Chính trị - Xã hội

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang

Ngày 15/11, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra, giám sát công tác thi đua - khen thưởng tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VPCTN Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bắc Giang đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng; triển khai nhiều nội dung, chương trình thi đua nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng theo tinh thần đổi mới. Tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động như: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19; vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau... Địa phương tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với những nội dung, chủ đề cụ thể, thiết thực. Trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm 2023, tỉnh đã đề xuất Trung ương khen thưởng cấp Nhà nước đối với 661 tập thể, cá nhân; khen thưởng cấp tỉnh cho 16.149 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất, phòng chống COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại trên địa bàn. Bắc Giang đã dành gần 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tặng thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Công tác thi đua khen thưởng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào thi đua, khen thưởng ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; khen thưởng thành tích đột xuất chưa nhiều. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng mỏng, thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trên các lĩnh vực theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025); vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh trong việc tổ chức các cụm, khối thi đua; triển khai Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022; giải pháp khen thưởng trực tiếp cho người lao động. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu. Ảnh: VPCTN Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương những thành tích Bắc Giang đã đạt được; đồng thời, chia sẻ với những tồn tại, khó khăn của tỉnh trong công tác thi đua khen thưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, Bắc Giang cần phát huy những thành tích đã đạt được; có kế hoạch và phương án cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; gắn công tác thi đua khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương; trong đó, tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Đối với Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024), Bắc Giang cần tổ chức quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Tỉnh tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức, tiêu cực. Đối với các phong trào thi đua của Trung ương, tỉnh nên chọn các phong trào phù hợp với địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đối với phong trào thi đua ở địa phương mỗi thời điểm cần chọn một hay hai phong trào để đẩy mạnh, tránh sự dàn trải. Địa phương tiếp tục đổi mới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khen đúng người, đúng việc, kịp thời và tạo tính lan tỏa cao. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Về những đề nghị của Bắc Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tiếp tục tham mưu cho Bộ Nội vụ rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong các lĩnh vực chuyên ngành; triển khai quán triệt, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu. Ảnh: VPCTN Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tiếp thu những chỉ đạo, gợi mở góp ý của Đoàn công tác. Tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về công tác thi đua khen thưởng; mong muốn trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ nhận được nhiều sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về công tác này. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng. Theo vpctn.gov.vn

Khoa Quản lý nhà nước (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) kỷ niệm 10 năm thành lập

BTĐKT - Sáng 15/11, tại Hà Nội, Khoa Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. GS. TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng các thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường tặng hoa chúc mừng Khoa Quản lý nhà nước Khoa Quản lý nhà nước được thành lập ngày 22/3/2013 theo Quyết định số 1181/QĐ-BGH của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, là một trong các đơn vị đầu tiên thuộc các trường đại học ngoài công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo cử nhân quản lý nhà nước và mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành quản lý công. Khoa có 11 cán bộ giảng viên cơ hữu và trên 50 giảng viên thỉnh giảng gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ là những cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực tiễn, nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. PGS. TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Khoa Quản lý nhà nước phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS. TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Khoa Quản lý nhà nước cho biết: Trong 10 năm qua, Khoa Quản lý nhà nước đã đạt được các kết quả quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, giảng dạy. Khoa đã đào tạo gần 1000 sinh viên, đã có hơn 500 sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, trong đó có 57 sinh viên Lào. Ngoài ra, khoa đã xây dựng chương trình và tham gia giảng dạy các lớp liên thông, tại chức, kết quả đến nay có 3573 sinh viên đã được cấp bằng, còn lại 129 sinh viên đang theo học. Tính từ năm 2017 đến nay, khoa đã thực hiện giảng dạy 5 khóa cao học quản lý công, với tổng số 452 học viên; có 270 học viên đã tốt nghiệp, 122 học viên đang chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp; 60 học viên đang theo học. Đa số các học viên tốt nghiệp đều đạt loại khá, giỏi. Nhiều học viên sau khi nhận bằng thạc sĩ quản lý công đã được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, trưởng, phó phòng chuyên môn hoặc bổ nhiệm vào ngạch công chức, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp trong bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Để nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện chủ trương gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, khoa đã thành lập Hội đồng khoa, hàng năm xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm qua, khoa đã triển khai nghiên cứu thành công 2 đề tài khoa học cấp trường, xây dựng 7 cuốn giáo trình; tổ chức 4 hội thảo khoa học với các chủ đề khác nhau mang tính cấp thiết, thời sự: Thuật ngữ khái niệm hành chính và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy; xây dựng nền quản trị nhà nước hiện đại; căn cứ khoa học trong phân cấp quản lý hệ thống các cơ quan, tổ chức; những vấn đề trong quản trị tổ chức các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, từ thực tiễn các trường đại học. Các cán bộ, giảng viên của khoa tích cực nghiên cứu, viết và công bố các bài báo khoa học trên tạp chí của trường và các tạp chí chuyên ngành ngoài trường. GS. TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích Khoa Quản lý nhà nước đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị khoa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng chương trình, hiệu quả đào tạo, thu hút số lượng sinh viên chính quy, học viên cao học theo học nhiều hơn nữa. Phương Thanh  

Quyết tâm, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

BTĐKT - Sáng 14/11, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cuốn sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương, kết nối trực tuyến tới 396 điểm cầu với hơn 16 nghìn đảng viên. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban; Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban; Phan Văn Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng ban; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Ban; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban; Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên các chi bộ thuộc Đảng bộ Ban; trưởng các đoàn thể thuộc Ban; toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Ban. Các đại biểu dự tại điểm cầu Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Tại hội nghị, GS. TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã giới thiệu nội dung cuốn sách. Cuốn sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, xuất bản. GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Cuốn sách tuyển chọn 40 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII của Đảng, có dung lượng hơn 500 trang. Nội dung cuốn sách cho thấy tinh thần trách nhiệm, tư duy tầm chiến lược, tư tưởng chỉ đạo rất toàn diện, sâu sắc, song cũng rất cụ thể, qua đó thể hiện tư tưởng, quan điểm và những định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung, các địa phương nói riêng. Cuốn sách cũng thể hiện sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương đối với sự lãnh đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư. Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị Trung ương 3, 4, 5, 6 và Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII; những chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với 6 vùng kinh tế; đối với các lĩnh vực, các lực lượng, với từng ngành, thể hiện quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân cả nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội, không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh: Các bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ góp phần khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cũng nghiêm khắc chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần kiên quyết khắc phục, một số khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, những định hướng, gợi mở quan trọng để các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế; tiếp tục khơi dậy khát vọng, tinh thần cống hiến phát triển đất nước phồn vinh. Vì vậy, từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ủy Khối và cấp ủy các cấp cần tập trung khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra qua đánh giá kiểm điểm giữa nhiệm kỳ vừa qua, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu, chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động trong Đảng bộ Khối đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường hơn nữa việc phối hợp công tác với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá đã được Đại hội XIII của Đảng bộ Khối đề ra. Chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; các mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát, công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể trong hai năm cuối nhiệm kỳ; phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, kiện toàn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030. Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị cho đại hội các đảng bộ trực thuộc, Đại hội XIV của Đảng bộ Khối, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng… Phương Thanh

Nâng cao năng lực điều trị và chăm sóc người cao tuổi

BTĐKT - Từ ngày 10 - 11/11/2023, tại Hà Nội, Hội Lão khoa Việt Nam phối hợp Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV. Đây là một hoạt động thường niên quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi, học tập và cập nhật kiến thức của giới y khoa trong nước và quốc tế về bệnh lý và các chính sách cho người cao tuổi. Lễ khai mạc Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS. TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết: Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu và là thách thức cho hệ thống y tế trên toàn thế giới. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2019, số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của nước ta là 11,41 triệu người (chiếm 11,86% tổng dân số); năm 2012 có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% dân số) và con số này ngày càng tăng nhanh. Ước tính năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% dân số. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Tuổi cao được đặc trưng bởi tình trạng sức khỏe phức tạp có xu hướng xuất hiện vào những năm sau của cuộc đời. Đó là các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, rối loạn dáng đi và ngã, suy giảm hoạt động chức năng… Thêm vào đó, tình trạng đa bệnh lý, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng phục hồi sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt. Mặt khác, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cũng cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm đến. Ngày 10/11, Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV mang đến những bài báo cáo và chia sẻ từ các chuyên gia y tế đầu ngành trên thế giới, từ các quốc gia tiên tiến, nơi có nhiều kinh nghiệm về việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, hội nghị cũng sẽ trao đổi, thảo luận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong việc xây dựng hệ thống y tế lão khoa và mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa trên thế giới và tại Việt Nam. Phiên khoa học ngày 11/11 sẽ cung cấp các thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi như sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, các bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, đái tháo đường, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp, huyết học…, phát triển chuyên ngành cấp cứu lão khoa và điều dưỡng lão khoa. Kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng được chia sẻ tại hội nghị sẽ giúp ích cho các cán bộ y tế trong thực hành lâm sàng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Phương Thanh

Nhiều hoạt động phong phú trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

BTĐKT - Chiều 9/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. Với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 được tổ chức nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Gặp mặt báo chí thông tin về chương trình Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú.Ở cấp trung ương, có 3 sự kiện lớn: Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS diễn ra ngày 25/11/2023 tại TP Hải Phòng; Hội nghị khoa học ANRS - MIE ngày 15 - 16/11 tại TP Hải Phòng; Hội thảo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày 21/11 tại Cần Thơ và ngày 5/12 tại Thanh Hóa. Các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông: Giải chạy trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS; ra mắt nhạc kịch về Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và hành trình PEPFAR 20 năm; Đêm nhạc "Hy vọng màu đỏ"; Tọa đàm và hội thảo xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho phụ nữ có H và phụ nữ thuộc nhóm KPs; sự kiện "Sống trọn vẹn" gồm hội thảo, tọa đàm về sáng kiến của cộng đồng trong dự phòng HIV trong thanh thiếu niên; Hội nghị tổng kết chiến dịch tự xét nghiệm; tập huấn cho cán bộ y tế của phòng khám ngoại trú về dự phòng và điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao/HIV... Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện tại ở Việt Nam có gần 250 nghìn người nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231 nghìn người. Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo PGS. TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 rất cần sự chung tay của cả động đồng. Những người có hành vi nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm để đưa vào điều trị, sử dụng thuốc ARV (hiện thuốc ARV được BHYT chi trả). Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm. Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV… Bình Nguyên  

Ngày Pháp luật Việt Nam - lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp những giá trị mới

Ngày 9/11/1946 là ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày 9/11 hằng năm được lấy làm Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, ngày 06/11/2022. Ảnh minh họa Điều thứ 1, Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quy định này thể hiện tinh thần “Dân là gốc”, mọi việc đều bắt nguồn từ dân, làm được hay không cũng là ở nơi dân. Hiến pháp năm 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng dân chủ, pháp quyền, tạo nên nguyên tắc và phương thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước sao cho lạm quyền, lộng quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của Nhân dân được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Bộ máy nhà nước có các thành tố cơ bản như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và chính quyền địa phương được tổ chức trên nguyên tắc “Đoàn kết toàn dân...; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”, được thể hiện trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa đặc biệt của Hiến pháp năm 1946, ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Pháp luật không phải là để trừng trị con người, mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những hình thức, biện pháp triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhằm đề cao Hiến pháp và pháp luật, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Thông qua Ngày Pháp luật Việt Nam có thể xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước. Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Hiệu lực của pháp luật chỉ có được khi mọi người nghiêm chỉnh chấp hành”. Văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người. Năm 2023 là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhiều mô hình, cách thức triển khai có hiệu quả đang được nhân rộng như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức mít tinh, tọa đàm, hội thảo, tập huấn pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tổ chức Ngày hội pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp luật miễn phí; tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức cổ động trực quan… Những hoạt động này được triển khai từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đến địa phương; từ các tổ chức đoàn thể đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Vì pháp luật không chỉ là công cụ để nhà nước quản lý xã hội; phương tiện để công dân thưc hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp những giá trị mới. Tham dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết.  Thủ tướng nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội. Theo Thủ tướng, việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của đất nước. Thủ tướng mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức tuân thủ pháp luật để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc./. Theo: tapchitoaan.vn

Tập đoàn Hoa Sen: Nhìn lại một năm lan tỏa yêu thương trong chương trình "Mái ấm gia đình Việt"

BTĐKT - Chương trình "Mái ấm gia đình Việt" ghi dấu ấn sau hơn 1 năm phát sóng, thực hiện sứ mệnh "mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng" của Tập đoàn Hoa Sen, lan tỏa giá trị yêu thương đến các em nhỏ mồ côi trên khắp mọi miền đất nước. Từ một chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Mái ấm gia đình Việt - một trong nhiều dự án được tài trợ bởi Hệ thống Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen), tiếp tục mở rộng đối tượng hướng đến các em nhỏ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, thiếu vắng một gia đình trọn vẹn. Trải qua 63 chương trình đã sản xuất, Mái ấm gia đình Việt đã nhận được rất nhiều yêu thương từ chính quyền địa phương các cấp, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và các đài truyền hình địa phương trên cả nước. Đặc biệt, chương trình khơi gợi tính nhân văn và sự sẻ chia đến với những trẻ em mồ côi trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Không có khoảng cách địa lý, chỉ có những giá trị “yêu thương” Với 63 tập phát sóng, Mái ấm gia đình Việt đã đi qua nhiều nơi, ghi hình ở nhiều địa điểm khác nhau. Bất chấp khoảng cách địa lý, ê-kíp thực hiện chương trình đã tìm kiếm các nhân vật trên 17 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An. 124 nghệ sĩ đã có mặt tại chương trình, không chỉ tiếp thêm động lực về tinh thần mà còn tặng thêm những phần quà ý nghĩa như một hành động “nhường cơm sẻ áo”, giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể, MC Đại Nghĩa tặng các gia đình 30 triệu; Cát Phượng tặng 20 triệu; Nhật Kim Anh, Khánh Phương và Ưng Hoàng Phúc mỗi người tặng 15 triệu đồng; các nghệ sĩ: Phi Phụng, Trung Dân, Tuấn Tú, Thanh Hương... tặng toàn bộ cát-xê. MC Thanh Thảo, nghệ sĩ Võ Minh Lâm tặng các phần học bổng, tiếp sức để các em nhỏ được học hết lớp 12. Số tiền mà các nghệ sĩ tặng thêm vào khoảng 500 triệu đồng. Xúc động khi lắng nghe câu chuyện của các nhân vật có hoàn cảnh khó khăn đến với chương trình Với 189 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, trong đó có không ít gia đình có đến 4-5 em nhỏ mồ côi, thiếu vắng đi tình yêu thương của cha mẹ. Vượt qua những thử thách trong chương trình, các em nhỏ và gia đình của mình nhận được những khoản tiền có giá trị, phần nào giúp cuộc sống bớt vất vả hơn, 6 tỷ 165 đồng là tổng số tiền mà Mái ấm gia đình Việt đã trao đi, số tiền này đã hỗ trợ đắc lực cho các gia đình trong việc giảm bớt gánh nặng kinh tế và đảm bảo việc đến trường cho các em. Khoảnh khắc những tấm bảng logo giá trị được rút ra, những nụ cười hạnh phúc xen lẫn những giọt nước mắt xúc động của nhân vật, của khán giả và của các nghệ sĩ khách mời càng góp phần tạo nên giá trị ý nghĩa cho chương trình. Vỡ òa cảm xúc trong những phần rút bảng logo Khi yêu thương đủ lớn, mọi thách thức đều có thể vượt qua Nhìn lại hành trình vừa qua, Mái ấm gia đình Việt đã rong ruổi trên khắp các nẻo đường Việt Nam, MC Quyền Linh đã không giấu được cảm xúc dâng trào: “Ấn tượng nhất với tôi chính là cái tâm, cái tình của cả ê-kíp và đặc biệt là nhà tài trợ Tập đoàn Hoa Sen. Trong khoảng thời gian kinh tế rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, mọi người đều lo công việc riêng để phát triển kinh tế, nhưng cả đoàn như thế cứ toàn tâm toàn ý lo cho Mái ấm gia đình Việt, làm sao để những hoàn cảnh khó khăn có được hạnh phúc. Tôi nhớ, Nghệ An đón chúng tôi bằng một cái nắng chói chang, có khi thời tiết lên đến hơn 40 độ. Hay những lúc mưa gió ở Sóc Trăng, chúng tôi vẫn phải quay hình, không thể dừng lại được. Vì nếu dừng lại thì có tận 3 gia đình không được hỗ trợ, họ không có tiền và khó khăn lại chồng chất khó khăn. Chính vì thế, cho dù mưa gió bão bùng đi nữa thì chúng tôi vẫn làm, chương trình Mái ấm gia đình Việt vẫn luôn là nơi che chở cho tất cả mọi người”. Là một khách mời trong chương trình, nghệ sĩ Ốc Thanh Vân cho biết bản thân đã lâu không xuất hiện trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, khi biết chương trình Mái ấm gia đình Việt mang tính chất hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, cô đã quyết định tham gia. “Lý do tôi có mặt ở đây là giúp các em có thêm động lực và niềm tin để luôn mạnh mẽ trước những khó khăn”, nữ diễn viên khẳng định. Trước những mất mát của nhân vật càng làm cho Ốc Thanh Vân trân trọng gia đình và dành nhiều thời gian hơn cho các con của mình. Diễn viên Đàm Hằng xem việc tham gia chương trình là một cơ hội để chia sẻ và đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời cũng là cơ hội để con gái cô hiểu hơn về tình yêu thương giữa mọi người với nhau. Đàm Hằng nói: “Con gái 13 tuổi của tôi cũng đề nghị đập heo đất lấy tiền tiết kiệm giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tôi vui vì con còn nhỏ nhưng biết chia sẻ, lan tỏa yêu thương tới mọi người xung quanh. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn trong xã hội”. Hạnh phúc khi những giá trị yêu thương được lan tỏa và đón nhận Chị Thùy Trang, Báo Người Lao Động chia sẻ, sau Covid-19 thì hệ lụy để lại rất lớn, trong đó có những đứa trẻ trở nên mồ côi cha, mẹ thậm chí là mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những hoàn cảnh đó làm cho mọi người rất đau lòng. Nhưng vì là tình hình chung sau đại dịch nên không phải ai cũng có điều kiện để giúp đỡ. “Vì vậy, khi Mái ấm gia đình Việt ra đời và đặc biệt hướng tới những đối tượng này thì tôi tin rằng đó là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn và có thể lan tỏa đến cộng đồng. Hy vọng, Mái ấm gia đình Việt sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa vì tôi tin rằng, khi hành trình của Mái ấm gia đình Việt đi càng dài sẽ càng có nhiều gia đình được giúp đỡ và những hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ ít dần đi”, chị Thùy Trang nói. Chị Thanh Châu, Báo Thanh Niên cho biết, hình ảnh những em nhỏ mồ côi dù sống trong nghèo khó vẫn lạc quan và lương thiện đã thật sự chạm tới trái tim người xem. Chị nói: “So với những chương trình thuần tính giải trí chỉ lướt qua và vui một phút chốc thì Mái ấm gia đình Việt đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc, sự sâu lắng, giúp tôi sống chậm hơn. Một điều nữa không giống với những chương trình khác là người chơi chính trong Mái ấm gia đình Việt là các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Nó cũng dạy cho các em nhỏ được sự nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống rằng mình cứ cố gắng rồi sẽ đạt được những thành tích tốt. Chương trình đã lan tỏa được sự lạc quan về một tương lai tươi sáng nên tôi cảm thấy rất ấm áp khi theo dõi chương trình”.   Với 63 chương trình đã sản xuất vừa qua là cả một hành trình làm việc không ngừng nghỉ của ê-kíp thực hiện, sự góp mặt của các nghệ sĩ, sự đồng hành của MC Quyền Linh cùng với Tập đoàn Hoa Sen. Mái ấm gia đình Việt hứa hẹn sẽ tiếp tục ghé đến nhiều địa phương hơn nữa trên khắp dải đất hình chữ S, tiếp tục trên con đường hoàn thành sứ mệnh “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng” lan tỏa những giá trị yêu thương trong cuộc sống. Chương trình Mái ấm gia đình Việt phát sóng lúc 20h20 thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7 do Công ty Golden Moon phối hợp với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, với sự đồng hành của Hệ thống siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen). Không chỉ dẫn đầu trên thị trường sản xuất, kinh doanh tôn mạ tại Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen còn xây dựng thành công hình ảnh của một thương hiệu gắn kết với cộng đồng. Hơn 22 năm kiên định với giá trị cốt lõi "Trung thực – Cộng đồng – Phát triển", Tập đoàn Hoa Sen đã và đang khẳng định dấu ấn thương hiệu thông qua nhiều chương trình tài trợ, từ thiện mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc như: Vượt lên chính mình, Trái tim nhân ái, Lục lạc vàng, Toả sáng nghị lực Việt, Tôn Hoa Sen – Cùng em đi học, Giải bóng đá Futsal cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cặp lá yêu thương, Hát cho ngày mai, Mái ấm gia đình Việt… Xuân Phúc  

Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023

BTĐKT - Ngày 27/10, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023), tập trung vào nghiên cứu và phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục và công nghiệp 4.0. GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức HaFPES 2023 báo cáo đề dẫn Phát biểu đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức HaFPES 2023 chia sẻ: Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục là sự kiện thường niên, được tổ chức liên tục từ năm 2021. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức, diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu về khoa học giáo dục và khoa học sư phạm. Diễn đàn HaFPES 2023 có tổng cộng 136 tóm tắt công trình nghiên cứu từ trong và ngoài nước, với 34 báo cáo trực tiếp tại hội thảo và 71/95 bài được duyệt đăng trong kỷ yếu. Các chủ đề chính của hội thảo bao gồm: Lãnh đạo trường học, giáo dục sư phạm, đánh giá giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá HaFPES 2023 là sự kiện quan trọng, tập hợp được các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục, các thầy cô giáo hàng đầu của cả nước, cũng như các nhà khoa học quốc tế. Hội thảo HaFPES 2023 đánh dấu sự mở rộng về quy mô, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chủ đề hội thảo đa dạng, phong phú, với nhiều chủ đề mới hấp dẫn, sẽ là dịp để các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, các nhà nghiên cứu trẻ có không gian rộng mở để trao đổi, chia sẻ, bày tỏ những quan điểm cá nhân về những hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học. Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng các đại biểu tham gia hội thảo sẽ có những trao đổi, đánh giá sâu sắc, phát triển những ý tưởng mới và phương pháp nghiên cứu hiệu quả trong thời gian tới. HaFPES 2023 diễn ra trong hai phiên chung và mười phiên song song, với những báo cáo chất lượng từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Tại các phiên chung, hội thảo đã nghe 4 báo cáo quan trọng đề cập đến những vấn đề rất căn bản như bản chất con người và vai trò của giáo dục; các xu thế mới trong đo lường kết quả giáo dục; chất lượng giáo viên và đào tạo giáo viên trong ASEAN; khoa học thần kinh trong trị liệu các vấn đề về rối loạn học tập. Các phiên song song được chia thành 5 chủ đề chính gồm: Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số; từ chính sách đến thực tiễn; giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0: Từ nghiên cứu đến ứng dụng trong giáo dục. Phương Thanh  

Thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản

BTĐKT - Ngày 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản. Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì với sự phối hợp của Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số. Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản. Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, sự tiên phong và thành công trong việc thực hiện chuyển đổi số, đưa mô hình đưa tin truyền thống sang nhiều định dạng mới bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đã không những giữ chân được độc giả cũ mà còn thu hút được nhiều độc giả mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều thách thức cạnh tranh từ các mạng xã hội. Ở Việt Nam, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo điện tử tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số và dữ liệu tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu, sản xuất nội dung… Các đồng chí chủ trì hội thảo Nhằm hiện thực hóa Quyết định 348/QĐ-TTg của Thủ tướng về chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản được tổ chức nhằm mục đích nhìn nhận các chuyển biến trong xu hướng chuyển đổi số báo chí, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản. Phần tham luận chính của các chuyên gia tại hội thảo đã đề cập đa dạng các vấn đề từ thách thức và cơ hội của chuyển đổi số báo chí, các xu hướng phát triển của báo chí và xuất bản số, mô hình tòa soạn hội tụ trong xu thế mới, cho đến những hoạt động tạo ra mô hình kinh doanh mới với sự phát triển báo chí và xuất bản sử dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu, những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và sáng tạo nội dung cho báo chí và xuất bản. Sau phần tham luận là phần tọa đàm với các chủ đề về: Chính sách và hành động với chiến lược chuyển đổi số báo chí; sáng kiến chuyển đổi số báo chí định hướng phát triển báo chí dữ liệu; các quan điển, nguyên tắc định hướng sử dụng AI trong báo chí số; bản quyền các sản phẩm/tài liệu số trong không gian số; phân tích dữ liệu và AI thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông và xuất bản. Các báo cáo, tham luận cũng như tọa đàm trong buổi hội thảo phản ánh các góc nhìn khác nhau về điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện chuyển đổi số cơ quan báo chí. Đồng thời, đưa ra giải pháp nền tảng hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản. Minh Phương

Khai mạc Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân khu vực phía Nam năm 2023

BTĐKT - Sáng 25/10, tại Nhà Văn hóa Quân khu 5 (TP Đà Nẵng), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khai mạc Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân khu vực phía Nam năm 2023. Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và phát biểu khai mạc hội thi. Trung tướng Nguyễn Văn Gấu,  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu khai mạc hội thi Tham gia hội thi có 12 đội thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trong đó tham gia thi chính là cán bộ Hội phụ nữ (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban chấp hành) đạt giải cao, được lựa chọn từ Hội thi cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng. Nội dung thi gồm 3 phần: Kiến thức, tuyên truyền, năng khiếu. Phát biểu khai mạc hội thi, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh: Công tác phụ nữ trong quân đội là một bộ phận công tác vận động quần chúng của Đảng, một mặt hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong quân đội đã có bước phát triển mới, đạt được nhiều kết quả tốt, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong và ngoài quân đội. Trung tướng Nguyễn Văn Gấu cho rằng, những cống hiến và thành tích đạt được trong hoạt động phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ của các đơn vị trong toàn quân; trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ. Các đồng chí là những hạt nhân tiêu biểu, là trung tâm đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò của các hội viên trong công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ của đơn vị. Để không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ Hội phụ nữ trong quân đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo. Để hội thi đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu yêu cầu: Ban giám khảo phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, làm việc công tâm, khách quan, đánh giá chính xác kết quả của từng thí sinh và đội thi; lựa chọn những tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu đề nghị biểu dương, khen thưởng trong hội thi. Đối với cán bộ, hội viên tham gia hội thi, chấp hành nghiêm quy chế hội thi của Ban Tổ chức và quy định của đơn vị đăng cai; đề cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, cầu thị, tập trung trí tuệ, phát huy khả năng, kinh nghiệm; bình tĩnh, tự tin, phấn đấu giành kết quả cao nhất trong hội thi. Phần thi tuyên truyền với chủ đề: “Phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 tự hào viết tiếp bản hùng ca”. Chiều 27/10/2023, sẽ diễn ra chương trình bế mạc, công diễn các nội dung thi đạt giải xuất sắc và trao thưởng các nội dung cho cá nhân, tập thể. Trước đó, từ ngày 1 - 6/10/2023, Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân năm 2023, khu vực phía Bắc đã được tổ chức tại Đoàn An điều dưỡng 295/Quân khu 3 (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng), với gần 500 cán bộ, hội viên, chiến sĩ thuộc 31 cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng khu vực phía Bắc tham dự đã thành công tốt đẹp, trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị. Hội thi cán bộ Hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân năm 2023 nhằm đánh giá chất lượng, năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ Hội; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hải Vân

Trang