển dự án khởi nghiệp trong thanh niên là hoạt động được Trung ương Đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam quan tâm hỗ trợ để góp phần nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp trên cả nước, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. “Đồng Tháp và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để thanh niên khởi nghiệp, nhất là sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh về khởi nghiệp nên các bạn hãy tận dụng hết tất cả các lợi thế đang có để bắt đầu khởi nghiệp”, anh Nguyễn Hải Minh chia sẻ. "Không nhất thiết phải bắt đầu khởi nghiệp với những điều lớn lao mà hãy khởi nghiệp với những trăn trở và ý tưởng mới phát sinh trong cuộc sống hằng ngày và phát huy những thế mạnh của nơi mình sinh sống. Không ngại thất bại khi khởi nghiệp thôi chưa đủ mà các bạn cần làm sao để giảm thất bại và nếu có thất bại thì cũng không nản lòng và hãy khởi nghiệp lại cho đến khi thành công”, anh Nguyễn Hải Minh nhắn nhủ. Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực từ thanh niên khởi nghiệp”. Hành trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam. Hành trình năm 2021 sẽ đi qua 4 địa phương: Thái Bình, Hưng Yên, Bình Định và Đồng Tháp. Hành trình nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, thanh niên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp; giúp các nhà khởi nghiệp tham gia Hành trình có được kỹ năng, kiến thức và sự kết nối cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn suy thoái kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang tác động lên toàn cầu. Hành trình hướng đến việc huy động, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số. H.Nhung

Khuyến khích các đề xuất hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng ngay từ khi xây dựng thể chế

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tư pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, môi trường pháp lý phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển, lấy con người là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất khuyến khích các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn đưa ra các đề xuất về hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Sáng ngày 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Hội nghị do Bộ Tư pháp chủ trì, được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, các Ủy ban của Quốc hội... tham dự Hội nghị. Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi những giải pháp đặc biệt Báo cáo của Bộ Tư pháp và các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều đánh giá, năm 2021, ngành tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia tích cực, hiệu quả trong việc chuẩn bị định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác này. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đánh giá cao kết quả của ngành tư pháp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc phòng chống dịch và nhiều nhiệm vụ khác không có tiền lệ, bối cảnh đặc biệt đòi hỏi những giải pháp đặc biệt, vượt quá khung khổ pháp luật hiện hành. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng các quy định phục vụ phòng chống dịch, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ các nhiệm vụ này. Đến nay, nền tảng pháp luật phục vụ phòng chống dịch đã cơ bản đầy đủ. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, đã chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng quy định của pháp luật để đề ra các giải pháp thuộc thẩm quyền. Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã có nhiều đóng góp với hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp. Các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 07 Luật, Nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản. Chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn nhiều so với trước, nhất là các văn bản liên quan tới công tác phòng chống dịch. Bộ Tư pháp đã thẩm định 232 dự thảo; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 634 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 4.904 dự thảo và 1.879 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 06 bậc. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng; nhiều hoạt động chuyển sang thực hiện trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục thuộc nhóm 3 cơ quan dẫn đầu. Thủ tướng yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Môi trường pháp lý phải hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đạt được trong năm qua, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Nhất trí với đánh giá của các báo cáo, tham luận về các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ thời gian tới của Bộ, ngành Tư pháp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung. Dành thời gian phân tích một số nét nổi bật, khác biệt của tình hình năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã vượt qua những thời khắc hết sức khó khăn, thách thức, giữ vững bản lĩnh, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý của nhà nước, sự ủng hộ, đồng tình, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong phòng chống dịch. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế để khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trong mọi lĩnh vực khác của đất nước. Thứ ba, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thứ tư, góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam qua việc nâng cao các chỉ số trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã đạt được là nhờ Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát tình hình, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tuy đã  được nâng cao nhưng vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phải “trình đi trình lại”. Tiến độ xây dựng nhiều văn bản chưa bảo đảm. Việc đầu tư về nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế chưa tương xứng với yêu cầu của một khâu đột phá chiến lược. Một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác này. Có nơi, có lúc nhận thức chưa đúng tầm về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình năm 2022 có khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Năm 2022 cũng là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội Đảng các cấp. Đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn cũng cao hơn về môi trường pháp lý. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, phải chuẩn bị tâm thế để chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ năm 2022 tốt hơn năm 2021. Từ Đại hội XI, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường pháp lý phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển, khắc phục các bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tình hình mới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, để có môi trường pháp lý phù hợp, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật, mục tiêu cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Thứ hai, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để cụ thể hóa, thể chế hóa. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tháo gỡ được những khó khăn, nút thắt về thể chế. Trong nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi hoạt động phải tuân thủ pháp luật, nếu thể chế chưa phù hợp, chưa đi vào thực tiễn, thực tiễn đòi hỏi thì phải mạnh dạn đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. “Chúng tôi rất chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, phức tạp trong công việc này, yêu cầu là không bảo thủ, không trì trệ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu. Thứ ba, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và vai trò thực thi của các cấp chính quyền, đồng thời mở ra môi trường đổi mới sáng tạo, huy động trí tuệ tập thể, sự đóng góp, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng, phổ biến, thực thi và giám sát pháp luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thứ tư, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác này; bố trí cơ sở vật chất, không gian làm việc phù hợp, đầu tư về tài chính ngang tầm nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ tương xứng với người làm công tác tư pháp, pháp chế, cân đối, hài hòa, hợp lý với các ngành khác. Thủ tướng lưu ý việc tăng cường tiến độ, chất lượng thi hành án dân sự. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thứ năm, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thứ sáu, Bộ, ngành Tư pháp phải nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và các chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. “Khiêm tốn học hỏi, lắng nghe nhiều chiều, không đóng cửa để xây dựng luật pháp. Chúng ta không sợ dốt, không sợ kém, chỉ sợ không chịu học hỏi”, Thủ tướng nói.  Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng rất khuyến khích các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn đề xuất để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. “Các đồng chí đừng ngại ngùng, nể nang, chúng tôi cũng không thể bao quát được hết thực tiễn, phải trông chờ vào các đồng chí, đặt cái chung lên trên hết, trước hết, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng đề nghị. Ông lấy ví dụ, mở rộng một khu công nghiệp cũng phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thì rất khó để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Bộ Tư pháp phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”. Theo chinhphu.vn

Hội CCB Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương gặp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

TĐKT - Sáng 22/12, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh (CCB) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức gặp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 32 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2021). Lãnh đạo Ban TĐKT Trung ương tặng hoa chúc mừng Hội CCB Ban Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương; Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ I, Chủ tịch Công đoàn Ban TĐKT Trung ương; Đỗ Thúy Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội CCB và các hội viên Hội CCB Ban TĐKT Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội CCB Ban TĐKT Trung ương đọc diễn văn kỷ niệm Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội CCB Ban TĐKT Trung ương đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống cao đẹp của CCB Việt Nam. Hội CCB Ban TĐKT Trung ương được thành lập từ năm 2017. Hiện nay, Hội có 6 hội viên. Những năm qua, căn cứ Nghị quyết của Đảng ủy và chương trình công tác của lãnh đạo Ban, Ban Chấp hành Hội đã chủ động vận động các hội viên tham gia phong trào “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, phong trào thực hiện ba chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành TĐKT, phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Đồng thời tuyên truyền, vận động và quán triệt tới từng hội viên phát huy vai trò xung kích, gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, hội viên CCB Ban TĐKT Trung ương luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Mỗi hội viên CCB đã cố gắng đóng góp xây dựng Hội trưởng thành về mọi mặt, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương phát biểu tại buổi gặp mặt Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội CCB cũng như từng đồng chí hội viên trong công tác của Ban, của ngành TĐKT thời gian qua. Nhấn mạnh thời gian tới, nhiệm vụ công tác của Ban, của ngành ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương mong muốn từng đồng chí CCB, cựu quân nhân trên từng cương vị công tác của mình phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho cơ quan, đơn vị. Đảng ủy, lãnh đạo Ban luôn tạo điều kiện tối đa để Hội CCB và các đồng chí hội viên hoạt động hiệu quả hơn nữa, cùng với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thuộc Ban xây dựng tập thể Ban ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. * Trước đó, ngày 21/12, hội viên Hội CCB Ban TĐKT Trung ương đã tham dự triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chân dung một huyền thoại” và ra mắt sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Huyền thoại Việt Nam” tại trụ sở Bộ Nội vụ. Những hình ảnh tài liệu, hiện vật tại triển lãm góp phần tái hiện cuộc đời, sự nghiệp lừng lẫy và công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lịch sử dân tộc, đặc biệt là của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp - vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ với sự hình thành và phát triển của Bộ Nội vụ, từ đó giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc với thế hệ người Việt Nam nói chung, cán bộ, hội viên CCB nói riêng. Phương Thanh

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19”

TĐKT -  Ngày 20/12, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về công tác ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19”. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và chỉ đạo hội thảo. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta diễn biến dịch phức tạp và kéo dài đã tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Cùng với ngành Y tế cả nước, các đơn vị y dược cổ truyền đã tích cực tham gia đóng góp về nhân lực, vật tư y tế, thuốc điều trị. “Chúng ta đều biết, với đặc điểm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, giai đoạn đầu ít có biểu hiện triệu chứng hoặc không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, giai đoạn này, việc sử dụng y học cổ truyền với mục tiêu tăng cường thể lực cho bệnh nhân, làm hạn chế diễn biến của bệnh nhân từ thể nhẹ sang thể nặng sẽ góp phần giảm gánh nặng cho tầng điều trị can thiệp là rất cần thiết, đây cũng là thế mạnh của y học cổ truyền nước ta cần được phát huy”- Thứ trưởng nhấn mạnh Các điểm cầu tham dự hội thảo Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 226/TB-VPCP ngày 30/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với y học hiện đại trong phòng, chống dịch COVID-19”. Ngày 25/9/2021, Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 4539/QĐ-BYT về việc “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y-dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”; Công văn số 9230/BYT-YDCT ngày 29/10/2021 gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”... Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi toàn thể những người đang công tác trong lĩnh vực y, dược cổ truyền hãy tích cực hơn nữa và chủ động tham gia trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19. Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh, chia sẻ tại hội thảo Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, một số bài thuốc cổ truyền đang được các đơn vị nghiên cứu ứng dụng, bước đầu ghi nhận kết quả tốt: Bệnh nhân không bị chuyển mức độ nặng, giảm nhanh các triệu chứng (ho, sốt mất vị giác, khứu giác, đỡ mệt mỏi…). Hội thảo là cơ hội để các đơn vị đã và đang thực hiện tốt, có hiệu quả việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19 chia sẻ kinh nghiệm, mô hình triển khai áp dụng đóng góp và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. La Giang  

Kết quả kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax

TĐKT - Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Nanocovax (vắc xin Nanocovax). Trên cơ sở báo cáo, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất kết luận như sau: Về tính an toàn của vắc xin: Vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn tính dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11/2021. Kết quả kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax  Về tính sinh miễn dịch của vắc xin: Vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch theo Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước (ban hành kèm theo Quyết định 5259/QĐ-BYT ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11/2021. Về hiệu quả bảo vệ của vắc xin: Cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc COVID-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt. Chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử (Học viện Quân y, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà tài trợ (Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen) về việc xác minh các trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13/12/2021 làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin Nanocovax. Đề nghị tổ chức nhận thử hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo phân tích hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin về Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia trước 15h00 ngày 22/12/2021 để xem xét, đánh giá. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 nói chung, vaccine Nanocovax nói riêng. Đến nay trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax đã có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin nghiên cứu. Để bảo vệ cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đặc biệt những người tình nguyện được tiêm giả dược, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử và nhà tài trợ về việc “mở mù” để tiêm vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu ở nhóm sử dụng giả dược. Trong nghiên cứu này thực hiện “làm mù” để đảm bảo tính khách quan, theo đó người tình nguyện tham gia nghiên cứu được quản lý bằng mã số và được phân một cách ngẫu nhiên vào nhóm tiêm vắc xin nghiên cứu hoặc nhóm tiêm giả dược. Hồng Thiết  

Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán

TĐKT- Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế. Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước ghi nhận trên 1,5 triệu ca, trong đó có gần 1,1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và hơn 29.000 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong. Nguyễn Hân      

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại

TĐKT - Bộ Y tế gửi Công văn số 10722/BYT-DP về việc tiêm vắc xin phòng COVID- 19 liều cơ bản và nhắc lại. Công văn này thay thế Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là các đơn vị) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao, cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin. Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại Việc tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 được triển khai trên các nhóm đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản. Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 sử dụng vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Việc tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 triển khai với các nhóm đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Loại vắc xin sử dụng tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 như sau: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin Astrazeneca). Khoảng cách: Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Công văn 10722/BYT-DP cũng nêu rõ: vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là các vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Đối với những người đã mắc COVID-19 thì tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin. Đới với Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng đề nghị tham mưu lãnh đạo Bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp và xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin. Bộ Y tế giao các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. Hồng Thiết  

Tổng kết Dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” giai đoạn 2017 - 2021

TĐKT - Chiều ngày 20/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam và Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn Việt Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” giai đoạn 2017 - 2021, nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả, tác động của dự án; đồng thời, chia sẻ, vận động, lan tỏa các mô hình, sáng kiến hiệu quả hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em từ những can thiêp của dự án. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối giữa 3 điểm cầu (Hà Nội, thành phố Lai Châu và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), livetream trên fanpage của Hội LHPN Việt Nam, tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm Lvie&Learn Việt Nam. Dự án “Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái” tập trung vào việc thúc đẩy hệ thống chăm sóc, giáo dục an toàn và thân thiện với trẻ em thông qua hai hợp phần: Chăm sóc, giáo dục trẻ thơ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với trẻ em, được thực hiện tại tỉnh Lai Châu và Kon Tum từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021. Quang cảnh Hội nghị tổng kết trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội Sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án cơ bản đã đạt các mục tiêu đặt ra và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi như: Trẻ em, giáo viên, cha mẹ, tình nguyện viên, hội viên phụ nữ, chính quyền địa phương... Các hoạt động dự án đã góp phần cải thiện sự phát triển của trẻ em tại địa bàn Dự án: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi tại các xã dự án giảm rõ rệt tỷ lệ từ 25,68% năm 2017 xuống còn 14,37% năm 2021; kết quả học tập của trẻ 6 - 8 tuổi được cải thiện (94,30% trẻ lớp 2 đạt chuẩn môn Tiếng Việt và 96,35% đạt chuẩn môn toán); học sinh từ 8 - 15 tuổi được gia tăng năng lực về giảm nhẹ rủi ro thiên tai/biến đổi khí hậu để tích cực thúc đẩy môi trường an toàn ở cộng đồng và trường học; cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em 0 - 8 tuổi và các điều kiện đảm bảo an toàn ở trường học. Cha mẹ có con 0 - 8 tuổi trong vùng dự án có khả năng tạo môi trường kích thích để trẻ phát triển toàn diện và được nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai/thích ứng với biến đổi khí hậu ở trường và cộng đồng. Việc nhân rộng mô hình Nhóm cha mẹ ở ngoài vùng dự án đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai tại 46 tỉnh, thành với 1115 nhóm cha mẹ, 42.674 thành viên gắn với nhiệm vụ của Hội. Những kết quả này đã góp phần vào việc cải thiện và tạo môi trường học tập, chăm sóc giáo dục an toàn cho trẻ em dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng tránh rủi ro thiên tai cho trẻ em, giáo viên, cha mẹ và cộng đồng. Với vai trò chủ trì quản lý, điều phối của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cùng với sự nỗ lực UBND các huyện, các ngành, các cấp quan tham gia thực hiện dự án và sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn Việt Nam) đã phát huy hiệu quả nguồn lực từ dự án, các mảng hoạt động của dự án đã được triển khai gắn với nhiệm vụ của ngành liên quan và gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hội LHPN các cấp đã triển khai hoạt động giáo dục làm cha mẹ và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017 - 2022 và nhân rộng Nhóm cha mẹ gắn với sinh hoạt chi hội và thực hiện Đề án 938. Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, lan tỏa các mô hình, hoạt động hiệu quả hỗ trợ cha mẹ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, triển khai duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, sáng kiến gắn với thực hiện công tác gia đình của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027 và thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về công tác gia đình. Hội LHPN Việt Nam mong muốn các ngành, các cấp và UBND các huyện địa bàn dự án tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình hiệu quả từ dự án và chia sẻ, vận động, phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới. Hưng Vũ  

Trang